
NGƯỜI GIÀ Ở TRUNG QUỐC SỢ NGHỈ HƯU
Sau ba thập kỷ bán bánh sữa tự làm trên đường phố Tây An, Trung Quốc, ông Hu Dexi, 67 tuổi, lẽ ra phải có cuộc sống an nhàn hơn.
Tuy nhiên, ông Hu cùng người vợ lớn tuổi lại phải chuyển đến ngoại ô Bắc Kinh để tiếp tục làm việc. Họ dậy từ 4h sáng hằng ngày để chuẩn bị đồ ăn trưa, sau đó di chuyển đến trung tâm thương mại trong thành phố. Tại đây, mỗi người làm công việc vệ sinh 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày và nhận mức lương 4.000 nhân dân tệ (552 USD)/tháng.
Đối với vợ chồng ông Hu và hàng triệu người lao động nông thôn khác sắp đến tuổi nghỉ hưu , họ chỉ có một lựa chọn khác là trở về quê, sống dựa vào mảnh đất nhỏ và khoản lương hưu 123 nhân dân tệ (khoảng 17 USD) hằng tháng.
Chia sẻ với Reuters , ông Hu vừa lau dọn sàn vừa cho biết vợ chồng ông không thể dựa vào ai. “Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho hai đứa con, cũng không thể sống dựa vào lương hưu”.
Thế hệ từng đổ xô về các thành phố Trung Quốc vào cuối thế kỷ trước giờ đây phải đối mặt với cuộc sống vất vả khi về già. Họ là thế hệ xây dựng nên nhiều công trình hạ tầng và làm việc tại các nhà máy để góp phần đưa Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Reuters đã phỏng vấn nhiều lao động nông thôn di cư, các nhà nhân khẩu học, nhà kinh tế học và cả cố vấn chính phủ, họ đều cho rằng hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc hiện nay không phù hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng dân số ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhu cầu về dịch vụ xã hội cũng gia tăng nhanh chóng khi dân số dần già hóa.
Fuxian Yi, một chuyên gia về nhân khẩu học tại Đại học Wisconsin-Madison, cho rằng nhiều người già ở Trung Quốc sẽ phải sống vất vả. Ngày càng nhiều công nhân di cư trở về nông thôn. Một số người chấp nhận việc làm lương thấp để mưu sinh.
Nếu những người di cư này chỉ dựa vào mức lương hưu cơ bản ở nông thôn Trung Quốc, mức sống của họ vẫn thấp hơn chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới, tức là 3,65 USD/ngày, dù nhiều người cố gắng kiếm thêm thu nhập bằng cách làm việc ở các thành phố hoặc bán nông sản.
Thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy, khoảng 94 triệu người lao động (tương đương 12,8% lực lượng lao động của Trung Quốc) đã trên 60 tuổi từ năm 2022. Con số này tăng đáng kể so với mức 8,8% năm 2020.
Mặc dù vẫn thấp hơn so với các quốc gia phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng mạnh khi có thêm hơn 300 triệu người Trung Quốc bước vào tuổi 60 trong thập kỷ tới.
Một phần ba trong nhóm này là những người di cư từ nông thôn, những người thiếu kỹ năng chuyên môn trong nền kinh tế đang hướng tới nâng cao chuỗi giá trị.
Reuters dẫn ý kiến của một cố vấn Chính phủ Trung Quốc cho biết, lý do chính khiến Trung Quốc chưa xây dựng được mạng lưới an sinh vững chắc hơn cho những người lao động như vậy là do các nhà hoạch định chính sách lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì thế nhà nước vẫn ưu tiên mở rộng việc làm hơn là chia sẻ của cải.
NGƯỜI DÂN ARGENTINA TỔNG ĐÌNH CÔNG PHẢN ĐỐI CHÍNH PHỦ
Hiệp hội những người lao động khu vực công (ATE) ngày 9/5 cho biết 97% công đoàn viên của tổ chức này đã tham gia cuộc tổng đình công do Tổng liên đoàn lao động Argentina (CGT) phát động nhằm phản đối chính phủ.
Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn thông cáo của ATE nhấn mạnh người lao động đã hưởng ứng mạnh mẽ cuộc tổng đình công lần thứ 2 do CGT phát động kể từ khi Tổng thống cực hữu Javier Milei nhậm chức ngày 10/12 năm ngoái.
Các viên chức nhà nước là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách sa thải người lao động hàng loạt của Chính phủ Argentina, trong nỗ lực cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách. ATE cho rằng nền hành chính công hiện tại ở Argentina đang hoàn toàn bị tê liệt.
Các trường học, ngân hàng, trung tâm dịch vụ công, cửa hàng, những chuyến bay, dịch vụ tàu điện ngầm, tàu hỏa và đa phần hệ thống xe buýt trên khắp đất nước đã ngừng hoạt động trong ngày 9/5.
Trong khi đó, CGT - tổ chức công đoàn lớn nhất Argentina - khẳng định việc tổ chức các cuộc tổng đình công là nhằm bảo vệ quyền lao động, quyền xã hội, hưởng lương hưu và yêu cầu mức lương để người lao động có thể đủ sống. CGT cũng cáo buộc sự điều chỉnh do Chính phủ Argentina thực hiện nhân danh tự do thị trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng lớp người dân có thu nhập thấp, tầng lớp trung lưu làm công ăn lương, người về hưu và người hưởng trợ cấp.
Cuộc tổng đình công trong vòng 24 giờ khiến các đường phố ở thủ đô Buenos Aires trở nên vắng vẻ. Các bệnh viện cũng giảm đáng kể số người làm trong ngày. Trước đó, hôm 6/5, các công đoàn ngành vận tải đã tổ chức những cuộc biểu tình và ngừng hoạt động, làm ảnh hưởng đến các dịch vụ vận tải hàng không, tàu hỏa, tàu điện ngầm và vận tải hàng hóa. Ngày 7/5, các phong trào xã hội cũng tổ chức một cuộc biểu tình phản đối với chính phủ tiếp tục cắt giảm 500 nhân công. Cuộc suy thoái ảnh hưởng đến nền kinh tế Argentina, trong bối cảnh tiền lương mất đi sức mua do lạm phát, khiến sản xuất công nghiệp và xây dựng suy giảm lần lượt 14,8 và 30,3% trong Quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước
Về phần mình, Chính phủ Argentina chỉ trích mạnh mẽ việc CGT kêu gọi tổng đình công và cho rằng đây là kế hoạch chính trị của phe đối lập, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người.
Những cuộc biểu tình chống Chính phủ Argentina liên tục nổ ra kể từ khi Tổng thống Milei nhậm chức. Các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc của nhà lãnh đạo này, cùng việc tăng giá hàng loạt các dịch vụ công và tình trạng lạm phát vẫn ở mức 2 con số, khiến cuộc sống của người dân Argentina trở nên vô cùng khó khăn và gây bất bình lớn trong xã hội.
ĐÀM PHÁN NGỪNG BẮN NGUY CƠ ĐỔ BỂ KHI ISRAEL TẤN CÔNG RAFAH

Xe tăng và máy bay chiến đấu của Israel đã bắn phá các khu vực ở Rafah ngày 9/5, người dân Palestine cho biết, sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu lực lượng của họ tiến hành một cuộc xâm lược lớn vào thành phố phía nam Gaza này.
Một quan chức cấp cao của Israel cho biết vòng đàm phán gián tiếp mới nhất ở Cairo nhằm ngăn chặn hành động thù địch đã kết thúc và Israel sẽ tiếp tục hoạt động ở Rafah và các khu vực khác của Dải Gaza theo kế hoạch.
Israel đã đệ trình lên các nhà hòa giải quan điểm của họ về đề nghị của Hamas cho một thỏa thuận thả con tin và phái đoàn Israel đang trở về từ thủ đô Ai Cập, quan chức này cho biết thêm.
Tại Gaza, hai nhóm chủ chiến người Palestine là Hamas và Hồi giáo Jihad cho biết các chiến binh của họ đã bắn rốc-két chống tăng và súng cối vào xe tăng Israel tập trung ở ngoại ô phía đông thành phố Rafah.
Cư dân và nhân viên y tế ở Rafah, khu đô thị lớn nhất ở Gaza chưa bị lực lượng mặt đất của Israel tràn ngập, cho biết một cuộc tấn công của Israel nhắm vào một nhà thờ Hồi giáo đã giết chết ít nhất 3 người và làm bị thương những người khác.
Đoạn video từ hiện trường cho thấy ngọn tháp nằm trong đống đổ nát, hai thi thể được quấn chăn và một người đàn ông bị thương được khiêng đi.
Ở rìa phía đông thành phố, người dân cho biết một chiếc trực thăng đã nổ súng, trong khi máy bay không người lái bay lượn trên các ngôi nhà ở một số khu vực, một số gần mái nhà.
Israel nói các phần tử hiếu chiến Hamas đang ẩn náu ở Rafah, nơi dân số đã tăng lên bởi hàng trăm nghìn cư dân Gaza đang tìm nơi ẩn náu khỏi các cuộc bắn phá ở những nơi khác trên Dải Gaza.
Một trong những người di tản, Mohammad Abder-Rahman, cho biết ông lo ngại các cuộc ném bom của Israel báo trước một cuộc xâm lược thành phố.
Người đàn ông 42 tuổi nói với Reuters qua một ứng dụng nhắn tin: “Nó làm tôi nhớ lại những gì đã xảy ra trước khi xe tăng Israel xông vào khu dân cư của chúng tôi ở Thành phố Gaza. Việc bắn phá dữ dội thường cho phép xe tăng lăn về những nơi họ định xâm chiếm”.
Theo hai nguồn tin an ninh Ai Cập, các cuộc đàm phán ngừng bắn ở thủ đô Ai Cập đã đạt được một số tiến triển nhưng không đạt được thỏa thuận nào.
Phái đoàn Hamas đã đến Doha để tham vấn, đổ lỗi cho Israel vì cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Israel cho biết họ sẵn sàng ngừng bắn nhưng từ chối yêu cầu chấm dứt chiến tranh vì nước này tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người nói rằng Israel đã không đưa ra một kế hoạch thuyết phục để bảo vệ dân thường ở Rafah, đã đưa ra cảnh cáo rõ ràng nhất nếu Israel tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện trên bộ tại Rafah.
“Tôi đã nói rõ rằng nếu họ tiến vào Rafah, ... tôi sẽ không cung cấp vũ khí,” ông Biden nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn hôm 8/5.
Bộ Y tế tại Gaza do Hamas điều hành cho biết, cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã giết chết gần 35.000 người Palestine và làm bị thương gần 80.000 người, hầu hết là dân thường.
Israel đã phát động cuộc tấn công nhằm đáp trả cuộc đột kích xuyên biên giới của các phần tử hiếu chiến Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10/2023, giết chết khoảng 1.200 người và bắt cóc 252 người. Khoảng 128 con tin vẫn còn ở Gaza và 36 người được tuyên bố là đã chết, theo con số mới nhất của Israel.
80.000 người Palestine di tản lần nữa trong tuần này
Theo Liên hiệp quốc, hôm 7/5 xe tăng của Israel đã chiếm giữ cửa khẩu biên giới Rafah phía bên Gaza, cắt đứt tuyến đường viện trợ quan trọng và buộc 80.000 người phải rời bỏ thành phố trong tuần này.
Một tuyên bố của quân đội Israel về các hoạt động ở Gaza vào sáng 9/5 không đề cập đến Rafah.
Cho đến nay, Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel và Mỹ đã đẩy nhanh việc giao hàng sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, gây ra cuộc tấn công trả đũa của Israel ở Gaza. Ông Biden thừa nhận rằng bom Mỹ đã giết chết thường dân Palestine trong cuộc tấn công kéo dài 7 tháng qua.
Các quan chức Mỹ cho biết Washington đã tạm dừng chuyển giao lô hàng 1.800 quả bom nặng 2.000 cân Anh và 1.700 quả bom nặng 500 cân Anh cho Israel vì nguy cơ đối với dân thường ở Gaza.
Đại sứ Israel tại Liên hiệp quốc Gilad Erdan cho biết quyết định của Mỹ tạm dừng một số chuyến giao vũ khí cho Israel sẽ làm suy giảm đáng kể khả năng của nước này trong việc vô hiệu hóa quyền lực của Hamas, theo đài phát thanh công cộng Israel.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nói với “kẻ thù và bạn bè” của Israel rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được mục tiêu chiến tranh ở Gaza, nhấn mạnh quy mô của cuộc đối đầu.
Người dân cho biết Israel tiếp tục không kích và pháo kích bằng xe tăng khắp Gaza và xe tăng tiến vào khu Zeitoun của thành phố Gaza ở phía bắc, buộc hàng trăm gia đình phải chạy trốn. Quân đội Israel cho biết họ đang chiếm giữ Zeitoun, bắt đầu bằng một loạt cuộc không kích dựa trên thông tin tình báo vào khoảng 25 “mục tiêu khủng bố”.
Giám đốc CIA qua lại giữa Jerusalem và Cairo
Tại Cairo, các phái đoàn từ Hamas, Israel, Mỹ, Ai Cập và Qatar đã gặp nhau kể từ hôm 7/5. Giám đốc CIA William Burns đã qua lại giữa Cairo và Jerusalem để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào hôm 8/5.
Ông Izzat El-Risheq, một thành viên văn phòng chính trị của Hamas tại Qatar, cho biết phái đoàn Hamas đã rời Cairo, tái khẳng định sự tán thành đề nghị ngừng bắn của các nhà hòa giải. Kế hoạch này đòi hỏi phải thả các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza và một số người Palestine bị Israel bỏ tù phải được phóng thích.
Ngành y tế sụp đổ
Bộ Y tế Gaza ngày 9/5 cho hay việc đóng cửa khẩu Rafah với Ai Cập đã ngăn cản việc sơ tán những người bị thương và bệnh nhân cũng như việc vận chuyển vật tư y tế, xe chở thực phẩm và nhiên liệu cần thiết để vận hành các bệnh viện.
Trung tâm lọc thận duy nhất ở khu vực Rafah đã ngừng hoạt động do bị pháo kích.
Ông Ali Abu Khurma, một bác sĩ phẫu thuật người Jordan tình nguyện tại bệnh viện Al Aqsa ở Deir al-Balah, nói: “Trước đây có viện trợ y tế đến nhưng hiện tại không có viện trợ y tế nào”.
“Toàn bộ ngành y tế đã sụp đổ.”
UKRAINE CẮT ĐIỆN LUÂN PHIÊN SAU KHI NGA KHÔNG KÍCH Ồ ẠT
Giới chức Ukraine hôm 8/5 thống báo họ đang chuẩn bị áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên trên cả nước sau khi Nga thực hiện một cuộc tập kích lớn bằng tên lửa trong đêm, gây tổn thất đáng kể cho cơ sở hạ tầng Ukraine.
Cơ quan cung cấp năng lượng quốc gia của Ukraine, Ukrenergo, thông báo việc cắt điện “có thể xảy ra trên khắp Ukraine” từ 18h đến 23h. Thông báo được đăng tải trên mạng xã hội Telegram. Nguyên nhân được đưa ra, theo thông cáo, là “tình trạng thiếu điện trong hệ thống điện lực”.
Các đợt tập kích của Nga , kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ vào đêm 7/5, nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng tại 6 vùng của Ukraine. Các mục tiêu trọng điểm bị tấn công là nhà máy điện, lưới điện và những cơ sở khác. Trong khi đó các nước phương Tây vật lộn với nỗ lực cung cấp đủ hệ thống phòng không và đạn phòng không cho quốc gia Đông Âu này.
Ukrenergo viết: “Tình trạng hạn chế điện này sẽ được phân bổ đều ở tất cả các vùng. Lịch cắt điện chính xác sẽ được công bố trên các trang chính thức của công ty điện lực khu vực”.
Phòng không Ukraine cho biết, rạng sáng 8/5 họ bắn hạ 39 tên lửa và 20 UAV của đối phương. Trên mạng Telegram, không quân Ukraine cho biết có 16 tên lửa (gồm 2 quả đạn đạo) và 1 UAV đã xuyên thủng lưới phòng không của Ukraine.
Công ty cung ứng năng lượng lớn nhất Ukraine, DTEK, thông báo qua mạng xã hội rằng các quả tên lửa của Nga đã làm hư hại 3 nhà máy nhiệt điện của họ. Thông qua của DTEK bình luận, đây lại là “một đêm cực kỳ khó khăn nữa cho ngành năng lượng Ukraine”.
CHASOV YAR NGUY HIỂM, UKRAINE LO DONBASS SỤP ĐỔ

Quan chức Ukraine cảnh báo nguy cơ pháo đài chiến lược Chasov Yar sẽ khiến phòng tuyến ở mặt trận miền Đông bị Nga chọc sâu.
Trả lời phỏng vấn với Sky News, Vadym Filashkin, Thống đốc vùng Donetsk, cảnh báo các lực lượng Nga sẽ có thể tiến sâu vào Ukraine nếu họ chiếm được thành phố tiền tuyến Chasov Yar và mở rộng thêm lãnh thổ kiểm soát.
Tầm quan trọng chiến lược của Chasov Yar chính là nó nằm ở trên đỉnh một ngọn đồi. Bên nào kiểm soát được khu vực chiến lược này, có thể tấn công bằng pháo dễ dàng và hiệu quả xuống một khu vực rộng lớn phía dưới.
Vì vậy, nếu Nga giành được Chasov Yar, Ukraine lo phòng tuyến ở Donbass có thể sụp đổ dây chuyền vì hỏa lực Nga lúc này có thể bao phủ các thành phố như Kramatorsk, Konstantinivka và Slovyansk ở mặt trận miền Đông.
Nga đã tăng tốc dồn dập các cuộc tấn công ở Donbass trong tháng qua. Kể từ khi Avdiivka thất thủ, quân Nga liên tục tiến về phía tây và tốc độ tiến quân được đẩy nhanh vào giữa tháng 4.
Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 5/5 cho biết họ đã ghi nhận tổng cộng 125 cuộc tấn công của Nga dọc theo chiến tuyến dài 700km trong vòng 24 giờ. Hơn một nửa số cuộc tấn công đó diễn ra ở khu vực xung quanh Ocheretyne và thành phố Chasov Yar.
Ông Filashkin nói rằng binh sĩ Ukraine sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đẩy lùi quân Nga.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại về việc lực lượng Nga đang cố gắng chọc thủng các tuyến phòng thủ phía đông của Ukraine. Nga ước tính bắn khoảng 1.500 đến 2.500 quả đạn pháo và không kích liên tục khu vực mỗi ngày.
Quan chức Ukraine cũng cảnh báo nếu Nga kiểm soát được toàn bộ Donbass, Moscow có thể tạo ra mối đe dọa cho không chỉ Kiev mà với những khu vực khác.
"Nga sẽ tiến về phía trước (sau khi giành được Donbass). Nếu điều này xảy ra, họ sẽ tiến sâu hơn vào lãnh thổ miền trung Ukraine. Chúng tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để cầm chân Nga ở khu vực Donetsk và khôi phục biên giới như năm 1991", ông tuyên bố.
Theo các chuyên gia, thành phố Chasov Yar ở miền Đông Ukraine có ý nghĩa chính trị, quân sự và hậu cần quan trọng đối với cả quân đội Nga lẫn Ukraine.
Trước đó, Phó Cục trưởng Cục Tình báo Ukraine Vadim Skibitsky thừa nhận rằng việc Moscow kiểm soát được khu vực chiến lược này "chỉ còn là vấn đề thời gian".
Ông Skibitsky nói: "Về mặt quân sự, thành phố vẫn là một trong những chốt phòng thủ quan trọng, tăng cường hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật cho các lực lượng chiến đấu Ukraine đang hoạt động trong khu vực này".
Về mặt chính trị, việc quân đội Nga kiểm soát được Chasov Yar, nơi từng được Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi là "một pháo đài bất khả xâm phạm", sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào tinh thần quân đội Ukraine.
Ông cảnh báo thêm: "Vấn đề quan trọng giờ đây là Nga có thể sẽ biến xung đột tại khu vực này thành một chuỗi các hành động tấn công và gây áp lực liên tiếp. Sự sụp đổ của một trong những lớp phòng thủ của Ukraine, như hệ thống hậu cần, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hàng phòng thủ chung nơi tiền tuyến".
Nguồn: CafeF; Báo Tin Tức; VOA; Soha; Dân Trí
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá