Du lịch gần HN bội thu; Ngậm ngùi cổ tức; Dư nợ tín dụng BĐS 1,1 triệu tỷ; 'Sốt' đất sắp quay trở lại?

DU LỊCH GẦN HÀ NỘI BỘI THU VÌ GIÁ VÉ MÁY BAY ĐẮT ĐỎ

Do nhu cầu của du khách tăng cao, nhiều homestay ở ngoại thành Hà Nội và các vùng lân cận đã kín phòng từ cả tháng nay.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, thay vì tốn hàng chục triệu đồng mua vé máy bay đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… nhiều gia đình lựa chọn nghỉ dưỡng gần Hà Nội để tiết kiệm chi phí. Chính vì thế, hầu hết homestay ven đô đã kín phòng ngay từ đầu tháng 3.

Chị Nguyễn Ngọc Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết, do quyết định lên kế hoạch đi du lịch muộn nên chị mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm một địa điểm nghỉ dưỡng ở ngoại thành Hà Nội. Chị đã gọi điện đến cả chục nơi để hỏi đặt phòng nhưng các homestay ở Sóc Sơn, Ba Vì... đều không còn phòng trống dịp 30/4 - 1/5.

"Do thấy vé máy bay đi du lịch xa quá đắt đỏ nên gia đình tôi quyết định đi nghỉ dưỡng ở homestay gần Hà Nội. Nhưng vì đặt phòng quá gấp nên kế hoạch của chúng tôi bị đổ bể. Ngay cả khi chuyển hướng lên Mộc Châu, tôi cũng không tìm được phòng. Phần lớn resort, homestay đều thông báo chỉ có phòng trống từ ngày 2/5", chị Mai kể.

Xác nhận tình trạng "cháy" phòng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, chị Trần Ánh Tuyết, người quản lý khu nghỉ dưỡng ở Đồng Đò (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ, dịp lễ 30/4 -1/5, toàn bộ căn biệt thự tại đây đã kín phòng, chỉ còn một căn trống vào ngày 2/5.

Theo đó, khách đã đặt phòng nghỉ dưỡng ở đây từ đầu tháng 3/2024, giá thuê villa các ngày trong tuần tại đây đang dao động từ 6 triệu đồng/ngày, đã bao gồm hết các tiện ích như spa, cà phê, bể bơi, loa kéo...

"Nếu thuê những ngày cuối tuần thì giá sẽ đắt hơn, dao động từ 8 - 9 triệu đồng/ngày. Các villa được cho thuê thường có sức chứa 10 - 12 khách. Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều du khách ở Hà Nội hay từ miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh... và miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang cũng về đây đặt phòng rất nhiều", chị Tuyết thông tin.

Cũng theo chị Tuyết, homestay ở đây có khách thuê quanh năm, những dịp nghỉ lễ lớn như 30/4 -1/5 thì lượng khách đến du lịch, lưu trú thường tăng gấp 4 - 5 lần, giá dịch vụ những ngày này có tăng nhẹ so với ngày thường nhưng khách hỏi đặt phòng vẫn rất đông.

Anh Nguyễn Văn Thanh, quản lý một khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì (Hà Nội ) cho hay, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay dài ngày nên khách đặt phòng từ rất sớm, có khách đăng ký từ đầu tháng 3 để được chắc suất. Hiện, toàn bộ các phòng kín khách đến ngày 2/5.

Cũng theo anh Thanh, giá phòng cho thuê trong dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay cũng chỉ tương đương như giá cuối tuần, tăng 10-20% so với ngày trong tuần.

Anh Thanh cho biết, thời điểm này đã quá muộn để tìm được phòng theo ý muốn ở các homestay, villa, resort ven Hà Nội. Một số căn nếu còn trống là do không đẹp.

“Ngay cả nhiều khu nghỉ dưỡng ở Hòa Bình có giá 6-7 triệu đồng/đêm cũng đã kín khách trong 5 ngày nghỉ lễ. Hay những căn villa lớn có giá 10 - 12 triệu đồng/đêm đều đã có khách. Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, khách đi du lịch nghỉ dưỡng ở ngoại ô Hà Nội khá nhiều nên có kinh nghiệm và thường đặt phòng sớm từ 2-3 tháng trước kỳ nghỉ lễ để có nhiều lựa chọn”, anh Thanh cho biết thêm.

Tương tự, anh Trần Tiến Hưng, quản lý một khu resort ở Đông Anh cho biết, 20 căn bungalow tại resort cũng được khách đặt trước cả tháng. “Số lượng khách đặt đông, chúng tôi đã hết phòng từ đầu tháng 4. Trong đó, khách chủ yếu đặt phòng từ đầu đến giữa tháng 3”, anh nói.

Thông tin về giá phòng tại thời điểm nghỉ lễ, anh Hưng cho biết tăng khoảng 20% so với giá cuối tuần. Nếu như ngày thường khách đặt bungalow với giá khoảng 1,5 triệu đồng/căn/đêm thì giá dịp lễ là hơn 1,9 triệu đồng/căn/đêm.

Lý giải tình trạng "cháy phòng" của nhiều khu homestay ven Hà Nội vào dịp lễ năm nay, anh Hưng dự đoán có thể do giá vé máy bay năm nay đắt đỏ nên nhiều gia đình không lựa chọn đi xa mà tìm đến những khu nghỉ dưỡng, homestay ven đô với không gian thoáng đãng, sang trọng.

"Tâm lý của nhiều người hiện đang là muốn trải nghiệm không gian nghỉ dưỡng thay vì đầu tư cho những chuyến đi xa tốn kém. Chính vì vậy, những khu homestay được đầu tư bài bản, thiết kế đa dạng, lãng mạn, gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường… là lựa chọn hợp lý. Vì ngoài phòng nghỉ sang trọng, các resort, homestay còn hút khách bởi không gian riêng để khách đi dạo, đạp xe ngắm cảnh, có bể bơi, hồ câu, chơi team building…", anh Hưng phân tích.

DOANH NGHIỆP NGẬM NGÙI CHIA CỔ TỨC

Trong khi những doanh nghiệp nhỏ thường xuyên chia cổ tức với tỷ lệ cao thì có những công ty dù lãi lớn vẫn không chia lợi nhuận cho cổ đông khiến nhà đầu tư ngậm ngùi.

Cổ đông "người cười kẻ khóc"

Trong khi hàng loạt cổ đông ngân hàng (NH) vui mừng khi nhận được cổ tức từ 20 - 30% gồm tiền mặt lẫn cổ phiếu cho năm 2023 vừa qua thì ngược lại, có nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi vì nhiều năm liền không biết đến một đồng cổ tức nào. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cuối tuần qua, cổ đông tiếp tục chất vấn nhà băng này xung quanh việc không trả cổ tức. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, giải thích phải hoàn được vốn điều lệ và nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì khi đó mới đủ điều kiện chia cổ tức. Còn số nợ liên quan đến ông Trầm Bê phải chờ Chính phủ cho phép. Ông Minh khẳng định chắc chắn trong năm nay sẽ hoàn thành việc này và nếu như hoàn được vốn, Sacombank sẽ hoàn thành tái cơ cấu trong năm nay.

Đây cũng là câu trả lời thường xuyên của lãnh đạo Sacombank trong nhiều năm qua về việc không chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của NH này là vào năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Như vậy đã 9 năm trôi qua, các cổ đông của Sacombank không nhận được đồng nào dù NH liên tục có lãi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Đến hết năm 2023, Sacombank có lợi nhuận chưa phân phối là 18.400 tỉ đồng, cũng tương đương với 100% vốn điều lệ.

Hay Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNI) năm 2023 vừa qua có lợi nhuận 24,6 tỉ đồng nhưng tiếp tục không chia cổ tức nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Tổng cộng lợi nhuận để lại đến hết năm 2023 đạt hơn 81,2 tỉ đồng. Tính từ năm 2017 đến nay, công ty này có 7 năm liên tiếp không chia cổ tức.

Lại có những công ty dù đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức cả thập niên vẫn lùi thời gian chi trả. Có thể kể đến như Công ty CP Lilama 45.4 (L44) đã thông báo thay đổi ngày trả cổ tức lần thứ 9. Đợt thanh toán cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền được dời sang cuối năm 2024. Lý do mà công ty đưa ra cũng như bao nhiêu năm qua là đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn, do đó chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Tương tự, Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng đã 8 năm chưa thanh toán cổ tức năm 2014 và 2017 và tiếp tục lùi thời gian thanh toán đến cuối năm 2024. Điệp khúc của SJS là tình hình tài chính còn khó khăn, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền. Trong khi đó, báo cáo của SJS đến cuối năm 2023, lợi nhuận để lại lũy kế lên hơn 202 tỉ đồng.

Đáng nói, trong khi cổ đông của các DN lớn "uất ức" vì bị nợ hay không được chia cổ tức thì có những công ty quy mô nhỏ, giá cổ phiếu "bèo bọt" lại duy trì cổ tức cao hằng năm. Ví dụ, Công ty CP May Xuất khẩu Phan Thiết (mã chứng khoán PTG) thông báo ngày 13.5 tới sẽ chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền với tỷ lệ 50%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.000 đồng. Đáng chú ý, mức cổ tức mà PTG chi trả cho cổ đông gấp 10 lần giá cổ phiếu của DN này đang giao dịch trên sàn UPCoM. Công ty cũng có kế hoạch sẽ chia cổ tức cả năm 2024 với tổng mức tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ còn nhận thêm 5.000 đồng. Như vậy cổ tức cả năm sẽ gấp 20 lần giá cổ phiếu hiện tại. Từ khi lên sàn UPCoM đầu năm 2010, DN dệt may này vẫn liên tục chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Thậm chí, một số năm tỷ lệ cổ tức còn lên đến 120%, tương đương 12.000 đồng/cổ phiếu và gấp nhiều lần giá cổ phiếu trên sàn. Một đơn vị khác là Công ty CP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP) sẽ thực hiện trả cổ tức với tỷ lệ 100%, được chia làm đôi gồm tiền mặt và cổ phiếu. Nếu cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu công ty sẽ nhận 5.000 đồng tiền mặt và 0,5 cổ phiếu mới. Chỉ riêng số tiền trả cổ tức đã chiếm gần 50% lợi nhuận của năm vừa qua…

Uy tín giảm sút, khó thu hút nhà đầu tư dài hạn

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư - Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank, cho rằng có nhiều cổ đông khi đầu tư vào một cổ phiếu nào đó thì sẽ so sánh cổ tức với lãi suất gửi tiền NH. Đây là khoản lợi tức hằng năm mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ quan tâm, đặc biệt là với các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư dài hạn như các tổ chức. Theo quy định, khi chia cổ tức thì giá cổ phiếu cũng bị điều chỉnh giảm tương ứng. Nếu như không được chia cổ tức mà giá cổ phiếu tăng đều đều thì cổ đông sẽ đỡ bực bội hơn. Tuy nhiên trên thị trường chứng khoán, rất nhiều cổ phiếu không tăng giá mà còn đi thụt lùi nên cổ đông càng "ôm hận" khi mòn mỏi chờ cổ tức.

Ông Khánh nhấn mạnh: Sau hàng chục năm, VN-Index cũng chỉ loanh quanh ở mức 1.200 điểm. Điều này cho thấy có rất nhiều cổ phiếu không tăng giá so với chục năm trước. Vì vậy nếu cổ đông ôm cổ phiếu dài hạn mà nhiều năm qua cũng không nhận được cổ tức thì coi như đã bị lỗ nặng. Riêng đối với các công ty lùi thời hạn trả cổ tức lên đến 8 - 10 năm thì cơ quan quản lý cần xem xét, có thể bổ sung quy định yêu cầu DN phải chủ động thông báo công khai về nguyên nhân chưa chi trả cổ tức. Bởi có nhiều công ty đã im lặng hoặc chỉ nêu lý do sơ sài, qua loa. Điều này buộc DN phải có trách nhiệm với cổ đông.

Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, nhận xét: Những nhà đầu tư có xu thế mua cổ phiếu chờ hưởng cổ tức sẽ thất vọng khi rơi trúng vào các DN nhiều năm liền không chia đồng nào hay liên tục "khất" cổ tức. Đồng ý có những DN, ngành nghề cần sử dụng lợi nhuận để lại nhằm tăng vốn, bổ sung cho hoạt động kinh doanh hay mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, cũng không thể liên tục kéo dài đến 5 - 6 năm mà không chia cổ tức. Bởi vì nếu xét theo chu kỳ đầu tư thì chỉ trong 3 - 4 năm là đã ghi nhận hiệu quả.

Đó là chưa kể việc chia cổ tức có thể tính toán ở một tỷ lệ nhất định mà không phải yêu cầu chia hết 100% lợi nhuận làm ra. Có thể nhiều lãnh đạo DN cũng là cổ đông lớn nhất nên có thể cá nhân những người này không cần tiền. Nhưng các cổ đông đều mong muốn được chia cổ tức, nhất là DN kinh doanh có lãi. Nếu DN để lại lợi nhuận mở rộng đầu tư nhưng không hiệu quả thì quyền lợi cổ đông càng bị ảnh hưởng. "Đối với những DN không chia cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu nhiều năm liền, thậm chí liên tục chây ì trả cổ tức thì chắc chắn uy tín trong mắt nhiều nhà đầu tư cũng giảm mạnh. Điều này cũng không khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dài hạn, đồng hành cùng DN", ông Hải khuyến cáo.

DƯ NỢ TÍN DỤNG BẤT ĐỘNG SẢN HƠN 1,1 TRIỆU TỶ ĐỒNG

Tính đến 28/02/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 28/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 303.572 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê đạt 42.367 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 78.349 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 43.393 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 60.502 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.274 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 79.873 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh Bất động sản khác đạt 384.343 tỷ đồng. Ngoài ra, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 19.126 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực Bất động sản.

Về điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong năm 2023 NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.

Theo đó trong các tháng của quý 1/2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Kết quả, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2024 (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và đến ngày 20/3/2024, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023).

Về điều hành tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4- 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Cũng theo Bộ Xây dựng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1/2024 đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì khối lượng phát hành quý 1 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn. Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu Bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%.

"CƠN SỐT" ĐẤT NỀN CÓ THỂ SẮP QUAY TRỞ LẠI?

Dựa trên những diễn biến của thị trường và nhận định của chuyên gia, cơn sốt đất nền có thể lặp lại vào giai đoạn 2025-2026.

Chia sẻ trong diễn đàn mới đây, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận định, từ quý 3/2024 trở đi, sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét. Hiện tại, dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân đã quay trở lại thị trường. Điểm giải ngân của các nhà đầu tư này sẽ mạnh nhất từ quý 3 và quý 4/2024. Trong đó, thanh khoản thị trường bất động sản Tp.HCM và vùng lân cận sẽ phục hồi sớm nhất trong năm. Đất nền ở các tỉnh lân cận mua chờ tăng giá sẽ chưa phục hồi trong năm 2024. Điểm rơi sẽ vào giai đoạn 2025-2026.

Vị này phân tích, loạt hạ tầng quy mô đang được đầu tư như vành đai 3, các tuyến cao tốc là động lực kết nối rất lớn, giúp thị trường bất động sản có đà phục hồi trong giai đoạn tới. Trong đó, phía Tây một số khu vực như Bến Lức, Cần Giuộc (Long An); phía Đông có Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ, Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ được hưởng lợi từ động lực hạ tầng này.

Gần đây, thị trường bất động sản đã có nhiều chỉ báo cho thấy đà giảm giá bắt đầu chững lại. Một số chuyên gia cho rằng cơn sốt đất có thể quay lại vào giai đoạn 2025-2026.

Đất nền là loại hình nóng nhất khi thị trường bất động sản sốt đất cục bộ năm 2020-2022 và sau đó cũng là loại hình ảm đạm nhất vì không hướng tới nhu cầu thực. Giá đất nền giảm mạnh ở nhiều nơi nhưng không có giao dịch. Thực trạng này đã kéo dài từ nửa cuối năm 2022 cho cuối năm 2023.

Tại thị trường phía Nam, đất nền tạm ngừng đà giảm trong đầu năm 2024. Dù giao dịch chưa thực sự khởi sắc nhưng cũng không giảm thêm. Một số chuyên gia trong ngành mạnh dạn dự báo, đà tăng giá của đất nền có thể “bật tăng” trở lại vào giữa năm 2025. Thời điểm hiện tại cho đến nửa đầu năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản.

Theo các chuyên gia, thị trường đất nền có tính chu kỳ. Nếu nhìn lại xu hướng tìm kiếm những năm qua thì tháng 3 và tháng 5 sẽ là thời điểm nhu cầu tìm kiếm đất nền tăng nhiều. Phân khúc đất nền đã có sổ hoặc thuộc các dự án có pháp lý hoàn thiện, hạ tầng giao thông đồng bộ, vị trí liền kề các khu dân cư, khu công nghiệp, thuận tiện kết nối về trung tâm thành phố đã và đang sở hữu những điểm sáng nhất định, được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.

Hiện nay, giá đất nền một số khu vực đã có điều chỉnh nhưng thị trường lại đang gặp phải các vấn đề liên quan đến nguồn vốn, lãi vay. Do đó, chỉ những thị trường liên quan đến biến động hạ tầng mới có ghi nhận hồi phục nhanh hơn. Còn các khu vực khác nhất là đất nền ở tỉnh lẻ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Về lâu dài, sức hút của đất nền sẽ rất khó giảm. Phân khúc này luôn được lòng giới đầu tư nhờ nhiều yếu tố, điển hình là tâm lý chuộng nhà gắn liền với đất và nhu cầu tích lũy tài sản an toàn cũng như khả năng tăng lợi nhuận từ đất nền vẫn ở mức cao.

Nguồn: Kenh14; Thanh Niên; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang