Bí mật động trời ở Amazon; Zaporozhye giao tranh dữ dội; Israel tấn công Iran; Canh bạc của 3 nước Arab; Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới

AMAZON LỘ BÍ MẤT ĐỘNG TRỜI: ÉP NHÂN VIÊN NÚP BÓNG NGƯỜI BÁN, ĂN CẮP THÔNG TIN HÀNG HÓA, ĐE DỌA LÃNH HẬU QUẢ NẾU ĐỂ LỘ

Đại diện phát ngôn khẳng định Amazon rất ít chú ý đến các đối thủ cạnh tranh, song thực tế không phải vậy.

Trong gần một thập kỷ, công nhân tại một nhà kho ở Denny Triangle, Seattle đã vận chuyển hàng tá các mặt hàng cho khách bán lẻ trực tuyến trên khắp nước Mỹ. Hoạt động này có tên Big River Services International, bán số lượng hàng hóa trị giá khoảng 1 triệu USD/năm thông qua các nền tảng eBay, Shopify, Walmart, Amazon…. dưới các tên thương hiệu như Rapid Cascade và Svea Bliss.

“Chúng tôi là doanh nhân, nhà tiếp thị và người sáng tạo”, Big River nói trên trang web của mình. “Chúng tôi có niềm đam mê với khách hàng và không ngại thử nghiệm”.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là Big River lại là một chi nhánh của Amazon, được tạo ra nhằm lén lút thu thập thông tin các đối thủ cạnh tranh của gã khổng lồ công nghệ.

Ra đời từ mã kế hoạch năm 2015 có tên “Project Curiosity”, Big River sử dụng doanh số bán hàng của mình trên nhiều quốc gia để lấy dữ liệu về giá, thông tin hậu cần cũng như thị trường thương mại điện tử đối thủ. Sau đó, nhóm sẽ chia sẻ thông tin với Amazon để tập đoàn đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp.

Amazon là công ty TMĐT lớn nhất nước Mỹ, chiếm gần 40% tổng lượng hàng hóa trực tuyến được bán ra, theo công ty nghiên cứu eMarketer. Người phát ngôn trước đó khẳng định hãng rất ít chú ý đến các đối thủ cạnh tranh và thay vào đó, chỉ tập trung toàn bộ sức lực vào việc thu hút khách hàng.

Câu chuyện về Big River mang lại cái nhìn sâu sắc về nỗ lực của Amazon trong việc đánh bại các đối thủ. Các thành viên trong nhóm chỉ nhận mình là nhân viên Big River Services, thay vì tiết lộ rằng họ thực sự đang làm việc cho Amazon.

Theo WSJ, những người này được cấp địa chỉ email mật để bảo toàn dự án. Thông tin sẽ được chuyển tới các giám đốc điều hành Amazon thông qua bản in, đánh số thay vì email như thường lệ. Những người làm việc trong dự án thậm chí không được phép thảo luận về mối quan hệ nội bộ với hầu hết các nhóm tại Amazon.

Các giám đốc điều hành cấp cao của Amazon, bao gồm Doug Herrington, Giám đốc điều hành hiện tại của Worldwide Amazon Stores của Amazon, thường xuyên nhận được thông báo ngắn gọn về Project Curiosity.

“Amazon, giống như nhiều nhà bán lẻ khác, có các nhóm đánh giá và nghiên cứu trải nghiệm khách hàng để cải thiện dịch vụ”, một phát ngôn viên của Amazon cho biết. “Amazon tin rằng các đối thủ của mình cũng thực hiện nghiên cứu tương tự về Amazon bằng cách bán hàng trên trang của Amazon, bà nói.

Các công ty có thể gặp rắc rối về pháp lý nếu chiêu mộ nhân viên cũ của đối thủ để ăn cắp bí mật thương mại. Elizabeth Rowe, giáo sư Trường Luật Đại học Virginia, cho biết hành vi này có thể dẫn đến các vụ kiện chiếm đoạt bí mật thương mại.

Nhằm cải thiện trải nghiệm của những nhà cung cấp bên ngoài, Amazon quyết định tạo ra một số thương hiệu bán hàng trên Amazon, phần cũng vì muốn tìm hiểu khó khăn của người bán. Dự án “Project Curiosity” theo đó ra đời, sử dụng một công ty vỏ bọc, tìm kho hàng ở Mỹ, Đức, Anh, Ấn Độ và Nhật Bản và đóng giả là người bán.

Mục tiêu hàng đầu là Walmart, đối thủ lớn nhất của Amazon, nhưng Walmart có tiêu chuẩn khá cao đối với những người bán. Trước tiên, hãng chỉ chấp nhận những nhà cung cấp đã bán được số lượng lớn.

Big River ban đầu không đủ điều kiện để trở thành người bán Walmart Marketplace. Nhóm trước đó chỉ bán trên Jet.com, vốn được Walmart mua lại vào năm 2016 và sau đó đóng cửa vào năm 2020. Tại Ấn Độ, Big River bán trên Flipkart, thị trường thương mại điện tử khổng lồ của Ấn Độ mà ở đó Walmart sở hữu phần lớn cổ phần.

Một số người cho biết, để đáp ứng ngưỡng doanh thu của Walmart, nhóm Big River đã tập trung vào việc bơm sản phẩm thông qua Amazon.com để tăng doanh thu chung. Mục tiêu của Big River không phải là tạo ra khối lượng lớn trên các nền tảng cạnh tranh mà chỉ đơn giản là tận dụng chúng để giành quyền truy cập. Vào năm 2023, 69% doanh thu của Big River trên toàn thế giới là từ Amazon.com.

Vào năm 2019, Big River cuối cùng cũng được có mặt trên trang web của Walmart. Trong tháng này, Big River có khoảng 15 sản phẩm được liệt kê trên Walmart.com dưới tên người bán là Atlantic Lot, bao gồm ghế bãi biển Tommy Bahama, chảo và hộp đựng thức ăn. Theo một người quen thuộc với vấn đề này, vào năm 2023, Big River có doanh thu hơn 125.000 USD chỉ riêng trên Walmart.com.

Amazon vào thời điểm đó còn xây dựng hoạt động kinh doanh hậu cần để lưu trữ và vận chuyển hàng cho người bán với một khoản phí nhằm cạnh tranh với FedEx và United Parcel Service. Tổng doanh thu của Amazon từ dịch vụ người bán bên thứ ba này đã tăng gần 12 lần kể từ năm 2014 lên 140 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm gần 1/4 tổng doanh thu Amazon.

Được biết, Amazon đã thực hiện rất nhiều các biện pháp để che giấu mối liên hệ với Big River. Nhân viên được hướng dẫn sử dụng địa chỉ email thứ hai, không phải của Amazon, với tên miền @bigriverintl.com. “Chúng tôi được khuyến khích làm việc ngoài mạng lưới càng nhiều càng tốt,” một cựu thành viên nhóm nói về việc sử dụng email bên ngoài. Các luật sư nội bộ của Amazon cũng nhắc nhở các thành viên nhóm Big River không tiết lộ mối liên hệ với Amazon.

Nhìn chung, trên toàn cầu, Big River đã có quyền truy cập vào nhiều thị trường đối thủ, bao gồm Alibaba, Etsy, Real.de, Wish và Rakuten…Theo một tài liệu nội bộ của công ty, vào năm 2019, nhóm đặt mục tiêu tiếp cận thêm 13 thị trường mới.

MẶT TRẬN ZAPOROZHYE GIAO TRANH ÁC LIỆT

Giao tranh trên hướng Zaporozhye đang diễn ra dữ dội. Cả 2 bên đều tăng cường sử dụng vũ khí tầm xa.

Ngày 18/4, trang AVP thông tin, máy bay và pháo binh Nga đang tấn công Lực lượng Vũ trang Ukraine dọc toàn bộ chiến tuyến.

Trên hướng Zaporozhye, giao tranh dữ dội đang diễn ra. Quân đội Nga tăng cường các cuộc tấn công để tiến tới vùng ngoại ô phía đông Rabotino và ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga, Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng đẩy mạnh phản kích. Vũ khí tầm xa được cả hai bên tích cực sử dụng, điều này nhấn mạnh sự căng thẳng và tầm quan trọng của mặt trận này.

Tình hình ở mặt trận Donetsk vẫn tiếp tục căng thẳng. Tại Novomikhailovka, quân đội Nga đang cố gắng đánh bật lực lượng đồn trú Ukraine. Ở Krasnogorovka, lực lượng Nga cũng đẩy mạnh tấn công với sự hỗ trợ tích cực của không quân và pháo binh. Ở khu vực Pobeda và Georgievka giao tranh không lắng xuống mà còn trở nên gay gắt hơn ở phía Nevelskoye.

Quân đội Nga cũng đang tích cực sử dụng máy bay chiến đấu và pháo binh để tấn công các vị trí của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở Chasovoy Yar. Cuộc tấn công tiếp tục ở phía đông, với lực lượng Nga ngày càng gia tăng áp lực lên lực lượng phòng thủ Ukraine.

Tại khu vực Semyonovka và Berdychi, không có thay đổi đáng kể nào về vị trí kiểm soát, giao tranh vẫn diễn ra dữ dội. Về phía Ochertino và Novobakhmutovka, các đơn vị Nga đã đạt được một số tiến bộ khi tiếp cận các khu định cư quan trọng chiến lược này.

Quân Nga đã tích cực sử dụng không quân và pháo binh tấn công vào các vị trí quân sự của Ukraine. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phòng thủ và tinh thần của quân Ukraine.

Play Video

Trong ngày 18/4, RT cũng đã thông tin về cuộc tên lửa của Nga nhằm vào căn cứ không quân Aviatorskoe. Đây là căn cứ không quân quan trọng của Ukraine ở vùng Dnepropetrovsk. Hình ảnh về vụ tấn công được máy bay không người lái của Nga ghi lại và công khai.

Hình ảnh từ video cho thấy một số máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay vận tải có tại sân bay vào thời điểm nó bị tấn công. Dường như bom chùm do tên lửa Iskander-M phóng đi đã được sử dụng trong cuộc tấn công. Ngoài các máy bay, nhà chứa máy bay và kho đạn gần đó cũng bị tấn công.

Aviatorskoe nằm ở phía nam thành phố Dnepr, cách tiền tuyến hơn 100 km.

BỎ MẶC MỌI LỜI KÊU GỌI, ISRAEL VẪN TRẢ ĐŨA IRAN, TRUNG ĐÔNG NÓNG HƠN BAO GIỜ HẾT

Israel đã bắn một tên lửa vào lãnh thổ Iran, theo một số nguồn tin. Đây được coi là hành động trả đũa rõ ràng nhất của Israel nhằm vào nước cộng hòa hồi giáo.

Các quan chức Mỹ xác nhận với CBS News, đối tác của BBC tại Mỹ, rằng vụ tấn công bằng tên lửa diễn ra vào sáng thứ Sáu (19/4).

‘Tiếng nổ’ ở Isfahan

Theo Fars, hãng thông tấn liên kết với với chính phủ Iran, đã có tiếng nổ ở phía tây bắc thành phố Isfahan vào rạng sáng thứ Sáu (19/4) giờ địa phương.

Fars cho biết vụ nổ xảy ra gần sân bay quốc tế của Isfahan. Tuy nhiên, không có lời giải thích nào được đưa ra về nguyên nhân vụ nổ.

Thành phố Isfahan cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 350 km về phía nam.

Thành phố Isfahan có một căn cứ không quân lớn, một tổ hợp sản xuất tên lửa cùng vài cơ sở hạt nhân.

Giải thích lý do Isfahan trở thành mục tiêu của vụ tấn công, ông Mark Kimmitt, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, chia sẻ với BBC News:

“Isfahan là trung tâm chương trình hạt nhân của Iran, xét trên phương diện đào tạo, nghiên cứu và phát triển năng lực hạt nhân.

“Vì vậy, đây là mục tiêu tấn công tiềm năng của Israel. Điều Israel sợ không phải những cuộc tấn công bằng tên lửa, mà là năng lực hạt nhân [của Iran].”

Hiện các cơ sở hạt nhân ở Isfahan “hoàn toàn an toàn”, Đài truyền hình nhà nước Iran (IRIB) dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết.

Phản ứng từ Iran

Ít phút sau khi bị tấn công, hãng thông tấn IRNA của nhà nước Iran đưa tin hệ thống phòng không của nước này đã được kích hoạt.

Đồng thời, IRIB dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết "những âm thanh lớn ở một số khu vực là tiếng kích hoạt của hệ thống phòng không nhằm đánh chặn các drone không rõ nguồn gốc”.

Khoảng hơn 7 giờ sáng giờ địa phương, IRIB đăng tải một video lên tài khoản Telegram cảnh một phóng viên của đài này đưa tin từ trên đỉnh một tòa nhà ở trung tâm thành phố Isfahan.

"Thành phố đang an toàn, người dân đang sinh hoạt bình thường," phóng viên này nói.

"Vài giờ trước, có tiếng ồn vang lên từ bầu trời. Từ những thông tin chúng tôi biết, có nhiều drone trên bầu trời Isfana và chúng đã bị [hệ thống phòng không] đưa vào tầm ngắm.

"Đến nay, các cơ quan địa phương chưa cung cấp thông tin gì cho chúng tôi. Một số nguồn tin nói rằng các cơ sở hạt nhân của Isfahan đã bị nhắm mục tiêu, nhưng dựa trên tìm hiểu của chúng tôi, thông tin này là sai, không có nơi nào bị nhắm tới."

Iran phủ nhận có cuộc tấn công bằng tên lửa vào nước này.

Phát ngôn viên Trung tâm Không gian mạng Quốc gia của Iran, ông Hossein Dalirian, viết trên tài khoản X (Twitter): "Không có cuộc không kích nào từ bên ngoài vào Isfahan hay các khu vực khác của đất nước."

Theo ông, Israel đã thực hiện “một kế hoạch thất bại và đáng xấu hổ” khi cho drone bay tới và bị Iran bắn hạ.

Tuy vậy, sáng sớm thứ Sáu 19/4, hàng loạt chuyến bay thương mại đã bị hoãn ở khắp các thành phố lớn của Iran, bao gồm Isfahan, Shiraz và Tehran, Reuters trích dẫn truyền thông nhà nước Iran cho biết.

Hai hãng hàng không có trụ sở tại Trung Đông là Emirates và FlyDubai (UAE) đã bất ngờ chuyển hướng các chuyến bay ở khu vực miền tây Iran mà không có giải thích, theo thông tin mới nhất.

Tới hơn 9 giờ sáng giờ địa phương, Iran thông báo rằng tất cả các hạn chế bay đã được dỡ bỏ.

Trước cuộc tấn công

Vài giờ trước khi cuộc tấn công hôm nay được đưa tin, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã lên tiếng cảnh báo rằng bất kỳ sự trả đũa nào từ Israel sẽ bị đáp trả “ngay lập tức và ở mức độ cao nhất".

Trước đó trong tuần này, ông Amir-Abdollahian nói rằng cuộc tấn công của Iran vào Israel hôm 13/4 là hành động “thực hiện quyền tự vệ hợp pháp".

Vào ngày 13/4, Iran đã bất ngờ tấn công Israel với hàng trăm drone và tên lửa. Israel đã đánh chặn được gần như toàn bộ.

Iran cho biết hành động của mình là nhằm trả đũa cuộc tấn công hôm 1/4 nhằm vào lãnh sứ quán nước này tại thủ đô Damascus của Syria. Iran cáo buộc Israel là thủ phạm vụ tấn công cơ quan ngoại giao nói trên.

Vào thứ Hai (15/4), Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công ngày 13/4 của Iran. Iran đã bắt đầu ở trong tình trạng báo động cao kể từ đó.

Vào sáng sớm thứ Sáu (19/4), còi báo động đã vang lên ở miền bắc Israel, ngay sau khi có những thông tin chưa được xác nhận về một cuộc tấn công có thể xảy ra của Israel vào Iran.

Tuy nhiên, quân đội Israel cho biết những tiếng còi này chỉ là báo động giả.

Đã có ít nhất ba drone được nhìn thấy trên bầu trời Iran vào rạng sáng 19/4. Hệ thống phòng không của Iran sau đó đã phá hủy thành công những drone này, Reuters dẫn IRIB.

Một số cơ quan truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Mỹ đã được thông báo về kế hoạch tấn công của Israel, nhưng không ủng hộ hành động đó.

Cả NBC và CNN đều dẫn lời các quan chức ẩn danh cho biết Israel đã cảnh báo trước cho Mỹ.

"Chúng tôi không ủng hộ phản ứng đó," CNN trích dẫn một quan chức nói.

Sau vụ tấn công sáng 19/4, quân đội Israel, Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đều từ chối cho bình luận.

Trong khi đó, chính phủ Úc đã kêu gọi công dân của mình rời khỏi Israel do lo ngại về xung đột khu vực.

"Đang có nguy cơ cao về các cuộc trả đũa quân sự và tấn công khủng bố vào Israel hoặc vào các lợi ích của Israel trên khắp khu vực.

“Tình hình an ninh có thể xấu đi nhanh chóng," Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc viết trên tài khoản Smartraveller trên nền tảng X (Twitter).

"Chúng tôi kêu gọi người Úc rời khỏi Israel hoặc các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.”

3 NƯỚC ARAB BẢO VỆ ISRAEL TRƯỚC IRAN, MỤC ĐÍCH LÀ GÌ?

Ba nước Arab tham gia bảo vệ Israel có nguy cơ hứng chỉ trích nếu Tel Aviv quyết định đáp trả mạnh mẽ đòn tập kích của Tehran, khiến khủng hoảng tiếp tục leo thang.

Sau khi cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel bị ngăn chặn vào cuối tuần qua nhờ hỗ trợ từ Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng như Trung Đông, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi rằng một "liên minh" vững chắc đã giúp ngăn chặn xung đột lan ra toàn khu vực.

Ba quốc gia Arab tham gia là Arab Saudi, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sự góp mặt của họ gây chú ý vì căng thẳng giữa người Arab và Israel vốn đã tồn tại hàng thập kỷ do vấn đề Palestine. Theo giới phân tích, phản ứng sắp tới của Israel sẽ kiểm tra tính bền vững của "liên minh", khi việc họ hợp tác với Tel Aviv gần đây đã bắt đầu tạo ra những làn sóng phản đối ở trong nước.

"Những quốc gia Arab đó đang ở vào tình thế rất nhạy cảm", Oraib Al Rantawi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Al Quds, trụ sở tại thủ đô Amman, Jordan, nhận định. "Vì những lý do địa chính trị, bối cảnh hiện nay không dễ dàng cho họ, đặc biệt là với Jordan, khi họ bị mắc kẹt giữa hai nguồn gây rắc rối là Israel và Iran".

Sau cuộc tập kích của Iran, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby gọi màn phối hợp giữa Mỹ và đồng minh nhằm bảo vệ Israel trước hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) là "một thành công quân sự phi thường" đã gửi "thông điệp mạnh mẽ về vị trí của Israel trong khu vực so với Iran".

Tuy nhiên, không có bất kỳ thông điệp hân hoan nào như vậy từ các đối tác của Mỹ ở Trung Đông. Chính quyền Jordan nhanh chóng giải thích với người dân trong nước rằng việc giúp đỡ Israel thực chất là để bảo vệ chính mình. "Một số vật thể bay vào không phận của chúng tôi đêm qua đã bị chặn lại vì chúng gây ra mối đe dọa cho người dân và các khu vực đông dân cư của chúng tôi", chính phủ nước này ra tuyên bố.

Ngày 15/4, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi phát biểu trên truyền hình rằng nước này sẽ tự bảo vệ mình trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với chủ quyền và không phận, kể cả từ Israel.

Trong ba nước Arab tham gia nỗ lực giúp đỡ Tel Aviv, Jordan là quốc gia duy nhất có chung đường biên giới với Israel, đồng thời là nước duy nhất tham gia chiến dịch trên không nhằm tiêu diệt UAV Iran. Arab Saudi và UAE chỉ đóng vai trò chia sẻ với tình báo Mỹ về kế hoạch của Iran sau khi họ nhận được thông báo từ Tehran, theo Wall Street Journal.

UAE bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel 4 năm trước nhưng Arab Saudi thì chưa. Hai nước đang trên đà tiến tới mục tiêu này trước khi các cuộc đàm phán bị trật bánh vì chiến sự Israel - Hamas.

Theo Tahani Mustafa, nhà phân tích cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức tư vấn trụ sở tại Bỉ, cả hai quốc gia Vùng Vịnh giàu có đều "phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia phương Tây. "Arab Saudi muốn có một hiệp ước an ninh với Mỹ. Cho đến khi liên minh đó ổn định, họ sẽ cố làm mọi thứ có thể để lấy lòng Mỹ".

Việc Jordan tham gia liên minh là điều gây bất ngờ với giới quan sát bởi nước này đã liên tục chỉ trích chiến dịch kéo dài 6 tháng qua của Israel ở Dải Gaza. Jordan cũng là quốc gia đầu tiên rút đại sứ khỏi Israel, nhiều lần kêu gọi ngừng bắn và đi đầu trong nỗ lực cung cấp viện trợ cho Gaza.

Rantawi từ Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Al Quds đánh giá sự tham gia của Jordan vào chiến dịch không phải dấu hiệu cho thấy họ đã có thiện cảm tốt hơn với người hàng xóm. Thực tế, đây là bằng chứng rằng họ đang phụ thuộc vào hỗ trợ kinh tế cũng như ngoại giao của Mỹ và Israel như thế nào.

Mặc dù một nửa dân số là người tị nạn Palestine, Jordan đã trở thành quốc gia Arab thứ hai công nhận Israel vào năm 1994. Mối phụ thuộc của nước này vào phương Tây thậm chí còn sâu sắc hơn. Các căn cứ quân sự Mỹ, Pháp và Anh nằm rải rác khắp nước này và nền kinh tế chủ yếu được duy trì bởi viện trợ nhân đạo và quân sự từ phương Tây.

Chính phủ Jordan ký một thỏa thuận quốc phòng năm 2021, về cơ bản cho phép quân đội Mỹ tự do sử dụng đất và không phận.

"Tôi không nghĩ họ có nhiều lựa chọn ngoài việc đi đến bất cứ nơi nào thủy triều đưa họ đến", Mustafa từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, bình luận. "Rốt cuộc thì họ không thể tự quyết".

Jordan cũng mong muốn gạt đi những lời kêu gọi từ các nhà lập pháp cánh hữu Israel thúc giục họ tiếp nhận thêm người tị nạn Palestine, một phần trong nỗ lực lâu dài của Tel Aviv "nhằm biến Jordan thành một nhà nước Palestine", bà nói thêm.

Nhưng sự tham gia của Jordan vào liên minh do Mỹ dẫn đầu có thể gây khó cho nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa chính sách công với dư luận, Rantawi nhận xét, đề cập đến những lời chỉ trích không ngừng nghỉ từ phía công chúng Jordan đối với những gì Tel Aviv thực hiện ở Gaza.

Căng thẳng giữa một bên là Arab Saudi, nước có phần lớn người Hồi giáo theo dòng Sunni, Jordan và UAE, và một bên là Iran, nơi có đa số người Shiite, đã bao trùm Trung Đông trong nhiều thập kỷ.

"Suốt nhiều năm qua, khu vực luôn tồn tại quan điểm rằng Iran đang cố gắng gây bất ổn cho Jordan", Ghaith al-Omari, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông, trụ sở tại Washington, cho biết.

Với việc ba nước Arab phải cân bằng giữa lợi ích của mình, ổn định chính trị và liên minh quốc tế, Omari cho rằng nếu Israel trả đũa quyết liệt nhằm vào Iran, họ sẽ đẩy các đối tác rơi vào thế khó khi chọc giận dư luận bên trong những nước này. "Mọi thứ có thể trở nên rất rắc rối nếu người Israel cố gắng trả đũa qua không phận Jordan", ông nhấn mạnh.

Masoud Mostajabi, phó giám đốc Chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Mỹ, có chung quan điểm. "Đối với những người chơi trong khu vực, họ đã có thể lập luận rằng họ đang bảo vệ chính đáng không phận của mình. Tuy nhiên, nếu cuộc tấn công leo thang thành một cuộc xung đột Israel - Iran rộng lớn hơn, những bên bảo vệ Israel sẽ bị kéo vào vòng xoáy".

"Với những yếu tố đó, các lãnh đạo trong khu vực sẽ nỗ lực hành động để hai bên kết thúc cuộc đối đầu này", ông kết luận.

ẤN ĐỘ BƯỚC VÀO CUỘC BẦU CỬ LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Cuộc Tổng tuyển cử năm nay tại Ấn Độ sẽ được diễn ra theo 7 giai đoạn kéo dài từ ngày hôm nay (19/4) tới ngày 1/6, kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố vào ngày 4/6.

Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới

Giai đoạn 1 của cuộc Tổng tuyển cử bầu Hạ viện Ấn Độ năm 2024 chính thức bắt đầu tại 21 bang và vùng lãnh thổ liên bang trên khắp Ấn Độ. Cuộc Tổng tuyển cử năm nay tại Ấn Độ sẽ được diễn ra theo 7 giai đoạn kéo dài từ ngày hôm nay (19/4) tới ngày 1/6, kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố vào ngày 4/6.

Cuộc Tổng tuyển cử năm nay được coi là cuộc bỏ phiếu lớn nhất thế giới, và cũng là lớn nhất trong lịch sử nhân loại với 969 triệu cử tri Ấn Độ đủ tiêu chuẩn đi bầu. Sẽ có tổng cộng 5,5 triệu máy bỏ phiếu điện tử được huy động phục vụ tại hơn 1 triệu điểm bỏ phiếu. Thời gian diễn ra cuộc bầu cử cũng được coi là kỷ lục, lên tới 44 ngày. Lý do chính khiến Ấn Độ phải tổ chức bầu cử trên cả nước theo giai đoạn và kéo dài là vì vấn đề an ninh. Với đặc thù diện tích rộng lớn, dân số đông nhất thế giới (lên tới hơn 1,4 tỷ người), đa dạng về các nhóm dân cư, thu nhập, tôn giáo, đẳng cấp, Ấn Độ phải huy động tối đa lực lượng an ninh để đảm bảo trật tự và bình yên trong toàn bộ thời gian bầu cử, không chỉ tại các điểm bỏ phiếu mà còn cả các địa điểm trọng yếu. Chính vì thế, việc tổ chức bỏ phiếu chỉ 1 lần trên toàn lãnh thổ là điều bất khả thi.

Cuộc Tổng tuyển cử bắt đầu hôm nay sẽ chọn ra các nghị sỹ đại diện cho 543 ghế tại Hạ viện Ấn Độ khóa mới, trước khi Hạ viện khóa này kết thúc nhiệm vụ vào ngày 16/6. Cuộc bầu cử ở Ấn Độ sẽ chứng kiến sự cạnh tranh của nhiều đảng ở cấp quốc gia và khu vực. Nổi lên trong cuộc Tổng tuyển cử lần này là hai liên minh chính đang trực tiếp đối đầu ở cấp quốc gia. Đó là Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, và một liên minh gồm 28 đảng, được gọi là Liên minh Toàn diện Phát triển Quốc gia Ấn Độ (INDIA), do đảng Quốc đại lãnh đạo.

Đảng của Thủ tướng Modi đang giành ưu thế

Các cuộc thăm dò dư luận sát giờ bỏ phiếu cho thấy, liên minh NDA do đảng BJP lãnh đạo đang đứng trước một chiến thắng lớn, lần thứ 3 liên tiếp trong cuộc Tổng tuyển cử năm nay. Cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình NDTV công bố, phân tích dữ liệu từ 9 cuộc thăm dò dư luận trước đó cho thấy, Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) dự kiến sẽ giành được 365 trong số 543 ghế của Hạ viện khóa mới. Con số này nhiều hơn khoảng 3,4% so với con số 353 ghế mà NDA giành được trong cuộc bầu cử năm 2019.

Trong khi đó, khối Liên minh Toàn diện Phát triển Quốc gia Ấn Độ của phe đối lập có khả năng giành được 122 ghế. Con số này tăng 35% so với 90 ghế mà Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) - khối đối lập do đảng Quốc đại lãnh đạo giành được vào năm 2019.

Các cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi có thể thống trị khu vực nói tiếng Hindi ở miền Bắc và miền Tây và sẽ giành được chiến thắng rõ ràng ở 8 bang và vùng lãnh thổ liên bang. Tuy nhiên, BJP có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh sát sao ở hai bang – Tây Bengal ở miền Đông và Maharashtra ở Tây Nam đất nước.

Những dự báo này phản ánh khá sát bối cảnh chính trường Ấn Độ vào lúc này khi đảng cầm quyền BJP, với đại diện là Thủ tướng Narendra Modi đang giành được sự tín nhiệm của người dân Ấn Độ qua những thành quả đã đạt được suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua. Trước tiên là các chương trình phúc lợi hào phóng dành cho người dân khiến uy tín của Chính phủ lên cao. Chúng bao gồm phát ngũ cốc miễn phí cho 800 triệu người Ấn Độ, trợ cấp khí đốt và hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Chính phủ Ấn Độ đã giúp 250 triệu người Ấn Độ thoát nghèo. Đây là điều tạo ấn tượng tốt với đa số cử tri.

Những người ủng hộ BJP và Thủ tướng Modi cũng có thể tự hào về các thành tích kinh tế của Ấn Độ trong 10 năm vừa qua. Ấn Độ tiếp tục duy trì vị trí là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới 3 năm liên tiếp, với dữ liệu chính thức cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 8,4% trong quý từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, cao hơn mức 7,6% được ghi nhận trong ba tháng trước đó. Chiến lược tập trung vào phát triển hạ tầng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm qua của Chính phủ do BJP lãnh đạo cũng tạo ra những dấu ấn đậm nét.

Thách thức cho chính phủ mới

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện, để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp lãnh đạo đất nước Ấn Độ là điều nằm trong tầm tay của BJP cũng như cá nhân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức mới cho Chính phủ khóa tới khi nền kinh tế và xã hội Ấn Độ đang đối mặt với những vấn đề mang tính chất căn cốt nhất.

Trước tiên, nền kinh tế Ấn Độ hiện nay có thể đang hoạt động tốt theo tiêu chuẩn thế giới. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, đang có những mâu thuẫn nội tại diễn ra bên trong. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Ấn Độ giai đoạn 5 năm qua (bao gồm cả trong đại dịch Covid-19) chỉ là 4,4%. Mặc dù trong 3 năm qua, con số này trung bình là 8,3%. Muốn hoàn thành được mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047, Ấn Độ cần duy trì tăng trưởng khoảng 7,5% trong hai thập kỷ tới, khi nước này trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Hiện tại, Ấn Độ với thu nhập bình quân đầu người là 2.412 USD, vẫn bị coi là quốc gia có thu nhập thấp; trong khi Trung Quốc với 12.720 USD được coi là quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Thách thức của Ấn Độ hiện nay là tham gia vào một thế giới đang bị chia tách thành hai khối đối lập. Con đường phát triển sắp tới của nước này sẽ trải ra trong điều kiện mà chế độ thương mại mở đặc trưng cho toàn cầu hóa đã kết thúc. Ấn Độ nếu muốn trở thành một cường quốc sản xuất sẽ phải xây dựng cho mình vị thế của một gã khổng lồ về thương mại ở quy mô toàn cầu.

Vấn đề lớn nữa của Ấn Độ trong 5 năm tiếp theo là phải tạo đủ việc làm cho dân số 1,4 tỷ người của mình. Áp lực việc làm diễn ra trong bối cảnh biến động thị trường toàn cầu, sự phát triển của công nghệ. Tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Ấn Độ hiện là 43% so với 25% ở Trung Quốc và dưới 2% ở Mỹ.

Nếu Ấn Độ muốn giảm số việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp xuống 15%, nước này sẽ cần tạo ra thêm 93 triệu việc làm mới trong 25 năm tới. Việc chuyển người dân từ nông thôn sang môi trường thành thị, nơi họ có thể cải thiện cuộc sống của mình, cần tới nỗ lực to lớn trong quá trình đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng, cả về vật chất và giáo dục trong nước. Ngoài ra, một trong những thách thức đặc biệt đối với Ấn Độ là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động.

Nguồn: Soha; Người Đưa Tin; BBC; Vnexpress; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang