EU: Gánh nặng nhà ở hộ gia đình; Nóng cuộc đua AI; Phụ thuộc năng lượng gió; Nỗ lực chống gián điệp; Không làm 'chư hầu' của Mỹ

GÁNH NẶNG NHÀ Ở HỘ GIA ĐÌNH ĐANG ĐÈ NẶNG LÊN KHU VỰC ĐỒNG EUR

Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế ở khu vực Eurozone còn chưa chắc chắn vì nhiều lý do, từ chính sách tiền tệ thắt chặt đến căng thẳng địa chính trị và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt..., thì gánh nặng nhà ở hộ gia đình đang đè nặng lên 11 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng EUR.

Theo nghiên cứu vừa công bố của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dự kiến sẽ có nhiều người châu Âu thu nhập thấp chậm thanh toán các hóa đơn quan trọng trong những tháng tới do lãi suất, tiền thuê nhà và chi phí tiện ích đều tăng. Con số này thậm chí lên đến hơn 1/4 số hộ gia đình có thu nhập thấp.

Nghiên cứu của ECB đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về “gánh nặng nhà ở hộ gia đình” ở 11 nền kinh tế lớn trong khu vực đồng EUR, theo đó các nhà nghiên cứu nhận định: “Khả năng các hộ gia đình đáp ứng các chi phí liên quan đến nhà ở và thanh toán tiền vay thế chấp là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp”.

Kể từ khi ECB bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 7-2022, chi phí cho nhà ở tổng thể đã tăng 6% đối với chủ sở hữu hoàn toàn, nhưng lần lượt lên 12% đối với người vay thế chấp để mua và 9% đối với người thuê nhà. Báo cáo cho thấy, vào tháng 1 -2024, các hộ gia đình phải trả trung bình 765 EUR/tháng cho tổng chi phí liên quan đến nhà ở. Chi phí nhà ở chiếm khoảng 40% thu nhập của người thuê nhà, 35% đối với người vay thế chấp và 20% đối với chủ sở hữu hoàn toàn.

Trong số này, những người thuê nhà có thu nhập thấp nhất phải đối mặt với khoản tiền thuê chiếm phân nửa tiền lương hàng tháng. Không chỉ người thuê nhà, những người chủ sở hữu hoàn toàn đang hướng tới mức chi phí 500 EUR/tháng, chủ yếu do chi phí bảo trì nhà tăng, trong khi chi phí tiện ích gần đây đã giảm bớt.

Trong số 11 nền kinh tế lớn nhất EU, chi phí nhà ở có vẻ cao nhất là ở Ireland, khoảng 900 EUR/tháng, không tính các khoản vay thế chấp. Kế đến là Đức và Áo, xếp thứ hai và thứ ba, khoảng trên và dưới 750 EUR. Người dân ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha có chi phí nhà ở thấp nhất trong số 11 quốc gia. Nếu chi phí nhà ở được xem xét theo tỷ lệ thu nhập của một hộ gia đình, thì Áo dường như là quốc gia đắt đỏ nhất, với 29% thu nhập phải trả cho những chi phí đó. Thu nhập hộ gia đình tăng đã phải bù đắp phần lớn cho sự gia tăng chi phí nhà ở đã kéo dài trong vài năm qua.

Tuy nhiên, các chỉ số hướng tới tương lai của ECB hiện cho thấy tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới. Tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập thấp thanh toán chậm các chi phí tiện ích hoặc tiền thuê nhà trong 3 tháng tới dự kiến sẽ tăng đáng kể, lên hơn 20% từ mức 15% và tăng gần gấp đôi lên 30% đối với các khoản thanh toán trễ khoản vay thế chấp.

Để chi phí vay giảm và nền kinh tế phục hồi ở nhiều nước châu Âu, điều quan trọng là ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải hạ lãi suất cơ bản vì lĩnh vực bất động sản châu Âu chủ yếu dựa vào vay nợ. Trong bối cảnh lạm phát đang có chiều hướng giảm ở khu vực Eurozone, nhiều người kỳ vọng ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất cao lịch sử vào tháng 6 tới, cho phép thúc đẩy đầu tư bất động sản, vay thế chấp và chi phí thuê sẽ giảm bớt, từ đó mang lại nhiều lựa chọn nhà ở hơn.

CHÂU ÂU NÓNG CUỘC ĐUA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Thành công vang dội của phần mềm ChatGPT của OpenAI đã tiếp thêm động lực cho các nhà đầu tư tại châu Âu “đổ tiền” vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tại (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thay đổi cách sống, làm việc và tương tác với thế giới xung quanh. Đặc biệt, sự thành công vang dội của ChatGPT thuộc sở hữu OpenAI đã thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào startup AI đầy triển vọng.

Điều này khiến cuộc chiến AI ở thị trường châu Âu nóng lên hơn bao giờ hết. Đòi hỏi các công ty công nghệ phải có hướng đi dành riêng, nếu không sẽ bị đẩy lùi trên thị trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt.

Áp lực cạnh tranh lớn

Nhiều công ty lớn như Google DeepMind đang phải đối diện với áp lực từ các đối thủ cạnh tranh đầy triển vọng, khiến cuộc đua tranh giành nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại châu Âu trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Một loạt công ty AI nước ngoài, bao gồm Cohere của Canada và Anthropic, OpenAI có trụ sở tại Mỹ đã mở văn phòng ở châu Âu vào năm ngoái, gây thêm áp lực lên nhiều công ty công nghệ đang cố gắng thu hút và giữ chân nhân tài trong khu vực.

Thậm chí có công ty đang đứng giữa hai lựa chọn đó là “đổ” nhiều tiền hơn vào AI hoặc đánh mất những "bộ não" giỏi nhất của mình.

DeepMind hiện là cái tên được chú ý nhiều nhất khi phải chứng kiến một loạt cựu nhân viên rời bỏ để khởi nghiệp riêng.

Trong đó có người đồng sáng lập Mustafa Suleyman đã rời đi để thành lập Inflection AI cùng với tỷ phú LinkedIn Reid Hoffman và nhà khoa học nghiên cứu Arthur Mensch, hiện là Giám đốc điều hành của Mistral AI. Cả hai công ty đều được định giá hàng tỷ USD sau thời gian ngắn hoạt động.

Nhiều công ty mới nổi như Inflection AI và Mistral AI, có giá trị định giá hàng tỉ USD cũng đang thu hút nhân tài từ DeepMind và nhiều đơn vị khổng lồ AI khác.

Để ngăn chặn tình trạng giống DeepMind, Avery Fairbank - công ty chuyên tìm kiếm nhân lực đã quyết định tăng mức lương cho giám đốc điều hành tại các công ty AI ở trong năm qua.

Cụ thể, các giám đốc điều hành có mức lương cơ bản khoảng 350.000 bảng Anh chứng kiến mức tăng vọt từ 50.000 đến 100.000 bảng Anh.

“Sự gia nhập của những gã khổng lồ AI nước ngoài như Anthropic và Cohere vào thị trường London sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh về tài năng AI” , giám đốc điều hành của công ty Avery Fairbank, ông Charlie Fairbank cho biết.

Để có thể gia tăng vị thế tại thị trường châu Âu, một số công ty AI khác như ElevenLabs và Bioptimus cũng thu hút nhân tài bằng cách cung cấp lợi ích hấp dẫn như cổ phiếu, mức lương hậu hĩnh và làm việc từ xa.

Tạo ra nhiều cơ hội việc làm

Sự cạnh tranh giữa các công ty khởi nghiệp AI đang góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những ai đam mê và có kỹ năng trong lĩnh vực này. Người lao động sẽ có nhiều lựa chọn hơn để đáp ứng yêu cầu của thị trường công việc ngày càng phát triển.

Năm 2023, OpenAI đã mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại London và sau đó nhanh chóng là văn phòng thứ hai tại Dublin. Giám đốc nhân sự của OpenAI Diane Yoon cho biết công ty có kế hoạch tiếp tục mở rộng sang các quốc gia khác.

Cohere cũng đã mở một văn phòng tại Anh và có kế hoạch tăng số lượng nhân viên tại London lên 50 người. Giám đốc điều hành của Cohere, Aidan Gomez cho biết: “Chúng tôi đến nơi có tài năng, có rất nhiều ở London và khắp châu Âu”.

Suleyman gần đây đã bắt đầu tuyển dụng nhân viên kỹ thuật làm việc tại trụ sở ở London cho Inflection AI. Trong khi đó, Mistral của Mensch đã nhanh chóng trở thành một trong những startup nổi tiếng nhất trên lục địa khi huy động được 415 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm vào tháng 12 vừa qua.

Công ty âm thanh AI ElevenLabs tại London cũng đang tung ra các chính sách chiêu mộ nhân tài, phát cổ phiếu cho nhân viên mới, đặt ra mức lương hậu hĩnh và cho phép làm việc hoàn toàn từ xa. Mặc dù, hầu hết các vị trí được quảng cáo đều quy định rằng nhân viên phải làm việc tại châu Âu.

Họ dự kiến sớm tăng số lượng nhân viên từ 50 lên 100. Tuy nhiên, hầu hết các vị trí được tuyển dụng đều yêu cầu rằng nhân viên phải làm việc tại trụ sở ở châu Âu.

Hiện tại, nhiều công ty khởi nghiệp về AI đang tìm cách tuyển dụng nhân tài từ các công ty công nghệ lớn như Google bằng cách mang lại cho họ nhiều ảnh hưởng hơn đối với định hướng của công ty.

CHÂU ÂU NGÀY CÀNG PHỤ THUỘC VÀO NĂNG LƯỢNG GIÓ

Theo báo cáo ngày 26/4 của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, nước này đang đạt những tiến bộ mới trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Báo cáo cho biết trong quý I năm nay, lượng điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể, đạt mức gần 77 TWh, cao hơn khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc phê duyệt các dự án lắp đặt hệ thống quang điện và năng lượng gió cũng có xu hướng gia tăng rõ ràng.

Theo số liệu sơ bộ của Trung tâm nghiên cứu năng lượng Mặt Trời và hydro Baden-Württemberg (ZSW) và Hiệp hội công nghiệp năng lượng và nước liên bang Đức, tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm khoảng 56% lượng điện tiêu thụ ở Đức trong quý đầu tiên của năm nay.

Báo cáo của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức cho biết năng lượng gió trên bờ là nguồn cung cấp điện quan trọng nhất ở nước này trong năm 2023, đóng góp 22% tổng lượng điện năng được sản xuất, với 142,1 tỷ kWh năm 2023 và 124,8 tỷ kWh năm 2022. Đây là lần đầu tiên các hệ thống tua bin gió tại Đức tạo ra nhiều điện hơn tất cả các nhà máy điện than cộng lại.

Xu hướng này tiếp tục trong quý I/2024. Số lượng phê duyệt các hệ thống điện gió mới cũng ngày càng tăng. Chỉ riêng trong quý I/2024, số tua bin gió mới được phê duyệt đạt tổng công suất 2,8 GW, vượt lượng phê duyệt trong cả năm 2017 và 2018 cộng lại (2,4 GW).

Điện gió ngoài khơi cũng có bước phát triển đáng kể trong năm 2023, đóng góp 5% vào tổng sản lượng điện được tạo ra ở Đức.

Trong khi đó, năng lượng Mặt Trời có xu hướng gia tăng rõ nét nhất. Năm 2023, số lượng hệ thống năng lượng Mặt Trời được lắp đặt ở Đức đạt mức kỷ lục và tăng gấp đôi so với năm 2022. Tỷ lệ quang điện trong tổng sản lượng điện là 12%. Đầu năm 2024, tốc độ phát triển quang điện thậm chí còn gia tăng hơn nữa với 3,7 GW công suất được lắp đặt mới chỉ trong quý I, cao hơn gần 17,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck khẳng định nước Đức đang đạt được tiến bộ thực sự trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Những nỗ lực để quá trình này diễn ra nhanh hơn đang mang lại kết quả tốt, khi hơn một nửa lượng điện tiêu thụ của Đức đến từ năng lượng tái tạo, điện gió, điện Mặt Trời và mạng lưới truyền tải điện đều đang được gia tăng mạnh mẽ. Điều quan trọng hiện tại là tiếp tục đi đúng hướng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

NỖ LỰC CHỐNG GIÁN ĐIỆP CỦA CHÂU ÂU

Sau một loạt vụ bê bối về ảnh hưởng của nước ngoài tại Nghị viện châu Âu (EP) và một số nước thành viên, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực xử lý các vụ nghi ngờ làm gián điệp cho Nga và Trung Quốc nhằm tạo dựng niềm tin với cử tri trước thềm bầu cử EP vào tháng 6.

Theo trang tin DW, công chúng trong 18 tháng qua đã chứng kiến một loạt vụ tai tiếng về ảnh hưởng của nước ngoài liên quan nghị sĩ EU. Đầu tiên là cáo buộc gây chấn động vào tháng 12-2022, rằng nhiều quan chức cùng trợ lý hàng đầu trong EP từ năm 2018 đã nhận hối lộ từ Qatar, Maroc và Mauritania để gây ảnh hưởng lên các quyết định về kinh tế, chính trị của EP. Đầu năm nay, lại có cáo buộc cho rằng Chủ tịch Liên minh Những người nói tiếng Nga ở EU (EURSA) Tatjana Zdanoka làm việc cho các đặc vụ Cơ quan An ninh Liên bang Nga ít nhất từ ​​năm 2004.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo gần đây công bố mở cuộc điều tra về nghi ngờ Nga can thiệp bầu cử EP. Động thái được đưa ra dựa trên xác nhận của cơ quan tình báo Bỉ về sự tồn tại của mạng lưới can thiệp thân Nga đang cố làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraine. Brussels hiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền Séc sau khi hoạt động gây ảnh hưởng thân Nga bị phát hiện ở đó. Theo điều tra, Nga đã tiếp cận và trả tiền cho các thành viên EP để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền của Mát-xcơ-va. Trong vụ việc mới nhất, các công tố viên Đức tuần này đã ra lệnh bắt giữ công dân Đức được xác định là Jian G, hiện giữ chức trợ lý của nghị sĩ EP Maximilian Krah thuộc đảng cực hữu AfD. Ông này bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp cho tình báo Trung Quốc.

Nhiều vụ bắt giữ cũng đang diễn ra ở các quốc gia nằm ngoài EU như Anh đối với những cá nhân bị nghi làm gián điệp cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả cáo buộc trên là vô căn cứ và có động cơ chính trị.

Châu Âu cảnh giác cao độ

Tại EU, hoạt động gián điệp của Nga nhìn chung vẫn là mối lo ngại lớn nhất. Theo phân tích về các trường hợp người châu Âu bị kết án làm gián điệp giai đoạn 2010-2021, Mát-xcơ-va bị cho đứng sau hầu hết các vụ việc. Trong 11 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM) cho biết các nước EU đã trục xuất 490 nhà ngoại giao Nga, phần lớn bị nghi ngờ là đặc vụ hoặc hợp tác với tình báo Nga.

Theo kết quả cuộc thăm dò công bố mới đây, tỷ lệ người dân trong các nước thành viên EU quan tâm đến cuộc bầu cử EP, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, tăng đáng kể so với cuộc bầu cử tương tự hồi năm 2019. Đáng chú ý, tình trạng đói nghèo, sức khỏe, việc làm và quốc phòng là chủ đề được quan tâm hàng đầu. Khoảng 80% số người được hỏi tại 27 quốc gia thành viên EU cho biết bối cảnh quốc tế, đáng chú ý nhất là cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, khiến việc bỏ phiếu quan trọng hơn.

Các hoạt động của Nga được ghi nhận trên khắp EU, nhưng tích cực nhất là ở những nước có cơ sở hạ tầng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trụ sở các tổ chức quốc tế. Vì thế, Bỉ là mục tiêu hàng đầu của hoạt động gián điệp. Sau những tiết lộ mới nhất liên quan EP, Thủ tướng De Croo đã nhiều lần nhấn mạnh trách nhiệm đặc biệt của Brussels kèm theo lời kêu gọi EU xem xét phối hợp chặt chẽ hơn, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên và bổ sung công cụ trừng phạt mới nhằm chống lại các hoạt động ác ý của Nga.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá EP chưa thực hiện đúng trách nhiệm và không có cải cách đáng kể về giám sát độc lập. Tuy hợp tác liên EU tăng lên, tình báo vẫn là một trong những lĩnh vực chính sách mà 27 nước thành viên bảo vệ chặt chẽ như vấn đề nội bộ. Hiện nhiều quốc gia trong khối bị hạn chế về năng lực chống hoạt động gián điệp, trong khi hợp tác ở cấp EU vẫn còn bị cản trở bởi sự khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa và thiếu tin tưởng lẫn nhau.

MACRON CẢNH BÁO CHÂU ÂU KHÔNG ĐƯỢC PHÉP TRỞ THÀNH “CHƯ HẦU” CỦA MỸ

Phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris hôm 25/4, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố châu Âu không được phép trở thành một “chư hầu” của nước Mỹ. Ông hối thúc châu Âu nâng cao năng lực phòng thủ và vai trò trên đấu trường toàn cầu.

Tổng thống Macron nói: “Có nguy cơ châu Âu của chúng ta có thể diệt vong. Chúng ta không được chuẩn bị để đối mặt với các rủi ro”.

Trong bài phát biểu kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, ông Macron cảnh báo rằng các áp lực quân sự, kinh tế và những áp lực khác có thể làm suy yếu và phân mảnh Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên.

Ông Macron cũng tuyên bố Nga không được phép thắng ở Ukraine . Ông kêu gọi tăng cường năng lực an ninh mạng của châu Âu, thắt chặt quan hệ với nước Anh hậu Brexit và thành lập một học viện châu Âu chuyên đào tạo nhân lực quân sự cấp cao.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Pháp còn cho rằng người châu Âu nêu ưu tiên mua vũ khí, khí tài của chính châu Âu.

Phát biểu của ông Macron nhận được phản ứng tích cực từ Thủ tướng Đức Scholz. Ông Scholz viết: “Pháp và Đức muốn châu Âu hùng mạnh. Bài phát biểu của ngài chứa đựng những ý tưởng tốt về cách thức đạt được mục tiêu đó”.

Tổng thống Macron đã từ lâu kêu gọi châu Âu “tự chủ chiến lược”, tức là bớt dựa vào Mỹ.

Ông Macron nói: Châu Âu “phải chứng tỏ rằng nó không bao giờ làm chư hầu của Mỹ và châu lục này cũng biết cách nói chuyển với tất cả những khu vực khác trên thế giới”.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng; CafeBiz; Bnews; Báo Cần Thơ; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang