Người nuôi gia cầm gồng lỗ; Bản án vụ Trương Mỹ Lan; Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Lời giải cho Condotel

HÀNG LẬU TRÀN VỀ, NGƯỜI NUÔI GIA CẦM GỒNG LỖ

Suốt nửa năm nay, mỗi ngày, ông Mạnh gánh lỗ từ 6-15 triệu đồng do giá trứng gà quá thấp. Người nuôi gà công nghiệp cũng gồng lỗ nặng vì phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất.

Trò chuyện với PV.VietNamNet chiều 7/5, ông Trần Văn Mạnh (ở thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương) nói: "Giá trứng gà vài ngày trở lại đây đã nhích lên 1.500 đồng/quả, song vẫn lỗ nặng lắm".

Ông Mạnh là một trong những hộ chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô lớn ở Hải Dương. Hiện đàn gà đẻ của gia đình ông lên tới 3 vạn con, cho thu 2,7 vạn quả trứng/ngày. Trong hơn chục năm chăn nuôi gà, ông từng chịu thua lỗ vì giá trứng rẻ. Song, lỗ ròng suốt nửa năm trời như hiện nay thì ít khi xảy ra.

“Trứng gà đỏ phải bán được giá trên 1.700 đồng/quả thì mới hoà vốn. Còn giá như hiện nay, mỗi ngày tôi lỗ khoảng 6 triệu đồng”, ông nói và nhẩm tính, 1 tháng gánh lỗ khoảng 180 triệu đồng. Thậm chí, có thời điểm giá trứng gà chỉ 1.200 đồng/quả, tức mỗi ngày thua lỗ khoảng 15 triệu đồng.

Về nguyên nhân giá trứng gia cầm giảm mạnh và “nằm đáy” trong một thời gian dài, ông Mạnh nhận định do nguồn cung quá dồi dào, trong khi nhu cầu trên thị trường không tăng. Thế nên, giá giảm và khó tăng trở lại. Đặc biệt, hiện vào mùa hè – mùa tiêu thụ thấp điểm trong năm - nên giá bán càng khó phục hồi hơn.

Ông Nguyễn Văn Phương (chăn nuôi gà công nghiệp ở Long Thành, Đồng Nai) cho biết, với giá đang bán 25.000 đồng mỗi kg, một con gà công nghiệp trọng lượng 2,5kg khi xuất chuồng đang lỗ khoảng 12.000 đồng. Trang trại gà của ông xuất bán khoảng 20.000 con/tháng. Với mức giá này, ông sẽ lỗ 240 triệu đồng/tháng.

Thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024 còn lỗ nặng hơn khi giá gà chỉ 22.000-23.000 đồng/kg.

“Vài năm nay, giá gà công nghiệp bấp bênh. Đa phần chịu thua lỗ nặng", ông buồn rầu nói. Do đó, quy mô chuồng trại nuôi từ gần nửa triệu con gà công nghiệp, giờ chỉ nuôi 60.000-80.000 con, bởi lỗ nhiều, cạn vốn.

Báo cáo mới đây của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong quý I/2024, đàn gia cầm ở nước ta ước tăng 2,1%; sản lượng thịt đạt 593,5 nghìn tấn (tăng 5,1%); trứng gia cầm đạt khoảng 5,03 tỷ quả (tăng 4,8%).

Đáng nói, trong tháng 4, giá gà công nghiệp giảm khá mạnh. Theo đó, gà công nghiệp thu mua tại Vĩnh Long ở mức 30.000 đồng/kg, giảm 8.000 đồng/kg so với tháng 3. Tại Đồng Nai, giá gà công nghiệp rớt xuống mức 25.800 đồng/kg.

Trứng gà ta vẫn giữ được mức giá ổn định như tháng 3, ở mức 28.000 đồng/chục quả, trong khi trứng gà công nghiệp giảm 8,6%, về mức 16.000 đồng/chục quả.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ thừa nhận, người nuôi gà công nghiệp lông trắng và gà đẻ trứng đang phải bán các sản phẩm dưới giá thành sản xuất, chịu lỗ rất nặng.

Như gà công nghiệp lông trắng ở Đồng Nai đang có giá 25.000 đồng/kg. Tức, mỗi 1kg gà loại này khi xuất chuồng người chăn nuôi chịu lỗ 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Theo ông Ngọc, giá gà công nghiệp và trứng gia cầm “không ngóc đầu” lên được là do ồ ạt nuôi. Cùng với đó, hàng lậu và hàng nhập khẩu lại tràn về với số lượng lớn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

“Năm ngoái, giá lợn rất thấp, giá trứng gia cầm lại neo cao. Người nuôi lợn chuyển sang nuôi gà đẻ trứng dẫn đến nguồn cung ra thị trường tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng nên giá rớt”, ông chỉ rõ.

Còn với thịt gà, hàng nhập lậu, hàng nhập khẩu chính ngạch về số lượng lớn, giá lại rẻ. Đùi gà góc tư giá bán chỉ trên 30.000 đồng/kg, cánh gà, chân gà, gà thải loại từ Hàn Quốc và Thái Lan tràn về cạnh tranh với gà nội địa.

Thời điểm này bước vào mùa nắng nóng, học sinh chuẩn bị vào đợt nghỉ hè… nên sức tiêu thụ sẽ giảm. Theo đó, giá mặt hàng gia cầm sẽ khó tăng trong thời gian tới, ông Ngọc nhận định.

Khi nói về tình hình nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - thốt lên rằng: “2-3 năm trở lại đây, lượng hàng nhập về nước ta tăng khủng khiếp”. Đáng nói, số lượng nhập chính ngạch càng ngày càng tăng, trong khi hàng nhập lậu vẫn ồ ạt về.

Ông Dương nhấn mạnh, nước ta đang nhập rất nhiều sản phẩm chăn nuôi thải loại ở các nước về làm thực phẩm. Điển hình, gà đẻ loại thải (gà hết chu kỳ khai thác trứng) nên Thái Lan, Hàn Quốc không dùng làm thực phẩm thì xuất khẩu sang Việt Nam với giá chỉ 20.000 đồng/con. Về đến biên giới giá thành khoảng 40.000 đồng/con và đưa ra thị trường bán với 50.000-60.000 đồng/con.

Trước đó, các hiệp hội chăn nuôi ở nước ta cũng kiến nghị cơ quan chức năng phải ngăn chặn tình trạng nhập lậu, kiểm soát chặt hàng nhập khẩu để bảo vệ ngành chăn nuôi nội địa cũng như sức khoẻ người tiêu dùng.

CHI TIẾT BẢN ÁN VỤ TRƯƠNG MỸ LAN

Những người liên quan vụ án và bạn đọc có thể xem, tải bản án về từ Cổng thông tin điện tử TAND TPHCM.

Hôm nay (8/5), TAND TPHCM đã niêm yết bản án sơ thẩm, vụ bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ) và 85 bị cáo khác lên Cổng thông tin điện tử TAND TPHCM và Trang thông tin điện tử TAND TPHCM.

Nội dung được tòa án đăng tải bao gồm toàn bộ bản án sơ thẩm mà đơn vị này đã tuyên ngày 11/4 vừa qua.

Những người liên quan và bạn đọc có thể xem hoặc tải bản án về từ địa chỉ:

http://hochiminhcity.toaan.gov.vn/webcenter/portal/hochiminh/chitietthongbao?dDocName="TAND331643"

http://tand.hochiminhcity.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?&

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong , ông Phạm Ngọc Duy- Chánh Văn phòng TAND TPHCM cho biết, việc công bố bản án trên cổng thông tin điện tử của toà và niêm yết công khai bản án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo ông Duy, hiện tòa đã tiếp nhận đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của 29 bị cáo, bị hại và người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm giải quyết, xem xét lại hành vi phạm tội của bà Lan. Chồng bà Lan là bị cáo Chu Lập Cơ , Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Lan) cùng nhiều bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Công ty CP Quốc Cường Gia Lai kháng cáo, yêu cầu xem xét lại giao dịch mua bán dự án với công ty trong nhóm của bà Trương Mỹ Lan, cho rằng chỉ phải hoàn trả cho bà Trương Mỹ Lan hơn 1.441 tỷ đồng (bản án sơ thẩm buộc phải hoàn trả lại 2.882 tỷ đồng).

Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh kháng cáo để yêu cầu xem xét lại khoản tiền hơn 6.095 tỷ đồng phải nộp để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Lan…

Được xác định là bị hại, SCB kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét phần trách nhiệm dân sự của vụ án…

Vụ án này vào ngày 11/4, sau hơn 1 tháng xét xử, TAND TPHCM đã tuyên án sơ thẩm đối với bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác, trong vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

HĐXX tuyên phạt tử hình bà Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và 20 năm tù về “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. 4 bị cáo chung vụ bị tuyên chung thân.

Chồng bà Lan là bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, quốc tịch Hồng Kông) bị tuyên phạt 9 năm tù; bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, cháu ruột bị cáo Lan) bị tuyên phạt 17 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù. Trong số này có 17 bị cáo được tuyên án treo và trả tự do ngay tại tòa.

Ngoài án tử hình, Tòa còn tuyên buộc bà Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỷ đồng; nộp hơn 673 tỷ đồng án phí dân sự; kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác minh làm rõ dòng tiền 108.878 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD mà bị cáo Lan nhận từ SCB để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả…

Bản án sơ thẩm xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm có hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB, là nguyên nhân SCB rơi vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang trong người dân, xói mòn niềm tin của nhân dân.

Bà Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội; phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo gây ra thiệt hại cho SCB 677.000 tỷ đồng.

SIẾT THUẾ KINH DOANH QUA MẠNG

Năm 2023, ngành thuế đã quản lý được khoản doanh thu qua thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng, thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022.

Hiện nay, để siết chặt quản lý, chống thất thu thuế đối với những trường hợp kinh doanh qua mạng cũng đã có những quy định và hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn. Trong đó, phải kể đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan quản lý, để làm sao không "bỏ lọt" các khoản thuế phải thu trên thương mại điện tử. Đó cũng là những mục tiêu được đặt ra trong Đề án 06 về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử cũng như Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Năm 2023, ngành thuế đã quản lý được khoản doanh thu qua thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng. Và tương ứng với đó, ngành thuế đã thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022. Có 2 điểm được đánh giá đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc thu thuế qua thương mại điện tử. Một là việc xác thực và quản lý thông qua mã định danh cá nhân, nằm trong Đề án 06. Đáng chú ý hơn là công cụ thứ hai, nằm trong Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là yêu cầu 5 Bộ, ngành gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, và Ngân hàng Nhà nước phải chia sẻ, kết nối dữ liệu với nhau để quản lý chặt chẽ hơn đối với thương mại điện tử.

Ngay lập tức việc này đã phát huy tác dụng khi năm 2023, ngành Thuế đã có trong tay dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, 130 đơn vị viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình, tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và hơn 121 triệu cá nhân. Đây là một kho dữ liệu rất hữu ích để dần ngăn chặn tình trạng "ẩn danh trốn thuế" trên không gian mạng.

Hiện nay việc chuyển khoản dù có ghi hay không ghi nội dung cũng không còn quá quan trọng. Các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người bán hàng cho cơ quan thuế. Tài khoản nào có lượng tiền ra vào lớn sẽ là đối tượng được rà soát trước tiên, để xem cá nhân này đang kinh doanh gì, đã kê khai đóng thuế hay chưa. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đã chủ động đi kê khai và nộp thuế.

Kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử được vài năm, nhưng trước đó chị Vân chưa kê khai và nộp thuế. Nhưng kể từ năm 2023, các sàn thương mại điện tử đã gửi thông tin về doanh thu của chị cho cơ quan thuế. Vì vậy, chị đã chủ động đi kê khai và nộp thuế theo quy định, bởi có muốn giấu cũng chẳng được.

"Bản thân tôi cũng có doanh thu trên 2 tỷ, không giấu được doanh thu đấy với thuế nên tôi đã chủ động đi kê khai. Các sàn thương mại điện tử đều đã gửi thông tin đến cho cơ quan chức năng cũng như cơ quan thuế nên mình đi chủ động kê khai, để sắp xếp được khoản tiền nộp cũng như là không bị phát sinh thêm khoản nộp phạt", chị Lê Thị Hồng Vân - Cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử tại TP. Hà Nội chia sẻ.

Đến nay, Cục Thuế TP. Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Từ cơ sở dữ liệu này đã xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra chuyên đề, 4 tháng đầu năm 2024 đã xử lý được 921 tổ chức, cá nhân tăng thu hơn 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục thuế TP. Hà Nội cho biết: "Qua việc chuẩn hóa dữ liệu theo Đề án 06 cho thấy việc định danh cá nhân bây giờ rất chính xác. Do vậy, mà chúng tôi đã phối hợp với các ban ngành liên quan mời các cá nhân này lên làm việc. Chính các cá nhân này cũng thừa nhận các doanh thu, thu nhập, và thậm chí có nhiều trường hợp còn kê khai bổ sung ngoài các dữ liệu mà cơ quan thuế đang quản lý".

Mới đây, Cục thuế TP. Hà Nội cũng vừa chọn quận Hoàn Kiếm làm quận thí điểm trong quản lý thuế thương mại điện tử. Bởi đây là quận có nhiều hộ cá nhân kinh doanh và đã hoàn thành 99% tỷ lệ khớp nối dữ liệu với Bộ Công an. Từ việc đồng bộ dữ liệu này, các cá nhân kinh doanh qua mạng đã ngày càng hiện rõ chi tiết, phục vụ tốt cho việc quản lý thuế.

Không chỉ những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử ở trong nước kê khai, nộp thuế, mà những "ông lớn" kinh doanh xuyên biến giới như: Google, Meta, Youtube, Tiktok cũng chủ động kê khai, nộp thuế trước khi bị cơ quan thuế gọi tên.

Kể từ tháng 3 năm 2022, ngành Thuế đã chính thức vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, nhằm hỗ trợ các đơn vị này có thể thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Lũy kế đến nay, đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 14,5 nghìn tỷ đồng.

Đẩy mạnh chia sẻ thông tin để quản lý thương mại điện tử

Mới đây trong cuộc họp đóng góp ý kiến để hoàn thiện báo cáo Sơ kết 1 năm triển khai Chỉ thị 18 của Thủ tướng, đại diện của 5 Bộ ngành liên quan trực tiếp đến nội dung này cũng chỉ ra những điểm còn khuyết thiếu để có giải pháp tháo gỡ, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc quản lý thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thông tin: "Trong 929 sàn đó thì liên quan đến bao nhiêu người trong hơn 200 triệu tài khoản của khách hàng, để có cơ chế rõ ràng, thông tin cụ thể, phạm vi để đảm bảo việc cung cấp thông tin giữa ngành ngân hàng để phục vụ cho quản lý thuế và cũng đảm bảo an toàn bảo mật thông tin"

"Chỗ ngân hàng muốn có hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc trao đổi dữ liệu, dựa trên nguyên tắc rủi ro. Tức là những tài khoản cá nhân nào mà tiền ra, vào liên tục, thì cho chúng tôi số liệu đấy thì chúng tôi sẽ đưa ra tần suất dự báo là bao nhiêu đối chiếu với doanh thu. Xem tài khoản đấy buôn bán gì, đã kê khai nộp thuế chưa thì sẽ lọc ra được", ông Mai Xuân Thành - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết.

Đại Tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông phải có một mệnh lệnh chắc chắn 22 đơn vị cấp chữ ký số hiện nay đều phải xác thực dân cư, vì không có xác thực này thì cuối cùng cũng giả, không phải người thật, mọi hoạt động sẽ không đúng, kể cả đối với hoạt động của ngành ngân hàng".

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: "Chúng ta phải có các giải pháp bảo mật, các đồng chí xây dựng hạ tầng công nghệ đến đâu chăng nữa nhưng nếu không an toàn thì không ai cho kết nối với thuế, không ai cho kết nối với dữ liệu dân cư. Vì các đồng chí kết nối trên yêu cầu không an toàn đó thì tự các đồng chí tạo điều kiện cho đối tượng xấu dựa vào cái yếu của các đồng chí để đánh cắp tài sản quốc gia".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, từ 1/1/2025 sẽ sử dụng số căn cước công dân làm mã số thuế.

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Dữ liệu phải sống, sạch, đầy đủ, chính xác. Lấy định danh thuế là căn cước công dân. Dữ liệu thanh toán cũng phải theo căn cước công dân để đồng bộ hóa thì chúng ta mới đối chiếu được, không thì khó".

Ngày 30/5 tới đây sẽ chính thức tròn 1 năm thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị như một tiền đề quan trọng để các bộ ngành có thể chia sẻ dữ liệu với nhau, giúp việc quản lý thương mại điện tử ngày càng chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh truyền thống và online.

LỜI GIẢI MỚI CHO CONDOTEL

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam ghi nhận số lượng lớn condotel được mở bán và chạy đua cam kết lợi nhuận hấp dẫn, song thiếu sự cân nhắc thấu đáo đến kết quả hoạt động tổng thể.

Vị này cho rằng, thị trường condotel tại Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Phú Quốc mới trải qua một giai đoạn tăng trưởng nóng. Trước tác động của những yếu tố bao gồm chất lượng phát triển dự án, mô hình trùng lặp, thiếu định hướng bền vững đã dẫn đến tình trạng hoạt động không thật sự hiệu quả của phân khúc này trong thời gian qua.

Phú Quốc có nhiều thuận lợi để trở thành điểm đến quốc tế. Tuy nhiên, đa số nguồn cung trên thị trường hiện chỉ chú trọng vào cung cấp phòng mà chưa quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng. Thị trường cần đa dạng thêm sản phẩm lưu trú ví dụ như các dự án khách sạn với điểm nhấn thiết kế, các khu nghỉ dưỡng hạng sang đúng nghĩa,...

Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường và nhu cầu của khách hàng là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc phát triển một dự án thành công. Lấy ví dụ như thị trường Phú Quốc, chủ đầu tư khi hoạch định dự án cần cân nhắc kỹ nếu lựa chọn mô hình shophouse vì tại Phú Quốc hiện đang có rất nhiều nguồn cung sản phẩm này, và phần lớn đều chưa được đưa vào khai thác kinh doanh.

Chuyên gia Savills Hotel đánh giá, nếu một sản phẩm không được hoạch định kỹ lưỡng, phát triển chỉn chu thì sản phẩm đó cũng không thể hoạt động hiệu quả dù có được phát triển tại bất kỳ thị trường nào.

Không chỉ tại Việt Nam mới chứng kiến những sản phẩm condotel nhiều vấn đề, một số dự án tại Bali, HuaHin cũng đối mặt với tình trạng “thảm họa” tương tự chỉ vì không được hoạch định, phát triển cẩn trọng.

Tại Việt Nam, chúng ta cũng có những sản phẩm condotel thành công ví dụ như dự án Hyatt Regency Đà Nẵng, Melia Hồ Tràm. Điểm chung của những sản phẩm là đều được hoạch định, xây dựng và quản lý tốt, đem đến giá trị cho chủ đầu tư và chủ sở hữu.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam ghi nhận một số lượng lớn condotel được mở bán, đặc biệt là thời điểm 2016-2019 với ước tính trung bình 12.000 sản phẩm mở bán mỗi năm. Bên cạnh nguồn cung lớn, nhiều sản phẩm mở bán trong giai đoạn này chạy đua cam kết lợi nhuận với thời gian và tỷ lệ hấp dẫn, mà thiếu sự cân nhắc thấu đáo đến kết quả hoạt động tổng thể.

Các nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá cao tiềm năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quy định, thủ tục liên quan đến việc phát triển dự án.

Vì vậy các nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các tài sản đã đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án khách sạn, resort chất lượng, thuộc phân khúc 5 sao tại các đô thị trung tâm như TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên những tài sản này thường khá khan hiếm trên thị trường, cũng như ít cởi mở với các nhu cầu chuyển nhượng.

Ông Mauro Gasparotti cho rằng, việc cải thiện cơ sở hạ tầng là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy du lịch nội địa. Một ví dụ rõ nhất là du lịch Phan Thiết, kể từ sau khi dự án cao tốc hoàn thiện và đi vào hoạt động đã thúc đẩy nhu cầu của nguồn khách nội địa, đặc biệt là từ thị trường TP.HCM khi thời gian di chuyển đã được rút ngắn chỉ còn 2-3 tiếng.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng, thị trường cũng cần đa dạng các sản phẩm du lịch cũng như chú trọng hơn đến trải nghiệm, tiện nghi của du khách.

Nguồn: Vietnamnet; Kenh14; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang