
GIÁ VÉ CAO, CÁC HÃNG BAY VẪN THAN KHÓ, VÌ SAO?
Sau 3 năm Covid-19, khó khăn tài chính tích tụ, một số hãng muốn giảm giá vé nhưng khó làm, vì theo họ nói, còn phải lo tồn tại trước.
Tại hội thảo bàn về hạ nhiệt giá vé máy bay mới đây do báo Thanh Niên tổ chức, hầu hết đại diện các hãng hàng không đều thừa nhận giá vé máy bay đã tăng 15-20% tùy chặng thời gian qua, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trần theo quy định. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến giá vé nội địa tăng cao đã được nêu từ đầu năm là thị trường hàng không thiếu tàu bay trầm trọng, làm giảm năng lực cung ứng của các hãng. Hiện nay, các hãng bay Việt Nam chỉ còn 160-170 tàu bay hoạt động, giảm khoảng 50 tàu so với năm ngoái.
Vietnam Airlines, Vietjet đang dừng bay trên hơn chục tàu để bảo dưỡng động cơ trên máy bay Airbus A321neo, có thể đến năm sau mới hoàn tất. Bamboo Airways sau tái cấu trúc giảm từ 30 hiện còn 5 tàu bay, Pacific Airlines thì tạm dừng hoạt động sau khi trả hết không còn tàu bay nào. Cùng với đó, chi phí nhiên liệu bay vẫn neo cao, tỷ giá tăng mạnh cũng ảnh hưởng lớn hoạt động của các hãng.
Ngoài các yếu tố này, thực tế doanh nghiệp hàng không vẫn đang phải chịu hậu quả nặng nề sau ba năm đại dịch. Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Trương Việt Cường nói rằng hiện nay các hãng hàng không vẫn rất khó khăn, sức khỏe tài chính xấu sau nhiều năm tích tụ.
Trước đây khi mới ra đời, Bamboo Airways liên tục mở đường bay mới, bán nhiều vé ở mức giá rẻ để chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, ông Cường khẳng định hiện nay hãng không thể làm được như vậy vì còn phải "lo cơm ăn, áo mặc trước". Đại diện Bamboo Airways nói rằng sẽ cố gắng đưa ra mức giá vé hợp lý, được thị trường chấp nhận nhưng phải đảm bảo để hãng bay có lãi hoặc ít nhất cũng đảm bảo duy trì được hoạt động khai thác.
Cùng du lịch, lao động ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ năm 2020 đến nay. Ông Cường nói rằng việc giảm lương, chậm lương, hay cắt hợp đồng lao động trong ngành này hiện vẫn chưa chấm dứt. Với Bamboo Airways, quỹ lương đã giảm khoảng 70%.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines cho biết hoạt động bay của các hãng hàng không hiện nay phần lớn là lỗ, phần lãi thu lời từ nhiều hoạt động phụ trợ khác. "Trên thế giới không có quốc gia nào mà tất cả hãng hàng không đều lỗ đến khó thở như Việt Nam. Một số hãng trong nước còn không dám công bố, âm thầm chịu đựng", ông Kỳ nói.
Đến hết ngày 31/3, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia vẫn âm hơn 12.500 tỷ đồng sau khi lỗ hơn 40.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2023. Vietnam Airlines đã kinh doanh dưới giá vốn (doanh thu không đủ bù đắp chi phí) 8 trong 16 quý của giai đoạn này. Hãng này từng phải đề xuất áp dụng mức giá sàn từ 560.000 đồng đến 1,4 triệu tùy chặng để tránh tình trạng giá vé chạm đáy vào nhiều thời điểm.
Đến năm 2022 sau khi đại dịch chấm dứt, các hãng lại phải đối mặt với tình trạng càng bay nhiều, càng lỗ lớn khi nhiên liệu có lúc lên tới 160 USD một thùng gấp hơn 2 lần trước năm trước đó. Mãi đến quý đầu năm nay, Vietnam Airlines, Vietjet mới có lãi lớn hơn nhờ hoạt động bay quốc tế phục hồi mạnh và cao điểm Tết.
Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc Đặng Anh Tuấn, Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không khác trên trên thế giới cũng chỉ có thể lãi được 1 USD với mỗi khách trong các điều kiện thị trường như hiện nay. Ông ví von khoản lãi mỏng này cũng thể bay hết khi máy bay gặp mưa giông, phải bay vòng thêm để chờ hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Còn lãnh đạo Vietjet nói rằng thực tế các hãng bay cũng chỉ sống được nửa tháng Tết, hai tháng cao điểm hè, thời gian còn lại đa phần vắng khách.
Vậy các hãng bay cần gì để bớt khó, có thể hạ mặt bằng giá vé?
Hiện nay, trong cơ cấu của chi phí của các hãng hàng không, theo Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, thuê tàu bay, sửa chữa động cơ, ngoại tệ chiếm 55-60%. Lãnh đạo các hãng đều khẳng định không thể can thiệp vào các chi phí này, phải chấp nhận theo mặt bằng chung của thế giới.
"Không may, các chi phí này hiện có xu hướng bất lợi với các hãng khi đều tăng rất cao", ông Cường nói. Còn Chủ tịch Vietravel nhìn nhận các hãng Việt Nam bị ảnh hưởng lớn hay bị ép là bình thường bởi chúng ta không nắm được công nghệ lõi trong ngành hàng không. Ông Kỳ cho rằng Việt Nam đang bay gia công khi từ tàu bay, động cơ hay linh kiện như phanh, lốp đều phải nhập khẩu.
Nhóm thứ hai là các loại thuế, phí. Theo ông Cường, các hãng nộp đúng theo đơn giá của nhà nước và cũng không có khả năng tác động. Vì vậy, các hãng chỉ có thể giảm các chi phí vận hành khai thác như lao động, phục vụ máy bay... Các hãng đều nỗ lực tối ưu các chi phí này, song không tác động nhiều đến giá vé bởi quỹ lương chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng chi phí.
Để tăng thêm tàu bay, cải thiện năng lực cung ứng trên thị trường nội địa theo các hãng lúc này cũng gần như bất khả thi khi cả thế giới thiếu cũng thiếu máy bay. Giai đoạn Tết, Bamboo Airways thuê ướt tàu (gồm cả phi công, tiếp viên) với giá 3.000 USD một giờ, thì hiện nay tăng đến 4.500 một giờ nhưng cũng không thể tìm được tàu. Thuê ướt đã khó như này, thì thuê khô càng không có hy vọng.
Để giảm chi phí đầu vào, cả bốn hãng (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) lúc này đều đề xuất Nhà nước xem xét điều chỉnh giảm phí điều hành bay, cất hạ cánh; phí nhập khẩu nhiên liệu bay hay miễn phụ thu bay đêm. Gần đây, nhiều hãng tăng thêm chuyến bay đêm để phục vụ hành khách với giá rẻ hơn vào dịp hè, nhưng thực tế bay đêm chi phí còn cao hơn ban ngày vì có thêm phụ thu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Kỳ còn mong các địa phương được hỗ trợ thêm các hãng bay khi mở chuyến bay đưa khách đến. "Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, nhưng không địa phương nào có thể hỗ trợ hãng bay vì quy định hiện hành không cho phép", ông chủ Vietravel nói. Trong khi đó, Bamboo Airways còn muốn có thể điều chỉnh linh hoạt giá trần theo giá xăng dầu thế giới để công bằng với cả hãng hàng không và người tiêu dùng.
Theo Phó cục trưởng Hàng không Đỗ Hồng Cẩm, giá vé máy bay nội địa thời gian qua đã tạo lập mặt bằng giá mới, cao hơn 10-20% so với năm 2019 trước dịch. Việc này cũng đi theo xu hướng chung của thế giới. Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn trước. AAPA cho rằng các hãng đã dần chuyển dịch chính sách từ việc chấp nhận thua lỗ với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành.
Gần đây, giá vé nội địa cũng đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, thời gian tới Cục Hàng không cũng sẽ tiếp tục ngồi lại cùng các hãng để bàn giải pháp cũng như xem xét các kiến nghị. "Dịp hè và lễ sắp tới giá vé có tăng mạnh trở lại không là vấn đề xã hội rất quan tâm. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay, đồng lòng từ các hãng cũng như các bộ, ngành quản lý nhà nước", ông Cẩm chia sẻ.
NGHỊCH LÝ: XUẤT KHẨU ĐƯỢC MÙA, DOANH NGHIỆP VẪN LỖ
Xuất khẩu gạo được mùa cả lượng và giá suốt từ năm 2023 đến nay nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn giảm lãi, thậm chí thua lỗ dẫn đến nợ tiền mua lúa của nông dân kéo dài.
Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả lượng và giá. 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng mạnh; đạt 3,2 triệu tấn tăng gần 12% và giá trị đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng đến 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2023.
"Ông lớn" ôm lỗ, nợ nông dân hàng trăm tỉ đồng
Một trong những thương hiệu gạo quen thuộc là Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Năm 2023 công ty này ghi nhận doanh thu đạt 4.484 tỉ đồng, tăng 18% nhưng lại lỗ sau thuế hơn 19 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 75 tỉ đồng). Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Mức lỗ kỷ lục này là do trong năm 2023 ngoài việc lỗ tỷ giá thì các chi phí gồm chi phí bán hàng, chi phí tài chính đều tăng vọt. Đến quý 1/2024, doanh thu thuần của Trung An đạt 715 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Trung An báo lãi sau thuế là 2,7 tỉ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước.
Một doanh nghiệp khác ghi nhận lỗ nặng trong năm 2023 là Công ty CP XNK An Giang (Angimex), lỗ đến 208 tỉ đồng. Nguyên nhân là doanh thu thuần giảm đến 77% so với năm trước; do biên lợi nhuận gộp co hẹp từ mức 5% xuống còn 2% trong khi chi phí lãi vay tăng 18%.
Đáng nói, một tên tuổi lớn trong ngành lúa gạo là Lộc Trời cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nợ nần. Theo báo cáo kiểm toán, năm 2023 Tập đoàn Lộc Trời chỉ lãi ròng 16 tỉ đồng, giảm 94% so với báo cáo trước kiểm toán (265 tỉ đồng). Theo Lộc Trời, lợi nhuận giảm sau báo cáo kiểm toán vì điều chỉnh doanh thu giảm, trong khi giá vốn hàng bán tăng và khoản lãi từ công ty liên kết giảm.
Đến quý 1/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỉ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm 2023. Có đến 96% doanh thu của công ty đến từ lĩnh vực lương thực. Dù doanh thu tăng nhanh nhưng không bằng biên độ tăng của giá vốn hàng bán dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 10% xuống còn 245 tỉ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty tăng hơn 28% lên 188 tỉ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay và khoản lỗ tỷ giá. Sau khi trừ các khoản chi phí, Lộc Trời lỗ hơn 96 tỉ đồng, tăng thêm 15 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Kinh doanh thua lỗ, Lộc Trời còn đối mặt với tai tiếng khi nợ tiền nông dân ở An Giang cũng như nhiều địa phương khác ở ĐBSCL hàng trăm tỉ đồng. Theo cập nhật từ Lộc Trời, tính đến ngày 1.5 vẫn còn nợ tiền mua lúa của nông dân An Giang 176 tỉ đồng, ngoài ra nợ tiền nông dân ở các tỉnh thành khác trong khu vực ĐBSCL là 472 tỉ đồng. Hiện tại, Lộc Trời đang thu xếp trả nợ cho nông dân hằng tuần và dự kiến sẽ trả dứt nợ cho nông dân vào ngày 20.5.
Doanh nghiệp thua lỗ nặng vì thiếu kinh nghiệm
Trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp ngành gạo cho biết: Về cơ bản thì ngành gạo là lĩnh vực có biên lợi nhuận thấp và tính rủi ro cao. Vì dung lượng thị trường toàn cầu rất hẹp, chỉ khoảng 20 tỉ USD. Ngoài vấn đề mùa vụ, thời tiết; gạo còn là mặt hàng mang tính chính trị cao nên thường biến động khó lường. Chưa kể những năm gần đây, tại VN nhiều người không có kinh nghiệm cũng nhảy vào lĩnh vực này khiến thị trường vốn nhạy cảm càng thêm bất ổn.
Một chuyên gia trong ngành dẫn chứng, phương án kinh doanh của mỗi doanh nghiệp là một bí mật. Nhưng nếu nhìn vào kết quả thầu công khai từ Indonesia từ cuối năm ngoái đến nay có thể thấy các doanh nghiệp VN luôn là những người chào giá thấp nhất. Cụ thể đợt mở thầu gần nhất hồi tháng 4, doanh nghiệp các nước chào giá từ 608 - 617 USD/tấn thì các doanh nghiệp VN chỉ có 585 - 590 USD/tấn. "Nếu so với giá gạo nội địa cùng thời điểm thì giá trúng thầu thấp hơn giá thành.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhà nước vốn có nhiều kinh nghiệm và nguồn cung lâu năm nên có thể cân đối được. Trong khi đó, những doanh nghiệp tư nhân bán dưới giá thành vì có những nhu cầu và kế hoạch kinh doanh khác. Do bán dưới giá thành nên một số doanh nghiệp càng xuất nhiều càng lỗ lớn và hố sâu nợ nần mỗi ngày một lớn. Mặt khác, việc này cũng vô tình phá giá gạo VN trên thị trường thế giới. Trong những doanh nghiệp tham gia thầu Indonesia thì có thể thấy Lộc Trời là doanh nghiệp non trẻ khi mới chuyển qua lĩnh vực gạo trong vài năm gần đây", một chuyên gia phân tích.
Trước áp lực trả nợ tiền mua lúa cho nông dân, trong thông báo phát đi Công ty Lộc Trời thừa nhận: "Chấp nhận bán giá thấp để có tiền thanh toán sớm cho nông dân. Đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo, đặc biệt hoàn thành sớm hợp đồng xuất khẩu cho thị trường Indonesia và Philippines. Tới ngày 25.4, Lộc Trời đã xuất khẩu 88.000 tấn gạo trị giá trên 57 triệu USD và đang có kế hoạch giao tiếp 70.000 tấn trong tháng 5 - 6". Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng khẳng định sẽ chấp nhận bán lúa khô lại cho nông dân hoặc thậm chí hoàn trả lúa đã sấy khô cho nông dân không tính phí lưu kho. Hợp tác với các ngân hàng đang cho nông dân vay từ trước vụ. Chi trả lãi suất chậm trả tương đương 10%/năm cho bà con nông dân. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền mua lúa cho nông dân.
Lộc Trời nói, vẫn tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đảm bảo cho việc vận hành được ổn định nhưng nó cũng làm tăng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ điều chỉnh cân bằng nguồn vốn ngắn hạn, trung và dài hạn. Sự điều chỉnh này sẽ giúp nguồn vốn lưu động tối ưu hóa và ngày càng ổn định.
NẮNG NÓNG GAY GẮT, THỊ TRƯỜNG THIẾT BỊ LÀM MÁT “TĂNG NHIỆT”

Dù chưa bước vào những ngày nắng nóng cao điểm, nhưng từ hơn 1 tháng trở lại đây, thị trường thiết bị điện lạnh, làm mát bắt đầu sôi động. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, các siêu thị, cửa hàng, nhà phân phối đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm, tăng doanh số bán hàng.
Khảo sát tại phố Đông Tác (Hà Nội), một số tiểu thương kinh doanh đồ điện gia dụng cho biết, vài ngày trở lại đây, dù sức mua các mặt hàng quạt hơi nước, quạt điều hòa và các mặt hàng làm mát đã tăng lên song vẫn thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
"Sức tiêu thụ của các sản phẩm làm mát như điều hòa, quạt hơi nước so với năm ngoái cũng không khá hơn là mấy. Mọi người cũng đã cắt giảm chi tiêu cho những sản phẩm này rất nhiều", một tiểu thương than thở.
Sức tiêu thụ các mặt hàng năm nay giảm hơn so với năm cùng kỳ năm ngoái cũng là tình trạng chung tại một số hệ thống siêu thị điện máy tại Hà Nội.
"Sản phẩm quạt hay những thiết bị làm mát sức tiêu thụ, sức bán kém hơn năm ngoái một chút. Hiện tại, thời điểm này cũng chưa phải vào mùa nắng nóng cực điểm, thời tiết dạo này cũng mát dịu nên khách hàng cũng chưa có mua sắm nhiều bằng năm ngoái", anh Phan Phúc, nhân viên siêu thị Media Mart Đường Láng cho hay.
Do đó, để kích cầu tiêu dùng đầu hè, hiện, nhiều hệ thống siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội như Điện máy Xanh, Media Mart, Nguyễn Kim,... đã cập nhật các mẫu mã sản phẩm điện máy, điện lạnh cùng với mức giá ưu đãi để đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng.
"Năm nay, giá của thiết bị điện lạnh không có biến động nhiều nhưng có những offer (khuyến mại) cho khách hàng nhiều hơn. Ví dụ như điều hòa thì bên cơ sở của chúng tôi sẽ tặng cho khách hàng những combo, vật tư. Hầu như khách hàng khi mua điện lạnh, máy lạnh ở bên chúng tôi sẽ không cần phải bỏ ra thêm vật tư và sẽ được lắp đặt và miễn phí", anh Minh Chiến, nhân viên cửa hàng Điện máy Xanh, quận Tây Hồ cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên VOV, hầu hết các cửa hàng, siêu thị tung ra các ưu đãi như chi phí lắp đặt, vật tư, tặng kèm các voucher giảm giá, tăng thời hạn bảo hành, mua trả góp không lãi suất, chú trọng phát triển thương mại điện tử nhằm tăng sự cạnh tranh trong cuộc đua về giá cả và mẫu mã.
"Chúng tôi đã đưa ra những mức giá ưu đãi cho từng sản phẩm, cũng như khi người dân mua những sản phẩm cụ thể, chúng tôi sẽ tặng kèm với những phần quà vô cùng hấp dẫn".
"Các cửa hàng như cửa hàng mình sẽ có chính sách là mua nhiều giảm nhiều, tức là khi khách hàng mua nhiều sản phẩm sẽ được giảm giá thêm 10%, nó sẽ có nhiều chương trình khuyến mại".
"Để kích cầu tiêu dùng, cửa hàng đã giảm giá trực tiếp sản phẩm, nhập về những sản phẩm giá rẻ, giá bình dân phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng".
Tuy nhiên, bên cạnh giá cả và loạt ưu đãi hấp dẫn, người tiêu dùng đã và đang dần chuyển sự chú ý sang các sản phẩm có tính năng tiết kiệm điện, làm lạnh nhanh đồng thời thân thiện với con người và môi trường.
"Hiện tại, tôi đang có nhu cầu mua quạt hơi nước hơn là điều hòa, bởi vì là điều hòa, nếu như mà có bao gồm điện tiết kiệm điện thì nó sẽ rất là đắt hơn so với giá thị trường và điều hòa khác. Còn nếu như mà mua quạt hơi nước thì tôi sẽ được chọn những cái sản phẩm về tiết kiệm điện và giá thành cũng sẽ cân đối với tài chính mình đưa ra hơn", chị Nguyễn Quế Anh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng từ người mua, nhiều doanh nghiệp điện máy đã triển khai đẩy mạnh các dòng sản phẩm tích hợp tiết kiệm điện năng (inverter) để phục vụ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, thương hiệu hay chất lượng sản phẩm cũng là những yếu tố được người dân ưu tiên lựa chọn trước khi quyết định xuống tiền:
"Theo mình ngoài giá cả ra, mình ưu tiên cả chất lượng sản phẩm. Trong miền Nam thì nóng quanh năm, nếu mua phải sản phẩm không tốt thì thực sự là không xài được lâu", một khách hàng nói.
Mặc dù doanh số bán hàng của hệ thống điện máy chưa cao vì miền Bắc mới vào chớm Hè, nhưng trước dự báo nắng nóng sẽ kéo dài, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm tủ lạnh, máy lạnh, thiết bị làm mát của người dân sẽ còn tăng.
Dù có nhiều lựa chọn nhưng khách hàng cần lưu ý, khi chọn mua sản phẩm phải quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên mua sản phẩm giá rẻ, chất lượng không đảm bảo, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng đồng thời nên tìm đến các địa chỉ uy tín để mua được hàng có chất lượng, được hưởng chế độ bảo hành tốt nhất.
LÀN SÓNG SĂN NHÀ TẬP THỂ CŨ
Khi chung cư ở Hà Nội tăng giá thời gian qua, nhiều người có nhu cầu ở thực chuyển sang tìm mua căn hộ tập thể cũ bởi có mức giá phù hợp với nhu cầu tài chính của họ khi diện tích không quá lớn.
Đủ loại giá bán
Dù đã xuống cấp, căn hộ tập thể cũ ở Hà Nội vẫn đang được rao bán với các mức giá từ hai ba chục triệu mỗi mét vuông đến gấp đôi, tùy vị trí.
Theo khảo sát, một căn tập thể diện tích 55m2 ở Thanh Xuân Bắc (trên đường Khất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) đang cần bán với giá 2,3 tỷ đồng. Người bán cho biết, 55m2 là diện tích thực tế đang ở, nhưng trên sổ đỏ chỉ có 27m2. Căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 vệ sinh, bếp, khách và ban công.
Cùng khu vực, căn hộ diện tích chỉ 27m2, có 1 phòng ngủ, phòng khách, bếp và 1 nhà vệ sinh, đang cần bán giá 1,3 tỷ đồng. Căn hộ sẵn sổ đỏ, người mua ưng thuận là sang tên ngay.
Cũng tại quận Thanh Xuân, căn hộ 54m2 ở khu tập thể Xà Phòng (thuộc phường Thượng Đình) lại đang rao bán giá 1,98 tỷ đồng, tức khoảng trên 36,6 triệu đồng/m2.
Người bán cho biết, căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 gác xép, phòng khách, bếp và 2 nhà vệ sinh; nếu ai mua là có thể ở ngay vì gia đình để lại toàn bộ nội thất sẵn có gồm 2 điều hòa, 2 bình nóng lạnh, máy giặt, tủ lạnh, bếp từ, tivi, giường tủ…
Dưới 2 tỷ đồng, còn có căn hộ ở Khu tập thể Cơ khí cũng thuộc quận Thanh Xuân. Căn hộ có diện tích 65m2, 2 phòng ngủ và sẵn sổ đỏ đang cần bán giá 1,8 tỷ đồng. Với mức giá này, mỗi mét vuông có giá hơn 27,6 triệu đồng.
Hay ở quận Cầu Giấy, căn tập thể tầng 5, diện tích 35m2 ở Nghĩa Tân đang rao bán giá 1,75 tỷ đồng. Căn hộ chỉ có 1 phòng ngủ, 1 khách, bếp và vệ sinh; nhưng diện tích sổ đỏ chỉ có 17m2.
Sang quận Đống Đa, căn hộ tập thể 50m2, ở tầng 1 Vĩnh Hồ, phường Trung Liệt có thể kinh doanh được, giá rao bán ở mức cao 3,5 tỷ đồng, tương đương 70 triệu đồng/m2.
Căn hộ khoảng giá 2 tỷ đồng nhiều người tìm mua
Chị Thúy Nga, một môi giới bất động sản đang có nhiều quỹ căn nhà tập thể ở Hà Nội, cho hay, khi giá các căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng mạnh, nhiều người có nhu cầu mua ở thực nhưng tài chính eo hẹp đã chuyển hướng tìm mua căn hộ tập thể cũ.
“Tôi vừa chốt bán căn hộ tập thể cũ ở phố Khuất Duy Tiến, giá nhỉnh 2 tỷ đồng cho một đôi vợ chồng trẻ sau khi họ đã đi tìm mua chung cư cả năm không được. Với các căn hộ giá trên dưới 2 tỷ đồng không có nhiều, nhưng đa số những người tìm mua để ở lại chọn khoảng giá này”, chị Nga cho hay.
Môi giới này cho biết thêm, cũng có người tìm mua căn hộ tập thể giá dưới 2 tỷ đồng không ở mà cho thuê lại.
“Có thể các thông tin về cải tạo chung cư cũ với các chính sách mới đã khiến họ quan tâm đến các căn hộ tập thể cũ. Vì thế, có khu vực vị trí thuận tiện như ở quận Đống Đa, các căn nhà tập thể, chung cư cũ, mức giá chủ nhà đưa ra cũng tăng từ 10-20% so với cách đây hơn một năm”, chị Nga thông tin.
Lý giải việc nhà tập thể cũ ở Hà Nội dù xuống cấp nhưng vẫn có giá cao, nhiều người tìm mua, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, cho rằng, Hà Nội là một trong những thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao, nhu cầu về nhà ở và đầu tư bất động sản rất lớn. Mặc dù giai đoạn vừa qua, giá tăng cao nhưng nhu cầu vẫn nhiều, nhất là có giá dưới 3 tỷ đồng như chung cư cũ, tập thể cũ, nhà trong ngõ…
“Giá tăng là do nhu cầu ở thực cao, trong khi nguồn cầu chưa đáp ứng. Nhà tập thể cũ giá trên dưới 2 tỷ đồng phù hợp với tài chính nhiều người mua ở thực nên dù xập xệ họ vẫn mua để ở tạm và chờ cải tạo.
Để giải bài toán tổng thể về nhà ở, cần sớm đưa các Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản vào thực tế. Việc triển khai nhà ở xã hội cần quyết liệt hơn”, ông Điệp cho hay.
Tuy nhiên, ông Điệp lưu ý, người mua căn hộ tập thể cũ cần quan tâm đến một số yếu tố như mức độ an toàn khi ở. Dù có những thông tin thành phố cải tạo, xây dựng lại tập thể cũ, nhưng chưa biết cụ thể bao giờ, có thể phải chờ đợi rất lâu.
Cùng với đó, nhiều căn nhà tập thể có diện tích thực trên sổ đỏ rất nhỏ, diện tích cơi nới rộng thêm sau này sẽ không được xem xét trong bồi thường khi khu nhà phải phá dỡ, xây dựng lại. Vì thế, cần xem xét kỹ, cân nhắc khi mua.
Nguồn: Vnexpress; Thanh Niên; CafeF; Vietnamnet
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá