Thiên tai ngày càng tệ; Hàng không Nga gặp khó; Giằng xé giữa Kharkov-Donetsk; LHQ ủng hộ Palestine gia nhập; Dân Israel lại biểu tình

THẾ GIỚI CHẬT VẬT VỚI THIÊN TAI NGÀY CÀNG TỒI TỆ

Nhiều nơi trên thế giới đang chật vật hứng chịu các hình thái thời tiết cực đoan từ lũ lụt cho đến nắng nóng chết người. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể khiến tần suất xảy ra các thảm họa thiên tai ngày càng dày đặc hơn.

Thời tiết cực đoan gồm lũ lụt, nắng nóng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, từ Đông Á, Nam Á cho đến Nam Mỹ...

Lũ lụt do mưa lớn bất thường ở tỉnh Baghlan, Afghanistan đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà. Baghlan, Badakhshan, Ghor và Herat là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Người phát ngôn của chính quyền Taliban Zabiullah Mujahid dẫn số liệu cho biết, mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng tại 4 tỉnh, tàn phá 2.500 đến 3.000 ngôi nhà, giết chết hàng trăm gia súc, đồng thời làm hư hại nhiều đường sá và các cơ sở hạ tầng khác. Chính quyền Taliban đã ra lệnh huy động mọi nguồn lực sẵn có để cứu người, vận chuyển những người bị thương và tìm kiếm các nạn nhân thiệt mạng.

Mưa lớn cũng gây lũ lụt trên diện rộng ở bang Rio Grande do Sul của Brazil, khiến gần 140 người thiệt mạng, khoảng 537.000 người phải di dời, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 2,1 triệu người, gây thiệt hại ước tính khoảng gần 3,7 tỷ USD. Những cơn mưa xối xả trút xuống bang Rio Grande do Sul khiến các con sông tràn bờ và giới chức Brazil đã gọi tình trạng này là "đáng lo ngại".

Nhiều người dân rơi vào cảnh khốn đốn vì bão lũ buồn bã chia sẻ: "Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng chẳng lâu nữa Mucum sẽ trở thành một dòng sông. Trận lũ này gây tàn phá nặng nề, cuốn trôi nhiều đất đai và cây cối. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ rất khó để sống ở đây.”

"Đó là một cảnh tượng kinh hoàng. Mọi người đều đang trông chờ được giúp đỡ. Hãy xem nhìn ngôi nhà kia khác gì một cây cầu nước chảy qua”.

Mấy ngày gần đây, mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng và lở đất ở nhiều địa phương thuộc Khu Tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đoạn phim do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng cho thấy, đường phố ngập lụt và xe cộ ngâm trong biển nước ở thành phố Khâm Châu. Các đội cứu hộ khẩn trương dùng thuyền sơ tán người dân ở thành phố Phòng Thành Cảng đến nơi an toàn. Dự báo, trong 10 ngày tới, mưa lớn sẽ còn tiếp diễn tại khu vực miền nam Trung Quốc, trong đó có Quý Châu, Vân Nam.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) trong tuần này cũng thông báo, lũ lụt và lở đất do mưa lớn đang ảnh hưởng đến gần 1 triệu người ở khu vực Đông Phi. Các trận mưa lớn bất thường trong khu vực Đông Phi, trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino giai đoạn 2023-2024, đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và cho thấy nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ nhân đạo.

Không chỉ đối mặt với tình trạng bão lũ, thế giới vừa trải qua tháng 4 nóng nhất từ trước đến nay và nhiều khả năng, năm 2024 sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của 2023 để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Theo dữ liệu mới từ Copernicus, chương trình giám sát khí hậu toàn cầu của Liên minh châu Âu, nhiệt độ trong tháng 4 năm nay đã cao hơn 0,67 độ C so với mức nhiệt độ trung bình của tháng 4 trong giai đoạn từ năm 1991 đến 2020. Điều này đánh dấu 11 tháng liên tiếp nhiệt độ toàn cầu tăng cao lên mức chưa từng thấy.

Nhiều quốc gia tại châu Á đang phải vật lộn với cái nóng chết người, các trường học tại Bangladesh, Philippines phải đóng cửa, trong khi nhiều người dân tại Ấn Độ phải vật lộn để mưu sinh dưới cái nóng lên đến 43 độ C.

Để đối phó với tình trạng nắng nóng gay gắt, anh Khelji - một chủ cửa hàng xe máy ở thành phố Ahmedabad của Ấn Độ cho biết: “Hễ trời nóng, nhiệt độ lên tới trên 40 độ C là tôi lại phải mở vòi phun sương để làm mát xung quanh đây. Tôi muốn giúp mọi người tránh bị say nắng, tôi tình nguyện làm vậy để giúp mọi người xung quanh trong thời tiết oi bức này”.

Giới chuyên gia về thời tiết cho rằng, nhiệt độ toàn cầu tăng cao chưa từng thấy đang bị thúc đẩy bởi xu hướng nóng lên trên Trái Đất, chủ yếu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, kết hợp với El Nino, một hiện tượng khí hậu tự nhiên có xu hướng khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên. Và khi thế giới nóng hơn, cũng đồng nghĩa với việc có thể xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan hơn, bao gồm nhiệt độ cao và lượng mưa kỷ lục. Trong bối cảnh thế giới ngày càng chứng kiến những thay đổi thất thường của thời tiết, những tuần vừa qua dường như đã đưa những thái cực về môi trường đó lên mức báo động mới.

THIẾU NHÂN SỰ ĐE DỌA NGÀNH HÀNG KHÔNG NGA

Thiếu nhân sự có tay nghề cao đang đe dọa đến những mục tiêu trước mắt của ngành chế tạo máy bay Nga.

Lãnh đạo đảng Nhân dân Mới - ông Alexey Nechaev trong bài phát biểu tại cuộc họp toàn thể bất thường của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã nêu bật vấn đề quan trọng.

Cụ thể, ông Nechaev tuyên bố tình trạng thiếu trầm trọng các chuyên gia có trình độ trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga và không thể giải quyết vấn đề này bằng cách thu hút người nhập cư.

Theo ông Nechaev, Nga cần một thế hệ chuyên gia mới có trình độ chuyên môn cao. Vấn đề đặc biệt cấp bách trong các ngành công nghệ cao như công nghiệp hạt nhân, nơi thiếu 6 nghìn chuyên gia - và ngành hàng không thiếu 14 nghìn kỹ sư có trình độ.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nechaev đã đề xuất một số biện pháp. Đặc biệt, vị nghị sĩ ủng hộ việc tăng lương và hoãn nhập ngũ đối với các chuyên gia từ nhóm ngành ưu tiên.

“Không chỉ cần tăng lương mà còn phải áp dụng các biện pháp thực tế không cần đầu tư tài chính. Ví dụ, trong ngành công nghiệp quốc phòng đã có thông lệ hoãn nghĩa vụ quân sự, tại sao không mở rộng nó sang các lĩnh vực quan trọng khác, chẳng hạn như robot, điện tử vô tuyến, cơ khí”, chính trị gia nhấn mạnh.

Tuy vậy đây vẫn là điều xảy ra trong tương lai, còn hiện tại thiếu hụt nhân sự trình độ cao bị xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều dự án chế tạo máy bay dân dụng của Nga bị chậm tiến độ.

Các phi cơ chở khách như MS-21, SJ-100 hay Il-96-400M được kỳ vọng sẽ thay thế đội bay phương Tây gồm những chiếc Boeing và Airbus sắp phải "nằm đất" do thiếu phụ tùng thay thế vì hiệu lực của những lệnh trừng phạt, nhưng quá trình sản xuất hàng loạt chưa thể tiến hành.

Thực tế trên nếu không được sớm khắc phục, giao thông vận tải trên nước Nga sẽ phải trông đợi vào đường bộ và đường sắt, đây là điều vô cùng bất tiện với lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới.

UKRAINE BUỘC PHẢI LỰA CHỌN GIỮA KHARKOV VÀ DONETSK

Lực lượng Vũ trang Ukraine chỉ có thể lựa chọn tăng cường binh lực để phòng thủ 1 trong 2 mặt trận là Donetsk và Kharkov, chứ không thể giữ được cả 2.

Trong khi mọi sự chú ý đang hướng về Kharkov và phần nào đó là Sumy ở khu vực đông bắc thì cuộc tấn công của Moscow ở phía đông, vào Donetsk cũng đang phát triển thành công.

Quân đội Ukraine đang rút lui và Lực lượng vũ trang Nga có cơ hội tiếp cận chính “trái tim” của Ukraine ở vùng Donbass.

Nhận định về tương lai ảm đạm cho Lực lượng Vũ trang Ukraine được đưa ra bởi một chuyên gia phương Tây là ông Deborah Haynes, một nhà báo người Anh và biên tập viên thông tin quân sự tại Sky News.

Chasov Yar vẫn là điểm quyết chiến?

Theo chuyên gia này, bất kể là Nga mới mở chiến dịch tấn công Kharkov, các sự kiện quan trọng nhất hiện nay lại đang diễn ra ở khu vực thành phố Chasov Yar theo hướng Artemovsk (Bakhmut) thuộc địa giới của Cộng hòa Nhân dân Donetsk mà Nga đã chính thức sáp nhập vào tháng 6/2022.

Hiện nay, câu hỏi đặt ra là Ukraine sẽ nỗ lực đến đâu để giữ được thành phố này và liệu họ sẽ làm được điều đó trong thời gian bao lâu, trước sức tấn công mãnh liệt của Lực lượng Vũ trang Nga, trong khi vẫn đang phải phân tán binh lực trước chiến dịch tấn công trên toàn tuyến xung đột.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự phương Tây này nhận định rằng, người Ukraine khó có thể giữ được khu định cư chiến lược này trong thời gian dài và một khi chiếm được Chasov Yar, người Nga sẽ sử dụng nó làm một bàn đạp tấn công, mở đường cho người Nga đến các thành phố lớn khác của Donbass.

Lực lượng vũ trang Nga sẽ bắt đầu tấn công các vị trí của Lực lượng vũ trang Ukraine xung quanh thành phố Chasov Yar theo hai hướng.

Một bộ phận sẽ tới Konstantinovka, cố gắng liên lạc với các đơn vị Nga đang tiến từ Ocheretino để bao vây lực lượng vũ trang Ukraine tập trung gần Toretsk.

Nhóm quân thứ 2 sẽ tấn công theo trục Druzhkovka, Kramatorsk và Slavyansk để bao vây lực lượng vũ trang Ukraine gần Seversk.

Việc chiếm được tất cả các thành phố này sẽ dẫn đến việc Nga kiểm soát hoàn toàn 2 vùng Donetsk và Lugansk khỏi tay Quân đội Ukraine, hoàn tất một nửa mục đích mà Điện Kremlin đã tuyên bố từ đầu là kiểm soát toàn bộ địa giới 4 vùng mà Moscow đã sáp nhập (2 vùng còn lại là Kherson và Zaporozhye).

Giữ Donetsk hay tập trung phòng thủ Kharkov?

Sau khi chiếm được toàn bộ vùng Donbass, Lực lượng vũ trang Nga sẽ bắt đầu tiến xa hơn về phía trung tâm Ukraine, tấn công mạnh sang phía tây hướng tới thành phố Dnieper (Dnepropetrovsk), trong kế hoạch giành quyền kiểm soát toàn bộ tả ngạn sông Dnieper.

Rõ ràng là chính quyền Kiev sẽ dốc toàn lực với sự hỗ trợ của phương Tây, để ngăn chặn bước tiến của quân Nga trước khi họ tới được “rào cản nước” là con sông Dnieper - một trong những biên giới tự nhiên lớn nhất ở châu Âu.

Nhưng vào thời điểm hiện nay, đại bộ phận chủ lực của Quân đội Ukraine đang bị giam hãm ở tả ngạn con sông, ở vùng Zaporozhye ở phía nam và Donetsk ở phía đông, Kharkov ở đông bắc nên nếu Nga đã tiến tới ranh giới con sông này, đồng nghĩa với việc đại bộ phận binh lực Ukraine đã bị tàn phá hoàn toàn và Nga hoàn toàn không có gì phải lo lắng về ranh giới này.

Hồi tuần trước, các chuyên gia quân sự Anh khi bình luận về chiến dịch tấn công tiềm năng của Nga vào Kharkov (khi đó chưa diễn ra) cũng đưa ra quan điểm tương tự trên tờ The Financial Times (FT) và dự đoán hậu quả xấu hơn sẽ đến với Kiev nếu không có chiến lược đối phó khôn ngoan.

Theo họ, Kiev không có đủ nhân lực và trang bị để đối phó với các cuộc tấn công trên toàn tuyến giao tranh dài hàng nghìn km, nên Bộ chỉ huy Ukraine sẽ phải lựa chọn đúng hướng tăng cường phòng thủ và chỉ được phép lựa chọn 1 trong 2 mặt trận chủ chốt là Donetsk hay Kharkov.

Các chuyên gia Anh nhấn mạnh, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ phải tập trung binh lực giữ vững chỉ một trong hai mặt trận này, còn nếu cứ dàn quân phòng thủ ở mọi khu vực, họ sẽ mất tất cả.

LIÊN HỢP QUỐC ĐẨY MẠNH TIẾN TRÌNH GIÚP PALESTINE TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày thứ Sáu ủng hộ với tỉ lệ áp đảo nỗ lực của Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ bằng cách công nhận họ đủ điều kiện gia nhập và đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ “xét lại vấn đề một cách thuận lợi.”

Cuộc biểu quyết của Đại hội đồng gồm 193 thành viên là một cuộc khảo sát toàn cầu về sự ủng hộ dành cho nỗ lực vận động của Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ - một bước đi trên thực tế sẽ là công nhận một nhà nước Palestine - sau khi Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng trước.

Đại hội đồng thông qua một nghị quyết với 143 quyết thuận và chín biểu quyết chống - bao gồm Mỹ và Israel - trong khi 25 quốc gia không biểu quyết. Nó không trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ của LHQ mà chỉ công nhận họ có đủ điều kiện để gia nhập.

Nghị quyết "xác định rằng Nhà nước Palestine... do đó nên được kết nạp làm thành viên" và "khuyến nghị Hội đồng Bảo an xét lại vấn đề một cách thuận lợi."

Việc Palestine vận động để trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc diễn ra bảy tháng sau chiến tranh nổ ra giữa Israel và các phần tử chủ chiến người Palestine Hamas ở Dải Gaza, và trong khi Israel đang mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng, điều mà LHQ coi là bất hợp pháp.

Hồ sơ đệ nạp trở thành thành viên đầy đủ của LHQ trước tiên cần phải được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên và sau đó là Đại hội đồng chấp thuận. Nếu nghị quyết này được hội đồng biểu quyết một lần nữa, nó có thể sẽ đối mặt với số phận tương tự: bị Mỹ phủ quyết.

Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói với Đại hội đồng sau cuộc biểu quyết rằng các biện pháp đơn phương tại LHQ và trên thực địa sẽ không giúp thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.

"Biểu quyết của chúng tôi không phản ánh sự phản đối đối với việc thành lập một nhà nước Palestine; chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi ủng hộ điều đó và tìm cách thúc đẩy nó một cách có ý nghĩa. Thay vào đó, biểu quyết là sự thừa nhận tư cách nhà nước sẽ chỉ đến từ một quá trình bao gồm các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên," ông nói.

Liên Hợp Quốc từ lâu đã ủng hộ viễn kiến hai quốc gia sống cạnh nhau trong các đường biên giới an ninh và được công nhận. Người Palestine muốn có một nhà nước ở Bờ Tây, đông Jerusalem và Dải Gaza, tất cả lãnh thổ bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967 với các quốc gia Ả-rập láng giềng.

Nghị quyết của Đại hội đồng được thông qua hôm thứ Sáu sẽ trao cho Palestine một số quyền và đặc quyền bổ sung từ tháng 9 năm 2024 - như một ghế trong số các thành viên LHQ trong hội trường - nhưng họ sẽ không được quyền biểu quyết trong cơ quan này.

Palestine hiện là một quốc gia quan sát viên phi thành viên.

NGƯỜI ISRAEL TIẾP TỤC BIỂU TÌNH YÊU CẦU CHÍNH PHỦ GIẢI CỨU CON TIN

Hàng nghìn người Israel xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Netanyahu hành động nhiều hơn để trả tự do cho các con tin ở Gaza.

Hàng nghìn người Israel, trong đó có gia đình của các con tin đang bị giữ ở Dải Gaza, hôm 11/5 đem theo ảnh của người thân tham gia biểu tình trên đường phố Tel Aviv.

Trong đám đông biểu tình có Naama Weinberg, người thân của con tin Itai Svirsky, bị Hamas bắt cóc hôm 7/10/2023. Giới chức Israel nói Svirsky đã bị giết trong lúc bị giam ở Dải Gaza. "Sớm thôi, những con tin vẫn sống sót cũng sẽ không trụ được nữa. Hãy cứu họ ngay lập tức", Weinberg phát biểu trước đám đông.

Một số người biểu tình chặn cao tốc chính trong thành phố. Cảnh sát Israel để dùng vòi rồng để giải tán biểu tình và bắt ít nhất ba người.

Khoảng 2.000 người tụ tập trước dinh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Caesarea để tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công ngày 7/10/2023. Nhiều người biểu tình cáo buộc ông Netanyahu không quan tâm tới các con tin và yêu cầu ông lập tức từ chức, tổ chức bầu cử sớm.

Hamas đã bắt khoảng 250 người Israel và công dân nước ngoài trong cuộc tấn công Israel tháng 10 năm ngoái. Sau thỏa thuận trao đổi con tin hồi tháng 11 năm ngoái, khoảng 130 người vẫn bị giữ ở Gaza. Ít nhất 36 người trong số này đã được một ủy ban pháp y Israel xác định là đã tử vong.

Nguồn: VOV; Soha; CafeF; VOA; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang