Mỹ: Tự thiêu bên ngoài phòng xử Trump; Trump lợi dụng phiên tòa; Dự luật TikTok mới; Cảnh báo thuế của Biden; 'Quân bài' Israel

KINH HOÀNG MỘT ÔNG TỰ THIÊU BÊN NGOÀI TÒA ÁN ĐANG XỬ ÔNG TRUMP

Một nam giới đã tự thiêu bên ngoài tòa án ở New York, Mỹ trong lúc tại đây đang diễn ra phiên xét xử cựu Tổng thống Donald Trump vì cáo buộc chi tiền che giấu quan hệ với một ngôi sao phim người lớn.

Một nhân chứng kể với Reuters, người đàn ông đã tự thiêu trong nhiều phút hôm 19/4, trước các ống kính máy quay truyền hình bên ngoài phòng xử án ở New York, nơi đang diễn ra phiên tòa hình sự đầu tiên chống một cựu tổng thống Mỹ.

Các nhân chứng mô tả cảnh tượng rất kinh hoàng. Theo họ, người đàn ông ở độ tuổi cuối 30 đã lôi các tờ rơi ra khỏi ba lô và ném chúng lên không trung trước khi tưới chất lỏng lên người mình và tự châm lửa đốt. Một trong các tờ rơi có đề cập đến "những tỷ phú độc ác", nhưng những phần các nhân chứng nhìn thấy không đề cập đến ông Trump.

Sở cảnh sát New York nhận diện, người đàn ông nói trên là Max Azzarello, đến từ St. Augustine, bang Florida. Anh ta dường như không nhắm vào ông Trump hay bất kỳ người nào khác đang phải hầu tòa ở New York.

Nạn nhân đã được đưa vào viện cấp cứu và hiện trong tình trạng nguy kịch.

Trong một thông điệp trực tuyến, một người đàn ông sử dụng tên Max Azzarello tuyên bố tự thiêu, đồng thời xin lỗi bạn bè, nhân chứng và những người tới ứng cứu đầu tiên. Thông điệp cũng cảnh báo về “một cuộc đảo chính phát xít tận thế”, đồng thời chỉ trích tiền điện tử cũng như các chính trị gia Mỹ.

Sự cố diễn ra một ngày sau khi các luật sư đã chọn xong 12 thành viên bồi thẩm đoàn và một người dự khuyết trong vụ xét xử ông Trump. Trong vụ án này, ông Trump bị cáo buộc 34 tội danh liên quan đến việc che giấu khoản chi 130.000 USD mà cựu luật sư của ông đã đưa cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels vào thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nhằm buộc bà này không công khai mối quan hệ tình ái giữa hai người nhiều năm trước đó.

Cho đến nay, cựu lãnh đạo Nhà Trắng vẫn khăng khăng bác bỏ các cáo buộc, đồng thời coi vụ truy tố này là một âm mưu chính trị nhằm ngăn cản ông đại diện đảng Cộng hòa tái tranh cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

DONALD TRUMP ĐANG BIẾN PHIÊN TÒA THÀNH SHOW TRANH CỬ?

Dù không được lên sóng, vụ hầu tòa của ông Trump tại New York vẫn nhanh chóng trở thành hiện tượng truyền thông thu hút sự chú ý của đông đảo cử tri. Sức nóng từ phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu Tổng thống đang giúp ông chủ cũ của Nhà Trắng duy trì sức ảnh hưởng trong cuộc tranh cử năm nay.

Nhiều ý kiến cho rằng sự trở lại của ông Trump trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay đã hạ nhiệt. Những phát biểu mang tính lặp lại của ông tại các sự kiện tranh cử không còn cho thấy hiệu quả thu hút cử tri như hai đợt tranh cử trước đó, và tần suất xuất hiện của cựu Tổng thống trên các nền tảng xã hội cũng giảm đi đáng kể sau khi Twitter hạ lệnh “cấm cửa” ông trong một thời gian dài vì vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021.

Các phiên tòa hình sự diễn ra trong tuần này đang thổi một luồng gió mới vào chiến dịch tranh cử có phần ảm đạm của cựu Tổng thống. Ông Trump đang phải đối mặt với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến việc trả tiền bịt miệng cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels ngay trước cuộc bầu cử năm 2016 để giữ im lặng về vụ ngoại tình với cựu Tổng thống - điều mà ông đã phủ nhận.

Trong những ngày đầu của phiên tòa, ông Trump đã tận dụng thời gian lên hình ít ỏi bên ngoài phòng xử án để chỉ trích các phán quyết của Thẩm phán và cáo buộc đối thủ Biden có liên quan đến các vụ án hình sự của ông.

"Đây là cuộc đàn áp chính trị. Chưa bao giờ có chuyện này xảy ra trước đây", cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trước khi bước vào phiên tòa ở Manhattan, New York hôm 15/4. Ngay lập tức, những phát ngôn của ông đã xuất hiện trên những trang tin tức hàng đầu của nước Mỹ, như CNN, Fox News và MSNBC.

Đội ngũ tranh cử của ông Trump cũng liên tục truyền tin trực tiếp về tình hình xét xử bên trong phòng xử án tới những phóng viên đang chờ sẵn bên ngoài; đồng thời chia sẻ các phát biểu, bình luận của ông Trump về Thẩm phán, công tố viên và đối thủ Biden trên khắp các nền tảng mạng xã hội.

Chiến thuật hiệu quả

Có thể thấy, ông Trump vẫn duy trì chiến thuật cũ, tự biến bản thân thành nạn nhân trong các phiên xét xử nhằm đạt được sự ủng hộ của cử tri. Chiến lược này đã được mở màn từ năm ngoái, khi hình ảnh ông chủ cũ của Nhà Trắng xuất hiện tại tòa án dân sự đã trở thành sự kiện truyền hình kéo dài nhiều ngày.

Ông Alex Conant, người từng là trợ lý trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết: “Ông Trump đang tận dụng tối đa sự chú ý của truyền thông. Chiến thuật này rất khác thường, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng nó quả thực có tác dụng trong các phiên tòa dân sự trước đó”.

Ông Conant cũng cho biết việc ông Trump liên tục tấn công thẩm phán và công tố viên trong phiên xét xử hình sự là một phần của kịch bản nhằm làm suy yếu tính hợp lệ của các thủ tục tố tụng trên mặt trận truyền thông. Mục đích cuối cùng của cựu Tổng thống vẫn là nâng cao hình ảnh của bản thân trong mắt công chúng.

Trước mắt, chiến thuật truyền thông của ông Trump đang phát huy hiệu quả. Hiện tại, trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông Trump vẫn là ứng cử viên tiềm năng khi có tới 93% đảng viên đảng này cho rằng, vụ truy tố chủ yếu mang động cơ chính trị. Ngoài cáo trạng hình sự ở New York, các khảo sát cũng cho thấy đa số đảng viên Cộng hòa được hỏi tin ông Trump không có tội trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.

Nhiều cử tri cũng bị quan điểm của cựu Tổng thống thuyết phục. Một cuộc khảo sát của Associated Press công bố trong tuần này cho thấy khoảng 2/3 số người được hỏi đứng về phía ông Trump, trong khi chỉ 1/3 tin rằng Thẩm phán và các công tố viên đang làm đúng luật và đối xử công bằng với cựu Tổng thống.

Bất chấp phiên tòa xét xử ở New York và ba vụ án hình sự khác của ông, cựu Tổng thống Trump vẫn dẫn trước đối thủ Biden tại các bang chiến trường quan trọng có khả năng quyết định cuộc bầu cử, mặc dù khoảng cách đã thu hẹp trong những tuần gần đây. Theo một cuộc thăm dò của Decision Desk HQ, ông Trump dẫn trước với cách biệt 5 điểm phần trăm ở Georgia, 4 điểm phần trăm ở Arizona, 3 điểm phần trăm ở Michigan và ở Bắc Carolina.

Sau khi rời phiên tòa hôm 16/4, cựu Tổng thống Trump vẫn tiếp tục tận dụng sự chú ý của giới truyền thông bằng cách dừng chiến dịch tại một quán rượu nhỏ ở Harlem (New York) để bắt đầu bài phát biểu tranh cử trước cử tri. Cựu Tổng thống tuyên bố bản thân “vô tội”, đồng thời cho rằng “tội ác duy nhất hiện nay là tình trạng cướp bóc vẫn diễn ra hàng tuần”, ám chỉ tình hình an ninh rối ren của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.

“Phiên tòa này là một trò hề vì họ chỉ muốn chặn đường tranh cử của tôi. Do đó, tôi đã lựa chọn địa điểm này để gặp mặt cử tri. Tôi rất vui vì có thể nói chuyện với mọi người ở đây”, ông Trump nói khi bước vào quán rượu trong tiếng reo hò ủng hộ của những người ủng hộ.

HẠ VIỆN MỸ CHUẨN BỊ BỎ PHIẾU DỰ LUẬT TIKTOK MỚI

Reuters hôm qua đưa tin nỗ lực buộc Công ty ByteDance của Trung Quốc bán ứng dụng TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ đã đạt được bước tiến tại quốc hội.

Theo đó, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu cho dự luật mới về TikTok trong ngày 20.4 và dự luật đã giành được sự ủng hộ của Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ Maria Cantwell. Sự ủng hộ của bà Cantwell giúp gia tăng đáng kể cơ hội dự luật mới trở thành luật.

Dự luật mới cho phép ByteDance có thời gian 1 năm để bán TikTok, trong khi dự luật tương tự được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng trước buộc ByteDance thoái vốn trong 6 tháng. Nếu ByteDance không thoái vốn, TikTok sẽ bị cấm trên các cửa hàng ứng dụng Apple và Google ở Mỹ.

Thượng nghị sĩ Cantwell tỏ ra thờ ơ với dự luật ban đầu nhưng bày tỏ ủng hộ dự luật mới. Bà Cantwell nhấn mạnh việc kéo dài thời gian thoái vốn cho ByteDance "là cần thiết để đảm bảo người mua mới có đủ thời gian để chốt thỏa thuận".

Trong khi đó, ByteDance nói rằng những hạn chế đối với TikTok sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng và ảnh hưởng đến 7 triệu doanh nghiệp Mỹ "sử dụng ứng dụng này".

BIDEN CẢNH BÁO THUẾ QUAN, HỨA HẸN CUỘC CHIẾN CHỐNG TRUNG QUỐC SẼ TIẾP DIỄN BẤT KỂ AI LÀ TỔNG THỐNG

Việc chính quyền Biden đe dọa áp thêm thuế quan đối với Trung Quốc là tín hiệu mới nhất trong năm bầu cử cho thấy mối quan hệ băng giá hơn với Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn bất kể ai thắng cử tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới bang chiến trường Pennsylvania hôm 17/4 để kêu gọi tăng thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, và các quan chức chính quyền hàng đầu đã báo hiệu rằng đây có thể không phải là loạt đạn cuối cùng của ông nhắm vào Trung Quốc trong mùa bầu cử này.

Cùng ngày 17/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ra tín hiệu rằng thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc có thể là cần thiết để bảo vệ người lao động Mỹ khỏi tình trạng sản xuất dư thừa của Bắc Kinh.

Tuần này, chính quyền Biden cũng mở một cuộc điều tra về những gì họ cho là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị các ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu. Nhiều chuyên gia hiện cho rằng kết quả của cuộc điều tra đó và quá trình xem xét kéo dài nhiều năm liên tục về các chính sách thương mại thời Trump sẽ dẫn đến việc có thêm nhiều mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Lưu Bằng Vũ, cho biết thuế quan của Mỹ thể hiện chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.

“Nhiều đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc, rất không hài lòng với việc Mỹ thường xuyên sử dụng an ninh quốc gia, hành vi phi thị trường, sản xuất dư thừa và các lý do khác để áp đặt các hạn chế và chính trị hóa các vấn đề thương mại”, ông Lưu nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 17/4 để đáp trả đề xuất về mức thuế thép.

Quyết định tăng thuế trong tuần này của chính quyền Biden cho thấy môi trường thương mại diều hâu đang hướng tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 khi ông Biden và đối thủ Đảng Cộng hòa của ông, Donald Trump, coi lập trường cứng rắn với Trung Quốc là một phần trên con đường dẫn đến chiến thắng, đặc biệt là các bang chiến trường thuộc vành đai ‘rỉ sắt’ của vùng công nghiệp ‘hết thời’ như Michigan và Pennsylvania.

Ông Trump đã đề xuất mức thuế nhập khẩu tổng thể 10% nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Ông cũng đề xuất loại bỏ dần việc nhập khẩu hàng hóa như điện tử, thép và dược phẩm của Trung Quốc trong 4 năm và muốn cấm các công ty Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ.

Nhóm thăm dò của Gullup cho biết cuộc thăm dò của họ, được công bố vào tháng 3, cho thấy 41% người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ, khiến nước này trở thành đối thủ được coi là hàng đầu của Mỹ trong năm thứ tư liên tiếp.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ bị cuốn vào một chu kỳ hỗn loạn. Và tôi thực sự nghĩ rằng, ngay bây giờ, chúng ta mới chỉ nhìn thấy sự khởi đầu của điều đó,” Allen Carlson, giáo sư Đại học Cornell và là một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung, nói

Các quan chức Nhà Trắng bác bỏ ý kiến cho rằng điều này mang tính chính trị, dù rằng ông Biden đưa ra đề xuất về thuế thép trong một bài phát biểu chống Trump đầy cảm xúc tại trụ sở nghiệp đoàn công nhân ngành thép Hoa Kỳ United Steelworkers ở Pennsylvania.

Thay vào đó, các quan chức chính quyền cho biết họ lo ngại làn sóng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho hàng tỷ đô la ưu đãi thuế do ông Biden đảm bảo để neo giữ các ngành công nghiệp như năng lượng mặt trời, gió và xe điện ở Hoa Kỳ.

Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng nền kinh tế tăng trưởng chậm của Trung Quốc đang buộc các nhà sản xuất phải tăng cường xuất khẩu để bù đắp cho sự tăng trưởng yếu kém về nhu cầu nội địa, khiến thặng dư thương mại sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục.

Các tấm pin mặt trời hai mặt, có thể hấp thụ ánh sáng cả hai mặt, là một ví dụ về mối quan tâm của chính quyền Biden. Reuters đưa tin hôm 17/4 rằng chính quyền đã miễn thuế cho Trung Quốc cho đến năm 2026 để giúp thúc đẩy năng lượng mặt trời ở Mỹ, nhưng giờ đây các quan chức dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm và áp đặt thuế sau khi các tấm pin giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ.

Nhà sản xuất tế bào quang điện Hanwha Qcells của Hàn Quốc đã yêu cầu chính quyền Biden dỡ bỏ lệnh cấm để bảo vệ kế hoach mở rộng 2,5 tỷ USD đã cam kết nhằm tăng cường việc sản xuất năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm rẻ hơn do châu Á sản xuất.

Các trợ lý của ông Biden cho biết các chính sách của chính quyền họ khác với chính sách của chính quyền Trump ở các khía cạnh chính, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu hẹp vào các ngành và sản phẩm cụ thể – điều này có thể làm giảm khả năng bị Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài khác trả đũa mạnh mẽ.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, đề xuất về thép và nhôm sẽ chỉ nhắm mục tiêu 1 tỷ USD hàng hóa so với hàng trăm tỷ USD liên quan đến mức thuế rộng hơn của ông Trump.

Chính sách mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trên cả nước.

“Mọi người ngày nay đều chống Trung Quốc và điều đó được phản ánh trong dư luận,” Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington về thương mại song phương, Trung Quốc vào này 19/4 đã áp thuế nhập khẩu lên một loại axit từ Mỹ được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu và lĩnh vực y tế.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng từ ngày 20/4, nhập khẩu axit propionic từ Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 43,5%, sau khi cuộc điều tra vào tháng 7 cho thấy ngành công nghiệp axit propionic nội địa của Trung Quốc “bị thiệt hại nghiêm trọng”.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng bất chấp các chuyến thăm ngoại giao gần đây.

Ngoài việc đe dọa sẽ tăng thuế đối với thép nhập khẩu của Trung Quốc, Mỹ còn đang gây áp lực buộc Mexico cấm Trung Quốc bán sản phẩm kim loại của mình cho Mỹ một cách gián tiếp từ quốc gia Mỹ Latin.

Bộ thương mại Trung Quốc hôm 18/4 cho biết họ kiên quyết phản đối việc Mỹ tăng thuế và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

MỸ ĐANG TẬN DỤNG “QUÂN BÀI” ISRAEL TRÊN BÀN CỜ THẾ GIỚI

Mỹ cần đến Israel vì đây là quốc gia đất không rộng, người không đông nhưng lại sở hữu vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng và có khối tài sản vô hình khổng lồ của nhân loại.

Israel cần Mỹ đỡ "đòn trừng phạt" từ các quốc gia láng giềng

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, đã có tới hơn 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong các trại tập trung (Holocaust) của Đức Quốc xã. Trong tiến trình bài Do Thái xuyên thế kỷ ấy, hàng vạn người Do Thái đã chạy tị nạn về Trung Đông, sang châu Mỹ và sang cả Trung Quốc. Trong những năm 1930-1945, khoảng 60 vạn người Do Thái từ châu Âu đã chạy về Trung Đông để tránh tai họa mà phát xít Đức giáng xuống.

Với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc năm 1947, người Do Thái đã sở hữu miền đất hứa như mong muốn. Khoảng hơn 3 triệu người còn đang còn sống rải rác khắp thế giới đã về vùng đất mà ngày nay là Israel, lập nên nhà nước Do Thái hiện đại. Tuy nhiên, sau trên dưới hai thiên niên kỷ, với biết bao "vật đổi sao dời", họ muốn tồn tại giữa những cựu thù không phải là điều dễ dàng.

Trước hết là gần như cả vùng Bắc Phi, Trung Đông và Tây Nam Á đã được Hồi giáo hóa. Mức độ Hồi giáo hóa sâu rộng ở khu vực là một trong các nguyên nhân căn bản nhất khiến các hiệp sĩ Thiên Chúa giáo châu Âu đại bại ở cả 9 cuộc Thập tự chinh trong gần 2 thế kỷ (1095-1272).

Hậu quả của 9 cuộc Thập tự chinh không chỉ là sinh mạng của hàng triệu chiến binh và tín đồ cùng hàng chục vạn dân thường mà còn đào sâu thêm hố ngăn cách giữa Hồi giáo với Thiên Chúa giáo cũng như các tín đồ Do Thái giáo. Đối với người Hồi giáo, Thập tự chinh là những cuộc xâm lăng đầy tàn bạo và dã man, còn những cuộc chiến đấu của họ đánh lại Thập tự quân gọi là Thánh chiến.

Tiếp theo là sự can thiệp nửa vời của các quốc gia phương Tây trong khối đồng minh chống phát xít vừa giành thắng lợi trước đó không lâu.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cùng phe Hiệp ước với các đế quốc Đức và Áo - Hung trở thành những kẻ bại trận. Đế quốc Ottoman sụp đổ, bị phương Tây xâu xé, ngoại trừ lãnh thổ cũ là Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 24/7/1922, Hội Quốc Liên - tiền thân của Liên Hợp Quốc hiện nay - chấp thuận ủy nhiệm cho Pháp quản lý Syria còn Anh quản lý vùng Lưỡng Hà và Palestine.

Đường biên giới sẽ do các cường quốc tham gia đàm phán xác lập. Hai mươi năm sau, cùng với Syria, Li Băng và bán đảo Sinai, vùng đất Israel ngày nay trở thành "hậu phương" của lực lượng vũ trang Anh trong cuộc chiến với tập đoàn quân Bắc Phi của phát xít Đức trên chiến trường quan trọng này.

Các sử gia phương Tây thường quy kết rằng những người Ả rập đã vô cớ khơi mào cuộc chiến tranh 1948-1949 nhằm vào Israel. Tuy nhiên, mọi việc đều có nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của nó.

Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc thì ngày 22/7/1946, những người theo Chủ nghĩa phục thù Do Thái (Zionisme) trong các tổ chức Haganah, Irgun và Lehi là thủ phạm gây ra cuộc xung đột vũ trang đầu tiên ở Trung Đông chống lại người Ả rập và cả người Anh, những người đã cưu mang người Do Thái thoát khỏi các Holocaust do Đức Quốc xã dựng lên ở khắp châu Âu.

Sự việc nghiêm trọng khiến Liên Hợp Quốc phải xử lý bằng Nghị quyết số 181, phân chia Palestine thành hai quốc gia, Do Thái và Ả rập. Mỗi quốc gia sẽ bao gồm 3 vùng lãnh thổ chính, liên kết bởi các dải lãnh thổ đặc quyền hẹp. Người Ả rập - Palestine sở hữu vùng đất Jaffa nằm trong lãnh thổ của người Do Thái.

Tuy chỉ có 32% dân số nhưng người Do Thái lại có tới 56% lãnh thổ (tính cả hoang mạc Negev ở phía Nam). Trên lãnh thổ đó có 499.000 người Do Thái và 438.000 người Palestine cư trú. Người Palestine có 42% lãnh thổ, với dân cư gồm 818.000 người Palestine và 10.000 người Do Thái.

Vì tính chất tôn giáo phức tạp và nhạy cảm, Jerusalem (nơi được cho là có mộ Chúa Jesus), vùng đất chiếm 2% lãnh thổ này - bao gồm cả Bethlehem, nơi có 100.000 dân Do Thái và 100.000 dân Ả rập - được quản trị bởi Liên Hợp Quốc.

Tuy Israel nắm trong tay lực lượng tinh nhuệ gần 30.000 binh sĩ được Anh huấn luyện trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai làm lực lượng dự bị tại mặt trận El Alamey, nhưng để đối phó với hơn 65.000 tay súng của Liên quân 6 nước Ả rập cộng với khoảng 10.000 chiến binh Palestine thì điều đó là không dễ.

Đặc biệt là khi rút khỏi Trung Đông, người Anh đã để lại cho người Ả rập các kho vũ khí lớn gồm xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng… Người Israel cần đến một đồng minh chính trị tin cậy cũng như một nhà cung cấp vũ khí ổn định.

Về hình thức, người Mỹ tuy đứng ngoài cuộc nhưng họ đã "bật đèn xanh" để những nhà tư sản Do Thái ở Mỹ quyên góp tiền bạc mua vũ khí gửi về nước. Người Do Thái khắp nơi trên thế giới cũng quyên góp tiền bạc gửi về nước, giúp chính quyền của Thủ tướng Bel Gurion có nguồn tài chính để ban hành lệnh tổng động viên và mua sắm vũ khí và trả lương binh sĩ.

Lực lượng tình báo OSS (tiền thân của CIA) có mặt tại Trung Đông cũng bí mật cung cấp thông tin tình báo về Liên quân Ả rập cho Lực lượng phòng vệ Israel (IDF).

Sau hàng chục chiến dịch và 2 cuộc ngừng bắn, chiến tranh kết thúc vào tháng 3/1949. Với trung gian hòa giải của Mỹ, Anh, Pháp và theo "sáng kiến" của Mỹ, Israel ký các hiệp ước ngưng bắn riêng rẽ với Ai Cập, Li Băng, Jordani, Syria. Theo các thỏa thuận này, biên giới mới của Israel, như theo thỏa thuận được ký kết, bao gồm 78% lãnh thổ ủy nhiệm Palestine.

Trong các cuộc chiến tranh giữa Israel với khối Ả rập - Trung Đông sau này như Chiến tranh 6 ngày (5-10/6/1967), Chiến tranh Yom Kippur (1973), Chiến tranh Israel - Hezbollah (2006), Chiến tranh Gaza lần thứ nhất (2014), Chiến tranh Gaza lần thứ hai (2023) và gần đây nhất là đòn tập kích trả đũa của Iran đêm 13, rạng sáng ngày 14/4, Israel đều được Mỹ và phương Tây hỗ trợ cả về chính trị, quốc phòng và kinh tế.

Trong các cuộc tập kích đường không lớn vào Iraq (1981), ném bom cảng Port Sudan (tháng 2/2009),… Israel đều nhận được các thông tin tình báo vệ tinh chính xác từ Mỹ.

Cơ quan đặc nhiệm Mossad của Israel được Tình báo Mỹ hỗ trợ đắc lực để thực hiện các vụ ám sát được gọi là "Chiến dịch Bayonet - Sự phẫn nộ của chúa trời" được tiến hành từ 1972 đến 1988 nhằm vào các quan chức cao cấp của PLO với cái cớ là để trả thù cho 11 vận động viên Israel bị sát hại tại Thế vận hội mùa hè Munchen năm 1972.

Trong thời kỳ lập quốc, Israel hầu như phải tự mình trang trải tài chính bằng nguồn kiều hối từ người Do Thái ở nước ngoài chuyển về và tự lực cánh sinh hoàn toàn đối với nền sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Nhưng từ sau khi Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ các quốc gia khối Ả rập, nhất là sau khi Đảng Xã hội chủ nghĩa Phục hưng Arab (đảng Ba'ath) lên cầm quyền ở Iraq, đảng Phục hưng Xã hội Ả rập - Syria (đảng Baath vùng Syria), Liên minh xã hội chủ nghĩa Ai Cập lên cầm quyền…, Israel được người Mỹ "quan tâm đặc biệt" và giành được nhiều sự hỗ trợ đắc lực từ Washington.

Ngay sau khi nhà nước Israel được thành lập, Washington đã cam kết hỗ trợ từ ngày 14/5/1948, gần như đồng thời với việc chính quyền Mỹ công nhận quốc gia này. Trong 75 năm (đến năm 2022), Mỹ đã cung cấp cho Israel hơn 158 tỷ USD viện trợ quân sự và hơn 102 tỷ USD viện trợ kinh tế, đồng thời đóng góp thêm khoảng 10 tỷ USD vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, trong đó có Iron Dome (Vòm sắt).

Năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã ký thỏa thuận về gói viện trợ quân sự tổng trị giá 38 tỷ USD cho Israel trong giai đoạn 2017-2028.

Tuy nhiên, đồng tiền không tự nó sinh ra sự phát triển. Để vươn lên thành quốc gia thứ 8 trên thế giới có năng lực phóng vệ tinh, Israel vẫn phải nhờ đến công nghệ tên lửa đẩy của Mỹ, mặc dù các nhà khoa học Mỹ gốc Do Thái cũng đóng góp rất nhiều vào việc phát triển công nghệ này.

Trong những năm tình hình Trung Đông ổn định đầu thế kỷ XXI, chính sách "mở cửa có chọn lọc" đối với Mỹ về kinh tế công nghệ cao đã thu hút một loạt các tập đoàn lớn của Mỹ bỏ vốn vào Israel nhằm phát huy nhân lực trí tuệ cao của người Do Thái.

Trong thương mại quốc tế thì đối tác xuất khẩu lớn nhất của Israel là Mỹ với 28,8% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu trung bình khoảng 60,6 tỷ USD/năm. Đối tác nhập khẩu lớn nhất của Israel cũng là Mỹ, chiếm tỷ lệ 11,7% trong tổng số kim ngạch nhập khẩu trung bình 66,7 tỷ USD/năm.

Xét về mọi mặt thì nhà nước Israel tồn tại được trong 75 năm qua một phần lớn nhờ vào tài trợ từ Mỹ, đặc biệt là trong những năm đầu đi lên gần như từ "con số không".

Mặc dù sau khi chuyển hướng tự do hóa kinh tế từ năm 1985 và thúc đẩy quan hệ kinh tế quốc tế phát triển, Israel vẫn phụ thuộc vào Mỹ không chỉ về kinh tế mà nhiều hơn còn là về quân sự và đặc biệt là về chính trị và ngoại giao.

Hầu hết các dự thảo nghị quyết lên án Israel trong các cuộc xung đột với thế giới Hồi giáo đều bị Mỹ phủ quyết, kể cả dự thảo nghị quyết lên án cuộc xâm lược năm 1967 của Israel tại bán đảo Sinai (Ai Cập), Cao nguyên Golan (Syria) và Thung lũng Beka (Li Băng). Sự hỗ trợ của Mỹ đối với Israel đã không ít lần "cứu giúp" họ thoát khỏi những "đòn trừng phạt" từ các quốc gia Ả rập láng giềng.

Mỹ cần "quân bài" Israel trên bàn cờ chiến lược địa chính trị toàn cầu

Ngay từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, giới chính khách tinh hoa của nước Mỹ đã nhận thức được rằng "Lục địa già" (chủ yếu là Anh và Pháp) đã không còn đủ tiềm lực để khống chế khu vực Trung Đông cũng như kiểm soát Bắc Phi và Tây Nam Á.

Kiệt quệ trong cuộc chiến với phát xít Đức, các nước này phải nhờ đến "Kế hoạch tái thiết Châu Âu" (Kế hoạch Marshall) để có thể trụ lại được trước Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Và những tư duy tiếp theo về vấn đề châu Âu đã diễn ra trong suy tính của nhà tình báo chiến lược cấp cao nhất của Mỹ khi đó là Allen Dulas. Theo góc nhìn của vị giám đốc CIA này, nếu như khống chế được một vành đai lớn trải dài từ Bắc Phi qua Trung Đông tới khu vực Balkan, Bắc Kavkaz, Trung Á và Nam Á sẽ giúp Mỹ đạt được nhiều mục đích.

Trước hết và đương nhiên là ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa Cộng sản xuống khu vực này. Hai là kiểm soát Địa Trung Hải cùng với kênh đào Suez là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Ba là kiểm soát nguồn tài nguyên khổng lồ ở khu vực bao gồm dầu khí, uranium, các khoáng sản chiến lược như đất hiếm cùng nhiều nguyên liệu chiến lược khác.

Nhiều người đã nghĩ rằng "Chiến lược Đại Trung Đông" của Mỹ ra đời sau khi hai tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới - một trong các biểu tượng của nước Mỹ - bị tấn công, nhưng đó chỉ là phiên bản thứ 4 của chiến lược này.

Phiên bản sơ khởi của "Chiến lược Đại Trung Đông" thì đã hình thành từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower (1953-1961) mà "thư ký đề tài" là trùm CIA Allen Dulas. Phương án 1 của chiến lược là một phần của "Học thuyết Eisenhower" với các chiến thuật "ngăn chặn từ xa".

Ban đầu, nó chỉ nhằm mục tiêu "lấp chỗ trống", nghĩa là lấp dần các khoảng trống chiến lược sau khi thực dân Anh và Pháp bắt đầu thu hẹp ảnh hưởng của họ trước sức ép của phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều quốc gia tại khu vực.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, quan hệ của Mỹ với các quốc gia Hồi giáo Bắc Phi, Trung Đông, Tây Nam Á và Nam Á đang ở mức rất thấp. Riêng khu vực Bắc Phi, một phần Trung Đông và Tây Nam Á, những thuộc địa của Anh và Pháp còn được cổ vũ bởi chiến thắng Điện Biên Phủ của người Việt Nam do dảng Cộng sản lãnh đạo để "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Vì thế mà những thế lực chính trị tinh hoa của nước Mỹ thấy cần tìm ra một "tấm gương" phản diện làm chỗ dựa cho học thuyết của họ, đồng thời "cắm một mỏ neo" vào trong lòng cộng đồng Ả rập vốn bảo thủ và cứng đầu. Và "tấm gương" được tìm ra chính là Israel.

Theo cách nhìn nhận của người Mỹ thì Israel cũng như cộng đồng người Do Thái đang lưu lạc khắp thế giới có nhiều điều kiện để trở thành "tấm gương" ấy. Họ cũng bị mất nước, bị áp bức, bị nô dịch. Họ còn là nạn nhân nghiệt ngã của cuộc diệt chủng dưới tay phát xít Đức. Nhưng điều quan trọng nhất là họ luôn cần đến Mỹ và phương Tây để tồn tại.

Điều quan trọng thứ hai là do cái sự "ai cần ai" đó, họ có chung lợi ích địa chính trị, địa chiến lược cấp khu vực với Mỹ và phương Tây. Các nhà chiến lược Mỹ tính toán rằng Israel sẽ trở thành tâm điểm của trọng điểm Trung Đông, làm thành cột trụ vững chắc cho đôi cánh "Đại Trung Đông", với cánh trái trải dài đến Eo biển Gibranta và cánh phải vươn đến Pakistan.

Nếu "Chiến lược Đại Trung Đông" hoàn thành thì về phương diện địa chính trị, mối lo ngại về một thế giới Hồi giáo đối địch với phương Tây sẽ được giải quyết tận gốc. Đây chính là hiệu quả tối ưu nhất mà cả Mỹ lẫn Israel đều mong muốn.

Nhưng người Mỹ cũng phải giải quyết nhiều vấn đề thách thức khi đưa Israel trở thành đồng minh tin cậy bậc nhất của mình ở Trung Đông. Trước hết là các mâu thuẫn về ý thức hệ, về tôn giáo. Sau đó là sự can dự của bên ngoài bởi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa không bao giờ để Mỹ và phương Tây quay lại thống trị khu vực địa chiến lược quan trọng bậc nhất hành tinh này.

Và cuối cùng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đưa tầm ảnh hưởng của cường quốc này lan rộng tới Trung Đông trong chiến lược "Một Vành đai Một Con đường" được Trung Quốc vạch ra từ 25 năm sau khi Liên Xô tan rã và đang được thực thi.

Cuộc đời vẫn hay diễn ra cảnh "chiều chuộng lắm sẽ sinh hư". Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, những bộ óc chiến lược của Mỹ nhận thấy rằng cần có một "đối trọng nội bộ" với Israel trong khu vực để người Do Thái không thể "làm mình làm mẩy", muốn gì được nấy.

Và cơ hội đến với người Mỹ khi các quốc gia Tây Âu đồng loạt yêu cầu Mỹ trả lại số vàng lên tới hàng trăm tỷ USD mà họ đã gửi vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong những năm 1950-1960 do lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng vào thời điểm những năm 1960-1971, khi đã tiêu tốn khoảng trên dưới 600 tỷ USD vào cuộc chiến ở Việt Nam, nước Mỹ đang mắc nợ nần chồng chất thì không thể đào đâu ra số tiền quy đổi đó để trả các đồng minh NATO.

Năm 1971, ẩn số của bài toán khó được người Mỹ tìm ra. Đó là Ả rập Xê út. Chiến thắng bất ngờ và toàn diện của Israel trong cuộc Chiến tranh 6 ngày đã khiến cả thế giới Ả rập choáng váng.

Tất cả họ đều coi Israel là "sát thủ" vùng Trung Đông và đều nơm nớp lo sợ rằng sau Ai Cập, Syria và Li Băng sẽ đến lượt họ là nạn nhân tiếp theo. Lợi dụng điều đó, người Mỹ đã mở cuộc đàm phán chóng vánh với "Vua dầu mỏ" Ả rập Xê út và đạt được kết quả mỹ mãn.

Theo một thỏa thuận có giá trị 25 năm được ký kết giữa Washington và Riyadh, Mỹ cam kết bảo đảm an toàn cho các thành viên trong hoàng tộc Saudi; Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho các mỏ dầu của Ả rập Xê út; Mỹ liên doanh với Ả rập Xê út mở tập đoàn liên doanh dầu khí Aramco; Mỹ cung cấp vũ khí hiện đại và sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo để giúp Ả rập Xê út tăng cường phòng thủ quốc gia.

Đổi lại, Riyahd phải thực hiện hai điều quan trọng sau đây:

Một là, phải từ chối tất cả các loại tiền tệ khác để thanh toán mua dầu mỏ, trừ đồng USD.

Hai là, Ả rập Xê út sẽ đầu tư tiền dư thừa thu được từ bán dầu của họ vào chứng khoán nợ của Mỹ.

Sau khi đạt được thỏa thuận có tính chiến lược này, Mỹ quay sang đàm phán với các chủ nợ Tây Âu và cam kết sẽ trả đủ số vàng quy đổi, nhưng sẽ trả bằng "vàng đen". Ban đầu, nhiều nước Tây Âu phản đối. Một số người gọi đó là một trò lừa lọc, một cú "cướp cạn". Tuy nhiên, để phát triển kinh tế xã hội trong cuộc ganh đua với khối Đông Âu thì vàng phải được chuyển đổi thành các sản phẩm có giá trị sử dụng trên thực tế.

Điều hiển nhiên là con người có thể sống mà không cần vàng, nhưng không thể sống thiếu lương thực và năng lượng. Trong đó, "vàng đen" là thứ nguyên liệu chiến lược đặc biệt quan trọng, không thể thiếu ở bất kỳ quốc gia nào trong thời đại công nghiệp hóa. Sau nhiều vòng đàm phán, các "chủ nợ" Tây Âu đồng ý.

Sau khi đạt được thỏa thuận này, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Breton Woord, một hiệp ước quốc tế rất quan trọng giúp đồng Đô la Mỹ trở thành đồng tiền quốc tế có năng lực chuyển đổi mạnh nhất thế giới.

Mỹ đã trợ giúp tối đa để Israel giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh 6 ngày thì thành quả mà họ đạt được là hai mục tiêu quan trọng. Một là thoát khỏi "cục nợ" khổng lồ. Hai là hình thành cơ chế "Petrodollar" thay thế "Aurumdollar". Đặc biệt, cơ chế mới đã đem lại cho Mỹ ba mối lợi khổng lồ:

Thứ nhất, làm gia tăng nhu cầu toàn cầu của đồng Đô la Mỹ. Điều này giúp các nhà tài phiệt chính trị tại Washington chi tiêu nhiều hơn, có thể tạo ra trạng thái phúc lợi hay trạng thái chiến tranh tùy theo ý muốn.

Thứ hai, thúc đẩy gia tăng nhu cầu đối với chứng khoán nợ của Mỹ trên toàn cầu. Thông qua việc sử dụng độc quyền USD cho các giao dịch dầu, và sau đó gửi lợi nhuận dư thừa của họ vào chứng khoán nợ Mỹ, hệ thống Petrodollar đã giải quyết căn bản lượng bội chi ngân sách khổng lồ hàng năm của Mỹ.

Thứ ba, Mỹ có thể dùng tiền đôla Mỹ để mua dầu bởi đây là thứ giấy bạc mà duy nhất chỉ Mỹ in ra được. Còn các quốc gia không có mỏ dầu buộc phải xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ với giá rẻ để đổi lấy USD và dùng tiền đó để mua dầu.

Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã xác định rằng cơ chế Petrodollar chính là bước phát triển của chủ nghĩa thực dân mới khi Mỹ chỉ cần sử dụng đồng USD thông qua Hệ thống Thông tin Tài chính liên ngân hàng (SWIFT) do Mỹ làm chủ để tác động lên tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở bất cứ quốc gia nào trên toàn cầu.

"Quân bài" Israel đã phát huy tác dụng cực kỳ to lớn trên bàn cờ địa chiến lược, địa chính trị của Mỹ ở vùng Trung Đông. Và không phải ngẫu nhiên mà tới năm 1987, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Israel, Australia, Nhật bản, Hàn Quốc và Ai Cập là 5 quốc gia đầu tiên được Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cấp quy chế "Đồng minh chính ngoài NATO", hình thành nên khối đồng minh không thuộc NATO của Mỹ.

Và đến đây thì tất cả chúng ta đều hiểu rằng vì sao Mỹ lại cần đến Israel, một quốc gia đất không rộng, người không đông nhưng lại sở hữu một vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng và những người có gốc tích ở đó lại sở hữu một khối tài sản vô hình khổng lồ của nhân loại.

Nguồn: Vietnamnet; Soha; Thanh Niên; VOA; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang