EU: Sân bay ở Anh tê liệt; London nóng hơn; Siêu giàu trỗi dậy ở Thụy Điển; Phần Lan trục lợi từ xung đột; Ý cảnh báo Zelensky

SỰ CỐ KHIẾN TOÀN BỘ SÂN BAY Ở ANH TÊ LIỆT

Hàng chục nghìn hành khách phải xếp hàng dài tại các sân bay trên khắp nước Anh do sự cố kỹ thuật với hệ thống kiểm soát hộ chiếu điện tử.

Các sân bay Heathrow, Gatwick và Manchester là 3 trong số hàng chục sân bay ở nước Anh gặp sự cố với cổng điện tử kiểm soát hộ chiếu (eGates) ngày 7/5. Sự cố đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hành khách.

Các hình ảnh đăng tải trên mạng cho thấy hành khách xếp hàng dài tại các sân bay ở nước Anh để chờ kiểm tra hộ chiếu thủ công. Tình trạng này gây quá tải cho cơ sở vật chất ở một số sân bay, khiến một bộ phận khách hàng không có đủ nước và nhà vệ sinh.

Theo Bộ Nội vụ Anh, trục trặc hệ thống được phát hiện lúc 19h44 ngày 7/5. "Sau nửa đêm, cổng thông tin kiểm soát hộ chiếu mới được khôi phục", Bộ Nội vụ Anh cho biết và nhấn mạnh thêm rằng an ninh biên giới vẫn được đảm bảo.

Có hơn 270 eGates trên khắp các sân bay và nhà ga ở Anh. Các cổng điện tử này cho phép tiến hành nhanh chóng nhận dạng khuôn mặt. Tuy nhiên, sân bay Belfast, nơi không có eGates, cũng chứng kiến hệ thống của Hải quan bị ảnh hưởng.

Đây không phải là lần đầu tiên các vấn đề về công nghệ thông tin khiến các sân bay ở Anh tê liệt. Vào tháng 8 năm ngoái, một sự cố kiểm soát không lưu xảy ra do trục trặc trong hệ thống lập kế hoạch bay trên máy tính đã khiến 1.500 chuyến bay bị hủy. Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh ước tính vào tháng 3 rằng hơn 700.000 hành khách đã bị ảnh hưởng.

NGƯỜI LONDON DẦN LÀM QUEN VỚI NHIỆT ĐỘ TRÊN 30 ĐỘ C

Nghiên cứu mới cảnh báo thủ đô London của Anh phải thích ứng với "thực tế nóng hơn" khi số ngày trên 30 độ C tăng lên.

Trong ba thập kỷ qua, thủ đô London đã chứng kiến 116 ngày nhiệt độ trên 30oC, nhưng hơn một nửa trong số này (59 ngày) đã xảy ra trong 10 năm qua.

Phân tích của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) cho thấy những ngày nhiệt độ trên 35oC cũng đang trở nên phổ biến hơn ở thành phố này, cũng như chuỗi ngày liên tiếp có nền nhiệt lên tới hơn 30oC.

Mức nhiệt tăng cao có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe, khiến nhiều người bị bệnh do kiệt sức vì nắng nóng và say nắng, trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Vào mùa hè đặc biệt nóng nực năm 2022, sau khi hứng chịu 5 đợt nắng nóng gay gắt, Anh ghi nhận gần 3.000 ca tử vong do nhiệt độ tăng cao, trong khi giao thông đường bộ, đường sắt bị ảnh hưởng và băng tan chảy khiến giao thông hỗn loạn.

Tucker Landesmann - nhà nghiên cứu cấp cao của IIED - cho biết: "London đang ngày càng nóng hơn và cần phải có hành động khẩn cấp để thích ứng với thực tế mới này".

IIED nhận xét các chiến lược nhằm giúp London thích ứng với sức nóng ngày càng tăng đã có nhưng phải được thực hiện.

Những ngày liên tiếp nền nhiệt trên 30oC cũng trở nên thường xuyên hơn. Trong những năm 990 và 2000, mỗi thập kỷ có 2 năm với 3 ngày liên tiếp mức nhiệt từ 30oC trở lên. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, các năm ngoại trừ năm 2021 đều chứng kiến nhiệt độ tăng trên 30 ở London trong 3 ngày liên tiếp trở lên vào mỗi mùa hè.

Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) cho biết mùa hè ở Anh dự kiến sẽ trở nên nóng hơn và khô hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Phân tích trên là một phần của dự án nghiên cứu rộng hơn do tổ chức nghiên cứu độc lập IIED thực hiện nhằm đánh giá biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến các thành phố thủ đô đông dân nhất thế giới.

Đây chỉ là một trong hàng loạt cảnh báo trong năm 2023 về nhu cầu cấp thiết phải thích ứng với biến đổi khí hậu tại Anh.

Vào tháng 12/2023, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh cảnh báo chính phủ nước này "không có chiến lược hiệu quả" để bảo vệ đất nước khỏi tình trạng thời tiết khắc nghiệt.

Các biện pháp giúp thành phố London thích ứng với nhiệt độ tăng cao bao gồm tăng diện tích che phủ cây xanh và không gian xanh để chống lại hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị", áp dụng các lối thiết kế chuyên dụng như cách nhiệt và cửa chớp để giữ cho tòa nhà mát mẻ, đồng thời thay đổi giờ làm việc để tránh những thời điểm nóng nhất trong ngày.

Ông Landesmann thừa nhận việc thích ứng với "thực tế nóng hơn" sẽ đòi hỏi "sự đầu tư nghiêm túc" và "hành động quyết liệt".

"Nhưng cái giá phải trả nếu không hành động ứng phó cũng rất lớn liên quan đến sức khỏe của người dân và năng suất lao động bị giảm sút", ông Landesmann nói.

GIỚI SIÊU GIÀU BÙNG NỔ Ở THỤY ĐIỂN

Thụy Điển nổi tiếng là nơi đánh thuế cao và tôn trọng bình đẳng xã hội, nhưng gần đây lại chứng kiến sự bùng nổ của những người siêu giàu.

Tại biệt thự trên vách đá ở đảo Lidingo, doanh nhân Konrad Bergstrom khoe hầm rượu 3.000 chai mà ông rất yêu thích. Bên ngoài, biệt thự của ông có bể bơi, phòng gym với nội thất bọc da tuần lộc và một hộp đêm mini.

Đây là một trong những khu dân cư giàu có nhất Thụy Điển, cách trung tâm thủ đô Stockholm chưa đầy 30 phút lái xe, với nhiều biệt thự lớn, từ villa gỗ cho đến những căn tối giản nhiều kính.

"Tôi có rất nhiều bạn bè trong giới âm nhạc, nên thường bật nhạc nghe thường xuyên", Bergstrom, đồng sáng lập một doanh nghiệp tai nghe và loa, nói. Căn biệt thự ở Lidingo là một trong 4 bất động sản mà ông sở hữu ở Thụy Điển và Tây Ban Nha.

Dù cuộc sống của Bergstrom có thể không quá hào nhoáng đối với một doanh nhân thành đạt, điều khiến giới quan sát ngạc nhiên là số lượng người thuộc giới siêu giàu như ông đang tăng lên nhanh chóng tại Thụy Điển, quốc gia nổi tiếng với chính sách đánh thuế cao để xây dựng hệ thống phúc lợi mạnh mẽ, đảm bảo công bằng xã hội cho người dân.

Trong ba thập kỷ qua, số lượng người siêu giàu ở nước này đã bùng nổ. Năm 1996, Thụy Điển chỉ có 28 người có tài sản ròng trên 91 triệu USD, hầu hết xuất thân từ các gia tộc giàu có. Năm 2021, con số này tăng lên 542, sở hữu khối tài sản tương đương 70% GPD quốc gia.

Hiện quốc gia có 10 triệu dân này là một trong những nước có tỷ lệ tỷ phú cao nhất thế giới. Nước này có 43 tỷ phú, tương đương 4 tỷ phú trên một triệu người, gấp đôi so với tỷ lệ ở Mỹ.

Lĩnh vực công nghệ phát triển rất mạnh là một trong những lý do khiến số lượng tỷ phú ở Thụy Điển bùng nổ. Quốc gia này được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của châu Âu", sản sinh khoảng 40 start up kỳ lân trị giá hơn một tỷ USD trong 20 năm qua.

Skype, Spotify đều sinh ra tại Thụy Điển. Những câu chuyện làm start up ở nước này cũng nổi tiếng những năm gần đây.

Tại khối văn phòng công nghệ cao Epicenter, doanh nhân kỳ cựu Ola Ahlvarsson cho hay điều này xuất phát từ chính sách giảm thuế cho máy tính gia đình ở Thụy Điển từ những năm 1990. Điều này đã giúp "kết nối người dân nhanh hơn nhiều so với các nước khác".

Là nhà khởi nghiệp lâu năm, ông Ahlvarsson cũng chỉ ra vai trò của văn hóa cộng tác, hợp tác trong môi trường start up ở Thụy Điển góp phần tạo dựng nên thành công này. Các doanh nhân thành đạt ở Thụy Điển thường trở thành hình mẫu cho các thế hệ start up kế cận, cũng như đầu tư vào họ.

Diện tích lớn cũng khiến Thụy Điển trở thành thị trường thử nghiệm hiệu quả. "Doanh nghiệp có thể thử nghiệm mọi chiến lược ở nước này với chi phí rẻ, ít rủi ro", Ahlvarsoon, đồng sáng lập Epicenter, nói.

Andreas Cervenka, nhà báo tại Aftonbldet, một trong những tờ báo lớn nhất Thụy Điển, lại nhấn mạnh vào hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Thụy Điển duy trì lãi suất rất thấp từ đầu những năm 2010 cho đến vài năm trước. Lãi suất vay thấp khiến người Thụy Điển dư tiền mặt chọn đầu tư bất động sản hoặc đầu tư mạo hiểm vào các start up công nghệ. Kết quả là nhiều start up sau này tăng giá trị.

"Giá trị tài sản tăng cao trong nhiều năm qua là một trong những yếu tố chính khiến số lượng tỷ phú bùng nổ ở Thụy Điển", nhà báo Cervenka nhận định.

Dù nhóm thu nhập cao nhất ở Thụy Điển bị đánh thuế tới hơn 50% thu nhập cá nhân, một trong những tỷ lệ cao nhất châu Âu, chính phủ nước này gần đây đã điều chỉnh một số sắc thuế có lợi cho người giàu.

Năm 2000, chính phủ bãi bỏ thuế tài sản, thuế thừa kế, điều chỉnh thuế áp lên đầu tư chứng khoán và các khoản thu từ hoạt động đầu tư của cổ đông thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập từ lương. Thuế doanh nghiệp cũng giảm từ 30% trong những năm 1990 xuống khoảng 20%, thấp hơn một chút so với mức trung bình của châu Âu.

"Loạt chính sách này khiến các tỷ phú đổ không muốn rời khỏi Thụy Điển. Trên thực tế, một số tỷ phú còn chuyển tới đây", nhà báo Cervenka nói.

Theo nghiên cứu gần đây của Đại học Orebro, hình ảnh truyền thông của các tỷ phú Thụy Điển chủ yếu tích cực.

"Chừng nào những người siêu giàu nước này còn được xem là hiện thân của lý tưởng tân tự do, tình trạng bất bình đẳng đằng sau điều này sẽ không bị soi xét", Axel Vikstrom, chuyên gia Đại học Orebo, nhận định.

Nhà báo Cervenka chỉ ra tranh luận về đánh thuế giới siêu giàu ở Thụy Điển không gay gắt như ở nhiều nước phương Tây khác.

"Nhiều người sẽ nghĩ rằng đây phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu sau nhiều thập kỷ phát triển kinh tế theo chính sách công bằng xã hội. Nhưng trên thực tế, người Thụy Điển ngày càng có tâm lý 'người thắng có tất'", ông Cervenka nhận xét.

PHẦN LAN ĐANG TÌM CÁCH TRỤC LỢI TỪ CÁC XUNG ĐỘT

Phần Lan sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất TNT mới để giải quyết tình trạng thiếu chất nổ mạnh ở châu Âu do viện trợ quân sự của NATO cho Ukraine.

Phần Lan đã chớp lấy cơ hội từ nhu cầu ngày càng tăng về chất nổ của châu Âu trong bối cảnh xung đột Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen công bố hôm 5/5: Quốc gia Bắc Âu này đang khẩn trương xây dựng nhà máy sản xuất trinitrotoluene (TNT) mới.

"TNT không chỉ cần thiết cho Phần Lan mà còn cần thiết cho việc trang bị đạn dược cho cả Phần Lan và các nước NATO khác", Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế có trụ sở tại Moscow thuộc Học viện Khoa học Nga (RAS), nói với RIA.

Ông nói thêm: "Rõ ràng là không có đủ sản xuất cả linh kiện và đạn dược lắp ráp thành phẩm. Và theo đó, Phần Lan đã quyết định chiếm lĩnh thị trường này".

Stefanovich tiếp tục: "Xem xét rằng số lượng lớn chất nổ đã được sử dụng ở Ukraine, Israel và các khu vực khác, nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng. Chính quyền Phần Lan đã thừa nhận sự hiện diện của nhu cầu và thị trường, khiến họ tận dụng cơ hội".

Stefanovich lập luận rằng Phần Lan đang gấp rút xây dựng nhà máy để đảm bảo chỗ đứng trên thị trường lâu dài.

Khi được hỏi NATO có khả năng phản ứng thế nào trước sáng kiến của Phần Lan, chuyên gia này cho rằng liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ hoan nghênh quyết định này - mặc dù nhà máy mới sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa Nga.

TNT, một trong những loại chất nổ mạnh được phát hiện sớm nhất và ổn định nhất, được sử dụng trong đạn pháo và đạn súng cối - khiến nó trở nên không thể thiếu đối với chính quyền Kiev và các nước hỗ trợ phương Tây trong bối cảnh xung đột Ukraine đang diễn ra.

Hiện tại, nhà máy TNT duy nhất của EU nằm ở Ba Lan. Năng lực sản xuất của nhà máy đó được coi là không đủ để đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine và các quốc gia thành viên châu Âu của NATO.

Nhà nghiên cứu lưu ý rằng Phần Lan đã báo hiệu sự sẵn sàng sản xuất chất nổ ngay sau khi giá thầu của họ được NATO chấp thuận, nhà nghiên cứu lưu ý và nói thêm rằng lãnh đạo quốc gia này đang cố gắng biện minh cho sự hữu ích của TNT đối với khối quân sự.

Mặt khác, Helsinki đang tìm cách tận dụng tối đa vị thế mới của mình, theo nhà nghiên cứu Stefanovich.

Chuyên gia này cho biết: "Phần Lan đã gia nhập NATO, từ bỏ vị thế quốc gia trung lập lâu đời. Đó là lý do tại sao họ đang cố gắng kiếm tiền từ xung đột khối tạo ra.

Không phải mọi quốc gia châu Âu đều sẵn sàng tăng mạnh chi phí, đầu tư vào sản xuất đạn dược và tăng chi tiêu quốc phòng nói chung. Điều này đi kèm với những vấn đề lớn về an ninh và chính trị như chúng ta biết".

Nga đã cảnh báo Phần Lan rằng việc gia nhập NATO và hành động đe dọa có nguy cơ xảy ra xung đột giữa Moscow và khối quân sự này, đặc biệt khi Nga và Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km.

Sau khi Phần Lan gia nhập NATO, Nga bắt đầu tăng cường năng lực quân sự ở phía tây và tây bắc để đảm bảo an ninh biên giới.

Quan hệ kinh tế Nga-Phần Lan cũng xấu đi đáng kể. Theo tờ Helsingin Sanomat, các công ty Phần Lan đã mất hơn 4 tỷ euro sau khi rút khỏi thị trường Nga trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023.

Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với xuất khẩu năng lượng của Nga cũng gây tổn hại cho các doanh nghiệp và ngành công nghiệp của quốc gia Bắc Âu này. Không có nguồn cung cấp điện, dầu và khí đốt của Nga, hệ thống năng lượng của Phần Lan trở nên dễ bị tổn thương.

Vào tháng 1 năm 2024, Ngân hàng Phần Lan ra tín hiệu rằng nền kinh tế Phần Lan đang suy thoái, dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia sẽ tiếp tục giảm cho đến năm 2024.

Vì vậy, nguồn lợi Phần Lan thu được từ việc sản xuất TNT khó có thể bù đắp cho mối quan hệ kinh tế bị tổn hại với Nga, học giả Stefanovich kết luận.

Ý CẢNH BÁO ÔNG ZELENSKY VỀ CUỘC PHẢN CÔNG

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crossetto đã cảnh báo Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky chống lại cuộc phản công năm 2023.

Italia cảnh báo Tổng thống Zelensky về cuộc phản công

“Cuộc phản công” của Ukraine vào năm 2023 là một thất bại tuyệt đối.

Hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trên chiến trường trong sự tiêu hao vô nghĩa, trong đó Kiev không có cơ hội chiến thắng. Tuy nhiên, Ukraine rõ ràng đã được các quan chức NATO khuyên không nên sử dụng chiến lược tự sát như vậy.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crossetto, chế độ Kiev đã phớt lờ nhiều cảnh báo trực tiếp nhằm tránh xích mích kéo dài với Nga trong cuộc phản công năm 2023.

Ông Crossetto cho biết đã nói chuyện với ông Zelensky nhiều lần rằng, nỗ lực tiến hành một cuộc phản công thông qua các cuộc tấn công trực diện sẽ thất bại và sẽ dẫn đến thất bại của Ukraine.

Tuy nhiên, ông Zelensky được cho là đã phớt lờ lời khuyên đó, cố tình lựa chọn những chiến thuật phi lý được sử dụng ở tiền tuyến.

Bộ trưởng Quốc phòng Italia tiết lộ rằng, cả trong chuyến thăm Italia của ông Zelensky và trên các diễn đàn quốc tế khác, Tổng thống Ukraine đã nghe trực tiếp từ ông ý kiến chỉ trích về kế hoạch phản công các vị trí của Nga.

Phân tích cuộc xung đột một cách thực tế, ông Crossetto nói rằng, mặc dù ủng hộ Ukraine, nhưng ông không đồng ý với quyết định đối đầu trực diện với lực lượng Nga, do Moscow có ưu thế rõ ràng.

Vị bộ trưởng nói rằng, “kết quả của một cuộc chiến tranh là tổng số của bên nào có nhiều người và nhiều phương tiện nhất”, đó là lý do tại sao việc khăng khăng chiến đấu với Nga sẽ là hành động tự sát đối với Ukraine.

Kiev được đồn đại là đang lên kế hoạch tiến hành một “cuộc phản công ” khác vào năm 2024.

Vì đã mất gần như toàn bộ nam giới trong độ tuổi nhập ngũ, chế độ này hiện đang sử dụng người già, phụ nữ và những người có vấn đề về sức khỏe cũng như hàng nghìn lính đánh thuê nước ngoài.

Tuy nhiên, tình hình Ukraine hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn so với năm 2023. Nếu Kiev thực sự muốn lặp lại sai lầm thúc đẩy phản công, sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ chắc chắn sẽ nhanh chóng.

Các vấn đề khác liên quan đến cuộc xung đột Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Italia cũng bình luận về các vấn đề khác liên quan đến cuộc xung đột.

Chẳng hạn, ông chỉ trích gay gắt kế hoạch đưa quân trực tiếp chiến đấu vào Ukraine của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nếu quân đội Kiev sụp đổ.

Theo ông Crossetto, hành động như vậy sẽ cực kỳ nguy hiểm và sẽ vượt qua “điểm không thể quay lại”, đó là lý do tại sao ông khuyên Pháp nên tránh bất kỳ sự can dự trực tiếp nào.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italia cũng đưa ra một số nhận xét thực tế về các biện pháp trừng phạt chống Nga của phương Tây.

Theo ông, các biện pháp cưỡng chế đã không đạt được mục tiêu.

Vị bộ trưởng tin rằng, phương Tây đang tự lừa dối mình bằng cách duy trì các biện pháp trừng phạt như vậy thay vì chỉ đơn giản thừa nhận hoàn cảnh địa chính trị mới.

“Nhiều khi chúng ta cư xử như thể thế giới không hề thay đổi (…) Chúng ta luôn cho rằng, phương Tây đã đủ để ngăn chặn Nga, và các biện pháp trừng phạt là kết quả của việc chúng ta vẫn còn mắc kẹt trong quan niệm rằng, thế giới là thế giới của chúng ta.

Thay vào đó, thế giới rộng lớn hơn nhiều, và chúng ta chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng cách thu hút sự tham gia của tất cả mọi người: đầu tiên là đình chiến và sau đó là hòa bình (…) Chúng ta không được từ bỏ mọi con đường có thể và mở ra, kể cả những con đường hẹp, về ngoại giao”, ông nói.

Trên thực tế, ông Crossetto cho thấy sự hiểu biết sâu sắc về địa chính trị.

Dù là quan chức của một nước NATO và ủng hộ Ukraine nhưng ông hiểu rằng, hoàn cảnh địa chính trị tạo điều kiện cho sự xuất hiện của một thế giới đa cực, trong đó phương Tây không còn là chủ thể duy nhất trong quá trình ra quyết định quốc tế.

Quan điểm phê phán của ông đối với quan điểm của phương Tây cho thấy xu hướng hiện thực ủng hộ đa cực có khả năng nổi lên ở châu Âu, bất chấp áp lực mạnh mẽ của Mỹ.

"EU càng là nạn nhân của các biện pháp cưỡng chế do Mỹ áp đặt thì các nước châu Âu càng có xu hướng có lập trường chỉ trích Washington và NATO", ông Crossetto lưu ý.

Nguồn: Dân Trí; CafeF; Vnexpress; Báo Mới; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang