Hàng không đồng loạt báo lãi; Choáng với hóa đơn tiền điện; Tỷ giá vẫn 'nóng'; NĐT âm thầm 'săn' BĐS ven đô

HÀNG KHÔNG ĐỒNG LOẠT BÁO LÃI NHỜ GIÁ VÉ TĂNG CAO

Các hãng hàng không trong nước đồng loạt báo lãi trong quý I/2024 nhờ thị trường hồi phục, giá vé máy bay luôn duy trì ở mức cao chót vót.

Hãng bay đồng loạt báo lãi

Báo cáo tài chính quý I/2024 của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lưu ý, hai “ông lớn” hàng không là Vietnam Airlines (mã: HVN) doanh thu hợp nhất đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ; Vietjet Air (mã: VJC) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, sự hồi phục ấn tượng của mảng khai thác bay quốc tế cùng với yếu tố mùa vụ cao điểm là các nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của với Vietnam Airlines.

Cụ thể, trong quý I vừa qua, doanh thu từ mảng vận tải hàng không quốc tế mang về cho Vietnam Airlines hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so cùng kỳ năm 2023; đóng góp 65% vào doanh thu vận tải hàng không của hãng hàng không quốc gia, tăng gấp 3 lần so với vùng đáy năm 2021.

Ngoài ra, tăng trưởng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt hơn 22.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, các công ty con kinh doanh có lãi cũng đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng. Vietnam Airlines tạm “thở phào” với gánh nặng nợ Pacific Airlines khi công ty này đã đàm phán trả lại toàn bộ tàu bay đang thuê, xử lý được khoản nợ lên tới 220 triệu USD (gần 5.600 tỷ đồng), góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 của hãng.

Với việc đạt doanh thu kỷ lục trong quý đầu năm nay, Vietnam Airlines lần đầu tiên báo lãi sau 16 quý liền thua lỗ. Thậm chí, đây còn là mức thu một quý cao nhất từ trước đến nay (31.700 tỷ đồng trong quý I/2024 so với 25.500 tỷ đồng trong quý I/2019).

3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lãi hợp nhất sau thuế hơn 4.440 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lãi gần 1.500 tỷ đồng.

Hàng không tư nhân Vietjet Air cũng ghi nhận lãi sau thuế gần 540 tỷ đồng trong quý I/2024, gấp 3 lần quý I/2023 - mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2020.

Trước đó, Vietravel Airlines báo lãi trong quý I/2024 hơn 10 tỷ đồng. Doanh thu của Vietravel Airlines đạt trên 491 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ 2023.

Doanh thu các hãng bay nội địa tăng trưởng mạnh vào những tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa ở mức cao chót vót đối với một số chặng “nóng”.

Việc tăng giá trần vé máy bay, (từ 1/3, với mức 3,75-6,67% trên hầu hết các chặng nội địa) cộng với thiếu tàu bay do phải bảo dưỡng động cơ và có hãng phải thu hẹp đội tàu bay do tái cơ cấu, khiến vé máy bay càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Giá vé cao ngất ngưởng không chỉ trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mà còn kéo dài đến cả tháng sau đó mới dần hạ nhiệt.

Cụ thể, trên đường bay nhộn nhịp nhất là TP.HCM - Hà Nội và ngược lại, giá vé phổ thông thấp nhất đã lên tới 6-7 triệu đồng/vé khứ hồi. Năm qua, giá vé chặng này thường xuyên duy trì ở mức cao, hành khách hầu như phải trả 3-4 triệu đồng/vé khứ hồi, đắt gấp rưỡi so với trước.

Những mức giá 0 đồng, 9.000 đồng, 14.000 đồng hay 19.000 đồng,... để kích cầu đi lại hay du lịch gần như biến mất từ năm 2023, khi du lịch hồi phục và hàng không cần tăng trưởng về nguồn thu để bù đắp thua lỗ hậu Covid-19.

Giá vé chưa thể hạ nhiệt

Trong khi các hãng đồng loạt báo tin doanh thu tăng trưởng dương vào quý I/2024 thì Bamboo Airways vẫn chưa tiết lộ thông tin. Hãng bay Tre Việt đang trong quá trình tái cơ cấu, thu hẹp chỉ còn 7-8 tàu bay, dừng khai thác các chặng bay ít hiệu quả.

Pacific Airlines cũng trả hết tàu bay từ cuối tháng 3.

Vietravel Airlines, với 3 tàu bay, hầu như chỉ tập trung khai thác nguồn khách du lịch trong hệ sinh thái. Mới đây, từ đầu Hà Nội hãng đã dừng khai thác các chặng bay đi Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn,... chỉ duy trì 3 chặng, ngay cả trong mùa cao điểm hè.

Do đó, vận tải hàng không nội địa, trước mắt trong cao điểm hè này, phụ thuộc phần lớn vào Vietnam Airlines và Vietjet Air. Trong khi bản thân hai hãng này cũng thiếu hụt hơn 40 tàu bay dòng chủ lực A321 do bảo dưỡng nên nguồn cung vé máy bay chưa thể dồi dào, giá chưa thể hạ nhiệt ngay.

Điển hình, đại gia đình nhà bà Phùng Thị Sinh ở Đống Đa (Hà Nội) gồm 10 người đặt vé đi Nha Trang bay trong tuần, vào giữa tháng 6. Giá đặt qua đại lý từ cách đây 3 tuần là 3,76 triệu đồng/vé khứ hồi (đã gồm thuế, phí), nhưng nếu bây giờ mới đặt (cùng giờ bay, ngày bay) đã tăng lên 4,2 triệu đồng/vé.

Trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay, hàng không quốc tế phục hồi nên các hãng bay trong nước đang dồn lực tăng tần suất đường bay hiện có, tập trung mở rộng mạng bay quốc tế. Tỷ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế tại Vietnam Airlines đã tiệm cận mức trước đại dịch, đang rất gần với mức của quý I/2019. Tại Vietjet Air, vận tải hành khách quốc tế trong quý I/2024 tăng trưởng hơn 53% và 61% về số lượng chuyến bay và lượt khách so với cùng kỳ 2023.

Hàng không quốc tế mang lại nguồn thu đáng kể song các hãng lại phải điều chỉnh giảm tần suất bay hoặc tạm dừng khai thác với các chặng bay nội địa kém hiệu quả, cũng góp phần đẩy giá vé máy bay nội địa tăng cao.

Điều này thể hiện rõ qua cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua khi có một số chặng bay như Hà Nội - Nha Trang, giá vé lên tới 6-7 triệu đồng/vé khứ hồi, Hà Nội - Phú Quốc có thời điểm hơn 8 triệu đồng, Hà Nội và TP.HCM đi Đà Nẵng từ 4-3,5 triệu đồng,.. khiến một lượng lớn khách nội địa chuyển sang đi đường bộ, đường sắt và các phương tiện cá nhân khác.

HÓA ĐƠN TIỀN ĐIỆN “NÓNG” NHƯ THỜI TIẾT

Nhiều người ví von hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng vọt còn hơn giá vàng. Trong khi đó, ngành điện cảnh báo nắng nóng sẽ giảm nhưng nền nhiệt vẫn còn cao, người dân cần tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện trong thời gian tới

Những ngày đầu tháng 5, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, nhiều người dí dỏm rủ nhau khoe độ "giàu có" qua hóa đơn tiền điện. Hàng loạt hóa đơn tiền điện phải trả ít thì gần 1 triệu đồng, nhiều thì lên đến 4-5 triệu đồng được cư dân mạng nhiệt tình chia sẻ.

Nhiều người cho biết đang "nhức đầu, chóng mặt" hoặc "muốn xỉu ngang" khi đọc thông báo hóa đơn tiền điện ít thì tăng thêm vài trăm ngàn đồng, nhiều thì tốn thêm một vài triệu đồng so với tháng trước.

Trên một nhóm cộng đồng, status "dân chơi giờ đừng khoe đồ hiệu nữa, khoe bill tiền điện đi" chỉ sau hơn 20 phút đã thu hút hơn 100 bình luận. Nhiều thành viên của cộng đồng này cho biết hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng đến 40%-50%, thậm chí là gấp đôi so với tháng 3.

Anh Nguyễn Trường Hải (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) nói vui là "muốn sang chấn tâm lý" vì tiền điện tháng 4 vọt lên mức 1,6 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với tháng 3. Anh Trần Văn Thái (ngụ quận 3, TP HCM) thì phản ánh hóa đơn tiền điện tháng 4 gần 5 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng so với tháng trước.

"Nhà có 2 tủ lạnh, 3 máy lạnh mở 24/24. Vợ con tôi đã quen dùng máy lạnh khoảng 23-24 độ C, mấy ngày nắng nóng phải chỉnh xuống 20-21 độ C mới đủ mát. Biết là tiền điện sẽ đội lên cao nhưng nóng quá, không xài không được" - anh Thái bộc bạch.

Giải thích lý do hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng đột biến, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), cho biết trong tháng 4, sản lượng điện sinh hoạt tại TP HCM tăng 12% so với tháng 3 và tăng 20% so với tháng 4-2023.

"Trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình trên địa bàn thành phố, có đến 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình). Số khách hàng sử dụng bậc 6 đã tăng lên 44% (tháng bình thường chỉ chiếm khoảng 25%)" - ông Kiên nêu số liệu.

Theo ông Kiên, ngay từ những ngày đầu tháng 4, EVNHCMC đã dự báo tình hình và liên tục có những cảnh báo gửi tới các khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến.

Trong tháng 4, toàn TP HCM tiêu thụ hơn 2,75 tỉ KWh điện, tăng 12,44% so với tháng 3. Đỉnh điểm, ngày 26-4 tiêu thụ đến 103,46 triệu KWh - mức cao nhất từ trước đến nay.

"Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nền nhiệt tháng 5 có giảm so với tháng 4 nhưng vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, EVNHCMC đề nghị khách hàng, các hộ gia đình thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt hơi nước…" - ông Kiên nói.

Trước tình hình trên, UBND TP HCM cũng đã ban hành Công văn số 2325 ngày 26-4-2024 về đẩy mạnh tiết kiệm điện và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn thành phố trong mùa khô, năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trong đó, riêng với các hộ gia đình, cần thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng, sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà.

Tiêu thụ điện trong kỳ nghỉ lễ cao kỷ lục

Ngày 2-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tiêu thụ điện trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay tăng rất cao so với quy luật hằng năm. Do nắng nóng ở cả 3 miền, trung bình ngày trong cả kỳ nghỉ lễ, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia ở mức khoảng 40.459 MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 860,5 triệu KWh/ngày.

Nếu so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023 thì sản lượng điện bình quân ngày trong cả dịp lễ năm nay tăng tới 37,2%, đồng thời công suất tiêu thụ cực đại toàn hệ thống trong dịp lễ cũng tăng tới 30,6%.

Theo EVN, tình hình nắng nóng sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, số ngày nắng nóng gay gắt được dự báo kéo dài so với trung bình hằng năm.

"Tiêu thụ điện ở miền Bắc được dự báo còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay. Nếu nắng nóng diễn ra ở cả 3 miền cũng làm tiêu thụ điện của toàn quốc sẽ tăng mạnh, gây nhiều áp lực đối với việc vận hành và cung cấp điện trong giai đoạn cuối mùa khô" - đại diện EVN nhấn mạnh.

Để bảo đảm cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, EVN đã và đang thực hiện các nhóm giải pháp về vận hành hệ thống điện, đầu tư xây dựng và tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải. EVN cũng khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm tối (từ 19 giờ đến 23 giờ).

TỶ GIÁ TĂNG CAO TRỞ LẠI

Cục Dự trữ liên bang Mỹ mới đây công bố giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại từ 5,25 - 5,5%. Quyết định này đúng như dự báo của các nhà đầu tư trước đó nhưng vẫn khiến giá USD tại VN tăng cao trở lại.

Giá USD neo ở mức cao

Hôm qua 3.5, các ngân hàng (NH) trong nước đã tăng giá mua USD trở lại so với một ngày trước đó nhưng hầu như giữ nguyên giá bán ra.

Cụ thể, Vietcombank mua USD chuyển khoản 25.143 đồng và bán ra 25.453 đồng, tăng 19 đồng ở chiều mua vào nhưng giảm 1 đồng ở chiều bán ra. NH Eximbank mua chuyển khoản 25.143 đồng và bán ra 25.453 đồng, tăng 20 đồng ở chiều mua vào và giữ nguyên giá bán ra…

Tuy nhiên nếu so với một tuần trước, giá USD trong các NH đã giảm khoảng 30 đồng ở cả hai chiều mua và bán. Tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hiện ở mức 24.241 đồng và cũng giảm khoảng 33 đồng sau một tuần.

Tương tự, giá USD tự do tại một số điểm thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM hôm qua được mua vào 25.650 đồng và bán ra 25.800 đồng, tăng gần 30 đồng so với một ngày trước đó. Nhưng so với đỉnh trong tuần cuối tháng 4 thì giá USD tự do cũng giảm từ 70 - 80 đồng.

Cách đây 2 ngày (rạng sáng 2.5 theo giờ VN), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức hiện tại 5,25 - 5,5%. Quyết định này nằm trong dự báo của thị trường ngay từ đầu năm. Theo đó, NH trung ương Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao trong 6 tháng đầu năm nay nhằm kéo giảm lạm phát tại nước này về mục tiêu còn 2%. Giá USD thế giới hôm qua cũng đi xuống khi chỉ số USD-Index giảm mạnh về sát mức 105 điểm thay vì duy trì trên 106 điểm như trong tháng 4.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, xác nhận xu hướng nới lỏng của NH trung ương là loại trừ khả năng tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận lạm phát năm nay cao hơn dự báo của Fed, lên tới 2,7% hồi tháng 3 vừa qua, một phần vì chi tiêu tiêu dùng tăng trong vài quý gần đây bất chấp lãi suất cao.

Chủ tịch Fed nhấn mạnh rủi ro từ cả hai kịch bản, theo đó duy trì lãi suất cao quá lâu có thể làm suy yếu nền kinh tế, nhưng nới lỏng quá vội vàng có thể khiến lạm phát tăng trở lại. Tâm lý thận trọng này phản ánh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách của Fed khi quyết định thêm một lần "án binh bất động" về lãi suất. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs nhận định Chủ tịch Fed đã đưa ra một thông điệp ôn hòa trong cuộc họp báo của mình. Nhưng họ vẫn giữ nguyên dự báo và tiếp tục mong đợi 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay vào tháng 7 và tháng 11.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, thông báo từ Fed không nằm ngoài dự đoán và đợt này cũng không phải là yếu tố mới gây tác động đến tỷ giá hối đoái USD/VND. Sau những động thái như các công cụ bơm hút tiền trên thị trường liên NH và bán ngoại tệ cho các NH có trạng thái âm từ NHNN, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt dần và đang ổn định. Tuy nhiên, việc Mỹ vẫn neo lãi suất ở mức cao có tác động nhiều chiều đến cả hoạt động xuất nhập khẩu của VN. Việc lãi suất cao kéo dài sẽ khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Mỹ lên cao. Thu nhập người dân có thể bị giảm kéo theo thị trường tiêu dùng suy yếu sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu của VN. Ngược lại, khi giá USD ở mức cao cũng khiến chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu của VN tăng cao, gia tăng áp lực lên lạm phát…

Tỷ giá khó biến động mạnh hơn

Trong nước, tính đến giữa tháng 4, tỷ giá tăng 5,9% so với đầu năm nhưng dần hạ nhiệt và đến cuối tháng 4 chỉ còn tăng tổng cộng 4,8%. Th.S Lê Hoài Ân, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ từ năm 2023 đến nay đã tác động tỷ giá hối đoái của nhiều nước. USD tại VN đã tăng gần 5% kể từ đầu năm nhưng vẫn được xem là ở mức thấp nếu so với nhiều nước khác. Đặc biệt, nếu so với một số nước cạnh tranh trực tiếp với VN như Thái Lan thì VND mất giá ít hơn. Cụ thể, từ đầu năm đến nay VND đã tăng khoảng 5% so với baht Thái. Nếu VN không điều chỉnh tỷ giá USD/VND theo biến động thị trường thế giới thì hàng hóa VN không thể cạnh tranh được với các nước.

Th.S Lê Hoài Ân nhấn mạnh: Tỷ giá USD/VND thời gian qua tăng cao là điều không tránh khỏi. Trong khi đó, VN vẫn có dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng cùng thặng dư thương mại, hoạt động xuất khẩu ổn định và có tăng trở lại… Hơn nữa, VN không bị nhiều nợ công bằng USD nên áp lực cũng giảm hơn so với nhiều nước. Tuy nhiên, gần đây nhiều nước đã không neo các chính sách tài chính tiền tệ theo Fed mà có đưa ra các chính sách riêng tùy theo nội tại của nền kinh tế, trong đó chú trọng việc kích cầu thị trường tiêu dùng cũng như đầu tư. Ông Ân dự báo từ nay đến cuối năm, trường hợp Fed không giảm lãi suất thì tỷ giá USD/VND cũng sẽ không biến động quá nhiều mà vẫn duy trì xoay quanh mức cao như giữa tháng 4 vừa qua. Vì vậy, VN cũng có thể sẽ duy trì chính sách hiện tại để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định thời gian vừa qua áp lực gia tăng lên tỷ giá USD/VND đã được NHNN xem xét và có nhiều động thái nhằm hạ nhiệt. Giá USD tăng cao một phần xuất phát từ biến động trên thị trường thế giới nhưng trong nước tâm lý đầu cơ tỷ giá và vàng cũng đẩy giá USD tự do lên mạnh. Hiện VN vẫn có điều kiện để duy trì tỷ giá ổn định trong năm nay dù khả năng Fed chỉ giảm lãi suất ở mức rất ít hoặc thậm chí không giảm. Đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng và đặc biệt trong 4 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn FDI đạt mức cao nhất của cùng kỳ trong vòng 5 năm qua. Song song, cả nước xuất siêu trong 4 tháng đạt 8,4 tỉ USD, cao hơn mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước ở mức 7,66 tỉ USD. Một nguồn cung USD khác là kiều hối về VN cũng tiếp tục gia tăng…

"Mỹ chưa giảm lãi suất đã nằm trong dự báo ngay từ đầu năm và hiện nay mọi thông tin vẫn chưa có gì thay đổi. Dự báo Fed giảm lãi suất từ tháng 6 hay giờ chuyển sang tháng 9 cũng chỉ là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Áp lực hiện tại lên tỷ giá hối đoái cũng không vì thế mà nhiều hơn và chấp nhận ở biên độ cao như từ đầu năm đến nay. VN vẫn có các điều kiện để duy trì tỷ giá ổn định cho đến hết năm", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

NHÀ ĐẦU TƯ ÂM THẦM “SĂN” BẤT ĐỘNG SẢN VEN ĐÔ

Hiện nay, những khu vực ven đô và nơi có hạ tầng được đầu tư phát triển đang được các nhà đầu tư hướng đến.

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã chuyển từ trạng thái phòng thủ sang chế độ đi “săn” bất động sản tại nhiều khu vực. Theo đó, lượng quan tâm và lượng giao dịch trong những tháng đầu năm đã tăng trở lại. Cụ thể, theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, trong tháng 3, nhu cầu tìm kiếm bất động sản trên cả nước tăng trưởng hơn 68% so với tháng 2.

Theo báo cáo quý I/2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường ghi nhận khoảng 6.360 giao dịch, tăng 10% so với quý IV/2023, gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ đạt 21%, tăng 4 điểm% so với quý IV/2023, gấp gần 3 lần so với quý I/2023. Trong đó, các dự án mới hoàn toàn đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 51%.

Đáng chú ý, sau một thời gian dài cẩn trọng quan sát từng động thái, diễn biến của thị trường, nhà đầu tư đã bắt đầu thể hiện rõ sự quan tâm trở lại với thị trường bất động sản.

Theo báo cáo, lượt quan tâm tìm kiếm nhà riêng tập trung chủ yếu ở các quận ngoại thành Hà Nội và TPHCM do nguồn cung khu vực nội thị khan hiếm và đắt đỏ. Nhìn tổng thể, nhà riêng ngoại thành Hà Nội có mức độ tìm kiếm tăng mạnh hơn so với TPHCM, theo đó lượt tìm kiếm nhà riêng ngoại thành Hà Nội tăng từ 12-43%, trong khi TPHCM chỉ biến thiên trong khoảng 4-14%.

Tuy nhiên, sự quan tâm này được thực hiện một cách bài bản, cân nhắc và tính toán hơn. Thay vì quyết định xuống tiền ngay khi vừa tiếp cận, nhà đầu tư sẵn sàng dành thời gian, chi phí để kiểm tra pháp lý và khảo sát thực địa thật kỹ trước khi quyết định.

"Qua khảo sát cho thấy 70% nhà đầu tư đã sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản trong năm nay nếu tìm được sản phẩm phù hợp. Đất nền, thấp tầng là hai phân khúc nhận được sự quan tâm nhiều nhất", đại diện của VARS chia sẻ.

Báo cáo chỉ số về tâm lý người tiêu dùng bất động sản (CSS) của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, các bên mua - bán bất động sản hiện không quá dè chừng như năm 2023. Chỉ số tâm lý thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024 tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023, nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá bất động sản, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.

Cũng theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản của người tiêu dùng đã tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024, 62% số người tham gia khảo sát sẵn sàng tận dụng cơ hội để mua bất động sản giảm giá hoặc có chính sách tốt.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, cho biết động thái đi "săn" đất của nhà đầu tư được xem là vừa tranh thủ thời gian thị trường đang "xuống đáy" giá nhà đất thấp, dễ thương lượng mua, vừa đón đầu cơ hội trước khi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản được thực thi và khả năng lớn sẽ làm thay đổi mặt bằng giá của mọi loại hình bất động sản.

Đáng chú ý, trong quý I vừa qua, đất nền ngoại thành Hà Nội sôi động trở lại với lượt quan tâm tương đương thời điểm quý II/2022, khi thị trường chưa "lao dốc", tập trung ở các quận huyện: Đông Anh, Long Biên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức. Trong khi đó, đất nền tại các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên… vẫn khá im ắng.

Trong khi đó, ở thị trường phía Nam, đất nền cũng tạm ngừng đà giảm, đi ngang trong một thời gian khá dài (từ quý I/2023), chưa khởi sắc nhưng cũng không giảm thêm.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng: “Sau một thời gian dài cẩn trọng quan sát từng động thái, diễn biến của thị trường, khách hàng/nhà đầu tư đã bắt đầu thể hiện rõ sự quan tâm trở lại với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sự quan tâm này được thực hiện một cách bài bản, cân nhắc và tính toán hơn. Thay vì quyết định xuống tiền ngay khi vừa tiếp cận, các khách hàng/nhà đầu tư sẵn sàng dành thời gian, chi phí để kiểm tra pháp lý và khảo sát thực địa thật kỹ trước khi quyết định. Điều này cũng phần nào khiến thời gian trung bình để chốt một deal của môi giới bất động sản kéo dài hơn”.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, đã có nhiều hơn các nhà đầu tư bắt đầu hành trình "săn" đất, ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao với mức giá được đánh giá là khá "hời", còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Bên cạnh đó, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.

Nguồn: Vietnamnet; Người Lao Động; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang