Mỹ: Nhiều người bị đuổi khỏi nhà; Bắt 2.000 người biểu tình; Các thương hiệu chịu đòn; Coi TQ là 'kẻ thù'; Lạm phát 'giữ chân' lãi suất

GIÁ THUÊ TĂNG, NHIỀU NGƯỜI MỸ BỊ ĐUỔI KHỎI NHÀ

Tiền lương không theo kịp tốc độ tăng giá thuê khiến những người như Alex, thợ cơ khí ngoài 30 tuổi, bị đuổi khỏi nhà.

Lennie McCloskey, sĩ quan cảnh sát hạt Maricopa, bang Arizona, mở hồ sơ, thấy tòa án yêu cầu trục xuất 11 trường hợp trong ngày 15/4. "Sẽ là một ngày dài đây", ông nói.

Phoenix, thủ phủ bang Arizona, nằm trong địa phận Maricopa. Đây là một trong những thành phố đang phát triển nhanh nhất ở Mỹ, nơi giá thuê nhà tăng vọt từ khi đại dịch bắt đầu, khiến lượng người khốn đốn vì giá thuê ngày càng nhiều.

"Tôi thường thực thi 19-25 vụ trục xuất một ngày", McCloskey, một trong 26 sĩ quan chuyên thực thi lệnh cưỡng chế của tòa án ở Maricopa, nói.

Giá nhà ở Mỹ tăng vọt vài năm gần đây, kéo theo giá thuê nhà. Nhưng tiền lương không theo kịp tốc độ tăng giá, khiến chi phí nhà ở trở thành gánh nặng ngày càng lớn trong chi tiêu gia đình.

Không đủ tiền thuê là một trong những lý do phổ biến nhất trong số 3.000 vụ trục xuất người thuê mỗi tháng ở Maricopa, chiến trường quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 giữa Tổng thống Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump.

"Đặc điểm nổi bật nhất ở Phoenix là tình trạng đắt đỏ và thay đổi nhanh chóng của thành phố", Glenn Farley, chuyên gia của Viện Common Sense, công ty nghiên cứu kinh tế, nói.

"5 năm trước, Phoenix vẫn có tiếng là nơi giá cả tương đối phải chăng, tiền thuê nhà thấp, chi phí điện nước thấp. Những điều này đã đảo ngược nhanh chóng", ông nhận xét.

Theo Farley, năm 2019, người ta chỉ cần làm việc 40 tiếng một tuần là đủ trả tiền lãi vay mua nhà nhưng tới 2024, người ta cần làm tới 68 tiếng, nhiều hơn 50%.

Trong 19 năm thực thi lệnh tòa án, McCloskey, 68 tuổi, chứng kiến nhiều điều. Những ngôi nhà biến thành nhà kho ma túy, có người cho bên thứ ba thuê lại hoặc để con cái trong nhà một mình để tránh bị trục xuất. Nhưng điều ông thấy phổ biến nhất là người thuê không đủ tiền trả theo tháng và bị tòa án ra lệnh trục xuất.

"Tôi thấy họ đang lao động, làm tới hai công việc để trang trải cuộc sống, hoặc nhiều gia đình sống chung trong một căn nhà hoặc căn hộ, bởi tiền lương không đủ trả tiền thuê", ông nói.

Farley cho hay từ năm 2020 tới 2022, tiền lương đã tăng 20%. "Vấn đề là chỉ lạm phát đã hấp thụ 20-30% số đó, còn chi phí nhà cửa đã tăng hơn gấp đôi", chuyên gia này giải thích.

Alex, thợ cơ khí ngoài 30 tuổi, bị cưỡng chế chuyển khỏi ngôi nhà hai phòng ngủ đang sống cùng vợ, con gái và chó cưng, vì "làm hai việc nhưng vẫn không đủ tiền".

"Tôi làm việc cả đời nhưng không đủ trả tiền thuê. Thật nực cười", anh nói khi nhìn hai người thay ổ khóa ngôi nhà.

Alex chậm trả tiền thuê hai tháng. Chi phí nhà ở khoảng 3.000 USD một tháng đã tính điện nước. "Tôi không rõ người khác làm thế nào, nhưng trong trường hợp của tôi, tôi đã làm việc cả đời mà tình hình chưa bao giờ tệ như thế này", anh bày tỏ.

Ông Joe Biden chiến thắng ở Arizona năm 2020 với hơn 10.000 phiếu bầu và dự kiến trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, cách biệt giữa hai ứng viên cũng sẽ sít sao. Những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất ở Mỹ đặc biệt nghiêm trọng ở đây, từ nhập cư đến phá thai, tình hình kinh tế.

Một phần nguyên nhân do Covid-19. Với hàng triệu người làm việc tại nhà trong thời gian phong tỏa, nhiều người đã rời bỏ những thị trường bất động sản đắt đỏ như California để tới nơi khác rộng rãi hơn, giá phải chăng hơn.

Nhu cầu gia tăng, đồng thời tiền dư thừa từ việc bán bất động sản ở California đã đẩy giá cả ở Phoenix lên cao vào thời điểm xây dựng nhà cửa đang đình trệ, khiến thành phố thiếu khoảng 65.000 căn nhà.

"Nhu cầu tăng vọt, dân số tăng, nguồn cung giảm. Kết quả là giá tăng phi mã", Farley nói.

Hệ quả là khối lượng công việc của McCloskey và đồng nghiệp cũng tăng. "Mọi người cũng khó khăn hơn", McCloskey thở dài khi quay về xe, sau khi báo tin xấu cho một gia đình khác.

CẢNH SÁT MỸ BẮT HƠN 2.000 NGƯỜI BIỂU TÌNH PHẢN CHIẾN

Trong vòng 3 tuần, hơn 2.000 người trên khắp nước Mỹ đã bị bắt giữ khi tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, và phản đối cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza.

Những cuộc đụng độ giữa các sĩ quan cảnh sát và người biểu tình ủng hộ Palestine trong khuôn viên nhiều trường đại học đã thu hút sự chú ý của dư luận nước Mỹ. Theo thống kê của đài NBC News, trong 3 tuần qua, hơn 2.000 người đã bị bắt trên khắp nước Mỹ.

Những ngày gần đây, hình ảnh các vụ bắt giữ người biểu tình tại Đại học Columbia và Đại học California ở Los Angeles (UCLA) đã gây chú ý đặc biệt. Các cuộc biểu tình chính trị và đối đầu nảy lửa giữa lực lượng hành pháp và người biểu tình cũng đã xuất hiện tại hàng chục cơ sở khác trên khắp nước Mỹ từ các trường công lập ở miền nam và trung tây đến khối trường Ivy League ở đông bắc.

Theo thống kê, ít nhất 2.100 người ở Mỹ đã bị bắt từ ngày 17/4 đến tối ngày 2/5. Có ít nhất 100 vụ bắt giữ tại 8 cơ sở bao gồm Cao đẳng Emerson và Đại học Đông Bắc ở Boston, Đại học Washington ở St. Louis, và Đại học Texas ở Austin.

Làn sóng bắt giữ cũng đã gây ra cuộc tranh luận căng thẳng về cách các nhà quản lý trường đại học, sở cảnh sát, thị trưởng các thành phố lớn, và lãnh đạo cộng đồng thực thi luật pháp mà không vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo tại các trường đại học đã lên tiếng bảo vệ quyết định nhờ lực lượng hành pháp can thiệp khi nghi ngờ những người biểu tình có hành vi xâm phạm, hoặc gây mất trật tự. Trong một số trường hợp, mức độ phản ứng mạnh của cảnh sát đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía những người biểu tình và các nhà hoạt động.

Hôm nay (3/5), hàng trăm người phản đối cuộc chiến của Israel chống lại nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza cũng đã tập hợp tại một trong những trường đại học hàng đầu của Australia, đồng thời yêu cầu nhà trường cắt đứt quan hệ với các công ty có liên quan tới Israel. Hành động này được cho lấy cảm hứng từ làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine mà các sinh viên ở Mỹ đang tiến hành.

Theo hãng tin Reuters, những người ủng hộ Palestine đã dựng trại vào tuần trước bên ngoài hội trường chính của Đại học Sydney, một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn nhất ở Australia. Các trại tương tự cũng đã xuất hiện tại các trường đại học ở Melbourne, Canberra, và nhiều thành phố khác của Australia.

Không giống như ở Mỹ, nơi cảnh sát buộc phải có hành động quyết liệt giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine dựng trại tại một số trường đại học, các địa điểm biểu tình ở Australia diễn ra yên bình với sự hiện diện ít ỏi của cảnh sát.

Ông Mark Scott, Phó hiệu trưởng Đại học Sydney, hôm 2/5 nói với truyền thông địa phương rằng khu trại ủng hộ người Palestine có thể ở lại trong khuôn viên trường do không xuất hiện bạo lực như ở Mỹ. Trong khi một số xe cảnh sát đậu ở lối vào trường đại học, không có cảnh sát nào có mặt nơi cuộc biểu tình diễn ra.

Vốn là đồng minh của Israel, nhưng Australia đang gia tăng sự chỉ trích trước cách hành xử của Israel ở Dải Gaza. Hồi tháng 4, một nhân viên cứu trợ người Australia đã thiệt mạng trong đợt cuộc tấn công của Israel. Những người biểu tình ủng hộ Palestine cáo buộc chính phủ Australia chưa làm đủ để thúc đẩy hòa bình ở Dải Gaza.

CHIẾN SỰ GAZA NÓNG BỎNG, CÁC THƯƠNG HIỆU MỸ 'CHỊU ĐÒN'

KFC tạm thời đóng hơn 100 cửa hàng ở Malaysia, trong khi Starbucks ở Indonesia báo cáo lỗ ròng trong quý 1, giữa lúc một số thương hiệu Mỹ bị tẩy chay vì chính sách của Mỹ liên quan chiến sự ở Gaza.

Trong những tháng qua, các thương hiệu thực phẩm và tiêu dùng của Mỹ, từ Starbucks đến McDonald's, đã trở thành mục tiêu ở một số quốc gia Đông Nam Á có đa số dân theo đạo Hồi như Malaysia và Indonesia. Người tiêu dùng tại các nước này chỉ trích sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel trong cuộc chiến với lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nikkei Asia ngày 2.5 đưa tin công ty vận hành chuỗi đồ ăn nhanh KFCMalaysia đã tạm thời ngừng kinh doanh tại hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc, trong khi công ty đứng sau chuỗi cà phê Starbucks ở Indonesia báo cáo lỗ ròng trong quý 1 năm nay.

QSR Brands, doanh nghiệp đứng sau KFC tại Malaysia, tuần này tiết lộ rằng họ đã tạm thời đóng cửa một số cửa hàng để ứng phó với "tình hình kinh tế đầy thách thức". Trong một tuyên bố, công ty cho biết họ đã thực hiện các biện pháp chủ động, và nhân viên tại các cửa hàng bị ảnh hưởng có thể đến làm việc tại các cửa hàng vẫn đang hoạt động.

"Là công ty đã phục vụ người dân Malaysia trong hơn 50 năm, trọng tâm của chúng tôi vẫn là cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho khách hàng, đồng thời đóng góp tích cực cho nền kinh tế Malaysia bằng cách đảm bảo việc làm cho 18.000 nhân viên công ty ở Malaysia, trong đó khoảng 85% là người theo đạo Hồi", tuyên bố cho hay.

Theo tường thuật trên tờ báo địa phương Nanyang Siang Pau hôm 30.4, tổng cộng 108 cửa hàng KFC tại Malaysia đã tạm thời ngừng hoạt động. QSR có khoảng 600 cửa hàng KFC tại quốc gia này.

MAP Boga Adiperkasa, công ty vận hành Starbucks ở Indonesia, hôm 29.4 đã công bố khoản lỗ ròng 22,2 tỉ rupiah (1,37 triệu USD) trong ba tháng đầu năm nay (công ty từng ghi nhận mức lãi ròng 13,6 tỉ rupiah trong quý 1 năm 2023). Doanh thu giảm 17,6 % so với một năm trước đó, xuống còn 787 tỉ rupiah.

Kể từ khi ra mắt cơ sở đầu tiên tại Indonesia vào năm 2002, công ty đã từng bước gia tăng số lượng cửa hàng Starbucks trên toàn quốc và sở hữu hơn 500 cửa hàng vào năm 2023.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là nơi có số lượng tín đồ Hồi giáo nhiều nhất thế giới. Nhìn chung, công chúng Indonesia thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine như lâu nay, trong khi Tổng thống Joko Widodo liên tục lên án hành động của Israel ở Gaza.

Trước đó, Starbucks ở Malaysia đã ghi nhận doanh thu giảm 38,2%, xuống còn 182,55 triệu ringgit (38,7 triệu USD) trong quý 4 năm 2023, theo báo cáo tài chính của nhà điều hành Berjaya Food. Công ty giải thích doanh thu giảm chủ yếu là do "cuộc tẩy chay đang diễn ra" liên quan đến xung đột giữa Hamas và Israel.

Trong bối cảnh tương lai cuộc chiến vẫn bất định, các thương hiệu tiêu dùng của Mỹ đang duy trì quan điểm thận trọng về tác động của chiến sự đối với hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian tới.

"Nếu bạn nhìn vào tác động của một số cuộc tẩy chay ở một số thị trường của chúng tôi, tôi sẽ không nói rằng mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn ở đó", Tổng giám đốc McDonald's Chris Kempczinski cho biết hôm 30.4, theo dịch vụ thông tin tài chính Seeking Alpha. Song ông cũng "không mong đợi sẽ thấy bất kỳ sự cải thiện có ý nghĩa nào về tác động đối với vấn đề đó cho đến khi chiến sự kết thúc".

Theo báo chí Mỹ, ông Kempczinski trước đó cho hay McDonald's đang chứng kiến tác động rõ rệt nhất ở Trung Đông và "một số tác động ở các quốc gia Hồi giáo khác như Malaysia, Indonesia".

4/10 NGƯỜI MỸ COI TRUNG QUỐC LÀ KẺ THÙ

Cứ 10 người Mỹ thì có khoảng 4 người coi Trung Quốc là kẻ thù, tăng so với mức 1/4 cách đây hai năm và là mức cao nhất trong 5 năm nay, theo một cuộc thăm dò thường niên của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hôm 1/5.

Theo phúc trình, phân nửa số người Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và chỉ 6% coi nước này là đối tác. Phát hiện này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang tìm cách ổn định quan hệ Mỹ-Trung để tránh những tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột trong lúc vẫn cố gắng chống lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về các vấn đề từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine đến Đài Loan và nhân quyền.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen gần đây đều đã đến thăm Trung Quốc trong nỗ lực mới nhất của chính quyền nhằm quản lý “một cách có trách nhiệm” sự cạnh tranh với Bắc Kinh. Bất chấp những khởi đầu đó, Tổng thống Joe Biden vẫn đang cạnh tranh với cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên bên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào tháng 11, về việc cứng rắn với Trung Quốc.

Phúc trình của Pew, được rút ra từ cuộc khảo sát từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 4 với mẫu gồm 3.600 người Mỹ trưởng thành, cho thấy khoảng phân nửa số người Mỹ cho rằng việc hạn chế quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chỉ 8% không nghĩ rằng đó nên là ưu tiên hàng đầu.

Vẫn theo phúc trình của Pew, trong năm thứ 5 liên tiếp, khoảng 8/10 người Mỹ cho biết không có thiện cảm về Trung Quốc.

“Ngày nay, 81% người Mỹ trưởng thành có cái nhìn không thiện cảm về đất nước này, trong đó 43% cực kỳ không có cảm tình với Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhận được những đánh giá tiêu cực tương tự”, phúc trình cho biết.

Khoảng 8 trong số 10 người Mỹ nói rằng họ ít hoặc không tin tưởng vào việc ông Tập sẽ làm điều đúng đắn trong các vấn đề thế giới. Khoảng 10% cho biết họ chưa bao giờ nghe nói về ông ấy.

Thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc phần lớn đã trở nên chỉ trích sau khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc vào năm 2018 và kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Theo các phân tích trước đây của Pew, thành tích nhân quyền của Bắc Kinh, sự gần gũi với Nga và các chính sách của nước này đối với Đài Loan và Hong Kong cũng khiến người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về đất nước này.

Đồng thời, chính phủ Mỹ đã công khai về việc cạnh tranh với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế và ngoại giao.

Theo sau đó, 42% người Mỹ cho rằng Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ, mức cao nhất kể từ năm 2021.

Pew nói, tỷ lệ này lớn hơn nhiều trong số những người thuộc Đảng Cộng hòa và những người độc lập nghiêng về Đảng Cộng hòa, với 59% trong số họ mô tả Trung Quốc là kẻ thù, so với 28% của Đảng Dân chủ và những người nghiêng về Đảng Dân chủ.

Phúc trình cho biết, những người Mỹ lớn tuổi, những người theo Đảng Cộng hòa bảo thủ và những người có quan điểm chua chát về nền kinh tế Mỹ đang chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn và có nhiều khả năng coi nước này là kẻ thù.

Bà Christine Huang, một cộng tác viên nghiên cứu của Pew, nói: “Người Mỹ cũng nhìn Trung Quốc một cách tiêu cực hơn khi họ nghĩ rằng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới đã trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây hoặc khi họ cho rằng Trung Quốc có mức độ ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ”.

Bà nói thêm: “Ngay cả sự bi quan về nền kinh tế Mỹ cũng liên quan đến cách người Mỹ đánh giá Trung Quốc: Những người nghĩ rằng tình hình kinh tế ở Mỹ tồi tệ có nhiều khả năng nhìn Trung Quốc không có thiện cảm và coi nước này như kẻ thù”.

Pew cho biết một mẫu đại diện trên toàn quốc gồm 3.600 người trả lời đã điền vào các cuộc khảo sát trực tuyến và tỷ lệ sai số là cộng hoặc trừ 2,1 điểm phần trăm.

LÃI SUẤT GIỮ NGUYÊN NHỜ LẠM PHÁT

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và các nhà đầu tư, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản trong lần thứ năm liên tiếp. Triển vọng đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu mờ mịt được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới quyết định mới nhất này.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 5,25% - 5,5%, vốn được duy trì từ tháng 7/2023 và là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này trong hơn 20 năm qua.

Tuyên bố sau cuộc họp, các quan chức FOMC nhấn mạnh tới sự thiếu tiến triển trong lộ trình giảm lạm phát, đồng thời khẳng định Fed không vội vàng tính tới kịch bản giảm lãi suất cho tới khi nhận thấy lạm phát đang hạ nhiệt một cách bền vững về ngưỡng mục tiêu 2%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nhiều lần tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ chủ trương giữ lãi suất cao cho đến khi lạm phát hạ nhiệt dần về mức 2%/năm, chứ không mạo hiểm vội vàng cắt giảm lãi suất. Fed đạt tiến bộ đáng kể trong nỗ lực giảm lạm phát từ mức cao kỷ lục trong 40 năm hồi năm 2022. Tuy nhiên, tiến trình này đã “giậm chân tại chỗ” trong năm nay khi lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao đáng báo động và thậm chí có nguy cơ đảo ngược, cùng với đó là giá các mặt hàng chủ chốt như nguyên liệu, xăng dầu đều tăng trong nửa cuối năm 2023.

Chỉ số Chi phí việc làm (ECI), một thước đo tình hình thị trường lao động quan trọng, tăng 4,2% trong quý I/2024 và cao hơn mức mong đợi để giảm lạm phát. Bên cạnh đó, giá nhà đất tại hầu hết các bang cũng tăng trong mấy tháng đầu năm và trở thành cú sốc đối với nỗ lực giảm lạm phát về dài hạn của Fed.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của FOMC, Chủ tịch Powell thừa nhận lạm phát năm nay cao hơn dự báo của Fed, lên tới 2,7% hồi tháng 3 vừa qua, một phần vì chi tiêu tiêu dùng tăng trong vài quý gần đây bất chấp lãi suất cao. Ông một lần nữa nhấn mạnh rủi ro từ cả hai kịch bản, theo đó duy trì lãi suất cao quá lâu có thể làm suy yếu nền kinh tế, nhưng nới lỏng quá vội vàng có thể khiến lạm phát tăng trở lại. Tâm lý thận trọng này phản ánh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách của Fed khi quyết định thêm một lần “án binh bất động” về lãi suất.

Chuyên gia Stephen Rich, Giám đốc điều hành Quỹ Mutual of America Capital, đánh giá: “Fed giữ nguyên lãi suất cho thấy ưu tiên và quyết tâm hạ nhiệt lạm phát, song việc trì hoãn cắt giảm lãi suất sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới ngân sách của người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp. Chi phí hàng hóa và dịch vụ hiện nay, như thực phẩm và khí đốt, đều cao hơn đáng kể so với trước đại dịch COVID-19 và điều này đang trực tiếp gây áp lực lên tài khoản ngân hàng của người dân Mỹ”.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Ernie Tedeschi, Giám đốc kinh tế tại Yale Budget Lab, nêu rõ lãi suất cao có thể không ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực dịch vụ nhưng sẽ là trở ngại đáng kể với những người đang có kế hoạch vay tiền mua nhà hay ô tô.

Viễn cảnh ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất xuống dưới ngưỡng 5,25% - 5,5% trong ngắn hạn cũng khá mờ mịt. Chủ tịch Powell đã từ chối trả lời câu hỏi liệu Fed có hiện thực hóa lộ trình giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 như từng đề cập hồi đầu năm hay không. Thay vào đó, người đứng đầu Fed khẳng định các quan chức FOMC muốn thấy tiến triển vững chắc trong nỗ lực kéo lạm phát về 2% trước khi quyết định nới lỏng dòng tiền. Theo ông Powell, khả năng Fed giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 tới là rất thấp.

Thống đốc Fed Michelle Bowman, người được đánh giá là tiếng nói cứng rắn nhất trong FOMC, thậm chí còn tuyên bố bà ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất nếu cuộc chiến chống lạm phát không có tiến triển hay bị đảo ngược.

Ông Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho rằng “kiên nhẫn và kiên nhẫn” dường như đang là khẩu hiệu của Fed trong bối cảnh nguy cơ không thể đạt mục tiêu giảm lạm phát một cách bền vững đang tăng lên mỗi tuần.

Giới quan sát và đầu tư tại Phố Wall cũng ít nhiều hụt hẫng sau quyết định của Fed, một bước đi khác xa với kỳ vọng hồi đầu năm rằng ngân hàng này sẽ thực hiện tới 6 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Theo công cụ FedWatch của CME, chỉ có 42,4% khả năng Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9 tới, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm, và đó sẽ là đợt giảm lãi suất duy nhất trong năm nay.

Song song với việc giữ nguyên lãi suất, sau cuộc họp chính sách lần này, Fed cũng có động thái được nhìn nhận là xoa dịu thị trường, khi tuyên bố giảm tốc độ thắt chặt định lượng (hay còn gọi là thu hẹp bảng cân đối kế toán). Theo đó, từ ngày 1/6 tới, mỗi tháng Fed chỉ để tối đa 25 tỷ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn mà không tái đầu tư, giảm từ mức từ 60 tỷ USD hiện nay. Fed vẫn giữ nguyên mức 25 tỷ USD đối với chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp. Bước đi này nhằm đảm bảo hệ thống tài chính của Mỹ không thiếu nguồn dự trữ, giảm nguy cơ căng thẳng và biến động thị trường như từng xảy ra vào năm 2019 khi Fed thắt chặt định lượng.

Dù vậy, việc Fed giảm tốc độ thắt chặt định lượng không đồng nghĩa đây là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ. Kết quả cuộc chiến chống lạm phát vẫn là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới kế hoạch giảm lãi suất của Fed. Chuyên gia Whitney Watson, đồng Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs Asset Management, cho biết “giới đầu tư kỳ vọng xu thế giảm lạm phát chỉ bị chậm lại, chứ không trật bánh và việc giảm dần thắt chặt định lượng chỉ giúp tăng khả năng thanh khoản trong hệ thống tài chính, chứ không phải là một sự thay đổi về đường lối của Fed”.

Nguồn: Vnexpress; Vietnamnet; Thanh Niên; VOA; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang