- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Liên quan đến thông tin hỗ trợ bà con người Việt sau vụ cháy trung tâm mua sắm ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, ngày 12/5, các tổ chức hội đoàn người Việt tại nhiều quốc gia châu Âu đã phát động quyên góp ủng hộ vật chất nhằm chia sẻ khó khăn mất mát và hỗ trợ tinh thần đối với bà con bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn tại khu chợ ở Marywilska.
Vụ cháy chợ Marywilska ở Warsaw rạng sáng ngày 12/5 gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kinh doanh và đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan. Trao đổi với phóng viên VOV, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi gần như hoàn toàn tài sản bà con người Việt tại chợ, nhiều người đã trở thành tay trắng sau một đêm.
Ngay khi xảy ra vụ cháy, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các bên để thống nhất thành lập Ban hỗ trợ người Việt là nạn nhân tại Trung tâm thương mại gồm 4 tiểu ban: Tiểu ban tài chính, quyên góp ủng hộ về tài chính; tiểu ban pháp luật và việc làm; tiểu ban liên lạc với người bị nạn để nắm bắt thông tin và tiểu ban thông tin truyền thông.
Hiện tại, Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt tại Ba Lan đã và đang tích cực hỗ trợ phối hợp với hội đoàn làm việc với Ban quản lý chợ cùng cơ quan chức năng địa phương để có hướng giải quyết, như bố trí chỗ kinh doanh cho các tiểu thương trong thời gian chờ đợi xây dựng lại trung tâm. Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ:
“Phương án trước mắt chúng tôi đang tính phương án trung tâm buôn bán ở các nơi khác có thể hỗ trợ bố trí cho bà con một số chỗ nhất định để buôn bán ở các quận, trung tâm Warsaw. Một số bà con sẽ phải chuyển đổi mục đích kinh doanh như từ bán lẻ sang bán buôn chẳng hạn”.
Ông Tuấn cũng chia sẻ các Hội người Việt Nam tại nhiều quốc gia trong khu vực như Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Đức, Pháp… cùng các tổ chức Hội đoàn người Việt trên toàn châu Âu đã và đang tham gia ủng hộ. Tính đến nay, có khoảng hơn 150.000 USD được quyên góp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp hỗ trợ tạm thời cho bà con. Đến nay, các hoạt động quyên góp vẫn được các tổ chức người Việt ở nhiều quốc gia tiếp tục triển khai.
Trong ngày hôm qua, 15/5, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã quyên góp 25.000 euro, Hội phật tử tại Séc ủng hộ khoảng 300 triệu VND cho các bà con người Việt gặp khó khăn sau vụ cháy chợ Marywilska.
Ông Phạm Gia Hậu, Chủ tịch Hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Séc chia sẻ: “Khi nghe được tin bà con cộng đồng người Việt ở Ba Lan bị cháy chợ và hàng trăm quầy hàng của bà con đã bị thiêu cháy ngay trong một đêm, chúng tôi cảm nhận sự khó khăn và cần ngay sự chung tay vận động hỗ trợ cho bà con trong giai đoạn đầu để vượt qua sự khủng hoảng về tinh thần cũng như ủng hộ nhau về tình cảm, vật chất”.
Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu cho biết: “Tôi hiểu rằng việc quyên góp ủng hộ tài chính không thể bù đắp lại những mất mát nhưng đó cũng chính là sự động viên chia sẻ về mặt tinh thần đối với bà con người Việt ở nước Ba Lan”.
Với truyền thống lá lành đúm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no, cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia đã và đang tích cực chung tay tương trợ và chia sẻ khó khăn cùng bà con người Việt gặp hoạn nạn trong vụ cháy để sớm khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.
Ở tận châu Âu xa xôi, có những người mẹ Ireland đã thay đổi số phận, cuộc đời của những người con nuôi gốc Việt không cùng máu mủ.
"Tôi là người mẹ may mắn nhất thế giới!"
Thời gian dường như bỏ quên bà Karen Farrell, một người phụ nữ Ireland, khi ở tuổi 48, vẻ ngoài của bà vẫn xinh đẹp và rạng rỡ. Bà Karen hiện đang sống hạnh phúc cùng với cô con gái gốc Việt Nam dễ thương tên Kahlia (8 tuổi).
"Không lập gia đình, nhận con nuôi là một điều rất bình thường ở quốc gia của chúng tôi. Tôi cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại", bà nói với phóng viên.
Bà nhớ như in ngày 6.7.2018, khi chính thức nhận nuôi bé Phạm Thùy Lan Nhi. Bé gái bị mẹ bỏ rơi ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) vào năm 2016 và được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Và rồi cuộc đời của Lan Nhi chính thức sang một trang mới tươi sáng hơn ở thủ đô Dublin của Ireland trong tình yêu thương vô ngần của mẹ nuôi.
Cái tên Kahlia được bà đặt cho con gái, một từ có nguồn gốc từ tiếng Hawaii có nghĩa là "mong ước từ lâu của tôi", như để nói lên niềm hạnh phúc rằng, từ lâu, bà đã có ý định nhận nuôi một cô con gái người Việt Nam, nay đã thành hiện thực.
"Gia đình chúng tôi ở Ireland, ông bà, chị gái, cháu gái và cháu trai của tôi đều rất vui khi đón thêm thành viên mới là Kahlia và con bé rất được yêu thương. Chúng tôi là gia đình may mắn nhất trên thế giới vì có con bé và tôi cũng là người mẹ may mắn nhất thế giới. Những ngày làm mẹ Kahlia là những ngày hạnh phúc và tuyệt vời nhất trong cuộc đời của tôi", bà bày tỏ.
Người mẹ nói rằng Kahlia đã mang lại rất nhiều tình yêu, hạnh phúc, tiếng cười và niềm vui cho cuộc sống của cô và gia đình. Cô bé tràn đầy sức sống, tốt bụng, ngọt ngào, luôn khiến mọi người xung quanh cười vang.
Với công việc kế toán và dạy lớp lego cho trẻ em từ 3 - 12 tuổi, bà hạnh phúc với cuộc sống cùng con gái nhỏ. Người mẹ cho biết mình dành tất cả tình yêu cho con, tạo những điều kiện tốt nhất để con được phát triển.
Nói về Ngày của Mẹ, bà cười nói từ ngày có con và được làm mẹ, thì ngày nào với bà cũng là ngày đặc biệt này. Với người mẹ, nếu xem làm mẹ là một nghề, thì đó sẽ là công việc có "mức lương" hậu hĩnh nhất khi người mẹ được thấy con khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày, được đồng hành trong những chặng đường phát triển của con. Kahlia là món quà tuyệt vời nhất mà cuộc sống mang lại cho bà.
Mẹ mong tìm… mẹ ruột cho con
Cách nhà của bà Karren không xa, ở một vùng nông thôn yên bình cách thủ đô Dublin 30 km, bà Mary Murray (52 tuổi) cùng chồng là ông Des Murray (54 tuổi) đang có cuộc sống hạnh phúc cùng 2 cô con gái nuôi gốc Việt. Con gái lớn của ông nay đã 15 tuổi và con gái nhỏ Una Minh Murray năm nay cũng đã lên 9.
Con gái đầu tiên được bà Mary và chồng nhận nuôi ở Lạng Sơn, còn con gái út được nhận nuôi ở TP.HCM. Người mẹ vốn dĩ là một y tá, nhưng đã nghỉ làm khi bắt đầu nhận nuôi đứa con đầu tiên bà quyết định nội trợ tại nhà cũng như chăm sóc 2 con gái và những chú chó nhỏ. Ông Des làm kế toán nuôi các con.
Những ngày nhận nuôi các con người Việt Nam, cũng là những ngày tuyệt vời trong cuộc sống của vợ chồng bà. Họ dành cho các con tất cả tình yêu thương mà họ có cũng như tạo điều kiện tốt nhất để các con có thể phát triển.
Không chỉ vậy, điều họ cảm thấy băn khoăn và trăn trở nhất chính là việc tìm lại nguồn cội, tìm lại cha mẹ ruột cho các con của mình. Họ tin rằng, bất kỳ ai đều có quyền được biết về gốc gác của họ.
“Nhiều năm trước, chúng tôi đã tìm được gia đình của con gái đầu ở Lạng Sơn. Chúng tôi đã dẫn các con về nhà họ chơi, giữ liên lạc khăng khít giữa 2 bên gia đình. Từ cuộc đoàn tụ của chị, Una vẫn hay hỏi chúng tôi về gia đình ruột của con bé. Dù đã nỗ lực tìm kiếm với sự hỗ trợ của nhiều người Việt nhưng tới giờ vẫn chưa có tin tức của cha mẹ ruột các con", bà Mary bày tỏ.
Vợ chồng bà nhận xét các con của mình đều là những cô bé thông minh, sáng dạ, rất vui vẻ và lúc nào cũng khiến mọi người xung quanh mỉm cười. Họ hạnh phúc khi được làm cha, làm mẹ của các cô con gái người Việt.
Với bà Mary, được làm mẹ là một điều tuyệt vời nhất mà cuộc sống dành tặng cho bà. Đó thực sự là một công việc vất vả, nhưng mang nhiều niềm vui và hạnh phúc, nhất là khi họ chứng kiến được sự trưởng thành, hạnh phúc của các con. Vợ chồng bà cho biết tháng 12 năm nay sẽ tiếp tục đưa các con về Việt Nam, để khám phá về quê hương và đất nước cội nguồn cũng như tìm lại gia đình ruột cho cô con gái út.
Từ một thực tập sinh cơ khí, Lê Tuấn Đạt rẽ sang làm chủ quán "bánh mì di động" tại Nhật với doanh thu hàng trăm triệu đồng một tháng.
Sinh năm 1984 tại Bắc Ninh, Tuấn Đạt đến Nhật Bản năm 2008 với tư cách là một thực tập sinh trong lĩnh vực cơ khí. Sau nhiều nỗ lực, anh được phía công ty chủ quản đánh giá cao và mời ở lại Nhật. Từ đó, Đạt được chuyển đổi sang visa chất lượng cao và bắt đầu hành trình khởi nghiệp tại Hokkaido - quê hương người bạn đời của anh.
Bán bánh mì vì yêu ẩm thực Việt
Tình yêu ẩm thực đã thôi thúc Đạt theo đuổi con đường trở thành đầu bếp. Anh đã dành nhiều năm làm việc tại các nhà hàng, quán ăn để hiểu hơn về khẩu vị và thói quen tiêu dùng của người Nhật.
Đến tháng 5/2022, khi chính phủ nước này bãi bỏ những hạn chế trong việc đi lại sau đại dịch Covid-19, Tuấn Đạt nhận thấy thời điểm đã chín muồi và anh chính thức thực hiện giấc mơ mình ấp ủ - mở một quán ăn Việt Nam để giới thiệu hương vị quê hương đến với người dân địa phương.
Nhận thấy "vùng đất băng tuyết" Hokkaido là nơi có khí hậu lạnh nhất Nhật Bản và mật độ dân cư có xu hướng ngày càng giảm, thay vì mở một quán ăn cố định, Tuấn Đạt đã quyết định khởi nghiệp với một ý tưởng mới mẻ - quán ăn di động. Anh chọn bán bánh mì trên một chiếc xe tải nhỏ và hằng ngày di chuyển đến điểm bán để thu hút lượng khách yêu thích ẩm thực Việt Nam. Điều này không chỉ giúp anh linh hoạt trong việc chọn địa điểm kinh doanh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận khách hàng ở nhiều nơi khác nhau trên Hokkaido.
Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh, Đạt cho biết "lựa chọn bánh mì là món chính vì đó không chỉ là món ăn ngon mà còn là biểu tượng của sự hòa quyện văn hóa và lịch sử Việt Nam".
Theo chàng trai Quảng Ninh, đa số người Nhật đều biết đến Bánh Mì Việt Nam và họ rất muốn thử nếu có cơ hội. Ngoài bánh mì, Đạt cung cấp thêm một số món ăn truyền thống Việt Nam khác như: nem cuốn, gỏi cuốn, bánh cuốn, thịt kho tàu... để khách hàng có thêm lựa chọn.
Tự tìm ra công thức riêng cho nước sốt bánh mì
Tuấn Đạt cho rằng, để thành công cần linh hoạt và thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Hokkaido. Anh đã chủ động tham gia các lễ hội và sự kiện địa phương để quảng bá sản phẩm, đồng thời mở rộng dịch vụ nấu ăn theo yêu cầu, từ đặt tiệc cho đến phục vụ tại nhà.
"Một trong những thách thức lớn nhất tôi đối mặt không phải vấn đề tài chính, mà là việc tìm ra hương liệu phù hợp với khẩu vị của người Nhật", Đạt nói.
Anh cho biết trước khi bắt tay vào kinh doanh đã dành một năm về Việt Nam để học hỏi, nâng cao kiến thức liên quan bánh mì và pate. Anh cũng đã làm việc tại nhiều cửa hàng, quán ăn ở Nhật để có thể khảo sát nhu cầu, tìm hiểu tình hình kinh doanh của các đơn vị tại Nhật, đặc biệt là Hokkaido, nơi anh định cư và xây dựng sự nghiệp.
Chàng trai Quảng Ninh cho hay mất hai năm để tìm ra công thức nước sốt bánh mì và các gia vị thịt nướng phù hợp. Ngoài ra, anh đặc biệt tự tin với công thức kết hợp tương miso cho nước sốt gỏi cuốn - một sự kết hợp táo bạo giữa hai nền ẩm thực Việt - Nhật.
Trong quá trình kinh doanh, Đạt cũng luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ khách hàng. Anh đã điều chỉnh tỷ lệ gia vị và cách đóng gói sản phẩm để phù hợp với thị hiếu và sự tiện lợi cho người dùng.
Anh Kinoshita, một nhân viên hành chính quận Hidaka (Hokkaido) và cũng là một khách hàng quen của Đạt nhìn nhận, khó có thể tìm một người Việt Nam thông thạo tiếng Nhật, lại am hiểu văn hóa Nhật ở Hokkaido như Đạt.
"Anh ấy luôn làm việc chăm chỉ, dù bận rộn cho việc kinh doanh nhưng luôn dành thời gian giúp đỡ những người Việt khác đang sống và làm việc tại Urakawa", anh Kinoshita nói.
Bà Ikemi Isai san - Chủ cửa hàng Tiệm Bánh Panpakapan (Urakawa), nơi Đạt từng làm việc trước khi khởi nghiệp - cũng nhận xét anh là người rất chăm chỉ, luôn tự chủ trong công việc. Mọi yêu cầu đưa ra, Đạt luôn lắng nghe cẩn thận, ghi nhớ và làm rất tốt.
"Sau khi không còn làm việc ở đây, cậu ấy vẫn kết nối với mọi người. Tất cả khách hàng của tiệm tôi đều thích dùng thử bánh mì Việt Nam của Đạt", bà này nói.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, chính sách hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản đã trở thành một điểm sáng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như trường hợp của Lê Tuấn Đạt. Anh cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất vay xuống mức chỉ từ 1,25% đến 3% như một động thái nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, tại các địa phương, chính quyền nước này cũng triển khai các gói chính sách hỗ trợ, hay còn gọi là Hojokin, để khuyến khích các chủ doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Các gói hỗ trợ này bao gồm việc tái đầu tư, sửa chữa, mở rộng kinh doanh, và quảng bá thương hiệu địa phương, với mục tiêu khuyến khích sự dịch chuyển của các nhà đầu tư đến các vùng nông thôn trên khắp nước Nhật.
Với việc lập kế hoạch kinh doanh kỹ lưỡng, cùng cam kết sử dụng các sản phẩm địa phương, anh đã tận dụng được những chính sách này để phát triển doanh nghiệp của mình. Điều đó không chỉ giúp Đạt mở rộng quy mô kinh doanh mà còn góp phần vào việc quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản. Dịp lễ hội mới đây, doanh thu tại "quán di động" của anh lên đến 100 triệu đồng cho hai ngày tham gia.
Sau gần 2 năm, việc bán bánh mì "di động" của Đạt đã cho những kết quả khả quan, có những tháng cao điểm, doanh số thu về lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hiện cửa hàng của anh đã thu hồi vốn (tức thu về 200 man, tương đương khoảng 380 triệu đồng) và đang ở bước phát triển - mở rộng kinh doanh với việc mở tiệm phở và lẩu - nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực trong mùa đông của Hokkaido.
Mô hình "bánh mì di động" của Đạt đã tham gia vào các lễ hội tại Nhật và thu hút rất nhiều khách. Anh may mắn nhận được những hỗ trợ, lời mời tham gia các sự kiện tại địa phương để thúc đẩy du lịch cũng như quảng bá văn hóa. Đây cũng là một lợi thế cho những ai muốn khởi nghiệp tại vùng nông thôn, nơi được cho là khó khăn nhưng đầy cơ hội.
Trải qua nhiều thăng trầm trong hành trình khởi nghiệp tại xứ người, Tuấn Đạt hy vọng các bạn trẻ có cùng định hướng và đam mê khởi nghiệp ẩm thực như anh, cố gắng hết mình trong công việc, học hỏi từ những khác biệt văn hóa và tận dụng mọi cơ hội để phát triển bản thân. "Đừng chỉ đến Nhật để kiếm tiền, mà hãy đến để học", chàng trai 8X tâm sự.
Việc lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, là minh chứng chị em phụ nữ người Việt ở châu Âu không chỉ liên kết với nhau mà đã vươn ra quốc tế, liên kết kết nối với phụ nữ Việt Nam các nước trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu diễn ra từ ngày 9/5 - 11/5/2024 tại Madrid đã kết thúc tốt đẹp với hơn 1000 đại biểu từ 70 quốc gia. Đặc biệt tại Hội nghị lần này có sự tham gia của Đoàn đại biểu Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu. Đây là lần đầu tiên có phái đoàn phụ nữ người Việt ở nước ngoài tham dự Hội nghị với 40 thành viên từ 8 nước Châu Âu.
TS Phan Bích Thiện, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu cho biết: Phong trào phụ nữ Việt Nam tại châu Âu những năm gần đây phát triển rất mạnh, nhiều hội đoàn, câu lạc bộ, mạng lưới của phụ nữ đã được hình thành. Chị em phụ nữ người Việt ở châu Âu hiện giờ, có rất nhiều người đã có doanh nghiệp lớn, uy tín tại nước sở tại, nhiều người đang là những Giáo sư, chuyên gia làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học và cũng đã có những người đã bước vào chính trường.
Mối liên kết giữa chị em phụ nữ người Việt ở các nước châu Âu ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là sau khi Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu diễn ra vào tháng 6 năm 2023, sự kết nối giữa các chị em ngày càng gắn chặt hơn.
Bà Hoàng Thúy Nga, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Phó Chủ tịch Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu cho biết: như một thông điệp ngoại giao nhân dân, những thành viên trong đoàn đã đến Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu với những áo dài Việt Nam và tạo điểm nhấn thu hút, kết nối với phái đoàn phụ nữ các nước chính từ chính từ áo dài này: "Đây là niềm tự hào cho bộ trang phục chị em chúng tôi mang trên người, cũng chính là thông điệp gửi đến tất cả chị em trên toàn cầu là: Chị em phụ nữ chúng tôi đã bước những bước tiến rất dài, rất vững chãi, để có được tương lai chị em phụ nữ Việt Nam sánh vai với chị em khắp toàn cầu."
Trong khuôn khổ Hội nghị Đoàn đại biểu của Diễn đàn đã có buổi gặp gỡ với Chủ tịch Hội nghị bà Irene Natividad và chương trình giao lưu kết nối kinh doanh với đoàn các nữ doanh nhân trong Mạng lưới Nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead) từ Việt Nam sang dự Hội nghị. Tại chương trình giao lưu đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu và Mạng lưới Nữ lãnh đạo tiên phong Việt Nam.
Bà Trần Thị Thu Thủy. Phó ban liên lạc người Việt Nam tại Tây Ban Nha, thành viên ban điều hành Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu nói: "Dự hội nghị chúng tôi học hỏi được nhiều những cái mới và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các chị em các nước chia sẻ về công nghệ, Al...và nhiều kinh nghiệm mới."
Bà Đặng Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội phụ nữ Việt Nam tại Slovakia, Ủy viên ban điều hành Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu chia sẻ:"Qua đây chúng tôi học hỏi được rất nhiều những người phụ nữ trên toàn thế giới. Và cũng cảm thấy rất đáng tự hào về những người phụ nữ Việt Nam."
Bà Trịnh Thị Mùi Chủ tịch Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, Phó Chủ tịch diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu cho biết: "Đến đây chúng tôi đã gặp rất nhiều chị em phụ nữ ở các nước trên 70 năm lấy đây hỏi được rất nhiều, đặc biệt là những vấn đề mà Hội nghị quan tâm tới: như là vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề nhân quyền của phụ nữ, bình đẳng giới. Và đặc biệt tự hào là ở nhiều quốc gia hiện nay, chị em phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong quản lý lãnh đạo của đất nước.
Dù mới thành lập tháng 6/2023, nhưng với nhiều hoạt động ấn tượng trong thời gian qua, cùng việc tham gia vào các hoạt động có tầm vóc quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, càng chứng tỏ sự phát triển của Diễn đàn cũng như những nỗ lực hội nhập, vươn xa hơn ra tầm thế giới của phong trào phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.
TS Phan Bích Thiện. Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu khẳng định: "Việc Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu lần này, là minh chứng chị em phụ nữ người Việt ở châu Âu không chỉ liên kết với nhau mà đã vươn ra quốc tế, liên kết kết nối với phụ nữ Việt Nam các nước trên thế giới. Tại hội nghị lần này chúng tôi đã được nghe rất nhiều những bài tham luận thuyết trình rất sâu sắc, ấn tượng và thiết thực liên quan đến những vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo... làm sao mà phụ nữ có thể quản lý được tài chính cũng như vận hành doanh nghiệp. Tôi tin rằng qua Hội nghị thượng đỉnh lần này các đại biểu của phái đoàn Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu sẽ học hỏi được rất nhiều và cũng có được những cơ hội để giao lưu kết nối với phụ nữ các nước, để làm sao càng ngày càng nâng tầm của phụ nữ Việt Nam sánh vai với phụ nữ các nước trên thế giới."
Nguồn: VOV; Thanh Niên; Vnexpress; Thời Đại
Người Việt hải ngoại: Lên tiếng vụ Trump dừng tranh luận; Top bị trục xuất khỏi Nhật; Trung thu ở Praha; 1 người bị cưỡng hiếp ở Philippines
Người Việt hải ngoại: Kiều bào ủng hộ miền Bắc; Bất lực nhìn con gái tự tử; Tiến sĩ truyền cảm hứng ở Hungary; Trộm cắp, du học sinh bị bắt
Người Việt hải ngoại: Người đẹp ly hôn tỷ phú Thái; Nhà hàng Saigonville ở Vancouver; Rủ chồng Mỹ về rừng
Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ vụ hỏa hoạn ở Hungary; Kiều bào Nhật ủng hộ vùng bão lũ; Cuộc thi 'VN trong tôi'
Người Việt hải ngoại: Kiều bào ủng hộ dân vùng lũ; Ngày hội khoa học tại Hàn; Trường song ngữ ở Lào; Hội sinh viên tại ĐH Monash
Người Việt hải ngoại: Lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài; Niềm tự hào Việt tại các thành phố ở Canada; Nữ sinh làm việc tại LHQ
Người Việt hải ngoại: Có người mắc kẹt ở Brazil; Nở rộ ứng tuyển ĐH Mỹ; Gặp cô gái đầu tiên bay vào vũ trụ; 4 người bị bắt ở Thái Lan
Người Việt hải ngoại: Kiều bào Pháp ủng hộ VĐV; Tiếng Việt ở Malaysia; Bác sĩ của cộng đồng ở Séc; Quang Linh trồng hành tây ở Phi
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá