Mỹ: Elon Musk đùa với lửa; 'Lá bài' của Biden hết phép; Biden lâm nguy; Trump âm thầm chọn cấp phó; Dồn LNG Nga vào đường cùng

BẮT CÁ 2 TAY, ELON MUSK ĐANG ĐÙA VỚI LỬA: LÀM ĂN VỚI TRUNG QUỐC ĐỂ BỊ THẤT SỦNG TẠI QUÊ NHÀ

Cái kết của kẻ bắt cá 2 tay thường đẫm nước mắt.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao, việc Elon Musk tận dụng ưu đãi xe điện tại nền kinh tế số 1 thế giới nhưng lại sang chào hàng ở cường quốc Châu Á được cho là động thái "đùa với lửa".

Bài học Tiktok, Huawei vẫn còn đó, trong khi Tesla còn là một công ty Mỹ, qua đó dễ tổn thương hơn khi nhận các hình phạt từ Washington.

2 bờ Thái Bình Dương

Vào cuối tuần trước, tỷ phú Elon Musk của Tesla đã có chuyến thăm bất ngờ đến Trung Quốc để chào hàng dịch vụ xe điện tự lái của mình.

Vài giờ sau đó, Tesla đã được đưa vào danh sách hơn 70 mẫu ô tô thông qua kiểm tra tuân thủ bảo mật dữ liệu tại Trung Quốc. Hãng Baidu cũng xác nhận hợp tác cung cấp quyền truy cập hệ thống điều hướng, bản đồ và dữ liệu của mình với Tesla.

Động thái này đã dọn đường cho Elon Musk bán công nghệ xe điện tự lái cho 1,6 triệu sản phẩm Tesla đang hoạt động ở Trung Quốc. Cổ phiếu của hãng đã tăng 15% sau khi Elon Musk rời Bắc Kinh, khiến cổ đông thở phào khi mã này đã giảm hơn 40% từ đầu năm 2024, qua đó trở thành cổ phiếu có kết quả tệ nhất trong S&P 500.

Thế nhưng ở bên kia bờ Thái Bình Dương tại trụ sở chính của Tesla bang Texas, mọi chuyện lại đang vô cùng kịch tính. Tối muộn ngày thứ 2 sau chuyến thăm bất ngờ Bắc Kinh của Elon Musk, vị CEO này đã gửi email đến ban giám đốc để sa thải 2 giám đốc cấp cao, trưởng phòng nhân sự và hàng trăm nhân viên thuộc mạng lưới sạc nhanh "Supercharger" của Tesla.

"Hy vọng rằng việc sa thải này cho thấy rõ là chúng ta cần phải hết sức cứng rắn về số lượng nhân viên để cắt giảm chi phí...Trong khi một số giám đốc xem xét vấn đề này nghiêm túc thì hầu hết vẫn chưa chịu chú trọng", Elon Musk cảnh báo.

Phong cách quản lý không khoan nhượng của ông chủ Tesla vốn chẳng có gì xa lạ khi Elon Musk cũng sa thải gần hết đội ngũ nhân viên cũ của Twitter-X khi mua lại mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD vào năm 2022.

Thế nhưng việc vị tỷ phú xe điện này khắt khe hơn tại thị trường Mỹ để quay sang cầu cứu Trung Quốc trong bối cảnh doanh số suy giảm đã khiến chính quyền Washington không hài lòng.

Xin được nhắc rằng căng thẳng Mỹ-Trung đang tăng cao sau quyết định buộc Tiktok phải bán mình hoặc rời khỏi nền kinh tế số 1 thế giới. Những chỉ trích về an ninh dữ liệu, công nghệ là tâm điểm trong cuộc tranh cãi giữa 2 cường quốc bên bờ Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh như vậy, việc Elon Musk bất ngờ sang thăm Bắc Kinh được cho là cực kỳ nhạy cảm và có thể đem lại những hệ lụy trái chiều.

Mất giá

Tờ Financial Times (FT) nhận định hào quang của Elon Musk đang dần biến mất tại Mỹ khi người tiêu dùng, nhà đầu tư và thậm chí là các quan chức dần mất kiên nhẫn với lời nói cũng như hành động trái chiều của vị tỷ phú này.

Nhiều đại lý bán xe ở Mỹ cho biết người dùng có xu hướng mua xe của đối thủ Tesla nhằm phản đối những phát biểu khiêu khích của Elon Musk trên Twitter-X, cũng như việc CEO này có hành động đi ngược với các cam kết trước đây.

Tồi tệ hơn, việc sa thải gần như toàn bộ đội Supercharger gồm 500 người mà không có thông báo trước hay lời giải thích rõ ràng công khai càng khiến nhiều người bất mãn, còn cổ đông thì nghi vấn về khả năng điều hành của Elon Musk.

Xin được nhắc rằng Tesla có 50.000 trạm sạc trên toàn cầu và 15.000 ở Bắc Mỹ, qua đó trở thành tiêu chuẩn của ngành xe điện, buộc đối thủ phải ký hợp đồng để sử dụng. Thế nhưng động thái sa thải mới đây lại khiến nhiều người đặt câu hỏi chuyện gì đang diễn ra với Tesla?

Chuyên gia Ross Gerber của Gerber Kawasaki, đồng thời cũng là cổ đông Tesla cho biết Supercharger (sạc nhanh) là mảng có thể đem về lợi nhuận nhanh nhất cho Tesla khi tập đoàn này độc quyền trong mảng mạng lưới trạm sạc xe điện.

Bởi vậy việc sa thải hầu hết nhân viên của bộ phận này bị đánh giá là "một bước thụt lùi khủng khiếp".

"Elon Musk đang sa thải nhiều nhân viên có đóng góp quan trọng trong thành công của Tesla chỉ vì những niềm tin hay tầm nhìn sai lầm thường xuyên biến động của mình. Doanh số Tesla tệ hại là vì có một giám đốc tồi như vậy. Elon Musk chỉ điên cuồng cắt giảm chi phí chứ chẳng hề thực sự giải quyết cốt lõi vấn đề mà công ty đang gặp phải", ông Gerber chỉ trích.

Vào tháng 4/2024, Elon Musk tuyên bố cắt giảm 14.000 lao động khi doanh thu quý I của Tesla giảm 9%, đồng thời cảnh báo tốc độ tăng trưởng doanh số có thể thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Để giải quyết tình hình bên cạnh động thái sa thải lao động, Elon Musk giới thiệu dự án xe điện giá rẻ trị giá 25.000 USD để rồi sau đó bị phát hiện đang chuyển nguồn lực sang công nghệ taxi điện tự lái.

Đây chính là lý do khiến ông chủ Tesla sang chào hàng Trung Quốc khi thị trường xe điện tự lái đang bùng nổ nơi đây với nhiều hãng ô tô điện địa phương đã chào hàng kỹ thuật mới. Trái lại tại Mỹ, công nghệ tự lái của Tesla đang bị Bộ tư pháp theo dõi vì liên quan đến nhiều vụ tai nạn.

Thế nhưng nhà đầu tư lại lo sợ Tesla sẽ phải hứng chịu cơn giận dữ từ Washington trong thời điểm nhạy cảm hiện nay khi Tiktok vừa mới bị ép phải tách rời Trung Quốc.

Cú sốc cho Ấn Độ?

Việc Elon Musk coi trọng Trung Quốc không có gì khó hiểu. Đây là thị trường lớn nhất của Tesla bên ngoài Mỹ.

Trung Quốc chiếm đến 50% doanh số và 20% công suất của Tesla năm 2023. Nhà máy của hãng này tại Thượng Hải là một trong những nhà máy có sản lượng chủ chốt của hãng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó thị trường xe điện Mỹ đã giảm tốc nhanh chóng. Báo cáo của UBS cho thấy doanh số xe điện tại Mỹ tăng trưởng 60% năm 2022 và đã giảm xuống còn 47% năm 2023. Tỷ lệ này được dự đoán chỉ còn 11% năm 2024.

Tồi tệ hơn, thị phần xe điện của Tesla tại Mỹ đã giảm từ 62% năm ngoái xuống còn 51% hiện nay.

Tuy nhiên bước đi của Elon Musk đến Trung Quốc cũng có nhiều rủi ro khi công nghệ xe điện tự lái của Tesla dùng camera chứ không phải cảm biến như các đối thủ thường dùng.

Điều này khiến sản phẩm của Elon Musk dễ thu thập thông tin cá nhân hơn và trở nên "nguy hiểm" khi tiếp cận các cơ sở nhạy cảm cần bảo mật ở Trung Quốc.

Ngoài ra, việc ông chủ Tesla bất ngờ hoãn thăm Ấn Độ để đến Bắc Kinh rồi mới bay sang Nam Á bị cho là cú sốc với nền kinh tế này.

Ngày 10/4, Elon Musk cho biết sẽ sang thăm Ấn Độ, làm dấy lên hy vọng xây nhà máy Tesla trị giá 3 tỷ USD ở Ấn Độ nhằm hiện thực hóa tham vọng thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng thế giới tại đây.

Thế nhưng kế hoạch chuyến thăm này đã bị hủy bỏ chỉ sau 10 ngày để rồi 9 ngày sau đó, ông chủ Tesla có mặt ở Bắc Kinh.

Mặc dù Elon Musk đã lên máy bay đến Ấn Độ sau chuyến thăm Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế Nam Á đã không còn mặn mà gì với Tesla khi hiểu rằng dự án nhà máy 3 tỷ USD đã "chết".

"LÁ BÀI" HÚT PHIẾU CỦA BIDEN HẾT PHÉP

Chuyến thăm mới của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Trung Đông mang lại ít kết quả hơn kỳ vọng.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tiến hành chuyến công du mới tới Trung Đông từ 29/4 - 1/5/2024, gồm Ả Rập Saudi, Jordan và Israel. Đây là chuyến công du thứ bảy của ông Blinken đến khu vực kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Israel - Hamas ngày 7/10/2023. Chuyến đi với kỳ vọng đạt được thoả thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và bình thường hoá quan hệ Ả Rập Saudi - Israel, nhưng đã không đạt được kết quả mong muốn.

"Lá bài Trung Đông" nhằm tranh thủ phiếu bầu

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra gay gắt giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, cả hai đều đã giành được số phiếu đại biểu cần thiết của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà để bước vào cuộc bầu cử ngày 5/11/2024.

Các vấn đề Trung Đông được Tổng thống Joe Biden sử dụng như một lá bài nhằm tranh thủ phiếu bầu của cử tri Mỹ, giúp ông có cơ hội chiến thắng trước ông Donald Trump, đặc biệt trong tình hình ông đang gặp vấn đề về sức khỏe.

Cuộc xung đột Israel - Hamas tại Gaza đã bước sang tháng thứ 7 mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin, trong khi đó người dân Gaza đang đứng trước thảm hoạ nhân đạo chưa từng có với khoảng 35.000 người thiệt mạng, hơn 75.000 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, 1,5 triệu người mất nhà cửa. Chảo lửa Trung Đông đang lan rộng ra toàn bộ khu vực.

Chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang bị dư luận nước Mỹ chỉ trích mạnh mẽ về thái độ thiên vị tuyệt đối Tel Aviv, không đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas. Các cuộc biểu tình của sinh viên các trường đại học đang diễn ra trên khắp nước Mỹ và bắt đầu lan rộng sang châu Âu ủng hộ Palestine, đòi Israel chấm dứt cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza, kêu gọi chính quyền Biden không viện trợ quân sự cho Israel.

Các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi do Mỹ làm trung gian bế tắc do Israel không đáp ứng các điều kiện chính của Riyadh là đồng ý thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tấn công vào Rafah, nơi có hơn một triệu người tỵ nạn Palestine đang sinh sống, bất chấp sự phản đối của quốc tế và bất kể có đạt được thỏa thuận về ngừng bắn và trao đổi tù binh với Hamas hay không. Ông bác bỏ mọi đề xuất về một lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt chiến tranh ở Gaza.

Các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas tăng về lệnh ngừng bắn và trao trả con tin ở Cairo với sự trung gian của Ai Cập, Qatar và Mỹ vẫn bế tắc do quan điểm hai bên vẫn còn rất xa nhau.

Mục đích chuyến thăm Trung Đông của ông Blinken

Ưu tiên hàng đầu của Washington là tìm cách dừng cuộc xung đột đẫm máu ở Dải Gaza, ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Rafah, thành phố phía nam Dải Gaza, nơi có hơn 1,5 triệu người Palestine di tản đang sinh sống. Cuộc tấn công này sẽ gây thảm thỏa cho dân thường và kích động tình cảm chống Israel và Mỹ, làm phức tạp thêm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, chuyến thăm cũng nhằm mục đích gây áp lực lên Thủ tướng Israel Netanyahu để thực hiện các bước đi cụ thể mà Tổng thống Biden yêu cầu nhằm cải thiện tình hình nhân đạo đang xấu đi ở Gaza.

Mục tiêu trước mắt của Nhà Trắng là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, giải thoát các con tin do Hamas bắt giữ, tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, đồng thời thảo luận với các nước khu vực Trung Đông về tương lai của Gaza.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ông Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao của Ả Rập Saudi tại Riyadh và cũng sẽ tổ chức một cuộc họp toàn diện hơn với những người đồng cấp từ 5 quốc gia Ả Rập gồm Qatar, Ai Cập, Ả Rập Saudi, UAE, Jordan, một số nước Vùng Vịnh và châu Âu; tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được tổ chúc tại Riyadh để thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine và hình thức quản lý, tái thiết Gaza sau chiến tranh.

Thúc đẩy các cuộc thương lượng về bình thường hoá quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel vốn đang bị đình trệ do cuộc chiến Gaza và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Washington và Riyadh cũng được đưa vào chương trình nghị sự, coi đây là một trong những vấn đề quan trọng trong chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken.

Kết quả chuyến thăm

Có thể nói cả 7 chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Trung Đông đều không đạt được kết quả mong muốn. Washington đã không gây được áp lực buộc Israel phải ngừng cuộc chiến ở Gaza. Những chuyến công du đó còn phản ánh sự mâu thuẫn trong quan điểm của Mỹ giữa lời nói và việc làm trên thực tế.

Mỹ tuyên bố về tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel, ngăn chặn chiến tranh, phản đối Israel tấn công vào Rafah, nhưng lại tiếp tục cung cấp vũ khí cho Tel Aviv, sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đòi Israel phải chấm dứt chiến sự tại Gaza. Mới đây nhất Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh cung cấp vũ khí cho Israel bao gồm hơn 25.000 tấn đạn dược và thiết bị quân sự, Quốc hội Mỹ cũng thông qua gói viện trợ bổ sung 14,2 tỷ USD cho Tel Aviv.

Washington ủng hộ một giải pháp hai nhà nước, thành lập một nhà nước Palestine độc lập, là người trung gian, hoà giải nhưng Mỹ không có bất cứ một hành động nào buộc Israel chấp nhận giải pháp này. Hơn thế nữa, ngày 19/4/2024, Mỹ đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an ủng hộ Palestine trở thành thành viên Liên hợp quốc.

Nhà phân tích chính trị của Tiểu vương quốc Dubai, Tiến sĩ Jassim Khalfan, đã đánh giá thấp kết quả và tác động chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken tới khu vực Trung Đông hồi tuần qua. Ông nói với báo “Al-Sharq Al-Awsat”: “Từ khi nhậm chức Ngoại trưởng, ông Blinken đã tiến hành các chuyến thăm con thoi đến khu vực, nhưng không đạt được bất kỳ kết quả thực sự nào. Tổng thống Biden cũng thăm khu vực nhiều lần và đưa ra nhiều lời hứa, nhưng không lời hứa nào được thực hiện.”

Tiến sỹ Khalfan coi các chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ là “mâu thuẫn và xung đột với nhau”. Ông nói: “Chính quyền Mỹ bác bỏ các hành động của Thủ tướng Israel Netanyahu, nhưng lại ủng hộ các chính sách của chính phủ Israel.”

Ông Khalfan cho rằng chính sách Trung Đông của Mỹ là “nắm cây gậy từ giữa - holding the stick from the middle”, vì họ muốn tỏ ra là một một lực lượng quốc tế thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, nhưng lại ủng hộ mọi hành động của Israel kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Gaza và nay mới bắt đầu nói về sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn.

Ông Blinken cũng không thuyết phục được Ả Rập Saudi bình thường hoá quan hệ với Israel. Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan vẫn giữ điều kiện tiên quyết là Israel phải đồng ý việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập và chấm dứt chiến sự tại Gaza.

Đến nay, Thủ tướng Netanyahu vẫn tuyên bố bác bỏ giải pháp hai nhà nước và việc trao trả cho Chính quyền Palestine quyền kiểm soát Gaza, những yêu cầu được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi.

Theo nhiều nguồn tin, trong chuyến công du này, ông Blinken không bỏ qua việc vận động các nước Vùng Vịnh ngừng hợp tác với Nga, Trung Quốc và đoàn kết chống Iran. Tuy nhiên, các nước này đã khẳng định chính sách đối ngoại độc lập của mình, UAE đã quyết định đóng cửa căn cứ quân sự Dhafra của Mỹ, khẳng định không cho phép Mỹ sử dụng căn cứ này vào việc tấn công Iran.

Có thể nói, kết quả chuyến công du thứ bảy của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Đông một lần nữa cho thấy thất bại trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Washington đã không góp phần tìm ra được giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài 76 năm nay, không chấm dứt được cuộc chiến của Israel ở Gaza, bạo lực ngày càng lan rộng ra toàn bộ khu vực. Việc Mỹ thiên vị và dành sự hỗ trợ to lớn cho Israel là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc chiến tranh triền miên tại Trung Đông và không đạt được một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Palestine - Israel.

BIDEN LÂM NGUY VÌ PHONG TRÀO PHẢN CHIẾN, KỊCH BẢN TRUMP 2.0 LẶP LẠI

Cuộc biểu tình của các sinh viên đại học đang khiến Tổng thống Biden phải “đau đầu” tìm cách giải quyết, nhưng cũng có thể là lối thoát chính trị dành cho ông Trump khi có vẻ như ông chủ cũ của Nhà Trắng đang ở “kèo dưới” trong cuộc chiến pháp lý.

Con đường trở về Nhà Trắng trở nên hẹp dần với ông Biden

Làn sóng biểu tình lan rộng khắp các trường đại học tại Mỹ đang đe dọa khả năng ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, đặc biệt trong bối cảnh Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ sẽ diễn ra trong vài tuần nữa. Theo thống kê, hơn 2.000 người đã bị bắt tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ kể từ ngày 18/4, khi làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine, phản đối Israel lan rộng khắp nước Mỹ. Dưới áp lực chính trị ngày càng lên cao, lần đầu tiên, ông Biden đã buộc phải lên tiếng nhằm chấm dứt tình trạng này.

“Nước Mỹ tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng điều này không có nghĩa là chính phủ Mỹ cho phép công dân thực hiện quyền tự do một cách vô tổ chức. Quyền tự do phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và không đi kèm với bạo loạn”, ông Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 2/5, đồng thời yêu cầu những người biểu tình phải ngừng việc phá hủy tài sản công cộng tại khuôn viên trường học.

Cuộc biểu tình của những cử tri sinh viên bắt nguồn từ sự phẫn nộ trước cuộc chiến ở Gaza đã khiến 34.000 người thiệt mạng, theo thống kê mới nhất của Cơ quan y tế địa phương. Trong một cuộc thăm dò gần đây của CNN, 81% cử tri dưới 35 tuổi không tán thành cách thức chính quyền ông Biden xử lý xung đột Israel-Hamas, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ ký thông qua dự luật viện trợ quân sự nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có 17 tỷ USD dành cho Israel. Vị thế của ông Biden sẽ ngày càng bấp bênh nếu Nhà Trắng không thể thuyết phục Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu từ bỏ kế hoạch tấn công thành phố Rafah, khiến con số thương vong tiếp tục gia tăng.

Nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại James Traub cho rằng ông Biden đang phải đối mặt với tình thế khó khăn và nên cẩn thận trước các phát ngôn trong thời điểm nhạy cảm, bởi những chỉ trích mạnh mẽ “không chỉ đẩy cơn giận của sinh viên đại học đi xa”, mà còn có khả năng khiến các cử tri ôn hòa quay lưng lại với ông chủ Nhà Trắng.

“Cơ hội ở lại Nhà Trắng của ông Biden đang trở nên hẹp dần. Điều tốt nhất ông ấy cần làm bây giờ là nên cẩn trọng”, ông Traub nói.

Ông Trump tìm thấy lối thoát trong cơn hỗn loạn

Vụ án “chi tiền bịt miệng” một ngôi sao khiêu dâm hồi năm 2016 đã khiến ông Trump trở thành cựu Tổng thống đầu tiên phải ra hầu tòa. Quá trình xét xử đã bước sang tháng thứ hai, và có vẻ như lợi thế không nghiêng về phía ông Trump. Cựu Tổng thống Mỹ tiếp tục mất thêm 9.000 USD trong hôm 30/4 vì vi phạm lệnh cấm ngôn và thẩm phán Juan Merchan đang xem xét các hình phạt bổ sung khác dành cho ông. Một cựu luật sư của ông Trump đã nhận 6 tội hỗ trợ ông chủ cũ của Nhà Trắng trong âm mưu lật đổ kết quả cuộc bầu cử ở bang Georgia vào tháng 1/2021, khiến hình ảnh chính trị của ông trở nên xấu đi trong mắt công chúng.

Buộc phải hầu tòa New York 4 ngày/tuần để phục vụ quá trình điều tra, thứ Tư là thời gian duy nhất mà cựu Tổng thống có thể tận dụng để tiếp tục chiến dịch tranh cử và nỗ lực ghi điểm trước cử tri.

Hôm 1/5, ông Trump đã có mặt tại các sự kiện tranh cử tại Wisconsin và Michigan. Ông chủ cũ của Nhà Trắng đã không ngần ngại tấn công đối thủ Biden bằng cách dẫn chứng tình trạng hỗn loạn trong khuôn viên đại học đang trở nên trầm trọng do các cuộc biểu tình phản chiến của sinh viên.

“Nước Mỹ đang bị bao vây bởi những kẻ cực đoan đang khủng bố trong các khuôn viên trường học”, ông Trump nói, ngầm chỉ trích chính quyền ông Biden đã thất bại trong việc ổn định tình hình an ninh của đất nước. Ca ngợi công lao của các cảnh sát trong việc giải tán cuộc biểu tình tại Đại học Columbia hôm 1/5, ông Trump cũng hứa hẹn sẽ “ngăn chặn tình trạng cướp bóc, phá hủy của công, giải quyết tình trạng nhập cư và quản lý tốt hơn giáo dục đại học” khi trở lại nhiệm sở.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy ông Trump vẫn đang dẫn trước đối thủ Biden về mức độ tín nhiệm tại hầu hết các vấn đề: kinh tế, nhập cư và xung đột Israel-Hamas. Ông chủ cũ của Nhà Trắng cũng không loại trừ khả năng cắt khoản viện trợ quân sự cho Israel nếu tái đắc cử, nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Trung Đông. Thái độ với Israel của ông Trump được cho là đã thay đổi hoàn toàn so với thời điểm đương nhiệm.

Cựu chiến lược gia cấp cao của Tổng thống Barack Obama, ông David Axelrod cho rằng “một kỷ nguyên chính trị bình thường” có thể sẽ khiến ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử; nhưng ở thời điểm hiện tại, tình trạng hỗn loạn do phong trào phản chiến lên cao có thể mở ra “một lối thoát” dành cho cựu Tổng thống trên đường đua trở lại Nhà Trắng.

TRUMP ÂM THẦM TÌM PHÓ TƯỚNG

Chiến dịch của ông Trump đang thầm lặng sàng lọc ứng viên cấp phó, trong khi cựu tổng thống cảm thấy không cần phải vội công bố bạn đồng hành.

Ông Donald Trump hội đủ điều kiện để trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống từ tháng 3, sau khi thắng áp đảo hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang, khiến đối thủ lần lượt bỏ cuộc. Nhưng Trump dường như không vội chọn bạn đồng hành, dù ứng viên cấp phó có thể hiện diện liên tục trên đường đua, truyền tải thông điệp tranh cử trong thời gian ông phải hầu tòa ở New York.

"Tôi sẽ chọn, nhưng không quá sớm trước Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC)", ông Trump trả lời phỏng vấn tại bang Wisconsin hôm 1/5.

RNC năm nay tổ chức ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin ngày 15-18/7. Thông thường, ứng viên phó tổng thống sẽ phát biểu trước các đại biểu vào tối trước ngày sự kiện kết thúc. Năm 2016, ông Trump chọn bạn đồng hành là Mike Pence, khi đó là thống đốc bang Indiana, trong tuần ngay trước khi RNC diễn ra.

Ngoài Wisconsin, ông Trump ngày 1/5 còn đến Michigan vận động tranh cử. Cựu tổng thống từng thắng hai bang chiến trường này năm 2016, nhưng sau đó thất bại trước đối thủ Joe Biden năm 2020. Đây là lần đầu Trump trở lại đường đua từ khi tòa hình sự Manhattan ngày 15/4 bắt đầu xét xử ông với cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016.

Quá trình xét xử kéo dài ít nhất 6 tuần và Trump phải có mặt tại tòa 4 ngày làm việc mỗi tuần, trừ các thứ tư, bào mòn đáng kể quỹ thời gian của cựu tổng thống. Tuy nhiên, cựu tổng thống cho biết vụ kiện ở New York không khiến ông phải đẩy nhanh quy trình tìm bạn đồng hành tranh cử.

Đội ngũ của ông Trump vẫn chưa hoàn tất giai đoạn đầu của quá trình sàng lọc ứng viên phó tổng thống tiềm năng, 7 nguồn thạo tin nói với NBC News. Các ứng viên hàng đầu chưa nhận được câu hỏi khảo sát hay đề nghị cung cấp thông tin. Một số đồn đoán cho rằng ông Trump đang đánh giá khả năng gây quỹ của ứng viên.

Ông Trump hiện chưa xem xét danh sách ứng viên tiềm năng, như từng làm suốt nhiều tuần năm 2016 trước khi chọn ông Pence. Nhiều ứng viên sẽ cùng ông Trump tham gia một sự kiện gây quỹ cuối tuần này ở Palm Beach, bang Florida. Đây có thể được coi là "một buổi sàng lọc".

"Mọi thứ đã diễn ra thầm lặng một thời gian", một cố vấn của ông Trump nói khi được hỏi về cuộc tìm kiếm ứng viên phó tướng. Một nguồn thạo tin nói đội ngũ tranh cử của ông Trump chưa tiếp xúc trực tiếp các ứng viên, nhưng đã tìm hiểu kỹ về họ.

Trong số ứng viên tiềm năng có các thượng nghị sĩ Marco Rubio (Florida), Tim Scott (Nam Carolina), JD Vance (Ohio), thống đốc Doug Burgum (Bắc Dakota) và Kristi Noem (Nam Dakota), hạ nghị sĩ Byron Donalds (Florida), Elise Stefanik (New York) cùng Ben Carson, cựu bộ trưởng phát triển nhà ở và đô thị dưới thời Trump. Ngoại trừ Carson, họ đều được coi là "khách mời đặc biệt" tại sự kiện cuối tuần này.

"Đây chắc chắn là cơ hội để các lãnh đạo năng động nhất của chúng ta thể hiện thông điệp chiến thắng, chấm dứt nhiệm kỳ yếu kém và thiếu trung thực của ông Biden", Brian Hughes, cố vấn cấp cao của ông Trump, nói. "Những người ủng hộ tài chính cho ông Trump cùng chương trình nghị sự 'Nước Mỹ trên hết' sẽ thấy rằng họ đang giúp cứu đất nước này bằng chiến thắng vào tháng 11".

Các nguồn thạo tin cho biết doanh nhân Vivek Ramaswamy và thống đốc Florida Ron DeSantis, hai ứng viên tổng thống bỏ cuộc hồi tháng 1, gần như chắc chắn không trong cuộc đua ghế cấp phó. Trong khi đó, Noem cũng "không còn cơ hội", sau khi hứng chỉ trích vì kể câu chuyện từng bắn chết chó của chính mình cách đây 20 năm để chứng minh bà đủ năng lực ra quyết định khó.

Một biến số nữa chính là sự khó đoán của Trump, cả về thời điểm thông báo và ứng viên ông có thể thêm hoặc bớt khỏi danh sách. Nguồn tin thân cận một ứng viên phó tướng tiềm năng nói sự kiện gây quỹ sẽ là "thước đo tài năng quyên tiền".

"Bất cứ ai nói họ biết thời điểm hay người được ông Trump chọn làm phó tướng đều là kẻ dối trá, trừ khi do chính ông Trump tuyên bố", Hughes bổ sung.

Việc sàng lọc ứng viên được cho là chủ đề thường xuất hiện trong các cuộc trao đổi tại tư dinh Mar-a-Lago của Trump, cựu tổng thống thường xuyên hỏi khách mời về các lựa chọn. Tuy nhiên, một nguồn tin nói tình hình khó có tiến triển bởi ông còn đang phải hầu tòa.

"Ông ấy không thể tập trung vào việc gì khác ngoài quá trình xét xử đang diễn ra", người này nói.

Ryan Williams, trợ lý cấp cao chiến dịch tranh cử của Mitt Romney năm 2012, cho biết ứng viên tổng thống Cộng hòa này đã đưa ra lựa chọn phó tướng vài tuần trước khi RNC diễn ra tháng 8 cùng năm.

Williams nêu ra một số khác biệt giữa tình thế của Romney và Trump. Romney tháng 4/2012 vẫn đang phải đối phó đối thủ cùng đảng là Rick Santorum trong mùa bầu cử sơ bộ. Romney khi đó "được đưa tin miễn phí" nhờ truyền thông liên tục đồn đoán về ứng viên cấp phó của ông.

"Việc lựa chọn phó tướng phần nào nhằm thu hút truyền thông đến chiến dịch của mình hơn", Williams nói. "Trump thì khác, ông ấy đã có đủ sự chú ý cần thiết. Ông ấy cũng đang phải dành hầu hết thời gian ở phòng xử án".

Theo Williams, ông Trump có thể thực hiện quy trình lựa chọn "ít cấu trúc hơn" so với những chiến dịch trước. "Hầu hết những cái tên ông ấy đề cập dường như đều đã được sàng lọc kỹ, như Scott và Rubio đều từng tranh cử tổng thống", Williams nhận định.

Ngoài ra, ông Trump cũng có lý do để không đưa ra lựa chọn lúc này. Nhiều ứng viên thường xuất hiện trên truyền thông bênh vực Trump, như Scott, Vance hay Burgum, và ông có thể coi đây là "buổi thử giọng".

"Tại sao Trump phải đánh cược, làm suy giảm sự ủng hộ này bằng việc loại họ khỏi danh sách ứng viên phó tướng", một chiến lược gia đảng Cộng hòa nói. "Tôi nghĩ mọi thứ sẽ diễn ra muộn tốt hơn là sớm. Trump thích sự kịch tính, kiểu như chương trình thực tế Người tập sự của ông".

MỸ QUYẾT DỒN LNG NGA TỚI CHÂN TƯỜNG

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào dự án Artic LNG 2 của Novatek – nhà sản xuất khí đốt tự nhiên độc lập lớn nhất của Nga – chỉ ngày càng tăng chứ không giảm.

Chỉ vài tháng sau khi đánh vào năng lực vận chuyển với mục tiêu là các tàu phá băng Arc7 chuyên chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), Washington lần này nhắm tới khả năng hoàn thành dự án và xây dựng các nhà máy LNG trong tương lai của gã khổng lồ năng lượng tư nhân Novatek.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/5 đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 4 nhà khai thác tàu hạng nặng và tàu chở hàng, bao gồm nhà điều hành vận tải Red Box có trụ sở tại Singapore.

Các tàu hạng nặng có khả năng phá băng Audax và Pugnax của Red Box đã cung cấp dịch vụ vận chuyển nguyên liệu để xây dựng dây chuyền sản xuất cho các dự án Yamal và Arctic LNG 2 của Novatek.

Theo High North News, trong suốt 2 năm qua, bộ đôi này đã hoàn thành 5 chuyến hàng chuyên chở các module LNG đúc sẵn từ Trung Quốc sang Nga qua Tuyến đường biển phía Bắc băng giá.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào thời điểm đó, CEO Philip Adkins đã quả quyết với High North News rằng Red Box không vi phạm các lệnh trừng phạt vì họ chỉ đơn giản là vận chuyển “các kết cấu thép” từ điểm A đến điểm B mà không có bất kỳ mối quan hệ hợp đồng nào với Novatek hoặc bất kỳ tổ chức nào bị trừng phạt.

Vị CEO đã so sánh dịch vụ của công ty mình với dịch vụ của Uber, một nhà thầu độc lập không có mối quan hệ kinh doanh với các bên bị trừng phạt.

Các quan chức Mỹ rõ ràng không đồng ý với lập luận này, và hiện đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên công ty. Red Box bị trừng phạt vì “đã hỗ trợ, tài trợ hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính, vật chất hoặc công nghệ hoặc hàng hóa hoặc dịch vụ cho dự án Artic LNG 2”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông báo hôm 1/5.

“Các hành động hôm nay chứng tỏ Mỹ tiếp tục quyết tâm hạn chế năng lực sản xuất và xuất khẩu của dự án LNG 2 ở Bắc Cực cũng như hạn chế sự hỗ trợ của bên thứ 3 cho dự án”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích.

Việc Washington mở rộng các lệnh trừng phạt, từ nhắm trực tiếp vào bản thân dự án Artic LNG 2, cơ sở xây dựng, tàu chở LNG được chế tạo cho dự án, đến các tàu nâng hạng nặng chở module, phù hợp với các tuyên bố chính thức mà các quan chức Mỹ đã lặp đi lặp lại là: “Giết chết dự án”.

Ngoài Red Box, vòng trừng phạt mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bao gồm công ty vận tải CFU Shipping có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) và các tàu vận tải hạng nặng Hunter Star và Nan Feng Zhi Xing của hãng này, chịu trách nhiệm vận chuyển module LNG cuối cùng cho dây chuyền sản xuất thứ hai (T2) của dự án Artic LNG 2.

Eko Shipping và Transstroy là công ty vận tải thứ 3 và thứ 4 bị trừng phạt. Eko Shipping có cổ phần trong 9 tàu chở hàng và được kết nối để làm việc trong dự án LNG, trong khi Transstroy và 3 tàu của họ được kết nối để làm việc tại công trường Belokamenka LNG Construction Center của Novatek ở vùng Murmansk – một thực thể vốn đã nằm trong “danh sách đen”.

Mỹ lần đầu tiên trừng phạt Artic LNG 2 vào tháng 11 năm ngoái, khiến các cổ đông nước ngoài phải tuyên bố “bất khả kháng” và đình chỉ tham gia dự án. Đòn trừng phạt cũng đã ngăn cản Novatek bắt đầu sản xuất và xuất khẩu LNG từ dự án này

Nguồn: CafeBiz; Soha; CafeF; Vnexpress; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang