EU: Hạn chế dùng tiền mặt; TikTok đáp trả; Vanice thu phí khách du lịch; Dịch ban đỏ ở Pháp; Kỷ niệm Cách mạng hoa cẩm chướng

CHỐNG RỬA TIỀN, CHÂU ÂU HẠN CHẾ THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT

Ngày 24-4, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua quy định mới về giới hạn thanh toán bằng tiền mặt trong Liên minh châu Âu (EU) ở mức 10.000 euro nhằm chống nạn rửa tiền.

Điều khoản này, cũng nhằm ngăn chặn việc tài trợ cho các nhóm khủng bố, đã được lên kế hoạch tại 27 nước thành viên của EU trong suốt 2 năm qua. Quy định này sẽ tiêu chuẩn hóa các quy tắc thanh toán đối với hàng hóa xa xỉ, tài sản tiền điện tử và những người đại diện cho các cầu thủ bóng đá.

Một số quốc gia, chẳng hạn như Pháp, đã có những quy định chặt chẽ hơn các quy định mới của châu Âu về thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, ở các quốc gia khác, như Áo hay Đức, thanh toán bằng tiền mặt cho đến nay vẫn không giới hạn. Do đó, điều khoản mới sẽ đảm bảo rằng các quốc gia như Đức và Áo sẽ phải tuân thủ các quy định tương tự với các quốc gia khác thuộc EU như Pháp.

Ngoài ra, luật này cũng sẽ thắt chặt các quy định chống rửa tiền đối với các ngân hàng, đại lý bất động sản và sòng bạc, yêu cầu họ xác định danh tính khách hàng và chủ sở hữu. Bên cạnh đó, luật còn mở rộng phạm vi sang tài sản tiền điện tử để nâng cao tính minh bạch. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các đại diện cho cầu thủ bóng đá và câu lạc bộ bóng đá cũng sẽ được thực hiện từ năm 2029.

Là một phần trong nỗ lực trấn áp hoạt động rửa tiền, EU đang có kế hoạch thành lập một cơ quan tập trung vào vấn đề này, với trụ sở đặt tại thành phố Frankfurt, Đức.

CHÂU ÂU TĂNG CƯỜNG ĐIỀU TRA, TIKTOK ĐÁP TRẢ

TikTok vừa tạm dừng tính năng trả thưởng mỗi ngày cho người dùng châu Âu trên phiên bản Lite của ứng dụng sau khi phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra tại khu vực này.

Phiên bản Lite mới được TikTok ra mắt tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) chỉ cách đây vài tuần. Đây là giải pháp thay thế cho ứng dụng TikTok chính nhằm sử dụng dễ dàng hơn trên các đường truyền internet chậm.

TikTok Lite thu hút người dùng EU nhờ vào tính năng trả thưởng mỗi ngày bằng xu khi tương tác với các nội dung trên nền tảng. Tiền xu của TikTok có thể đổi phiếu mua hàng Amazon và thẻ quà tặng PayPal. Dù vậy để đạt được, người dùng phải thực hiện nhiều hoạt động mới kiếm được số tiền đáng kể, ước tính 1 giờ xem video kiếm được khoảng 0,38 USD.

Chính việc này khiến các cơ quan quản lý châu Âu tiến hành một cuộc điều tra với lý do TikTok Lite có khả năng gây nghiện đặc biệt là giới trẻ.

Trả lời Reuters, người phát ngôn của TikTok nói tính năng không khả dụng cho người dùng dưới 18 tuổi, nhưng khiếu nại của Ủy ban châu Âu cho thấy cơ chế xác minh độ tuổi của TikTok không đủ mạnh để ngăn trẻ em đăng ký. Chính vì vậy, TikTok đã tạm dừng tính năng của TikTok Lite trong thời gian giải quyết cuộc điều tra.

VENICE THU PHÍ 5 EURO VỚI KHÁCH DU LỊCH

Chính quyền Venice thu phí 5 euro đối với khách tham quan thành phố trong ngày, nhưng vấp phải sự phản đối của người dân.

Mức phí tham quan 5 euro (5,36 USD) sẽ bắt đầu được chính quyền Venice áp dụng từ 25/4 nhằm bảo vệ thành phố di sản thế giới Unesco khỏi ảnh hưởng của du lịch quá mức và "làm cho thành phố dễ sống hơn", theo Thị trưởng Luigi Brugnaro. Venice là thành phố lớn đầu tiên trên thế giới ban hành quy định này.

Quy định thu phí áp dụng với những người muốn vào trung tâm lịch sử ở Venice. Họ có thể đặt vé trực tuyến và trong giai đoạn thí điểm, quy định này chỉ áp dụng vào 29 ngày cao điểm, chủ yếu là cuối tuần, từ 25/4 đến 14/7. Người dân, người đi làm ở Venice, học sinh, sinh viên và trẻ em dưới 14 tuổi cũng như khách du lịch qua đêm được miễn trừ.

Chính quyền Venice sẽ kiểm tra vé ngẫu nhiên tại 5 địa điểm du lịch chính, trong đó có ga Santa Lucia. Người không mua vé sẽ bị phạt 50-300 euro.

Hội đồng Venice cho hay 5.500 người đã đặt vé ngày 25/4, ngày lễ quốc gia ở Italy, tạo nguồn thu 27.500 euro cho ngân sách thành phố trong ngày đầu tiên.

Tuy nhiên, một số ủy ban và hiệp hội cư dân hôm nay lên kế hoạch biểu tình vì cho rằng khoản phí này không giải quyết được vấn đề.

"Tôi có thể nói rằng gần như toàn bộ thành phố phản đối quy định này", Matteo Secchi, người đứng đầu nhóm Venessia.com, nói. "Không thể áp phí vào cửa một thành phố. Những việc họ đang làm là biến nơi đây thành công viên giải trí, làm xấu hình ảnh Venice".

"Họ tưởng cách này sẽ giải quyết vấn đề, nhưng không hiểu rõ hậu quả của du lịch đại chúng đối với thành phố như Venice", Federica Toninello, người đứng đầu ASC, hiệp hội bất động sản, nói.

Archi, hiệp hội bảo vệ quyền văn hóa xã hội, bày tỏ hoài nghi về tính hợp hiến của quy định hạn chế đi lại tự do. Hiệp hội này cho rằng khoản phí sẽ 'không có hiệu quả ngăn chặn người ta đi lại", đồng thời gây bất bình đẳng trong các nhóm du khách.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ kế hoạch của thành phố. Tommaso Sichero, chủ tịch Hiệp hội các chủ cửa hàng ở Venice, cho rằng quy định này sẽ giúp thu thập dữ liệu cơ bản, điều chỉnh luồng khách du lịch trong những khoảng thời gian nhất định có nguy cơ ảnh hưởng tới thành phố cổ mong manh như Venice.

Thị trưởng Brugnaro phủ nhận sáng kiến này nhằm mục đích kiếm tiền, nhưng cam kết cắt giảm thuế cho người dân địa phương nếu kế hoạch thu phí thành công.

DỊCH BAN ĐỎ TRUYỀN NHIỄM KHIẾN PHÁP ĐAU ĐẦU

Nước Pháp đang phải đối mặt với dịch ban đỏ nhiễm khuẩn do virus parvovirus B19 gây ra, khiến 5 trẻ em Pháp thiệt mạng kể từ đầu năm 2024.

Ngoài Pháp, nhiều quốc gia châu Âu khác như Đan Mạch, Ireland, Hà Lan hay Nauy cũng đang ghi nhận ​​​​sự gia tăng số ca nhiễm parvovirus B19.

Trong thông cáo đưa ra đầu tuần, Cơ quan Y tế công Pháp đã cảnh báo về sự gia tăng số ca nhiễm parvovirus B19 gây ra dịch ban đỏ nhiễm khuẩn và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em. Theo cơ quan này, bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn bắt đầu xuất hiện tại Pháp từ tháng 5/2023 khi số ca nhi phải nhập viện tăng bất thường tại bệnh viện Necker ở Paris.

Kể từ đầu năm 2024, số ca nhiễm đã tăng mạnh với khoảng 100 trẻ em dưới 15 tuổi phải đến phòng cấp cứu mỗi tuần vì nghi ngờ nhiễm parvovirus B19, so với chưa đến 10 trẻ em vào cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, đã có 5 trẻ em chết vì ban đỏ nhiễm khuẩn và là con số cao bất thường so với tỷ lệ tử vong trung bình hàng năm là 1,8. Các ca tử vong đều rơi vào các bé dưới 1 tuổi, bị ức chế miễn dịch và trẻ sơ sinh do người mẹ đã bị lây nhiễm trước đó.

Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn thường được gọi là “bệnh thứ năm” về ngoại ban nhiễm trùng cùng với các bệnh sởi, rubella, sốt tinh hồng cầu, thủy đậu và bệnh ban đỏ, do vi khuẩn Parvovirus B19 gây ra, thường diễn ra vào mùa Xuân và gây phát ban ở trẻ em. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp (giọt nhỏ, hắt hơi, v.v.) và thường lành tính. Ở trẻ em, bệnh gây sốt nhẹ, nhức đầu hoặc cảm lạnh, phát ban trên cơ thể và mặt trẻ nổi mẩn đỏ đặc trưng ở má.

Tuy nhiên, parvovirus B19 có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với những người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh thiếu máu mãn tính cũng như đối với phụ nữ mang thai vì virus có thể lây nhiễm trực tiếp sang thai nhi.

Hiện nguyên nhân của dịch ban đỏ nhiễm khuẩn vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng các chuẩn đoán đều cho rằng có thể liên quan đến việc dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa y tế sau các làn sóng dịch Covid-19. Việc ít tiếp xúc với parvovirus B19 trong thời gian giãn cách và phong toả đã khiến hệ miễn dịch của con người dễ bị tổn thương và lây nhiễm hơn sau khi trở lại nhịp sống bình thường.

Cơ quan Y tế công Pháp cho biết các quốc gia khác như Đan Mạch, Ireland, Hà Lan hay Na Uy cũng đang chứng kiến ​​​​sự gia tăng số ca nhiễm parvovirus B19.

NHIỀU NƯỚC KỶ NIỆM CÁCH MẠNG HOA CẨM CHƯỚNG

Trong những ngày này, ở Bồ Đào Nha, trong EU và nhiều quốc gia châu Phi có các hoạt động kỷ niệm 50 năm cuộc Cách mạng hoa cẩm chướng ở Bồ Đào Nha.

Cuộc cách mạng này chấm dứt thời kỳ chính quyền độc tài từ 1932 - 1974 ở Bồ Đào Nha, mở ra quá trình dân chủ hóa đất nước, chấm dứt cuộc chiến tranh giữa chính quyền thực dân Bồ Đào Nha với một số quốc gia thuộc địa ở châu Phi.

Cuộc cách mạng này bắt đầu từ một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu và rồi mở ra vận hội mới cho Bồ Đào Nha và các nước thuộc địa ở châu Phi. Bồ Đào Nha dần trở thành một nền dân chủ ở châu Âu và các nước thuộc địa ở châu Phi dần trở thành các quốc gia độc lập. Châu Âu nhờ đó mà thay đổi diện mạo và cục diện chính trị. Quan hệ giữa châu Âu và châu Phi cũng từ đó được cải thiện cơ bản.

Nếu không xảy ra cuộc cách mạng này thì các nước thuộc địa ở châu Phi cũng sẽ đến ngày giành được độc lập dân tộc. Nhưng cuộc Cách mạng hoa cẩm chướng ở Bồ Đào Nha đã thúc đẩy quá trình các nước thuộc địa ở châu Phi giành độc lập dân tộc và không để xảy ra đổ máu nữa.

Bồ Đào Nha giải quyết muộn nhất các vấn đề liên quan thời chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha, nhưng trên thực tế lại xử lý chúng ổn thỏa nhất và bền vững nhất so với tất cả các quốc gia châu Âu khác từng chiếm hữu thuộc địa ở các châu lục trên thế giới.

Bằng chứng rõ nét nhất là tổ chức Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha giữa Bồ Đào Nha và các quốc gia thuộc địa xưa (CPLP) thành lập năm 1996 hoạt động hiệu quả và yên bình hơn hẳn những hình thức tập hợp giữa các nước chiếm hữu thuộc địa khác ở châu Âu với các quốc gia từng là thuộc địa của họ. Cũng nhờ CPLP mà quan hệ giữa châu Âu và châu Phi bớt căng thẳng và hiềm khích đi đáng kể.

Nguồn: Tuổi Trẻ; Kinh tế & Đô thị; Vnexpress; VOV; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang