Người Việt hải ngoại: Đau đáu về quê hương; Giải bóng đá SV ở Úc; Giải bóng đá cộng đồng tại Nga; Chờ vượt biển đến Anh

TỪ SENEGAL, NHỮNG NGƯỜI CON GỐC VIỆT LUÔN ĐAU ĐÁU VỀ QUÊ HƯƠNG

Tại đất nước Senegal ở châu Phi xa xôi, có những người con gốc Việt luôn giữ trái tim hướng về quê hương.

Khi nói về quê hương, trong tâm thức mỗi người Việt xa xứ thường trào dâng nỗi nhớ. Đó có thể là nỗi nhớ về những con đường làng, những món ăn hay những lời ca ngọt ngào. Dù cách xa Việt Nam cả chục nghìn cây số, những người con gốc Việt luôn giữ gìn, trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê nhà.

Vị tướng già năm nay đã 91 tuổi nhưng ông vẫn còn thuộc khá nhiều bài hát xưa. Xa Việt Nam từ năm 14 tuổi, càng về già, ông Gomis càng nhớ mẹ nhiều hơn. Ông nhớ những bữa cơm quê mà mẹ mình hay nấu.

Ông Jean Gomis, một người gốc ViệtSenegal, kể: "Ở nhà khi ấy nghèo không có thịt mà ăn, toàn cá kho, tôm rang, rau muống luộc, mắm cáy, mắm tôm. Mắm tôm ngon lắm".

Chị Merry Bey có bà ngoại là người Việt. Sinh ra và lớn lên ở Senegal, Merry luôn yêu thích những bữa ăn đậm đà hương vị Việt. Với chị, đây chính là những ký ức tươi đẹp, giúp chị kết nối với quê hương, với cội nguồn.

Chị Merry Bey cho biết: "Chồng tôi cực kỳ thích các món ăn Việt Nam. Anh ấy thích nhất là phở nên tôi hay nấu phở cho anh ấy. Ngoài ra, tôi cũng làm rau xào, cơm rang, nem rán. Mấy món này tôi biết làm đều là do các dì dạy tôi".

Anh Taha Diouf, chồng chị Merry Bey, nói: "Vợ tôi là một người thích nấu ăn, dù là món Senegal hay món Việt Nam. Nhưng đặc biệt, cô ấy rất thích nấu các món Việt vì cô ấy vẫn hoài niệm về nguồn gốc của mình".

Hiện tại có khoảng 2.000 người Việt Nam sinh sống và làm ăn tại Senegal. Tổ chức cộng đồng người Việt tại Senegal là Kim hội được thành lập năm 2016 và ngày càng có nhiều hoạt động phong phú, tích cực lan toả hình ảnh, văn hoá Việt Nam.

Bà Marie Thiva Tran, một người gốc Việt khác ở Senegal, cho biết: "Để tưởng nhớ những người mẹ của chúng tôi, thể hiện tình yêu của chúng tôi dành cho họ và để vinh danh những ký ức về họ mà chúng tôi thành lập nên Kim hội".

Những thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 ở Dakar dù không còn nói được tiếng Việt nhưng một phần của quê hương vẫn luôn ở bên họ. Dù cách xa Việt Nam, họ vẫn đang nỗ lực mỗi ngày, gìn giữ bản sắc Việt, tâm hồn Việt, để giữ sợi dây gắn kết với quê hương.

SINH VIÊN QUỐC TẾ VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI BÓNG ĐÁ TẠI ĐẠI HỌC MONASH

Với sự góp mặt của gần 200 sinh viên tham gia thi đấu và cổ vũ, giải bóng đá sinh viên Việt Nam tại Đại học Monash (MVISC Cup 2024) kết thúc tốt đẹp tại sân bóng đá Đại học Monash cơ sở Clayton, bang Victoria.

Sự kiện ghi lại nhiều hình ảnh đẹp về hoạt động giao thoa văn hóa và truyền thống bóng đá tại mùa giải năm nay. MVISC Cup 2024 thu hút 8 đội bóng tham dự với các cầu thủ và cổ động viên đến từ các trường đại học trên khắp tiểu bang Victoria.

Với sự tham gia của các du học sinh và cựu sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại tiểu bang Victoria, giải đấu năm nay kêu gọi sự chú ý và ủng hộ đặc biệt từ cộng đồng người Việt tại Australia. Từ các trận cầu nảy lửa, sôi động đến những phút giây hồi hộp, mỗi trận đấu đều mang đến cảm xúc khó quên và kỷ niệm trân trọng.

"Có thể nói, giải bóng đá thường niên năm nay là cơ hội tuyệt vời để kết nối cộng đồng người Việt thông qua niềm đam mê chung với bóng đá. Đây không chỉ là trận thi đấu, mà còn là sự kiện kỷ niệm và khơi dậy tinh thần yêu thể thao đồng thời tăng cường gắn kết cộng đồng sinh viên Việt Nam tại xứ sở chuột túi", Ngô Thị Yến Nhi, Chủ tịch Hội sinh viên quốc tế Việt Nam tại Monash, chia sẻ.

Ngày 20/4, các trận cầu diễn ra trong bầu không khí rộn ràng và tràn đầy nhiệt huyết dưới sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và BTC. Các tuyển thủ trình diễn kỹ thuật và chiến thuật tinh tế, khiến mỗi trận đấu đều trở nên hấp dẫn và khó lường.

Kết quả chung cuộc, Noble Park FC trở thành nhà vô địch sau khi vượt qua FC Butcher với tỷ số 3-2. Đây là kết quả xứng đáng khi đội đã cống hiến lối chơi tấn công đẹp mắt xuyên suốt giải đấu. Ở trận tranh hạng ba, FC Fire Dragon đánh bại Monash Checker 2-0.

Trong lễ trao giải, đội chiến thắng nhận được sự tôn vinh và hoan nghênh từ khán giả và BTC. Những người thắng cuộc không chỉ vượt qua thách thức về kỹ thuật và tinh thần, mà còn mang lại niềm vui và cảm hứng cho tất cả.

Kết thúc giải đấu, tinh thần thể thao và lòng đam mê tiếp tục duy trì trong cộng đồng người Việt tại tiểu bang Victoria nói riêng và Australia nói chung. Giải bóng đá thường niên 2024 một lần nữa đánh dấu sự thành công trong tạo ra cơ hội giao lưu và hợp tác giữa các sinh viên, cũng như tôn vinh truyền thống thể thao của CLB.

Hội sinh viên quốc tế Việt Nam tại Monash (MVISC) cam kết tiếp tục có nhiều hoạt động thú vị, bổ ích, kết nối nhiều sinh viên và hướng về quê hương đất nước. Trong thời gian tới, MVISC sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn như Study With Me, Friday Night Chill Out, Charity Music Night và nhiều sự kiện thú vị khác.

GIẢI BÓNG ĐÁ SADOVOD LEAGUE 2024 GẮN KẾT TÌNH ĐỒNG HƯƠNG TẠI NGA

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam khẳng định giải bóng đá Sadovod League 2024 góp phần tăng thêm tình đoàn kết - yếu tố hết sức quan trọng trong cộng đồng người Việt Nam tại Nga.

Chiều 2/5, tại sân vận động Công viên Bratislava ở thủ đô Moskva đã diễn ra lễ khai mạc Giải bóng đá của cộng đồng người Việt Nam ở Trung tâm thương mại (chợ) Sadovod - Sadovod League 2024.

Đây là năm thứ tư liên tiếp cộng đồng người Việt Nam tại chợ Sadovod, một trong hai khu trung tâm thương mại có đông người Việt Nam kinh doanh buôn bán nhất ở thủ đô Moskva, phối hợp với ban quản lý chợ tổ chức giải bóng đá dành cho người Việt.

Tham dự lễ khai mạc có ông Aleksandr Yakovlevich - Đại diện Ban lãnh đạo Trung tâm thương mại Sadovod, ông Vũ Sơn Việt - Phó Trưởng ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga; ông Trần Phú Thuận - Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Liên bang Nga, cùng đông đảo bà con đang kinh doanh tại chợ Sadovod.

Sau lễ chào cờ, thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Vũ Sơn Việt đánh giá cao sự kiện thể thao truyền thống do cộng đồng người Việt Nam tại Sadovod tổ chức; chúc mừng Lễ khai mạc và giải bóng đá thành công với nhiều pha bóng đẹp, để lại ấn tượng tốt đẹp trong khán giả.

Ông Việt khẳng định sự kiện thể thao này góp phần tăng thêm tình đoàn kết - một yếu tố hết sức quan trọng trong cộng đồng người Việt tại Nga trong tình hình hiện nay.

Cũng chính sự đoàn kết này được thể hiện qua hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật khác, sẽ cho người Nga hiểu người Việt Nam hơn, giúp cộng đồng Việt Nam hòa nhập sâu, rộng hơn vào xã hội Nga.

Tham tán Vũ Sơn Việt nhấn mạnh cộng đồng người Việt ở Trung tâm thương mại Sadovod là cộng đồng lớn mạnh tại Moskva nên giải bóng đá lần này góp phần tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, củng cố tình hữu nghị giữa hai nước, góp phần làm cho cộng đồng người Việt Nam trên toàn Liên bang Nga ngày càng lớn mạnh, có được vị trí và tiếng nói tốt hơn ở Liên bang Nga.

Về phần mình, thay mặt ban lãnh đạo chợ, ông Aleksandr Yakovlevich chúc buổi lễ khai mạc và giải bóng đá thành công tốt đẹp.

Theo ông Yakovlevich, giải bóng đá Sadovod đã trở thành truyền thống tốt đẹp, góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị giữa người Việt đang buôn bán tại Sadovod và Ban lãnh đạo Trung tâm thương mại.

Ông Yakovlevich bày tỏ tin tưởng rằng giải đấu năm nay sẽ được tổ chức ở đẳng cấp cao hơn 3 mùa giải trước và sẽ trở thành sự kiện đáng nhớ đối với các vận động viên và khán giả.

Tham gia giải Sadovod League năm nay có 5 đội bóng với khoảng 100 vận động viên, gồm FC Hải Phòng, FC Pavilion, FC Thanh niên Moskva, FC Phụ liệu, FC Bắc Giang. Giải thi đấu theo thể thức vòng tròn để chọn ra đội vô địch./.

NHỮNG ĐOÀN DI CƯ VIỆT CHỜ VƯỢT BIỂN VÀO ANH

Trong đoàn di cư chờ cơ hội vượt eo biển Manche từ Pháp đến Anh, người Việt là nhóm nổi bật và có xu hướng ngày càng tăng.

Khi phóng viên của Guardian tới khu rừng sát bờ biển Pas-de-Calais, Pháp vào một ngày cuối tháng 4, họ nhận thấy có rất nhiều người Việt Nam trẻ tuổi đang tập trung. Những người này nép sát vào nhau, tránh sự chú ý của các tình nguyện viên Pháp đang cung cấp thực phẩm, nước uống cho đoàn di cư.

Nhóm người Việt tỏ ra căng thẳng, áp lực, nhưng cách ăn mặc chỉnh tề khiến họ dễ bị nhầm là du khách, các tình nguyện viên cho biết. Họ dường như cũng không thiếu tiền.

"Khi bị cảnh sát ngăn lên thuyền vượt eo biển Manche tới Anh, một số người Việt tới hỏi tôi làm thế nào để bắt taxi quay về nơi ở. Khi tôi nói rằng cước taxi khoảng 215 USD, họ đáp đó không phải vấn đề", Sophie Roux, tình nguyện viên 32 tuổi, kể lại.

Đầu tuần trước, một nhóm mới đến gồm khoảng 200 người Việt Nam, một nửa là phụ nữ, tới khu rừng này, nhiều người hy vọng sẽ có cơ hội lên thuyền vượt biển tới Anh vào sáng sớm hôm sau.

Nhưng vào đêm đó, một biến cố đã khiến hy vọng của họ tiêu tan. Cảnh sát Pháp phát hiện 5 người di cư từ Trung Đông, trong đó có một bé gái 6 tuổi, thiệt mạng vì bị lật thuyền khi tìm cách vượt biển đến Anh.

Sự cố khiến cảnh sát Pháp thắt chặt an ninh ở bờ biển và nhóm người Việt phải quay về. Dù vậy, nhiều người không nao núng, khẳng định sẽ tiếp tục tìm cách vượt biển khi thời tiết thuận lợi hơn.

Số lượng người Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Anh bằng thuyền, xuồng qua eo biển Manche từ 1/1 đến 21/4 đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1.300 người, chiếm 1/5 tổng số người vượt biên vào Anh bằng thuyền, theo thống kê của Guardian.

Xu hướng gia tăng của người Việt vượt biên tới Anh đáng chú ý đến mức được Thủ tướng Anh Rishi Sunak nêu lên trong phát biểu tuần trước về chính sách đối phó với những người nhập cư trái phép.

"Các băng đảng buôn người đang chuyển chú ý sang nhóm di cư Việt Nam dễ bị tổn thương. Phần lớn mức tăng số người vượt biển bằng thuyền trong năm nay là người Việt", Thủ tướng Sunak cảnh báo.

Ông Sunak đang thúc đẩy dự luật Rwanda, cho phép chính phủ Anh thuê máy bay đưa người di cư trái phép đã đến được Anh sang Rwanda ở Đông Phi. Tại Rwanda, người di cư sẽ được phân loại và làm thủ tục xin tị nạn.

Nhưng giới quan sát tỏ hoài nghi về hiệu quả của dự luật này, cho rằng đây không phải là giải pháp toàn diện cho những gì đang diễn ra ở bờ biển phía bắc Pháp.

"Đây là một xu hướng di cư đang diễn ra, không phải hướng quan tâm mới của người Việt tới nước Anh", Mimi Vu, chuyên gia chống buôn người tại TP HCM, nhận xét.

Những kẻ buôn người bắt đầu chuyển sang dùng xuồng vượt biển thay vì dùng xe tải đưa người di cư vào Anh kể từ đầu năm nay, trong bối cảnh giới chức tăng cường giám sát, kiểm tra các cảng.

Nhưng James Fookes, quản lý thuộc Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế tại Anh và châu Âu, không ủng hộ xây dựng chính sách đối phó xoay quanh việc siết kiểm soát.

"Tuyến đường buôn người từ Việt Nam sang Anh được thiết lập chặt chẽ và công dân Việt Nam chiếm tỷ lệ cao trong nhóm nạn nhân buôn người. Những kẻ buôn người sẽ tìm hiểu luật pháp nước sở tại, thay đổi cách thức vận chuyển người di cư khi luật, điều kiện thay đổi", ông Fookes nói.

Theo ông, động lực của người di cư là hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, kiếm tiền và gửi về gia đình. Nắm được nhu cầu đó, nhiều đại lý môi giới bất lương quảng cáo dịch vụ cấp visa, đẩy họ vào con đường bị bóc lột ở nước ngoài.

Nhiều bên quảng bá dịch vụ cung cấp visa du học ở Malta, rồi từ đó tìm đường cho khách hàng nhập cư vào châu Âu. Malta đã cấp visa cho 265 người Việt để theo học tại trường cao đẳng địa phương MCAST trong hai năm qua. Chỉ có hai người trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học, 263 người còn lại đã "biến mất".

Nhiều người Việt sau khi đến Malta bằng visa du học đã được đưa tới Romania, Ba Lan, mắc nợ hàng chục nghìn USD để làm công việc tay chân bên trong các nhà máy, ruộng đồng. Khi không thể trả hết nợ vì mức lương quá thấp hoặc hết hạn visa, con đường duy nhất với họ là đến Anh tìm cơ hội việc làm.

"Thủ đoạn đưa người Việt sang Anh có thể thay đổi về hình thức, nhưng nhu cầu vẫn giữ nguyên", bà Vu nói.

Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh ngày 17/4 đã ký Tuyên bố chung về hợp tác phòng chống di cư bất hợp pháp, trong đó hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong các chiến dịch truyền thông nhằm cảnh báo rủi ro từ hành trình di cư bất hợp pháp đến Anh.

Việt Nam và Anh cũng tăng cường chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng thị thực và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi hương của những người di cư không đủ điều kiện ở lại Anh hợp pháp.

Hai nước sẽ xây dựng kế hoạch hành động chung nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương và ngăn chặn nạn buôn người, đồng thời tiếp tục duy trì các cơ chế, kênh liên lạc chia sẻ thông tin trực tiếp, hiệu quả. Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác giữa hai nước nhằm thúc đẩy các tuyến đường di cư hợp pháp đến Anh.

Nguồn: VTV; Báo Quốc Tế; VietnamPlus; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang