Người Việt hải ngoại: Chuyện người trẻ ở nước ngoài; Gen Z vỡ mộng làm giám đốc Marketing ở Mỹ

CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ Ở NƯỚC NGOÀI

Kênh Việt Happiness Station - diễn đàn dành cho người xa xứ yêu tiếng Việt và duy trì, quảng bá văn hóa Việt (trụ sở tại Bỉ) vừa khép lại giai đoạn 1 dự án “Podcast của tôi - Chuyện của tôi” 2023-2024.

Dự án nhằm khuyến khích thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, các du học sinh Việt, biến những câu chuyện riêng trở thành câu chuyện được lắng nghe. Dự án đồng hành với thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, du học sinh Việt trong quá trình khám phá bản thân, chuyển hóa sự khác biệt thành khả năng đặc biệt có giá trị cho cộng đồng. Do đó, mỗi podcast gửi về là một câu chuyện sống động và nhiều cảm xúc. Đó là Hà Đình Chí (18 tuổi, nghệ danh NEM), học sinh Trường Les Fantastiques - dành cho trẻ tự kỷ thuộc thành phố Louvain-la-Neuve và học vẽ ở trường Ecole des Beaux Arts tại Wavre (Bỉ) với podcast mang tên Vẽ thay lời muốn nói.

NEM có xu hướng “xả” cảm xúc, thể hiện thế giới nội tâm qua những bức vẽ chủ đề tự do, sinh động. Xem tranh NEM, ta mường tượng ra những luồng chuyển động của suy nghĩ và quan sát, các độc thoại nội tâm lúc đơn giản mạch lạc, lúc chồng chéo hỗn độn.

Cũng tràn đầy màu sắc nhưng không phải trong triển lãm tranh mà trong một tiệm làm móng ở thủ đô Amsterdam, đó là câu chuyện mà cô gái Hạnh Nguyễn (25 tuổi, Hà Lan) trong podcast Những người tô màu trong tiệm móng, chia sẻ. “Tôi nhìn thấy mẹ tôi trong hình ảnh người mẹ của Ocean Vương khi đọc tiểu thuyết hồi ký của ông, nhiều trích đoạn đã chạm vào tim tôi. Ocean Vương đã truyền cảm hứng, nâng nghề làm móng của mẹ anh, của mẹ tôi và có thể là của chính tôi nữa, nếu sau này tôi còn tiếp tục làm nghề tô màu lên những ngón tay làm đẹp cho đời này”.

Nói về podcast này, thành viên Ban cố vấn, thạc sĩ giáo dục Võ Thị Mỹ Dung (giảng viên sau đại học - Học viện AcademyEX New Zealand), nhận định: “Ngoài nội dung thì cách trình bày của bạn ấy cũng lan tỏa cảm xúc. Câu chuyện nêu được thực trạng chung, băn khoăn của khá nhiều người muốn định cư ở nước ngoài. Cách bạn kể hay, dùng video và hình ảnh minh họa khá tốt... Đây là podcast tạo được sự rung động”.

“Xin chào! Tôi tên là Mai Linh và tôi 27 tuổi. Tôi sống ở Bỉ. Tôi chưa thể nói tiếng Việt tốt, nhưng tôi muốn học tiếng tốt hơn...” là lời Mai Linh Verdonck mở đầu trong podcast Mai Linh - cô gái được nhận nuôi từ Việt Nam. Đã trải qua nhiều năm và vài lần trở về Việt Nam, cụ thể là Quảng Ninh tìm kiếm cha mẹ đẻ của mình nhưng chưa thành công, Mai Linh vẫn nuôi tiếp ước mơ. “Nếu gặp cha mẹ ruột của mình, tôi sẽ kể cho họ nghe về bản thân tôi và tôi muốn biết về họ nhiều đến thế nào, khát khao được trông thấy họ ra sao. Tôi muốn cha mẹ ruột của mình biết rằng tôi đang cố gắng hết sức trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn có một phần đang thiếu trong tôi…”.

Văn hóa Việt và tiếng Việt thấm vào cách người mẹ Việt nuôi con và ru con lớn lên ở nước ngoài. Chàng trai tự kỷ David Smets (22 tuổi) vừa đàn, vừa hát, vừa tái hiện câu chuyện tuổi thơ. “Mẹ kể bà ngoại ở Việt Nam của tôi mất khi mẹ mới 5 tuổi, một năm sau đó ông ngoại cũng mất, mẹ phải vào trại mồ côi. Mẹ không còn nhớ ngày xưa bà ngoại có hát ru mẹ hay không, nhưng mẹ học hát ru theo trẻ con ở quê, học khi xem chương trình Bông hoa nhỏ. Mẹ nhớ gì thì hát ru tôi như vậy. Con cò là cò bay lả, lả bay la/ Bay từ là từ cửa phủ bay ra là ra cánh đồng/ Tình tính tang là tang tính tình...”.

Với kinh nghiệm là Trưởng ban tổ chức Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Varsaw (Ba Lan), ông Trần Trọng Hùng, thành viên Ban cố vấn dự án, chia sẻ: “Thông qua các lễ hội cộng đồng, những chương trình và dự án về văn hóa sẽ góp phần giúp người trẻ gốc Việt xác định rõ danh tính của mình, tự hào về nguồn gốc trong quá trình lớn lên ở nước ngoài. Mong nhà nước có kinh phí cho quảng bá văn hóa Việt, hỗ trợ tổ chức lễ hội, dự án và hỗ trợ cho cả doanh nghiệp nữa. Một tô phở không chỉ là tiền công và thịt, gạo, nước, mà cộng với cả nền văn hóa mới ra được giá trị tô phở. Ý thức được điều đó, chúng ta sẽ có nhiều dự án, chương trình tốt hơn, sâu hơn, hiệu quả hơn”.

GEN Z VỠ MỘNG LÀM GIÁM ĐỐC MARKETING Ở MỸ: TƯỞNG NGON ĂN AI NGỜ “CÓ ĐỘC”

“Chức danh cao không đồng nghĩa với một công việc tốt” - Calli Nguyễn chia sẻ.

Dưới đây là lời chia sẻ của Calli Nguyễn - Cô gái 24 tuổi người Việt, hiện đang sinh sống và làm việc ở New Orleans (Mỹ). Calli đã được nhận vào vị trí Giám đốc Marketing cho một Spa ở Mỹ. Đây tưởng chừng như là một vận may, một cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân, nhưng sau khi thử việc, thực tế lại đối nghịch hoàn toàn với kỳ vọng của cô.

Khi được nhận vào vị trí Giám đốc Marketing mảng tiếp thị kỹ thuật số cho một Spa trị liệu ở Mỹ, tôi vừa vui mừng vừa sợ hãi, vì tôi chưa có kinh nghiệm ở vị trí cấp cao như vậy.

Trước ngày tới văn phòng làm việc, tôi đã tìm hiểu qua đánh giá về doanh nghiệp này trên Glassdoor và Google. Một nhân viên cũ đã nói rằng đó là nơi làm việc không đáng tin, sếp "ngược đãi" nhân viên. Một người khác lại tiết lộ từng 5 nhân viên "rủ" nhau nghỉ việc chỉ trong chưa đầy 2 tuần.

Tuy nhiên, tôi vẫn gạt tất cả những lo lắng và hoài nghi sang một bên và đồng ý đảm đương vai trò Giám đốc Marketing mảng tiếp thị kỹ thuật số. Tôi tin rằng dù sao đi chăng nữa, đây vẫn là một cơ hội tốt để mình trưởng thành, tiến một bước dài trong sự nghiệp.

Và sự thật là tôi đã trưởng thành hơn, nhưng lại theo cách không mấy vui vẻ vì tôi đã nghỉ chỉ sau 2,5 ngày. Vì sao ư?

1 - Cấp trên "phủi sạch" mọi đề xuất của tôi

Công việc đầu tiên mà tôi được giao là cải thiện các nền tảng MXH của Spa. Việc này đúng chuyên môn của tôi nên đã khá tự tin. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không suôn sẻ từ ngày đầu tiên, khi tôi đề xuất những ý tưởng vừa giúp nâng cao độ nhận diện thương hiệu, vừa giúp tăng điểm chạm với khách hàng, cấp trên của tôi đã từ chối tất cả.

Cô ấy muốn tôi làm mọi thứ đúng như những gì cô ấy muốn: Đăng ảnh sản phẩm và chèn những phông chữ vừa lỗi thời, vừa lỗi font lên ảnh!

Tôi thậm chí đã cho cô ấy xem số liệu phân tích các bài đăng có hiệu suất tiếp cận thấp trên mạng xã hội, để cô ấy thấy rằng cách làm cô ấy đang mong muốn là không hiệu quả, và tôi tự tin mình có thể cải thiện điều đó.

Dẫu vậy, cô ấy vẫn không đồng ý.

2 - Tôi bị shock trước yêu cầu công việc ngoài chuyên môn

Tôi bắt tay vào dự án xây dựng bài đăng trên các tài khoản mạng xã hội của Spa, đồng thời nghiên cứu các chiến dịch quảng cáo của đối thủ.

Tôi đã trình lên cấp trên những gì họ yêu cầu tôi làm, và cô ấy có vẻ hài lòng. Tuy nhiên, sau đó, cô ấy lại nói rằng như vậy là chưa đủ. Tôi cần phải có hiểu biết sâu rộng hơn về các sản phẩm trong ngành Spa trị liệu.

Trong buổi phỏng vấn xin việc của tôi, cô ấy không đề cập đến việc tôi phải có hiểu biết, kiến thức về sản phẩm. Cô ấy nói rằng lẽ ra tôi nên nghiên cứu các sản phẩm khác nhau mà đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đang sử dụng.

Tôi thực sự bị choáng ngợp vì yêu cầu này.

3 - Sức khỏe tinh thần và lòng tự trọng của tôi bị tổn thương

Khi cảm thấy shock vì yêu cầu "phải hiểu sâu biết rộng về các sản phẩm spa y tế", tôi có nói với cấp trên rằng có lẽ tôi cần một vài phút suy nghĩ, và tôi có xin phép rời khỏi phòng làm việc của cô ấy. Tuy nhiên, cô ấy đã cố gắng ngăn cản tôi.

Đương nhiên, tôi cũng không nhượng bộ. Nguyên tắc của tôi là không để ai đối xử với mình một cách thiếu tôn trọng ở nơi làm việc. Khi bị kéo lại, tôi tiếp tục nói với cô ấy rằng: "Thưa chị, em cần phải ra ngoài để hít thở và suy nghĩ một chút. Em sẽ quay lại sau vài phút thôi".

Sau đó, cô ấy đã quyết định sa thải tôi. Nhận thông báo đó, tôi đã nghĩ "cũng được thôi". Tôi đã cố gắng làm việc và thể hiện sự tôn trọng, cũng như thái độ làm việc chuyên nghiệp, tôi không có gì phải hối hận.

Vậy là tôi đã nghỉ việc sau 2 ngày làm việc và khoảng 6 tiếng làm việc của ngày thứ 3. Thú thật, tôi đã cảm thấy chán nản, tự cho mình là kẻ thất bại. Lúc đó, tôi đã gửi cho mẹ tôi một tin nhắn kêu cứu. Khi mẹ gọi. tôi đã khóc nức nở ngay tại bãi đỗ xe. Tôi liên tục xin lỗi mẹ vì thất bại này, dù biết đó là một môi trường làm việc độc hại.

Luôn có một bến đỗ tốt hơn chờ đợi chúng ta!

Không giống như các thế hệ trước - những người có thể chấp nhận chịu đựng một môi trường làm việc độc hại, tôi, hay nói rộng ra là thế hệ Gen Z, không ngại lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Khi đi làm, tôi luôn sẵn sàng và vui vẻ lắng nghe những nhận xét, miễn là chúng có tính xây dựng và không chà đạp lòng tự trọng của tôi.

Lực lượng lao động liên tục thay đổi và tôi nghĩ rằng người sử dụng lao động cũng nên cởi mở đón nhận các thế hệ lao động trẻ. Luôn có một bến đỗ tốt hơn, phù hợp hơn và lành mạnh hơn đang dành cho chúng ta. Gen Z biết và tin điều đó.

Hiện tại, tôi đang làm việc tại một công ty quảng cáo có uy tín. Ở đây, tôi được tôn trọng, sức khỏe tinh thần của tôi không bị ảnh hưởng vì môi trường làm việc luôn vui vẻ, luôn có những sự thử thách thú vị.

Với tư cách là một nhân viên, tôi không có lỗi nếu sếp không muốn lắng nghe tôi. Tôi không thể giúp cấp trên phát triển và cũng không thể phát triển trong môi trường độc hại, đúng không?

Nguồn: Sài Gòn Online; Kenh14;

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang