Đà Nẵng lo khách nội địa 'quay xe'; Loạt DN phải nộp lại hàng nghìn tỷ; Giá XK nông sản lên đỉnh; Chung cư HN bớt 'ngáo' giá

ĐÀ NẴNG LO KHÁCH NỘI ĐỊA “QUAY XE” VÌ GIÁ VÉ MÁY BAY

Lượng khách nội địa đến Đà Nẵng giảm trong dịp lễ vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp du lịch tại đây lo ngại ngành công nghiệp không khói của "thành phố đáng sống" sẽ kém cạnh tranh nếu giá vé máy bay nội địa tiếp tục giữ ở mức cao.

Lo khách nội địa tiếp tục sụt giảm

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đó là do khách quốc tế tăng, đạt khoảng 72.000 lượt, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023; khách nội đạt khoảng 264.000 lượt, giảm khoảng 22.000 lượt.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng bày tỏ lo ngại về việc giá vé máy bay trong nước tăng cao. Bước vào mùa hè - mùa cao điểm du lịch - nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ khiến khách du lịch nội địa đến Đà Nẵng sụt giảm.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhận xét, trước đây lượng khách đến danh thắng chủ yếu là khách nội địa, nay bất ngờ hơn 70% là khách nước ngoài. 5 ngày lễ vừa qua, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 27.000 lượt khách, giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hiền cho rằng, có nhiều yếu tố khiến lượng khách nội địa đến Đà Nẵng giảm. Trong đó, giá vé máy bay đắt đỏ là nguyên nhân chính. Thời tiết nắng nóng khiến mọi người hạn chế các hoạt động vui chơi, tham quan ban ngày. Ngoài ra, kỳ nghỉ năm nay cũng rơi và dịp học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi nên nhiều gia đình lùi thời gian, kế hoạch đi chơi.

Ông Hiền lo lắng, nếu tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến Đà Nẵng nói chung và danh thắng nói riêng.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Xoang, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, cho biết, lượng khách nội địa đặt tour đến Đà Nẵng của công ty giảm khoảng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khách hàng "quay xe" chọn các điểm đến khác, chẳng hạn như đi nước ngoài do có giá rẻ.

“Chi phí vé máy bay quá cao khiến lượng khách đoàn của các đơn vị lữ hành giảm nhiều. Có thời điểm, giá vé máy bay Hà Nội đi Đà Nẵng lên tới 8 triệu thì ai đi nổi?

Việc khai thác bằng các phương tiện khác như ô tô, tàu hoả cũng gặp hạn chế vì thời gian đi du lịch không còn nhiều. Ví dụ kỳ nghỉ 5 ngày, nếu đi tàu đã mất 2 ngày, không có nhiều thời gian vui chơi. Trong khi tour nước ngoài hiện có giá rất rẻ, như tour đi Thái Lan chỉ khoảng 7 triệu đồng. Vì thế, lượng khách đặt tour đến Đà Nẵng giảm nhưng tour đi nước ngoài tăng 15-20%”, ông Xoang nói.

Trao đổi với PV, nhiều chủ khách sạn ở Đà Nẵng cũng than thở về tình trạng vắng khách nội địa so với cùng kỳ, tỷ lệ lấp đầy phòng dịp nghỉ lễ chỉ đạt 50-60%, trong đó chủ yếu là khách quốc tế.

Cầu không tăng giá vé máy bay sẽ giảm?

Trước những lo lắng của doanh nghiệp về ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm, giá vé máy bay tăng cao, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thông tin, Đà Nẵng đã làm việc với các hãng hàng không về việc tăng tải, tăng tần suất.

“Bây giờ chỉ còn dựa trên nhu cầu thị trường. Giá theo quy luật cung cầu nên thị trường sẽ điều tiết. Khách du lịch trong nước sẽ tìm được vé máy bay với mức giá hợp lý nếu lên kế hoạch sớm, đặt qua các công ty lữ hành. Giá vé máy bay không thể cứ cao mãi, nếu nhu cầu không tăng thì dứt khoát giá vé sẽ được điều chỉnh”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý các công ty kinh doanh du lịch cần chủ động, phối hợp với các đơn vị lữ hành, hãng hàng không trong việc đa dạng hoá kênh bán, đặc biệt là khách ở những thị trường gần, đi bằng tàu, xe, phương tiện xe cá nhân.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho rằng, khách nội địa giảm song cũng không thể đổ lỗi hết cho giá vé máy bay vì còn nhiều yếu tố khác, như tình hình kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, trước những tác động từ giá vé máy bay tăng cao đến du lịch nội địa, bà An cho biết Đà Nẵng đã có phương án, giải pháp. Cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển khác thay thế; kết hợp với đường sắt để có sản phẩm du lịch mới, tăng trải nghiệm cho du khách. Dịp lễ 30/4 vừa qua, lượng du khách đi tàu hỏa tăng hơn 60% so với năm ngoái.

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều đường bay quốc tế mới. Một số hãng hàng không sẽ tăng chuyến từ các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Singapore,... đến Đà Nẵng.

Bà An cho rằng, các khách sạn 2-3 sao sẽ gặp nhiều khó khăn khi khách nội địa giảm, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận khách quốc tế.

“Các khách sạn cần chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện, bối cảnh thị trường. Có thể đưa ra các chương trình thu hút khách tại chỗ, khách đường bộ; thu hút thêm lượng khách quốc tế để bù đắp sự thiếu hụt từ khách nội địa. Nhiều giải pháp mà điểm đến đang thực hiện nhưng cần sự chung tay của doanh nghiệp để tạo sức hút chung”, bà An cho hay.

HÀNG LOẠT DOANH NGHIỆP VI PHẠM PHẢI NỘP LẠI HÀNG NGHÌN TỶ

Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền 6.095 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại hơn 2.882 tỷ đồng, Công ty Hồng Phát nộp lại số tiền 2.355 tỷ đồng, ...

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, TAND TP.HCM khi xét xử sơ thẩm đã tuyên buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại hơn 2.882 tỷ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan để đảm bảo thi hành nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Lan; buộc Công ty Hồng Phát nộp lại số tiền 2.355 tỷ đồng; Công ty Phú An, bà Phan Thị Phương Thảo nộp lại số tiền 145,26 tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC; buộc Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền 6.095 tỷ đồng với lí do tương tự; ...

Quốc Cường Gia Lai kháng cáo

Đối với Quốc Cường Gia Lai, HĐXX cũng thống nhất ctiếp tục kê biên 475 bất động sản liên quan đến Công ty Quốc Cường Gia Lai, gồm: 301 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 21 hợp đồng công chứng, 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất tại xã Phước Kiển (H.Nhà Bè), thuộc dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển; 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh.

Được biết, tháng 3/2017, dù chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nhưng Quốc Cường Gia Lai đã ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án với CTCP Đầu tư Sunny Island - doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Giá trị chuyển nhượng dự án là 4.800 tỷ đồng. Theo thoả thuận, chậm nhất ngày 10/9/2017, Sunny Island phải thanh toán toàn bộ số tiền này cho Quốc Cường Gia Lai. Đổi lại, Sunny Island giữ các giấy tờ đất đai tổng diện tích 65 ha của dự án mà chủ đầu tư đã đền bù xong.

Đến tháng 3/2018, Quốc Cường Gia Lai thông báo chấm dứt hợp đồng, đề nghị giao trả hồ sơ đất đai do cho rằng Sunny Island vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, yêu cầu này không được phía Sunny Island đáp ứng. Tháng 12/2020, Quốc Cường Gia Lai đã khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Khi Quốc Cường Gia Lai đang chờ VIAC phân xử, Sunny Island gửi đơn tố cáo đến Công an TP.HCM về việc Quốc Cường Gia Lai bán dự án khi chưa hoàn tất đền bù. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết yêu cầu của Sunny Island, TAND TP.HCM được Bộ Công an cho biết, toàn bộ hồ sơ đền bù 65 ha của dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển là tài liệu chứng cứ của vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát.

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Quốc Cường Gia Lai, khoản phải trả Sunny Island số tiền 2.882,8 tỷ đồng đang được hạch toán trong mục "Phải trả ngắn hạn khác". Số tiền này tương đương khoảng 30% tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai tính đến cuối năm 2023.

Gần đây, Quốc Cường Gia Lai kháng cáo, cho rằng, công ty phải trả hơn 1.441 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan, số tiền còn lại xin được cấn trừ vào những khoản tiền trước đó đã đưa cho công ty của bị cáo Trương Mỹ Lan.

2 công ty của "chúa đảo" Tuần Châu phải nộp hơn 6.000 tỷ

Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh cũng kháng cáo về phần tiền phải trả cho Trương Mỹ Lan. Cả hai doanh nghiệp trên đều liên quan hai cha con ông Đào Hồng Tuyển - chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu.

Theo Báo Tuổi trẻ, hợp tác giữa phía bà Lan và doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tuần Châu chủ yếu liên quan tới hơn 18 triệu cổ phần, tương ứng 71% vốn tại T&H Hạ Long và một phần dự án khu biệt thự Morning Star và khu biệt thự Hoàng Long.

Cụ thể, theo bản án hình sự sơ thẩm vụ án bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Đào Hồng Tuyển), T&H Hạ Long và Âu Lạc Quảng Ninh đã nhận tổng cộng 6.095 tỉ đồng từ bà Trương Mỹ Lan.

Trong đó, có một khoản 3.179 tỉ đồng ông Đào Anh Tuấn nhận được từ cuối năm 2021 thông qua thỏa thuận khung được đưa ra giữa hai bên.

Theo thỏa thuận, 70,59% cổ phần của T&H Hạ Long tương ứng 1.411 tỉ đồng được "sang tên" cho phía bà Trương Mỹ Lan.

Còn lại 1.768 tỉ đồng mà bên bà Lan đã chuyển (trong tổng số 3.179 tỉ đồng nêu trên), các bên tiến hành bàn bạc để đối trừ vào các khoản mà bên bà Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận khung.

Với khoản tiền 2.916 tỉ đồng còn lại (trong tổng số 6.095 tỉ đồng), theo bản án sơ thẩm, Âu Lạc Quảng Ninh và T&H Hạ Long đã nhận được từ phía bà Lan thông qua 5 thỏa thuận khung hợp tác, chuyển giao tài sản và đặt cọc chuyển nhượng một phần dự án khu biệt thự Morning Star và khu biệt thự Hoàng Long (243 căn nhà liền kề có tổng diện tích hơn 38.800m 2 ), giá trị xác định tương ứng khoảng 5.068 tỉ đồng.

Tòa tuyên buộc thu hồi số tiền nêu trên về cho SCB để đảm bảo khắc phục vụ án.

NÔNG SẢN ĐƯỢC MÙA XUẤT KHẨU, GIÁ LÊN ĐỈNH

Bất chấp hạn hán, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, giá gạo Việt đã trở lại đường đua ngôi vị cao nhất thế giới. Giá một loạt nông sản khác như tiêu, cà phê cũng đang ở đỉnh.

Gạo Việt viết tiếp chương "được lượng, được giá"

Giá gạo xuất khẩu thế giới đang tăng trở lại và trật tự về giá cũng được thiết lập với sự quay lại đường đua giành "ngôi vương" của gạo Việt.

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính đến cuối tuần trước, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN tăng thêm 5 USD lên 585 USD/tấn, cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 3 USD và cao hơn gạo Pakistan 10 USD. Còn nếu so với chính gạo VN cùng kỳ năm trước thì cao hơn khoảng 85 USD/tấn.

Một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho hay gần đây giá gạo tăng nhẹ so với tháng trước vì những khách hàng lớn như Philippines và Indonesia tiếp tục mua. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Do giá lúa gạo đang ở mức cao, nên các nhà thu mua rất cẩn trọng. Họ có tâm lý đợi khi thị trường lắng xuống, giá giảm mới tăng mua. Còn khi thị trường sôi động lại thì họ ngưng. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, nhu cầu nhập khẩu gạo từ thị trường truyền thống vẫn còn tốt.

"Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024" là nhận định chung của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tại hội nghị ngành lúa gạo mới đây ở TP.Cần Thơ. Để đáp ứng khoảng trống thị trường, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu sản lượng lúa cả năm 2024 đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này, tiếp tục đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn.

Có thể thấy, gạo Việt đang được cả lượng lẫn giá. Theo số liệu hải quan trong 4 tháng đầu năm 2024, VN đã xuất khẩu đến 3,23 triệu tấn gạo các loại, tăng gần 12% về lượng và giá trị đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng đến 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc VN vẫn duy trì sản lượng lúa gạo lớn, bất chấp hạn hán và biến đổi khí hậu kéo dài ảnh hưởng đến mùa vụ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới là điều gây kinh ngạc với nhiều người. Hiện tại, đợt nắng nóng lịch sử đang hoành hành ở các nước Đông Nam Á. Thái Lan, Myanmar hay Campuchia đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiệt độ nhiều nơi tăng 5 - 7 độ C so với trung bình nhiều năm. VN cũng bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nắng nóng và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nước ngọt phục vụ cho sản xuất vẫn được đảm bảo, chỉ có một số ít lúa ngoài quy hoạch bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Chỉ trong khoảng 2 tháng nữa, người dân ĐBSCL lại vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu.

Chuyên gia thị trường gạo quốc tế, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, cho biết: Hiện tại thị trường gạo thế giới vẫn ổn định, giá cao theo hướng có lợi cho các nhà xuất khẩu. Thời tiết bất lợi khi nắng nóng gay gắt bao trùm nhiều nơi, sau El Nino lại đến La Nina sắp xuất hiện, buộc các nước phải tính đến việc làm đầy các kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tránh biến động giá cả lương thực nội địa.

"Vụ lúa đầu năm của Thái Lan (cùng thời điểm với vụ đông xuân của VN) tương đối tốt. Nhưng hiện tại họ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng và khô hạn nặng nề hơn nhiều so với VN. Các quan chức ngành gạo nước này dự báo sắp tới giá sẽ tăng. Đáng chú ý nhất vẫn là Ấn Độ, vụ thu hoạch vừa qua khá tốt nhưng họ cũng đang gặp vấn đề nắng nóng và khô hạn gay gắt hiện tại. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử vẫn chưa có kết quả nên những chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của nước này chưa có gì thay đổi. Nếu có gì đó thay đổi với chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nó có thể xảy ra vào quý cuối cùng của năm 2024. Nên cơ bản xuất khẩu gạo của VN năm nay tiếp tục thuận lợi", bà Hương dự báo.

Giá sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… lên đỉnh

Tháng 4, nắng nóng gay gắt khắp nơi trên thế giới cũng đẩy cơn sốt giá cà phê lên tới mức cao chưa từng có của ngành này. Ngày 25.4, giá cà phê robusta trên sàn London (Anh) đạt 4.532 USD/tấn, một mốc lịch sử. Tại VN, giá cà phê nhân đạt tới 135.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đạt sản lượng 148.000 tấn, kim ngạch 572 triệu USD; dù giảm đến 9,5% về sản lượng nhưng tăng tới hơn 42% về kim ngạch; đưa tổng xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên đến 726.000 tấn và kim ngạch 2,5 tỉ USD, lượng chỉ tăng 1% nhưng giá trị tăng đến 40%.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (VICOFA), cho biết: "Trong những ngày đầu tháng 5, tuy giá cà phê thế giới và nội địa giảm nhanh nhưng vẫn còn duy trì mức cao. Sự giảm giá này không quá bất ngờ vì Brazil - nguồn cung cà phê lớn nhất thế giới bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năm nào cũng vậy vào tháng 5 giá sẽ giảm. Năm nay giá đã lên quá cao nên giảm mạnh cũng là điều bình thường. Dân trong ngành thì vẫn nói đùa, những cơn mưa chuyển mùa xuất hiện nhiều hơn ở Tây nguyên những ngày qua cũng góp phần làm "giải nhiệt cơn sốt giá" cà phê. Theo nghĩa rằng có nước tưới, sản lượng tăng thì giá sẽ hợp lý hơn".

"Dù vậy, xu hướng chung của thị trường toàn cầu trong năm nay và cả niên vụ tiếp theo vẫn là nguồn cung thấp hơn cầu, giá duy trì mức cao. Chúng ta nên bình tĩnh trước những diễn biến thị trường ngắn hạn. Bên cạnh đó, VICOFA cũng kiến nghị ngành nông nghiệp nên điều tra lại diện tích cà phê VN và cung cấp con số chính xác cho cộng đồng doanh nghiệp để chúng tôi có chiến lược kinh doanh phù hợp hơn", ông Nguyễn Nam Hải kiến nghị.

Tương tự, dù cả nước đang đối mặt với thời tiết khô hạn khắc nghiệt nhưng ngành sản xuất rau quả xuất khẩu vẫn băng băng vượt mọi kỷ lục. Những ngày đầu tháng 5, lượng hàng hóa lưu thông qua các cửa khẩu phía bắc vẫn hết sức nhộn nhịp.

Nói về diễn biến nhảy vọt của ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), chia sẻ: "Đúng là thời tiết năm nay khô hạn khốc liệt, nhưng các vùng trồng cây ăn trái "né" được. Đầu tiên vụ thu hoạch sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây diễn ra vào tháng 1 - 2 đầu năm khi thời tiết còn mát mẻ. Đến khi nắng nóng và khô hạn tăng lên thì việc thu hoạch cũng đã cơ bản hoàn tất. Mặt hàng bị ảnh hưởng bởi khô hạn nhiều nhất là thanh long nghịch vụ tại Bình Thuận, có nhiều vườn thiếu nước tưới, diện tích năng suất giảm, nhưng bù lại giá bán lại tăng cao gấp 3 lần, tính ra kim ngạch xuất khẩu lẫn thu nhập của nông dân vẫn được đảm bảo".

Hồ tiêu cũng là một trong những mặt hàng lên cơn sốt trong thời gian gần đây. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, với kim ngạch hơn 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng, nhưng tăng 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị VN, so sánh: Thời điểm cách đây một năm, giá hồ tiêu ở mức 67.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã tăng lên trên 100.000 đồng/kg, tương đương mức tăng trên 44%. Một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy giá hồ tiêu tăng là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng VN. "Tôi đi khảo sát nhiều vùng trồng hồ tiêu thì bà con cho rằng hiện nay có nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn nên giá hồ tiêu phải ở mức cao họ mới tiếp tục trồng. Dự báo thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỉ USD xuất khẩu trong năm nay", bà Liên cho hay.

VN chủ động né hạn mặn thành công

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định: Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, VN bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nắng nóng dẫn đến khô hạn và đặc biệt là xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có sự chủ động ứng phó nên không bị bất ngờ, thiệt hại nặng. Đầu tiên là vựa lúa ĐBSCL thường xuyên bị hạn mặn, có năm gay gắt, thậm chí đặc biệt gay gắt nên về cơ bản chúng ta có kinh nghiệm ứng phó.

Thứ hai, tình trạng El Nino cường độ khá mạnh đã được dự báo sớm, nên ngay từ giữa năm 2023, Cục Trồng trọt đã tham mưu cho Bộ xây dựng các kế hoạch ứng phó, điều chỉnh lịch thời vụ để né hạn mặn từ ngày 22.5.2023. Đến thời điểm này, vụ lúa đông xuân đã thu hoạch xong và cơ bản không bị ảnh hưởng, thiệt hại. Một phần nhỏ vụ hè thu nằm ngoài kế hoạch sản xuất chung nên bị ảnh hưởng, số lượng không đáng kể.

Tuy nhiên, Cục cũng đang rà soát lại tình hình thiệt hại và lên kế hoạch mới cho giai đoạn tiếp theo. Năm 2024 cơ bản diện tích sản xuất khoảng 7,09 triệu ha, sản lượng ước đạt 43 triệu tấn lúa, đảm bảo an ninh lương thực và lượng gạo xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn.

Đối với những loại cây trồng khác, đặc biệt là cây dài ngày như cà phê, giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm cũng là lúc cây đang ra hoa, kết quả nên sản lượng năm nay có thể bị ảnh hưởng đáng kể, một số vườn bị thiệt hại nặng. Tình hình tương tự đối với cây hồ tiêu. Các cơ quan chuyên môn địa phương cũng đang rà soát để nắm tình hình và triển khai các giải pháp phù hợp.

"Thời tiết bất lợi, khiến sản xuất nông nghiệp của VN và các nước đều bị ảnh hưởng. Điều này sẽ khiến nguồn cung toàn cầu hạn chế, nhu cầu tăng và giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, hiện nay do chúng ta có sự chủ động ứng phó và bà con nông dân có nhiều kinh nghiệm nên mức độ thiệt hại không đáng kể. Điều này tạo điều kiện giúp VN duy trì sản lượng tốt để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thế giới", ông Nguyễn Như Cường nói.

Theo GS Võ Tòng Xuân, việc né hạn mặn thành công là nhờ VN có nhiều giống lúa tốt về chất lượng và đặc biệt là ngắn ngày, năng suất cao. Chính vì vậy, chúng ta rất dễ dàng và linh hoạt trong việc điều chỉnh lịch thời vụ. Bên cạnh đó, chất lượng lúa của VN đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường ở phân khúc rộng nên có nhiều khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Những nước có nhu cầu cao như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc hay các nước châu Phi… rất thích. Điều này giúp chúng ta tiếp cận thị trường dễ dàng. VN đã đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực sản xuất lúa khá hoàn chỉnh; bà con nông dân giỏi và nhiều kinh nghiệm nên thuận lợi vượt qua các trở ngại về thời tiết.

GIÁ RAO BÁN CHUNG CƯ HÀ NỘI BẮT ĐẦU GIẢM

Giá rao bán chung cư Hà Nội bắt đầu có xu hướng giảm sau đà tăng nóng hồi đầu năm nay.

Khảo sát thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận, giá rao bán chung cư mấy tuần trở lại đây có xu hướng giảm. Đơn cử, một căn hộ 3 ngủ ở Mỹ Đình Pearl, trước lễ 2 tuần, môi giới rao giá 5,3 tỷ đồng. Sau khi có khách hỏi mua, môi giới báo lại chủ nhà tăng giá lên 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau lễ, môi giới báo lại căn hộ đó giảm còn 5,1 tỷ đồng.

Hay một căn chung cư 75m2 ở Nguyễn Xiển, 6 tháng trước, chủ rao bán 2,8 tỷ đồng (tương đương mức giá tầm 37 triệu đồng/m2), bao thuế phí. Đầu năm nay, căn 75m2 rao bán với giá 3,8 tỷ đồng (tương đương mức giá 50 triệu đồng/m2), không bao thuế phí. Như vậy, sau nửa năm, tăng tới 13 giá, tương đương tăng 35%. Sau khi giá rao bán tăng mạnh, hiện tại, giá rao bán ở dự án này “hạ nhiệt” quay về mức 45 triệu đồng/m2.

Chị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hơn 3 tháng tìm mua căn hộ, đến hiện nay chị thấy giá chung cư đã bớt “ngáo” so với tầm tháng 2, tháng 3 vừa rồi.

“Tầm 2 tháng trước, giá rao của các môi giới/chủ cao vống lên, rồi không bán được. Đến nay, nhiều môi giới mà trước đó tôi làm việc quay lại báo đúng giá mà trước đó tôi chốt mua nhưng chủ nhà “quay xe”. May thời điểm đó tôi không mua, giờ tôi chờ hẳn đến hết quý 2 xem tình hình giá chung cư như thế nào. Tôi nghĩ rằng, lãi suất đang rục rịch tăng, Bộ Xây dựng có chỉ đạo kiểm tra, rà soát chung cư thổi giá… xem giá chung cư còn tăng đến bao giờ”, chị Thanh chia sẻ.

Anh Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) đang tìm mua chung cư từ đầu năm đến nay cũng cho rằng: “Hiện mấy dự án mà tôi quan tâm giá rao bán đã hạ tầm 3-5 giá, không thấy rao ngáo như mấy tháng trước. Mấy căn tháng trước chủ nhà liên tục “quay xe” chờ giá tăng nữa, giờ thì giảm 100-300 triệu đồng/căn”.

Nhiều người có nhu cầu mua căn hộ chung cư cũng xác nhận, sau khi giá chung cư tăng nóng, giá thay đổi theo từng ngày thì hiện tại đã “hạ nhiệt”, bắt đầu giảm 5-10%.

Ông Lê Bảo Long, Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn đưa ra nhận định, mức độ quan tâm chung cư Hà Nội mấy tuần trở lại đây giảm.

“Cá nhân tôi cảm nhận chính xác từ khi tháng 3 có thông tin nói về lượng hồ sơ tại một văn phòng công chứng ở 1 quận lớn ở Hà Nội đi ngang. Lúc này, người tìm kiếm nhà bắt đầu nhận ra "thì ra giá rao bán không phải là giá khớp". Lượng người quan tâm giảm chắc chắn sẽ là một điều cả người bán và môi giới phải để ý”, ông Long cho biết.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng hàng chục quý liên tiếp. Chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tại thời điểm quý 1/2024 đã tăng 48% so với quý 1/2019 và tăng 8 điểm phần trăm so với quý cuối năm 2023 - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo VARS có 4 nguyên nhân khiến giá chung cư tại Hà Nội thời gian qua tăng đột biến. Cụ thể, thứ nhất cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện bởi giá trị bất động sản tăng tỷ lệ thuận với đầu tư. Tuy nhiên, việc chỉ đầu tư một mà lại tăng đến 3-4 lần là bất hợp lý.

Thứ hai, quá thiếu nguồn cung, khan hiếm nguồn hàng, trong khi nhu cầu sở hữu nhà luôn ở mức cao và đang trong xu hướng tăng. Thứ ba, nhu cầu đầu tư khi dòng tiền lớn đang "chảy" vào bất động sản để giữ tài sản trong bối cảnh lãi suất ngân hàng chạm "đáy". Cuối cùng, nhu cầu đầu tư căn hộ cho thuê được thúc đẩy từ nhu cầu lưu trú của lượng lớn khách du lịch quốc tế, chuyên gia người nước ngoài hay học sinh, sinh viên.

VARS cho rằng, giá cả chung cư Hà Nội tăng vì khan hiếm là một hiệu ứng của quy luật cung cầu. Cung nhỏ hơn cầu nên buộc lòng giá phải tăng lên để bảo đảm sự cân đối. Mặc dù, mức giá tăng có dấu hiệu tác động, tạo thông tin nhiễu loạn từ nhóm đầu cơ tạo cung cầu ảo để đẩy giá trên thị trường mua đi bán lại.

"Giá chung cư Hà Nội sẽ có điểm điều chỉnh, nhưng không nhiều. Để giá chung cư ổn định, cần có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các chủ thể tham gia trên thị trường", đơn vị này nhận định.

Theo đó, VARS cho rằng, khách hàng và nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và pháp lý đảm bảo. Tuyệt đối không lao theo cơn "sốt", phong trào đám đông.

Nguồn: Vietnamnet; Soha; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang