'Bom nổ chậm' từ bệnh cúm; Kinh tế Nga tăng mạnh; Người Israel biểu tình; Nga-Syria tấn công IS; Bán đảo Triều Tiên dậy sóng

DỊCH CÚM TIẾP TỤC LÀ MỐI ĐE DỌA LỚN NHẤT VỚI NHÂN LOẠI

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới cảnh báo bệnh cúm tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu và nhiều khả năng nhất làm bùng nổ đại dịch tiếp theo trong tương lai gần.

Giới chức y tế trên khắp thế giới vẫn đang tìm cách nắm bắt những bài học xương máu từ Covid-19 và nỗ lực xác định biện pháp tốt nhất để ngăn chặn đại dịch kế tiếp phát sinh. Hiện bệnh cúm được cho có nhiều khả năng nhất gây ra đại dịch trong tương lai gần.

Nhiều cảnh báo

Ngày 24.4 tới, tại cuộc họp báo về các vấn đề y tế trên toàn cầu ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus dự kiến sẽ đề cập những mối đe dọa chực chờ đối với sức khỏe người dân thế giới, đặc biệt là bệnh cúm. Vài ngày sau đó, tại hội nghị của Hiệp hội Châu Âu về vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm (ESCMID) được tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha), những người tham gia sẽ nghe công bố chính thức kết quả cuộc khảo sát quốc tế về nguy cơ xảy ra đại dịch kế tiếp.

Theo tờ The Guardian, 57% trong số 187 nhà khoa học hàng đầu thế giới cho rằng một chủng vi rút cúm sẽ gây ra đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm chết chóc trên phạm vi toàn cầu.

Tiến sĩ Jon Salmanton-Garcia của Đại học Cologne (Đức), người thực hiện cuộc khảo sát, cho hay kết quả xác định cúm là mối đe dọa lớn nhất đến từ cuộc nghiên cứu dài hạn cho thấy vi rút cúm không ngừng tiến hóa và đột biến. "Đến mùa đông cúm lại tái xuất. Bạn có thể gọi các đợt bùng phát là những trận dịch nhỏ. Dù ít hay nhiều, con người vẫn kiểm soát được tình hình, vì các chủng vi rút khác nhau gây ra dịch cúm vẫn chưa đủ độc lực, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát (trong tương lai)", tiến sĩ Salmanton-Garcia nhắc nhở.

Sau cúm, một nguy cơ khác được đề cập là bệnh X, loại bệnh lạ giả định nguy hiểm trong tương lai. Có đến 21% số nhà khoa học tham gia cuộc nghiên cứu đưa ra cảnh báo này. Một số nhà khoa học còn cho rằng SARS-CoV-2 (vi rút gây Covid-19) vẫn là mối đe dọa cho sức khỏe toàn cầu, với 15% số chuyên gia đồng ý SARS-CoV-2 nhiều khả năng gây ra đại dịch mới trong tương lai gần. Chỉ có 1 - 2% số người tham gia cho rằng các chủng vi rút từng gieo rắc chết chóc cho con người, như Lassa, Nipah, Ebola và Zika có thể gây ra đại dịch tiếp theo.

Nguy cơ từ H5N1

Hơn 1 tuần trước, WHO lên tiếng lo ngại về tốc độ lây lan nhanh chóng của cúm gia cầm H5N1 trên toàn thế giới. Đợt dịch đang diễn ra bắt đầu từ năm 2020 và gây tổn thất hàng chục triệu gia cầm và quét sạch hàng triệu chim chóc nơi hoang dã. Gần đây nhất, vi rút H5N1 lây sang động vật có vú, bao gồm gia súc nuôi ở 12 tiểu bang Mỹ. Wired dẫn thông tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên cúm gia cầm lây từ gia súc sang người ở một nông trại tại bang Texas. AFP dẫn thông báo của WHO cho biết đã phát hiện H5N1 trong sữa của các gia súc nhiễm bệnh.

Trả lời chuyên san Nature, tiến sĩ Daniel Goldhill ở Đại học Thú y Hoàng gia Anh cảnh báo danh sách loài động vật có vú nhiễm cúm gia cầm đang gia tăng, và kéo theo đó là nguy cơ vi rút tiến hóa thành chủng đe dọa con người cũng tăng. Nhà vi rút học Ed Hutchinson của Đại học Glasgow (Scotland) cho hay việc gia súc nhiễm H5N1 là điều bất ngờ và gây sốc cho giới khoa học. "Vi rút lây lan càng nhiều thì cơ hội chúng đột biến càng cao", The Guardian dẫn phân tích của ông Hutchinson.

Cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa ghi nhận được dấu hiệu cho thấy H5N1 lây từ người sang người. Tuy nhiên, trong hàng trăm trường hợp con người nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc với động vật suốt hơn 20 năm qua, hậu quả cực kỳ đáng sợ. Nhà khoa học Jeremy Farrar của WHO cảnh báo tỷ lệ tử vong đặc biệt cao vì con người không có khả năng miễn dịch tự nhiên trước vi rút.

Tiến sĩ Salmanton-Garcia khuyến cáo thêm con người đang quên đi một số bài học giúp ngăn chặn bệnh dịch lây lan dưới thời Covid-19, chẳng hạn như quên đeo khẩu trang. "Chúng ta có thể hối tiếc vì điều đó", ông kết luận.

BẤT CHẤP “BÃO” TRỪNG PHẠT, KINH TẾ NGA TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Giám đốc Bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Alfred Kammer dự đoán, nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay bất chấp các lệnh trừng phạt.

Theo hãng tin RT, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi IMF công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Âu mới nhất, ông Kammer đã nhắc tới khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga, dù Moscow phải đối mặt với các lệnh trừng phạt trên diện rộng.

“Điều chúng tôi dự báo cho Nga là tăng trưởng thực sự trong năm nay, và chúng tôi cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng khá mạnh trong năm 2023. Điều này có được là do hoạt động kinh tế vẫn tốt nhờ khối lượng xuất khẩu dầu được duy trì trong lúc giá cao”, ông Kammer nói.

Cũng theo ông Kammer, Nga đang có sự phục hồi về tiêu dùng, tăng lương thực tế, và thị trường lao động mạnh mẽ. Vị quan chức IMF giải thích thêm, phần lớn tăng trưởng kinh tế Nga có được nhờ “sự bùng nổ đầu tư” vào các doanh nghiệp nhà nước, mà đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, cũng như gia tăng đầu tư liên quan đến thay thế nhập khẩu.

Đầu tuần trước, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga, với kỳ vọng GDP của Nga sẽ tăng 3,2% trong năm nay, trong khi mức dự báo hồi tháng 1 là 2,6%. Nga được cho sẽ vượt lên trên một số nền kinh tế lớn của phương Tây về mức tăng trưởng trong năm 2024 bao gồm Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Pháp (0,7%), và Đức (0,2%).

Trong khi đó, Bộ Kinh tế Nga dự tính tăng trưởng GDP năm 2024 của nước này sẽ đạt 3,6%, bằng với mức năm ngoái.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt phương Tây là nhờ Moscow nhanh chóng chuyển hướng thương mại sang phương Đông, và nhiều chính sách kinh tế đã được thực hiện để bù đắp tác động của lệnh trừng phạt.

NGƯỜI DÂN ISRAEL ĐỔ RA ĐƯỜNG PHẢN ĐỐI CHÍNH PHỦ

Hàng nghìn người Israel đã đổ ra đường tuần hành để yêu cầu nhà chức trách tổ chức bầu cử mới và chính phủ có thêm hành động để đưa các con tin đang bị Phong trào Hồi giáo Hamas giam giữ ở Dải Gaza trở về.

Theo Reuters, các cuộc biểu tình rầm rộ ở Israel hôm 20/4 diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza đã bước sang tháng thứ 7 và người dân nước này ngày càng phẫn nộ đối với cách chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu xử lý vụ 133 con tin Do Thái vẫn bị Hamas giam giữ.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hầu hết người Israel đổ lỗi cho ông Netanyahu về những sai sót an ninh dẫn đến vụ đột kích đẫm máu của các tay súng Hamas nhằm vào miền nam Israel hôm 7/10/2023, khiến gần 1.200 người thiệt mạng.

Theo thống kê của Israel, các tay súng Hamas đã bắt giữ 253 người làm con tin trong vụ đột kích ngày 7/10. Một số con tin đã được phóng thích theo một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 11 năm ngoái, nhưng những nỗ lực nhằm đảm bảo một thỏa thuận khác dường như đã bị đình trệ.

Ông Netanyahu cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch chống Hamas của Israel ở Gaza cho đến khi tất cả các con tin được trở về nhà và nhóm vũ trang thân Iran bị tiêu diệt. Xung đột đã khiến hơn 34.000 người Palestine thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác ở Gaza bị thương, theo thống kê của giới chức y tế địa phương.

Cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào Israel tuần trước đã chuyển hướng chú ý khỏi cuộc xung đột ở Gaza. Đối với nhiều người thân của các con tin vẫn còn bị giam giữ tại vùng đất bị bao vây này, họ ngày càng có cảm giác thời gian không còn nhiều và hy vọng đang vụt tắt dần.

Ông Netanyahu, thủ tướng tại vị lâu nhất ở Israel, đã nhiều lần bác bỏ tổ chức bầu cử sớm với lí do việc đi bỏ phiếu giữa xung đột sẽ chỉ có lợi cho Hamas.

“Chúng tôi ở đây để phản đối chính phủ luôn kéo chúng tôi xuống, tháng này qua tháng khác. trước ngày 7/10 và sau ngày 7/10. Chúng tôi đang tiếp tục đi xuống theo vòng xoáy”, Yalon Pikman, 58 tuổi, một người tham gia tuần hành ở Tel Aviv bày tỏ.

LIÊN QUÂN NGA-SYRIA TẤN CÔNG IS

Ngày 21/4, thông báo của Bộ Quốc phòng Syria cho hay, quân đội nước này và Nga đã tiến hành các hoạt động quân sự chống lại các thành trì của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Đông Syria.

Theo THX, các hoạt động có sự tham gia của máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và pháo binh, được tiến hành ở vùng nông thôn của tỉnh phía Đông Deir al-Zour và thành phố cổ Tadmur ở vùng nông thôn phía Đông tỉnh Homs.

Hoạt động phối hợp chung đã dẫn đến việc phá hủy một số trụ sở của IS và tiêu diệt hàng chục thành viên tổ chức khủng bố này, bao gồm cả các thủ lĩnh của nhóm.

Tại tỉnh Daraa phía Nam Syria, một nhóm khủng bố đã cố gắng tấn công một trạm kiểm soát quân sự và đụng độ với lực lượng Syria, dẫn đến thương vong và thu giữ vũ khí của những kẻ khủng bố. Ngoài ra, quân đội Syria ở tỉnh miền Bắc Aleppo đã bắn hạ một số máy bay không người lái của bọn khủng bố.

Cũng trong ngày 21/4, Đài quan sát nhân quyền Syria cho hay, kể từ đầu năm 2024, IS đã thực hiện 117 chiến dịch khủng bố, khiến 333 người thiệt mạng. Trong số các nạn nhân, 24 người là thành viên IS, 37 thường dân, số còn lại là lực lượng chính phủ và các chiến binh ủng hộ chính phủ.

Theo đài quan sát, mặc dù phải chịu thất bại vào năm 2019 tại Baghouz của tỉnh Deir al-Zour, khu vực sinh sống cuối cùng do IS kiểm soát, nhóm này vẫn tiến hành các cuộc tấn công trong khu vực, chủ yếu nhắm vào quân đội Syria.

Cơ quan giám sát có trụ sở tại Anh cũng cho biết, mặc dù các lực lượng Syria, hợp tác với lực lượng Nga, đang tiến hành các hoạt động nhằm triệt phá các chi nhánh của nhóm này, nhưng các hoạt động quân sự của nhóm này vẫn chưa bị ngăn chặn hoàn toàn.

BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN DẬY SÓNG SAU VỤ PHÓNG TÊN LỬA ĐẠN ĐẠO

Triều Tiên đã bắn “một số” tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào thứ Hai (22/4) về phía vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này, quân đội Hàn Quốc cho biết. Sự kiện này khiến Seoul nhanh chóng lên án, coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Cảnh báo của chính phủ Nhật Bản và lực lượng tuần duyên của nước này cũng cho biết Triều Tiên đã bắn thứ có vẻ là tên lửa đạn đạo. Đài truyền hình NHK cho biết tên lửa dường như đã rơi xuống bên ngoài khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng thứ mà họ nghi là một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ gần thủ đô Bình Nhưỡng. Các tên lửa bay khoảng 300 km (186 dặm) và rơi xuống biển.

Thông tin về vụ phóng được đưa ra khi Hàn Quốc cho biết quan chức quân sự hàng đầu của nước này, Đô đốc Kim Myung-soo, đã tiếp đón Tư lệnh Bộ Tác chiến Không gian Hoa Kỳ, Tướng Stephen Whiting, vào hôm thứ Hai để thảo luận về việc phát triển vệ tinh trinh sát của Triều Tiên và sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Bình Nhưỡng và Moscow.

Sau hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vào tháng 9, Triều Tiên bị nghi ngờ cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga để xâm chiếm Ukraine, mặc dù cả hai đều phủ nhận cáo buộc này.

Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị phóng thêm một vệ tinh do thám khác, sau khi đưa thành công một vệ tinh do thám lên quỹ đạo hồi tháng 11.

Triều Tiên tuần trước cho biết họ đã phóng một tên lửa hành trình chiến lược để thử đầu đạn lớn và một tên lửa phòng không mới.

Đầu tháng 4, Triều Tiên đã phóng một tên lửa siêu thanh tầm trung mới như một phần trong quá trình phát triển tên lửa nhiên liệu rắn trong tất cả các tầm bắn trong kho vũ khí của mình, dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

“Triều Tiên đang tập trung phát triển vũ khí nhanh chóng, không chỉ vì lợi ích quân sự mà còn vì tính hợp pháp chính trị theo chủ nghĩa dân tộc-công nghệ của chế độ Kim”, Giáo sư Leif-Eric Easley của Đại học Ewha ở Seoul nhận định.

Triều Tiên đã bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về phát triển tên lửa đạn đạo, bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng khi vi phạm quyền chủ quyền trong việc tự vệ.

Tháng trước, Nga đã phủ quyết việc gia hạn hàng năm việc giám sát các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, khiến các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cáo buộc Moscow đang khuyến khích Bình Nhưỡng. Trung Quốc bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an.

Trước đây, Nga và Trung Quốc đều đã bỏ phiếu thông qua tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an chống lại Triều Tiên. Cả hai từng nỗ lực yêu cầu gia hạn các biện pháp trừng phạt hàng năm nhưng không thành công.

Nguồn: Thanh Niên; Vietnamnet; Báo Mới; Báo Quốc Tế; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang