EU: Trừng phạt LNG Nga; Khai tử 'thị thực vàng'; Lực lượng phản ứng nhanh; 'Chĩa mũi dùi' vào TQ; 'Lá chắn' Phần Lan – Thụy Điển

CHÂU ÂU LÊN KẾ HOẠCH TRỪNG PHẠT LNG NGA

Đáng chú ý, các đề xuất mới sẽ không cấm các quốc gia thành viên mua LNG của Nga, mà thay vào đó sẽ nhắm vào các chuyến hàng quá cảnh các cảng của EU.

Ủy ban châu Âu (EC) đang dự tính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, trang Politico đưa tin hôm 26/4, dẫn lời 2 nhà ngoại giao EU.

Theo Politico, hành động này sẽ là lần đầu tiên cơ quan điều hành khối 27 quốc gia “dám” tấn công lĩnh vực khí đốt Nga. EC hiện đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 14 chống lại Moscow, hơn 2 năm kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo các nhà ngoại giao, gói biện pháp mới có thể liên quan đến những hạn chế đối với 3 dự án LNG của Nga, cũng như việc tái xuất LNG của Nga từ các cảng của EU.

Cho đến nay, Brussels đã áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với việc xuất khẩu than và dầu thô bằng đường biển của Nga sang EU, nhưng không thể tìm được sự đồng thuận về các hạn chế khí đốt trong bối cảnh có sự phản đối từ các nước như Hungary, quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu loại nhiên liệu này từ Moscow.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu hơn 2 năm trước, cho đến nay EU đã giảm khoảng 2/3 sự phụ thuộc vào Nga về nhập khẩu khí đốt và đảm bảo hàng thay thế từ các nhà cung cấp khác, nổi bật là Na Uy và Mỹ.

Trong khi LNG của Nga chỉ chiếm 5% mức tiêu thụ năng lượng của EU vào năm ngoái, khối này vẫn trả cho Điện Kremlin khoảng 8 tỷ Euro tiền hàng, chủ yếu đến các cảng ở Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ.

Đáng chú ý, các đề xuất mới sẽ không cấm các quốc gia thành viên mua LNG của Nga để sử dụng, mà thay vào đó sẽ nhắm vào các chuyến hàng quá cảnh các cảng của EU để tới các phần khác của thế giới.

EC cũng tính áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 3 dự án LNG của Nga là Arctic LNG 2, Ust Luga và Murmansk, vốn vẫn chưa đi vào hoạt động, Reuters cho biết.

Theo Bloomberg, mục tiêu sẽ là tiếp tục tấn công chuỗi cung ứng LNG của Nga và doanh thu trong tương lai tại các dự án kể trên. Mỹ trước đây đã trừng phạt một vài trong số các dự án này.

Số liệu thống kê của EU và tính toán của Reuters cho thấy việc LNG vào khối tăng đã đẩy tỉ trọng của khí đốt Nga trong cơ cấu nguồn cung của EU tăng trở lại khoảng 15% sau khi nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Gazprom giảm xuống còn 8,7% từ mức 37% trước xung đột.

Các nhà phân tích cho biết, các lệnh trừng phạt hiện tại và những khó khăn trong việc đảm bảo tàu chở hàng có nghĩa là Nga khó có thể đạt được mục tiêu mà chính phủ nước này đề ra là cung cấp cho thị trường 100 triệu tấn LNG vào năm 2030. Công suất thực tế vào năm 2030 dự kiến sẽ thiếu tới 60 triệu tấn so với mục tiêu đó, Rystad Energy cho biết.

Các Đại sứ EU dự kiến sẽ thảo luận về các đề xuất trừng phạt mới nhất của EC vào đầu tháng tới

"THỊ THỰC VÀNG" BỊ KHAI TỬ, VÌ SAO?

Mới đây, một loạt các nước châu Âu tuyên bố chấm dứt “thị thực vàng” – chương trình giúp các nước thu hút hàng tỉ euro từ các nhà đầu tư bất động sản đang tìm kiếm quyền cư trú. Được hình thành để thu hút đầu tư song nhiều chương trình đã trở thành lỗ hổng để tội phạm có tổ chức và tham nhũng hoành hành.

Theo tờ Bloomberg, chương trình thị thực vàng và hộ chiếu vàng trong nhiều năm qua đã thu hút sự chú ý khi một số quốc gia nỗ lực mở cửa, khuyến khích người nước ngoài giàu có gửi tiền để đổi lấy quyền cư trú hoặc quyền công dân tại nước đó.

Ví như hòn đảo Dominica nhỏ bé ở Caribe đã nhận được nhiều tiền đầu tư hơn khi cung cấp chương trình thị thực với mức giá 100.000 USD/người. Hòn đảo này thu hút nhiều công dân Trung Quốc, Nga và Iran giàu có. Sở hữu tấm hộ chiếu Dominica, những công dân này có thể di chuyển miễn thị thực 90 ngày tại Liên mình châu Âu.

Hiện có hơn 60 quốc gia vận hành các chương trình thị thực vàng hoặc hộ chiếu vàng, bao gồm một số quốc gia EU. Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng là các chương trình này đang bị lạm dụng bởi các đường dây tội phạm có tổ chức và các quan chức tham nhũng. Điều đó đã khiến Ủy ban châu Âu năm ngoái kêu gọi các quốc gia thành viên ngừng chương trình.

Tây Ban Nha, Ireland, Cộng hoà Síp (Cyprus) và Hà Lan đã cắt giảm chương trình cấp thị thực cho đối tượng VIP, trong khi Bồ Đào Nha cải tổ chương trình từ tháng 10/2023. Malta và Hungary đang chịu sức ép của EU nhằm chấm dứt chương trình thị thực vàng. Brussels đã khởi động hành động pháp lý nhằm vào Malta vì cấp quyền công dân với giá khoảng 1 triệu euro. Trong khi đó, Hungary đã tạm ngưng chương trình nhưng có kế hoạch khởi động lại vào cuối năm nay. Ứng viên sẽ được yêu cầu mua bất động sản, mua cổ phần trong quỹ tài sản địa phương hoặc quyên góp từ thiện ít nhất 1 triệu euro vào quỹ tín thác công hỗ trợ các trường đại học địa phương.

Tất cả các nước EU đều thắt chặt các quy định về thị thực đối với công dân Nga và Belarus sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Ở nửa còn lại của thế giới, hồi tháng 1, Australia đã dừng chương trình cấp thị thực cho nhà đầu tư quan trọng. Ra mắt vào năm 2012, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 5 triệu đô la Australia vào nước này để có được quyền cư trú. Theo chính phủ liên bang, ít nhất 85% số đơn đăng ký thành công là của công dân Trung Quốc. Tuy nhiên, chương trình này không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn mà thay vào đó, trở thành nơi trú ẩn của nhiều quan chức tham nhũng.

Eka Rostomashvili, người đứng đầu các chiến dịch chống tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nói với hãng tin DW: "Các chương trình này vốn hấp dẫn các quan chức và tội phạm tham nhũng. Hộ chiếu hoặc giấy phép cư trú bổ sung có thể hữu ích nếu họ đang chạy trốn chính quyền". Theo ông Rostomashvili, thay vì áp dụng các biện pháp thẩm định nghiêm ngặt, nhiều quốc gia đã quá khoan dung và liều lĩnh chào đón những nhân vật đáng ngờ cũng khoản tiền bẩn.

Kristin Surak, Giáo sư xã hội học chính trị tại Cao đẳng Kinh tế và Khoa học London (Anh), cho biết: Trong khi một số quốc gia EU lo ngại về vấn đề ngày một lớn hơn thì các quốc gia ở phía Nam bán cầu lại đưa ra các chương trình thị thực và hộ chiếu vàng lớn, như Malaysia, Panama, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.(UAE). Theo số liệu, UAE nhận cấp thị thực cho 50.000 người/năm theo chương trình thị thực vàng. Con số này là rất lớn so với 30.000 người được chấp thuận cư trú tại Bồ Đào Nha trong hơn 10 năm.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã nhiều lần phàn nàn về việc nhiều chính phủ vẫn giữ bí mật về các chương trình cấp thị thực vàng của họ. Đôi khi, tiêu chí đăng ký sẽ bao gồm việc mua bất động sản hoặc quyên góp cho chính phủ, thay vì các khoản đầu tư có thể thúc đẩy nền kinh tế.

CHÂU ÂU CHUẨN BỊ RA MẮT LỰC LƯỢNG PHẢN ỨNG NHANH

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết, Paris muốn thành lập lực lượng phản ứng nhanh chung của châu Âu vào năm 2025.

Ông Lecornyu nói trên ấn phẩm Le Monde: “Đây là một vấn đề quan trọng, chúng tôi hy vọng sẽ có thể đưa ra kết luận vào năm tới, đây là một tốc độ rất nhanh”.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu nên thành lập lực lượng phản ứng nhanh với quy mô lên tới 5.000 binh sĩ để có thể nhanh chóng triển khai trong môi trường thù địch và sơ tán công dân thuộc khối EU.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói thêm: “Có nhiều cuộc khủng hoảng mà NATO không có thẩm quyền và khi đó Pháp thường tự mình tiến hành các hoạt động".

"Chúng ta phải có khả năng tạo ra một lực lượng như vậy thật nhanh chóng để đảm bảo an ninh cho châu Âu, bảo vệ công dân Bồ Đào Nha, Ý, Đức và Pháp”.

Ông Lecorne sau đó đưa ra ví dụ về cuộc sơ tán khỏi Sudan, khi Pháp một mình sơ tán 1.000 người, trong đó 200 - 250 là công dân Pháp.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, việc tạo ra lực lượng như vậy chỉ có thể đạt được nhờ sự hợp sức chung của châu Âu.

Bên cạnh đó, gần đây giới truyền thông còn biết về việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tạo ra "con đường châu Âu" thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo ông Macron, châu Âu sẽ gặp nguy nếu không có những hành động táo bạo chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Pháp lưu ý rằng châu Âu phải kiên cường trước các mối đe dọa địa chính trị nghiêm trọng từ các đối thủ, thậm chí từ chính đối tác nhằm hướng tới nền độc lập tương ứng của riêng mình.

Ông Macron lưu ý rằng châu Âu đang kết thúc kỷ nguyên sản xuất ở Trung Quốc, nhận tài nguyên từ Nga và vũ khí từ Mỹ.

Tổng thống Pháp cũng cáo buộc cả Mỹ và Trung Quốc vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu bằng cách trợ cấp ồ ạt cho nền kinh tế của họ.

EU TĂNG TỐC GÂY SỨC ÉP LÊN TRUNG QUỐC

EU đang tăng tốc gây sức ép lên các thực thể Trung Quốc mà họ cho rằng có liên quan tới sự hỗ trợ không công bằng của Bắc Kinh.

Trong tuần qua, các nhà điều tra EU đã "đột kích" vào văn phòng Hà Lan và Ba Lan của Nuctech - một nhà sản xuất máy quét an ninh của Trung Quốc. Đây là một phần trong cuộc điều tra của EU về cáo buộc Trung Quốc có các khoản trợ cấp nhằm giúp các công ty của họ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn với các đối thủ châu Âu.

"Cuộc đột kích này làm nổi bật sự suy thoái hơn nữa của môi trường kinh doanh của EU và gửi tín hiệu cực kỳ tiêu cực đến tất cả các công ty nước ngoài", phái đoàn của Trung Quốc tại EU tuyên bố.

Thời điểm của một cuộc đột kích lại diễn ra ngay trước chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình vào tháng tới – chuyến đi đầu tiên sau 5 năm của ông, đến Pháp, Serbia và Hungary – đánh dấu một sự thay đổi dứt khoát trong cách mà Châu Âu chuẩn bị giải quyết vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Brussels đã nhiều lần có giọng điệu ôn hòa với Bắc Kinh trên các vấn đề như thép, nhôm và công nghệ xanh giá rẻ của Trung Quốc. Giờ đây, EU đang đẩy nhanh cuộc chiến – như tiến hành một cuộc điều tra về việc nhà nước Trung Quốc hỗ trợ xe điện, hay tiếp tục các cuộc điều tra về tuabin gió và thiết bị bệnh viện.

“Chúng tôi thích sự cạnh tranh công bằng. Điều chúng tôi không thích là khi Trung Quốc cho tràn ngập thị trường với những chiếc ô tô điện được trợ cấp ồ ạt. Đó là những gì chúng tôi đang chiến đấu chống lại," Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm thứ Tư.

Trong gần một thập kỷ, Ủy ban Châu Âu đã xây dựng một kho vũ khí phòng vệ thương mại mạnh mẽ hơn, nhưng câu hỏi lớn luôn là liệu Brussels có sẵn sàng sử dụng chúng hay không hay chúng chủ yếu chỉ nhằm mục đích răn đe. Chúng bao gồm Công cụ Mua sắm Quốc tế - được sử dụng lần đầu tiên trong vụ kiện công nghệ y tế tuần này - có vẻ sẽ có hành động chống lại Trung Quốc nếu nước này loại các công ty châu Âu ra khỏi đấu thầu công khai.

“Trong một thời gian dài, chúng tôi đã nói về việc Ủy ban Châu Âu có hộp công cụ này. Nhưng chúng tôi đặt câu hỏi về khả năng Ủy ban Châu Âu sử dụng hộp công cụ này một cách hiệu quả”, Francesca Ghiretti, nhà phân tích địa kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Adarga , cho biết.

Gunnar Wiegand, cựu nhà ngoại giao hàng đầu về châu Á tại Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu và là thành viên tại Quỹ Marshall của Mỹ, cũng khẳng định các loại vũ khí thương mại mới luôn được thiết kế để triển khai chứ không chỉ để trưng bày.

Ông nói: “Không ai có thể ngạc nhiên khi các công cụ được tạo ra trong một quá trình khá lâu dài trong vài năm qua cuối cùng cũng đã thực sự được sử dụng.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Brussels cũng đang chuẩn bị đối phó với các tác động thị trường do ứng dụng Shein của Trung Quốc gây ra. Politico tiết lộ Brussels đang tiến tới quyết định chỉ định Shein là một “nền tảng trực tuyến rất lớn” trong thời gian tới – một điều có thể khiến nó bị giám sát chặt chẽ hơn theo luật kiểm duyệt nội dung của khối.

Câu hỏi bây giờ liệu Bắc Kinh sẽ trả đũa ở đâu và như thế nào. Mỗi lần châu Âu nâng cao vị thế trong thương mại, Trung Quốc thường có câu trả lời, chẳng hạn như đe dọa ưu tiên máy bay Boeing hơn Airbus, hoặc không mua rượu vang của Pháp và Tây Ban Nha.

Năm 2013, Trung Quốc từng thành công khi buộc Ủy viên Thương mại EU lúc đó là Karel De Gucht phải rút lui khỏi cuộc “tấn công” chống lại ngành viễn thông và năng lượng mặt trời. Gần đây hơn, Trung Quốc đã chơi quân bài “đất hiếm”, hành động chống lại việc cung cấp gali và germani, hai nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất chip sau khi Mỹ gây áp lực buộc Hà Lan phải chặn một số hoạt động bán thiết bị sản xuất chip tiên tiến của nhà vô địch địa phương ASML cho Trung Quốc.

Nhưng theo Wiegand, châu Âu không nên sống trong sợ hãi. Ông nói: “Luôn có nguy cơ bị trả đũa… Tuy nhiên, đó là điều không nên ngăn cản bất kỳ ai ở EU sử dụng các công cụ được thiết kế cẩn thận, tất cả đều hoàn toàn tương thích với WTO… Sẽ là một sai lầm nếu không sử dụng các công cụ này vì sợ bị trả thù.”

Lập trường cứng rắn hơn của châu Âu có thể sẽ được Mỹ ủng hộ mạnh mẽ. Mỹ được cho thường thất vọng với cách tiếp cận nhẹ nhàng của châu Âu với Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Ngay sau thông báo tuần này về cuộc điều tra thiết bị y tế, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết đang theo dõi với “sự quan tâm”, nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong việc xác định và khám phá các cách giải quyết các chính sách và thực tiễn phi thị trường được sử dụng bởi Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thiết bị y tế.

TẤM LÁ CHẮN NỐI DÀI PHẦN LAN – THỤY ĐIỂN

Tổng thống Alexander Stubb chia sẻ việc gia nhập NATO đã biến Phần Lan trở thành “quốc gia tiền tuyến” vì nước này làm tăng gấp đôi biên giới của NATO với Nga.

Từ ngày 23-25/4, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Thụy Điển.

Chương trình nghị sự của hai thành viên NATO mới trong chuyến thăm được cho là tập trung vào mối quan hệ song phương, hỗ trợ cho Ukraine và chuẩn bị tham dự Thượng đỉnh NATO tại Washington D.C, Mỹ vào tháng Bảy tới.

Hàng xóm thân thiết

Phát biểu trước Quốc hội Thụy Điển, (Riksdag) sáng 23/4, Tổng thống Alexander Stubb nhấn mạnh, dù hai nước còn một vài điểm khác biệt, Thụy Điển luôn là “người hàng xóm thân thiết nhất của người dân Phần Lan”. Hai nước là láng giềng gần gũi, người dân hai nước có quan hệ và giao lưu mật thiết, xã hội tương đồng, lộ trình gia nhập NATO tương tự, mục tiêu muốn củng cố và phát triển đất nước như nhau.

Trong suốt chiều dài lịch sử, đôi khi hai nước đưa ra những quyết định khác nhau như trong Chiến tranh Lạnh, nhưng cơ bản có chung nhận thức về an ninh và kỳ vọng về tương lai dựa trên các giá trị dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, coi trọng hợp tác và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tổng thống Alexander Stubb nhấn mạnh, quan hệ song phương đang trở nên cực kỳ gần gũi trong những năm gần đây và không thể tách rời trong suốt chiều dài lịch sử, trong hiện tại và cả tương lai. Theo ông Stubb, “ngày nay, Thụy Điển và Phần Lan có nhiều cơ hội để điều động chính sách đối ngoại hơn bao giờ hết”.

Trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với xu hướng bảo hộ, Phần Lan và Thụy Điển cần tăng cường hợp tác để thị trường nội địa hoạt động tốt, cạnh tranh cởi mở và xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng mạnh.

Trong cuộc họp báo chung ở Stockholm cùng ngày, Thủ tướng Ulf Kristersson đồng tình với những nhận định của ông Stubb. Ông Kristersson khẳng định, “Thụy Điển và Phần Lan không chỉ có chung lịch sử mà còn chia sẻ rất nhiều về một tương lai chung”.

Vai trò “lá chắn”

Trong nhiều thập kỷ, cả Phần Lan và Thụy Điển theo đuổi chính sách trung lập, không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào đầu năm 2022. Lo ngại có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 và được các nước thành viên NATO khác chấp thuận. Thụy Điển và Phần Lan lần lượt trở thành thành viên chính thức thứ 31 và 32 của NATO vào ngày 4/4/2023 và 7/3/2024.

Tổng thống Alexander Stubb chia sẻ việc gia nhập NATO đã biến Phần Lan trở thành “quốc gia tiền tuyến” vì nước này làm tăng gấp đôi biên giới của NATO với Nga. Phần Lan sẽ phấn đấu trở thành một thành viên NATO khiêm tốn, có trách nhiệm, mang tính xây dựng và đáng tin cậy.

Ông Stubb chia sẻ con đường chung giữa Phần Lan và Thụy Điển không kết thúc với việc trở thành thành viên NATO mà hai nước cần tiếp tục phối hợp trong phòng thủ quốc gia cùng NATO và với nhau. Trách nhiệm chung của hai nước Bắc Âu là bảo vệ NATO ở biển Baltic, khu vực Bắc Cực và khu vực biên giới phía Đông. Hai nước có năng lực chung về phòng thủ trên không, trên biển và trên đất liền và là một phần không thể thiếu trong khả năng răn đe của NATO. Việc kết hợp năng lực quốc gia với tư cách thành viên NATO và EU cũng như các thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương (DCA) với Mỹ sẽ mang lại an ninh cho hai nước hơn bao giờ hết.

Tổng thống Alexander Stubb nhấn mạnh, trong bối cảnh các cuộc xung đột xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Âu và Trung Đông, “cách tốt nhất để tránh chiến tranh là nói ít lại và chuẩn bị nhiều hơn. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa bình. Đó là lý do vì sao Phần Lan muốn có quân đội hùng mạnh và gia nhập NATO”. Đồng thời, ông Stubb nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước duy trì cập nhật thông tin thông suốt cho nhau bất kể ngày đêm, ở mọi cấp độ.

Bình luận về việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên chính thức của NATO, một quan chức NATO chia sẻ, điều này “tạo ra lá chắn không bị gián đoạn từ Baltic đến Biển Đen và sẽ giúp tăng cường việc lập kế hoạch và hợp tác quốc phòng ở khu vực từ Bắc Âu đến Baltic”.

Nguồn: Người Đưa Tin; Báo Tin Tức; Soha; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang