EU: Nắng nóng kỷ lục; Vô phương thoát khí đốt Nga; Khủng hoảng nhà ở; 'Sờ gáy' thị trường thiết bị y tế TQ; Anh tăng hợp tác ở Trung Á

NẮNG NÓNG KỶ LỤC, TƯƠNG LAI CHÂU ÂU BÁO ĐỘNG

Châu Âu được dự báo phải thích ứng với nhiệt độ cao hơn nhanh chóng hơn bất kỳ khu vực nào khác

Theo báo cáo tổng kết hàng năm từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2023 đã chứng kiến châu Âu trải qua năm nóng nhất trong lịch sử, đặt ra những cảnh báo mạnh mẽ về tương lai của lục địa này.

Nhiệt độ cao kỷ lục đã gây ra các đám cháy rừng và trận lũ lụt nặng nề. Diện tích rừng bị thiêu rụi trong năm ngoái bằng tổng diện tích của London, Paris và Berlin cộng lại.

Hy Lạp ghi nhận đám cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay trong khối Liên minh châu Âu, với 960km2 bị thiêu rụi, tương đương gấp đôi diện tích vùng đô thị Athens của nước này.

Samantha Burgess, Phó giám đốc Copernicus, nói rằng báo cáo đã phác họa một bức tranh đáng lo ngại, với nhiệt độ dự kiến tăng lên mỗi thập kỷ, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. "Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn", bà Burgess nói.

Châu Âu được dự báo phải thích ứng với nhiệt độ cao hơn nhanh chóng hơn bất kỳ khu vực nào khác, đặc biệt là các khu vực gần Bắc Cực, như Greenland, đang nóng lên nhanh nhất.

Toàn bộ lục địa sẽ phải đối mặt với tình trạng nóng lên ở mức 3 độ C, ngay cả khi thế giới thành công trong việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đến mức đó.

Báo cáo cũng kêu gọi nỗ lực mạnh mẽ hơn để cắt giảm khí thải trong và ngoài nước. EU đang đi chệch hướng trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải CO2 vào cuối thập kỷ.

CHÂU ÂU LỘ BẰNG CHỨNG DÙ XOAY SỞ ĐỦ KIỂU CŨNG KHÔNG THỂ THOÁT KHÍ ĐỐT NGA

Theo nguồn tin từ Financial Times, cơ quan quản lý năng lượng của EU cảnh báo hãy thận trọng khi hạn chế nhập khẩu khí LNG của Nga.

Châu Âu có nhu cầu lớn với khí đốt Nga

Trang Guancha.cn (Trung Quốc) dẫn báo cáo của Financial Times và Bloomberg cho hay, Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng (ACER) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/4 cảnh báo rằng bất chấp nhu cầu về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của EU có thể đạt đỉnh trong năm nay, để tránh những cú sốc năng lượng, EU vẫn cần nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga và "nên xử lý" các hạn chế đối với việc nhập khẩu khí đốt của Nga một cách thận trọng.

Cảnh báo từ cơ quan quản lý năng lượng EU được đưa ra trong bối cảnh Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang nỗ lực thúc đẩy EU cấm hoàn toàn việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga.

EU cũng hy vọng sẽ ngừng nhập khẩu dần toàn bộ nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027.

Tuy nhiên, Financial Times cho rằng báo cáo của ACER nhấn mạnh rằng EU khó có thể đạt được sự cân bằng giữa an ninh năng lượng của chính mình và việc cắt giảm mua khí đốt của Nga để tác động đến nền kinh tế Nga.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, các nước EU đã tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và Nga để giảm bớt sự phụ thuộc vào đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga.

Thị trường năng lượng năm nay hỗn loạn và người dân lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông sẽ dẫn đến khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, cho đến nay, đà tăng giá dầu khí vẫn được kiểm soát tương đối.

EU hiện là thị trường nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Năm 2023, các nước thành viên EU đã nhập khẩu 134 tỷ mét khối LNG, chiếm 42% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU.

ACER cho biết trong báo cáo rằng khi EU đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, nhu cầu về LNG trong khu vực có thể đạt đỉnh vào năm 2024.

Đồng thời nói thêm rằng trừ khi mùa đông năm nay đặc biệt lạnh, nhu cầu LNG của EU có thể đã đạt đỉnh vào năm ngoái.

Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho châu Âu

Tuy nhiên, sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung cấp LNG của Nga vẫn còn lâu mới kết thúc. Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU sau Mỹ, chiếm 16% tổng lượng LNG nhập khẩu của EU vào năm ngoái.

Theo nhà cung cấp phân tích thị trường Kpler, các nước EU đã mua 15,5 triệu tấn LNG của Nga vào năm 2023, nhiều hơn gần 40% so với tổng lượng năm 2021.

Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi nguồn cung cấp khí đốt của Nga từ đường ống sang khí tự nhiên hóa lỏng, tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga của châu Âu đã giảm khoảng 2/3 so với mức trước xung đột Nga-Ukraine.

Các nhà ngoại giao EU cho biết Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang thúc đẩy EU áp đặt ngay lệnh cấm toàn diện đối với LNG của Nga, điều này đòi hỏi sự đồng thuận giữa các nước thành viên EU.

Các quan chức từ một số quốc gia thành viên EU sẽ vận động Ủy ban châu Âu về kế hoạch này. Tuy nhiên, Financial Times chỉ ra rằng các quốc gia thúc đẩy lệnh cấm này không phải là những quốc gia nhập khẩu LNG Nga.

Các nước như Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những quốc gia nhập khẩu chính, và một phần khí cũng được bán cho Đức và các nước Trung Âu láng giềng.

Các nước nêu trên quan tâm đến vấn đề giảm chi phí năng lượng công nghiệp và không phản đối việc nhập khẩu LNG của Nga.

EU bất đồng chuyện "loại" khí đốt Nga

Vào hôm 11/4, Nghị viện châu Âu đã thông qua quy định mới cấm các công ty Nga đăng ký năng lực cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển LNG. Đây là bước đi hỗ trợ pháp lý cho các chính phủ châu Âu trong việc hạn chế nhập khẩu LNG của Nga.

Một số nước thành viên EU đang cố gắng lợi dụng quy định mới này để tạm thời hạn chế nhập khẩu khí đốt tự nhiên (bao gồm cả LNG) từ Nga và Belarus.

Tuy nhiên, ACER bày tỏ lo ngại về điều này, đồng thời chỉ ra rằng các biện pháp như vậy có thể ảnh hưởng đến các hợp đồng cung cấp dài hạn đã đạt được với Nga trước khi xung đột ở Ukraine bùng nổ.

Việc vi phạm các hợp đồng như vậy có thể buộc các công ty châu Âu phải trả khoản tiền phạt khổng lồ.

Ủy ban châu Âu đề xuất dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027, nhưng ACER chỉ ra rằng năm 2027 sắp đến gần và sẽ khó có thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu LNG từ Nga trước thời điểm đó.

Trong trường hợp này, "cần thêm thời gian đàm phán để đạt được thỏa thuận", cơ quan này cho biết.

Ngoài ra, Áo, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia cảnh báo rằng họ có thể buộc phải tăng nhập khẩu khí đốt của Nga do thuế của Đức đối với khí đốt tự nhiên được vận chuyển qua biên giới.

Tờ Financial Times nhận định điều này càng cho thấy có sự khác biệt trong nội bộ EU về vấn đề an ninh năng lượng và các nước này đang phải đối mặt với áp lực trong quá trình đa dạng hóa các nguồn năng lượng.

KHỦNG HOẢNG NHÀ Ở KÉO DÀI Ở CHÂU ÂU

Cuộc khủng hoảng nhà ở đã kéo theo những hệ quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân tại nhiều nước châu Âu. Gánh nặng về chi phí nhà ở đang đè nặng lên vai hơn 160 triệu người dân trong khu vực.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2010-2023, giá nhà tại các nước Liên minh châu Âu (EU) tăng trung bình 48%, trong khi chi phí thuê cũng tăng 23%. Đáng chú ý, trong giai đoạn nêu trên, giá nhà tại hàng loạt quốc gia như Estonia, Hungary, Litva, Latvia, Séc, Áo, Luxembourg thậm chí tăng gấp đôi.

Bên cạnh đó, hiện 17,1% dân số EU phải chen chúc trong những ngôi nhà quá chật chội; khoảng một phần ba số dân Lục địa Già sống trong nhà thuê và 10% chi tới hơn 40% thu nhập cho việc thuê nhà; khoảng 900.000 người lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Đức là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Liên đoàn Bất động sản Đức cho biết, người dân nước này đối mặt khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng khi việc xây dựng các tòa nhà dân cư bị đóng băng do chi phí đi vay tăng cao. Hậu quả là, Đức có thể thiếu tới 600.000 căn hộ trong năm nay và 830.000 căn vào năm 2027.

Trong khi đó, tại Anh, một báo cáo do tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation công bố cho thấy, nguồn cung nhà ở tại Anh thấp hơn cả về số lượng và chất lượng so với những nước phát triển khác. Theo Generation Rent, tổ chức bảo vệ người thuê nhà, số người vô gia cư tại Anh trong năm 2023 đã vượt quá số người mua nhà lần đầu. Ở Ireland, tuổi trung bình của người mua hiện nay là 39, tăng so với độ tuổi 35 của năm 2010.

Giới phân tích nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do các nhà kinh doanh bất động sản đang phải chịu chi phí đi vay cao sau khi lãi suất ngân hàng tại châu Âu liên tục tăng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, khiến các dự án xây dựng bị trì hoãn.

Ngoài ra, những quy định liên quan vấn đề xây dựng cũng là một nguyên nhân. Chuyên gia bất động sản tại Viện Nghiên cứu kinh tế Ðức (Ifo) Ludwig Dorffmeister cho rằng, việc tồn tại quá nhiều quy định, nhất là về năng lượng, đã liên tục làm tăng chi phí xây dựng trong 30 năm qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay là lực cản đối với đà phục hồi kinh tế của các nước châu Âu và đe dọa kéo theo những bất ổn xã hội. Không chỉ đè nặng lên tốc độ tăng trưởng, tình trạng thiếu hụt nhà ở trên khắp châu Âu còn có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng chính trị, khi đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri.

Chuyên gia kinh tế Adam Corlett tại Resolution Foundation nhận định, cuộc khủng hoảng nhà ở sẽ là một chủ đề nóng, có thể tác động tới cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Anh, khi các đảng tranh luận về cách giải quyết vấn đề chi phí tăng cao mà rất nhiều hộ gia đình phải đối mặt.

Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu đang gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng hiện nay. Chính phủ Đức dự kiến đến năm 2027, sẽ đầu tư tổng cộng 45 tỷ euro xây dựng nhà ở được trợ cấp công, trong đó 18 tỷ euro dành riêng cho nhà ở xã hội. Nhiều nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... cũng điều chỉnh lại chương trình "thị thực vàng", vốn cấp quyền cư trú cho người nước ngoài đầu tư bất động sản.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định, đây là bước đi cần thiết nhằm góp phần giúp người dân mua nhà với mức giá phải chăng. Ở cấp độ khu vực, tại cuộc họp diễn ra tháng 3 vừa qua, các bộ trưởng phụ trách vấn đề nhà ở châu Âu đã thông qua tuyên bố kêu gọi thực hiện một thỏa thuận về nhà ở xã hội và ổn định giá nhà tại châu Âu. Thỏa thuận hướng tới mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở với giá cả phải chăng cho tất cả công dân EU.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) Oliver Ropke khẳng định, châu Âu cần có những hành động quyết liệt để xử lý cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay. Đây là chìa khóa quan trọng để duy trì sự ổn định xã hội tại Lục địa Già.

CHÂU ÂU ĐIỀU TRA MUA SẮM THIẾT BỊ Y TẾ, TRUNG QUỐC PHẢN ỨNG GAY GẮT

Liên minh châu Âu (EU) ngày 24.4 mở một cuộc điều tra về hoạt động mua sắm các thiết bị y tế công cộng của Trung Quốc, động thái có thể khiến gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Reuters đưa tin ngày 24.4, đây là cuộc điều tra đầu tiên trong khuôn khổ Công cụ Mua sắm Quốc tế (IPI) của EU, với mục đích thúc đẩy sự "có đi có lại" trong việc tiếp cận thị trường mua sắm công quốc tế. Kết quả cuộc điều tra lần này có thể dẫn đến việc EU áp đặt hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với các công ty thiết bị y tế Trung Quốc trong khối 27 quốc gia thành viên EU.

Phía EU đã liệt kê một số vấn đề mà liên minh này nghi ngờ Bắc Kinh "ưu ái" các nhà thầu một cách không công bằng. Theo đó, Trung Quốc có thể áp dụng chính sách "Made in China", áp đặt các hạn chế về nhập khẩu hàng hóa, và điều chỉnh các điều kiện khiến giá thầu thấp bất thường.

AFP ngày 24.4 dẫn lại thông cáo chính thức của EU cho biết: "Đánh giá sơ bộ của Ủy ban châu Âu là các biện pháp và thông lệ hạn chế gây suy giảm nghiêm trọng và thường xuyên về mặt pháp lý cũng như thực tiễn đối với khả năng tiếp cận của các nhà phát triển kinh tế, hàng hóa và dịch vụ của EU".

Phản ứng về thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích cuộc điều tra, gọi động thái này sẽ "làm tổn hại hình ảnh của EU". Bên cạnh đó, ông Uông cũng cảnh báo EU dần tiến tới chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời kêu gọi Brussels ngưng sử dụng bất kỳ lý do nào để trừng phạt vào hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

EU cho biết cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 9 tháng kể từ khi bắt đầu, mặc dù Ủy ban châu Âu có thể gia hạn thêm 5 tháng. EU đã mời Trung Quốc đưa ra quan điểm riêng và cũng tham gia tham vấn với Ủy ban châu Âu để loại bỏ hoặc khắc phục các biện pháp và hành vi bị cáo buộc.

Theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS-Đức), Trung Quốc là thị trường thiết bị y tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), với trị giá khoảng 145 tỉ USD vào năm 2022.

Leo thang căng thẳng thương mại

EU đã phát động một làn sóng điều tra nhắm vào Trung Quốc về trợ cấp công nghệ xanh. Hồi đầu tháng 4 năm nay, EU đã khiến Bắc Kinh tức giận sau khi tuyên bố điều tra các nhà cung cấp tua bin gió của Trung Quốc. Các cuộc điều tra khác tập trung vào các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho tấm pin mặt trời, ô tô điện và xe lửa trong bối cảnh các nước châu Âu tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, EU gần đây triển khai một công cụ mới, được gọi là Quy định trợ cấp nước ngoài (FSR). Công cụ này được thiết kế để phát hiện các khoản trợ cấp của nhà nước "làm hỗn loạn thị trường" trên sổ sách của các công ty nước ngoài hoạt động tại EU.

Theo South China Morning Post ngày 24.4, bốn cuộc điều tra đã được tiến hành nhắm vào các công ty Trung Quốc bằng công cụ này. Hôm 23.4, các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ sự hoang mang trước những "cuộc đột kích lúc bình minh" không báo trước của Ủy ban châu Âu vào văn phòng của một nhà sản xuất thiết bị giám sát Trung Quốc ở Hà Lan và Ba Lan, với chủ đích tìm kiếm bằng chứng về các khoản trợ cấp.

Phản ứng về động thái trên, Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU (CCCEU) đưa ra tuyên bố: "Không có thông báo trước, các cơ quan thực thi được Ủy ban châu Âu ủy quyền đã tiến hành các cuộc đột kích tại văn phòng của công ty ở cả 2 quốc gia vào buổi sáng. Họ tịch thu thiết bị công nghệ thông tin và điện thoại di động của nhân viên, xem xét kỹ lưỡng các tài liệu văn phòng và yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu".

"CCCEU tái khẳng định sự phản đối kiên quyết của mình đối với việc Ủy ban châu Âu sử dụng FSR như một phương tiện để gây áp lực kinh tế cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại EU, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh", theo Hoàn Cầu thời báo ngày 23.3.

ANH TĂNG CƯỜNG GẮN KẾT TRUNG Á VÀ MÔNG CỔ

Ngoại trưởng Anh David Cameron thăm Tajikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kazakhstan và Mông Cổ từ ngày 22/4, nhằm tăng cường gắn kết với khu vực then chốt này.

Theo thông cáo báo chí của chính phủ Anh, Ngoại trưởng David Cameron sẽ gặp các nhà lãnh đạo trong khu vực để tăng cường hợp tác trước những thách thức chung, từ chống khủng bố đến biến đổi khí hậu.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh sẽ hỗ trợ các cơ hội toàn cầu cho giới trẻ bằng cách đảm bảo rằng các giáo viên dạy tiếng Anh trong khu vực sẽ có quyền truy cập các tài liệu giảng dạy tiếng Anh phù hợp của Hội đồng Anh. London sẽ tăng gấp đôi số tiền tài trợ cho học bổng Chevening để nhiều người có thể theo học tại các trường đại học đẳng cấp thế giới của xứ sở sương mù.

Với cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tạo việc làm và tăng trưởng từ Bridgend đến Bishkek, ông David Cameron sẽ chứng tỏ rằng doanh nghiệp Anh cung cấp nguồn đầu tư bền vững, chất lượng, có thể thúc đẩy tăng trưởng mà không ảnh hưởng đến chủ quyền của các nước trong khu vực.

Trong chuyến thăm, vị Ngoại trưởng sẽ công bố khoản tài trợ phát triển mới của chính phủ Anh trị giá 50 triệu Bảng Anh cho khu vực Trung Á và vùng lân cận phía Đông trong 3 năm tới. Nguồn tài trợ sẽ không chỉ thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng khu vực mà còn xây dựng quan hệ thương mại và hợp tác, làm cho khu vực và Anh an toàn và thịnh vượng hơn.

Ngoài các cuộc gặp song phương, ông David Cameron sẽ đến thăm một loạt địa điểm quan trọng, trong đó có dự án thủy điện ở Tajikistan, công trình thủy lợi kênh đào ở Kyrgyzstan và cơ sở văn hóa ở Mông Cổ.

Ông David Cameron là Ngoại trưởng Anh đầu tiên đến thăm Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan và là người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh đầu tiên tới Uzbekistan kể từ năm 1997. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Anh tới Mông Cổ trong hơn một thập kỷ.

Chuyến thăm nhấn mạnh tham vọng của chính phủ Anh trong việc tăng cường hợp tác với khu vực quan trọng này và là thời điểm quan trọng để thúc đẩy các giá trị của Anh, xây dựng mối quan hệ địa chính trị và mang lại cơ hội cho người dân trong khu vực và Anh.

Nguồn: Môi trường & Đô thị; CafeF; Nhân Dân; Thanh Niên; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang