EU: Cuộc chiến giá xe điện; Cánh cửa tị nạn khép lại; Dân Hungary biểu tình; Làn sóng cực hữu mạnh lên; Pháp cảnh báo tên lửa Nga

TRUNG – ÂU & CUỘC CHIẾN GIÁ XE ĐIỆN

Khi một đội tàu vận chuyển những chiếc xe điện siêu rẻ đến châu Âu, như xe của thương hiệu Trung Quốc BYD, các nhà sản xuất xe điện châu Âu bất lực đứng nhìn và mong đợi các cơ quan quản lý cứu họ khỏi cuộc chiến giá cả mà họ khó có thể thắng.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ áp thuế đối với các nhà sản xuất xe Trung Quốc khi hoàn tất cuộc điều tra về các hành vi phản cạnh tranh, sau khi các nhà sản xuất xe rơi vào “tình trạng sốc” trước những mẫu xe điện giá cả phải chăng của BYD.

Phân tích mới nhất của công ty nghiên cứu Rhodium Group đã đề xuất mức thuế mà EU cần phải áp dụng để hạn chế xe điện Trung Quốc tràn vào thị trường nội khối. Thật không may đối với các nhà sản xuất xe trong nước, bởi con số đó cao hơn nhiều so với những gì EU dự kiến thực hiện.

Hồi tháng 1 vừa qua, Ủy ban châu Âu cho biết họ có kế hoạch đến thăm các nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm BYD và Geely, như một phần của cuộc điều tra về các hành vi bị cáo buộc là phản cạnh tranh của Trung Quốc liên quan đến các khoản trợ cấp của nhà nước cho các nhà sản xuất. Cuộc điều tra diễn ra sau những phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 9 năm ngoái, khi bà cáo buộc Trung Quốc và các nhà sản xuất xe điện của nước này đang bóp méo thị trường, dẫn đến một cuộc điều tra chính thức được tiến hành vào tháng 10 cùng năm.

Cuộc chiến EU khó có thể thắng

Xe điện Trung Quốc có một số lợi thế so với các nhà sản xuất xe phương Tây. Ví dụ, BYD có quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, trong đó nguồn cung cấp pin là một lợi thế rất lớn.

Theo công ty nghiên cứu SNE Research của Hàn Quốc, các công ty Trung Quốc chiếm 6 trong số 10 nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới về lượng pin lắp đặt cho xe điện vào năm ngoái. Khoảng 80% vật liệu cathode, thành phần cốt lõi của pin, được sản xuất tại Trung Quốc.

Pin chiếm từ 30% đến 40% chi phí sản xuất xe điện. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, giá pin trung bình ở Trung Quốc bằng khoảng 80% giá pin ở châu Âu và Mỹ. Thép và các linh kiện khác cũng có thể mua được với giá thấp tại Trung Quốc, và chính phủ nước này đã hào phóng cung cấp các khoản trợ cấp lớn và hỗ trợ khác cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như xây dựng nhà máy xe điện.

Điều đó đã giúp họ giành thị phần ở châu Âu với tốc độ chóng mặt. Rhodium Group viết trong báo cáo: Nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc của EU đã tăng từ 1,6 tỷ USD vào năm 2020 lên 11,5 tỷ USD vào năm 2023. Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu (T&E) dự báo xe điện Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 1/4 tổng số xe điện được bán trên lục địa trong năm nay.

Rhodium Group đã đưa ra những con số về mức độ thách thức mà các nhà sản xuất xe châu Âu phải đối mặt, lấy chiếc xe Seal U giá cả phải chăng của BYD làm ví dụ minh họa: Chiếc xe này được bán với giá 20.500 euro (21.950 USD) ở Trung Quốc và 42.000 euro (45.000 USD) ở EU. Có thể thấy, các nhà sản xuất xe Trung Quốc đang tìm cách thu được lợi nhuận cao hơn ở châu Âu khi cuộc chiến giá cả ở quê nhà đẩy tỷ suất lợi nhuận của họ xuống mức sàn.

Cơ chế định giá này có nghĩa là Seal U mang lại cho BYD lợi nhuận 14.300 euro (15.300 USD) ở EU, nhưng chỉ lãi 1.300 euro (1.400 USD) ở Trung Quốc. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thuế quan được coi là câu trả lời để ngăn chặn xe điện giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường EU.

Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, người đang đối đầu với BYD trong cuộc chiến giá xe điện ở Trung Quốc, đã chia sẻ suy nghĩ của ông về những gì cần thiết để ngăn chặn các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tiếp quản thị trường phương Tây. Ông nói: “Theo quan sát chung của chúng tôi, các công ty xe điện Trung Quốc là những công ty xe điện cạnh tranh nhất trên thế giới. Nếu không có rào cản thương mại nào được thiết lập, họ sẽ phá hủy hầu hết các công ty xe điện khác trên thế giới”.

Những lựa chọn của EU

Tuy nhiên, mức thuế quan cần để có thể cản bước Trung Quốc sẽ khiến các cơ quan quản lý phải đau đầu. Rhodium Group cho rằng EU sẽ áp dụng mức thuế 15% đến 30% đối với xe điện của Trung Quốc sau khi cuộc điều tra của họ kết thúc. Nhưng ngay cả khi thuế suất được áp dụng ở mức cao nhất trong phạm vi này, Rhodium Group cho rằng cũng không có khả năng ngăn cản các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc xuất hàng sang EU hoặc mang lại mức giá ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh địa phương. Đó là bởi lợi nhuận của các nhà sản xuất xe Trung Quốc ở EU rất lớn nên chỉ có mức thuế cao bất ngờ mới đủ khiến các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD từ bỏ việc bán xe điện tại châu Âu.

Theo tính toán của Rhodium Group, với mức thuế 30%, các công ty xe điện Trung Quốc vẫn thu được lợi nhuận cao hơn so với tại Trung Quốc, có nghĩa là xuất khẩu sang châu Âu sẽ vẫn rất hấp dẫn đối với họ. Nghiên cứu của công ty này chỉ ra: “Mức thuế trong khoảng 40% đến 50% - thậm chí còn cao hơn đối với các nhà sản xuất tích hợp theo chiều dọc như BYD - có lẽ sẽ cần thiết để khiến thị trường châu Âu trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu xe điện Trung Quốc”.

Con số như vậy hiện nay thực sự không thể thực hiện được do các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới mà EU hiện đang áp dụng trong trao đổi thương mại với Trung Quốc. Thay vào đó, Rhodium Group đề xuất rằng EU có thể chuyển sang “các công cụ phi truyền thống” để bảo vệ các nhà sản xuất xe nội địa, chẳng hạn như các hạn chế nhập khẩu xe điện Trung Quốc vì yếu tố môi trường hoặc an ninh quốc gia.

Theo Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, EU và Mỹ đang tụt lại phía sau rất xa vì họ không có xe điện chất lượng với giá cả phải chăng vì các nhà sản xuất ôtô truyền thống của họ đến gần đây mới thực sự tập trung vào thiết kế và chế tạo xe điện.

CÁNH CỬA TỊ NẠN CHÂU ÂU DẦN KHÉP LẠI

Nhiều nước châu Âu đang áp dụng cách thức trả tiền để trục xuất người di cư bất hợp pháp đến các quốc gia kém phát triển hơn, từ đó giải quyết bài toán khó về người di cư.

Nghị viện Anh mới đây đã thông qua Đạo luật An toàn Rwanda. Theo đạo luật này, người di cư trái phép vào nước Anh sẽ lập tức bị tạm giam chờ ngày bị trục xuất đến Rwanda. Tại đó, người di cư sẽ được phân loại và làm thủ tục xin tị nạn ở quốc gia châu Phi nếu không muốn trở về quê hương.

Thực tế, Anh đã đạt được thỏa thuận với Rwanda từ tháng 4-2022 để gửi những người di cư bất hợp pháp từ Anh đến quốc gia châu Phi này, nơi yêu cầu tị nạn của họ sẽ được xử lý. Thỏa thuận này có tên là Quan hệ đối tác phát triển kinh tế và di cư Anh-Rwanda, bao gồm một “thỏa thuận hợp tác về người tị nạn” kéo dài 5 năm. Vào tháng 12-2023, thỏa thuận đã được nâng cấp thành một hiệp ước chính thức được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rwanda.

Theo trang web của Quốc hội Anh, để đổi lấy việc Rwanda tiếp nhận những người bị trục xuất, Chính phủ Anh sẽ chuyển cho quốc gia châu Phi một khoản tiền để tiếp nhận người di cư trái phép từ Anh. Cứ tiếp nhận một người di cư trái phép từ Anh, khoản tiền này sẽ lại nhân lên. Cụ thể, ban đầu Anh sẽ cung cấp 370 triệu bảng Anh tài trợ phát triển cho Rwanda. Tiếp nhận một người di cư trái phép từ Anh, Rwanda sẽ có thêm 20.000 bảng Anh. Với mỗi người trong số đó đủ điều kiện tị nạn, Anh sẽ thanh toán thêm khoản chi phí lên đến 150.000 bảng Anh. Ngoài ra, 120 triệu bảng Anh sẽ được rót tiếp nếu Rwanda tiếp nhận nhiều hơn 300 người di cư trái phép từ nước Anh. Tờ Financial Times ước tính chi phí cho kế hoạch chuyển người nhập cư bất hợp pháp từ Anh đến Rwanda có thể lên đến 3,9 tỷ bảng Anh (4,9 tỷ USD) trong vòng 5 năm. Tính đến nay, Anh đã trả cho Rwanda khoảng 240 triệu bảng Anh.

Mặc dù vậy, những chuyến bay vận chuyển người nhập cư trái phép từ Anh sang Rwanda đã không thể thực hiện trong vòng hai năm, do Tòa án Nhân quyền châu Âu và sau đó là Tòa án tối cao Vương quốc Anh ngăn chặn. Những người phản đối cho rằng kế hoạch trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda là vô nhân đạo và Rwanda không phải là điểm đến an toàn. Chính phủ Anh đã sửa đi sửa lại dự luật, cho tới khi được Nghị viện Anh chấp thuận.

Với việc Đạo luật An toàn Rwanda được thông qua, từ nay, người nhập cư trái phép vào nước Anh sẽ bị tạm giam, chờ ngày bay sang Rwanda. Nếu đủ điều kiện, họ sẽ được phép định cư tại quốc gia châu Phi này, hoặc một nước nào đó khác, nhưng không phải là nước Anh.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tin rằng đây là giải pháp duy nhất đối với di cư trái phép, trong bối cảnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Anh thông qua eo biển Manche đã lên tới con số kỷ lục 5.435 người trong 3 tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Anh cũng kỳ vọng biện pháp này sẽ là lá bài thu hút cử tri, nâng cao uy tín của Đảng Bảo thủ trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Đáng chú ý, biện pháp chuyển người di cư trái phép đến các quốc gia kém phát triển hơn đang được một số nước châu Âu áp dụng. Cụ thể, Italy mới đây đã ký một thỏa thuận song phương để xây dựng trại tiếp nhận và giam giữ người di cư tại Albania. Người di cư bất hợp pháp đến Italy bằng đường biển sẽ được đưa thẳng sang Albania trong thời gian chờ được Italy xét duyệt đơn xin tị nạn. Theo trang cmsny.org, Chính phủ Đức cũng đang đàm phán các thỏa thuận di cư song phương với Georgia, Moldova, Kenya, Colombia cùng một số quốc gia khác, để có thể gửi những người xin tị nạn đến đó.

Mỗi năm, có tới hàng trăm nghìn người từ Trung Đông, Bắc Phi, Tây Balkan tràn về bờ biển Italy, Hy Lạp để từ đó di chuyển đến các nước châu Âu khác. Thế nhưng, cánh cửa đến với “miền đất hứa” đang dần khép lại với họ. Nhiều nước châu Âu đã thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn dòng người nhập cư trái phép đổ vào "lục địa già". Đa số các biện pháp này chỉ xử lý ngọn mà không giải quyết được gốc rễ của tình trạng di cư. Mới đây, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi và Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã bày tỏ quan ngại về biện pháp trục xuất người di cư đến nước thứ ba. Họ cảnh báo điều này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, tác động xấu đến việc chia sẻ trách nhiệm chung toàn cầu, các vấn đề về nhân quyền và bảo vệ người tị nạn.

10.000 NGƯỜI HUNGARY BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI THỦ TƯỚNG ORBAN

Khoảng 10.000 người Hungary biểu tình phản đối Thủ tướng Orban vài tuần trước cuộc bầu cử trong nước và Nghị viện châu Âu vào tháng 6.

Peter Magyar, luật sư thân cận với chính phủ Hungary và được xem là mối đe dọa nghiêm trọng đầu tiên đối với Thủ tướng Viktor Orban trong nhiều năm, là người tổ chức cuộc biểu tình ngày 5/5 ở thành phố Debrecen, miền đông Hungary. Khoảng 10.000 người dân Hungary tham gia biểu tình.

Debrecen được xem là thành trì của đảng cầm quyền Fidesz. Các ứng viên của Fidesz thống trị thành phố từ cuối những năm 1990 và đã giành khoảng 60% phiếu bầu trong cuộc bầu cử gần nhất.

Phát biểu trước những người tham gia biểu tình, Magyar nhắm vào một trong những chính sách cốt lõi của Thủ tướng Orban, chỉ trích mức trợ cấp nuôi con quá thấp ở Hungary.

"Nếu bạn kể câu chuyện này ở bất kỳ nơi nào khác trong châu Âu, sẽ không ai tin bạn cả", ông nói.

Thủ tướng Orban trước đó tuyên bố Hungary là nước chi nhiều nhất để hỗ trợ các gia đình trong số những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

"Chúng tôi cần hệ thống hoàn toàn mới, nơi hỗ trợ xã hội thực sự được dựa trên nhu cầu của mọi người", ông Magyar nói thêm.

Peter Magyar cũng cáo buộc Hungary được cai trị bởi "tầng lớp thượng lưu cấu kết chặt chẽ", điều mà ông sẽ tìm cách chấm dứt nếu được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tới.

Các cơ quan giám sát quốc tế cho biết ông Orban đã chuyển các quỹ của EU cho doanh nhân thân cận với đảng Fidesz để củng cố quyền lực. Thủ tướng Orban nói Hungary không tham nhũng nhiều hơn các nước khác.

Hàng nghìn người Hungary tháng trước cũng biểu tình ở Budapest để yêu cầu Thủ tướng Orban từ chức, sau khi trợ lý cấp cao của ông bị cáo buộc can thiệp vụ án hối lộ.

Magyar, người dự định thành lập đảng mới thách thức ông Orban, trước đó công bố đoạn ghi âm cuộc trò chuyện với Judit Varga, vợ cũ kiêm cựu bộ trưởng tư pháp Hungary. Trong băng ghi âm, bà Varga tiết lộ các trợ lý của ông Orban đã nỗ lực xóa bỏ một số tài liệu của vụ án hối lộ nghiêm trọng. Vụ án liên quan tới cựu thứ trưởng tư pháp Pal Volner, người năm 2022 bị cáo buộc nhận hối lộ từ người đứng đầu văn phòng tư pháp Gyorgy Schadl.

LÀN SÓNG CỰC HỮU TRỖI DẬY TẠI NGHỊ VIỆN

Các cuộc khảo sát dự đoán làn sóng cực hữu sẽ trỗi dậy trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, giành thêm quyền ảnh hưởng chính trường Brussels dù các thế lực chính thống vẫn xoay xở duy trì được quyền kiểm soát.

AFP hôm nay 6.5 ước tính có khoảng 370 triệu cử tri được kêu gọi tham gia bỏ phiếu từ ngày 6-9.6 tại 27 quốc gia để chọn ra 720 nghị sĩ cho nhiệm kỳ Nghị viện châu Âu kế tiếp.

Các cuộc khảo sát dự kiến quyền kiểm soát chính trường châu Âu sau bầu cử sẽ vẫn thuộc về bộ ba thế lực chính thống, lần lượt là khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu, khối đảng xã hội và dân chủ thiên tả, và đảng Đổi mới châu Âu trung lập.

Ba thế lực trên thường nhượng bộ lẫn nhau để đạt được đa số phiếu cần thiết thông qua các dự luật.

Hiện câu hỏi đặt ra là EPP do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dẫn đầu sẽ mở cửa đến mức nào cho phe cực hữu, được dự kiến sẽ gia tăng lực ảnh hưởng ở chính trường châu Âu.

Bà von der Leyen bác bỏ sẽ thỏa thuận với những đảng cực hữu có sự đồng cảm với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là những đảng đang có ghế tại Nghị viện châu Âu theo khối Bản sắc và Dân chủ, bao gồm đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen ở Pháp và đảng AfD của Đức.

Tuy nhiên, bà Ursula von der Leyen cũng tỏ ý có thể bắt tay với khối cực hữu chống Tổng thống Putin, bao gồm khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) do Thủ tướng Ý Giorgia Meloni dẫn đầu.

Nguy cơ thế cục khó lường

AFP dẫn lời bà Pascale Joannin, chủ tịch Quỹ Robert Schuman (trụ sở Luxembourg), phân tích rằng các đảng cực hữu "sẽ gia tăng ảnh hưởng, nhưng không đạt được chiến thắng vang dội" trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới.

Nếu EPP thực sự liên danh với ECR, điều này sẽ làm rối loạn thế cục với hai thế lực chính thống còn lại là khối đảng xã hội và dân chủ, và đảng Đổi mới châu Âu.

Các cuộc khảo sát ước tính EPP sẽ tiếp tục là khối đông đảo nhất tại Nghị viện châu Âu, kế đến là khối đảng xã hội và dân chủ, dù 2 đảng này được dự đoán sẽ mất ghế.

Vị trí thứ ba vẫn để ngỏ. Đảng Đổi mới châu Âu, bao gồm đảng Phục hưng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, có thể mất đi vị trí này về tay nhóm cực hữu sau bầu cử.

PHÁP CẢNH BÁO TÊN LỬA ĐẠN ĐẠO CỦA NGA GÂY NGUY HIỂM

Tổng thống Pháp cho rằng tầm bắn của tên lửa đạn đạo Nga đang gây nguy hiểm cho các nước châu Âu.

"Nếu nói về Ukraine, sự an toàn của người châu Âu đang bị đe dọa vì nước này nằm cách biên giới của chúng ta chỉ khoảng 1.500km. Nếu Nga giành chiến thắng, chỉ mất một giây để Romania, Ba Lan, Lithuania hay đất nước chúng ta bị mất an ninh", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc phỏng vấn với nhật báo La Tribune hôm 5/5.

Theo ông Macron, tính năng kỹ thuật và tầm bắn của tên lửa đạn đạo Nga đang gây nguy hiểm cho các nước châu Âu.

"Sức mạnh và tầm bắn của tên lửa đạn đạo Nga gây nguy hiểm cho tất cả chúng ta", ông Macron cảnh báo.

Thiếu tướng Vadym Skibitskyi, đại diện Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine hồi tháng 4 cho biết Nga hiện có "khoảng 950 tên lửa chiến thuật và chiến lược với tầm bắn hơn 350km". Ông Skibitskyi ước tính trung bình mỗi tháng Nga sản xuất vài chục tên lửa.

Trong cuộc phỏng vấn, nhà lãnh đạo Pháp vẫn khẳng định phải duy trì đối thoại với Nga.

"Chúng ta đang làm điều đúng đắn khi để ngỏ cánh cửa đàm phán với Nga. Nếu không, chúng ta sẽ từ bỏ trật tự quốc tế cũng như hòa bình và an ninh", ông Macron nói.

Tuy nhiên, ông Macron lưu ý rằng cần phải tiếp tục chính sách "mơ hồ chiến lược" liên quan đến Nga.

Vào cuối tháng 4, ông Macron phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris rằng, châu Âu nên chuẩn bị xây dựng quan hệ với Nga sau khi xung đột Ukraine kết thúc.

Tổng thống Macron gây tranh cãi từ hồi tháng 2, sau khi tuyên bố phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine và các nước này sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn Nga giành chiến thắng ở Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với Economist hôm 2/5, Tổng thống Pháp nêu ra hai điều kiện để đưa quân tới Ukraine: yêu cầu của Kiev và việc Nga đột phá trên tiền tuyến. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hiện nay không có yêu cầu nào như vậy từ Ukraine.

"Nếu Nga chọc thủng chiến tuyến của Ukraine và nếu có đề nghị từ phía Ukraine, khi đó chúng tôi cần cân nhắc (đưa quân vào Ukraine)", Tổng thống Macron nói.

Theo ông Macron, những gì xảy ra trong hơn 2 năm chiến sự Nga - Ukraine cho thấy không nên loại trừ bất cứ phương án nào.

Quan điểm của ông Macron nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo một số nước. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Slovakia, Ba Lan khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine.

Nga nhiều lần chỉ trích phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp là nguy hiểm, đồng thời cảnh báo nguy cơ một cuộc xung đột hạt nhân nếu phương Tây đưa quân vào Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng 4 cảnh báo người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu rằng việc triển khai binh sĩ tới Ukraine sẽ gây ra "thảm họa đối với Pháp". Ông Shoigu cho rằng Pháp "sẽ tự tạo ra vấn đề cho chính mình" nếu quyết định gửi quân tới Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết vào tháng 2 rằng Pháp có thể gửi nhân sự rà phá bom mìn và các nhân sự không làm nhiệm vụ chiến đấu tới Ukraine để hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến kéo dài 2 năm với Nga. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Pháp không nêu thời điểm cụ thể của kế hoạch này.

Nguồn: CAND; Quân Đội Nhân Dân; Vnexpress; Thanh Niên; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang