Người Việt hải ngoại: Du học sinh gặp khó ở Mỹ; Mang phở tới Rovaniemi; 3 mỹ nhân làm dâu Ấn Độ; Nam diễn viên trầm cảm ở Mỹ

DU HỌC SINH VIỆT TẠI MỸ GẶP KHÓ GIỮA LÀN SÓNG BIỂU TÌNH

Dù chưa ảnh nhiều tới học tập, song các cuộc biểu tình trong khuôn viên đại học Mỹ khiến du học sinh Việt khó khăn hơn trong sinh hoạt.

Phạm Thiệu Bảo, sinh viên năm thứ hai ngành Kinh tế và Khoa học chính trị, Đại học Columbia, cho biết ba tuần nữa sẽ đến kỳ thi nhưng phải chuyển học online vì các cuộc biểu tình phản đối chiến sự Gaza.

"Chủ tịch trường bị sinh viên phản đối dữ dội, nhà trường cũng khóa hết cổng và cảnh sát luôn túc trực ở bên ngoài", Thiệu Bảo mô tả. "Trường cũng có các phòng ban về sức khỏe tâm thần, trợ giúp các sinh viên gặp vấn đề tâm lý".

Một nghiên cứu sinh người Việt khác ở Đại học Columbia nói trường là một trong nơi căng thẳng nhất, với khoảng 200 người biểu tình. "Mỗi lần vào trường là phải đi một vòng qua cảnh sát, kiểm tra thẻ và nhiều thủ tục khác, rất gắt gao", anh cho biết.

Theo Đặng Trúc Quỳnh, nghiên cứu sinh tại Cornell Tech, một cơ sở có liên kết với Israel của Đại học Cornell tại New York, nhiều học viên đăng ký lớp 3 tín chỉ về khởi nghiệp tại Israel đã bị hủy học phần, hoàn tiền vé máy bay và ăn ở. Địa điểm mới của môn học được chuyển đến Silicon Valley.

Còn Vũ Hương Thảo, sinh viên năm thứ tư ở Đại học Cornell, nói từ tuần trước, các nhóm biểu tình đã có nhiều hoạt động, như khảo sát nhằm kêu gọi nhà trường dừng đầu tư vào các công ty sản xuất vũ khí hay phản đối tình trạng bài Do Thái.

Thảo và chị Quỳnh đánh giá các cuộc biểu tình ở Cornell diễn ra ôn hòa. "Việc học của em may mắn không bị gián đoạn, em vẫn có thể tới trường", Thảo cho hay.

Tuy nhiên, các hoạt động khác có thể sẽ bất tiện hơn.

"Trường phong tỏa nhiều lối đi chính khiến sinh viên di chuyển khó khăn. Ngoài ra, các không gian chung dành cho hoạt động ngoại khóa cũng bị ảnh hưởng", một sinh viên Việt ở Đại học New York nói.

Trên khắp nước Mỹ, phong trào biểu tình ủng hộ Palestine trong xung đột ở Dải Gaza diễn ra với quy mô lớn tại các đại học.

Theo Washington Post, phần lớn nhóm biểu tình thể hiện sự đồng cảm với những người Palestine thiệt mạng. Tại các trường "giàu có" như Đại học Yale và Columbia, sinh viên yêu cầu lãnh đạo trường thoái vốn khỏi các nhà sản xuất vũ khí quân sự và các nhà thầu quốc phòng có quan hệ với Israel. Bên cạnh đó, một số nhóm biểu tình phản đối việc bài Do Thái trong trường.

Tuần trước, sinh viên, giảng viên Đại học New York và Đại học Columbia dựng lều biểu tình trong khuôn viên, xô xát với cảnh sát. Tình hình tương tự ở nhiều đại học khác. Sinh viên thậm chí kiểm soát các tòa nhà, như ở Đại học California. Nhà Trắng bày tỏ quan ngại về tình hình này.

Ngày 22-23/4, cảnh sát bắt giữ nhiều sinh viên biểu tình ở Đại học Yale và Minnesota, giải tán nhóm biểu tình với gần 40 lều trong khuôn viên Đại học Michigan.

TS Hồ Phạm Minh Nhật, giảng viên người Việt ở Đại học Texas-Austin, cho hay hôm 24/4, ước tính khoảng 200 người tham gia biểu tình ở trường, 55 người bị bắt. Cảnh sát đứng khắp nơi trong khuôn viên, chặn đường nên sinh viên khó di chuyển tới lớp học, một số giáo sư tuyên bố nghỉ dạy. Ngay trong ngày, Texas-Austin phải chuyển nhiều lớp sang học trực tuyến.

"Đến 25/4, số người biểu tình tăng, nhưng họ chỉ tập trung ở tòa tháp biểu tượng của trường và bớt lộn xộn", anh Nhật nói. "Trường cấm biểu tình và cắm trại sau 22h".

Ivy League, nhóm 8 đại học tư thục hàng đầu, tuyên bố chuyển sang học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho đến hết học kỳ. Trong đó, Harvard khóa phần lớn cổng, kiểm tra giấy tờ ra vào, dựng biển cấm dựng lều trái phép. Một số trường như Đại học Nam California hoãn lịch tốt nghiệp.

Anh Trương Thế Anh, Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại New York, nơi đang diễn ra nhiều cuộc biểu tình, nhận định tình hình căng thẳng, song chủ yếu cục bộ trong khuôn viên trường.

Cả hai đều nhận định trước mắt sinh viên Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều.

"Hội sinh viên Việt Nam ở các trường trong tiểu bang New York đã đưa ra các khuyến cáo các bạn tránh xa các điểm nóng biểu tình", anh Thế Anh cho biết.

Hiện, khoảng 22.000 du học sinh Việt ở Mỹ, tập trung ở California, Texas, Washington, Masschusetts và New York.

Các du học sinh cho biết liên tục được trường gửi mail cập nhật tình hình và hướng dẫn một số hoạt động.

Chẳng hạn, tại Đại học Columbia, trường thông báo tất cả kỳ thi cuối kỳ sẽ gồm lựa chọn trực tuyến. Sinh viên cần chủ động liên hệ với giảng viên hoặc người hướng dẫn khóa học để được hỗ trợ. Ở Đại học Texas-Autin, mọi lớp học diễn ra trực tiếp trở lại, theo anh Hồ Phạm Minh Nhật.

"Em và các bạn đều hy vọng những căng thẳng sẽ sớm được giải quyết, để việc học tập trở lại bình thường", Thiệu Bảo chia sẻ.

3 NỮ DU HỌC SINH MỞ NHÀ HÀNG PHỞ TẠI ROVANIEMI, PHẦN LAN

Đam mê món ăn truyền thống Việt, 3 nữ du học sinh Việt Nam đã quyết tâm mở nhà hàng phở Việt đầu tiên ở thành phố Rovaniemi, Phần Lan và đem đến trải nghiệm không thể nào quên cho du khách thưởng thức Phở trong thời tiết giá lạnh của Cực Bắc.

Mùa đông tại ngôi làng Rovaniemi, Phần Lan thường rất lạnh giá và có tuyết rơi. Mặc dù nhiệt độ bên ngoài là -20độC nhưng bên trong không gian của nhà hàng Việt này vẫn luôn ấm cúng bởi những hương vị quen thuộc, đặc trưng của món Phở Việt.

Chị Phạm Ngô Cẩm Tú, Sáng lập Saigon Noodle Bar, Phần Lan cho biết: "Món phở Việt Nam là một món ăn đòi hỏi sự cầu kì trong nguyên liệu, vì vậy để tìm ra được xương bò có tuỷ và các nguyên liệu thì rất là khó. Nhưng tụi mình đã cố gắng để có thể tìm ra được đầy đủ nguyên liệu cần thiết để có thể nấu một món phở".

Xuất phát từ khó khăn trong việc tìm xương bò để ninh phở, và để tiết kiệm chi phí, cả 3 cô gái Việt quyết định nấu thêm món phở Tuần lộc, một món ăn rất dễ tìm thấy ở Bắc Âu. Không chỉ du khách, mà người dân địa phương cũng rất thích hương vị của món ăn vừa lạ vừa quen này.

Với giá bán khoảng 450 nghìn đồng mỗi bát phở, nhiều người vẫn sẵn sàng chờ đợi để thưởng thức hương vị đặc biệt của món phở Việt Nam.

Sau gần 4 năm thành lập, với sự nỗ lực không ngừng, 3 cô gái người Việt đã biến nhà hàng Saigon Noodle Bar trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân địa phương và du khách muốn thưởng thức ẩm thực Việt ngay tại quê hương của ông già Noel.

3 MỸ NHÂN LÀM DÂU ẤN ĐỘ: CUỘC SỐNG TRỌN VẸN, VIÊN MÃN

Hoa hậu Diệu Hoa, Võ Hạ Trâm, Nguyệt Ánh… đều lấy chồng Ấn Độ và có cuộc sống trọn vẹn, viên mãn.

Hoa hậu Diệu Hoa là “phú bà” chính hiệu

Hoa hậu Việt Nam Diệu Hoa kết hôn với doanh nhân người Ấn Độ tên Maneesh Dane vào năm 1993. Hiện vợ chồng chị sống trong biệt thự rộng 1.200 m2 ở quận 2, TPHCM.

Thỉnh thoảng, người đẹp và chồng bay sang Mỹ thăm các con. Hoa hậu Việt Nam 1990 thấy thú vị vì cuộc sống gia đình giao thoa giữa nhiều nền văn hóa.

3 người con của hoa hậu Diệu Hoa đều hiền lành, có thành tích học tập tốt. Con gái thứ hai Diệu Ly từng tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Truyền thông - Marketing tại New York University.

Hoa hậu Diệu Hoa hãnh diện khi con trai út, Ishan, trở thành kỹ sư của Meta Platforms sau khi tốt nghiệp University of Washington loại xuất sắc.

Mới đây nhất, Diệu Hoa cũng cho biết con trai vừa bắt đầu công việc tại công ty mẹ của Facebook có trụ sở ở thành phố Seattle, Washington. Ishan, sinh năm 2000, là kỹ sư trẻ nhất trong trong đội ngũ nhân sự được Meta Platforms tuyển dụng mới đây.

Theo Diệu Hoa, Ishan phải trải qua các vòng phỏng vấn, thi tuyển với tỷ lệ cạnh tranh căng thẳng. Cậu có lợi thế từng thực hiện nhiều dự án online sau khi tốt nghiệp đại học; tham gia một số cuộc thi lập trình, sáng chế robot... nên không gặp khó khăn trước những thử thách này.

Diễn viên Nguyệt Ánh - Giản dị, viên mãn

Nguyệt Ánh sinh năm 1984. Cô được khán giả biết đến qua các phim truyền hình như Dốc Tình, Cổng Mặt Trời... Nữ diễn viên kết hôn với ông xã người Ấn Độ năm 2017 và sinh con trai đầu lòng giữa năm 2018.

Nữ diễn viên lên xe hoa với ông xã Ấn Độ tên là Kilaparthy Eswar Raochia, là giáo viên dạy yoga, vào năm 2017. Hiện cả 2 có với nhau một bé trai tên Nanda.

Bé Nanda kết hợp hài hoà đường nét của mẹ Việt, bố Ấn. Nhóc tỳ thừa hưởng đôi mắt, khuôn miệng giống bố và làn da của mẹ.

Nguyệt Anh cho biết những ngày mới cưới, 2 vợ chồng gặp nhiều khó khăn trong việc dung hòa văn hóa, ngôn ngữ và cả thói quen sinh hoạt, sở thích ăn uống. Nhưng vì tình yêu, cặp đôi cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết.

Theo tiết lộ của Nguyệt Ánh, 2 vợ chồng có nhiều điểm tương đồng về tính cách như: chăm sóc gia đình, yêu thiên nhiên và thích đi phượt.

Võ Hạ Trâm - chưa từng cãi vã, luôn được cưng chiều

Võ Hạ Trâm và ông xã người Ấn Độ chính thức "về chung một nhà" vào đầu năm 2019. Cặp đôi đón con gái đầu lòng - bé Moon - hồi tháng 7/2021. 4 năm qua, cuộc sống hôn nhân của nữ ca sĩ luôn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi sự đầm ấm, hạnh phúc.

Võ Hạ Trâm từng tiết lộ ông xã Vikas luôn hết mực yêu thương và chiều chuộng vợ con. Dù bận rộn với công việc kinh doanh riêng nhưng Vikas luôn chủ động dành thời gian cho gia đình. Không chỉ ủng hộ vợ thực hiện các dự án âm nhạc, nam doanh nhân còn là hậu phương vững chắc, hỗ trợ tinh thần cho vợ.

Cả hai đã có với nhau một bé gái và hiện tại Võ Hạ Trâm đang mang thai bé thứ 2, chờ ngày đón “rồng vàng” giúp gia đình có thêm thành viên mới.

NAM DIỄN VIÊN TRẦM CẢM Ở MỸ, MUỐN TRỞ VỀ VIỆT NAM

"Tôi đang muốn về Việt Nam làm việc" – Trương Minh Cường chia sẻ.

Trương Minh Cường được biết đến là một diễn viên nổi tiếng, ông hoàng quảng cáo cách đây 20 năm. Anh đã sang Mỹ định cư được nhiều năm và từng bị trầm cảm nặng nề. Tuy nhiên gần đây, anh trở về Việt Nam để tham gia bộ phim Lật mặt 7 của đạo diễn Lý Hải. Về lần trở lại này, Trương Minh Cường chia sẻ tại chương trình The Khang Show:

"Phim Lật mặt casting rất đông người ở Việt Nam, tới tận mấy ngàn người. Tôi cũng được mời casting nhưng khi ấy lại đang ở Mỹ. Trợ lý của anh Lý Hải gọi cho tôi đầu tiên, nói rằng bộ phim sẽ quay mấy tháng ở Việt Nam, nếu tôi đồng ý tham gia thì đích thân anh Lý Hải sẽ gọi cho tôi để nói về vai diễn.

Tôi đồng ý luôn. Tôi đang muốn về Việt Nam làm việc. Không biết do năng lượng vũ trụ gửi tới hay sao mà anh Lý Hải lại nhớ tới tôi khi làm phim để mời tôi về.

Cách casting của anh Lý Hải dành cho tôi rất hay. Anh Lý Hải đưa yêu cầu rằng, nếu tôi đang làm việc mà có tin mẹ tôi nhập viện thì tôi sẽ như thế nào. Yêu cầu đó đúng hoàn cảnh của tôi vì lúc đó tôi đang bàn công việc với một số bạn bè ở quán cà phê.

Ngay lập tức, tôi bật khóc nức nở tại chỗ rồi quay lại gửi cho anh Lý Hải. Ngồi ở quán cà phê, tôi bật khóc, bao nhiêu người Mỹ hoảng hốt nhìn tôi, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi phải lý giải rằng tôi đang casting cho một bộ phim và mong mọi người thông cảm.

Nhiều người nói tôi có mối quan hệ với đạo diễn nên được ưu ái nhưng rõ ràng tôi cũng phải casting như bao người. Anh Lý Hải và tôi đều cùng quê Mỹ Tho, chắc do duyên số".

Tiếp đó, Trương Minh Cường chia sẻ về nhân vật của mình trong phim Lật mặt 7: "Nhân vật trong phim có nhiều điểm giống với tôi ngoài đời. Đó là người anh cả trong một gia đình có cha mất sớm, phải phụ mẹ lo cho các em. Lúc casting, cảm xúc của tôi gần giống nhân vật, có lẽ vì thế nên tôi được nhận vai".

Sang Mỹ đã nhiều năm, giờ mới về Việt Nam đóng phim, Trương Minh Cường bồi hồi chia sẻ: "Ngày đầu tiên quay, ngồi ăn cơm đoàn, cảm giác của tôi sướng lắm. Tôi cảm giác, đây thực sự là nơi của mình.

Tôi cũng có một số áp lực vì 6 phần trước đó của Lật mặt đều rất thành công, nên tôi cũng phải cố gắng, không để anh Lý Hải thất vọng".

Nguồn: Vnexpress; Truyền Hình Thanh Hóa; 2 Sao; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang