EU: Quy định NK nông sản; 'Bóp nghẹt' dòng tiền Nga; Mafia Ý làm ăn kiểu mới; Tiết lộ cuộc gặp 3 bên; Xung lực mới hợp tác TQ

EU PHÊ DUYỆT QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU NÔNG SẢN, THỰC PHẨM

Theo chuyên gia của DG-SANTE, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm là nguyên liệu là sản phẩm động vật trong sản phẩm tổng hợp phải đến từ các cơ sở được EU phê duyệt.

Sáng 7/5, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) phối hợp Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định nhập khẩu nông sản, thực phẩm nguồn gốc động thực vật vào thị trường EU.

Gần đây, EU đã đưa ra một số yêu cầu riêng biệt đối với sản phẩm tổng hợp (composite) nhập khẩu. Theo bà Coulon Sylvie, Chuyên gia cao cấp của DG-SANTE, với quy định này thì quy định tỷ lệ phần trăm động vật trong sản phẩm chế biến sẽ không còn hiệu lực. Quy định mới ngặt nghèo hơn để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Để tuân thủ tốt quy định, bà Coulon Sylvie cho rằng doanh nghiệp phải hiểu đúng về sản phẩm tổng hợp là gì. Sản phẩm tổng hợp là thực phẩm có chứa sản phẩm có nguồn gốc thực vật và sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật.

Như vậy, sản phẩm động vật chưa qua chế biến; sản phẩm không có thành phần thực vật hoặc sản phẩm có thành phần thực vật nhưng không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm có nguồn gốc động vật sẽ không thuộc sản phẩm tổng hợp, bà Coulon Sylvie lưu ý.

Nhấn mạnh về quy định nhập khẩu sản phẩm tổng hợp, bà Coulon Sylvie lưu ý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm là nguyên liệu là sản phẩm động vật trong sản phẩm tổng hợp phải đến từ các cơ sở được EU phê duyệt và đặt tại các quốc gia được phép xuất khẩu các sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật vào EU.

Bà Coulon Sylvie cho biết cơ quan đưa ban hành quy định này sẽ có cẩm nang để trả lời các thắc mắc về sản phẩm tổng hợp. Bà Coulon Sylvie cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm tổng hợp vào EU thì có thể gửi email trực tiếp cho bà. Qua đó, bà có thể giải đáp những thắc mắc cụ thể cho doanh nghiệp cũng như tiên lượng những khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải, từ đó giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang EU.

Tại hội nghị, DG-SANTE đã giới thiệu chi tiết những quy định liên quan về vệ sinh, an toàn thực phẩm với sản phẩm tổng hợp, sản phẩm không có nguồn gốc động vật; các quy tắc về xuất xứ, cũng như kế hoạch giám sát dư lượng trên sản phẩm tổng hợp, sản phẩm không có nguồn gốc động vật. Kèm theo là các biện pháp kiểm dịch, dựa trên thông lệ quốc tế mà WTO ban hành.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu được được gần 4 năm, song vẫn có những bất cập, khó khăn mặc dù hai bên đều có những thông tin tích cực để thúc đẩy thương mại nông sản, thực phẩm giữa hai bên. Đặc biệt là những khó khăn về quy định an toàn thực phẩm cũng như các quy định khác như: môi trường, phát triển bền vững.

Ông Lê Thanh Hòa mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật thông tin, quy định liên quan đến an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm vào EU; đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như mạng lưới kiểm dịch động thực vật của Việt Nam.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đạt khoảng 5,3 tỷ USD. Đây là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

ĐƯA 3 DỰ ÁN LNG VÀO TẦM NGẮM, EU ĐANG 'BÓP NGHẸT' DÒNG TIỀN CỦA NGA

Theo 3 nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu - EU, Ủy ban Châu Âu (EC) sẵn sàng ban hành lệnh cấm đối với các cảng của EU bán mặt hàng LNG của Nga. EC cũng sẽ yêu cầu hạn chế đối với 3 dự án LNG của Moscow. Các biện pháp này sẽ là một phần của gói trừng phạt thứ 14 sắp ban hành.

Các biện pháp trừng phạt LNG được thiết kế để ngăn chặn hoạt động kinh doanh của Moscow, chặn đứng đường vận chuyển năng lượng của nước này đi khắp thế giới.

Dù vậy, như được viết trong dự thảo đề xuất, lệnh cấm vẫn có thể thay đổi. Các lệnh trừng phạt sẽ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1/4 trong số 8 tỷ Euro lợi nhuận mà Nga thu được từ LNG.

Thời gian qua, EU đạt được rất ít tiến bộ trong việc trừng phạt lĩnh vực LNG của Moscow.

Mặc dù mặt hàng này chỉ chiếm 5% lượng tiêu thụ khí đốt của khối vào năm ngoái nhưng đây vẫn là nguồn thu lợi quan trọng của Điện Kremlin.

Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những trung tâm lớn nhất về LNG. Những quốc gia này nhập LNG của Nga, sau đó, xuất khẩu sang các nước như Đức và Italy.

Về vấn đề cấm khí đốt, cấm LNG của Moscow đã được EU nhiều lần bàn bạc nhưng chưa thành hiện thực.

Khối 27 thành viên đã cấm nhập khẩu than và dầu thô bằng đường biển của Nga nhưng lệnh trừng phạt còn nhiều sơ hở khiến tiền vẫn liên tục chảy về Điện Kremlin.

Nga sẽ thiệt hại thế nào?

Việc ngăn chặn việc bán lại LNG của Nga cho EU sẽ yêu cầu Moscow phải cải tổ lại mô hình kinh doanh hiện tại - một thành tựu không hề nhỏ - theo Politico.

Nếu không có các cảng Châu Âu làm điểm dừng chân thuận tiện, Nga sẽ phải sử dụng các tàu phá băng - được trang bị đặc biệt - để cắt băng ở Biển Bắc Cực, sau đó, đưa khí đốt đến Châu Á.

Theo bà Laura Page, chuyên gia khí đốt tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, điều đó sẽ gây tổn hại cho nhà máy Yamal LNG trị giá 27 tỷ USD của Nga ở Siberia.

Bà nói: “Nếu các doanh nghiệm LNG Nga không thể dừng chân ở Châu Âu, họ có thể phải đưa các tàu chở dầu đi những hành trình dài hơn, tốn kém hơn".

Trong khi đó, ông Petras Katinas, nhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho hay, sự thay đổi nói trên sẽ khiến doanh thu LNG của Nga sụt giảm khoảng 2 tỷ Euro, dựa trên số liệu năm ngoái.

"Đó là số tiền rất lớn nhưng chỉ chiếm 28% lợi nhuận LNG của Nga và chỉ hơn 1/5 lượng xuất khẩu sang EU vào năm ngoái", ông nhận định.

Theo vị chuyên gia này, lệnh cấm “là một bước tiến tốt đầu tiên nhưng nó chưa đủ nếu EU muốn "bóp nghẹt" dòng tiền của Điện Kremlin.

Thêm vào đó, ông ông Petras Katinas khẳng định, các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với các dự án LNG của Nga - bao gồm Arctic LNG 2, nhà máy Murmansk và kho cảng LNG UST Luga - "chỉ trên giấy" bởi ba dự án này không bán hàng cho Châu Âu.

Liệu có khả thi?

Politico cũng cho rằng, các đề xuất của EU chứa đầy những phức tạp về mặt pháp lý. Vấn đề đặt ra là, không rõ liệu các biện pháp trừng phạt của EU có cho phép các công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng đang thực hiện một cách an toàn hay không?

Cho đến nay, EC đã không "đụng đến" LNG, bất chấp các yêu cầu liên tục từ các nước vùng Baltic và Ba Lan. Đề xuất mới dường như đang nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước.

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne van der Straeten cho rằng: “Là một phần của gói trừng phạt mới chống lại Nga, chính phủ đang kêu gọi chấm dứt dần việc trung chuyển LNG của Nga tại các cảng Châu Âu. Chúng ta phải… ngừng bổ sung thêm tiền vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine".

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thì tuyên bố, ông “rất ủng hộ” các hạn chế đối với LNG của Moscow. Và Bộ trưởng Năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin khẳng định, nước này “không có lý do gì để phản đối” điều đó lệnh trừng phạt.

Áp lực cũng đang gia tăng đối với các nước EU trong việc thắt chặt các hình phạt đối với nhiên liệu hóa thạch của Moscow.

Một nhóm các công ty bảo hiểm tàu ​​chở dầu viễn dương, kiểm soát phần lớn thị trường toàn cầu đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

Theo các công ty này, biện pháp áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng “ngày càng khó thực thi” khi đất nước này có cách để "lách" lệnh cấm.

Bàn sâu hơn về lệnh cấm LNG Nga, Politico nhận thấy, Brussels có thể gặp khó khăn trong việc đưa tất cả 27 quốc gia "vào cuộc" với các hình phạt này. Đây một yêu cầu bắt buộc để bất kỳ lệnh trừng phạt nào được thông qua.

Đơn cử như Hungary, đất nước có thể phủ quyết động thái này. Và đối với một số quốc gia khác, gói trừng phạt sẽ phản tác dụng.

Một nhà ngoại giao EU giấu tên nói thẳng thắn: “Thật đáng thất vọng… khi chúng tôi đã chờ đợi đề xuất gói thứ 14 quá lâu”.

MAFIA Ý & KIỂU LÀM ĂN MỚI

Mafia Italia ngày nay hiếm khi để 'máu dính vào tay'. Những trò tống tiền đã lỗi thời và các vụ giết người phần lớn bị các Bố già phản đối. Thay vào đó, những tên tội phạm tiến vào thế giới tội phạm cổ cồn trắng, có rủi ro thấp, ít người biết.

Các công tố viên cấp cao Italia nói với hãng tin Reuters như vậy. Việc chuyển từ chém giết sang trốn thuế và gian lận tài chính đã mang lại lợi ích lớn cho những kẻ lừa đảo. Chính phủ của Thủ tướng Italia Giorgia Meloni tiết lộ, tháng trước họ phát hiện được 16 tỷ Euro gian lận liên quan tới các chương trình cải thiện nhà ở.

Theo các công tố viên, không phải tất cả các vụ lừa đảo đều do các nhóm tội phạm có tổ chức hùng mạnh của Italia dàn dựng, nhưng họ nghi ngờ có rất nhiều vụ do mafia thực hiện. Barbara Sargenti, một quan chức của Văn phòng Công tố Chống Mafia và Chống Khủng bố Quốc gia của Italia cho biết: “Sẽ thật ngu ngốc khi nghĩ rằng các băng nhóm mafia không tận dụng nguồn tiền mặt khổng lồ”.

Băng Cosa Nostra ở Sicily và Camorra ở thành phố Naples là những băng nhóm mafia nổi tiếng nhất ở Italia nhưng Ndrangheta có trụ sở ở khu vực phía nam Calabria mới là nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất nước này. Trong khi vẫn kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán cocaine ở châu Âu, nhóm này đã dẫn đầu xu hướng thâm nhập ngành tài chính trong thập kỷ qua.

Văn phòng Công tố Châu Âu (EPPO) - cơ quan điều tra các vụ phạm tội chống lại lợi ích tài chính của Liên minh Châu Âu - đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vào tháng 2 rằng các sai phạm tài chính lớn xảy ra trên toàn khối cho thấy có sự tham gia của các nhóm tội phạm có tổ chức. Gần 1/3 trong số 1.927 vụ việc EPPO điều tra vào năm 2023 tập trung ở Italia, nơi con số thiệt hại ước tính là 7,38 tỷ Euro trong tổng số 19,3 tỷ Euro của toàn khối.

Các công tố viên cho biết, các vụ phạm tội thường dựa vào sự đồng lõa của các doanh nhân, họ vui vẻ tìm ra những cách mới để trốn thuế. Theo dữ liệu gần đây nhất của Bộ Tài chính Italia, trốn thuế là một vấn đề kinh niên ở Italia, khiến kho bạc nước này thiệt hại khoảng 83 tỷ Euro vào năm 2021.

Alessandra Dolci, người đứng đầu nhóm khởi tố chống mafia của Milan cho biết: “Ở Italia, xã hội không kỳ thị những người xuất hóa đơn giả hoặc trốn thuế. Quan điểm xã hội về tội phạm kinh tế rất khác với quan điểm liên quan đến buôn bán ma túy".

Hai công tố viên Italia cho biết, mặc dù không có ước tính chính thức về quy mô sự liên quan của băng nhóm mafia với các vụ phạm tội tài chính ở Italia, nhưng con số này ước tính lên tới hàng tỷ Euro mỗi năm và chỉ một phần trong số đó bị phát hiện.

Đối với các băng nhóm tội phạm, hình phạt liên quan tới các vụ phạm tội tài chính là tương đối nhẹ. Nếu bị bắt khi cố bán ít nhất 50gr cocaine, bạn có nguy cơ phải ngồi tù tới 20 năm. Tuy nhiên, nếu phát hành hóa đơn giả để đạt được khoản tín dụng thuế gian lận 500 triệu Euro, bạn chỉ phải đối mặt với án tù từ 18 tháng đến 6 năm.

Hồi tháng 2, cảnh sát vùng Emilia Romagna đã bắt giữ 108 người được cho là thân cận với băng mafia Ndrangheta. Nhóm tội phạm này bị nghi ngờ phát hành hóa đơn giả trị giá 4 triệu Euro cho các dịch vụ không tồn tại trong ngành đóng tàu, bảo trì máy móc công nghiệp, vệ sinh và cho thuê ô tô.

Thẩm phán Milan Pasquale Addesso nói: "Ndrangheta… không còn dính líu đến các hoạt động tống tiền nữa mà liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản. Nhóm này đã bước vào thế giới nhà thầu phụ, đáp ứng nhu cầu trốn thuế của doanh nghiệp". Ông Addesso cho biết, nếu muốn chống lại mafia, thì cần tập trung nhiều hơn vào luật về tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản hơn là các vụ tống tiền.

TIẾT LỘ CUỘC GẶP 3 BÊN: PHÁP-EU-TRUNG QUỐC

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi Trung Quốc đảm bảo cân bằng thương mại khi Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Paris hôm 6-5.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm, vào thời điểm căng thẳng thương mại đôi bên ngày càng gia tăng. Liên minh châu Âu (EU) điều tra các ngành công nghiệp của Trung Quốc, bao gồm xuất khẩu xe điện; ngược lại Bắc Kinh điều tra việc nhập khẩu đối với hầu hết các loại rượu do Pháp sản xuất.

Tổng thống Macron cho rằng châu Âu và Trung Quốc cần giải quyết những khó khăn mang tính cấu trúc, đặc biệt về thương mại.

"Chúng tôi luôn muốn mối quan hệ với Trung Quốc phát triển xa hơn nữa, điều đó tốt cho tương lai của châu Âu" - ông nói khi cả ba nhà lãnh đạo ngồi tại chiếc bàn tròn tại Điện Elysee.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen thẳng thắn hơn, nói rằng mối quan hệ bị tổn thương do tiếp cận thị trường không bình đẳng và trợ cấp của nhà nước Trung Quốc.

Sau cuộc họp, bà nói với các phóng viên rằng "EU không thể tiếp nhận tình trạng sản xuất quá mức hàng loạt hàng hóa công nghiệp Trung Quốc và đang tràn ngập thị trường châu Âu".

"Chúng tôi không dao động trong việc đưa ra những quyết định khó khăn cần thiết để bảo vệ thị trường châu Âu" – bà Von der Leyen nhấn mạnh.

Lập trường mạnh mẽ hơn của EU về thương mại với Trung Quốc phù hợp với cách tiếp cận của Washington. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Trung Quốc rằng Washington sẽ không chấp nhận các ngành công nghiệp mới bị hàng nhập khẩu của Trung Quốc "tàn phá".

Bình luận ngắn gọn trước cuộc đàm phán, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết ông coi quan hệ với châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và cả hai nên tiếp tục cam kết duy trì quan hệ đối tác.

"Khi thế giới bước vào giai đoạn mới đầy biến động và thay đổi, dưới tư cách hai nhân tố quan trọng trên thế giới, Trung Quốc và châu Âu nên tôn trọng quan điểm của đối tác, tôn trọng đối thoại và hợp tác" - ông Tập nói.

Vài phút trước cuộc gặp, Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay nhau trong sân Điện Elysee.

Reuters cho hay 27 thành viên EU - đặc biệt là Pháp và Đức - không thống nhất về cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết trong khi Paris ủng hộ đường lối cứng rắn hơn trong cuộc điều tra xe điện thì Berlin lại muốn tiến hành một cách thận trọng hơn.

Các nguồn tin cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz không tham gia cùng Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Paris do những cam kết trước đó.

Pháp hy vọng chuyến công du của ông Tập sẽ thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho xuất khẩu nông sản và giải quyết các vấn đề xung quanh mối lo ngại của ngành mỹ phẩm Pháp về quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể công bố đơn đặt hàng khoảng 50 máy bay Airbus trong chuyến thăm của ông Tập.

Pháp cũng nhân thời điểm này thúc ép Trung Quốc gây áp lực lên Nga để ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.

ĐỘNG LỰC MỚI CHO QUAN HỆ TRUNG QUỐC – CHÂU ÂU

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du châu Âu. Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ Trung Quốc - EU.

Củng cố, tăng cường "sự phối hợp chiến lược"

Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Pháp, Chủ tịch Trung Quốc có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Việc phát triển quan hệ Bắc Kinh - Paris và Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận nhân chuyến công du này của nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều vấn đề lớn của khu vực và quốc tế đòi hỏi tăng cường hợp tác đa phương.

Trong bài phát biểu tại điện Elysee, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Cuộc hội đàm ba bên hôm nay gia tăng ý nghĩa của chuyến thăm tới châu Âu. Trung Quốc vẫn luôn nhìn nhận quan hệ với châu Âu từ tầm nhìn chiến lược và dài hạn, xem châu Âu là một hướng đi quan trọng trong ngoại giao với các nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc và là một đối tác quan trọng của Trung Quốc trên hành trình hiện đại hóa. Tôi hy vọng quan hệ Trung Quốc - Pháp và quan hệ Trung Quốc - châu Âu sẽ thúc đẩy lẫn nhau và cùng phát triển".

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - khẳng định: "Chúng tôi nhất trí rằng châu Âu và Trung Quốc có chung lợi ích về hòa bình và an ninh. Chúng tôi trông cậy vào Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng của mình để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine".

Châu Âu, trong đó Pháp là một thành viên đóng góp tích cực, đang thúc đẩy tái công nghiệp hóa dựa trên đổi mới xanh. Về phần mình, Trung Quốc cũng đang tăng tốc phát triển các lực lượng sản xuất mới có chất lượng. Do đó, hai bên có thể tăng cường hợp tác về đổi mới và cùng nhau thúc đẩy phát triển xanh.

Ông Hervé Machenaud - nguyên Tổng Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) - nhận định: "Chuyển đổi năng lượng rõ ràng là một vấn đề toàn cầu quan trọng mà tôi cho rằng Pháp và Trung Quốc cùng đóng vai trò và gánh vác trách nhiệm đặc biệt. Tôi nghĩ Pháp và Trung Quốc có quan điểm tương tự trong việc bảo vệ thiên nhiên và đảm nhận trách nhiệm quốc tế. Một trong những lĩnh vực hợp tác chính giữa Trung Quốc và Pháp là năng lượng hạt nhân. Lĩnh vực này đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng".

Ông Luo Qingping - Chủ tịch Viện Chiến lược Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc - cho biết: "Cả Trung Quốc và Pháp đều đặt mục tiêu trung hòa carbon. Mục tiêu của Trung Quốc là năm 2060, còn Pháp là năm 2050. Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Năng lượng Hạt nhân năm 2024, có thêm nhiều quốc gia công nhận năng lượng hạt nhân là một lựa chọn thiết thực để giảm nhẹ biến đổi khí hậu và cung cấp nguồn điện ổn định".

Chuyến thăm lần này của chủ tịch Trung Quốc tới châu Âu là cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới, tạo xung lực mới cho hợp tác phát triển, cũng như chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.

Động lực mới trong hợp tác Trung Quốc - EU

Ngay trước thềm chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới châu Âu, một báo cáo được phía Trung Quốc công bố đã nhận định Hợp tác về khí hậu là động lực mới cho quan hệ Trung Quốc - EU.

Trong báo cáo được công bố với tiêu đề "Hợp tác môi trường và khí hậu Trung Quốc - EU: Tiến bộ và triển vọng", 4 cơ quan tham vấn chính sách của Trung Quốc đã đánh giá hợp tác môi trường và khí hậu đã trở thành điểm sáng mới, trụ cột mới, động lực mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU. Báo cáo kêu gọi Trung Quốc và EU cần thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu và thực chất hơn, tăng cường kết nối chính sách môi trường và khí hậu thông qua các cơ chế hợp tác và đối thoại cấp cao; đồng thời, thiết lập khuôn khổ hợp tác lâu dài cũng như thúc đẩy hành động về khí hậu toàn cầu…

Thực tế, môi trường và khí hậu có thể nói là lĩnh vực ít nhạy cảm nhất trong hợp tác Trung Quốc - EU hiện nay. Hợp tác trong lĩnh vực này cũng đã đạt được tiến triển nhất định trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi hai bên nhất trí thành lập cơ chế đối thoại cấp cao về môi trường và khí hậu năm 2020. Do đó, việc công bố báo cáo trên ngay trước thềm chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã phần nào phản ánh nhu cầu và kỳ vọng của nước này trong việc thúc đẩy hợp tác về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhân chuyến thăm, qua đó tạo tiền đề để mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, xây dựng tin cậy chính trị và duy trì ổn định chiến lược cho quan hệ Trung Quốc - EU trong thời gian tới.

Ý nghĩa chuyến thăm Pháp, Serbia và Hungary của Chủ tịch Trung Quốc

Giới phân tích châu Âu nhận định chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình có ba trọng tâm. Thứ nhất, tại các cuộc gặp, giới chức châu Âu sẽ thuyết phục Trung Quốc tham gia Hội nghị hòa bình do Thuỵ Sỹ tổ chức vào tháng tới, để thảo luận về kế hoạch 10 điểm do Tổng thống Ukraine đưa ra từ cuối năm 2022. Tờ Le Monde của Pháp cho biết việc đối thoại với Trung Quốc sẽ là đòn bẩy lớn nhất góp phần giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.

Thứ hai, chuyến công du sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc, khi Ủy ban châu Âu đang điều tra về các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho các nhà sản xuất xe điện và pin mặt trời.

Cuối cùng, hai điểm đến sau Pháp là Serbia và Hungary, đều là thành viên của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Chuyển thăm của Chủ tịch Trung Quốc sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trong khuôn khổ Sáng kiến này. Riêng với Serbia, chuyến thăm cũng là cơ hội củng cố vị thế là đối tác chính của Trung Quốc ở khu vực Tây Balkan.

Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà hai bên chia sẻ lợi ích và tiềm năng, chẳng hạn như phát triển xanh. Điều này không chỉ không chỉ giúp củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU mà còn có ý nghĩa trên phạm vi toàn cầu khi Trung Quốc và EU đều đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu.

Nguồn: VietnamPlus; Thương hiệu & Công luận; Vietnamnet; Soha; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang