EU: Đầu tư nước ngoài giảm; Các thành phố Anh vỡ nợ; Pháp làm sạch sông Seine, dẫn đầu cuộc đua FDI; Anh hứa viện trợ Ukraine

DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI GIẢM ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP VÀO CHÂU ÂU

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp nước ngoài giảm đầu tư vào châu Âu xuất phát từ tình hình giá năng lượng không ổn định và nhiều quy định mới về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo...

Theo số liệu khảo sát mới nhất của hãng dịch vụ kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst & Young có trụ sở tại Vương quốc Anh, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước châu Âu đã giảm trong năm 2023. Đáng chú ý, các nền kinh tế lớn tại châu Âu đã ghi nhận mức giảm tương đối cao.

Số liệu khảo sát từ các doanh nghiệp do hãng kiểm toán Ernst & Young cho thấy, 2023 là năm đầu tiên số dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được đăng ký ở các nước châu Âu giảm kể từ đại dịch COVID-19, sau khi tăng trong cả năm 2021 và 2022.

Đầu tư FDI trong năm 2023 tại châu Âu thấp hơn 14% so với mức đỉnh của năm 2017. Đức chứng kiến mức giảm lên tới 12%, còn Pháp ghi nhận số dự án giảm ít nhất là 5%. Pháp cũng là quốc gia đứng đầu danh sách thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi Vương Quốc Anh giành vị trí thứ hai với số dự án FDI tăng 6%.

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài giảm đầu tư vào châu Âu xuất phát từ tình hình giá năng lượng không ổn định và nhiều quy định mới về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phát triển bền vững và bảo vệ dữ liệu được áp dụng ở cấp độ châu Âu và từng quốc gia.

Các nước châu Âu dù đã thống nhất nguyên tắc cải cách toàn diện thị trường chung châu Âu, trọng tâm là tạo một thị trường năng lượng thống nhất, song kế hoạch này chưa thể thực hiện do những khác biệt về việc giải ngân số tiền cho cải cách. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại với thị trường châu Âu.

CHUYỆN GÌ ĐANG KHIẾN CÁC THỊ TRẤN, THÀNH PHỐ Ở ANH “VỠ NỢ”?

Theo hãng CNN, không chỉ riêng Birmingham, số phận chung ở nhiều thị trấn và thành phố khác của nước Anh hiện cũng đang rơi vào nguy cơ phá sản.

Vào năm 1890, một nhà báo người Mỹ tên là Julian Ralph đã đi từ New York đến thành phố Birmingham (Anh) và nhận thấy đây là "thành phố được quản lý tốt nhất trên thế giới".

Thời điểm đó, ông Ralph từng ca ngợi Hội đồng thành phố Birmingham đã mang đến đời sống văn hóa đa dạng cho người dân thông qua hệ thống các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và thư viện miễn phí hay hồ bơi và phòng tắm. Đường phố luôn giữ gìn "sạch sẽ một cách lạ thường và việc sử dụng đèn khí đốt - được phát minh ở thành phố này vài thập kỷ trước - để giữ cho đường phố luôn sáng.

Tuy nhiên, vào năm 2024, du khách đến Birmingham sẽ nhìn thấy một không gian công cộng đã khác. Hội đồng thành phố đang xem xét khả năng bán các phòng trưng bày nghệ thuật. Họ cũng có kế hoạch đóng cửa 25 thư viện. Bể bơi miễn phí không còn nữa. Việc thu gom rác thải diễn ra hai tuần một lần. Giống như khí đốt, nước sinh hoạt lần đầu tiên được quốc hữu hóa, sau đó được tư nhân hóa. Và, trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm cắt giảm chi phí, thành phố đã giảm độ sáng đèn đường.

Birmingham - thành phố lớn thứ hai ở Vương quốc Anh và là chính quyền địa phương lớn nhất ở châu Âu - đã tuyên bố phá sản vào tháng 9 năm ngoái. Không thể cân bằng ngân sách hàng năm, họ đã đưa ra thông báo "mục 114": phiên bản phá sản. Để lấp đầy khó khăn tài chính, hội đồng cắt giảm dịch vụ, cắt giảm tài sản và tăng thuế, khiến người dân phải trả nhiều tiền nhiều hơn với dịch vụ.

Những vẫn đề phát sinh được cho là do không trả lương bình đẳng cho nữ giới và nam giới khi họ phải làm những công việc giống nhau, và giờ phải bồi thường. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin không thành công, thành phố đã phải gánh khoản nợ khoảng 1 tỷ bảng Anh (1,25 tỷ USD).

Trong khi đó, nguồn tài trợ của Birmingham từ chính phủ trung ương cũng bị cắt thêm 1 tỷ bảng Anh như một phần của chương trình "thắt lưng buộc bụng" trong thập kỷ kể từ năm 2010, trong khi nhu cầu về các dịch vụ và chi phí đang tăng vọt. Hội đồng thành phố nhận thấy dường như họ đang bị mắc vào "bẫy diệt vong" - khi áp lực ngân sách tăng lên, các khoản trợ cấp từ chính phủ giảm xuống.

Theo hãng CNN, Birmingham là một trong những thành phố đầu tiên của Anh thất thủ nhưng số phận chung vẫn có thể gặp với nhiều thị trấn và thành phố khác của nước Anh. Từ năm 1988 đến năm 2018, chỉ có hai hội đồng bị phá sản.

Thành phố Birmingham dự kiến bị thâm hụt 87 triệu bảng Anh trong năm tài chính 2023 - 2024.

Đáng chú ý, Học viện Birmingham và Midland từng được ca ngợi là "nguồn giáo dục tuyệt vời". Được thành lập vào giữa thời kỳ Victoria, Học viện cung cấp các lớp học ngôn ngữ, văn học và khoa học.

Vào tháng 4/2024, rất nhiều người dân đã tập trung tại Học viện, không phải để đến lớp mà để phản đối việc cắt giảm sâu các dịch vụ công của Hội đồng thành phố Birmingham.

"Những đợt cắt giảm này không chỉ khó khăn mà còn tàn phá thành phố", bà Kate Taylor - một người dân ở thành phố nói.

Bà Taylor, có con trai mắc chứng tự kỷ, đã bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm. Những người trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt từ lâu đã nhận được sự hỗ trợ từ hội đồng, chẳng hạn như phương tiện đưa đón từ nhà đến trường bằng xe buýt nhỏ chuyên dụng. Nhưng điều này hiện đã bị cắt; thay vào đó những người trẻ tuổi đã được cấp thẻ đi xe buýt.

Bà Taylor nói: "Đối với một thanh niên mắc chứng tự kỷ cần sự nhất quán, điều đó thực sự rất khó khăn.

'Vượt quá giới hạn'

Theo tiêu chuẩn quốc tế, chính quyền địa phương ở Anh đang rất yếu. Ở Anh, chưa đến 5% thuế được thu tại địa phương. Các quốc gia khác trao cho chính quyền địa phương nhiều quyền hơn để tăng doanh thu, cụ thể Pháp, 14% thuế được thu tại địa phương; ở Đức là 25%; ở Thụy Điển là 35%.

Không thể tự huy động được nhiều doanh thu, các hội đồng thành phố ở Anh thường phải nhận các khoản tài trợ từ chính quyền trung ương. Nhưng những khoản trợ cấp đó đã giảm 40% theo giá trị thực tế trong khoảng thời gian từ năm 2009-2010 đến năm 2019-2020, mức thấp nhất. Chính phủ trung ương đã bơm thêm vốn trong đại dịch Covid-19, có nghĩa là mức giảm thu nhập từ trợ cấp theo giá trị thực tế vào năm 2021-2022 là 21%. Nhưng các hội đồng vẫn đang nỗ lực đuổi kịp sau hơn một thập kỷ thiếu vốn.

Trong khi nguồn tài trợ bị cắt giảm, nhu cầu về dịch vụ vẫn tăng lên. Nhiều người cao tuổi, thường xuyên ốm đau hơn, tiêu tốn ngày càng nhiều vào ngân sách của hội đồng. Một thập kỷ trước, khoảng 52% được chi cho chăm sóc xã hội. Năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng lên 61%. Việc cắt giảm phải được thực hiện ở nơi khác. Với phần lớn ngân sách rơi vào tay một phần nhỏ dân số, hầu hết người Anh đều băn khoăn không biết họ đang trả tiền cho cái gì: hóa đơn của họ ngày càng tăng khi đường phố ngày càng bẩn hơn và dịch vụ suy giảm.

Và khi nhu cầu tăng lên, chi phí cũng tăng theo - thường ở mức cao hơn nhiều so với lạm phát quốc gia. Trong năm 2017-2018, hội đồng Birmingham nói rằng họ đã chi 20 triệu bảng Anh cho việc đưa đón từ nhà đến trường cho trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Đến năm 2021-2022, hóa đơn là 40 triệu bảng.

Ông John Cotton, lãnh đạo Hội đồng thành phố Birmingham cho biết chi phí cung cấp dịch vụ của chúng tôi đã tăng lên. Việc cấp vốn thấp cộng với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ đang thực sự đẩy các hội đồng đến bờ vực.

"Thắt lưng buộc bụng", từng chỉ là dự định của một giai đoạn ngắn ngủi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng hiện đã trở thành một cơn ác mộng mà nước Anh đang phải vật lộn.

Theo kế hoạch tài trợ mới nhất của chính phủ, "căn bệnh" này hiện được kỳ vọng sẽ trở thành phương thuốc chữa trị: chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách trong những năm tới./.

PHÁP LÊN KẾ HOẠCH KHỦNG LÀM SẠCH SÔNG SEINE

Pháp xây bể ngầm khổng lồ để ngăn nước thải tràn vào sông Seine, giúp đảm bảo dòng sông này đủ sạch để làm điểm thi đấu Olympic Paris 2024.

Giới chức Pháp hôm 2/5 khánh thành bể ngầm khổng lồ được đào cạnh nhà ga Austerlitz ở thủ đô Paris, với mục đích trữ nước mưa và ngăn nước thải chảy vào sông Seine, nơi sẽ diễn ra các môn thi bơi tại Olympic và Paralympic Paris năm nay.

Bể ngầm này có thể chứa lượng nước bẩn tương đương thể tích của 20 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Nước mưa và nước thải nhiễm khuẩn đổ vào bể sau đó sẽ được xử lý, thay vì xả thẳng qua cống thoát nước xuống sông.

Bộ trưởng Thể thao Pháp Amélie Oudéa-Castéra ca ngợi Paris có khả năng "cung cấp cho các vận động viên từ khắp thế giới địa điểm thi đấu tuyệt vời trên sông Seine".

Năm 2023, ba sự kiện bơi thử nghiệm trên sông Seine bị hủy do chất lượng nước kém, chứa lượng vi khuẩn E-Coli cao. Đây là loại vi khuẩn có trong chất thải của người, một số chủng có độc lực cực mạnh.

Một trong những nguyên nhân khiến sông Seine không đảm bảo vệ sinh là do mưa lớn làm ngập hệ thống cống thoát cũ của Paris, khiến nước mưa lẫn nước thải dềnh lên, chảy vào con sông.

"Chúng ta sẽ làm kịp. Vào thời điểm khai mạc Olympic, chất lượng nước ở sông Seine sẽ đủ tiêu chuẩn làm nơi thi đấu. Đó là thành công to lớn của cả một tập thể", Thống đốc vùng Paris Marc Guillaume nói.

Thị trưởng Anne Hildago cam kết sẽ bơi ở sông Seine trước khi diễn ra Olympic, có thể là cùng với Tổng thống Emmanuel Macron. Bà Hildago nói bể ngầm mới có thể trữ nước mưa ngay cả khi xảy ra bão lớn và sẽ giúp thoát nước nhanh nhất có thể.

Pháp đang chạy đua với thời gian để cải thiện chất lượng nước sông Seine trước thềm Olympic Paris khai mạc vào ngày 26/7. Giới chức Pháp đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho nỗ lực này, trong đó nâng cấp các cơ sở xử lý nước thải và nước mưa ở thủ đô. Tổng thống Macron đã cam kết sẽ bơi trên sông Seine để chứng minh dòng sông đủ sạch.

PHÁP DẪN ĐẦU CUỘC ĐUA FDI Ở CHÂU ÂU

Năm thứ 5 liên tiếp, Pháp đánh bại Anh và Đức trong cuộc đua thu hút FDI ở “cựu lục địa” nhưng vị trí lãnh đạo châu Âu của Paris có thể bị thách thức.

Pháp vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất của châu Âu đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 2023, một cuộc khảo sát của hãng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp đa quốc gia Ernst & Young (EY) công bố hôm 2/5 cho biết, trong bối cảnh các dự án mới trên khắp châu Âu đang chậm lại.

Năm thứ 5 liên tiếp, Pháp đánh bại Vương quốc Anh và Đức trong cuộc đua thu hút FDI ở “cựu lục địa”. Nhưng EY cảnh báo rằng vị trí lãnh đạo châu Âu của Paris có thể bị thách thức bởi “khoảng cách về khả năng cạnh tranh lâu dài, bên cạnh những hậu quả của môi trường xã hội hiện hành và cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây”.

“Tài chính, chi phí lao động và thuế – những nguyên lý cạnh tranh cơ bản – vẫn được coi là điểm yếu”, báo cáo của hãng kiểm toán có trụ sở tại London (Anh) cho biết, đồng thời nhấn mạnh sự suy giảm “chất lượng cuộc sống” do “khí hậu xã hội” ở Pháp. Pháp cũng chứng kiến các dự án nghiên cứu và phát triển giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, EY lưu ý.

Các dự án đầu tư giảm 4% trên khắp châu Âu – trong đó Pháp và Đức lần lượt báo cáo mức giảm 5% và 12%. Mặc dù vẫn theo sau Pháp nhưng Vương quốc Anh đã đi ngược lại xu hướng trên toàn lục địa với mức tăng 6% về FDI.

Vào năm 2023, “các nhà đầu tư nhận thấy sự ổn định trở lại nhất định trên thị trường Anh” sau năm 2022 bị hủy hoại bởi sự bất ổn chính trị với 3 Thủ tướng khác nhau cầm quyền và giá năng lượng tăng vọt, chuyên gia tư vấn của EY France Marc Lhermitte nhấn mạnh.

Đức vẫn bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng hạn chế, chi phí năng lượng và sự không chắc chắn về khả năng đảm bảo nhu cầu năng lượng của đất nước. “Tỉ lệ thất nghiệp thấp, bộ máy quan liêu phức tạp và chi phí lao động cao hiện đang hạn chế khả năng của Đức về thu hút nhiều công ty nước ngoài hơn”, ông Lhermitte cho biết

ANH CAM KẾT VIỆN TRỢ UKRAINE 3 TỶ BẢNG MỖI NĂM

Ngoại trưởng Anh David Cameron ngày 2/5 cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine mỗi năm 3 tỷ bảng Anh (3,74 tỷ đô la), đồng thời tuyên bố rằng London không phản đối việc sử dụng vũ khí bên trong nước Nga.

Ông nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn nhân chuyến thăm Kyiv: “Chúng tôi sẽ viện trợ 3 tỷ bảng Anh mỗi năm, hễ còn cần thì chúng tôi còn duy trì. Chúng tôi thực sự đã dùng hết tất cả những gì có thể để cung cấp thiết bị”. Ông cho biết gói viện trợ này là lớn nhất từ Vương quốc Anh cho đến nay.

Ông nhấn mạnh: “Một số (thiết bị) đó thực sự đã đến Ukraine hôm nay, trong khi tôi đang ở đây”.

Ông Cameron cho biết Ukraine có quyền sử dụng vũ khí do London cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga và việc có làm như vậy hay không là tùy thuộc vào Kyiv.

“Ukraine có quyền đó. Giống như Nga đang tấn công bên trong Ukraine, bạn hoàn toàn có thể hiểu tại sao Ukraine cảm thấy cần phải đảm bảo rằng họ có thể tự vệ,” ông Cameron nói với Reuters.

Ông Cameron, người đã lãnh đạo Vương quốc Anh từ năm 2010 và 2016 với tư cách thủ tướng và chỉ mới trở lại chính trường vài tháng trước, đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trong chuyến thăm thứ nhì lần này tới Kyiv với tư cách là ngoại trưởng.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh hoan nghênh việc Quốc hội Hoa Kỳ công bố gói viện trợ trị giá 60 tỷ đô la vốn bị trì hoãn lâu nay.

“Nó cực kỳ quan trọng, không chỉ về mặt vũ khí mang lại, mà còn là sự nâng cao tinh thần cho người dân ở Ukraine.”

Tuy nhiên, ông Cameron không trả lời trực tiếp khi được hỏi ông nghĩ việc ứng cử viên dẫn đầu Đảng Cộng hòa Donald Trump tái đắc cử vào Nhà Trắng có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine.

Ông Trump và các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn trong Quốc hội Mỹ phản đối việc viện trợ thêm cho Ukraine, ngoại trừ là một khoản vay.

Ông Cameron nói: “Chúng tôi không có quyền quyết định người Mỹ chọn ai làm tổng thống của họ - chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ người đó là ai.”

Ngoại trưởng Anh kêu gọi chiến lược dành cho các đồng minh của Ukraine phải là đảm bảo Ukraine luôn ở thế dẫn đầu vào lúc diễn ra cuộc bầu cử ở Mỹ tháng 11 năm nay.

Nguồn: VTV; Tổ Quốc; Vnexpress; Người Đưa Tin; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang