Người Việt hải ngoại: Người tại Nhật, Hàn lao đao; Quán bánh mì, bún bò ở Hong Kong; Mẹ Bằng Kiều mở 'đại tiệc' sinh nhật

NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT, HÀN LAO ĐAO VÌ ĐỒNG YÊN, WON MẤT GIÁ

Đến thời điểm sáng 1-5, tỉ giá yen Nhật quy đổi ra VND là 160,64 đồng - thấp nhất trong nhiều năm qua.

Ba năm trước, tỉ giá là 211,88 đồng thì yen đã bị mất giá 24%. Yen yếu thế là lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản có lợi thế cạnh tranh về giá hơn ở nước ngoài, đặc biệt là ô tô bán ở thị trường Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, nó cũng tạo ra gánh nặng về mặt nhập khẩu cho Nhật, đặc biệt về thực phẩm và phân bón. Từ đó, giá thành sản phẩm nội địa Nhật cũng tăng theo, gây áp lực chung cho người dân Nhật Bản và cộng đồng người Việt tại nước sở tại.

Trong tương quan làm ăn với Việt Nam, việc yen yếu thế dẫn đến một số tác động cụ thể đến số đông như chi phí du lịch Nhật Bản tăng mạnh vì chi phí thấp hơn, sức mua của du khách cao hơn khi đến Nhật. Hàng Nhật được nhập khẩu về Việt Nam sẽ được tiêu thụ tốt hơn do tỉ giá quy đổi thấp.

Tuy nhiên, các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản sẽ bị đắt lên và xu hướng khó tiêu thụ nhanh tại Nhật. Mặc dù vậy, doanh số xuất khẩu cũng không bị ảnh hưởng nhiều do giao dịch đều được thanh khoản bằng USD nên các doanh nghiệp Việt vẫn phát triển theo hướng tích cực.

Với đời sống cộng đồng người Việt, tỉ giá quy đổi đồng yen thấp khiến cho cộng đồng Việt Nam thất thoát khá lớn khi gửi ngoại tệ về nước. Chính vì vậy, cộng đồng người Việt tại Nhật có xu hướng giữ tiền Nhật để chờ thời điểm lên giá hoặc chuyển qua đầu tư tại Nhật thay vì gửi về Việt Nam. Ngoài ra, trong các kỳ nghỉ dài ngày, xu hướng đi du lịch nước ngoài hoặc về Việt Nam cũng rất e ngại do tỉ giá thấp kéo theo giá vé máy bay tăng, chi phí về nước tăng gấp 1,5-2 lần so với trước đây.

Tóm lại, việc đồng yen mất giá có thể gây ra các tác động tiêu cực đối với người Việt Nam thông qua việc quy đổi ngoại tệ về Việt Nam để duy trì chi phí trả lương tại các công ty chi nhánh Việt Nam. Chi phí sinh hoạt nội địa Nhật cũng tăng nhưng chậm nên có thể chấp nhận được. Mặt tích cực thì tạo ra du lịch, hàng hóa Nhật Bản rẻ hơn, tăng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam, thu hút đầu tư từ Nhật Bản...

Tại Hàn Quốc, đồng won đã giảm hơn 7% so với đồng USD trong năm nay. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc đồng won mất giá đã kéo theo tình trạng giá hàng hóa và các dịch vụ khác tăng cao tại Hàn Quốc, đời sống sinh hoạt của người Việt Nam tại đây cũng bị ảnh hưởng.

Chị T.T.H. - đã kết hôn và sinh sống tại Hàn Quốc được 14 năm - cho biết thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đều tăng giá. Tiền lương không tăng là mấy nên chi tiêu gia tăng nhanh chóng.

Cụ thể, giá một quả lê trước đây khoảng 2.000 won thì hiện tại lên đến 6.000 - 7.000 won, một quả bí trước đây khoảng 1.200 won thì có thời điểm tăng lên 5.500 won. Một phần do đồng won xuống giá, một phần do thiên tai tại Hàn Quốc thường xuyên xảy ra do biến đổi khí hậu. Từ đó, những chi tiêu cho hoạt động giải trí, đồ dùng cá nhân, sử dụng các dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng hoặc hạn chế đến mức tối đa.

Chị Đ.T.N. - lao động phổ thông đã có năm năm sinh sống và làm việc tại Seoul, Hàn Quốc - cho biết phí giao thông công cộng tăng từ 1.250 won lên 1.400 won/lượt. Bên cạnh đó, tiền thuê phòng trọ cũng gia tăng nhanh chóng từ 270.000 won (năm 2022) lên 300.000 (năm 2023) và hiện nay đã lên đến 350.000 won (khoảng 6,4 triệu đồng). Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm như sữa, rau củ... tăng từ 50 - 100%. Tiền lương có tăng nhưng không đáng kể, chỉ từ 9.620 won/giờ lên 9.860 won/giờ.

Tương tự cộng đồng ở Nhật, việc gửi tiền hỗ trợ về cho gia đình cũng gặp khó khăn vì tỉ giá (lúc cao điểm 1 triệu won đổi được 21 triệu đồng, nhưng nay chỉ được hơn 16 triệu đồng). Tiền vé máy bay tăng trên 50% nên có ít người muốn bay về Việt Nam.

Sức ép từ việc đồng won mất giá không chỉ gây ảnh hưởng đến người lao động mà còn có những tác động tiêu cực đến đời sống của các bạn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Đặc biệt, so với nhóm lao động di trú, du học sinh bị giới hạn về thời gian làm thêm cộng với lịch trình học tập dày đặc dẫn đến khó khăn trong việc kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

QUÁN BÁNH MÌ, BÚN BÒ THU 100 TRIỆU/NGÀY TẠI HONG KONG

Doanh thu 3.000-4.000 USD/ngày là thành quả của chị Ngọc Dung sau hơn 10 năm khởi nghiệp nhà hàng Việt tại Hồng Kông (Trung Quốc). Với chị, niềm hạnh phúc nhất chính là quảng bá được ẩm thực Việt.

Tâm huyết với ẩm thực Việt

22h, một nhà hàng Việt trên đường Nathan (Yau Ma Tei, đảo Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc) vẫn sáng đèn khi bên ngoài trời tối om, thỉnh thoảng chỉ có vài người qua lại.

Trong nhà hàng rộng 170 m2 ấy, một mình chị Dung, chủ quán, vẫn đang loay hoay nấu ăn, chuẩn bị nguyên liệu cho giờ mở cửa vào ngày mai.

Chị Lê Thị Ngọc Dung (54 tuổi) cho hay chị đã mở nhà hàng này được hơn 10 năm. Mỗi ngày, chị đều giữ thói quen đến quán làm việc từ 22h đến 12h hôm sau, rồi ở lại quản lý nhà hàng thêm 4 tiếng nữa mới về nhà nghỉ.

Nhà hàng mở cửa 6 ngày/tuần, nhưng không ngày nào là chị Dung nghỉ ngơi. Vào ngày đóng cửa nhà hàng, chị Dung vẫn sẽ đến để tự tay dọn vệ sinh, kiểm tra máy móc, nguyên liệu.

Vắt kiệt sức cho nhà hàng khi giấc ngủ chưa đầy 4 tiếng/ngày nhưng bà chủ vẫn luôn mỉm cười khi bản thân hái được nhiều "quả ngọt" sau hành trình khởi nghiệp đầy vất vả.

"Tôi tự tay nấu, chuẩn bị nguyên liệu. Vào giờ mở cửa, nhân viên chỉ việc đến bán cho khách thôi. Nhiều người hỏi tôi làm chủ mà sao bận rộn và vất vả như vậy. Lí do là vì tôi muốn mọi thứ phải do tự tay mình làm, như vậy thì mới không có sai sót, bản thân mới yên tâm", chị Dung nói.

Nhà hàng của chị Dung bán nhiều món ăn Việt, có giá dao động 65-70 HKD/phần (khoảng 211.000-227.000 đồng). Trong đó, bún riêu, phở gà, bún thịt nướng, bánh mì, các loại bánh ngọt là những món được thực khách yêu thích nhất.

Mỗi ngày, nhà hàng mở cửa từ 11h đến 21h. Thực khách đến đông nên chị Dung phải thuê hơn 10 nhân công thay phiên nhau đứng bếp, phục vụ.

Giai đoạn trước dịch Covid-19, doanh thu của nhà hàng có thể lên đến 7.500 USD/ngày (190 triệu đồng) nhưng giờ đã giảm xuống còn 3.000-4.000 USD/ngày (76-101 triệu đồng). Trong đó, các chi phí chưa kể tiền mặt bằng đã chiếm hơn một nửa.

Thấy thực khách đến ủng hộ càng đông, vẻ mặt hạnh phúc khi ăn món Việt do người Việt nấu, chị Dung vừa hạnh phúc, vừa tự dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn.

"Không chỉ người bản địa mà người Việt đến ủng hộ rất đông. Vì thế, mọi công đoạn đều phải được chuẩn bị thật chỉn chu. Tôi cũng đặt ra tiêu chuẩn về nguyên liệu khá khắt khe. Ví dụ như chả thì tôi nhập từ Việt Nam, rau nhập từ Thái Lan còn bún lấy từ Hồng Kông", chị Dung cho biết.

"Người Việt không bao giờ bỏ cuộc"

Năm 1997, chị Dung cùng gia đình đến Hồng Kông sinh sống. Thời điểm ấy, chị chỉ là một nội trợ, thỉnh thoảng xin làm việc tại các công ty gần nơi mình sống.

Xa quê hàng chục năm, chị Dung lúc nào cũng thèm món ăn Việt. Dù có lân la khắp các hàng quán bán đồ ăn Việt ở Hồng Kông, chị Dung cũng không thỏa mãn được cơn thèm món ăn dân dã, quê hương.

"Hầu như ngày nào cũng thèm đồ ăn Việt. Ví dụ như món bánh mì, mỗi khi về thăm nhà ở Việt Nam, tôi đều dành phần lớn thời gian mua bánh mì ăn, thậm chí còn mua mang qua Hồng Kông cho các con cùng ăn", chị Dung kể.

Bản thân chị Dung lại thích nấu ăn, đặc biệt là món ăn Việt Nam. Chị thường dành thời gian nấu nhiều món tặng cho người thân, bạn bè. Với niềm đam mê và thấu hiểu ẩm thực quê hương, "tay nghề" của chị Dung cũng dành được nhiều lời khen.

Thấy vậy, chị nảy ra ý tưởng mở cửa hàng bánh mì bán cho người dân bản địa ăn thử. Đối với chị, việc kinh doanh này vừa giúp chị kiếm thêm thu nhập, lại vừa thỏa mãn sở thích nấu ăn, làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.

Khởi nghiệp với 100.000 USD trong tay, chị Dung bắt đầu chọn một mặt bằng nhỏ 24 m2 để làm cửa hàng bán bánh mì, thuê 1 nhân viên đứng phụ. Mọi việc ở quán ăn đều do một tay chị Dung quán xuyến.

"Ở Hồng Kông, muốn mở một quán ăn nhỏ cũng là điều không đơn giản. Có nhiều quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà người chủ phải tuân theo. Hơn nữa, tôi không rõ khẩu vị của người Hồng Kông ra sao nên phải từ từ lắng nghe, điều chỉnh lại mọi công thức.

Nhiều người hiểu lầm người Hồng Kông ăn nhiều dầu mỡ nhưng thực tế họ không thích như vậy. Họ cũng không ăn quá ngọt hay quá mặn. Mở quán như làm dâu trăm họ vậy, mỗi người góp ý mỗi khác, bản thân phải thật sự kiên nhẫn, biết cách chọn lọc và điều chỉnh", chị bộc bạch.

Phải mất nửa năm sau, việc kinh doanh mới bắt đầu ổn định. Lúc này, không chỉ người bản địa mà người Việt đến Hồng Kông học tập, làm việc cũng tìm đến quán ăn của chị Dung nhiều hơn. Từ chỉ bán một món bánh mì, chị Dung học nấu và bán thêm nhiều món ăn Việt khác.

Thấy công việc ăn nên làm ra, chị mở thêm một nhà hàng ở đảo Hồng Kông. Nhưng 5 năm sau, vì nhiều lí do, chị Dung đành phải đóng cửa chi nhánh thứ hai. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là không thuê được nhân công.

"Từ trước đến nay, việc tuyển dụng và quản lý nhân công là điều khó khăn nhất. Đó cũng là lí do tôi không cho phép bản thân nghỉ ngơi mà phải tự tay hoàn thiện từng công đoạn ở nhà hàng chứa đầy tâm huyết của mình", chị chia sẻ.

Những tưởng công việc làm ăn sẽ tốt đẹp như trước, giai đoạn dịch Covid-19 đã khiến nhà hàng của chị như đứng ở bờ vực "dẹp tiệm". Chứng kiến không ít nhà hàng khác rơi vào cảnh đóng cửa, chị Dung càng hồi hộp hơn.

"Có những ngày phải bán mang đi, thậm chí là đóng cửa. Khoảng thời gian ấy kéo dài 2 năm, vô cùng khó khăn, tưởng chừng tôi đã không cầm cự nổi", chị Dung nhớ lại.

Sau giai đoạn Covid-19, bà chủ thở phào vì mọi thứ bình thường trở lại. Dù doanh thu không được như trước, chị Dung vẫn cảm thấy may mắn khi nhà hàng của mình vẫn cầm cự được.

"Đối với tôi, người Việt là không bao giờ bỏ cuộc. Mặc dù hết khó khăn này tới khó khăn khác đến với mình, tôi vẫn chấp nhận và vượt qua. Đối với tôi, khởi nghiệp khiến cho tôi thay đổi tích cực. Tôi không còn nóng nảy, hấp tấp như ngày trẻ mà trở nên kiên nhẫn, lắng nghe nhiều hơn.

Vui nhất là được quảng bá ẩm thực Việt đến người nước ngoài và xoa dịu nỗi nhớ quê hương của người Việt tại đây. Có nhiều người sống ở Hồng Kông mấy chục năm, chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Việt, nhưng họ vẫn nhớ, vẫn xúc động khi được ăn món Việt. Điều đó cũng là động lực để tôi gắn bó và phát triển nhà hàng đến ngày hôm nay", chị Dung trải lòng.

'ĐẠI TIỆC' MỪNG SINH NHẬT MẸ BẰNG KIỀU TẠI MỸ

"Sinh nhật mẹ Bằng Kiều mà cứ tưởng đám cưới, như bà nội đi lấy chồng vậy. Bà nội dạo này ăn chơi quá, sinh nhật tổ chức như đại tiệc" – Thúy Nga nói.

Mới đây, danh hài Thúy Nga đã tới nhà ca sĩ Bằng Kiều tại Mỹ để dự tiệc sinh nhật mẹ anh là nghệ sĩ Lưu Nga tròn 84 tuổi.

Dù đã ở tuổi U90, nhưng nghệ sĩ Lưu Nga vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn và hoạt bát. Bà thậm chí còn làm tóc trẻ trung, hiện đại, vừa nhuộm vừa uốn xoăn. Các con cháu đều bất ngờ trước vẻ đẹp của mẹ Bằng Kiều, dù không tác động thẩm mỹ nhưng da mặt vẫn căng, láng mịn.

Trong nhà Bằng Kiều, rất đông người tụ tập để chúc mừng sinh nhật nghệ sĩ Lưu Nga. Dù đã 11 giờ đêm nhưng mọi người vẫn còn ngồi trò chuyện, khiến Thúy Nga thốt lên: "Trong nhà tưng bừng như Tết vậy". Trong đó, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Ngọc Anh, Nguyễn Hồng Nhung…

Ai đến sinh nhật cũng tặng hoa, quà đắt tiền và lì xì tiền cho mẹ Bằng Kiều, cho thấy bà vẫn được con cháu, đồng nghiệp yêu quý. Có người còn tặng cả nước hoa, mi giả, phấn son, chứng tỏ mẹ Bằng Kiều dù đã ở tuổi U90 nhưng vẫn biết làm đẹp, ăn diện.

Thúy Nga nói: "Trời ơi, sinh nhật mẹ anh Bằng Kiều mà cứ tưởng đám cưới, như bà nội đi lấy chồng vậy. Bà nội dạo này ăn chơi quá, sinh nhật tổ chức như đại tiệc, bao nhiêu người tặng hoa, cắm khắp nơi, toàn hoa đắt tiền, bày nguyên một phòng, có cả con rồng ngọc to đùng, có lẵng hoa lên tới 300 đô. Bà nội thích hoa nên người ta toàn tặng hoa, mai mốt bà nội phải bảo thích tiền người ta mới tặng tiền".

Nhân dịp sinh nhật mình, nghệ sĩ Lưu Nga nấu phở gia truyền mời mọi người, khiến ai cũng háo hức. Thúy Nga nói: "Tôi vừa tới một nhà nọ được mời ăn phở nhưng tôi từ chối, chỉ muốn về nhà mẹ anh Bằng Kiều để ăn phở mẹ anh ấy nấu thôi, không ăn của ai hết".

Về phía mình, mẹ Bằng Kiều tiết lộ: "Hôm nay vẫn chưa xong đâu, ngày mai tôi lại mời thêm 40 người nữa tới nhà ăn. Hôm nay ăn phở, ngày mai ăn bún măng vịt. Hôm nay tôi đãi tiệc từ 5 giờ chiều tới 11 giờ Thúy Nga mới tới mà vẫn ngồi đợi".

Thúy Nga giật mình nói: "Bà nội đãi tiệc sinh nhật đến hai ngày liền cơ à?". Một người ngồi cạnh trả lời: "Bà nội đãi tiệc cả tháng nhé".

Nguồn: Tuổi Trẻ; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang