Người Việt hải ngoại: TS đoạt giải Dénes König; Cuộc thi vẽ ở Hungary; Xuống đường ủng hộ bà Tố Nga; Gia tăng vượt eo biển Manche

NHÀ TOÁN HỌC VIỆT CÙNG ĐỒNG NGHIỆP ĐOẠT GIẢI THƯỞNG DÉNES KÖNIG

Hiệp hội Toán học công nghiệp và ứng dụng quốc tế SIAM vừa quyết định trao giải thưởng Dénes König 2024 cho hai nhà toán học, trong đó có TS Phạm Tuấn Huy.

TS Phạm Tuấn Huy cùng đồng nghiệp được giải thưởng Dénes König năm 2024 là TS Jinyoung Park, một nhà toán học nữ 42 tuổi người Hàn Quốc, với bài báo chung của họ có tên "Chứng minh giả thuyết Kahn-Kalai".

Người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng Dénes König

Giải thưởng sẽ được trao tại hội nghị SIAM về toán học rời rạc (DM24) diễn ra từ ngày 8 đến 11-7 tại Washington, Mỹ.

Theo SIAM, giải thưởng Dénes König (lấy tên một nhà toán học người Hungary gốc Do Thái, nổi tiếng bởi là người xuất bản giáo trình đầu tiên về lý thuyết đồ thị) được nhóm hoạt động về toán rời rạc của SIAM trao 2 năm một lần, cho một hoặc nhiều cá nhân mới bắt đầu sự nghiệp của họ vì những đóng góp nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực toán rời rạc.

Công trình được giải phải công bố trước đó 3 năm, trên một tạp chí được bình duyệt.

Một bài báo khoa học quan trọng phải được trích dẫn làm bằng chứng về những đóng góp, mặc dù nội dung của các bài báo có thể được thảo luận trong đề cử. Bài báo đủ điều kiện phải được xuất bản bằng tiếng Anh trên một tạp chí được bình duyệt có ngày xuất bản trong vòng ba năm dương lịch trước năm trao giải.

Mỗi ứng viên phải có bằng tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh tại thời điểm trao giải, hoặc trong vòng 4 năm kể từ khi nhận bằng tiến sĩ.

Toán rời rạc bao gồm tổ hợp, lý thuyết đồ thị, mật mã, tối ưu hóa rời rạc, lập trình toán học, lý thuyết mã hóa, lý thuyết thông tin, lý thuyết trò chơi và khoa học máy tính lý thuyết.

SIAM có trụ sở tại Mỹ, với 2/3 thành viên cư trú tại Mỹ, còn lại là các nhà khoa học ở các nước khác.

Giải thưởng Dénes König bao gồm tiền thưởng trị giá 1.000 USD và giấy chứng nhận có trích dẫn. Nếu bài viết được chọn có nhiều tác giả đủ điều kiện thì mỗi tác giả đó sẽ nhận được một chứng chỉ. SIAM sẽ hoàn trả cho người nhận giải chi phí đi lại hợp lý phát sinh khi tham dự lễ trao giải.

Giải thưởng sẽ do chủ tịch nhóm hoạt động SIAM về toán rời rạc công bố. Thông báo về những người nhận giải thưởng cũng sẽ xuất hiện trên bản tin SIAM và bản tin của nhóm hoạt động.

Giải thưởng Dénes König được trao lần đầu tiên vào năm 2008. Đến nay đã có 10 nhà toán học đoạt giải thưởng này, trong đó TS Phạm Tuấn Huy là người Việt Nam đầu tiên.

Từng đoạt 2 huy chương vàng IMO

TS Phạm Tuấn Huy năm nay 28 tuổi. Anh vừa nhận bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Stanford, Mỹ vào năm 2023. Cách đây 10 năm, Phạm Tuấn Huy là học sinh Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) niên khóa 2011-2014.

Huy là học sinh duy nhất ở các tỉnh phía Nam giành hai huy chương vàng toán quốc tế IMO (các năm 2013 và 2014). Năm ngoái Huy cũng vinh dự được trao tặng học bổng Clay.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Huy theo học toán từ bậc đại học lên tiến sĩ tại Đại học Stanford. Hiện nay anh là cộng tác viên khoa học tại Đại học Stanford theo chương trình học bổng nghiên cứu viên của Viện toán học Clay (Clay Research Fellow), một quỹ tư nhân nổi tiếng ở Mỹ. Nhiệm kỳ học bổng Clay Research Fellow của Huy tại Đại học Stanford là 5 năm.

TS Trần Nam Dũng, phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu, cho biết: "Hè năm nay, Phạm Tuấn Huy sẽ về Việt Nam tham dự một số hội nghị khoa học và trường hè trong vai trò báo cáo viên và giảng viên, trong đó có hội nghị Resonances in the world of Mathematics được tổ chức bởi các cựu học sinh Trường Phổ thông năng khiếu và cựu sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM)".

CUỘC THI VẼ CHỦ ĐỀ VIỆT NAM CHO HỌC SINH HUNGARY

Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề Việt Nam hôm nay trong con mắt trẻ thơ dành cho học sinh Hungary sẽ được diễn ra vào ngày 25/5/2024 tại thủ đô Budapest.

Cuộc thi được Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary tổ chức với sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary với mục đích quảng bá sâu rộng hơn về đất nước, văn hóa, dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế nói chung, tới người dân Hungary nói riêng, và đặc biệt là thế hệ trẻ.

Kết thúc hạn nhận tác phẩm vào đúng ngày 30/04.2024, cuộc thi vẽ tranh nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary đồng thời cũng chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Thống nhất đất nước.

TS Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho biết: Ban tổ chức cuộc thi mong muốn những học sinh dự thi hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam ngày hôm nay không chỉ đẹp, giàu truyền thống, phong phú bản sắc dân tộc mà còn hiện đại, đa dạng và được hiện qua lăng kính đôi mắt của các bạn học sinh Hungary.

Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và thành công rực rỡ. Trong một thời gian ngắn, cuộc thi đã nhận được 87867 lượt cập nhật bài đăng về cuộc thi và 364 tranh dự thi từ hơn 50 trường PTCS tại Hungary. Không chỉ các thiếu nhi người Hung mà còn rất nhiều các em học sinh gốc nước ngoài tại Hungary, các em thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt cũng tham gia đã nâng tầm cuộc thi lên qui mô quốc tế.

TS Phan Bích Thiện cho biết: "Ban giám khảo đã chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất. Thành công tốt đẹp của cuộc thi với những bức tranh sinh động, đầy màu sắc về đất nước - con người Việt Nam qua những nét vẽ của các bạn học sinh Hungary cũng là một món quà đầy ý nghĩa để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác."

KIỀU BÀO PHÁP BIỂU TÌNH ỦNG HỘ VỤ KIỆN CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM CỦA BÀ TRẦN TỐ NGA

Chiều 4/5, tại quảng trường Cộng hòa ở thủ đô Paris, khoảng hơn 200 bạn bè Pháp và bà con kiều bào đã tập hợp cùng các tổ chức hội đoàn bày tỏ sự ủng hộ với bà Trần Tố Nga và các nạn nhân da cam Việt Nam trong vụ kiện các tập đoàn hóa chất đã cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Nhiều chính trị gia, dân biểu, thị trưởng các quận của Paris và thành phố lân cận, cùng đại diện các đảng phái cánh tả, các nhà hoạt động phong trào đấu tranh vì môi trường đã tới tham dự. Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cùng đại diện của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) cũng bày tỏ sự chia sẻ và ủng hộ đối với bà Trần Tố Nga.

Hoạt động có ý nghĩa quan trọng vì nó diễn ra trước thềm phiên điều trần tại Tòa phúc thẩm Paris, sẽ diễn ra vào sáng 7/5, nhằm tiếp tục xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga, 82 tuổi, chống lại Bayer-Monsanto và 13 công ty khác sản xuất hoặc tiếp thị chất độc da cam/dioxine mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 1961-1971.

Đối mặt với những gã khổng lồ về hóa chất nông nghiệp này, các luật sư William Bourdon và Bertrand Repolt sẽ bào chữa cho bà Trần Tố Nga, và cho hàng triệu nạn nhân của chất khai quang này tại Việt Nam.

Ông Võ Đình Kim, điều phối viên hội Collectif Vietnam-Dioxine, thành viên Ủy ban ủng hộ bà Trần Tố Nga, cho biết sự kiện đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều hiệp hội đấu tranh vì môi trường như Green Peace, Attaque, cũng như đại diện nhiều chính đảng và công dân Pháp nhận thấy cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga rất quan trọng và mong muốn bày tỏ sự đoàn kết của họ với hành động của bà. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của nhiều báo chí truyền thông Pháp đến chứng kiến và đưa tin.

"Chúng tôi hy vọng phiên tòa sẽ xem xét và phán quyết công nhận cuộc đấu tranh của các nạn nhân da cam. Các công ty hóa chất biện bạch rằng không phải là họ, mà chính quyền Mỹ mới phải chịu trách nhiệm về vụ việc này, nhưng chúng tôi cho rằng họ cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm, vì họ ý thức được đây là hóa chất độc hại và cách sử dụng cũng rất nguy hiểm, do đó họ cũng có liên đới trong vụ việc này", ông Võ Định Kim bày tỏ.

Bà Sandrine Rousseau, nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng châu Âu sinh thái xanh (EELV) nhấn mạnh tầm quan trọng của vụ kiện và cho rằng vụ việc luôn có ý nghĩa thời sự vì hệ quả của việc rải chất độc màu da cam do Monsantos sản xuất còn kéo dài đến tận ngày nay. Không chỉ tập đoàn này mà sau họ là cả một nền công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu và các sản phẩm kiểm dịch thực vật đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều thế hệ.

Nể phục trước tinh thần đấu tranh, cũng như sự kiên trì và nghị lực phi thường của bà Trần Tố Nga, nghị sĩ Sandrine Rousseau cho rằng việc vụ kiện được đưa ra tòa án Pháp cho thấy "bà Trần Tố Nga và hàng triệu nạn nhân da cam không bị bỏ rơi và không phải chịu đựng nỗi đau này một mình”.

Đại diện cho Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA), Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội, đang có mặt tại Paris để tham dự vụ kiện của bà Trần Tố Nga, đã bày tỏ sự ủng hộ của các nạn nhân da cam ở Việt Nam đối với hành động của bà. Với mong muốn phiên tòa lần này sẽ giành lại công lý cho nạn nhân, ông cho rằng buổi tập hợp ủng hộ cũng như các hành động góp sức chung tay của mỗi người sẽ làm xoa dịu nỗi đau da cam của các nạn nhân.

Nhân dịp này, Phó chủ tịch Hội VAVA cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với bạn bè Pháp đã biểu thị tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và lương tri của những người yêu chuộng hòa bình, chia sẻ nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Ông cho biết cùng với người dân Bỉ, mới đây Quốc hội Bỉ, đã ra Nghị quyết phê chuẩn việc ủng hộ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam. Ông hy vọng Quốc hội Pháp cũng sẽ tiếp tục đồng hành và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong cuộc đấu tranh của họ.

Phấn khởi trước sự hiện diện của đông đảo người dân Pháp và bà con kiều bào tại sự kiện ủng hộ mình, bà Trần Tố Nga cho rằng điều này chứng tỏ sức mạnh của chính nghĩa ngày càng được củng cố và sự có mặt của các nghị sĩ Quốc hội, thị trưởng nhiều quận và thành phố vệ tinh, chứng tỏ cả Paris và nước Pháp đang ủng hộ bà.

Bà cũng cho biết Hội luật gia dân chủ thế giới đã gửi thư cho Tòa án Paris bày tỏ sự ủng hộ đối với vụ kiện. Bà khẳng định: "Điều này có nghĩa là cuộc đấu tranh của tôi đã vượt qua các biên giới và ra toàn thế giới. Do đó tôi càng thêm tin tưởng, càng thêm mạnh mẽ và càng có quyết tâm để đi tới".

Năm 2021, Tòa án Tư pháp Evry, nơi bà Trần Tố Nga nộp đơn khiếu nại lần đầu vào năm 2014, đã phán quyết khiếu nại này là “không thể chấp nhận được”, với lý do các công ty bị buộc tội được hưởng “quyền miễn trừ tài phán”, và việc họ tuân theo lệnh của quân đội Hoa Kỳ cho phép loại trừ họ khỏi mọi trách nhiệm.

Tuy nhiên, các luật sư của bà Trần Tố Nga đã chứng minh rằng trên thực tế họ đã tự nguyện đáp ứng lời kêu gọi đấu thầu, trong đó việc mời thầu này không hề áp đặt nồng độ hóa chất độc hại dioxin nhiều như họ đã đưa vào trong thành phần của chất khai quang màu da cam được quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Việt Nam.

Do đó, bà Trần Tố Nga và luật sư biện hộ đã kháng cáo quyết định này và dẫn đến việc khởi kiện lại ba năm sau đó. Dựa trên tình trạng miễn trừ quyền tài phán này và khả năng có hạn của Tòa án Evry trong việc đánh giá tính chất của vụ việc mà vấn đề xét xử sẽ được diễn ra tại Tòa phúc thẩm Paris, trong đó phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 7/5 tới.

Từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin (hóa chất độc hại nhất mà con người biết được từ trước đến nay) xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử này đã gây ra một thảm họa nhân đạo, sức khỏe và môi trường với những hệ quả vô cùng nặng nề và lâu dài: hơn 3 triệu người Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu hậu quả vì ung thư và các bệnh do chất độc dioxine gây ra; khoảng 150.000 trẻ em, qua bốn thế hệ kể từ năm 1975 đến nay đã sinh ra với dị tật hoặc khuyết tật nghiêm trọng (thiếu chân tay, mù, điếc,..); 1 triệu ha rừng nhiệt đới bị tàn phá cùng sự biến mất của nhiều loài động vật hoang dã, 400.000 ha đất nông nghiệp bị ô nhiễm và cho đến nửa thế kỷ sau, di chứng của chất độc da cam vẫn còn tồn tại và gây nên những nỗi đau dai dẳng đến tận ngày nay.

Cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga và các nạn nhân da cam Việt Nam là cuộc chiến tranh lâu dài và không hề dễ dàng. Nhưng họ không bị đơn độc. Bên cạnh họ còn có bà con kiều bào, bạn bè Pháp và cả dân tộc Việt Nam, cùng những ai yêu chuộng hòa bình, ủng hộ công lý và chính nghĩa trên toàn thế giới.

NGƯỜI DI CƯ TỪ EO BIỂU MANCHE VÀO ANH GIA TĂNG, CÓ CẢ NGƯỜI VIỆT

Hơn 4.600 người di cư đã đến Vương quốc Anh bằng những chiếc thuyền nhỏ kể từ đầu năm 2024.

Pháp và Vương quốc Anh đã nỗ lực giảm 35% số lượng người di cư từ eo biển Manche vào năm 2023, nhưng giờ đây, có vẻ như con số này đang tăng lên từ đầu năm 2024.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, hơn 4.600 người di cư đã đến Anh trên những chiếc thuyền nhỏ kể từ đầu năm 2024. Chỉ riêng ngày 20/3, 514 người đã đến bờ biển nước Anh trên 10 chiếc thuyền nhỏ.

Chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc ngăn chặn số lượng người di cư tới nước này tăng lên, đặc biệt sau cam kết về một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư sau khi Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Tuần trước, các nghị sĩ Anh đã thông qua một luật gây tranh cãi cho phép trục xuất một số người xin tị nạn đến Rwanda.

Theo số liệu chính thức của Pháp, ít nhất 10 người đã thiệt mạng trên biển trong năm nay. Số lượng các chuyến vượt biển được ghi nhận tăng lên so với năm 2023 và quay trở lại con số được thấy lần cuối vào năm 2022, một năm kỷ lục trong đó hơn 45.000 người đến Anh trên những chiếc thuyền nhỏ.

Chính quyền Pháp cho rằng sự sụt giảm vào năm 2023 là nhờ vào quyết tâm của cảnh sát trong việc ngăn chặn các thuyền di cư bất hợp pháp, bên cạnh việc giảm gần như toàn bộ số người Albania trong số hành khách đi thuyền nhỏ, nhờ một thỏa thuận giữa London và Tirana.

Vào năm 2022, gần 13.000 người trong số người di cư đã đến Vương quốc Anh bằng đường biển. Trong số những người di cư đến Anh bằng những chiếc thuyền nhỏ vào năm 2024, người Afghanistan cho đến nay vẫn là nhóm lớn nhất, tiếp theo là người Iran và người Việt Nam. Nhóm di cư đến từ 3 quốc tịch này chiếm gần một nửa số người trên những chiếc thuyền này.

Trung bình mỗi thuyền có 46 người, so với 43 người vào năm 2023 và 30 người vào năm 2022, làm tăng nguy cơ lật úp giữa biển. Theo một báo cáo, mặc dù phần lớn các chuyến đi khởi hành chủ yếu ở vùng ven biển giữa Dunkirk và Boulogne-sur-Mer (miền Bắc nước Pháp) nhưng tình trạng xâm nhập vào các cảng Ouistreham và Cherbourg, phía Nam Dunkirk, đã gia tăng vào năm 2024.

Cảnh sát Pháp mới đây vừa phát hiện được một vụ di cư trái phép từ những chiếc thuyền do những kẻ buôn người thả vào đất liền cách xa kênh Aa, đổ ra Biển Bắc tại Gravelines, gần Calais. Trước đó, hôm 23/4, cảnh sát Pháp cũng cho biết ít nhất 5 người di cư, trong đó có 1 trẻ em, đã tử vong trong đêm khi cố gắng vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh.

Các nhà chức trách Pháp đang nỗ lực hết sức để chống lại cách thức di cư bất hợp pháp mới này và ước tính rằng họ đã có thể ngăn chặn 69% các nỗ lực vượt biển.

Lực lượng cảnh sát quốc gia Pháp cũng nhấn mạnh thái độ ngày càng manh động của một số kẻ buôn người, thể hiện qua việc liên tục từ chối tuân thủ các quy định khi bị chặn trên đường hoặc sử dụng bạo lực khi cố gắng vượt biển.

Bên cạnh đó, tình trạng đưa lậu người di cư giấu trong xe tải, vốn từ lâu là phương tiện chính để vào Anh bất hợp pháp, cũng đang gia tăng. Hơn 1.600 người đã được phát hiện trong xe tải ở miền Bắc nước Pháp kể từ đầu năm 2024, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công dân Sudan và Eritrea là những quốc tịch được tìm thấy nhiều nhất.

Nguồn: Tuổi Trẻ; VOV; Báo Quốc Tế; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang