Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù; DN vãng lai 'chây ì' thuế tại Quảng Nam; Khát vọng làm giàu từ biển; 'Bong bóng' chung cư

TUYÊN ÁN 8 NĂM TÙ CHO BỊ CÁO TRẦN QUÍ THANH

Theo HĐXX, bị cáo Trần Quí Thanh chiếm đoạt số tiền lớn, nhưng có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho xã hội, khắc phục một phần thiệt hại...nên tuyên phạt 8 năm tù.

Sau 2 ngày xét xử, sáng 25/4, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với ông Trần Quí Thanh và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Theo HĐXX, tại phiên tòa các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Vì vậy, trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào tài liệu và tranh luận tại phiên tòa có đủ cơ sở kết luận, thông qua một số người môi giới, bị cáo Trần Quí Thanh và 2 con gái cho một số doanh nghiệp, cá nhân vay tiền với lãi suất 3%.

Tiền lãi vay hợp thức bằng biên nhận tiền đặt cọc mua lại dự án, bất động sản; hứa hẹn khi thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi sẽ trả lại tài sản…

Theo chỉ đạo của bị cáo Thanh, 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đứng tên nhận chuyển nhượng tài sản. Tuy nhiên, sau đó cha con bị cáo Thanh làm các thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát tài sản của người vay.

Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, tiền lãi theo thoả thuận thì cha con bị cáo Thanh buộc chủ tài sản phải trả thêm tiền phạt. Đến khi nạn nhân chuẩn bị đủ tiền theo yêu cầu, cha con bị cáo Thanh vẫn không trả lại tài sản như đã hứa.

Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của các bị hại hơn 1.040 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Thanh chịu trách nhiệm chính. Bị cáo Phương có vai trò giúp sức, chịu trách nhiệm với giá trị tài sản chiếm đoạt là hơn 350 tỷ đồng của 4 bị hại; bị cáo Bích chịu trách nhiệm về số tiền chiếm đoạt của bà Đặng Thị Kim Oanh là hơn 600 tỷ đồng.

Theo HĐXX, các bị cáo phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cáo trạng truy tố các bị cáo về tội danh này là đúng pháp luật.

Các bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình vi phạm, cần phải xử lý nghiêm minh.

Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, các bị cáo Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương phạm tội 2 lần trở lên. Tuy nhiên, các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, tác động gia đình nộp hơn 800 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, chống dịch Covid-19, nhận được nhiều bằng khen, có nhiều đóng góp cho xã hội, công ty của các bị cáo tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động...

Bị cáo Thanh là người đủ 70 tuổi trở lên. Bị cáo Phương, Uyên phạm tội phụ thuộc, theo chỉ đạo vào bị cáo Thanh.

Từ những phân tích trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù; bị cáo Trần Uyên Phương 4 năm tù và Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng để sung công quỹ Nhà nước.

Về dân sự, buộc ông Lâm Sơn Hoàng phải trả lại số tiền còn thiếu là 115 tỷ đồng, hủy hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất giữa ông Hoàng và bị cáo Trần Phương Uyên.

Buộc người môi giới là ông Nguyễn Hoàng Phú trả lại số tiền môi giới 2,5 tỷ đồng, Thái Ngọc Quan 500 triệu.

Buộc ông Nguyễn Huy Đông trả số tiền đã vay 78 tỷ đồng, hủy các hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Đông và bị cáo Phương. Ông Đông không có ý kiến về việc trả tiền môi giới cho bà Đoàn Nguyễn Minh Hoàng nên HĐXX không xem xét.

Buộc ông Nguyễn Văn Chung hoàn trả cho bị cáo Thanh 34,7 tỷ đồng, hủy hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 452, giữa ông Chung và bị cáo Trần Uyên Phương.

Buộc ông Nguyễn Phi Long và Nguyễn Phước Lộc phải nộp trả số tiền môi giới đã nhận.

Buộc bà Đặng Thị Kim Oanh trả cho bị cáo Thanh hơn 235 tỷ đồng. Hủy hợp đồng giao kết về việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Minh Thành và dự án Nhơn Thành.

Không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về "cơ hội phát triển kinh doanh" tính từ thời điểm tài sản bị chiếm đoạt cho đến khi đưa vụ án ra xét xử là 531 tỷ đồng từ phía bà Đặng Thị Kim Oanh.

Trả lại hơn 183 tỷ đồng cho bà Nguyễn Thị Nụ là vợ của bị cáo Thanh đã nộp để khắc phục hậu quả cho các bị cáo.

NHIỀU DOANH NGHIỆP NGOẠI TỈNH TẠI QUẢNG NAM “CHÂY Ì” THUẾ

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh hoạt động tại tỉnh Quảng Nam không thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định…

Kê khai, phân bổ thuế không đầy đủ

Ngày 25/4, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, thời gian qua, công tác quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp ngoại tỉnh hoạt động sản xuất, xây dựng, lắp đặt và chuyển nhượng bất động sản phát sinh trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo nguồn thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thông tin về các chủ đầu tư có phát sinh hoạt động kinh doanh vãng lai trên địa bàn tỉnh chưa được cập nhật kịp thời, nhất là các dự án đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; các đơn vị hạch toán phụ thuộc có hoạt động sản xuất kê khai, phân bổ thuế không đầy đủ.

Một số doanh nghiệp ngoại tỉnh nhận thầu thi công, xây dựng các công trình, dự án không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước không thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định, có trường hợp kê khai nhưng không nộp dẫn đến nợ đọng lớn, kéo dài.

Việc phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin giữa các Sở, Ban, ngành, địa phương đôi lúc còn hạn chế.

Để tăng cường các giải pháp quản lý, khai thác tốt nguồn thu, tăng thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, xây dựng, lắp đặt, chuyển nhượng bất động sản do các đơn vị có trụ sở chính khác địa bàn tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Phòng, ban, đơn vị trực thuộc phối hợp cung cấp danh sách, thông tin giấy phép xây dựng, các chủ đầu tư xây dựng, các nhà thầu xây dựng đối với các dự án, công trình đầu tư mới, dự án, công trình đầu tư mở rộng phát sinh trên địa bàn cho Chi cục Thuế để thực hiện công tác theo dõi, quản lý thuế theo quy định.

Các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng của các chủ đầu tư trên địa bàn, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động xây dựng cơ bản, chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp ngoại tỉnh.

Ngoài ra, các đơn vị này phối hợp cung cấp thông tin cho Cơ quan Thuế khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, các gói thầu thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, phối hợp rà soát danh sách doanh nghiệp xây dựng cơ bản vãng lai để quản lý thu kịp thời, hiệu quả.

Xử lý theo quy định của pháp luật nếu vi phạm

Liên quan vấn đề này, đại diện Cục Thuế tỉnh Quảng Nam thông tin đã nhận được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để thu thập thông tin liên quan đến các đơn vị thuộc trường hợp phân bổ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản (các doanh nghiệp ngoại tỉnh) chuyển thông tin cho Chi cục Thuế theo dõi, quản lý.

Khi kiểm tra, thanh tra hồ sơ khai thuế, hoàn thuế GTGT đối với các dự án đầu tư mới, yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin nhà thầu thi công dự án đầu tư, nếu nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp ngoại tỉnh thì chuyển ngay thông tin cho Chi cục Thuế nơi địa bàn phát sinh dự án đầu tư, xây dựng để quản lý thuế và hướng dẫn thủ tục kê khai, nộp thuế.

Yêu cầu các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án, công trình xây dựng cung cấp thông tin các nhà thầu ngoại tỉnh đã và đang ký hợp đồng xây dựng, lắp đặt (nếu có) cho cơ quan thuế, đồng thời thông báo cho nhà thầu biết nghĩa vụ kê khai và nộp thuế vãng lai theo quy định.

Theo dõi, giám sát người nộp thuế thực hiện kê khai, phân bổ số tiền thuế phải nộp và nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước tại địa bàn nhận phân bổ; yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến khoản thu được phân bổ; thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi người nộp thuế không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về phân bổ nghĩa vụ thuế.

Thực hiện một số biện pháp đôn đốc thu nợ hoặc cưỡng chế nợ thuế đối với số thuế phải nộp tại địa bàn nhận phân bổ và thông báo cho Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp biết.

Chỉ đạo các Chi cục Thuế tăng cường tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp định kỳ đi kiểm tra thực tế trên địa bàn, nắm bắt thông tin các doanh nghiệp ngoại tỉnh có hoạt động sản xuất, bán hàng, lắp đặt vãng lai và nhà thầu có hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn để hướng dẫn thủ tục kê khai, nộp thuế.

Khi có thông tin về các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng thì Cục Thuế tỉnh, các Chi cục Thuế căn cứ vào phân cấp quản lý thuế dự án đầu tư chịu trách nhiệm ban hành Thông báo yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin nhà thầu xây dựng, giá trị công trình, hợp đồng xây dựng… cho Cơ quan Thuế theo quy định.

Qua thanh tra, kiểm tra thuế phát hiện nhà thầu ngoại tỉnh không kê khai, nộp thuế theo quy định, Cơ quan Thuế cần làm rõ trách nhiệm liên quan của các Sở, Ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố về việc phối hợp quản lý nguồn thu; xử lý trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp thông tin của chủ đầu tư theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trong khi đó, các chủ đầu tư được yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với các đơn vị ngoại tỉnh có hoạt động xây dựng, bán hàng vãng lai về nghĩa vụ nộp thuế trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, phối hợp, hỗ trợ Cơ quan Thuế thu thuế GTGT 1% trên giá trị từng lần thanh toán cho nhà thầu.

Trước khi thanh toán giá trị các công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành, chủ đầu tư cung cấp thông tin cho Cơ quan Thuế biết hoặc yêu cầu nhà thầu xây dựng cung cấp chứng từ đã nộp thuế GTGT 1% trên giá trị thanh toán trước thuế theo quy định.

Trường hợp nhà thầu chưa thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu thi công ủy quyền cho chủ đầu tư nộp thay và khấu trừ vào giá trị thanh toán để nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư cũng cần cung cấp thông tin nhà thầu xây dựng, giá trị công trình, hợp đồng xây dựng… theo yêu cầu của cơ quan thuế, chậm nhất khi dự án bắt đầu khởi công.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế ngoại tỉnh khi có hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản, có cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phải chấp hành khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế GTGT trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Trường hợp người nộp thuế không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kê khai thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp, không nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước tại địa bàn nhận phân bổ, thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về thuế.

BẠC LIÊU & KHÁT VỌNG LÀM GIÀU TỪ BIỂN

Ở vùng ven biển khu vực ĐBSCL, H.Đông Hải (Bạc Liêu) được xem là vùng đất đầy tiềm năng, có vị trí chiến lược để phát triển, khát vọng làm giàu từ biển.

Tiềm năng và lợi thế

Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó chủ tịch UBND H.Đông Hải cho biết, Đông Hải có bờ biển dài hơn 23 km, với 2 cửa biển lớn là Gành Hào và Cái Cùng. Ngoài ra, Cảng cá Gành Hào của huyện là cảng có quy mô lớn của vùng, có thể thông thương ra biển Đông tiếp nhận nhiều tàu cá cập bến. Toàn huyện còn có trên 39.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm công nghệ cao. Đặc biệt, huyện có hơn 1.300 ha đất sản xuất muối, là địa phương có nghề làm muối truyền thống trên 100 năm, quy mô diện tích làm muối lớn nhất nước ta. Với tiềm năng, lợi thế về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn chạy dài hàng chục km ven biển... Đông Hải thực sự là vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu.

Theo ông Hán, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 31.7.2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, khóa XV về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã, đến nay, huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo kết luận số 127 ngày 29.7.2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XVI về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 06, đến năm 2025, xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, UBND H.Đông Hải đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, quan trọng như: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến về hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 06 đề ra. Cụ thể: tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 180.000 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng/người/năm; lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 1%; hoàn thành xây dựng Cảng cá Gành Hào đạt chuẩn loại 1...

Xây dựng hoàn thành cảng cá Gành Hào

Ông Nguyễn Trọng Hán cho biết, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh công tác quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tập trung quy hoạch tích hợp các ngành kinh tế mũi nhọn như: du lịch sinh thái; dịch vụ hậu cần nghề cá; nuôi trồng và khai thác thủy sản; công nghiệp ven biển và năng lượng tái tạo.

Đồng thời, huy động mọi nguồn lực và tranh thủ sự ủng hộ, đầu tư của các bộ, ngành T.Ư và nguồn ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, huy động các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và vốn trong dân. Huyện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung khai thác quỹ đất để tạo nguồn lực tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 353 hạng mục công trình. Phối hợp sở, ngành tỉnh hoàn thành các công trình, dự án động lực như: Xây dựng hoàn thành Cảng cá Gành Hào; khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão Gành Hào, Bến xe khách Gành Hào, mở rộng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; cơ sở đóng tàu biển; khu sản xuất con giống chất lượng cao; cụm công nghiệp xã Long Điền Tây; cầu Vàm Xáng kết nối tuyến đường An Phúc - Gành Hào với tuyến đường Gành Hào - Hộ Phòng…

Tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, sinh thái; khuyến khích phát triển các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nuôi tôm sinh thái, nuôi ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao gắn với đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho từng sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của Việt Nam và các nước lân cận cho ngư dân, hạn chế tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; Tập trung phát triển và có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, hiện đại và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động đánh bắt.

"Bên cạnh đó, tăng cường công tác kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, các dự án về du lịch, như: khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn sinh quyển tại ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây; từng bước hình thành, phát triển quần thể du lịch tâm linh khu Lăng ông Nam Hải (Gành Hào); du lịch khu vực ven biển, du lịch điện gió; khôi phục, phát triển các làng nghề chế biến khô thủy, hải sản, sản xuất muối. Tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng tự vệ biển, các tổ, đội hợp tác vừa khai thác, đánh bắt thủy sản vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển", ông Nguyễn Trọng Hán chia sẻ.

CẨN TRỌNG “BONG BÓNG” GIÁ CHUNG CƯ

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ số giá chung cư tại Hà Nội ở thời điểm này tăng 48% so với quý I/2019. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn mà giá lại tăng mạnh là điều bất thường. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Hà Nội chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư.

Thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục thì việc căn hộ chung cư ở Hà Nội “sốt nóng”, giá bán tăng mạnh cần phải coi là bất bình thường. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có biện pháp kéo giá xuống thì nguy cơ “nổ bong bóng” có thể xảy ra.

Thực tế thì từ cuối năm 2023 tới nay, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện tượng chung cư tăng giá mạnh chỉ mang tính cục bộ, không đại diện cho toàn bộ thị trường. Giá thuê, mua nhà không ngừng tăng được nhận định có dấu hiệu tác động, tạo thông tin nhiễu loạn từ các nhóm đầu cơ tạo cung cầu ảo để đẩy giá, thổi giá, nhằm trục lợi.

Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, phân khúc chung cư đã có dấu hiệu “bong bóng”. Nếu nguồn cung thiếu mà cầu vẫn tiếp tục tăng, dễ xảy ra tình trạng người có chung cư nghĩ giá còn lên nữa nên không bán. Lợi dụng điều đó, việc “thổi” giá gia tăng, đến độ không biết đâu là giá “lõi”, đâu là phần thêm thắt.

Vì thế, dù giá tăng mạnh, nhu cầu nhà ở chung cư cao nhưng giao dịch không nhiều. Đó được coi là yếu tố phi thị trường, do có thể có sự tác động không tích cực của giới đầu cơ vốn vẫn có thói quen tác động vào thị trường theo hướng tiêu cực để tạo ra sự khan hiếm giả tạo, tăng giá ảo.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản mới vượt qua được khó khăn, chuẩn bị cho việc khởi động lại thì việc tăng giá đến mức vô lý căn hộ chung cư ở Hà Nội là dấu hiệu bất thường.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng không thể "làm xiếc" với giá nhà, đất nếu nguồn cung cân bằng. Theo ông Đỉnh, nếu nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thì những người có lợi thế sở hữu nhà, đất đương nhiên sẽ “hét” giá cao.

“Giới môi giới, đầu cơ không thể "làm xiếc" với giá nhà, đất nếu nguồn cung sản phẩm ra thị trường cân bằng với nhu cầu của người dân. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn sớm có hiệu lực để tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, khiến hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản trở nên đồng bộ, minh bạch để các dự án được khơi thông, cán cân "cung - cầu" được cân bằng” - ông Đỉnh nói.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GPInvest, thì mặt bằng giá chung cư hiện nay ở Hà Nội không thật và rất cần có sự điều tiết của Nhà nước.

Ở thời điểm này, giá các căn hộ chung cư thành phố Hà Nội đều tăng đột biến; trung bình khoảng 56 triệu đồng/m2, tăng 5% theo quý và tăng 19% theo năm. Báo cáo mới đây của Cushman & Wakefield cũng cho rằng giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng bình quân 9%/năm trong vòng 5 năm trở lại đây.

Với mức giá như vậy thì số người có đủ tiền mua chung cư ở Hà Nội trong giai đoạn này là rất ít. Một nghiên cứu cho rằng, với người lao động thu nhập 11 triệu đồng/tháng (mức quy định khởi điểm đóng thuế thu nhập cá nhân) thì phải tích lũy từ 35 đến 40 năm mới có thể mua được một căn hộ chung cư loại trung bình.

Vấn đề quan trọng nhất là phải tăng nguồn cung căn hộ chung cư phân khúc trung bình, thay vì nhiều năm qua quá chú trọng tới phân khúc căn hộ cao cấp. Đáng chú ý, trong khi nhu cầu nhà ở tại Hà Nội tiếp tục gia tăng thì tiến độ xây dựng nhà ở xã hội lại chậm; một số dự án lại quá xa trung tâm, khó khăn cho người dân khi đi làm xa, chỗ học cho con cái xa, cùng với hạ tầng thiếu đồng bộ.

Điều đó cần sớm được nhìn nhận một cách rất thực tế và sớm có giải pháp điều chỉnh.

Tới nay, căn hộ chung cư trong các quận nội thành không còn giá 30 triệu đồng/m2. Giá nhà trong ngõ sâu, chung cư cũ xuống cấp vốn dĩ không nhận được nhiều sự quan tâm của người mua nhà thì tới nay cũng ồ ạt lên giá. Theo Savills Hà Nội, hiện đang có hiện tượng nhà đất ở Hà Nội vượt quá ngưỡng. Điều đó không chỉ gây khó khăn hơn cho người có nhu cầu thực về nhà ở, mà còn khiến thị trường bất động sản nói chung, căn hộ chung cư nói riêng thêm bất ổn.

Trước mắt, cần sớm có giải pháp kéo giảm giá căn hộ chung cư tại Hà Nội xuống. Mà cụ thể là cần ngăn chặn nạn “găm hàng”, “thổi” giá nhằm trục lợi tại các dự án.

Nguồn: Vietnamnet; Người Đưa Tin; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang