Mỹ: Vứt 68 triệu đô vào bãi rác; Trump mất 3 tỷ đô; Lá bài tự do của Biden; Tăng thuế nhôm, thép TQ; Trừng phạt dầu khí Venezuela

CHUYỆN NGHỊCH LÝ Ở MỸ: CHÍNH PHỦ TỐN 707 TRIỆU ĐÔ ĐỂ SẢN XUẤT NHƯNG DÂN COI VÔ DỤNG, VỨT 68 TRIỆU USD VÀO BÃI RÁC MỖI NĂM

Chi phí sản xuất tiền xu tại Mỹ còn cao hơn giá trị đồng tiền, trong khi thẻ ngân hàng và thanh toán online đang biến chúng thành đồ vô dụng, có mất cũng chẳng ai thèm tìm.

Tại một cơ sở xử lý chất thải ở Morrisville, các công nhân đang vận hành thiết bị phân tách kim loại để tìm kiếm những đồng vứt đi của người Mỹ.

Số liệu của Reworld cho thấy bình quân người dân nền kinh tế số 1 thế giới vứt đến 68 triệu USD mỗi năm tiền xu, qua đó tạo nên một ngành công nghiệp "đào vàng" từ những bãi rác như trên.

Theo cơ sở xử lý chất thải ở Morrisville, họ đã tìm được ít nhất 10 triệu USD tiền xu trong 7 năm qua.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết đối với nhiều người Mỹ, tiền xu chẳng khác gì rác rưởi (Junk).

Hiện những dịch vụ từng phải dùng tiền xu như xe buýt, tiệm giặt là, trạm thu phí đỗ xe...đều chấp nhận thẻ tín dụng hoặc thanh toán trực tuyến, biến những đồng tiền xu trở thành gần như vô dụng.

Đồng tiền ‘rác rưởi’

Giờ đây tiền xu trở thành một loại tài sản vướng bận, dễ rơi mất và gây khó chịu cho người dân Mỹ đến mức chẳng đáng mang theo.

Thậm chí việc nhận lại tiền xu lẻ thối lại khi thanh toán cũng khiến nhiều người cảm thấy phiền phức, qua đó ưa thích dùng thẻ hay thanh toán trực tuyến hơn.

Tồi tệ hơn, những đồng xu Mỹ đang ngày càng mất giá về sức mua. Vào thập niên 1980, mỗi đồng xu trị giá 0,25 USD có sức mua thời đó tương đương 1 USD hiện nay.

Thế nhưng giờ đây, sức mua của các đồng xu Mỹ chẳng còn lại bao nhiêu ngoài tác dụng làm tiền lẻ thối lại.

"Nếu bạn làm mất tờ 100 USD, bạn sẽ đi tìm nó. Nếu bạn mất tờ 20 USD, bạn cũng sẽ đi tìm nó. Nếu bạn mất một cuốn sách, bạn vẫn sẽ đi tìm nó. Thế nhưng nếu bạn mất vài đồng xu lẻ thì bạn sẽ chẳng kiếm nó làm gì cho mất công", giáo sư kinh tế Robert Whaples của trường Đại học Wake Forest cho hay.

Chính giáo sư Whaples đã nhiều lần lên tiếng đề nghị chính phủ Mỹ loại bỏ dần đồng xu vì chi phí sản xuất của chúng cao gấp 3 lần giá trị thực.

Cục đúc tiền xu Mỹ (US Mint) đã phải tốn 707 triệu USD năm 2023 chỉ để sản xuất tiền xu. Trong khi đó, nhiều nước như Canada, New Zealand và Australia đã loại bỏ đồng xu khỏi lưu thông.

Số liệu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy do khó tiêu dùng nên tiền xu lưu hành rất chậm trong nền kinh tế, nếu không muốn nói là hoàn toàn không lưu thông được mấy hiện nay trước sự trỗi dậy của công nghệ thanh toán trực tuyến.

Hơn một nửa số tiền xu tại Mỹ hiện đang nằm trong nhà của người dân mà chẳng được lưu thông, thậm chí có mất cũng chẳng ai thèm tìm.

Kết cục

Theo WSJ, tiền xu đang bị người dân Mỹ vứt bỏ vì vô dụng dần. Cục an ninh vận tải Mỹ (TSA) cho biết họ thu thập được hàng trăm nghìn USD tiền xu mỗi năm tại các sân bay và điều trớ trêu là người dân còn chẳng thèm tìm lại chúng.

Những hãng như Reworld bắt đầu thu thập tiền xu bị vứt đi từ năm 2017 sau khi nhận thấy người dân Mỹ không còn quan tâm đến loại đồng tiền vô dụng này nữa.

Tất nhiên để tối ưu hóa hiệu năng sử dụng của thiết bị khi xử lý rác thải, Reworld cũng thu hồi khoảng 550.000 tấn kim loại, từ lon soda cho đến chìa khóa hay đồ dùng bằng bạc tại các bãi rác.

Thông thường các cơ sở của Reworld sẽ phải mất đến 35 phút để làm sạch đống rác đã bị thiêu hủy, sau đó thiết bị và nhân công mới moi móc ra được những vật dụng kim loại có giá trị.

Do đã bị thiêu hủy qua nên nhiều đồng xu bị biến dạng khi được lấy ra. Tuy nhiên Reworld cho hay trong 10 triệu USD tiền xu họ phân loại được 7 năm qua thì khoảng 6 triệu USD tiền xu vẫn ở trong tình trạng sử dụng được.

Bình quân mỗi năm, Reworld phân loại được khoảng 500.000 đến 1 triệu USD tiền xu và chúng nghiễm nhiên trở thành nguồn thu khả dụng cho công ty xử lý rác thải này.

Vai trò duy nhất

Tất nhiên, tiền xu không phải hoàn toàn vô dụng trong nền kinh tế Mỹ khi vẫn được dùng làm tiền lẻ thối lại. Rất nhiều quầy thu ngân vẫn thu mua túi đựng tiền xu có giá trị 5-10 USD từ người dân để dùng cho việc thối tiền lẻ.

Ngoài ra, người dân cũng có thể mang tiền xu đến ngân hàng đổi khi chúng vẫn được chính phủ công nhận là tiền tệ, dù nhu cầu sử dụng không còn nhiều.

Tuy vậy, ngày càng nhiều ngân hàng Mỹ từ chối nhận tiền xu khi phải mất công đếm. Những tổ chức tài chính như Capital One và PNC đã loại bỏ máy đếm xu của họ khoảng một thập kỷ trước do lượng khách hàng sử dụng thấp.

Năm 2016, một số ngân hàng như TD Bank đã ngừng sử dụng máy đếm xu khi chúng đếm thiếu số tiền xu khách bỏ vào.

Giờ đây hãng vẫn còn sử dụng nhiều tiền xu nhất là Coinstar, vốn vận hành những máy bán hàng tự động trong các cửa hàng tạp hóa hay trạm xăng. Công ty cho biết họ đang vận hành khoảng 18.000 máy bán hàng tự động trên toàn nước Mỹ với hơn 800 tỷ tiền xu phải xử lý.

Thế nhưng với sự phát triển của thanh toán trực tuyến, ngay cả những chiếc máy bán hàng tự động giờ đây cũng bắt đầu tích hợp mã QR và thẻ ngân hàng để thanh toán, qua đó dần biến tiền xu thành đồ cổ.

Thật vậy, giờ đây tiền xu hầu như chỉ còn được những người chơi sưu tầm đồ cổ tìm kiếm, nhưng chỉ nhắm đến những đồng xu cũ, bị lỗi hoặc mang ý nghĩa đặc biệt.

Với những đồng xu thông thường, chúng chẳng khác gì một miếng kim loại phiền phức mà người dân nhận được mỗi khi thối lại tiền lẻ.

TÀI SẢN CỦA TRUMP BỐC HƠI HÀNG TỶ USD

Giá cổ phiếu của Tập đoàn Truyền thông và Công nghệ Trump (TMTG), công ty mẹ của mạng xã hội Truth Social, sụt giảm nghiêm trọng khiến tài sản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bốc hơi hàng tỉ USD.

Khi chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) vào cuối tháng 3, giá cổ phiếu của TMTG tăng mạnh, đưa công ty đạt mức vốn hóa thị trường 8,97 tỉ USD. Với việc nắm giữ 57% cổ phần, tài sản của ông Donald Trump tính riêng ở công ty là 5,11 tỉ USD, theo Business Insider ngày 17.4

Nhưng kể từ đó, giá cổ phiếu công ty này đã rơi tự do. TMTG đã đóng cửa phiên giao dịch ngày 16.4 với giá trị vốn hóa chỉ là 3,12 tỉ USD, giảm 65% so với mức đỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản của cựu Tổng thống Trump bốc hơi 3,3 tỉ USD chỉ trong 3 tuần.

Giá cổ phiếu của TMTG đã giảm mạnh từ ngày 15.4, sau khi có báo cáo cho biết công ty này đang có động thái cho phép những người trong nội bộ, bao gồm ông Trump, bán sớm cổ phiếu. Trước đó, ông Trump đang trong một thỏa thuận không thể bán phần lớn cổ phần đang sở hữu. Giá cổ phiếu còn giảm sâu vào ngày 16.4 sau khi công ty thông báo sẽ phát hành nền tảng phát trực tiếp.

TMTG đã có màn chào sân thị trường chứng khoán rầm rộ với những dấu hiệu tích cực ban đầu, góp phần đưa ông Donald Trump vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng và nhiều người đã dự đoán về kịch bản phá sản, khi một báo cáo cho thấy công ty này lỗ 58 triệu USD vào năm ngoái khi chỉ có doanh thu 4,1 triệu USD.

Song giá cổ phiếu ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể là nguồn tài chính hỗ trợ cựu tổng thống trên đường đua tranh cử, đặc biệt khi ông đang có những khoản phải chi trả trong các vụ kiện tụng.

”LÁ BÀI TẨY TỰ DO” CỦA BIDEN TRÊN ĐƯỜNG ĐUA VÀO NHÀ TRẮNG

Đảng Dân chủ và ứng cử viên tiềm năng của đảng này: Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, đang định nghĩa lại khái niệm “tự do” trong cuộc bầu cử năm nay. Tự do trong các vấn đề an sinh xã hội được kỳ vọng sẽ mở ra nhiệm kỳ thứ hai cho ông chủ Nhà Trắng.

Đảng Dân chủ tái định nghĩa khái niệm “tự do”

Tổng thống Biden khẳng định quyền tự do sẽ đóng vai trò trung tâm trong thông điệp tranh cử của ông ngay từ buổi đầu của cuộc tranh cử. Trong đoạn video thông báo về kế hoạch tái tranh cử được công bố vào năm ngoái, ông Biden đã tuyên bố: “Tự do cá nhân là giá trị cốt lõi của người Mỹ. Không có gì quan trọng hơn. Không có gì thiêng liêng hơn”.

Sau đó, ông Biden cũng nhắc đến hai chữ “tự do” trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hồi đầu tháng 3, cho rằng “tự do” và “dân chủ” là những yếu tố cốt lõi xuyên suốt sự nghiệp chính trị của mình và nhấn mạnh ông đứng về phía người dân Mỹ trong các vấn đề tự do, dân chủ.

Ngay khi Tòa án Tối cao bang Arizona tuyên bố giữ nguyên đạo luật năm 1864 về việc cấm phá thai trong hầu hết các trường hợp, Phó Tổng thống Kamala Harris đã lập tức phát động một “cuộc chiến” truyền thông để bảo vệ quyền lợi của người Mỹ, đồng thời khẳng định: “Cuộc chiến này là về tự do, và tự do là nền tảng cốt lõi của nước Mỹ”.

Việc ông Biden, bà Harris và các đảng viên Đảng Dân chủ khác thường xuyên đề cập đến vấn đề tự do xuyên suốt chiến dịch tranh cử năm nay cho thấy một sự đảo ngược vai trò mang tính lịch sử. Kể từ khi Chính sách kinh tế mới (New Deal) ra đời và cứu nước Mỹ khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933, “tự do” đã luôn là “kim chỉ nam” trong các chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ thường nhấn mạnh các ý tưởng “bình đẳng” và “công lý”.

Tuy nhiên, những phát ngôn gây tranh cãi và việc thay đổi quan điểm liên tục của ông Trump về quyền phá thai đã mang lại cho đảng Dân chủ một cơ hội lớn để thay đổi khái niệm "tự do". Ông Trump đồng ý với việc các bang được toàn quyền quyết định vấn đề thai sản, trong khi ông Biden gắn tự do với quyền lợi của phụ nữ và đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Bà Melissa Deckman, Giáo sư về Quan hệ Công chúng tại Đại học Washington (Mỹ), cho biết: “Đối với Đảng Cộng hòa, quyền tự do chỉ gói gọn trong việc sở hữu súng, thực hành tôn giáo, phát biểu quan điểm hoặc lựa chọn người cầm quyền. Tuy nhiên, các đảng viên Đảng Dân chủ đang cho cử tri thấy định nghĩa thực sự của tự do, trong đó có quyền tự quyết đối với thân thể”.

Việc tái định nghĩa khái niệm tự do đặc biệt quan trọng đối với ông Biden trong bối cảnh các cuộc thăm dò liên tục cho thấy ông Trump đang dẫn trước trong các vấn đề kinh tế. Để giành cơ hội hội tái đắc cử, đương kim Tổng thống Mỹ cần hướng sự chú ý của cử tri sang lĩnh vực an sinh xã hội vốn là lợi thế của ông, bao gồm quyền phá thai, chính sách thuế, giảm và xóa nợ sinh viên,…

Bà Lauren Hitt, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Biden, cũng cho rằng tự do là một thông điệp tranh cử mạnh mẽ của tổng thống và gây được tiếng vang lớn với nhiều cử tri.

“Đó là một ý tưởng độc đáo dựa trên các giá trị dân chủ truyền thống. Ý tưởng này hứa hẹn sẽ giúp ông Biden giành được những cử tri đang dao động trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới”, bà Hitt nói.

Chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” của đảng Dân chủ

Sử dụng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”, đảng Dân chủ đang tấn công khái niệm “tự do” truyền thống suốt hàng thập kỷ của đảng Cộng hòa. Bà Jenifer Fernandez Ancona, Phó chủ tịch của tổ chức Way to Win – một tổ chức ủng hộ quyền lợi của người da màu, cho biết đảng Dân chủ đang xây dựng chiến thuật tranh cử khôn ngoan, bắt đầu từ vấn đề phá thai.

“Phá thai là điểm khởi đầu. Vì liên quan trực tiếp đến con người nên vấn đề này dễ dàng liên hệ đến những các quyền tự do trên các lĩnh vực rộng lớn hơn”, bà Ancona nói.

Trong ngày tưởng niệm Martin Luther King hôm 20/1, bà Kamala Haris đã chỉ ra những hạn chế trong việc giảng dạy về lịch sử chủng tộc của Mỹ tại một số bang “đỏ” (bang truyền thống của đảng Cộng hòa), đồng thời tuyên bố văn hóa tự do sở hữu súng ống mà đảng Cộng hòa góp phần gây dựng đang khiến người dân phải sống trong nỗi lo sợ mỗi ngày.

Ông Biden cũng chỉ trích chính sách giảm thuế cho người giàu mà đối thủ Trump đã ban hành trong nhiệm kỳ tổng thống trước đó, đồng thời đưa ra đề xuất đánh thuế 25% đối với các hộ gia đình “tỷ phú” có tài sản ròng đạt mức 100 triệu USD trong bài phát biểu hôm 16/4. Theo ông, chính sách bình đẳng thuế mang lại sự bất công đối với người nghèo, bởi họ không đủ khả năng chi trả cho những hóa đơn sinh hoạt hoặc mua nhà nhưng vẫn phải đóng mức thuế cao chót vót.

Trước đó, trong sự kiện tranh cử hồi giữa tháng 3 tại bang Nevada, Tổng thống Biden đã sử dụng chính khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của đối thủ Trump để chuyển hướng khái niệm “tự do” đến các vấn đề an sinh xã hội.

"Chúng ta có thể đầu tư vào những lĩnh vực đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại như chăm sóc trẻ em và hàng loạt các lĩnh vực khác”, ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc đối thủ Trump và những người ủng hộ là “những kẻ cực đoan” đang “đe dọa các quyền tự do nền tảng”, đồng thời chỉ trích người tiền nhiệm có nhiều phát ngôn phân biệt chủng tộc và kỳ thị giới tính. Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, 66% trong số 1.000 người đồng tính nam được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Biden, trong khi chỉ có 34% có thiện cảm với ông Trump. Các cử tri đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới cũng từng nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với đảng Dân chủ, theo các khảo sát khác của NBC News.

Trong lúc ông Trump đang “mắc kẹt” trong tòa án và khó có thời gian xuất hiện trước công chúng để tự “thanh minh” cho bản thân, chiến thuật tranh cử của ông Biden và đảng Cộng hòa có thể sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. Xuất hiện trong một quảng cáo tranh cử có liên quan đến quyền phá thai tại Arizona vào tuần trước, Tổng thống Joe Biden bỏ ngỏ một câu hỏi mà chắc chắn rằng, cử tri sẽ có hàng trăm đáp án, nhưng ông Trump thì ít có cơ hội trả lời.

“Nếu ông Donald Trump tái đắc cử, bạn sẽ mất quyền tự do gì tiếp theo?”, ông Biden nói.

BIDEN CHUẨN BỊ RA ĐÒN VỚI NHÔM, THÉP NHẬP KHẨU TỪ TRUNG QUỐC

Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc tăng gấp ba lần thuế đối với nhôm và thép Trung Quốc với lý do "cạnh tranh không công bằng".

"Các chính sách và trợ cấp của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp thép và nhôm trong nước khiến các sản phẩm chất lượng cao của Mỹ bị mất vị thế bởi các sản phẩm thay thế giá rẻ của Trung Quốc, vốn được sản xuất với lượng khí thải cao hơn", tuyên bố của Nhà Trắng ngày 17/4 cho biết.

Lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden được đưa ra khi Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo đang tiến hành một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và hậu cần để đáp lại kiến nghị gần đây của 5 công đoàn Mỹ.

Tổng thống Biden đang hối thúc tăng gấp ba lần mức thuế hiện tại đối với mặt hàng thép và nhôm Trung Quốc theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại. Hiện tại, mức thuế trung bình đối với mặt hàng thép và nhôm theo mục này là 7,5%.

Mục 301 cũng là công cụ chính mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Trung Quốc chiếm khoảng một nửa sản lượng thép toàn cầu, đồng thời xuất khẩu kim loại này với chi phí thấp hơn đáng kể so với giá thép của Mỹ.

Nhà Trắng cùng ngày thông báo ông Biden cũng chỉ đạo quan chức làm việc với Mexico để ngăn chặn hành vi trốn thuế của Trung Quốc.

MỸ TÁI ÁP LỆNH TRỪNG PHẠT DẦU KHÍ VENEZUELA

Mỹ tái áp lệnh trừng phạt đối với ngành dầu khí của Venezuela, vì cáo buộc chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro có "thiếu sót" trong việc tuân thủ các cam kết của Thỏa thuận Barbados.

Tháng 10-2023, Bộ Tài chính Mỹ phát đi thông báo nới lỏng phần lớn lệnh cấm vận nhằm vào ngành dầu khí Venezuela, dựa trên cam kết của Tổng thống Nicolas Maduro về việc tổ chức bầu cử vào năm 2024.

Giấy phép chung số 44 do Bộ Tài chính Mỹ cấp vào tháng 10-2023 cho phép Petróleos de Venezuela, S.A (PDVSA) - công ty dầu khí thuộc sở hữu của nhà nước Venezuela - thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực dầu khí chính thức hết hạn vào hôm nay (18-4).

Từ ngày 18-4, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cấp giấy phép thay thế để các công ty hoàn thành nốt các giao dịch còn lại với khối doanh nghiệp dầu khí Venezuela có liên quan đến PDVSA trong thời hạn 45 ngày, trước 31-5.

Như vậy, Mỹ sẽ không tiếp tục gia hạn giấy phép chung số 44.

Điều này đồng nghĩa rằng các lệnh trừng phạt trước đây nhắm tới ngành dầu khí của Venezuela sẽ có hiệu lực trở lại từ ngày 31-5.

Đây là lần thứ hai Mỹ áp lệnh trừng phạt vào ngành dầu khí của quốc gia Nam Mỹ này, kể từ lần đầu tiên vào năm 2019 dưới nhiệm kỳ của cựu tổng thống Donald Trump.

Theo thông tin từ một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, Washington “đã hoàn tất quá trình xem xét cẩn thận” và xác định rằng chính phủ Maduro “đã thiếu sót” trong một số cam kết chính của thỏa thuận.

“Chúng tôi đặc biệt lo ngại trước việc chính quyền Venezuela ngăn cản ứng cử viên đối lập Maria Corina Machado tranh cử, đồng thời cũng không cho phép ứng cử viên thay thế được chỉ định là tiến sĩ Corina Yoris đăng ký làm ứng cử viên tổng thống”, quan chức này nói thêm.

Theo lời giải thích từ phía Washington, cơ sở để Mỹ quyết định không gia hạn giấy phép là “sự thất bại của chính quyền Venezuela trong việc thực hiện cam kết của họ theo Thỏa thuận Barbados để tổ chức bầu cử tự do và công bằng”.

Đài CNN dẫn lời một quan chức cấp cao khác của chính quyền của Mỹ tiết lộ chính phủ Maduro “không hoàn toàn tuân thủ tinh thần hoặc nội dung của Thỏa thuận Barbados”.

“Tuy nhiên không nên xem đây là quyết định cuối cùng khiến nước Mỹ mất niềm tin vào Venezuela" - vị quan chức này khẳng định, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các bên liên quan, bao gồm đại diện của chính quyền Tổng thống Maduro, phe đối lập và cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho Venezuela.

Nguồn: Soha; Thanh Niên; CafeF; Dân Trí; Tuổi Trẻ

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang