Vải thiều mất mùa chưa từng có; Thiếu máy bay nghiêm trọng; Nhà đầu tư đi săn đất nền tỉnh; Giá căn hộ ở TP.HCM sôi động

VẢI THIỀU MẤT MÙA, TRĂM NGHÌN TẤN QUẢ KHÔNG THẤY ĐÂU, DÂN BẮC GIANG KHÓC RÒNG

Vải thiều là cây trồng giúp nông dân Bắc Giang thu gần 5.000 tỷ đồng trong năm 2023. Thế nhưng, vụ này vải thiều mất mùa chưa từng có, cây toàn lá khiến nông dân thất thu cả trăm nghìn tấn quả.

Chiều 6/5, ngồi trên đồi vải thiều bạt ngàn, ông Lân ở Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) buồn rầu nói: “Cây vải toàn lá, chẳng thấy quả đâu”.

Gia đình ông Lân trồng vải thiều từ năm 1995 đến nay. Suốt mấy chục năm qua, vụ nào cũng được mùa. Với diện tích 1,5ha, những năm gần đây sản lượng luôn ổn định trên dưới 40 tấn quả, trong đó chủ yếu là vải thiều chín muộn (vải chính vụ).

Nhờ vậy, có năm ông thu được hàng tỷ đồng từ quả vải thiều tươi. Năm ngoái, vải được mùa nhưng giá rẻ, doanh thu vẫn đạt trên 500 triệu đồng.

Còn vụ này, chỉ giống u hồng có trái và khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 2 tấn. Giống vải Thanh Hà, vải chín muộn thì không thấy trái đâu, cây toàn lá.

Ông Lân nhẩm tính, năm nay sản lượng vải thiều của gia đình ông giảm khoảng 38 tấn, coi như mất trắng vì bán 2 tấn vải u hồng kia tiền thu về không đủ chi phí phân thuốc.

Gia đình ông Trần Văn Hành ở thôn Chão (Giáp Sơn, Lục Ngạn) có khu đồi trồng vải thiều rộng 1,8ha. Ông tâm sự: “Vụ này vải thiều thu hoạch chỉ đủ làm quà biếu tặng người thân, bạn bè. Trong khi, vụ vải trước đó tôi thu được 30 tấn quả”.

Đây là năm mất mùa chưa từng thấy trong hơn 3 thập kỷ qua. Đáng nói, không chỉ vườn vải của gia đình ông mà trên địa bàn huyện Lục Ngạn, các đồi vải thiều đều chung tình trạng như vậy. Nhiều hộ sản lượng vải sụt giảm 80-90%.

“Tháng 11 năm ngoái - thời điểm quan trọng quyết định cây ra hoa và đậu quả - thì trời rét đậm cộng với mưa nên cây tắt hoa, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vải thiều mất mùa nghiêm trọng", ông nói.

Theo đó, toàn bộ diện tích vải thiều chính vụ của gia đình ông chỉ lác đác quả, không còn hình ảnh sai trĩu cành, nhuộm đỏ rực cả vùng đồi như những năm trước. Riêng vải u hồng ông trồng khoảng 100 gốc, lượng quả không nhiều, khách đã đặt mua rất sớm với giá 100.000 đồng/kg.

Ở Bắc Giang, vải thiều là cây trồng chủ lực, giúp người nông dân thu vài nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh đạt trên 201.600 tấn. Trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu ước đạt gần 111.200 tấn, chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt 90.500 tấn, chiếm gần 44,9%.

Giá trị doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt trên 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Riêng doanh thu từ vải thiều ước đạt trên 4.658 tỷ đồng.

Thế nhưng năm nay vải thiều mất mùa. Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, diện tích cả vải thiều sớm, vải thiều chính vụ năm nay ra hoa khoảng 14.000-14.500ha trên tổng diện tích 29.000ha vải của Bắc Giang.

"Sản lượng vải năm nay ước tính sụt giảm 50% so với năm 2023, chỉ đạt trên dưới 100.000 tấn", ông Thi nói. Lý do là thời tiết không thuận lợi với sinh trưởng của cây.

Theo quy luật, sau khi được mùa 3-4 năm, sức khỏe cây trồng kém đi sẽ có một năm mất mùa. Vải thiều Bắc Giang liên tiếp được mùa từ năm 2020-2023, nên năm nay được dự báo sản lượng giảm. Cùng với đó, mùa đông năm ngoái có rét nhưng rét muộn, nhiệt độ trung bình lại cao hơn các năm khoảng 1,5 độ C. Với vải thiều, phải rét sớm thì cây mới phân hóa được mầm hoa, rét muộn đã qua giai đoạn đó nên cây không có hoa, chỉ có lá, ông Thi lý giải thêm.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang nhận định, do sản lượng sụt giảm mạnh nên giá vải thiều vụ này dự báo sẽ cao hơn những năm trước.

Phó giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu vải thiều ở Lục Ngạn lo ngại, doanh nghiệp không chỉ phải tính toán làm sao mua đủ lượng hàng, mà còn lo giá đắt đỏ. Nếu cao gấp 2-3 lần so với năm ngoái thì e rằng các đối tác sẽ khó chấp nhận.

Vị này cho hay, năm 2019, vải thiều Lục Ngạn mất mùa, vải tươi xuất khẩu lên đến 60.000-70.000 đồng/kg. Năm nay, vải mất mùa nặng hơn năm 2019, lại giảm 50% sản lượng so với năm 2023 nên chưa biết giá sẽ cao đến mức nào.

Dù mất mùa nhưng năm nay, tỉnh Bắc Giang vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải như mọi năm. Dự kiến cuối tháng 5 sẽ diễn ra các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm ở huyện Tân Yên, đầu tháng 6 với vải thiều ở huyện Lục Ngạn.

NGÀNH HÀNG KHÔNG ĐANG THIẾU MÁY BAY TRẦM TRỌNG

Lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam hiện đạt tổng cộng 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm ngoái. Tuy nhiên, số máy bay đang khai thác thực tế chỉ ở mức 170 chiếc. Trong khi đó, giá thuê động cơ máy bay Airbus A321 tăng gấp đôi so với năm 2019; giá thuê tàu bay Boeing B-787 hiện ở mức 370.000 USD/tháng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 2/5, tổng số tàu bay của các hãng hàng không trong nước đạt 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023. Trong đó, số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 chiếc, giảm khoảng 40-45 chiếc so với mức trung bình năm ngoái.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay đến từ việc nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới).

Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air . Vấn đề triệu hồi dẫn tới một số tàu bay phải dừng khai thác trong khoảng thời gian năm 2024 - 2025. Ngoài ra, thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài. Năm 2019 chỉ cần 75 ngày thì hiện nay, nhà sản xuất PW cho biết cần 140-160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày.

Kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không trong năm nay cũng bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào, Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay Boeing 787 vào tháng 6 đến tháng 7 năm nay. Hiện tại Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào. Bamboo Airways chỉ khai thác 5 tàu bay, giảm 25 chiếc so với năm ngoái.

Một số hãng hàng không trong nước đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch. Giá thuê động cơ đối với máy bay Airbus A321 tăng gấp đôi so với năm 2019; giá thuê tàu bay Boeing B-787 là 160.000 USD/tháng vào năm 2022, hiện ở mức 370.000 USD/tháng. Chi phí phụ tùng vật tư tăng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019.

Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Tình trạng chênh lệch cung cầu dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè 2024. Điều này cũng gây ra áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Tính trong 3 tháng đầu năm, sản lượng của các hãng bay trong nước đạt hơn 13 triệu khách, giảm 5% so cùng kỳ 2023. Trong đó, vận chuyển nội địa, quốc tế đạt hơn 8,5 triệu và 4,5 triệu, lần lượt giảm 18% và 35,5% so cùng kỳ 2023.

Trước những lo ngại của hành khách về tăng giá vé máy bay trong tình hình hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, thực hiện mua vé qua các kênh bán vé chính thức. Chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để có những sắp xếp, điều chỉnh phù hợp và lựa chọn được các mức giá vé hợp lý.

Trường hợp hành mua vé cao hơn quy định hoặc phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng trong quá trình sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không, hành khách cần thông tin đến Cục Hàng không Việt Nam , các Cảng vụ hàng không khu vực hoặc các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng thẩm quyền để kịp thời xử lý, giải quyết.

NHÀ ĐẦU TƯ ĐỔ VỀ SĂN ĐẤT NỀN GIÁ RẺ Ở TỈNH, ĐỢI GIÁ LÊN RỒI BÁN

Xuất hiện nhóm nhà đầu tư bắt đầu quá trình đi "săn" đất ở các tỉnh để chờ cơ hội tăng giá mới.

Sau khi chung cư ở Hà Nội “bùng nổ”, giá neo ở mức cao, cả người mua ở thực và nhà đầu tư quyết định dừng việc mua bán chung cư ở thời điểm này. Nhiều nhà đầu tư chuyển hướng tìm đến bất động sản ở các tỉnh ven Hà Nội đầu tư.

Anh Duy Hùng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Giá chung cư ở Hà Nội quá cao, tiềm năng đầu tư vào phân khúc này không còn. Do đó, mấy tuần gần đây, tôi về các tỉnh ven Hà Nội tìm mua đất nền và đất thổ cư. Hiện, đất nền và đất thổ cư ở các tỉnh vẫn có điểm “trũng” về giá sau 2 năm thị trường bất động sản trầm lắng”.

Anh Hùng chia sẻ thêm, anh đã chốt mua lô đất thổ cư 1,2 tỷ, diện tích 80m2 ở Bắc Ninh. “Cứ đất sổ đỏ, gần đường quốc lộ chắc chắn sẽ tăng giá. Hiện, thị trường bất động sản tỉnh chưa sôi động như bất động sản ở Hà Nội nhưng sức nóng của Hà Nội trước sau gì cũng lan sang các tỉnh ven. Do đó, tôi đi trước “đón sóng”, chờ giá tăng”.

Chị Thanh - nhà đầu tư ở Bắc Ninh cũng rục rịch tìm kiếm những lô đất có đầy đủ pháp lý, quy hoạch rõ ràng và tiềm năng tăng giá từ hạ tầng tốt. “Tầm này nhà đầu tư vẫn có nhiều lựa chọn những lô đất vị trí đẹp mà giá rẻ. Tôi tranh thủ mua để đấy chờ thị trường bước vào chu kỳ tăng giá mới”, chị Thanh nói.

Nhận định về động thái mới của các nhà đầu tư, TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia tài chính cho hay: "Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi lên giá và bán, trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người đợi lâu để đầu tư”.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group) cho rằng, lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục, khoảng 8 triệu tỷ tiền gửi ngân hàng đang tìm đường vào bất động sản để giữ tài sản. Do đó, họ phải giải ngân dòng tiền vào bất động sản ở khu vực giá rẻ hơn, chưa bị tác động của dòng tiền mới, giá đang ở ngưỡng thấp.

“Sản phẩm họ tìm đến phải có giá trị pháp lý vững vàng. Chính vì thế, bất động sản có sổ đỏ là tuyệt vời nhất, và đặc biệt phải có tiềm năng tăng giá.

Ngoài ra, sản phẩm đấu giá đất tại các tỉnh cũng sẽ rất tốt do tọa lạc ở vị trí trung tâm, sạch pháp lý. Đặc biệt là 2 năm vừa qua các tỉnh gần như không đấu giá thành công và theo nguyên tắc các phiên đấu giá lần sau, giá sẽ giảm. Như vậy giá đấu tại các tỉnh cũng đang rất phù hợp.

Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, sau sự sốt nóng của bất động sản Hà Nội thì trước sau gì cũng lan sang các tỉnh khác. Đó có thể là các sản phẩm đất đấu giá hoặc các sản phẩm nằm ở trung tâm các tỉnh”, ông Tuyển đánh giá.

Vị này cũng cho rằng, miền Bắc có những tỉnh tốt như là Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Ninh…Đây là những tỉnh đang phát triển công nghiệp, có tiềm năng tốt khi công ăn việc làm nhiều, dân số lớn. Còn Thái Bình cũng là một vùng đất tiềm năng khi trước đây chưa hề được nhắc đến trong các cơn sốt giá so với các tỉnh lân cận, chính vì thế mặt bằng giá sẽ tốt.

Mỗi tỉnh có một đặc thù riêng nhưng thị trường bất động sản ở các tỉnh này đều có điểm chung là sau thời gian hơn 2 năm không có thanh khoản, giá bất động sản ở những vị trí trung tâm hiện không thể rẻ hơn được nữa. Đây cũng sẽ là khu vực tiềm năng cho các nhà đầu tư địa phương lẫn nhà đầu tư Hà Nội trong tương lai.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes cho biết, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quá trình đi "săn đất" tại vùng ven thành phố lớn, những địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Những khu vực này có lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, nhất là những lô đã tách thửa.

Tuy nhiên, theo ông Chung, diễn biến này không diễn ra đồng đều tại các khu vực. Thị trường miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương cho thấy tín hiệu khả quan hơn so với miền Trung và miền Nam.

GIÁ CĂN HỘ Ở TP.HCM SÔI ĐỘNG

Giá căn hộ hoàn thiện ở TP HCM đã tăng phổ biến từ 3%-5% trong vài tháng trở lại đây

Sau cơn sốt giá căn hộ ở Hà Nội, thời gian gần đây thị trường căn hộ chung cư cũ và mới ở TP HCM cũng nhộn nhịp hơn khi nhu cầu mua bán gia tăng. Nguyên nhân được giải thích là do thị trường đã dần qua giai đoạn khó khăn, lãi suất giảm sâu đã kích thích nhu cầu mua để ở và cho thuê.

Cầu tăng mạnh

Ghi nhận ở các khu căn hộ cao cấp như Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), Vinhomes Ba Son (quận 1) và Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức), các thông tin rao mua, rao bán căn hộ liên tục được những người làm môi giới tự do lẫn các sàn giao dịch trao đổi khá nhộn nhịp.

Một người môi giới tên Dũng cho biết hiện khách có nhu cầu mua căn hộ Vinhomes để cho thuê khá nhiều vì giá thuê khá tốt, có lãi hơn gửi ngân hàng. Ông Dũng tính toán với chi phí đầu tư 3,5 tỉ đồng cho một căn hộ 1 phòng ngủ tại Vinhomes Central Park, cho thuê 17-18 triệu đồng/tháng, trung bình thu nhập mỗi năm khoảng 200-210 triệu đồng, tính ra hơn 6%.

Chưa kể, giá thuê căn hộ có thể tăng hằng năm, giá căn hộ cũng tăng tương ứng 3%-5%năm. Trong khi lãi suất gửi tiết kiệm cả năm chưa tới 5%/năm. "Khách hiện nay chủ yếu mua bằng tiền mặt, họ quan tâm đến những căn 1 phòng ngủ để dễ cho thuê. Hiện ở Vinhomes Bình Thạnh, căn officetel có giá khoảng 3,5-3,6 tỉ đồng, còn căn hộ sở hữu vĩnh viễn đã lên 4,2-4,3 tỉ đồng" - người môi giới này cho biết.

Những khu cao cấp khác như The Sun Avenue, Masteri Thảo Điền ở TP Thủ Đức, nhu cầu tìm mua căn hộ cũng tăng đáng kể so với năm 2023, người mua, người bán giao dịch nhanh chóng chứ không chần chừ như một vài tháng trước.

Theo ông Tuấn Hoàng - người môi giới khu vực quận Bình Thạnh, quận 1 và một phần TP Thủ Đức (quận 2 cũ), từ đầu năm đến nay, nhu cầu mua và thuê căn hộ chung cư ở các khu dân cư đầy đủ tiện ích tăng thấy rõ. Các người môi giới liên tục hỏi nhau về nguồn hàng để giới thiệu cho khách. Nhu cầu tăng nên giá bán căn hộ cũng nhích lên khoảng 3%-5% chỉ trong vài tháng, trung bình mỗi căn giá tăng 200-500 triệu đồng, còn những căn hộ to đẹp giá có thể tăng đến 700 triệu đồng.

Ở phân khúc bình dân hơn, những dự án như City Gate Towers - mặt tiền đường Võ Văn Kiệt (quận 8) - đang được khá nhiều người quan tâm, nhất là người có thu nhập trung bình do mức giá dễ tiếp cận, 2,1-2,5 tỉ đồng cho căn hộ 2 phòng ngủ. Bà Lương - người môi giới căn hộ ở chung cư này - cho biết gần đây có khá nhiều khách hàng là các cặp vợ chồng trẻ hỏi mua nhà ở khu này vì mức giá phải chăng và đi lại thuận tiện.

Anh M.T, một bác sĩ trẻ làm việc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết anh vừa mua căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích hơn 60 m2 trên đường Liên Phường, TP Thủ Đức với giá gần 2 tỉ đồng. "Có người rao bán căn hộ giá rẻ, gần nơi làm việc, lãi suất ngân hàng đang thấp nên tôi quyết định vay thêm vài trăm triệu đồng để mua nhà rồi trả góp dần mỗi tháng 10 triệu đồng. Số tiền này cao hơn giá thuê nhà của tôi khoảng 2-3 triệu đồng nhưng đổi lại tôi có chỗ an cư lạc nghiệp, vài năm là trả hết nợ" - bác sĩ T. chia sẻ.

Người mua sợ mất cơ hội

Thị trường bất động sản TP HCM đang dần khởi sắc, trong đó có phân khúc căn hộ, nên các phòng công chứng hoạt động cũng nhộn nhịp hơn trước. Một chuyên viên phòng công chứng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cho biết khách đến công chứng thủ tục nhà đất, đặc biệt là căn hộ, gần đây tăng 20%-30% so với 1 năm trước.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP HCM chiều 3-5 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết cơ quan này đã xử lý hơn 120.000 hồ sơ giao dịch nhà đất trong 4 tháng đầu năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương 15.000 hồ sơ.

Giao dịch chủ yếu tập trung ở 4 khu vực là TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12 và huyện Củ Chi. Giao dịch nhà đất sôi động cũng giúp nguồn thu từ đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của TP HCM tăng trưởng, đạt hơn 2.500 tỉ đồng.

Khảo sát mới công bố của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy nhu cầu mua bất động sản, chủ yếu căn hộ, đã tăng mạnh trong quý I/2024. Cụ thể, gần 80% khách hàng chuyển từ thuê sang mua căn hộ khi lãi suất đang ở mức thấp. Trong đó, nhu cầu mua để ở chiếm 58%, mua khai thác cho thuê 18% và đầu tư lâu dài 16%, chỉ 3%-5% là đầu tư ngắn hạn hay mục đích khác.

Cũng theo khảo sát này, mức giá căn hộ mà nhiều người chọn là từ 2,5 tỉ đồng trở xuống chiếm 68%, còn mức 2,5-3,5 tỉ đồng chiếm 22%, khoảng 7% người được hỏi quan tâm phân khúc 3,5-5 tỉ đồng, còn lại chỉ 3% có nhu cầu mua căn hộ cao cấp trên 5 tỉ đồng.

Lý giải về nhu cầu mua bất động sản tăng ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, lãi suất huy động và cho vay đều giảm sâu, các chủ đầu tư liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi để bán hàng, đặc biệt là Chính phủ đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ bất động sản đã góp phần thúc đẩy niềm tin của thị trường. Nhà đầu tư, những người có nhu cầu mua nhà, đất được giải tỏa rào cản về tâm lý, cho rằng "đã đến lúc phải mua", nếu không sẽ "mất cơ hội", "mất giá tốt"… từ đó thúc đẩy các hoạt động giao dịch trên thị trường căn hộ.

Những gì đang diễn ra trên thị trường căn hộ ở TP Hà Nội là minh chứng rõ nét nhất. "Việc người mua ở thời điểm này chọn lựa căn hộ có đầy đủ pháp lý để đầu tư cho thuê, để ở là dễ hiểu vì phân khúc này luôn mang lại dòng tiền tốt. Theo tôi biết, những căn hộ đã bàn giao hoặc chuẩn bị bàn giao đều đã tăng giá 8%-12% từ đáy trong 1 năm qua. Còn tại Hà Nội, giá căn hộ tăng 30%-50% trong 1-2 năm qua" - ông Khánh Quang nói.

Theo ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược của Batdongsan.com.vn, ở các đô thị như Hà Nội và TP HCM, ngoài thổ cư thì nhu cầu mua căn hộ chung cư ở và đầu tư nhiều năm qua vẫn thu hút dòng tiền một cách bền bỉ. Và năm 2024, phân khúc căn hộ sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.

Nguồn: Vietnamnet; Kenh14; CafeF; Người Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang