EU: Chuẩn bị hạ lãi suất; Sáng – tối bức tranh mở rộng; Các nước cầu cứu Algeria; Tuần hành lớn ở Pháp; 'Chúa bitcoin' bị bắt ở TBN

CHÂU ÂU CHUẨN BỊ HẠ LÃI SUẤT?

Theo dữ liệu được công bố ngày 30/4, lạm phát tháng 4 ở khu vực đồng euro giữ ổn định ở mức 2,4%, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng trở lại trong quý 1.

Lạm phát toàn phần của khu vực đồng euro tháng 4 ở mức 2,4%, đúng như dự báo của các nhà kinh tế tham gia thăm dò của Reuters. Trên cơ sở hàng tháng, lạm phát toàn phần là 0,6%.

Đây là tháng thứ 7 liên tiếp tỷ lệ lạm phát dưới 3%, mặc dù tỷ lệ này đã tăng nhẹ trong tháng 12 do giá năng lượng tăng.

Lạm phát lõi (không bao gồm năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) giảm từ mức 2,9% trong tháng 3 xuống 2,7% trong tháng 4.

Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 0,3% trong 3 tháng đầu năm, tốt hơn so với dự đoán chung của các nhà kinh tế. GDP trong quý 4 năm 2023 được điều chỉnh từ không tăng trưởng thành giảm 0,1%, có nghĩa là khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái kỹ thuật vào nửa cuối năm ngoái.

Theo dữ liệu của LSEG, thị trường đang gia tăng kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào ngày 6/6. Thậm chí, thị trường dự đoán gần 70% khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 6. Tỷ lệ này còn cao hơn trong tháng 7 hoặc tháng 9.

Một loạt thành viên ECB có quyền bỏ phiếu đã trao đổi với CNBC hồi đầu tháng này rằng việc hạ lãi suất vào tháng 6 là có khả năng, để ngăn chặn tình trạng suy thoái quá mức của nền kinh tế khu vực đồng euro. Họ cũng cảnh báo những rủi ro từ giá dầu và biến động ở Trung Đông.

Nhà kinh tế châu Âu Gerardo Martinez tại BNP Paribas cho biết, thực tế lạm phát dịch vụ giảm lần đầu tiên sau 6 tháng là yếu tố quan trọng làm gia tăng niềm tin rằng ECB sẽ hạ lãi suất chính sách vào tháng 6.

Tuy nhiên, ông Martinez lưu ý rằng lạm phát lõi giảm thấp hơn một chút so với dự kiến ​​và sự biến động ở một số lĩnh vực dịch vụ đã làm tăng tỷ lệ lạm phát ở Pháp và Ý.

Vì thế, ông Martinez đánh giá rằng con đường từ nay có thể sẽ gập ghềnh và không có gì là chắc chắn. Ông dự đoán ECB sẽ có tốc độ nới lỏng chậm rãi và thận trọng.

Trong khi đó, loạt số liệu kinh tế được công bố gần đây khiến các nhà đầu tư nghi ngờ việc FED sẽ hạ lãi suất trong kỳ họp tháng 6 tới. Kịch bản nền kinh tế Mỹ không hạ cánh đang được nhiều chuyên gia nhắc tới trong thời gian gần đây thay vì hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm như trước đây.

SÁNG – TỐI BỨC TRANH MỞ RỘNG LIÊN MINH CHÂU ÂU

Ngày 1/5/2024 đánh dấu 20 năm sau đợt mở rộng có thể coi là lớn nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), được ví như "vụ nổ Big Bang" với sự gia nhập đồng thời của 10 nước là CH Cyprus, CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia.

Ngoại trừ 2 quốc đảo Địa Trung Hải là Malta và Cyprus, các nước còn lại của đợt mở rộng "Big Bang" đều thuộc khối Đông Âu, trong đó có 3 nước thuộc Liên Xô trước đây.

Chỉ qua một đêm, EU đã trở thành một thực thể chính trị, kinh tế và văn hóa rộng lớn hơn, trải dài từ Tallinn (Estonia) đến Lisbon (Bồ Đào Nha), từ Valletta (Malta) đến Stockholm (Thụy Điển), từ Dublin (Ireland) đến Nicosia (Cyprus). Cảm hứng của “đợt mở rộng Big Bang” và sức hấp dẫn của nó đã dẫn đến việc Bulgaria, Romania và Croatia gia nhập đại gia đình châu Âu vài năm sau đó. Sự mở rộng nhanh chóng đã đem lại cho EU nhiều thành quả, song bên cạnh đó cũng còn không ít những thách thức.

Trước tiên, đó là một thị trường chung rộng lớn, nhiều cơ hội hơn, thịnh vượng hơn và an toàn hơn. EU đã trở thành một trong những thị trường chung lớn nhất thế giới, kéo theo sự tăng trưởng và thịnh vượng cho toàn khối. Trong 20 năm qua, cơ sở hạ tầng và kết nối hiện đại quy mô lục địa đã được xây dựng trên khắp 27 quốc gia thành viên nhờ các khoản đầu tư và quỹ của EU. Xã hội châu Âu theo đó cũng đã được hưởng lợi với nhiều đổi mới hơn, nhiều lĩnh vực đầu tư hơn, sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người với tiêu chuẩn cao hơn và cơ hội lớn hơn cho tất cả mọi người. Kể từ năm 2004, hơn 2,7 triệu người từ 10 quốc gia đã đón nhận cơ hội học tập và giảng dạy ở nước ngoài thông qua chương trình Erasmus. Bên cạnh đó, 9/10 quốc gia gia nhập (trừ Cyprus) đã hoàn toàn thuộc Schengen - khu vực đi lại tự do lớn nhất thế giới.

Trong 20 năm qua, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế EU vẫn tăng trưởng 27%. Các quốc gia gia nhập năm 2004 đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể. Ví dụ, nền kinh tế Ba Lan và Malta đã tăng hơn gấp đôi quy mô, trong khi Slovakia đã tăng trưởng 80%. Tiền lương thực tế đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2004-2023 ở 10 nước này và mức độ nghèo đói đã giảm đi một nửa. Trong số 26 triệu việc làm mới được tạo ra trên khắp EU trong 20 năm qua, 6 triệu việc là ở 10 quốc gia thành viên mới.

Việc kết nạp các quốc gia mới cũng tạo thêm nhiều cơ hội và thịnh vượng cho các quốc gia thành viên cũ. Xuất khẩu của Tây Ban Nha sang 10 nước này đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Thương mại hàng hóa của Italy với các nước này đã tăng 77% kể từ đó. Liên kết thương mại giữa Litva và Thụy Điển cũng tăng đáng kể. Trong vòng chưa đầy hai thập niên, dòng hàng hóa nội địa trong EU đã tăng hơn 40%.

Trong lĩnh vực an ninh, các quốc gia thành viên đã hợp tác hiệu quả hơn để trấn áp tội phạm xuyên biên giới như buôn bán ma túy, rửa tiền và tội phạm trực tuyến nhờ các quy tắc chung, hợp tác hoạt động và sự hỗ trợ của EU.

Thứ hai, đó là chất lượng cuộc sống người dân được đảm bảo và nâng cao hơn. Trong 20 năm qua, EU cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể về quyền xã hội, bảo vệ sức khỏe và môi trường, quyền lợi người tiêu dùng và an toàn sản phẩm, cùng nhiều vấn đề khác, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống chung của người dân. Theo số liệu của tổ chức đo lường các chỉ số EU Standard Eurobarometer, trong 20 năm qua, tuổi thọ trung bình ở các quốc gia mở rộng năm 2004 đã tăng từ 75 lên 79 tuổi, gần như thu hẹp khoảng cách với mức trung bình 81 tuổi của EU gồm 27 thành viên. Mức độ hài lòng với cuộc sống của các quốc gia mới gia nhập cũng đã tăng từ 68% của năm 2004 lên 89% vào năm 2024.

Thứ ba, đó là tăng cường hơn nữa vai trò của EU trên thế giới. Việc bổ sung 10 quốc gia thành viên mới đã giúp tăng cường sức mạnh kinh tế của EU trên toàn cầu. Lợi thế của một thị trường chung ngày càng rộng mở đã khiến EU trở thành đối tác thương mại hấp dẫn hơn nữa, cho phép liên minh này tạo ra những cơ hội mới ở nước ngoài. Kể từ năm 2004, thương mại quốc tế toàn cầu của EU đã tăng thêm 3.000 tỷ euro, đạt 5.000 tỷ euro vào năm 2023.

Một liên minh lớn hơn cũng đã nâng cao vai trò của châu Âu với tư cách là nhà tài trợ nhân đạo hàng đầu. Hỗ trợ nhân đạo của châu Âu, dù ở Ukraine, Gaza hay Sudan đều do các nhân viên cứu trợ từ khắp EU thực hiện.

Theo Giám đốc Văn phòng EU của Quỹ Friedrich Naumann, ông Jules Maaten, việc mở rộng đã thúc đẩy sự thịnh vượng, củng cố nền dân chủ và đảm bảo sự ổn định trên toàn liên minh. Và với 27 quốc gia thành viên, EU đã trở thành một chủ thể địa chính trị mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn những "điểm tối" trong bức tranh đại mở rộng của EU. Giám đốc dự án khu vực Trung Âu và các nước vùng Baltic của Quỹ Friedrich Naumann, ông Lars-André Richter đánh giá EU đang đối mặt với các mối đe dọa, cả bên ngoài lẫn bên trong và tình hình địa chính trị trên thế giới hiện rất khác so với 20 năm trước.

Thứ nhất, đó là sự bất bình đẳng kinh tế và khoảng cách về trình độ phát triển chưa thể khỏa lấp giữa các quốc gia thành viên cũ và mới. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu năm 2021, trên cơ sở tài sản, các hộ gia đình Đan Mạch giàu nhất EU với tài sản trung bình mỗi hộ là 253.000 euro, gấp hơn 20 lần Romania đứng cuối bảng xếp hạng chỉ với 10.760 euro.

Tiếp đó là thách thức về đoàn kết và chia rẽ. Có một thực tế phải thừa nhận rằng, với ít quốc gia hơn, EU có thể dễ dàng hơn trong việc đạt được sự đồng thuận chung về các vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, khi khối càng mở rộng, với những thành viên có quan điểm và lợi ích khác biệt, sự chia rẽ ngày càng bộc lộ rõ. Trong nội bộ EU, chủ nghĩa dân tộc, dân túy gia tăng ở nhiều quốc gia thành viên, không chỉ đe dọa các giá trị cốt lõi của khối, mà còn đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết. Trong những năm gần đây, một số đảng và phong trào dân tộc chủ nghĩa đã trỗi dậy tại một số nước EU như Hungary, Ba Lan..., ủng hộ chính sách ưu tiên các lợi ích quốc gia hơn sự hội nhập và hợp tác châu Âu. Một số quốc gia thành viên EU phản đối việc di cư, dẫn đến các chính sách hạn chế nhập cư và gia tăng căng thẳng giữa các nước. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý hoài nghi về lợi ích của EU và ủng hộ việc tăng cường quyền lực cho chính phủ quốc gia. Những điều này làm suy yếu tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU; cản trở quá trình ra quyết định chung khi một số nước theo đuổi lợi ích riêng. Trong một số trường hợp, chủ nghĩa dân tộc gia tăng có thể dẫn đến sự chia tay như việc Vương quốc Anh rời khỏi EU (Brexit)

Sau 20 năm mở rộng, EU còn đối mặt với bài toán nhập cư, khi biến đổi khí hậu, xung đột và bất ổn chính trị đang thúc đẩy người dân di cư đến các quốc gia EU, gây áp lực lên hệ thống tị nạn và biên giới chung. Trong khi đó, các cuộc tấn công mạng đang trở nên tinh vi hơn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Những thách thức này đặt ra vấn đề đồng thuận về chính sách giải pháp và sự phối hợp hành động giữa các nước thành viên vốn không hoàn toàn có sự tương đồng về điều kiện kinh tế và quan điểm.

Tuy nhiên, lợi ích của việc mở rộng có vẻ chiếm ưu thế và sau 20 năm kể từ “đợt mở rộng Big Bang”, EU vẫn tiếp tục chuẩn bị kết nạp thêm các thành viên mới, chủ yếu ở khu vực Tây Balkan, dự kiến vào năm 2030. Chỉ có điều, mở rộng và kết nạp thêm thành viên hiện cũng là chủ đề gây tranh cãi gay gắt trong EU.

MỘT SỐ NƯỚC CHÂU ÂU CẦU VIỆN ALGERIA SAU KHI TỪ CHỐI KHÍ ĐỐT NGA

Cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục tác động và làm xáo trộn chuỗi phân phối năng lượng trong khu vực.

Một số nước châu Âu đã yêu cầu Algeria tăng nguồn cung khí đốt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra trầm trọng hơn theo sau xung đột Nga-Ukraine ở “cựu lục địa” và xung đột Israel-Hamas ở Trung Đông.

“Chúng tôi là một quốc gia Địa Trung Hải. Chúng tôi là một quốc gia sản xuất khí đốt. Chúng tôi ngày càng được các đối tác ở châu Âu yêu cầu cung cấp thêm khí đốt”, Ngoại trưởng Algeria Ahmed Attaf cho biết hôm 28/4.

Phát biểu tại cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út, ông Attaf lưu ý rằng cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục tác động và làm xáo trộn chuỗi phân phối năng lượng trong khu vực.

Khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước châu Âu – phần lớn phụ thuộc vào khí đốt Nga – bắt đầu tìm cách giảm sự phụ thuộc này và tìm kiếm nguồn cung thay thế. Do đó, Alregia đã được nhắm tới.

Ví dụ, Italy – phụ thuộc vào Nga tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu – đã đàm phán một thỏa thuận năng lượng dài hạn với công ty Sonatrach thuộc sở hữu nhà nước của Algeria.

Theo thỏa thuận, quốc gia Bắc Phi sẽ tăng dần dòng khí đốt cho Italy thông qua đường ống Transmed, bao gồm thêm 9 tỷ m3 khí đốt trong năm nay, và được bổ sung bằng các giao dịch mua giao ngay.

Algeria cũng là nhà cung cấp khí đốt chính cho Tây Ban Nha và Pháp. Xét về quy mô thị trường, Algeria có trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh lớn thứ 10 trên toàn cầu và là nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ 4 thế giới. Điều này cho phép Algieria tăng cường vai trò chiến lược và chính trị của mình trong khu vực.

Quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng đầu năm 2023, đạt 8,8 tỷ m3. Các quốc gia trong vành đai châu Âu đã được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này, hấp thụ 3,7 tỷ m3 LNG của Algeria tính đến năm 2023, theo Bloomberg.

Nỗ lực của Algeria nhằm tăng cường sản xuất trong nước và duy trì xuất khẩu khí đốt ở mức cao sẽ đòi hỏi phải tiếp tục phát triển các mỏ khí đốt, tương tự như dự án Tăng cường giai đoạn 3 mỏ Hassi R’mel của Sonatrach, đã giúp nâng cao mức sản xuất vào năm 2021.

“Xung đột Palestine-Israel cũng đang ảnh hưởng đến khu vực của chúng ta, và chúng ta có khu vực Sahel… đòi hỏi sự can thiệp hiệu quả hơn từ Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an”, Ngoại trưởng Algeria lưu ý khi dự sự kiện ở Riyadh.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia đã cảnh báo rằng cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza có thể đe dọa nghiêm trọng đến thị trường khí đốt tự nhiên trong khu vực và có thể ảnh hưởng đến nguồn cung LNG cho châu Âu.

Viễn cảnh Iran, nước ủng hộ Hamas và là kẻ thù không đội trời chung của Israel, bị lôi kéo vào cuộc xung đột cũng gây ra rủi ro nghiêm trọng cho thị trường năng lượng

NGƯỜI PHÁP TUẦN HÀNH KỶ NIỆM NGÀY 1/5

Sẽ có khoảng 130.000-150.000 người Pháp sẽ tham gia các cuộc tuần hành trên khắp nước Pháp trong ngày hôm nay để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5).

Cơ quan an ninh Pháp dự báo các cuộc tuần hành sẽ diễn ra ôn hoà hơn so với năm ngoái khi người dân Pháp phản đối dự luật cải cách hưu trí, tuy nhiên không loại trừ các phần tử cực đoan trà trộn gây rối hay kích động các phong trào ủng hộ người dân Palestine và phản đối Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024.

Theo cơ quan an ninh Pháp, trong ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm 2024, sẽ có khoảng 340 điểm tập trung tuần hành trên khắp nước Pháp, thu hút tổng cộng khoảng 130.000 – 150.000 người tham gia, trong đó đông nhất là tại thủ đô Paris với con số dự kiến vào khoảng 30.000, tiếp đến là các thành phố như Lyon (5.000 người), Toulouse (4.000 người), Lille (3.500 người), Grenoble, Pau và Perpignan (3.000 người)…

Người tham gia tuần hành đến từ nhiều ngành nghề từ giáo dục, y tế, nông nghiệp cho đến ngay cả các nhân viên thực thi pháp luật.

Tại thủ đô Paris, giống như mọi năm, người tham gia tuần hành sẽ tập trung tại quảng trường Cộng hoà từ 13h30 ngày 01/5, diễu hành qua các con phố và quảng trường Bastille trước khi kết thúc tại quảng trường Quốc gia.

Cơ quan an ninh Pháp đánh giá các tuần hành năm nay sẽ diễn ra ôn hoà hơn năm 2023, thời điểm các phong trào phản đối dự luật cải cách hưu trí diễn ra mạnh mẽ tại Pháp. Một yếu tố khác là năm 2024, các tổ chức công đoàn tại Pháp không thành lập một mặt trận thống nhất mà tổ chức tuần hành riêng rẽ với các khẩu hiệu khác nhau như ủng hộ hòa bình, thúc đẩy một châu Âu bảo hộ hơn, phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng hay đảm bảo quyền tự do công đoàn...

Tuy nhiên, cơ quan tình báo Pháp vẫn cảnh báo về sự hiện diện của các phần tử cực đoan nằm trong “danh sách đen” hay các nhóm phản đối Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 cùng các phong trào ủng hộ Palestine, nhất là trong bối cảnh làn sóng biểu tình của các sinh viên tại thủ đô Paris gia tăng trong những ngày gần đây.

Cơ quan an ninh Pháp ước tính sẽ có khoảng 400-800 cá nhân cực đoan sẽ trà trộn trong đoàn tuần hành tại Paris để gây rối.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết sẽ triển khai 12.000 cảnh sát và hiến binh trên cả nước, trong đó riêng thủ đô Paris là khoảng 5.000 quân, để giám sát các cuộc tuần hành và đảm bảo trật tự.

TÂY BAN NHA BẮT “CHÚA BITCOIN” VÌ TỘI TRỐN THUẾ

Một nhà đầu tư đời đầu nổi tiếng trong giới tiền mã hóa với biệt danh 'Chúa bitcoin' đã bị bắt ở Tây Ban Nha, sau khi bị truy tố ở Mỹ với cáo buộc trốn thuế ít nhất 48 triệu USD.

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30.4 cho biết ông Roger Ver, 45 tuổi, bị truy tố tội gian lận qua thư và trốn thuế theo cáo trạng nộp lên tòa án liên bang ở Los Angeles (bang California, Mỹ). Cáo trạng đã được gỡ niêm phong sau khi ông Ver bị bắt ở Tây Ban Nha vào cuối tuần trước, theo Reuters.

Ông Bryan Skarlatos, luật sư của ông Ver, cho biết trong một tuyên bố rằng ông "rất thất vọng và ngạc nhiên" trước việc thân chủ bị bắt khi đang đi du lịch ở Tây Ban Nha.

"Ông Ver đã nhờ đến các chuyên gia thuế hàng đầu để giúp ông ấy khai báo số bitcoin của mình và ông ấy luôn có ý định tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ thuế tại Mỹ... Chúng tôi mong muốn chứng minh sự vô tội của ông ấy trước tòa, nếu cần thiết", tuyên bố nêu.

Ông Ver, người từng giữ chức tổng giám đốc của công ty phát triển ví điện tử Bitcoin.com, bắt đầu mua bitcoin (một loại tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số/tiền điện tử) vào năm 2011 và tích cực quảng bá tiền mã hóa. Việc này đã mang đến cho ông biệt danh "Bitcoin Jesus" (tạm dịch là "Chúa bitcoin").

Năm 2014, ông Ver từ bỏ quốc tịch Mỹ sau khi trở thành công dân St. Kitts và Nevis, hành động mà các công tố viên Mỹ cho rằng đã gây ra hệ lụy về thuế đối với ông.

Cụ thể, khi một người từ bỏ quốc tịch Mỹ, tài sản của họ được coi là đã được bán theo giá trị thị trường hợp lý vào ngày trước khi họ từ bỏ quốc tịch trong một "vụ mua bán mang tính xây dựng".

Theo luật thuế liên bang Mỹ, bất kỳ khoản lãi nào phát sinh từ việc "mua bán mang tính xây dựng" đó phải được tính vào trong năm tính thuế đó.

Vào ngày trở thành công dân St. Kitts và Nevis, ông Ver và 2 công ty mà ông sở hữu, MemoryDealers.com và Agilestar.com, nắm giữ khoảng 131.000 bitcoin. Tại thời điểm đó, mỗi bitcoin được giao dịch với giá khoảng 871 USD, tức số bitcoin nằm trong tay ông Ver và các công ty của ông có giá trị ước tính hơn 114 triệu USD.

Các công tố viên cho biết ông Ver đã thuê một công ty luật để giúp ông chuẩn bị các tờ khai thuế liên quan đến việc sinh sống ở nước ngoài và thẩm định giá trị 2 công ty của ông, nhưng đã cung cấp cho họ thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về số lượng tiền mã hóa mà ông Ver và các công ty này thực sự nắm giữ.

Do đó, công ty luật nói trên đã chuẩn bị và nộp tờ khai thuế mà trong đó, giá trị 2 công ty của ông Ver và bitcoin của họ thấp hơn so với thực tế, đồng thời không báo cáo bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu cá nhân của ông Ver, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Theo cáo trạng tại tòa án liên bang ở Los Angeles, ông Ver sau đó đã sở hữu 70.000 bitcoin mà 2 công ty nắm giữ và bán chúng với giá khoảng 240 triệu USD vào năm 2017. Song các công tố viên cho biết ông đã không nộp thuế từ việc sở hữu và mua bán bitcoin này.

Cáo trạng cáo buộc ông Ver đã không nộp cho Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) số tiền thuế lên đến 48 triệu USD từ năm 2014 đến năm 2017.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ có kế hoạch yêu cầu dẫn độ Tây Ban Nha dẫn độ ông Ver.

Nguồn: CafeF; Báo Tin Tức; Người Đưa Tin; VOV; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang