30 lô sầu riêng bị TQ 'tuýt còi'; Xe điện ngoại 'nhòm ngó' thị trường; Đại gia xăng dầu 'lâm nạn'; Cách tạo chung cư sốt ảo

SỰ THẬT VỀ 30 LÔ LÔ SẦU RIÊNG BỊ TRUNG QUỐC 'TUÝT CÒI'

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật vừa thông tin về kết quả xác minh 30 lô sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định.

Cụ thể, ông Huỳnh Tất Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) - cho biết, đã có kết quả kiểm tra việc xác minh các lô hàng, mã số vùng trồng sầu riêng mà phía hải quan Trung Quốc cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Theo ông Đạt, sau khi nhận được cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp rà soát. Cùng với đó, lập đoàn kiểm tra đi lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng có trong danh sách cảnh báo nhiễm cadimi.

Đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng từ mẫu đất, nước, phân bón, vật tư, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất xử lý sầu riêng... Kết quả, không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng cadimi như Trung Quốc cảnh báo, ông Đạt thông tin.

Cục Bảo vệ thực vật đang tổng hợp thông tin để báo cáo Bộ trưởng NN-PTNT, sau đó sẽ tổ chức họp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc; họp báo thông tin rộng rãi tới người dân và cơ quan chức năng trong nước.

Trước đó, vào thời điểm tháng 3 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.

Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm nay, ước tính xuất khẩu sầu riêng của nước ta đạt 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sầu riêng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt chủ yếu nhờ nhu cầu vẫn cao từ thị trường Trung Quốc.

HÃNG NỘI CHƯA TẠO DẤU ẤN, XE ĐIỆN NGOẠI ĐÃ "NHÒM NGÓ" THỊ TRƯỜNG

Nhiều hãng xe Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu xác nhận sẽ đưa xe điện về thị trường Việt Nam trong năm nay hoặc đầu năm 2025

Tại một số triển lãm ô tô mới đây ở Thái Lan, Trung Quốc, các hãng đua nhau giới thiệu nhiều mẫu ô tô thuần điện và hybrid (xe lai). Trong khi đó, các mẫu ô tô động cơ đốt trong gần như lép vế hoàn toàn.

Xe điện trước thời cơ lớn

Hai mẫu ô tô đang được chú ý là Y Plus và ES của hãng GAC Motor (Trung Quốc) với khả năng chạy được 550 km sau mỗi lần sạc đầy. Hãng này đã ký kết với Tập đoàn Tan Chong về việc phân phối các dòng ô tô đến một số thị trường. Ở Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Tan Chong là TC Services Việt Nam đang xúc tiến xây dựng showroom bán lẻ tại TP HCM.

Cũng đến từ Trung Quốc, một số hãng xe như Chery, BYD đã xây dựng kế hoạch đưa xe điện sang thị trường Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, Chery đã nghiên cứu thị trường, truyền thông, tổ chức lái thử xe tại Việt Nam. Trước mắt, tập đoàn này sẽ đưa sang Việt Nam 4 mẫu xe gồm Omoda 5, S5, S5GT và Jaecoo 7 của 2 công ty con là Omoda và Jaecoo. Còn hãng BYD đang tìm kiếm đối tác phân phối 2 mẫu Atto 3 (SUV) và Seal (sedan).

Năm ngoái, hãng xe Wuling mở bán tại Việt Nam mẫu xe Hongguang MiniEV. Năm nay, hãng xe Trung Quốc này dự kiến đưa về thêm 2 mẫu Baojun Yep và Wuling Bingo với tầm hoạt động 333 km.

Hàng loạt thương hiệu xe điện ngoại khác từ nhiều quốc gia cũng đã hoặc sắp có kế hoạch khai thác thị trường Việt Nam như Haval, Haima, MG, Mitsubishi, Honda... Đáng chú ý, Haval mở bán mẫu ô tô điện Haval H6 từ đầu năm nay và đang nhận đặt cọc mẫu Haval Jolion với giá khoảng 1,2 tỉ đồng/chiếc. Còn hãng xe MG đã giới thiệu siêu xe điện Cyberster 2 cửa tại TP HCM, tổ chức chạy thử nghiệm xuyên Việt để chuẩn bị bán ra trong những tháng tới.

Làm thay đổi bức tranh thị trường

Việt Nam hiện chỉ có hãng xe duy nhất sản xuất ô tô thuần điện là VinFast, thị trường cũng chưa có nhiều sự cạnh tranh. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, hãng xe Việt sẽ phải cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu ô tô điện đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...

Ông Nguyễn Hoàng Minh Tiến, Tổng Giám đốc Volkswagen Việt Nam, nhận định đây là thời điểm thích hợp để đưa xe điện về Việt Nam bởi thị trường đã bắt đầu sôi động khi có sự hiện diện của hàng loạt hãng xe.

Để đưa xe điện về Việt Nam, Volkswagen có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước như mở rộng không gian tại các đại lý, chuẩn bị trang thiết bị mới, đào tạo nhân viên kỹ thuật... Đầu năm 2024, các chuyên gia từ Đức đã sang Việt Nam để khảo sát, kiểm tra các hạng mục cơ sở hạ tầng và đánh giá khá cao. Bước tiếp theo, hãng này sẽ nhanh chóng đưa xe điện về thị trường Việt Nam.

Ông Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Toyota, dự đoán xe thuần điện sẽ chiếm khoảng 30% thị phần trong thời gian tới, phần còn lại chia đều cho các dòng xe chạy bằng nhiều loại năng lượng khác, bao gồm cả xe hybrid và xe chạy bằng hydro. Doanh nghiệp này cho rằng để phát triển xe điện theo xu thế thế giới, cần giảm giá thành và đầu tư cơ sở hạ tầng trạm sạc. Về phía Toyota, ngày 8-5 vừa qua, doanh nghiệp công bố đầu tư 2.000 tỉ yen (tương đương 12,9 tỉ USD) cho chuỗi cung ứng, phương tiện di chuyển và trí tuệ nhân tạo trong năm tài khóa 2024-2025, trong đó có đầu tư xe điện và công nghệ hydro.

Theo ông Kenichi Horinouchi, Tổng Giám đốc Công ty Mitsubishi Motors Vietnam, các hãng xe đã sẵn sàng đầu tư cho sản phẩm ô tô điện, song để phát triển được và có thể cạnh tranh với ô tô truyền thống thì phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới cơ sở hạ tầng cùng chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường... "Ở Nhật Bản, châu Âu, nhờ được hỗ trợ về thuế, ô tô điện có giá thành đến tay người tiêu dùng bằng hoặc thấp hơn xe chạy bằng động cơ truyền thống" - ông Kenichi Horinouchi nêu kinh nghiệm.

Theo giới chuyên gia, làn sóng ô tô điện được dự báo sắp tràn vào thị trường Việt Nam sẽ khiến hãng xe Việt VinFast phải đối mặt với sự cạnh tranh nhưng với dải sản phẩm và giá thành đa dạng, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, qua đó thúc đẩy hạ mặt bằng giá bán.

NGHỊCH LÝ CÔNG TY CỦA ĐẠI GIA XĂNG DẦU 'LÂM NẠN': TOÀN BỘ HĐQT TỪ CHỐI NHẬN LƯƠNG, BỊ CƯỠNG CHẾ 1.000 TỶ, CỔ PHIẾU VẪN TĂNG TRẦN

Năm 2024, công ty xăng dầu này đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gần 700% so với năm trước.

CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, mã chứng khoán: PSH) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Theo đó, tài đại hội diễn ra năm 2023, cổ đông công ty đã thông qua mức chi trả thù lao cho HĐQT, BKS là hơn 672 triệu đồng.

Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh trong năm gặp khó khăn, ban lãnh đạo công ty phải thực hiện cát giảm tối đa mọi chi phí. Toàn bộ Thành viên HĐQT và BKS đã thống nhất không nhận thù lao năm 2023 để bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Những khó khăn của NSH Petro 

NSH Petro được biết đến là một trong những nhà phân phối xăng dầu lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ (miền Tây). Theo cập nhật trên website, doanh nghiệp có 67 cửa hàng, 550 đại lý, một nhà máy lọc hóa dầu công suất 700.000 lít thành phẩm/ngày và 9 kho cầu cảng với tổng sức chưa hơn 500.000 m3.

Doanh nghiệp được thành lập ngày 14/2/2012, có trụ sở tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật là ông Mai Văn Huy. Vốn điều lệ của NSH Petro hiện ở mức hơn 1.261 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối năm 2023 lên đến gần 11.000 tỷ đồng.

Trong thời gian gần đây, NSH Petro đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong quý 1/2024, công ty công bố BCTC quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 476 tỷ đồng, giảm đến 88% so với cùng kỳ 2023. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp xăng dầu này lỗ sau thuế hơn 29 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 199 tỷ đồng.

Năm 2023 ghi nhận doanh thu 6.099 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng 51 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 236 tỷ đồng. Đáng chú ý, tình hình kinh doanh NSH Petro tương đối khởi sắc trong nửa đầu năm 2023 nhưng lại lỗ nặng 220 tỷ đồng trong quý 4/2023.

Đến năm 2024, công ty này đặt mục tiêu lợi nhuận sẽ tăng 692% so với năm trước, lên mức gần 350 tỷ đồng. 

Ngoài ra, năm 2023 công ty này còn nhận ý kiến ngoại trừ phía kiểm toán viên. Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán TTP cho biết vào ngày 18/12/2023, NSH Petro đã nhận được quyết định của Cục thuế Tỉnh Hậu Giang về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn từ này 18/12/2023 đến 17/12/2024. Số tiền bị cưỡng chế 1.140 tỷ đồng.

Ngày 22/12/2023, NSH Petro cũng nhận quyết định tương tự từ Cục thuế thành phố Cần Thơ, ngưng sử dụng hóa đơn từ 22/12/2023 đến 23/12/2024 đối với chi nhánh của công ty tại Cần Thơ. Số tiền bị cưỡng chế 92,59 tỷ đồng. Tổng doanh thu trong năm chưa phát hành hóa đơn số tiền 236,8 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán cho rằng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước còn nợ, nợ quá hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của NSH Petro. Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu có cần thực hiện các điều chỉnh đối với BCTC, trong trường hợp công ty không thể tiếp tục hoạt động liên tục.

Ngoài ra, tại thời điểm 31/12/2023, Kiểm toán TTP không tham gia chứng kiến kiểm kê hàng hóa gửi tại CTCP Dầu khí Đông Phương số tiền 131 tỷ đồng, kho Cần Thơ số tiền gần 51 tỷ đồng, kho chi nhánh Trà Vinh gần 26 tỷ đồng. Bằng thủ tục kiểm toán, đơn vị kiểm toán không thể xác định được tính hiện hữu của giá trị kho hàng tồn kho nêu trên cũng như không thể xác định liệu có cần điều chỉnh trên BCTC.

Giá cổ phiếu PSH liên tục biến động mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/5, cổ phiếu PSH tăng trần đạt mức giá 5.680 đồng/cp. Đây đã là phiên trần thứ ba liên tiếp của cổ phiếu này.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối tháng 3 - đầu tháng 4 năm nay, cổ phiếu PSH đã chứng kiến chuỗi 10 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 9 phiên giảm sàn. Lý do chủ yếu cho sự giảm này ngoài việc kinh doanh "bết bát", một nguyên nhân khác có thể kể đến là việc ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT NSH Petro bị CTCK bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu PSH. chỉ trong đầu tháng 4.

Không chỉ ghi nhận sư kém khả quan trong hoạt động kinh doanh, NSH Petro còn liên tục thông báo chậm trả trái phiếu. Ngày 12/4 vừa qua, công ty đã có thông báo gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lãi cho lô trái phiếu PSHH2224003.

Theo đó, doanh nghiệp này cần phải thanh toán gần 9,7 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu này vào ngày 7/4. Nhưng do chưa cân đối được nguồn tiền để thanh toán, Doanh nghiệp đề xuất gia hạn ngày thanh toán thêm 1 tháng, tức đến ngày 7/5/2024.

Thực tế,NSH Petro đã từng gia hạn trả lãi với lô trái phiếu này, từ 7/3 sang 7/4. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Doanh nghiệp vẫn chưa thể thu xếp nguồn vốn để thực hiện thanh toán.

CÁCH GIÁ CHUNG CƯ SỐT ẢO: CHỦ NHÀ ĐẨY BÁN GIÁ CAO, CHỈ CẦN 1 GIAO DỊCH THÀNH CÔNG SẼ THIẾT LẬP MỐC GIÁ MỚI

Dù căn hộ có diện tích, vị trí tương đương ở cùng dự án nhưng các môi giới lại báo với khách hàng những giá chênh lệch nhau khá cao. Không chỉ chiêu trò thổi giá của môi giới, một số chủ nhà cũng xuất hiện động thái "lạ" nhằm trục lợi.

Chiêu trò đẩy giá mới

Khoảng 1 tháng nay, chị Vân (45 tuổi, Hà Nội) liên tục nghe ngóng và tìm kiếm một căn chung cư có 3 phòng ngủ. Sau 2 tuần nhờ môi giới tìm dự án phù hợp với nhu cầu, chị Vân tá hỏa phát hiện, cùng một số căn hộ có diện tích, vị trí tương đương ở cùng dự án nhưng các môi giới mà chị liên hệ lại báo những giá chênh lệch nhau rất nhiều.

Ví dụ, tại một dự án chung cư ở Cầu Giấy, Hà Nội, cùng một căn nhưng chỉ sau 3 ngày, giá rao bán đã chênh đến cả tỷ đồng. Được biết, đây là căn hộ tái định cư đã sử dụng 14 - 15 năm nay, hầm để xe không có, ô tô còn phải để ngoài trời, hành lang tối om, nhưng vẫn được người bán rao với giá lên đến 60 triệu đồng/m2.

Hay theo một ghi nhận khác, trong hội nhóm cư dân của một toà chung cư tại Hà Nội, một số chủ nhà "kháo nhau" đồng loạt rao bán căn hộ chung cư đang ở với một mức giá cao hơn so với mặt bằng hiện tại. Họ tin rằng, chỉ cần một giao dịch thành công thì căn chung cư họ đang ở sẽ được thiết lập một mốc giá mới, và tâm lý người mua sẽ lựa chọn tìm mua căn có giá thấp nhất.

Tuy nhiên, theo khảo sát, không chỉ dự án chung cư này mà nhiều dự án nhà ở và đất nền trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều gặp phải tình trạng bị "thổi giá" quá cao so với mặt bằng giá thực tế, khiến người mua thực khó tiếp cận với đúng giá sản phẩm.

Chung cư tăng giá với tốc độ "đáng sợ"

Theo số liệu của Savills, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Tính đến quý 1/2024, giá chung cư mới đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21% so với quý 4/2023.

Còn CBRE cho biết giá trung bình các dự án tại Hà Nội ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng nhanh trong 3 tháng đầu năm nay. Giá bán căn hộ mới tại Hà Nội tăng 19%, đạt trung bình 56 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì). Giá nhiều tòa chung cư cũ cũng nâng giá, tăng 17% - mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này khiến giá chung cư Hà Nội đang dần tiệm cận mức giá tại TP.HCM.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ gần như thất bại, trong khi đó phân khúc chung cư thương mại “một mình một ngựa” cứ thế tiến lên với tốc độ tăng giá đáng sợ. Ông đánh giá thực trạng này là “một bước lùi về chiến lược xử lý thị trường bất động sản, về nhà ở hiện nay.

Ông Nghĩa dẫn chứng thêm, nhiều dự án tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh, thậm chí có dự án tăng hơn 30%. Như chung cư tại Khu đô thị Ciputra (quận Hồ Tây) hiện hơn 100 triệu đồng/m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm) giá cũng trên 60 triệu đồng/m2, có khi hơn 80 triệu đồng/m2.

“Chúng ta cứ hình dung nhà chung cư ở Hà Nội bây giờ loại trung bình cũng khoảng 70 triệu đồng/m2, còn loại cao cấp hơn khoảng 130 triệu đồng/m2. Mức giá này cho thuê cũng không nhiều người chi trả được, chứ đừng nói là mua", ông Nghĩa nói.

Trong bối cảnh giá nhà bất thường như hiện nay, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra lời khuyên rằng, người có nhu cầu mua nhà ở thực cần phải bình tĩnh, nhìn nhận thị trường để có đánh giá phù hợp nhất với bản thân mình. Ngoài cân đối nguồn tiền thì vẫn cần phải xem xét kỹ tính pháp lý của dự án, năng lực chủ đầu tư. Nếu như khách hàng không am hiểu thì nên tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, uy tín để người ta phân tích, đánh giá để khách hàng có thể đưa ra những quyết định phù hợp. Tránh trường hợp vội vàng rồi đưa ra những quyết định sai lầm.

Còn đối với các nhà đầu tư, ông Đính cho rằng bài học thời điểm năm 2022 – 2023 đến giờ vẫn rất giá trị và là bài học đắt giá cho việc đầu tư, mua bán thiếu tính thị trường, trục lợi, đẩy giá, thổi giá. Nhiều người vay mượn, cầm cố để lướt sóng, đẩy giá kiếm lời đến nay vẫn đang phải chịu những thiệt hại, áp lực lớn. Đấy còn là bài học để thấy rằng, khi thị trường bất ổn như hiện nay thì càng không nên tham gia.

Nguồn: Vietnamnet; Người Lao Động; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang