Phú Quốc 'đau đầu' lo ế khách; Tiền nhàn rỗi đang chảy vào đâu; Trương Mỹ Lan kháng cáo; Đất nền bắt đầu 'gợn sóng'

KHÁCH DU LỊCH “PHỚT LỜ” PHÚ QUỐC, CHỌN CÁC ĐIỂM NÓNG KHÁC THAY THẾ

Vé máy bay ra Phú Quốc (Kiên Giang) đắt nhất trong các chặng bay nội địa khiến khách đi đảo Ngọc dịp lễ 30/4-1/5 có nguy cơ vắng hơn năm ngoái, trong khi các điểm du lịch nổi tiếng khác khách đặt gần kín phòng.

Khốn đốn vì vé máy bay

Ghi nhận của PV, đầu giờ chiều 25/4, vé máy bay từ Hà Nội đi Phú Quốc vẫn còn nhưng giá siêu đắt đỏ, lên tới 8,6 triệu đồng/vé khứ hồi, sau đó vài tiếng cũng hết nhẵn. Từ TP.HCM, giá vé khoảng 4 triệu đồng nhưng còn rất ít.

Phụ thuộc vào đường bay là chính nên khi giá vé máy bay đắt bằng cả tour trọn gói đi Thái Lan 4 ngày, Phú Quốc dễ bị loại nhất trong số các lựa chọn của du khách. Giá vé máy bay đắt đỏ còn kéo dài suốt từ năm 2023 đến nay. Do vậy, các đơn vị lữ hành, khách sạn đang thấp thỏm lo lượng khách ra Phú Quốc kỳ nghỉ 30/4-1/5 giảm mạnh.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phạm Quang Hậu, CEO của Rooty Trip Phú Quốc, cho hay, đến nay, khách trong nước đặt dịch vụ qua công ty ông tăng không nhiều, chỉ đông hơn ngày thường một chút. Ông e ngại, lượng khách dịp cao điểm 30/4-1/5 năm nay thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

“Bay ra đảo hiện chỉ còn khoảng 40 chuyến, trong đó bay từ Hà Nội, TP.HCM hay Hải Phòng chỉ 15-20 chuyến. Con số này chỉ bằng 1/3 so với cao điểm năm 2022, khi có tới 70 chuyến bay (với 40 chuyến nội địa) tới Phú Quốc. Giá vé lại cao chót vót khiến khách bỏ chạy”, ông Hậu nói.

Tại Vina Phú Quốc Travel, Giám đốc Nguyễn Vũ Khắc Huy chia sẻ tình hình cũng không khá hơn. Đường bay, số khách tăng chậm và ít hơn cả dịp lễ năm ngoái. Ông đang kỳ vọng vào lượng khách từ các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, dù quảng bá trễ nhưng đang nhích lên đáng kể. Để ra đảo, khách đi bằng tàu thủy từ Hà Tiên hoặc Rạch Giá (Kiên Giang), mất từ 1-2 giờ đồng hồ.

Bà Phạm Thị Đông, một đại lý du lịch tại Đà Nẵng, cũng cho biết, khách lẻ đặt dịch vụ đi Phú Quốc ngày lễ tới rất ít, chỉ lai rai vài người, do giá vé máy bay luôn ngất ngưởng, cộng với điểm đến đã bão hòa nên họ đổi hướng.

Kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm ngoái, Phú Quốc chỉ đón hơn 112.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước đó.

Thống kê từ nền tảng đặt phòng Mustgo, kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay, đến thời điểm này tỷ lệ khách đặt phòng khách sạn 3-4 sao ở Phú Quốc đạt khoảng 60-70%, còn phân khúc 5 sao mới đạt 60%.

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, nói rằng, tại Phú Quốc, do giá vé máy bay tăng cao, phòng và tour bán chậm nên công ty ông không dám ôm nhiều.

Dù trong quý I/2024, đảo Ngọc đón lượng khách hơn 1,65 triệu lượt, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, song phần lớn là khách quốc tế. Địa phương nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến, thu hút khách nội địa như tăng số tour, chuyến ra đảo bằng tàu cao tốc, mở thêm dịch vụ mới, tăng ưu đãi, giảm giá,...

Ông Phạm Quang Hậu đánh giá, mặt bằng giá dịch vụ tại Phú Quốc chưa bao giờ rẻ như vậy. Song, vé máy bay ra đảo vẫn đang là rào cản lớn. Lượng khách nội địa, nếu tiếp tục sụt giảm, là nỗi buồn lớn với Phú Quốc.

Sát giờ chót, phòng khách sạn cạn nhanh

Cách kỳ nghỉ lễ Giải phóng 4 ngày, gia đình chị Nguyễn Hồng Hạnh ở Gia Thụy - Long Biên (Hà Nội) gồm 4 người, mới chốt đi phượt từ Hà Nội vào các tỉnh Tây Nguyên bằng ô tô. Khi đặt phòng khách sạn ở các điểm dừng chân, chị chỉ lo hết. Tuy nhiên, tại Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng hay Nha Trang, Buôn Ma Thuột, chị đặt phòng dễ dàng, trừ Măng Đen (Kon Tum) chị Hạnh chật vật xoay xở, cuối cùng cũng đặt được phòng hai đêm 29-30/4.

“Tôi vẫn may mắn vì đặt được phòng trước vài ngày, giá không quá đắt dù đi đúng dịp lễ”, chị Hạnh kể.

Cách đây một tuần, ghi nhận trên nền tảng đặt phòng Mustgo cho thấy lượng phòng trống còn nhiều, một số điểm du lịch nổi tiếng công suất phòng khách sạn mới đạt 30-40%. Sang tuần này, bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Kinh doanh của Mustgo, cho hay, khách đặt phòng tăng đáng kể, khi kỳ nghỉ lễ cận kề.

Chẳng hạn, tại Sa Pa, các khách sạn 3-4 sao hết sạch phòng; hệ thống khách sạn 5 sao cũng kín khách vào các ngày 29, 30/4, chỉ còn phòng từ ngày 1/5 (đã đầy 80%).

Tại Nha Trang, nếu như trong phố lượng phòng còn khá dồi dào khi khách sạn 5 sao mới đạt 70-73% công suất thì riêng khu vực Cam Ranh, tỷ lệ đặt phòng lên tới 90%.

Đại diện truyền thông khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Cam Ranh và Pax Ana Dốc Lết thông tin, dù giá vé máy bay đắt đỏ nhưng nhờ điểm đến Nha Trang thuận tiện đi lại về cả đường bộ, đường sắt hay bằng phương tiện cá nhân từ Hà Nội hay TP.HCM, từ miền Trung ngược vào nên các resort sát bãi biển ghi nhận tỷ lệ khách đặt phòng khá tốt, gần như hết chỗ.

Với điểm đến Phan Thiết, tỷ lệ đặt phòng cũng lên tới hơn 80-85% cho tất cả các cơ sở lưu trú.

Các phân khúc khách sạn và resort tại Đà Lạt gần như kín phòng dịp lễ 30/4, công suất đạt trên 90%.

Tuy nhiên, tại một số nơi như Quy Nhơn, ngoại trừ khách sạn 3 sao là kín khách, phân khúc khách sạn 4-5 sao mới đạt 60% công suất, phòng trống còn nhiều. Hay tại Vũng Tàu, tỷ lệ khách đặt phòng mới đạt 70-80%.

Lượng phòng trống này có thể hết nhanh do không ít khách ra quyết định vào giờ chót, có khi đến ngày nghỉ mới muốn lên đường.

Tại Đà Nẵng, công suất phòng đạt trên 90% tại các khách sạn 3-4 sao, xấp xỉ 80% với khách sạn 5 sao mặt biển; tuy nhiên, các khách sạn 5 sao trong phố vẫn còn nhiều phòng trống. Tương tự như vậy với Hội An. Đó là theo thống kê của nền tảng đặt phòng, còn thực tế, không ít khách sạn tại hai điểm đến này, tỷ lệ phòng trống vẫn lên tới một nửa.

Theo ông Bùi Thanh Tú, với khu vực phía Bắc, các khách sạn ở Hòa Bình, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cát Bà (Hải Phòng),... đã hết phòng từ lâu. Do nhu cầu cao, hầu hết khách sạn đều phụ thu khoảng 30% vào dịp lễ 30/4-1/5, có khách sạn phụ thu tới 40-50%. Như ở Cát Bà, có khách sạn nâng giá phòng cao gần gấp đôi, từ 1,7 triệu lên 3 triệu đồng.

Trong khi phía Nam, mức phụ thu ổn định hơn, chỉ từ 20-25%, thậm chí không phụ thu như Phú Quốc.

LƯỢNG LỚN TIỀN NHÀN RỖI TRONG DÂN ĐANG CHẢY ĐI ĐÂU?

Lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng thương mại tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp và dường như đã có sự dịch chuyển dòng tiền vào một số kênh đầu tư.

Tiền gửi tiết kiệm xuống thấp

Mới đây, một số ngân hàng (NH) đã tăng lãi suất (LS) tiết kiệm so với tháng trước. Có thể kể đến như NH TMCP Xây dựng (CBBank) tăng LS tiết kiệm 0,5 điểm % ở một số kỳ hạn như LS tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng lên 4,5%/năm; 12 tháng lên 4,65%/năm; kỳ hạn từ 13 tháng trở lên là 4,9%/năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng vừa nâng LS tiết kiệm dành cho khách hàng gửi online như kỳ hạn 6 tháng lên 4,1%/năm; 12 tháng lên 4,7%/năm và LS cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng với mức 5,35%/năm. NH TMCP OceanBank tăng LS tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn, với mức tăng cao nhất lên tới 0,9 điểm % áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm; riêng đối với kỳ hạn 6 tháng có LS 4%/năm; 12 tháng lên 5,4%/năm…

Đây được xem là một số những NH có mức LS tiết kiệm ở mức cao trên thị trường. Còn mặt bằng chung, LS tiết kiệm vẫn đang ở mức đáy với kỳ hạn phổ biến như 3 tháng xoay quanh từ 2,9 - 3,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng dao động 4 - 4,5%/năm và 12 tháng từ 4,6 - 4,9%/năm.

Chị Kim Yến (ngụ Q.1, TP.HCM) cho hay hôm 25.4 chị đến kỳ đáo hạn sổ tiết kiệm gửi 1 năm trước và gửi lại kỳ hạn 6 tháng thì LS chỉ 4,2%/năm. NH chị gửi tiền thuộc nhóm huy động LS cao nhưng từ đầu năm đến nay LS cũng liên tục giảm. So với cuối năm 2023 thì LS cho kỳ hạn 6 tháng hiện tại đã giảm đúng 1%. Một số NH có LS cao hơn 5% thường dành cho người gửi kỳ hạn dài hoặc số tiền rất lớn. Hy vọng vài tháng nữa LS sẽ tăng lại nên lần này chị chỉ chọn gửi ngắn hạn. Thực tế, khi LS liên tục sụt giảm, nhiều cá nhân đã tính toán rút bớt tiền để tìm kiếm kênh đầu tư mới hoặc chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn để chờ cơ hội.

Công bố mới nhất từ NH Nhà nước cho thấy trong tháng 1 vừa qua, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống NH giảm 165.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023, tương ứng mức giảm 2,41%, xuống còn 6,676 triệu tỉ đồng. Tương tự, lượng tiền gửi của các cá nhân sụt giảm 34.000 tỉ đồng, tương ứng mức giảm 0,53%, xuống còn 6,498 triệu tỉ đồng. Như vậy, lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp trong tháng 1 giảm gần 200.000 tỉ đồng.

Ngược lại, LS trên thị trường liên NH những ngày gần đây tăng mạnh từ 1,5 - 2,2%/năm so với đầu tháng 4. LS giao dịch giữa các NH ở mức cao bất chấp NH Nhà nước bơm tiền ra thị trường khối lượng "khủng" trong những ngày gần đây.

Hôm qua 26.4, NH Nhà nước bơm ròng vào thị trường thông qua thị trường mở hơn 27.000 tỉ đồng; trước đó ngày 24.4, nhà điều hành bơm hơn 25.000 tỉ đồng; ngày 23.4, lượng tiền được bơm ra lên gần 36.000 tỉ đồng. Đây là những phiên bơm tiền lớn nhất từ nhiều năm trở lại đây.

Dòng tiền chảy vào chứng khoán, vàng

Trong khi lượng tiền gửi vào các nhà băng sụt giảm thì kênh chứng khoán trong quý đầu năm nay tăng mạnh cả về giá lẫn thanh khoản. Kết thúc quý 1/2024, chỉ số VN-Index tăng 13,6% so với cuối năm 2023 và cao hơn mức tăng của cả năm 2023. Chỉ số VN-Index cũng nằm trong nhóm các chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất trong khu vực và thế giới. Đồng thời, giá trị giao dịch bình quân trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đạt 21.400 tỉ đồng/phiên trong quý 1/2024, tăng 35,7% so với bình quân quý 4/2023.

Theo ước tính, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 1/2024 đã lên hơn 200.000 tỉ đồng, tăng khoảng 26.000 tỉ đồng so với cuối năm vừa qua. Đáng chú ý, lượng tiền gửi của các nhà đầu tư tại công ty chứng khoán cũng ước đạt hơn 100.000 tỉ đồng. So với con số cuối năm 2023, số dư tiền gửi đã tăng hơn 20.000 tỉ đồng. Đây là số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán cao nhất trong vòng 2 năm qua. Nhiều công ty chứng khoán dẫn đầu đã ghi nhận mức tăng tiền gửi của nhà đầu tư trong tài khoản chứng khoán từ 2.000 - 3.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023…

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán NH Đông Á, dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán trong quý đầu năm nay tăng mạnh. Điều đó thể hiện rõ giá trị giao dịch hằng ngày tăng và số dư tiền gửi tại các công ty chứng khoán cũng lên cao. Hàng loạt thông tin dự báo chứng khoán năm 2024 sẽ tăng cũng khiến nhiều cá nhân tự tin hơn khi tham gia kênh này. Ngoài ra, cũng có thể một phần tiền được chuyển sang vàng khi giá kim loại quý liên tục tăng. Dù vậy, ông Tuấn cho rằng số tiền tham gia mua vàng cũng không quá nhiều. Bởi chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới, giữa giá mua và bán cao khiến nhiều người lo ngại rủi ro.

"Trong quý 1/2023, giá nhiều cổ phiếu tăng cao giúp nhiều nhà đầu tư thu lãi vượt xa LS ngân hàng gửi cả năm. Nhưng nhìn chung mức tăng của thị trường không quá mạnh. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2024 của rất nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tăng cao hơn mức thấp của cùng kỳ năm trước. Cùng với quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán của Chính phủ; hệ thống KRX sẽ được đưa vào vận hành trong thời gian tới thì chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội tiếp tục tăng trong năm nay. Vì vậy khi LS tiết kiệm ở mức thấp, xu hướng dịch chuyển dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân ra khỏi NH cũng ngày càng hiện rõ", ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận định việc dòng tiền dịch chuyển ra khỏi hệ thống NH khi LS thấp phù hợp với dự báo trước đó. Đối với người VN, kênh đầu tư truyền thống từ trước đến nay chủ yếu sẽ là bất động sản và chứng khoán. Để mua bất động sản thì cần số tiền lớn, trong khi đầu tư chứng khoán thì dễ vì chỉ cần lượng tiền nhỏ hơn. Từ đầu năm đến nay, giao dịch chứng khoán tăng cao đã cho thấy rõ lượng tiền tham gia kênh này mạnh hơn. Đối với bất động sản, một số phân khúc cũng có dấu hiệu ấm trở lại. Hơn nữa, một số doanh nghiệp cũng đã có những chính sách bán hàng với các phương án thanh toán hấp dẫn, linh hoạt. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường bất động sản vẫn đang đối diện nhiều khó khăn nên các nhà đầu tư vẫn chờ đợi. Những người này có thể tạm thời gửi tiền ở NH nhưng sẽ lựa chọn kỳ hạn ngắn hơn, từ 3 - 6 tháng thay vì chọn kỳ hạn đến 12 tháng trở lên như trong giai đoạn có LS cao trước đây. Bên cạnh đó, giá vàng liên tục tăng từ đầu năm đến nay cũng cho thấy nhu cầu mua vào gia tăng cả trên thế giới lẫn VN. Nhưng vàng không phải là kênh đầu tư mà thường được chọn là tài sản tích lũy, trú ẩn khi nhà đầu tư lo ngại về bất ổn địa chính trị hay kinh tế sụt giảm. Vì vậy, thường lượng tiền cũng phân bổ vào vàng không lớn.

NÓNG: TRƯƠNG MỸ LAN KHÁNG CÁO TOÀN BỘ BẢN ÁN

Bà Trương Mỹ Lan cho rằng mình không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.

Ngày 26-4, một nguồn tin xác nhận bà Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP HCM.

Trong đơn, bà Lan cho rằng bà không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Bà Lan trình bày các nguyên nhân khách quan trong việc tham gia tái cơ cấu SCB dẫn đến có rủi ro, nhưng không chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

TAND TP HCM đang tập hợp các đơn kháng cáo của các bị cáo, người liên quan đến vụ án.

Trước đó, ngày 11-4, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; tử hình về tội "Tham ô tài sản" và 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt cho cả 3 tội là tử hình.

THỊ TRƯỜNG ĐẤT NỀN BẮT ĐẦU GỢN SÓNG TẠI CÁC TỈNH

Đất nền một số khu vực có giá bán tăng nhẹ và giao dịch khá sôi động. Việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới là một yếu tố tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản một số tỉnh, thành trên cả nước, tại Hải Phòng, giá đất nền có giá trị trung bình dưới 5 tỷ đồng có lượng giao dịch tăng từ 3 – 5% so với cuối năm trước. Các thông tin về hạ tầng cũng như thông tin về các dự án khu đô thị mới, đặc biệt là dự án Vin Vũ Yên tạo động lực, kéo theo làn sóng đầu tư với các triển vọng phát triển tích cực cho thị trường bất động sản Hải Phòng.

Tại Hà Nam, thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc về giao dịch với phân khúc đất nền có giá bán khoảng 2 tỷ đồng/nền đất nhờ quy hoạch mới được phê duyệt, vị trí thuận lợi tiếp giáp với Hà Nội và được đầu tư mạnh về hạ tầng.

Tại Hải Dương, thị trường bất động sản khởi sắc với nhiều dự án mới và có tỷ lệ hấp thụ ở mức cao lên tới 100%. Theo đó, dự án có pháp lý đảm bảo, hạ tầng, tiện ích có sẵn, ghi nhận mức giá tăng lên tới 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Khánh Hòa, giá đất nền bình quân của một số dự án như dự án Sân bay Nha Trang (TP. Nha Trang) tăng khoảng 2,7% (lên mức 58,1 triệu đồng/m2), Lotus Island (TP. Nha Trang) tăng khoảng 2,8% (lên mức 31,7 triệu đồng/m2); dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Hải (TP. Nha Trang) giảm khoảng 3,2% (xuống mức 25,1 triệu đồng/m2), Khu đô thị Mỹ Gia (TP. Nha Trang) giảm khoảng 2,4% (xuông mức 28,5 triệu đồng/m2).

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá đất nền bình quân của một số dự án như dự án Đồng Nhân Village (TP. Bà Rịa) tăng khoảng 4,4% (lên mức 17,8 triệu đồng/m2); dự án Khu đô thị Chí Linh (TP. Vũng Tàu) giảm khoảng 2,6% (xuống mức 66,8 triệu đồng/m2).

Theo khảo sát đánh giá thì sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một số khu vực có giá bán tăng nhẹ và giao dịch khá sôi động, việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới.

Dữ liệu mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong quý 1/2024, nhiều khu vực ghi nhận lượng giao dịch đất nền tăng "đột biến", nhất là những lô đất đã tách thửa. Xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi "săn" đất, ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Mức giá giao dịch thành công giảm từ 20-30% so với đỉnh sốt, nhưng đã đi vào ổn định và không còn dấu hiệu giảm giá.

Theo đánh giá của VARS, đất nền là phân khúc ghi nhận sự "vận động" một cách tích cực nhất trong quý 1/2024. Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận một số khu vực có hiện tượng "tăng giá vô căn cứ".

Trước diễn biến này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS đưa ra cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý để tránh hình thành các cơn sốt "ảo" , gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.

Trước đó báo cáo của một đơn vị nghiên cứu Bất động sản khác cũng cho thấy, sóng của thị trường đất nền ven Hà Nội bắt đầu "gợn lăn tăn" từ sau Tết Nguyên đán và thực sự nổi sóng mạnh từ đầu tháng 3 đến nay. Đơn vị này cũng ghi nhận trong bối cảnh lãi suất xuống thấp, loại hình bất động sản được quan tâm nhất đầu năm 2024 là đất nền.

Cụ thể, trong 65% đáp viên có dự định mua bất động sản trong một năm tới, có tới 1/3 vẫn quan tâm tới đất nền dù đây là loại hình có lượng giao dịch sụt giảm mạnh trong năm 2023. Các diễn biến thực tế của thị trường đất nền ven Hà Nội sau Tết đang phản ánh đúng mối quan tâm của người dùng với phân khúc này khi giá đất và lượng giao dịch có xu hướng tăng lên.

Nguồn: Vietnamnet; Thanh Niên; Kenh14; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang