EU: Bệnh ho gà lan rộng; Số phận tài sản Nga; Lạ lùng gói trừng phạt; Anh-Nga gia tăng căng thẳng; Thụy Điển giảm lãi suất

CHÂU ÂU CẢNH BÁO DỊCH HO GÀ

Các nước châu Âu đã ghi nhận số ca bệnh ho gà gia tăng trong năm 2023 và quý I/2024, khi số ca mắc cao gấp 10 lần so với 2 năm trước.

Ngày 8/5, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết tổng cộng gần 60.000 ca mắc và 19 ca tử vong, trong đó 11 ca là trẻ sơ sinh, đã được ghi nhận tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) trong quý I.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng phổi và đường hô hấp do vi khuẩn. Bệnh có thể rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ cao đặc biệt. ECDC cho biết dịch ho gà sẽ gia tăng sau mỗi 3 - 5 năm, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Số ca mắc ho gà đang ở mức cao trong lịch sử. Trong 3 tháng đầu năm 2024, số ca mắc bệnh đã bằng mức trung bình của một năm trong thời gian từ năm 2012 - 2019. Giám đốc ECDC Andrea Ammon nhấn mạnh: “Vaccine phòng bệnh ho gà đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả”, đồng thời kêu gọi người dân tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là sau thời gian giảm vì tập trung tiêm phòng COVID-19.

Hầu hết các nước châu Âu thường xuyên tiêm phòng bệnh ho gà cho trẻ em và nhiều nước cũng tiêm phòng cho phụ nữ mang thai để bảo vệ thai nhi. ECDC cho biết một số quốc gia có thể muốn xem xét tiêm vaccine tăng cường cho trẻ lớn hơn và người trưởng thành vì khả năng miễn dịch có thể suy yếu.

CHÂU ÂU THỐNG NHẤT SỐ PHẬN TÀI SẢN NGA

Sau nhiều tranh cãi, các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thống nhất việc sử dụng hàng tỷ euro lợi nhuận từ tài sản bị phong toả của Nga để trang bị vũ khí và hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.

Chuyển lợi nhuận tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine

“Các đại sứ EU đã đồng ý về nguyên tắc về các biện pháp liên quan đến nguồn thu bất thường xuất phát từ tài sản cố định của Nga”, Tổng thống Bỉ thông báo trên X (trước đây là Twitter) ngày 8/5.

Đề xuất này nhắm tới số tiền thu được từ 191 tỷ euro (205 tỷ USD) trong các quỹ của Nga hiện đang được giữ tại cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ. Tổng cộng, các quốc gia phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD vốn chủ quyền của Moscow ở nước ngoài sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2024.

Theo Giám đốc điều hành Valerie Urbain của Euroclear, cơ quan này đã tạo ra lợi nhuận 2-3 tỷ euro hàng năm từ tài sản của Nga, tùy thuộc vào lãi suất.

Theo các nhà quan sát, việc sử dụng số tiền này sẽ không chỉ trừng phạt Nga mà còn giảm bớt một số gánh nặng cho cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng của Ukraine sau hơn hai năm chiến sự.

Truyền thông châu Âu cho hay các đại sứ của khối đã đồng ý “về nguyên tắc” tiến trình hành động nhưng văn bản pháp lý vẫn phải được Hội đồng EU phê chuẩn.

Theo đề xuất, EU hy vọng sẽ gửi 90% lợi nhuận để mua vũ khí cho Ukraine và 10% cho viện trợ phi quân sự, với đợt đầu tiên dự kiến ​​​​vào tháng 7.

Được biết Bỉ sẽ tiếp tục đánh thuế doanh nghiệp 25% đối với doanh thu, trong khi Euroclear sẽ giữ 10% trước khi số tiền của Ngân hàng Trung ương Nga được gửi đến EU, nhằm tạo cho cơ quan thanh toán bù trừ một khoản đệm chống lại các vụ kiện tụng đang diễn ra và trong tương lai của Nga.

Giám đốc điều hành của Euroclear trước đó đã ví việc tịch thu các quỹ bị đóng băng của Nga giống như việc “mở hộp Pandora”. Bà cảnh báo điều đó có thể khiến "các nhà đầu tư quốc tế lớn quay lưng lại với châu Âu" vì họ không còn có thể tin tưởng rằng tài sản của chính họ sẽ không bị tịch thu.

Giới chức Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc tịch thu vốn chủ quyền của mình hoặc bất kỳ hành động tương tự nào sẽ không chỉ là “hành vi trộm cắp và vi phạm luật pháp quốc tế” mà còn làm suy yếu niềm tin vào cả tiền tệ phương Tây và hệ thống tài chính toàn cầu.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo vào tháng Hai rằng nếu tài sản bị phong tỏa của Nga bị tịch thu, Moscow sẽ trả đũa bằng các động thái tương tự. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế Nga của EU, G7, Australia và Thụy Sĩ ước tính vào khoảng 288 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Tung đòn giáng mới

Thỏa thuận của EU mở ra cơ hội cho một cuộc thảo luận rộng hơn trong G7 về việc sử dụng hàng tỷ tài sản bị đóng băng của Nga, nhưng nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, cảnh giác với kế hoạch của Mỹ tiếp quản tài sản vì lo ngại vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong tuần qua, các đại sứ EU đã bắt đầu đàm phán về kế hoạch hạn chế dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga qua châu Âu, như một phần của vòng trừng phạt thứ 14 nhằm lên án nỗ lực chiến sự của Nga.

Ủy ban châu Âu (EC) muốn áp đặt các hạn chế đối với việc trung chuyển LNG ở EU để ngăn chặn Nga xuất khẩu khí đốt có lợi nhuận cao sang các nước ngoài EU thông qua các cảng của EU.

EU cũng lên kế hoạch cấm đầu tư, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mới để xây dựng các trạm LNG của Nga ở Bắc Cực. Tuy nhiên, các đề xuất này không dừng lại ở việc cấm LNG của Nga, vốn không giống như hầu hết khí đốt qua đường ống vẫn tiếp tục được nhập khẩu vào EU.

Các nhà ngoại giao EU hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới nhất trước cuộc bầu cử ở châu Âu và chắc chắn là trước ngày 1/7, khi chính phủ Hungary thân thiện với Nga đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối.

GÓI TRỪNG PHẠT LẠ LÙNG

Gói trừng phạt mới của châu Âu sẽ không nhằm vào hàng hóa như nhiên liệu hạt nhân, khí tự nhiên hóa lỏng hay nhôm của Nga.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch về gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga sẽ công bố vào tháng 7, theo thông tin được EUObsever trích dẫn các nhà ngoại giao tại cơ quan này cũng như các tài liệu liên quan.

Gói này sẽ không hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà ngoại giao Nga tại EU cũng như không cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhiên liệu hạt nhân hoặc nhôm của Nga.

Gói này sẽ nhắm tới thêm 52 công ty từ Nga và các quốc gia khác bị nghi ngờ vận chuyển hàng cấm đến Moscow, ấn phẩm cho biết. Hàng hóa bị cấm đặc biệt bao gồm các bộ phận của máy bay không người lái.

Hơn nữa, gói trừng phạt mới đề xuất lệnh cấm trên toàn EU27 đối với việc Nga tài trợ cho "các đảng chính trị châu Âu và các tổ chức chính trị châu Âu", "các tổ chức phi chính phủ" và "các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông", EUobserver cho biết.

Dự thảo các biện pháp trừng phạt mới cũng cấm các cảng của EU xử lý các chuyến hàng khí lỏng của Nga đến các quốc gia ngoài EU, cấm các tàu từ các cảng của EU hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt, cũng như thắt chặt các hạn chế hiện có của EU đối với hàng không Nga và nhập khẩu khí heli và các loại khoáng sản của Nga.

Valdis Dombrovskis, phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, trước đó cho biết Liên minh châu Âu đang gặp khó khăn trong việc đàm phán gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga và nói thêm rằng rất có thể gói này sẽ không chứa các hạn chế mới mà chỉ nỗ lực chống lại các biện pháp của Nga nhằm vượt qua lệnh phong tỏa trừng phạt.

EC bắt đầu xây dựng gói trừng phạt thứ 14 chống lại Moscow ngay sau khi gói thứ 13 được thông qua vào ngày 23/2.

Các hạn chế này ảnh hưởng đến 106 cá nhân và 88 pháp nhân từ Nga và một số quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Serbia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka.

ANH – NGA GIA TĂNG CĂNG THẲNG

Căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ giữa Nga và Anh. Bộ Ngoại giao Anh hôm nay đã triệu tập Đại sứ Nga tại nước này, chỉ 1 ngày sau động thái tương tự của Bộ Ngoại giao Nga.

Theo Hãng tin Ria Novosti của Nga, Bộ Ngoại giao Anh hôm nay đã triệu Đại sứ Nga tại nước này liên quan cáo buộc cho rằng Nga tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo ở Anh.

Căng thẳng gia tăng giữa Anh và Nga sau khi Bộ Nội vụ Anh cho biết Anh sẽ trục xuất tùy viên quân sự của Nga, xóa bỏ quyền miễn trừ ngoại giao đối với một số tài sản bất động sản thuộc sở hữu của Nga và áp đặt các hạn chế mới đối với thị thực ngoại giao của Nga.

Trước đó hôm 7/5, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã triệu tập Đại sứ Anh tại Moscow nhằm phản ứng trước các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí của Anh trên lãnh thổ Nga. Ngoại trưởng Anh David Cameron mới đây cho biết, nước này đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được Anh chuyển giao để tấn công lãnh thổ Nga, cụ thể là tên lửa hành trình tầm xa.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong hơn hai năm qua, phương Tây một mặt tuyên bố không can dự vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, song mặt khác lại cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ về nhiều mặt cho Ukraine. Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh David Cameron đã thể hiện rõ lập trường của Anh và thực sự khiến nước này trở thành một bên trong cuộc xung đột.

SAU 8 NĂM, THỤY ĐIỂN CẮT GIẢM LÃI SUẤT

Hôm thứ Tư (8/5), Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 8 năm, trong nỗ lực hồi phục cho nền kinh tế đang suy thoái.

Riksbank đã hạ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản điểm xuống 3,75% và cho biết có thể cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong nửa cuối năm nay.

Động thái này khiến Riksbank trở thành ngân hàng trung ương thứ hai trong số các ngân hàng trung ương tiên tiến trên thế giới sau Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) khi bắt tay vào thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ sau đại dịch, đồng thời cho thấy các cách tiếp cận khác nhau như thế nào sau khi kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bị chệch hướng bởi áp lực lạm phát dai dẳng và nền kinh tế vẫn mạnh mẽ.

Thống đốc Erik Thedeen cho biết: “Chúng ta đã đi được một chặng đường dài nhưng tôi sẽ không bao giờ nói rằng chúng ta đã đánh bại được lạm phát vì công việc của tôi là luôn cảnh giác…Có chỗ để hành động độc lập và chúng tôi phải sử dụng điều đó vì nhiệm vụ của chúng tôi là đưa lạm phát của Thụy Điển về 2%”.

Động thái cắt giảm lãi suất cho thấy rằng việc hỗ trợ nền kinh tế suy thoái là vấn đề được ưu tiên hơn bất kỳ lo ngại nào rằng việc đi trước các ngân hàng trung ương lớn hơn sẽ dẫn đến một đợt suy yếu khác của đồng krona, từ đó sẽ thúc đẩy giá nhập khẩu.

James Smith, nhà kinh tế tại ING cho biết: “Nền kinh tế Thụy Điển đã suy giảm trong bốn quý liên tiếp, trong khi thị trường việc làm đang hạ nhiệt đáng kể so với những nơi khác”.

Chiến dịch thắt chặt toàn cầu kể từ khi đại dịch giảm bớt đã có tác động to lớn đến nền kinh tế Thụy Điển, vì tỷ lệ cao các khoản vay ở nước này có lãi suất cố định trong các kỳ hạn ngắn. Nhưng đối với tiền tệ, quyết định này lại không được hoan nghênh.

Stefan Mellin, chiến lược gia cấp cao tại Danske Bank A/S cho biết: “Quyết định điều hành trước các ngân hàng trung ương có liên quan khác, như chúng tôi dự đoán, sẽ gây áp lực lên đồng krona…Tất nhiên, điều này cũng không thể gây ngạc nhiên cho Riksbank”.

Tuyên bố của Riksbank cho biết: “Những rủi ro có thể khiến lạm phát ở Thụy Điển tăng trở lại chủ yếu liên quan đến nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, căng thẳng địa chính trị và tỷ giá hối đoái của đồng krona… Do đó, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong tương lai cần được đặc trưng bởi sự thận trọng, với việc cắt giảm dần lãi suất chính sách”.

Người tiêu dùng Thụy Điển đã cắt giảm chi tiêu, hoạt động xây dựng nhà ở sụt giảm và các chủ sở hữu tài sản có đòn bẩy tài chính cao phải chật vật để tái cấp vốn cho các khoản nợ sắp đáo hạn. Sau bốn quý suy thoái liên tiếp, người ta ngày càng hy vọng rằng nền kinh tế Thụy Điển sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối năm nay nhờ lãi suất thấp hơn.

Nguồn: Báo Tin Tức; VietnamFinance; CafeF; VOV; Tin Nhanh Chứng Khoán

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang