Trạm xăng New Zealand tê liệt; HQ trợ cấp sinh con; Lỗ hổng y tế HQ; 'Thế hệ lửa' Ukraine; Thông điệp Liên bang của Nga

Loạt trạm xăng New Zealand tê liệt vì ngày nhuận

Nhiều trạm xăng tự phục vụ khắp New Zealand tê liệt do phần mềm thanh toán không nhận diện được ngày 29/2 của năm nhuận.

Hàng loạt các hãng xăng dầu lớn ở New Zealand hôm nay thông báo gặp trục trặc tại các trạm xăng tự phục vụ do khách hàng không thể thanh toán được bằng thẻ. Nguyên nhân là do ngày nhuận 29/2, xảy ra 4 năm một lần, không được lập trình trên hệ thống xử lý của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.

"Tình trạng này xảy ra trên toàn quốc, ảnh hưởng đến tất cả các hãng", Julian Leys, phát ngôn viên chuỗi xăng dầu Gull, cho biết.

Đối thủ của Gull là hãng Allied Petroleum, hãng Waitomo đều báo cáo vấn đề tương tự. Hãng Z Energy cũng gửi lời xin lỗi khách hàng, cho biết đang làm việc với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán để giải quyết nhanh nhất có thể.

Tại thủ đô Wellington, nhiều trạm xăng phải đóng cửa hoàn toàn, hiển thị bảng thông báo "không thể thanh toán trên toàn quốc - trạm ngừng phục vụ". Các hãng phải thử nghiệm bản sửa lỗi phần mềm vào buổi trưa. Nhiều hãng đã thông báo hệ thống thanh toán hoạt động trở lại vào khoảng 19h (13h giờ Hà Nội).

"Hôm nay là một ngày khó khăn đối với các tài xế", phát ngôn viên Leys nói. Quản lý một trạm xăng của Allied Petroleum cho hay hãng sử dụng dịch vụ thanh toán của nhà cung cấp mới từ năm ngoái. Hãng Gull cam kết sẽ có một ngày giảm giá vào tuần sau để bù đắp cho sự cố này.

New Zealand là một trong những quốc gia đầu tiên đón ngày nhuận 29/2, sự kiện 4 năm mới có một lần.

Một năm dương lịch tính theo chu kỳ Trái đất quay quanh Mặt trời, mất 365 ngày và 6 giờ. Năm dương lịch có số nguyên là 365 ngày. Như vậy, một năm dương lịch còn thừa 6 giờ, 4 năm dồn lại thừa 24 giờ, tương đương một ngày, chính là ngày 29/2 của năm nhuận.

Phụ nữ Hàn Quốc được trợ cấp gần 2 tỷ đồng để sinh con

“Đây là lần đầu tiên sau 10 năm làm việc tại công ty, tôi nhận được số tiền trị giá 100 triệu won. Thật là ngại quá đi, nhưng điều đó mang lại cảm xúc tốt.”

Chị Min Ji-yeon, 34 tuổi, mới đây đã nhận được 100 triệu won (hơn 1,8 tỷ đồng VN) từ công ty. Lý do là vì chị sinh đứa con đầu lòng vào tháng 7 năm 2021.

Trả lời BBC Tiếng Hàn, chị Min cho biết: “Đây là số tiền công ty đưa cho tôi để nuôi con nên tôi sẽ dùng nó để mua thức ăn cho cháu. Khi cháu lớn lên thì nhu cầu cũng sẽ nhiều hơn.”

Đầu năm nay, thông tin Tập đoàn kinh doanh nhà ở Boo Young có chính sách trợ cấp thai sản 100 triệu won cho mỗi đứa trẻ được các nhân viên công ty sinh từ năm 2021 trở về sau nhanh chóng trở thành chủ đề nóng. Theo công ty, 66 nhân viên đã nhận được tổng số tiền 7 tỷ won cho đến nay.

Phó Chủ tịch Lee Jung-geun nói rằng mức hỗ trợ chưa từng có này là nhằm “giải quyết vấn đề tỷ suất sinh thấp”.

Khi hiện tượng tỷ suất sinh thấp ngày càng trầm trọng ở Hàn Quốc, không chỉ chính phủ mà cả các công ty cũng đang xắn tay áo khuyến khích sinh con.

Theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc vào ngày 28/2, tỷ suất sinh hằng năm ở nước này vào năm ngoái là 0,72, với tổng số lượng ca sinh là 230.000. Đây là tỷ lệ thấp kỷ lục.

Tỷ suất sinh trong quý 4 năm ngoái là 0,65, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử tỷ suất sinh hằng quý nằm trong khoảng 0,6.

Tỷ lệ này chỉ số trẻ em mà mỗi phụ nữ được dự đoán sẽ sinh ra trong cuộc đời.

Để duy trì ổn định dân số, con số này cần là 2,1.

Nếu xu hướng này tiếp diễn, dân số Hàn Quốc sẽ suy giảm 50% vào năm 2100.

Thưởng tiền mặt

Trong khi chính phủ đang triển khai nhiều nỗ lực khuyến khích để tăng tỷ suất sinh, các công ty cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ tiền mặt đáng kể cho nhân viên.

POSCO cũng hỗ trợ tiền mặt cho nhân viên, chẳng hạn hỗ trợ 3 triệu won khi sinh con (5 triệu won cho con thứ hai trở lên), cho nghỉ phép điều trị vô sinh và hỗ trợ chi phí điều trị, và các phúc lợi như làm việc tại nhà trong thời gian chăm sóc trẻ (tới 8 tuổi hoặc đến lớp 2 tiểu học).

Ngoài ra, nhiều hệ thống hỗ trợ thai sản khác nhau cũng được thực hiện tại các công ty lớn hoặc vừa, như tập đoàn hóa dầu Kumho, HD Hyundai, tập đoàn Lotte và tập đoàn Yuhan.

Tại sao không chỉ chính phủ mà cả các công ty, vốn hoạt động vì lợi nhuận, lại nỗ lực khuyến khích sinh con?

Hwang Yong-sik, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong, giải thích: “Nếu nhìn từ nước ngoài, bạn có thể tự hỏi liệu các công ty có nên tiến xa đến mức này về mặt phúc lợi cho nhân viên hay không, nhưng vấn đề tỷ lệ sinh thấp lại rất nghiêm trọng ở Hàn Quốc. Ở đây, không chỉ chính phủ mà các công ty cũng đang hành động.”

Vai trò của các công ty

“Cân bằng giữa công việc và cuộc sống” được coi là một trong những nguyên nhân gây ra tỷ lệ sinh thấp kỷ lục của Hàn Quốc, nên sự hợp tác của doanh nghiệp là điều cần thiết để tăng tỷ lệ sinh.

Đặc biệt, khi số lượng các cặp vợ chồng có thu nhập kép (hai vợ chồng cùng có thu nhập) tăng lên, phụ nữ thường phải nghỉ việc do sinh con và chăm sóc con cái.

Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia, trong số 7.943.000 phụ nữ đã kết hôn từ 15 đến 54 tuổi tính đến tháng 4 năm ngoái, 1.349.000 phụ nữ đã nghỉ việc, với 42% cho biết “chăm sóc con cái” là lý do khiến họ phải dừng công việc, tiếp theo là hôn nhân (26%), sau đó là mang thai và sinh con (23%).

Chị Min cho biết do vừa đi làm vừa nuôi con nên “tôi thấy cả hai việc đều bị ảnh hưởng”.

“Tôi thấy có lỗi khi không thể dành nhiều thời gian cho con mình. Nếu con đột nhiên bị ốm khi tôi đang làm việc tại công ty, tôi phải xin nghỉ phép năm… Rốt cuộc, xung quanh tôi có rất nhiều người đã rời bỏ (công ty) khi con cái họ lớn lên và hầu hết trong số họ đều là phụ nữ.”

Bởi vì phụ nữ thường được coi là người chăm sóc chính nên nam giới khó có thể thoải mái nghỉ phép để chăm sóc con cái hoặc làm việc tại nhà, ngay cả khi họ muốn.

Một báo cáo của nhóm hoạt động phúc lợi Workplace Gapjil 119 trích dẫn câu chuyện của một người cha: “Khi tôi báo cáo với trưởng bộ phận rằng tôi muốn sử dụng chế độ nghỉ thai sản và chăm sóc trẻ em, tôi được thông báo rằng chưa có người đàn ông nào từng nghỉ phép để chăm sóc trẻ em trong công ty của chúng tôi. Sau đó đã xuất hiện những lời chỉ trích về thái độ làm việc của tôi.”

Tình hình đang được cải thiện, với số lượng nam giới nghỉ chăm con lần đầu tiên vượt quá 50.000 vào năm ngoái, tức 3 trên 10. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới nghỉ chăm con vẫn thấp hơn nhiều so với nữ, chỉ ở mức 27,1% so với nữ (72,9%).

Bởi vì công ty đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân nên có nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp để thân thiện hơn với gia đình không chỉ là mong muốn mà còn cần thiết.

Tuy nhiên, ngoài nhu cầu thay đổi bầu không khí chung của xã hội và doanh nghiệp, còn có sự hoài nghi về việc liệu các chính sách của doanh nghiệp nhằm khuyến khích sinh con bằng tiền mặt có hiệu quả và bền vững hay không.

Giáo sư Hwang đánh giá: “Thật tốt nếu một công ty thực hiện trách nhiệm xã hội của mình song song với việc tạo ra lợi nhuận và thực hiện quản lý hiệu quả hoạt động một cách hợp lý, nhưng nếu một công ty không làm tốt điều này (nếu hỗ trợ bằng tiền mặt quá mức), thì nó có thể trở thành một động thái phô trương.”

Ngoài ra còn có vấn đề khác trong quản trị. Hệ thống phúc lợi nội bộ liên quan đến sinh con có thể tạo ra một gánh nặng khác đối với công ty bởi những nhân viên không có con sẽ cảm thấy thiệt thòi.

Việc hỗ trợ bằng tiền mặt, trên thực tế, cũng rất khó khăn đối với hầu hết các công ty, tức là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh số bán hàng thấp hơn các tập đoàn lớn hoặc công ty cỡ vừa.

Kim Mi-na (không phải tên thật), một nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30 sắp sinh con, chia sẻ: “Công ty tặng 500.000 won làm tiền mừng, tôi cảm thấy rằng (sự hỗ trợ) là rất ý nghĩa dù giá trị chưa bằng các công ty khác.”

Theo thống kê của Tổng cục Thuế Quốc gia, số lao động báo cáo nhận trợ cấp thai sản và chăm sóc trẻ em được miễn thuế từ các công ty tính đến năm 2022 là 472.380, chỉ chiếm 2,3% tổng số người làm công ăn lương. Tính mức trợ cấp trung bình cho mỗi người là khoảng 680.000 won, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn miễn thuế là 1,2 triệu won mỗi năm.

Rất khó để biết con số chính xác do trợ cấp thai sản và chăm sóc trẻ em ngoài phần được miễn thuế đều được tính vào thu nhập chung.

Oh Jin-ho, Chủ tịch Ủy ban điều hành Workplace Gapjil 119, nhấn mạnh rằng “chính mô hình (cân bằng giữa công việc và chăm sóc trẻ em) phải được thay đổi, có thể bằng cách chính phủ ban hành quy định bắt buộc về chế độ nghỉ phép để chăm sóc trẻ thay vì chỉ tập trung vào việc hỗ trợ tiền mặt từ các công ty”.

Theo khảo sát năm 2022 của Viện Chính sách Phụ nữ Hàn Quốc, các chính sách cần thiết nhất để cân bằng giữa công việc và gia đình là “triển khai các hệ thống làm việc linh hoạt, như đi làm lệch thời gian, làm việc tại nhà và làm việc bán thời gian” (20,9% người trả lời) và “cấp thêm chế độ nghỉ phép cho cha mẹ mới sinh con” (13,7%).

Lỗ hổng y tế tại Hàn Quốc và "biến chứng" xấu cho xã hội

Hàn Quốc đang phải chứng kiến làn sóng đình công của hàng nghìn bác sĩ thực tập kéo dài sang tuần thứ 2 liên tiếp, khiến hệ thống y tế chìm trong hỗn loạn, đe doạ gây ra một cuộc khủng hoảng về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ kéo dài.

Tâm bão khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc

Trong khi các bác sĩ phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y mà họ cho rằng không cần thiết, thì chính phủ kiên quyết không nhượng bộ và đưa ra “tối hậu thư” để yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc.

Theo một số liệu thống kê, Hàn Quốc hiện có 2,5 bác sĩ trên 1.000 dân - một trong những tỷ lệ thấp nhất trong số các nước phát triển. Vì lẽ đó, chính phủ Hàn Quốc điều chỉnh quy mô tuyển sinh cho ngành y hơn 2.000 người nhằm bù đắp số lượng sinh viên ngành y đã giảm xuống còn 7.000 người, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành y đã không hề tăng trong suốt hơn 30 năm qua. Thêm vào đó, tại Hàn Quốc có 17 trường đại học y với quy mô sinh viên ngành y dưới 50 người. Vì thế, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh với mức độ nào đó sẽ giúp các trường đại học y hoạt động suôn sẻ.

Tuy nhiên, điều mà các bác sĩ phản đối là tăng số lượng tuyển sinh, nhưng việc đưa ra các giải pháp cụ thể và quan trọng cải thiện môi trường y tế, chế độ lương phù hợp đối với các đối tượng chuyên môn trong ngành thì lại không có. Điều này có thể sẽ dẫn đến một sự mất cân đối trong tương lai.

Về phía chính phủ lại cho rằng việc các bác sĩ đồng loạt thôi việc là hành động cực đoan lấy tính mạng của bệnh nhân làm "con tin" nhằm “ép” chính phủ. Cũng có ý kiến cho rằng, lập trường này của chính phủ nhằm mục đích phản bác lại tuyên bố của Hội đồng Giáo sư ngành y Hàn Quốc, có nội dung chỉ ra rằng Chính phủ chịu trách nhiệm lớn nhất về việc các bác sĩ nội trú nộp đơn thôi việc tập thể và sinh viên ngành y nộp đơn xin nghỉ học bảo lưu kết quả học tập.

Lập trường các bên đều đang rất gay gắt, chưa có sự thương lượng nào để giải quyết vấn đề.

Lỗ hổng y tế

Báo chí Hàn Quốc cho rằng, thu nhập giữa các các bác sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau tại Hàn Quốc có sự chênh lệch rất lớn gây ra nhiều bất cập. Nhìn một cách tổng thể, ngành y tế Hàn Quốc đang phải đối diện với vấn đề “lỗ hổng y tế”.

Nhiều bác sĩ thôi việc đã khiến hoạt động khám chữa bệnh ngừng trệ và bệnh nhân là người phải chịu thiệt thòi nhất. Đáng lo ngại là tỷ lệ tử vong do không kịp thời cứu chữa có thể gia tăng. Vừa qua, một bệnh nhân ngoài 80 tuổi bị tử vong do ngừng tim sau khi bị 7 trung tâm cấp cứu tại thành phố Daejeon từ chối tiếp nhận. Hàn Quốc hiện không trong tình trạng khẩn cấp như hồi dịch Covid-19 nhưng lại có bệnh nhân tử vong do không có bác sĩ cấp cứu là một điều khó chấp nhận. Ngay cả Bộ Y tế Hàn Quốc cũng cho rằng việc các bác sĩ ngừng việc tập thể ở quy mô lớn là chưa từng xảy ra ở quốc gia nào trên thế giới.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa chính phủ với ngành y tế cũng như với các Hiệp hội Y học có thể sẽ gia tăng và khó giải quyết. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã tố cáo lên Cảnh sát 5 người thuộc Ủy ban đối sách khẩn cấp Hiệp hội Y học Hàn Quốc (KMA) với cáo buộc vi phạm Luật y tế, xúi giục và kích động hành vi gây cản trở công việc. Đây là lần đầu tiên Chính phủ tố giác các bác sĩ.

Tính mạng người dân là quan trọng

“Không đàm phán, không thoả hiệp” là tuyên bố của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong tâm bão khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc hiện nay. Tuyên bố này được cho là nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật của một quốc gia.

Nhưng trên thực tế, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ sinh mệnh của người dân như đang vận hành phòng cấp cứu tại 409 cơ sở cấp cứu trên toàn quốc 24/24 giờ, đảm bảo không để xảy ra trở ngại nào đến tình trạng khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế công cộng sẽ vận hành hệ thống khám điều trị khẩn cấp. 97 bệnh viện công cộng sẽ kéo dài thời gian thăm khám trong ngày thường, cũng như triển khai khám chữa bệnh vào cuối tuần và ngày nghỉ lễ. 12 bệnh viện quân y cũng sẽ mở cửa để khám và điều trị cho người dân thường, phòng cấp cứu và mở rộng thăm khám cho bệnh nhân ngoại trú trong trường hợp cần thiết.

Chính phủ có kế hoạch sẽ cho phép việc khám chữa bệnh từ xa trong thời gian đội ngũ bác sĩ nội trú nghỉ việc tập thể, để các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và bệnh nhân nhẹ không gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cơ quan y tế.

Chính phủ cũng công bố danh sách các cơ sở y tế, hiệu thuốc mở cửa, đảm bảo các bệnh nhân có thể khám chữa bệnh trực tuyến.

Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho rằng, các vụ kiện tụng liên quan tới tranh chấp y tế làm gia tăng là gánh nặng cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Chính phủ cũng sẽ tiến hành sửa đổi Luật giảm nhẹ thiệt hại do sự cố y tế và hòa giải tranh chấp y tế, bắt buộc nhân viên y tế tham gia bảo hiểm trách nhiệm. Bộ Y tế sẽ tiến hành trưng cầu ý kiến về hai dự luật vào ngày hôm nay (29/2).

Trong khi đó, chính phủ vẫn cứng rắn và đưa ra lệnh rằng ngày hôm nay là thời hạn làm việc trở lại của các bác sĩ, nếu không sẽ bị xử lý bằng pháp luật bao gồm cả việc đình chỉ giấy phép hành nghề.

Dù thế nào chính phủ và các bác sĩ Hàn Quốc cần phải nhanh chóng đưa ra những thỏa thuận ban đầu và điều tối quan trọng là phải tôn trọng quyền lợi khám chữa bệnh của người dân được thông suốt.

Ngành y vốn được đánh giá là ngành kém hấp dẫn tại Hàn Quốc do vất vả, nhiều rủi ro lại có thu nhập không thoả đáng nên nhiều năm qua không thu hút được đủ nguồn nhân lực cần thiết. Có lẽ, chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành y cần phải đi kèm với các giải pháp cải thiện chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc mới có thể khuyến khích các y bác sĩ gắn bó với nghề, góp phần để ngành y Hàn Quốc phát triển một cách bền vững.

Nỗi lòng của "Thế hệ lửa" Ukraine: Phải sống sót trước, tính tương lai sau

Những người Ukraine sống sót, cho dù họ đã chiến đấu trên chiến trường hay phải chịu đựng nỗi kinh hoàng thời chiến với tư cách là thường dân, đều đoàn kết lại bằng kinh nghiệm tập thể của họ.

"Hai năm vừa qua đã trôi qua. Thật khó để theo kịp mọi thứ đã xảy ra, vì vậy tôi vẫn chưa thể hình dung được mình nhớ nhà đến mức nào", Larysa, một thanh niên Ukraine 18 tuổi sống ở Vienna (Áo) kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga, chia sẻ cùng Kyiv Independent.

Cuộc chiến khốc liệt đã buộc người Ukraine trong độ tuổi từ 18-25 phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, đôi khi làm thay đổi cuộc sống vào thời điểm mà lẽ ra họ phải tận hưởng sự khởi đầu tuổi trưởng thành.

Nếu họ không ở nước ngoài để cố gắng hòa nhập vào một nền văn hóa nước ngoài, thì họ đang cố gắng tiếp tục cuộc sống bình thường ở Ukraine, hoặc trong các trường hợp khác, là ở tiền tuyến.

Có sự tương đồng trong cuộc xung đột hiện nay với sự khủng khiếp thời Thế chiến thứ nhất khiến người ta dễ so sánh những người trẻ Ukraine với cái gọi là "Thế hệ đã mất" xuất hiện ở nửa đầu thế kỷ 20. Nhưng thuật ngữ "mất" có thể gây hiểu nhầm đôi chút.

Trong trường hợp này, có lẽ sẽ phù hợp hơn nếu gọi biệt danh được dùng cho nhóm này ở Pháp vào cuối những năm 1920 là: Thế hệ lửa. Những người sống sót, cho dù họ đã chiến đấu trên chiến trường hay phải chịu đựng nỗi kinh hoàng thời chiến với tư cách là thường dân, đều đoàn kết lại bằng kinh nghiệm tập thể của họ.

Các cuộc trò chuyện với "Thế hệ lửa" Ukraine, những người trưởng thành trong suốt thập kỷ có khúc mắc và xung đột với Nga, cho thấy họ hiểu rõ như lòng bàn tay về những gì mà họ phải đối mặt, bất chấp một vài khoảnh khắc tuyệt vọng hoặc gần như vỡ mộng.

Nhưng dù họ ở nước ngoài, ở quê nhà hay chiến đấu ở tiền tuyến, nhiều thanh niên Ukraine đều muốn đạt được những điều vĩ đại không chỉ mang lại lợi ích cho họ mà còn cho tương lai của Ukraine.

"Một ngày nào đó tôi sẽ trở lại Ukraine"

Trước khi cuộc xung đột với Nga bùng nổ, Larysa đã lên kế hoạch học y khoa tại thành phố quê hương Chernivtsi. Cô nói: "Tôi từng suy nghĩ rất nhiều về những hy vọng và ước mơ cho tương lai. Bây giờ tôi không biết phải mong đợi điều gì".

Ý nghĩ rời đi ban đầu không xuất hiện trong đầu cô - giống như bất kỳ thanh niên bình thường nào - cô muốn học xong và dành thời gian cho bạn bè. Nhưng sau đó gia đình đã thuyết phục cô rời đi vào tháng 3/2022 và cùng mẹ cô đến Vienna, người đã ở đó để làm việc.

Chernivtsi từng là một phần của Đế quốc Áo-Hung, vì vậy phong cách kiến trúc tương tự ở Vienna gợi nhớ về quê hương. Nhưng những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa trong vài tháng đầu tiên ở Áo khiến Larysa khó hòa nhập.

Cô cho hay, nói chuyện với những thanh niên Ukraine khác "là một trong những điều giúp tôi tỉnh táo". "Tôi thậm chí còn không nhớ liệu chúng tôi có cuộc trò chuyện nào không bắt đầu từ chiến tranh hay không. Đó chủ yếu là một dạng liên kết tổn thương nào đó khi tất cả chúng tôi chỉ ôn lại trải nghiệm cá nhân vào buổi sáng khủng khiếp đó (ngày 24/2/2022 khi chiến sự bùng nổ)".

Chiến tranh luôn tồn tại bên lề cuộc sống hàng ngày với thế hệ trẻ của cô. Larysa không nhớ rõ tất cả những sự kiện cách đây một thập niên nhưng có một số khoảnh khắc vẫn còn in sâu trong ký ức, như khi cô giúp mẹ nướng hàng trăm chiếc bánh nướng nhỏ để gây quỹ cho những người lính Ukraine đang chiến đấu ở phía đông.

Cô nói: "Tôi cảm thấy tự hào về bản thân ngày hôm đó. Tôi hiểu rằng tôi đã làm điều gì đó để giúp đỡ người khác".

Larysa đang trong quá trình hoàn thành khóa học bằng tiếng Đức và vật lý, với kế hoạch bắt đầu học đại học ở Vienna. Cô hy vọng sẽ sử dụng kiến thức thu được ở nước ngoài để tạo ra tác động tích cực khi trở về Ukraine, nhưng hiện tại, tương lai trước mắt của cô nằm ngoài biên giới nước này.

"Một ngày nào đó tôi sẽ trở lại Ukraine", Larysa nói. "Tôi muốn làm phần việc của mình để đảm bảo đất nước tôi độc lập và các thế hệ người Ukraine tương lai không có lý do gì để rời đi. Tôi muốn họ tự hào rằng họ là người Ukraine".

"Thế hệ chúng tôi sẽ phải xây dựng lại đất nước"

Những năm đại học của một người thường được nhìn lại một cách trìu mến như một khoảng thời gian khám phá bản thân, đánh dấu bước chuyển sang tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều thanh niên Ukraine trong độ tuổi 18-25 đã bị tước đi trải nghiệm này, đầu tiên là do đại dịch Covid-19, sau đó là do chiến sự với Nga.

Những người không trốn khỏi đất nước cùng gia đình hoặc gia nhập Lực lượng vũ trang Ukraine sau ngày 24/2/2022, thấy mình đang thực hiện một nhiệm vụ dường như bình thường - hoàn thành chương trình học đại học - trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Mối quan tâm chính của sinh viên đại học lý tưởng nhất là xoay quanh những thứ như thành tích học tập, đảm bảo thực tập hoặc có các mối quan hệ lãng mạn. Nhưng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, nhiều người trong số họ cũng phải lo lắng về việc sống sót.

Kateryna, một sinh viên 21 tuổi đang hoàn thành chương trình học đại học tại Đại học Quốc gia Kharkov, nói với Kyiv Independent: "Cuộc chiến chắc chắn đã gây ra tổn thương to lớn cho tôi và những người trẻ khác ở độ tuổi của tôi... Thật đáng sợ khi nghĩ về tương lai".

Các bài học tại Đại học Quốc gia Kharkov - một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu của Ukraine - hiện chủ yếu được tổ chức trực tuyến vì lý do an ninh. Kharkov thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV do nằm gần biên giới Nga.

Theo Kateryna, mặc dù các bài học trực tuyến là giải pháp thay thế khả thi nhất trong những hoàn cảnh đầy thách thức như vậy, nhưng chúng lại là một "hạn chế đáng kể" đối với cả học sinh và giáo viên.

Cô nói: "Nhiều người trong chúng tôi thiếu động lực học tập, vì chúng tôi nhận thấy mình trở thành những con người khác không còn phù hợp với chuyên ngành mà chúng tôi đã chọn theo đuổi ban đầu".

Điều này cũng khiến một số sinh viên đánh giá lại các ưu tiên của họ khi phải lựa chọn giữa công việc và học tập hoặc quyết định theo đuổi một con đường sự nghiệp khác với con đường mà họ đã chọn ban đầu.

Cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn nhiều nhất có thể đối với các sinh viên đại học ở Kharkov, nhưng như Kateryna lưu ý, việc học tập và giao tiếp xã hội hiện nay thường diễn ra trong bối cảnh bị Nga tấn công liên tục và cái chết của những người quen, bạn bè hoặc những người thân yêu.

Bất chấp những khó khăn mà người dân Kharkov phải đối mặt, Kateryna không thể tưởng tượng được việc phải rời nhà. Cô nói: "Tôi thực sự muốn ở lại và sống ở quê hương".

Hướng về phía tây đến các thành phố như Chernivtsi, sinh viên đại học không phải sống với mối đe dọa trực tiếp từ pháo kích như các bạn cùng lứa ở Kharkov. Nhưng bóng ma chiến tranh vẫn là một nhân tố quan trọng trong cuộc sống của họ, đặc biệt là đối với những chàng trai trẻ.

Serhiy, 21 tuổi đến từ Chernivtsi, nghĩ đến việc học cao học khi còn đang học năm cuối chương trình đại học và lấy bằng tốt nghiệp ngay cả trước cuộc xung đột nổ ra. Nhưng bây giờ anh thấy mình đang theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận liên quan đến việc hoãn nhập ngũ đối với những người muốn học cao hơn.

Nam thanh niên dưới 25 tuổi chưa qua huấn luyện quân sự hiện không bị điều động. Serhiy và những người bạn đã từng bị các sĩ quan nhập ngũ chặn lại trên đường trước đây, nhưng họ có thể tránh bị đưa đến văn phòng nhập ngũ ngay khi xuất trình bằng chứng tài liệu rằng họ là sinh viên.

Đồng thời, họ hiểu rằng đã hai năm trôi qua kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu và không có dấu hiệu rõ ràng nào về việc khi nào tất cả những điều này sẽ kết thúc. Họ sẽ không phải là sinh viên mãi mãi.

"Thế hệ của chúng tôi sẽ phải xây dựng lại đất nước", Serhiy nói với Kyiv Independent.

"Đó là lý do tại sao, theo quan điểm của tôi, nhà nước cần tập trung vào việc bảo vệ những người trẻ tuổi tốt hơn vì việc di cư từ Ukraine vẫn là một vấn đề lớn. Tình hình nhân khẩu học chỉ trở nên tồi tệ hơn do chiến tranh, khiến những người trẻ hiểu biết càng trở nên có giá trị hơn (đối với tương lai của Ukraine) mỗi ngày trôi qua".

Không ai trong vòng quan hệ xã hội trực tiếp của Serhiy đã nhập ngũ. Họ đang cố gắng tập trung vào việc thực tập và chuẩn bị học cao học nhưng chiến tranh vẫn là chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của họ. Anh cho biết anh và bạn bè luôn cố gắng quyên góp cho các quỹ tình nguyện khi có thể và luôn cập nhật tin tức từ tuyến đầu.

Đôi khi họ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và duy trì mối quan hệ với những người trẻ đã rời bỏ đất nước mà họ biết.

Anh nói: "Thật khó để nghĩ rằng một số đồng nghiệp của bạn đang ở nước ngoài và sống cuộc sống - đôi khi chỉ cách đó vài trăm km - mà không có cùng thực tế chiến tranh".

Nhưng Serhiy thừa nhận rằng ở Chernivtsi họ an toàn hơn nhiều so với các vùng khác của Ukraine. Serhiy có những người bạn khác ở những vùng nguy hiểm hơn, như Odessa gần đó. Anh ấy luôn cố gắng kiểm tra họ khi có tin tức về các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc UAV.

"Đây là số phận mà chúng tôi đã phải gánh chịu và chúng tôi hiểu rằng chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để các thế hệ người Ukraine tương lai không phải trải qua những khó khăn tương tự", anh nói.

Sống sót trước, lên kế hoạch cho tương lai sau

Ngay từ khi còn trẻ, một số người Ukraine đã "hiểu rất rõ người Nga là ai và họ muốn gì ở chúng tôi", một người điều khiển UAV 21 tuổi có biệt danh là Kesha nói với Kyiv Independent.

"Gần đến khoảng 13, 14 tuổi, tôi nhận ra rằng mình sẽ phải phục vụ trong quân đội, thậm chí có thể phải cầm vũ khí và chiến đấu".

Theo Kesha, người gốc vùng Kiev, anh đã bắt đầu chuẩn bị về thể chất và tinh thần cho kết quả này từ nhiều năm trước bằng cách tham gia các buổi đào tạo và diễn tập y tế.

Khi chiến sự nổ ra, Kesha gia nhập Lực lượng Vũ trang Ukraine. Nhiều bạn bè và bạn cùng lớp của anh cũng làm như vậy, nhưng khi cuộc chiến tàn khốc ở Nga bước sang năm thứ ba, "không còn lại bao nhiêu người nữa", anh nói.

Một bác sĩ quân y 23 tuổi có biệt hiệu là Dok cũng đã tận mắt chứng kiến việc chiến đấu ở tiền tuyến đã thay đổi cuộc sống của bạn bè và bạn cùng lớp của anh như thế nào. Nhiều người trong số họ đã bị giết, bị thương nặng hoặc bị bắt làm tù binh.

"Thành thật mà nói, tôi không thực sự muốn gặp những người trẻ ở độ tuổi của tôi ở đây", anh nói. "Thật khó để chứng kiến một người nào đó ở độ tuổi 20 bị mất chân tay hoặc tệ hơn. Họ có thể đã có cả cuộc đời phía trước", Dok nói.

Mặt khác, Kesha chỉ ra sự thiếu hụt của thế hệ trẻ ở tiền tuyến, nhấn mạnh tiềm năng của họ để "hoàn thành nhiều hơn" so với những người lính lớn tuổi.

"Tôi chỉ muốn biết rằng (những người trẻ khác) quan tâm đến chúng tôi", anh nói thêm.

Bất chấp tác động không thể phủ nhận của tất cả những điều này đối với sức khỏe tinh thần của họ, họ vẫn kiên trì. Không có cách nào khác. Cuộc sống mà họ trì hoãn đang chờ đợi họ ở quê nhà, mặc dù họ không chắc chắn về cuộc sống dân sự sẽ như thế nào khi nghĩa vụ quân sự của họ kết thúc.

"Tôi muốn làm gì (sau chiến tranh)? Tôi không biết… có lẽ tôi sẽ đi biển trước, rồi xem cuộc sống mang lại điều gì", Dok nói. "Tất nhiên tôi muốn lập gia đình nhưng hiện tại đó chỉ là giấc mơ. Tôi đang tập trung vào nhiệm vụ trước mắt và chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Kesha nói rằng anh muốn "sống yên bình và tĩnh lặng trong một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố" với vợ con vào một ngày nào đó. "Nhưng đó là chuyện sau, sau chiến thắng… tôi phải sống sót trước đã. Và thậm chí điều đó cũng không dễ dàng như vậy".

Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga qua những con số

Theo kế hoạch, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đọc Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện Quốc hội vào ngày 29/2.

Đây là bài phát biểu thường niên, trong đó tổng thống đánh giá tình hình đất nước và vạch ra những định hướng chính trong chính sách đối nội - đối ngoại.

Từ năm 2000 đến nay, các tổng thống Nga đã đọc Thông điệp Liên bang trước quốc hội 22 lần. Trong đó ông Putin phát biểu 18 lần, và ông Dmitry Medvedev phát biểu bốn lần trong nhiệm kỳ tổng thống.

Bài phát biểu dài nhất kéo dài 1 giờ 55 phút, được ông Putin đọc vào năm 2018. Bài phát biểu ngắn nhất là vào năm 2004 và 2005 (mỗi bài dài 48 phút). Trung bình, các bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin dài 1 giờ 10 phút, còn độ dài trung bình các bài phát biểu của ông Medvedev là 1 giờ 20 phút.

Theo thông lệ, khoảng 1.000 người sẽ nghe trực tiếp bài phát biểu Thông điệp Liên bang của tổng thống, bao gồm các thành viên Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) và các thành viên Duma Quốc gia (tức Hạ viện), cũng như các bộ trưởng nội các, các quan chức chính quyền, các lãnh đạo khu vực, người đứng đầu các giáo phái tôn giáo chính ở Nga, các nhà ngoại giao, nhà báo... Năm 2023, những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng được mời tham dự sự kiện.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/2 cho biết một số phóng viên nước ngoài đã được cấp phép để đưa tin về bài phát biểu sắp tới của Tổng thống Putin.

Nguồn: Vnexpress; BBC; VOV; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang