EU: Tiêu chuẩn chất lượng không khí; Đau đầu vì hàng giả; Phát triển Tây Balkan; Hungary hút đầu tư TQ; Hàng không Pháp hỗn loạn

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU THÔNG QUA LOẠT BIỆN PHÁP THÂN THIỆN VỚI KHÍ HẬU

Nghị viện châu Âu đã nhất trí thông qua một loạt biện pháp thân thiện với khí hậu.

Không khí trong lành là một trong những trụ cột của Thỏa thuận Xanh. Trong các biện pháp được thông qua, có việc siết chặt thêm nữa tiêu chuẩn chất lượng không khí từ nay tới năm 2030.

Theo đó, hàm lượng bụi mịn nhỏ hơn 2,5 micrometre trong không khí tới năm 2030 sẽ phải giảm một nửa so với quy định hiện nay.

Văn bản vừa được biểu quyết tại Nghị viện châu Âu cũng bao gồm NO2 cũng như SO2 và những loại khí thải công nghiệp có hại cho sức khỏe của con người. Nói cách khác, không khí tại châu Âu sẽ phải trong sạch gấp đôi so với tiêu chuẩn lúc này.

Vào thời điểm biểu quyết, chỉ số chất lượng không khí quanh tòa nhà Nghị viện châu Âu dao động quanh mức 35.

Ngành công nghiệp châu Âu sẽ phải tốn kém thêm nữa để chuyển sang công nghệ sản xuất sạch, các thành phố cũng buộc phải tăng đầu tư thúc đẩy giao thông xanh. Đây là những chi tiết đã gây tranh luận rất nhiều trước khi tìm được điểm tạm cho là cân bằng giữa hai nhu cầu, kinh tế phát triển và không khí trong lành.

Quy định mới cũng yêu cầu lắp đặt thêm các điểm đo chất lượng không khí trên khắp châu Âu và thống nhất các chỉ số. Trong một số trường hợp đặc biệt, các quốc gia có quyền yêu cầu đẩy lui tới 10 năm thời hạn phải thỏa mãn các quy định mới.

CHÂU ÂU ĐAU ĐẦU VÌ HÀNG GIẢ, MẤT 60 TỶ EURO MỖI NĂM

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kinh tế Bỉ, hoạt động buôn bán hàng giả tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động. Năm 2023, số lượng báo cáo về sản phẩm giả mạo đã tăng 53% lên tới 744 trường hợp so với 484 trường hợp trong năm 2022 với việc thu giữ tổng cộng 217.053 sản phẩm giả.

Sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nước hoa, đã trở thành mục tiêu ưa thích của những kẻ làm giả. Năm 2023, mặt hàng này chiếm gần một nửa số sản phẩm bị Thanh tra Kinh tế Bỉ thu giữ, tương đương khoảng 47% tổng số sản phẩm làm giả với 102.000 sản phẩm bị thu hồi. Việc gia tăng hoạt động kiểm tra thương mại điện tử đối với mỹ phẩm giả mạo được cho là nguyên nhân chính dẫn đến con số cao này, qua đó phát hiện ra nhiều kho hàng nước hoa giả lớn và đã bị tiêu hủy.

Báo cáo của Thanh tra Kinh tế Bỉ cảnh báo mua phải nước hoa giả tiềm ẩn nhiều rủi ro vì khách hàng không được đảm bảo chất lượng hay thành phần của sản phẩm. Nước hoa giả có thể chứa chất độc hại, làm hỏng quần áo hoặc nhanh chóng mất mùi hương.

Ngoài ra, hoạt động buôn bán hàng giả cũng gây ra thiệt hại kinh tế lớn, với ước tính thiệt hại hơn 60 tỷ euro (64,35 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế châu Âu. Báo cáo cho biết thêm hàng giả còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các cửa hàng và doanh nghiệp chân chính kinh doanh sản phẩm chất lượng.

Chỉ riêng tại Bỉ, giá trị thị trường ước tính của số sản phẩm bị thu giữ trong năm 2023 đã lên tới hơn 11 triệu euro, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Ngoài nước hoa, các mặt hàng khác cũng bị nhái nhiều bao gồm đồ chơi, trò chơi và dụng cụ thể thao (27%); quần áo và phụ kiện (4%); sản phẩm thuốc lá (4%); điện thoại thông minh và phụ kiện (4%). Báo cáo kêu gọi người tiêu dùng cảnh giác khi mua sắm trực tuyến và chỉ mua hàng từ các nhà bán lẻ uy tín. Người tiêu dùng cũng nên báo cáo mọi trường hợp nghi ngờ buôn bán hàng giả cho chính quyền.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường nỗ lực để chống hoạt động buôn bán hàng giả, bao gồm tăng cường kiểm tra thương mại điện tử và hợp tác quốc tế để truy nguồn gốc của hàng giả.

CHÂU ÂU THÔNG QUA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG CHO TÂY BALKAN TRỊ GIÁ 6 TỶ EURO

Ngày 24/4, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự thảo nghị quyết về việc thành lập Cơ sở Cải cách và Tăng trưởng cho Tây Balkan.

Ủy ban châu Âu đã công bố đề xuất về quy định này vào tháng 11 năm 2023. Tới ngày 24/4, Nghị viện châu Âu đã thông qua bản sửa đổi của đề xuất này.

Theo đó, EU sẽ hỗ trợ lên tới 6 tỷ euro trong giai đoạn 2024-2027 đối với các quốc gia Tây Balkan dưới hai hình thức: Một là 2 tỷ euro dưới dạng hỗ trợ không hoàn lại và 4 tỷ euro dưới dạng các khoản vay ưu đãi do Liên minh châu Âu cấp.

Theo văn bản do Ủy ban EU đề xuất và được Nghị viện châu Âu sửa đổi, các điều kiện tiên quyết để được hỗ trợ cho kế hoạch này là các đối tượng thụ hưởng sẽ có những cải cách phù hợp, duy trì và tôn trọng quy định chung, cùng với các điều kiện khác như về các cơ chế dân chủ, bảo vệ nguyên tắc dân chủ, pháp quyền cũng như đấu tranh chống lại thông tin xuyên tạc.

Nghị viện châu Âu cũng bổ sung điều kiện tiên quyết là phù hợp với chính sách an ninh và đối ngoại chung của Liên minh châu Âu, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp hạn chế chống lại Nga.

Để nhận được bất kỳ hỗ trợ nào theo Kế hoạch tăng trưởng cho Tây Balkan, mỗi quốc gia thụ hưởng phải nộp cho Ủy ban châu Âu chương trình cải cách trong suốt thời gian của kế hoạch này cũng như bản kế hoạch phù hợp về việc giải ngân tiền đối với các điều kiện thanh toán đã được đáp ứng.

Theo đề xuất của Ủy ban, Chương trình Cải cách sẽ phản ánh các đánh giá trong gói Mở rộng gần đây nhất và Kế hoạch Kinh tế và Đầu tư cho Tây Balkan. Nghị viện châu Âu cho biết thêm Chương trình Cải cách cũng bao gồm các báo cáo về pháp quyền, cũng như đánh giá của các tổ chức quốc tế có liên quan và nghị quyết của Nghị viện châu Âu.

Trong trường hợp Ủy ban châu Âu đưa ra đánh giá tiêu cực về việc thực hiện bất kỳ điều kiện nào theo thời gian biểu được chỉ định, việc giải ngân vốn tương ứng với các điều kiện đó sẽ bị giữ lại.

Nghị viện châu Âu đề xuất thành lập Ban Kiểm toán, bao gồm các thành viên độc lập do Ủy ban bổ nhiệm. Nhóm này sẽ hỗ trợ Ủy ban chống lại việc quản lý yếu kém nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu và đặc biệt là vấn đề gian lận, tham nhũng, xung đột lợi ích.

HUNGARY TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TƯ YÊU THÍCH CỦA TRUNG QUỐC Ở CHÂU ÂU

Hungary có thể nằm trong số những nước đi đầu về việc chuyển đổi công nghệ nhờ hợp tác kinh tế và đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc đang đầu tư 15,2 tỷ EUR (6.000 tỷ Forint) vào Hungary, tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới và áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, nơi các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu toàn cầu.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto đưa ra trong chuyến công tác của ông tới Bắc Kinh. Hôm 23/4, nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary đã có cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan, người hiện đang đứng đầu Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Quốc hội Trung Quốc.

Ông Szijjarto chỉ ra rằng Hungary hiện đã trở thành điểm đến chính của đầu tư Trung Quốc ở châu Âu, với một loạt khoản đầu tư được rót vào ngành công nghiệp pin. Tính đến cuối năm ngoái, Hungary là nước có công suất sản xuất pin xe điện lớn thứ 3 trên toàn cầu và công suất này sẽ tăng từ 50 GWh mỗi năm hiện nay lên thành 150 GWh vào năm 2025.

Quốc gia Trung Âu chiếm vị trí thứ 5 trên toàn cầu về xuất khẩu pin xe điện. Mặt hàng xuất khẩu này dự kiến sẽ được mở rộng trong những năm tới khi gã khổng lồ ngành pin CATL của Trung Quốc đầu tư 7,34 tỷ EUR để xây dựng nhà máy pin 100 GWh ở trung tâm công nghiệp Debrecen ở miền Đông Hungary, gần biên giới với Romania.

Bộ trưởng Szijjarto lưu ý rằng bên cạnh Đức, hiện nay Trung Quốc có tác động lớn nhất đến sản lượng của nền kinh tế Hungary. Kim ngạch thương mại Hungary-Trung Quốc đã vượt ngưỡng 10 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt mức tương tự vào năm 2024. Tuy nhiên, khối lượng thương mại đã giảm từ mức 12 tỷ USD vào năm 2021.

Cũng hôm 23/4, nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary đã đến thăm trụ sở của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motors ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc.

Hungary có thể nằm trong số những nước đi đầu trong việc chuyển đổi công nghệ nhờ hợp tác kinh tế và đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc, ông Szijjarto cho biết sau chuyến thăm.

Lần gần nhất ông Szijjarto đến thăm Trung Quốc là vào tháng 10 năm ngoái, khi ông gặp người sáng lập kiêm Chủ tịch BYD Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) tại trụ sở của gã khổng lồ xe điện ở Thâm Quyến. Vài tuần sau, nhà sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng mới hàng đầu thế giới thông báo rằng họ đang xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên ở châu Âu từ khoản đầu tư ước tính 5 tỷ Euro vào miền Nam Hungary, gần biên giới với Serbia.

Bộ trưởng Hungary cũng tiết lộ việc ra mắt đường bay thẳng mới nối thủ đô Budapest với Tây An vào mùa hè tới. Hungary đã có các đường bay thẳng tới Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Ninh Ba và một đường bay thẳng khác nối Budapest với Quảng Châu sẽ ra mắt vào tháng 6. Theo đó, tổng số chuyến bay giữa 2 nước sẽ được nâng lên thành 17 chuyến mỗi tuần, cao nhất trong khu vực, ông Szijjarto cho biết

HÀNG LOẠT CHUYẾN BAY TẠI PHÁP BỊ HỦY VÌ ĐÌNH CÔNG

Hàng loạt chuyến bay tại Pháp bị hủy hoặc hoãn trong ngày 25/4 do cuộc đình công của các nhân viên kiểm soát không lưu yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện việc làm.

Cơ quan hàng không dân dụng DGAC của Pháp cho biết, họ đã yêu cầu các hãng hàng không hủy 75% số chuyến bay vào ngày 25/4 tại sân bay Paris Orly, 55% số chuyến bay tại Paris Charles-De-Gaulle và 65% số chuyến bay tại Marseille.

Các cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu ở Pháp thường xuyên ảnh hưởng đến việc đi lại ở châu Âu, hạn chế không chỉ các chuyến bay đến Pháp mà còn ở khu vực nói chung.

Ryanair đã cảnh báo họ sẽ phải hủy hơn 300 chuyến bay, bao gồm từ Anh đến Tây Ban Nha hoặc đến Italy do các cuộc đình công. Điều này gây sức ép mới lên các quan chức Liên minh Châu Âu nhằm gây thêm áp lực lên Pháp nhằm hạn chế tác động của các cuộc đình công.

Giám đốc điều hành Ryanair Michael O'Leary cho biết: "Các kiểm soát viên không lưu của Pháp được tự do đình công, đó là quyền của họ, nhưng chúng ta chỉ nên hủy các chuyến bay của Pháp, chứ không phải các chuyến bay rời Ireland, đến Italy hoặc các chuyến bay từ Đức đến Tây Ban Nha hoặc Scandinavia đến Bồ Đào Nha".

Việc hoãn, hủy chuyến diễn ra bất chấp những nỗ lực của giới chức trách Pháp đàm phán và đạt được thỏa thuận vào phút chót với Nghiệp đoàn nhân viên kiểm soát không lưu (SNCTA).

DGAC cho biết thỏa thuận đạt được quá muộn để tránh gián đoạn giao thông và các cuộc thảo luận vẫn chưa được thống nhất với các công đoàn khác.

Năm ngoái, 16.000 chuyến bay đã bị hủy và 85.000 chuyến bay bị trì hoãn do các cuộc đình công của cơ quan kiểm soát không lưu ở châu Âu.

Các quan chức hàng không cũng lên tiếng lo ngại rằng các cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu có thể gây rủi ro cho Thế vận hội Paris nếu các bên không đạt được thỏa thuận đầy đủ trước khi sự kiện này diễn ra vào tháng 7 tới.

Với hơn một triệu du khách dự kiến sẽ ra vào Paris trong thời gian diễn ra Thế vận hội, các cuộc đình công có thể gây ra sự gián đoạn hơn nữa.

Nguồn: VTV; Báo Tin Tức; Soha; Người Đưa Tin; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang