'Vàng đen' được Thái Lan săn lùng; Cuộc gọi rác không nghỉ lễ; Đất nền sốt ảo & chiêu thổi giá; Dòng kiều hối sẽ đổ vào BĐS

THÁI LAN ĐỘT NGỘT SĂN LÙNG "VÀNG ĐEN" VIỆT NAM: XUẤT KHẨU TĂNG 3.000%

Giá mặt hàng này của Việt Nam đứng thứ 35 thế giới, rẻ hơn so với Thái Lan.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam trong tháng 3/2024 giảm 13,1% về lượng và giảm 11,7% về kim ngạch so với tháng trước, đạt 188.808 tấn, trị giá 160,1 triệu USD.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu đạt 631.310 tấn, trị giá 532,02 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 8,9% về trị giá.

Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024, đạt 119.761 tấn, trị giá 100,8 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và giảm 30,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 18% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu; riêng trong tháng 3/2024 đạt 30.847 tấn, trị giá 25,9 triệu USD, giảm 31,7% về lượng và giảm 34,4% về trị giá.

Sau đó là thị trường Hàn Quốc chiếm 9-10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 60.946 tấn, kim ngạch 55,5 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 4,9% về trị giá; riêng tháng 3/2024 đạt 19.352 tấn, trị giá 17,8 triệu USD.

Xuất khẩu xăng dầu sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 8-9% trong tổng lượng và kim ngạch, đạt 55.447 tấn, kim ngạch đạt 52,8 triệu USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 33,7% về trị giá trong 3 tháng đầu năm 2024; riêng tháng 3/2024 xuất khẩu giảm 8,4% về lượng và giảm 7,04% về trị giá.

Trong số các thị trường xuất khẩu, Thái Lan là quốc gia tích cực nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam nhất trong quý I vừa qua.

Cụ thể, trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan 1.840 tấn, tương đương gần 1,8 triệu USD, tăng mạnh 3.307% về lượng và tăng 3.144% về trị giá so với tháng 3/2023.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xứ sở chùa vàng nhập khẩu 5.490 tấn, trị giá hơn 5 triệu USD, tăng 2.287% về lượng và tăng 1.955% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 915 USD/tấn, giảm 13,9%.

Dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường nhưng Thái Lan chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 0,8-0,9%.

Theo Global Petrol Price, Việt Nam hiện có giá xăng đứng thứ 35 thế giới và rẻ hơn Thái Lan (đứng thứ 76). Giá xăng tại đây đạt 48,23 THB/lít, tương đương 1,31 USD/lít.

Dù xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm và chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm.

Mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một loại dầu nhất định, hoặc một hỗn hợp dầu có tính chất nhất định. Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh, loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến. Còn Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được thiết kế để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ.

Còn Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được thiết kế cho hỗn hợp dầu Kuwait hàm lượng lưu huỳnh 2,52. Do đó dù có khai thác được dầu trong nước nhưng không phải dầu thô nào cũng phù hợp với công nghệ lọc của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Do phụ thuộc lớn, nên hoạt động nhập khẩu xăng dầu cũng chịu sự tác động mạnh khi thế giới biến động, đặc biệt là về giá.

NGHỈ LỄ, CUỘC GỌI RÁC KHÔNG NGHỈ

Mặc dù cả nước đang bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài nhưng các đối tượng telesales, đối tượng lừa đảo vẫn… miệt mài hoạt động.

Nghỉ lễ cũng không yên

Đang bận rộn tranh thủ chuyển sang căn hộ mới thuê ở Q.7 (TP.HCM), chị N.D.Y thấy có cuộc điện thoại gọi đến, nghĩ rằng là nhân viên vệ sinh máy lạnh, chị bắt lên nghe nhưng hóa ra lại là nhân viên chào mời đầu tư tài chính. Điên tiết, chị Y. định to tiếng mắng cho một trận, nhưng kẻ "rảnh hơi" kia đã vội vàng cúp máy.

Anh T.M.K (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đang tận hưởng kỳ nghỉ của mình cùng với gia đình ở Bình Định, nhưng một cuộc điện thoại lạ gọi đến làm anh tuột hết cả hứng vì đó là cuộc gọi của nhân viên đặt tour du lịch của một công ty nào đó.

"Tôi có đăng ký thông tin đặt tour hè cùng gia đình vào tháng 6, nhưng công ty đó chưa liên hệ lại thì đã có nhiều cuộc gọi của các công ty du lịch khác gọi đến. Tại sao lại có sự trùng hợp như vậy? Liệu rằng có sự thông đồng hay lộ thông tin đăng ký hay không?", anh T.M.K thắc mắc.

Chị N.H (Q.4) bức xúc cho biết chị liên tục nhận được các cuộc gọi rác mời gọi đầu tư chứng khoán vào những ngày nghỉ lễ. Bình thường, chị ít khi nghe điện thoại không có lưu tên. Nhưng vì lễ ở nhà có đặt hàng qua mạng, sợ người giao đồ tới... nào ngờ.

"Lễ cũng không tha, mệt mỏi thật. Chưa kể lễ cũng là dịp các hội nhóm trên Zalo, Telegram hoạt động mạnh mẽ hơn. Mới nghỉ 3 ngày lễ, tôi đã được lôi vào 5 - 6 nhóm, nào là Room siêu VIP - VNINDEX tư vấn miễn phí mua bán không chat tới gần ngàn thành viên; Rồi nhóm Tư vấn siêu VIP - Phím lệnh mua bán; rồi là Nhấp chuột có tiền...", chị N.H than thở.

Mấy ngày gần đây, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng VN (VNCERT - Cục An toàn thông tin) cũng liên tục ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân khi nhận được cuộc gọi lừa đảo từ các số điện thoại lạ mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo để đầu tư tài chính với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng.

Trước kỳ nghỉ lễ, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng đã triển khai nhiệm vụ tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng trong dịp lễ. Theo đó, Cục yêu cầu các đơn vị cần tăng cường theo dõi, cập nhật, xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dùng về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt là tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo qua hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác do Cục An toàn thông tin chia sẻ; xử lý quyết liệt, triệt để các trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo mà người dùng phản ánh. Cục cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, nhất là trên mạng; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư, luôn luôn đề phòng trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công nghệ cao…

Những thói quen tưởng vô hại mà… hại không tưởng

Anh T.K.H có thói quen chụp hình CCCD cả 3 người trong nhà lưu trong điện thoại để tiện sử dụng. "Vợ, con toàn đãng trí, cứ lâu lâu lại gọi hỏi có nhớ số CCCD không. Tôi lưu trong điện thoại, chuyển qua Zalo là xong đỡ mất công nhắn nhít", anh H. giải thích. Không chỉ CCCD, nhiều người cũng lưu những giấy tờ thường xuyên sử dụng trong điện thoại cho tiện.

Thói quen tưởng chừng tiện dụng, vô hại này vừa được cảnh báo có thể khiến chúng ta mất tiền như chơi. Ngân hàng BIDV mới cảnh báo, người dùng điện thoại Android tuyệt đối không lưu trữ trên thiết bị di động: ảnh chụp CMND hoặc CCCD hoặc hộ chiếu cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu truy cập ứng dụng ngân hàng. Theo ngân hàng này, thời gian gần đây xuất hiện các đối tượng giả danh là cán bộ của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ (đặc biệt là cơ quan công an, thuế) gọi điện thoại thông báo khách hàng cần khai báo/cập nhật thông tin tại các ứng dụng của cơ quan Nhà nước (như VNeID, VSSID, eTax...) và sẽ gửi/đọc các đường link tải ứng dụng giả mạo cho khách hàng.

Sau khi ứng dụng giả mạo được cài đặt vào điện thoại, các đối tượng sẽ tạo ra một số tình huống để người dùng thực hiện các giao dịch như đổi mật khẩu, chuyển khoản lệ phí công… Khi khách hàng thực hiện, các ứng dụng giả mạo này sẽ theo dõi và đọc trộm các thông tin mà khách hàng nhập vào toàn bộ các ứng dụng trên điện thoại, cũng như các thao tác mà khách hàng thực hiện trên thiết bị (bao gồm cả nguy cơ đánh cắp thông tin trên SmartBanking), từ đó cướp quyền điều khiển thiết bị di động cũng như tài khoản của khách hàng. Hiện tượng được ghi nhận chủ yếu xảy ra với khách hàng sử dụng hệ điều hành Android.

Do đó, BIDV khuyến cáo khách hàng đang sử dụng các thiết bị Android thực hiện tắt các ứng dụng có quyền Hỗ trợ (Accessibility) tại mục "Cài đặt > Hỗ trợ > Ứng dụng đã cài đặt".

Tương tự, Ngân hàng VietinBank cũng cảnh báo các phần mềm giả mạo dịch vụ công như Bộ Công an, VNeID, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Thuế... hướng dẫn người dùng tải ứng dụng về máy, từ đó chiếm quyền kiểm soát điện thoại và chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của khách hàng.

Thực tế, các chiêu trò lừa đảo liên tục cảnh báo trên nhiều kênh truyền thông nhưng nạn lừa đảo qua điện thoại, dẫn dụ lừa đảo vẫn diễn ra phổ biến và không ít người bị sụp bẫy.

Công an TP.HCM cho biết, tội phạm lừa đảo qua mạng luôn lợi dụng những sự kiện, những tình huống và nhu cầu của người dân vào từng thời điểm để đưa ra các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó có thủ đoạn nhân dịp lễ 30.4 và 1.5 cũng như du lịch mùa hè, để lừa người dân mua các tour du lịch giá rẻ, máy bay giá rẻ để chiếm đoạt tiền chuyển mua vé và mua tour du lịch. Để phòng ngừa tội phạm, cơ quan công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân đề cao cảnh giác không mua vé máy bay, mua tour du lịch giá rẻ trên mạng mà không xác định được trang web chính thống của cá nhân, tổ chức chính thống cung cấp dịch vụ. Công an cũng tuyên truyền để các doanh nghiệp trên lĩnh vực cảnh giác phát hiện các trang web, tài khoản giả mạo, kịp thời tố cáo đến cơ quan chức năng để ngăn chặn xử lý; tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng để kịp thời có giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối tượng phạm tội.

TÌNH TRẠNG SỐT ẢO ĐẤT NỀN VÀ THỔI GIÁ DIỄN RA Ở NHIỀU NƠI

Thị trường vùng ven Hà Nội (như Hoài Đức, Sóc Sơn, Mê Linh…) một số khu vực có hiện tượng đất tăng giá gấp 2 lần. Đây là nhu cầu thực hay chiêu trò của “cò đất” thổi giá.

Sau cơn “khát” chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… đất nền cũng được đẩy giá lên chóng mặt nhất là những khu đất vùng ven thành phố.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, sau 2 năm vừa qua, đất ở khu đô thị cũng như đất thổ cư quanh khu vực Vân Canh, Kim Chung của huyện Hoài Đức tăng giá một cách bất thường, những lô đất trước đây mua khoảng 70 triệu đồng/m2 giờ 120 triệu đồng/m2 có nơi còn tăng lên 150 triệu đồng/m2.

“Đất tăng nhưng khu vực mình sống có thấy giao dịch mua bán gì đâu, nhà đất vẫn để hoang đó, giá thì cứ mỗi ngày một khác, chỉ tăng lên” - anh Nguyễn Văn Dũng nói.

Một môi giới N.N.T hoạt động thị trường huyện Hoài Đức cho biết: “Thực tế đất cứ treo giá thế, giao dịch thành công gần như không có, với những lô đất khu vực vùng ven như huyện Hoài Đức mà lên đến 15 - 20 tỷ đồng thì người mua sẽ có nhiều lựa chọn thậm chí nhà đất vùng trung tâm thành phố”.

Môi giới N.N.T đánh giá, giá đất đang “ảo” và vị thổi nhiều, vì giá đất lên phải gắn với hạ tầng xã hội hay giao thông nhưng ở đây không có công trình mới, thêm nữa mức giá treo trên các trang mạng về buôn bán bất động sản, thì ai cũng có thể đăng được, giá bao nhiêu tùy, chỉ mất chút phí dịch vụ, để thổi giá một số cò vẫn thường đăng một loạt tin với những giá chót vót để khi người mua tham khảo sẽ vào “bẫy” giá.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trong nghiên cứu về thị trường quý 1 năm 2024 (VARS) đưa ra cảnh báo cần hết sức lưu ý để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.

Trước đó, từ cuối năm 2022 đến 2023, đất nền, đất đấu giá huyện ven Hà Nội rơi vào cảnh ảm đạm theo chiều hướng đi xuống của thị trường. Những huyện gần khu vực quy hoạch Vành đai 4 như Hoài Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng... từng tăng nóng giai đoạn 2020-2021 đã xuất hiện nhiều đợt giảm giá. Có những lô được rao cắt lỗ 20-30% nhưng không có người mua.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết thời gian gần đây khu vực ngoại thành cách trung tâm thành phố từ 15km trở ra, giao dịch rất hạn chế, đất không tăng, mà còn tiếp tục xu hướng giảm.

“Tuy nhiên, có những khu vực ven thành phố đất nền lại nóng, đặc biệt trong bối cảnh chưa thoát được khó khăn về kinh tế. Đây là những hiện tượng bất thường, những thị trường giả, thị trường ảo. Tại thị trường nhiều khu vực có sự tấp nập nhưng người mua - bán không phải nhà đầu tư mà là những màn kịch mà các môi giới, nhà đầu tư tạo ra” - ông Nguyễn Văn Đính nói.

Chung cư tăng giá là do nguồn cung khan hiếm, nhưng với khu vực đất nền “bỏ hoang” lâu nay bất ngờ “sốt” các chuyên gia bất động sản đánh giá đó không phản ánh thật thực trạng thị trường, và đâu đó có những dấu hiệu chiêu trò của những cò đất.

LƯỢNG LỚN KIỀU HỐ SẮP ĐỔ VÀO BẤT ĐỘNG SẢN

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm tương đương giá trị 10.000 căn hộ và với sự cởi mở của luật mới, rất có thể đây sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới.

Hành lang pháp lý đã cởi mở hơn

Trong Luật Đất đai 2024, điểm thay đổi nhận được nhiều sự chú ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. Cụ thể, Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá, thay đổi của luật lần này tạo tiềm năng lớn cho thị trường địa ốc nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại trong nước phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư.

Theo ông Troy Griffiths, Savills đã có cơ hội hợp tác với nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó nhiều người đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định và cân nhắc đầu tư trở lại Việt Nam, thậm chí có thể tính đến việc quay trở về sinh sống.

“Cũng cần lưu ý rằng, có rất nhiều người Việt Nam đang ở nước ngoài, không chỉ những Việt kiều mà còn cả những người đang lao động tại nước ngoài. Điều này tạo ra một nguồn nhà đầu tư tiềm năng khổng lồ”, ông Troy Griffiths nhấn mạnh.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, việc luật được thiết kế cởi mở hơn cho Việt kiều sở hữu nhà ở đã đón nhận những phản hồi tích cực. Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, nhiều người bày tỏ sự hào hứng với việc được đầu tư trực tiếp, chính danh để sở hữu nhà ở trong nước.

Bà Nguyễn Việt Triều - Ủy viên Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu, Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, trước đây, Việt kiều mua bất động sản trong nước phải nhờ người thân đứng tên do lo ngại thủ tục phức tạp. Hiện tại, những quy định mới trong các luật giúp bà con kiều bào có thể sở hữu bất động sản trong nước dễ dàng hơn.

Theo bà Triều, hiện có hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu và có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư gốc Việt mong muốn tham gia thị trường bất động sản trong nước giờ đây được pháp luật cho phép mua nhà, có quyền sở hữu nhà như công dân trong nước. Điều này giúp thị trường bất động sản có thêm nguồn cầu lớn từ Việt kiều, thu hút tiền từ nước ngoài về Việt Nam nhiều hơn, đó sẽ là nguồn vốn lớn cho xã hội.

Bất động sản sẽ là “kênh dẫn vốn”

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn G6 nhìn nhận, việc mở rộng đối tượng và tạo hành lang pháp lý cho sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với Việt kiều sẽ tạo “kênh dẫn vốn” kiều hối rất tốt cho thị trường bất động sản trong nước. Theo ông Quê, nhóm khách hàng này lâu nay có thể đã quan tâm hoặc đã xuống tiền nhưng phải nhờ người thân đứng tên, giờ được trực tiếp “đứng sổ” sẽ khiến họ yên tâm hơn.

“Theo quan sát của tôi, các phản hồi từ thị trường, nhà đầu tư về vấn đề này là rất tích cực. Có nhiều người quan tâm và cho biết sẽ xuống tiền để sở hữu nhà ở Việt Nam”, ông Quê nói và cho biết thêm rằng, dòng Kiều hối được cho là chảy khá mạnh về phía Nam và một tỷ lệ lớn được đầu tư vào địa ốc.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển kinh doanh OneHousing cho rằng, thị trường bất động sản đang khởi đầu của một chu kỳ mới, nhiều nhà đầu tư đã nhìn ra cơ hội khi Việt kiều được mua nhà và có đầy đủ quyền sở hữu như một công dân trong nước (theo Luật Đất đai 2024). Do đó, nếu đầu tư ở thời điểm hiện tại có thể đạt thanh khoản tốt khi đón đầu dòng tiền lớn của kiều bào đổ về.

Từ góc nhìn pháp lý, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản cho hay, lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong Top 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lấy báo cáo của Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBR) làm ví dụ, ông Đỉnh cho biết, đến cuối năm 2023, lượng kiều hối qua công ty này tăng gần 98% so với năm 2022 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Số liệu của Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

Theo ông Đỉnh, sự sửa đổi cơ bản về chính sách tiếp cận đất đai trong Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào ở nước ngoài, giúp củng cố thêm niềm tin, sự lạc quan về việc gia tăng thu hút kiều hối và đầu tư từ kiều bào, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bình luận sâu hơn về “bước chuyển” trong thiết kế luật lần này, ông Đỉnh cho rằng, đã có sự thay đổi căn bản về tư duy, quan điểm lập pháp. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 xác định địa vị pháp lý của người sử dụng đất thông qua tiêu chí là nơi cư trú của người đó. Theo đó, Luật phân biệt chủ thể hộ gia đình, cá nhân trong nước với chủ thể “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, từ đó xác định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể này khác nhau. Theo đó, người Việt Nam ở trong nước có nhiều quyền hơn hẳn người Việt Nam định cư ở nước ngoài không chỉ trong quan hệ sử dụng đất, mà còn trong vấn đề sở hữu nhà ở hay quyền kinh doanh bất động sản, đều là những sản phẩm gắn liền với đất, quy định trong các luật liên quan là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Như vậy, dù cá nhân là người Việt Nam, đã chuyển đi cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ được coi là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Luật Quốc tịch Việt Nam và sẽ bị hạn chế về khả năng tiếp cận đất đai, các tài sản gắn liền với đất. Điều này tiềm ẩn nhiều bất cập, đặc biệt là không khuyến khích được nhóm người Việt kiều giữ quốc tịch Việt Nam, giữ mối liên hệ gắn bó với quê hương, đất nước… do người còn giữ quốc tịch cũng chỉ có quyền như người không còn giữ quốc tịch Việt Nam trong vấn đề tiếp cận, sử dụng đất.

Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 đã thay đổi căn bản khi xác định địa vị pháp lý của người sử dụng đất thông qua tiêu chí là quốc tịch, không còn xác định theo nơi cư trú. Cụ thể, giữa cá nhân trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có quyền tiếp cận đất đai như nhau. Như vậy, trong thời gian tới, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân trong nước; giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam).

“Đồng thời, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 cũng có những quy định đổi mới, đồng bộ về quyền sở hữu nhà ở và phạm vi kinh doanh bất động sản của nhóm chủ thể này như cá nhân ở trong nước. Quy định mới của Luật Đất đai và 2 luật liên quan nhận được sự ủng hộ, nhất trí rất cao của đa số đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, ông Đỉnh nhấn mạnh.

Nguồn: Soha; Thanh Niên; CafeF; VietnamFinance

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang