Tài xế taxi điện vỡ mộng; Mỹ phẩm TQ bùng nổ; Israel không kích Rafah; Nga dồn ép tây bắc Avdiivka; Hy vọng nào cho Gaza?

TÀI XẾ TAXI ĐIỆN VỠ MỘNG: CHẠY CẬT LỰC THU NHẬP KHÔNG BẰNG CÔNG NHÂN, NHIỀU NGƯỜI MUỐN BỎ

"Đây là công việc mệt nhọc nhất mà tôi từng làm. Tôi sẽ không bao giờ làm công việc này nữa" là lời than thở của một tài xế taxi điện thời nay.

Anh Yang Tian từng làm công nhân xây dựng và mới chuyển qua nghề tài xế taxi điện cho dịch vụ gọi xe (Ride Sharing) vào năm ngoái ở Thượng Hải.

Người đàn ông 31 tuổi này đã mơ mộng về một công việc thu nhập tốt ở chốn phồn hoa Thượng Hải khi cho rằng nhu cầu gọi xe đủ nhiều. Thế nhưng chỉ 1 tháng sau khi vào nghề, anh Yang đã phải đối mặt với thực tại của ngành.

Dù Yang làm việc cật lật suốt 14 tiếng mỗi ngày để đón và chở khách nhưng sau khi trừ các chi phí hoa hồng cho ứng dụng gọi xe, tiền trả góp mua xe điện, tiền sạc ắc quy...thì chỉ tiết kiệm được khoảng 3.500 Nhân dân tệ, tương đương hơn 12 triệu hay 480 USD/tháng. Mức thu nhập này chẳng khác gì nhiều so với công việc làm thợ xây dựng trước đây của anh Yang.

Đó là chưa kể đến việc người đàn ông này phải cạnh tranh với lượng lớn tài xế mới tham gia vào thị trường quá đông đúc này. Dù anh Yang rất muốn bỏ ngành nhưng vì đã lỡ đặt cọc 20.000 Nhân dân tệ cho công việc nên đành phải cố gắng cho đến khi hết hợp đồng.

"Đây là công việc mệt nhọc nhất mà tôi từng làm. Tôi sẽ không bao giờ làm công việc này nữa", anh Yang khẳng định.

Lớn nhất thế giới

Thị trường dịch vụ gọi xe tại Trung Quốc có tổng giá trị lên đến 63 tỷ USD và được đánh giá là lớn nhất thế giới. Chuyện này chẳng có gì lạ khi nhu cầu đi lại của 1,4 tỷ dân nơi đây là rất lớn.

Thế nhưng những tài xế như anh Yang lại đang phải vật lộn vì làm việc cật lực nhưng thu nhập chẳng đáng là bao trong khi cạnh tranh ngày càng lớn do quá nhiều người tham gia. Trớ trêu hơn, nhu cầu gọi xe của người dân lại đi xuống.

Số liệu chính thức cho thấy giấy phép tài xế cho dịch vụ gọi xe ở Trung Quốc đã tăng từ 3,95 triệu năm 2021 lên 6,57 triệu cuối năm 2023.

Thậm chí báo cáo của Cyanhill Capital cho thấy mỗi ngày có hơn 20.000 tài xế mới tham gia thị trường năm 2023, tương đương mức tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược lại, báo cáo của Trung tâm hệ thống thông tin Internet Trung Quốc (CINIC) cho thấy lượng người dùng ứng dụng dịch vụ gọi xe đã giảm 16 triệu trong năm 2022. Mặc dù số người dùng đăng ký mới các ứng dụng gọi xe tăng từ 453 triệu năm 2021 lên 528 triệu năm 2023 nhưng tốc độ tăng trưởng đã không còn như trước.

Tờ Sixth Tone đã có cuộc phỏng vấn với cánh tài xế dịch vụ gọi xe và ai cũng trong cảnh tương tự anh Yang khi cạnh tranh quá lớn khiến họ phải làm việc cật lực nhưng thu nhập lại chỉ đi xuống.

Không những vậy, các ứng dụng gọi xe thời nay còn gia tăng nhiều chính sách mới khiến cánh tài xế phải tuân thủ bằng cách làm việc dài hơn, hủy hoại sức khỏe lẫn tinh thần để tránh bị bồi thường hợp đồng cũng như có đủ mức thu nhập cơ bản.

Vỡ mộng

Với việc bình quân mỗi tài xế hiện chỉ còn nhận được chưa đến 10 đơn vận tải mỗi ngày, chính quyền địa phương nhiều nơi tại Trung Quốc như Jinan, Wenzhou, Dongguan, Shenzhen và Chongqing đã phải ra cảnh báo chính thức cho những lao động mới muốn tham gia ngành này về một thị trường đã bão hòa.

Một số khu vực như Sanya hay Changsha thậm chí đã ngừng cấp phép cho tài xế mới.

Tại Thượng Hải nơi anh Yang làm việc, tổng số taxi đang vận hành đã lên đến 110.000 chiếc tính đến tháng 6/2023, cao hơn rất nhiều so với mức dự báo 88.000 xe vào năm 2025 do chính phủ đề ra trước đó.

Trước tình hình này, Thượng hải đã tạm hoãn cấp bằng mới cho tài xế taxi vào tháng 7/2023 và yêu cầu những ứng dụng gọi xe như Didi phải sa thải 25.000 lao động chưa có giấy phép vào cuối tháng 9 nếu không muốn nhận án phạt.

Bất chấp điều đó, anh Yang cho biết thị trường vẫn đang quá tải tài xế khi người đàn ông này từng không kiếm nổi một hành khách nào trong nhiều giờ.

Ảnh chụp màn hình được phóng viên Sixth Tone chứng kiến cho thấy có đến 265 chiếc taxi đợi khách ở bến xe Hongqiao Bus Station nhưng chỉ có 63 hành khách gọi xe trong bán kính 5 phút lái. Một bức ảnh khác cho thấy có đến 868 taxi vây quanh Sân bay quốc tế Pudong nhưng chỉ có 39 hành khách gọi xe.

"Giờ đây nhận được đơn gọi xe của hành khách cứ như điều gì đó cực kỳ may mắn vậy", anh Yang ngán ngẩm.

Tháng 8/2023, anh Yang đã có bài học nhớ đời khi đợi 4 tiếng ở sân bay mà chẳng nhận được bất cứ đơn đặt xe nào để rồi phải ngậm ngùi mất 80 Nhân dân tệ phí đỗ, tương đương 1/5 thu nhập hàng ngày khi lái xe trống về nhà.

"Mật ít, ruồi nhiều", anh Han Sheng, một tài xế khác ở Thượng Hải tổng kết.

Anh Han cho biết thu nhập hàng ngày của mình đã giảm từ 900 Nhân dân tệ năm 2023 xuống chỉ còn 700 Nhân dân tệ hiện nay. Dù phải làm cật lực 14 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần nhưng thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 7.000 Nhân dân tệ.

Người đàn ông này từng kiếm đến 18.000 Nhân dân tệ/tháng nhưng phải trừ đi vô số chi phí, bao gồm 6.000 Nhân dân tệ trả góp chiếc xe điện, 1.500 Nhân dân tệ sạc ắc quy, 3.000 Nhân dân tệ ăn uống sinh hoạt...

Nếu cộng cả thêm chi phí bảo hiểm, phí cầu đường và những khoản tiền phát sinh khác thì anh Han hầu như chẳng tiết kiệm được bao nhiêu.

Chuyên gia Zhu Wei của Ủy ban về nền kinh tế chia sẻ tại Trung Quốc (SEWC) cho hay dòng vốn lớn đổ vào ngành dịch vụ gọi xe trước đây đã khiến nhiều lao động ảo tưởng sẽ làm giàu được nhờ làm tài xế taxi điện để rồi vỡ mộng.

Theo ông Zhu, nền kinh tế giảm tốc khiến người dân hạn chế chi tiêu những dịch vụ không thiết yếu như taxi điện. Thay vào đó họ chọn các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hay xe buýt để tiết kiệm tiền.

Dìm nhau đến chết

Không riêng gì số lượng tài xế mà các nền tảng gọi xe cũng đang tăng chóng mặt ở Trung Quốc. Năm 2019, nước này có khoảng 100 ứng dụng gọi xe thì hiện đã tăng lên đến 339 nền tảng.

Trong bối cảnh đó, các nền tảng đua nhau hạ giá ưu đãi để chiếm lĩnh thị phần với tỷ lệ chiết khấu lên đến 10-40% so với thông thường. Đây là chiêu trò không có gì lạ khi ngành xe điện cũng áp dụng tương tự để dìm đối thủ đến phá sản.

Chính điều này càng khiến cánh tài xế taxi điện ngày càng bất mãn khi cho rằng chúng ăn mòn thu nhập của họ.

Nguy hiểm hơn, trò "dìm giá" này sẽ khiến cánh tài xế lái nhanh hơn để cố gắng nhận nhiều đơn hàng hơn, qua đó gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Điều này đã khiến hàng loạt chính quyền địa phương ở Thượng Hải, Hefei và Shijiazhuang yêu cầu các nền tảng phải chấn chỉnh nếu không muốn bị phạt.

Bất chấp điều đó, cánh tài xế taxi, chủ yếu là xe điện do độ phổ biến ngày càng tăng của chúng, đang phải làm việc dài hơn để đủ chỉ tiêu thu nhập hàng ngày. Bình quân cánh tài xế này phải làm 12 tiếng/ngày, cao hơn tiêu chuẩn 8 tiếng của luật lao động, thậm chí nhiều người còn phải làm đến 18 tiếng/ngày.

Số liệu thống kê chính thức từ Quảng Châu cho thấy trung bình tài xế taxi lái 121,26 km trong nửa cuối năm 2021 và con số này tăng lên 129,5 km trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên thu nhập bình quân hàng ngày của họ lại giảm từ 419,42 Nhân dân tệ xuống còn 395,6 Nhân dân tệ trong cùng kỳ.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy cánh tài xế mắc rất nhiều bệnh như huyết áp, thoát vị đĩa đệm do ngồi nhiều, mệt mỏi và phụ thuộc vào trà, cà phê, thuốc lá để tỉnh táo.

"Nghề này coi chúng tôi như những cỗ máy vậy", tài xế Han than thở vì mệt mỏi.

MỸ PHẨM TRUNG QUỐC THỐNG LĨNH THÉ GIỚI, XUẤT KHẨU TĂNG 100%

Thành công của mảng TMĐT đã khiến ngành mỹ phẩm Trung Quốc bành trướng mạnh tại Đông Á và Đông Nam Á.

Ngành mỹ phẩm Trung Quốc đang trải qua thời kỳ hoàng kim chưa từng có trong lịch sử nhờ sự bùng nổ của hàng loạt nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như Tiktok Shop, Temu, Shein hay AliExpress.

Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu mỹ phẩm Trung Quốc sang Hàn Quốc đã tăng 190% trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt tổng kim ngạch 152 triệu USD, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, xuất khẩu mỹ phẩm Trung Quốc vào Nhật Bản cũng đạt hơn 121 triệu USD năm 2023, tăng 80% so với năm 2018.

Không dừng lại đó, những sản phẩm làm đẹp "Made in China" cũng xuất khẩu đến 489,6 triệu USD sang thị trường Đông Nam Á, tăng 38% so với năm 2022.

Báo cáo của Hải quan Trung Quốc cho thấy mỹ phẩm nước này đã xuất khẩu gần 7,6 tỷ USD tổng giá trị kim ngạch năm 2023, tăng 100% so với cách đây 10 năm và phá kỷ lục chưa từng thấy.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do sự bùng nổ của các nền tảng TMĐT tại Đông Nam Á và Đông Á.

Rẻ, đẹp, tiện lợi

Vào tháng 3/2024, những nền tảng như Temu và AliExpress đã thống trị số lượng tải xuống cho hệ điều hành smartphone iOS ở Hàn Quốc, qua đó cho thấy sức mạnh của các ứng dụng TMĐT từ Trung Quốc.

Số liệu của Business Korea cho thấy lượng người dùng Temu hàng tháng tại Hàn Quốc đã tăng gấp 7 lần chỉ trong 3 tháng. Trong khi đó thị phần của AliExpress tại Hàn Quốc cũng đã tăng lên đến 26,6% trong năm 2023.

Tại Đông Nam Á, hàng loạt những cái tên Trung Quốc như Shopee của Tencent, Lazada của Alibaba hay Tiktok Shop của ByteDance thống lĩnh thị trường.

Hậu đại dịch Covid-19, mảng mỹ phẩm đang dịch chuyển khá mạnh từ kinh doanh truyền thống sang online do khách hàng chỉ việc click là có thể mua được sản phẩm dễ dàng. Chính điều này đã tạo thêm cơ hội cho mỹ phẩm Trung Quốc vốn nổi tiếng với chuỗi logistic hiệu quả và các nền tảng TMĐT nổi tiếng.

Thậm chí sự bùng nổ này còn đang dần làm thay đổi về quan điểm thẩm mỹ, trang điểm ở nhiều nước khi phong cách Trung Quốc được đánh giá là thực tế, trưởng thành trong cuộc sống hơn là kiểu dễ thương của Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Một yếu tố quan trọng nữa làm nên tên tuổi cho mỹ phẩm Trung Quốc là giá rẻ, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu như đồ trang điểm. Trớ trêu thay, giá cả lại là nhược điểm của mỹ phẩm Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Tại Hàn Quốc, chi phí khả dụng hộ gia đình chỉ tăng 2% trong năm 2023 nhưng giá thực phẩm lại tăng đến hơn 6%. Tờ Yonhap cho hay chính vì chi phí sinh hoạt tăng cao, cuộc sống khó khăn hơn đã khiến mỹ phẩm giá rẻ Trung Quốc thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc.

Trên các trang TMĐT như Amazon, một hộp mascara nổi tiếng của L’Oreal có giá đến 10 USD nhưng trên AliExpress, sản phẩm bán chạy nhất chỉ có giá 1 USD và được sản xuất bởi O.Two.O, một thương hiệu mỹ phẩm đến từ Quảng Châu.

Nghiên cứu của hãng tư vấn TMĐT Meetsocial cho thấy xu hướng ưa chuộng mỹ phẩm giá rẻ Trung Quốc cũng đang bành trướng ở Đông Nam Á. Những dòng sản phẩm kẻ mắt chỉ có giá chưa đến 2 USD từ Trung Quốc đang là một trong những mặt hàng bán chạy nhất ở khu vực này, qua đó cho thấy tiềm năng của các thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc.

BẤT CHẤP TẤT CẢ, ISRAEL KHÔNG KÍCH RAFAH

Israel không kích vào thành phố Rafah, nam Gaza khiến ít nhất 16 người chết, vài giờ sau khi Hamas tấn công rocket khiến ba binh sĩ Israel thiệt mạng.

Cánh vũ trang của Hamas ngày 5/5 cho biết đã phóng rocket vào một căn cứ quân sự của Israel gần cửa khẩu Kerem Shalom dẫn vào Gaza, song không nói rõ phóng từ đâu.

Quân đội Israel khẳng định 10 quả đạn đã được phóng từ thành phố Rafah ở nam Gaza vào khu vực cửa khẩu, khiến ba binh sĩ nước này thiệt mạng. Cửa khẩu Kerem Shalom hiện đóng cửa đối với xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza, các cửa khẩu khác vẫn mở.

Israel sau đó không kích đáp trả vào Rafah, nhắm mục tiêu vào bệ phóng mà Hamas sử dụng để bắn rocket, cùng một "công trình quân sự" gần đó. "Vụ tập kích của Hamas từ vị trí gần cửa khẩu Rafah là ví dụ rõ ràng về việc họ lợi dụng có hệ thống các cơ sở và không gian nhân đạo, cũng như tiếp tục sử dụng dân thường Gaza làm lá chắn sống", quân đội Israel nói.

Truyền thông của Hamas dẫn nguồn tin thân cận với lực lượng này cho biết các tuyến đường vận chuyển hàng hóa cứu trợ không phải mục tiêu tấn công.

Lực lượng ứng phó và các nguồn tin y tế ở Gaza cho biết đòn tấn công của Israel khiến ít nhất 16 người thuộc hai gia đình, trong đó có trẻ em, thiệt mạng.

Hơn một triệu người Palestine đang ẩn náu ở Rafah, gần biên giới với Ai Cập, đồng thời là thành trì cuối cùng của Hamas ở Dải Gaza. Hamas phủ nhận việc sử dụng dân thường làm lá chắn sống.

Israel nhiều lần tuyên bố sẽ đưa quân vào Rafah để "xóa sổ Hamas tận gốc". Tuy nhiên, Tel Aviv đang phải đối mặt áp lực quốc tế ngày càng tăng do chiến dịch tấn công Rafah có thể phá hoại nỗ lực nhân đạo mong manh ở Gaza và gây nguy hiểm tính mạng nhiều người.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 3/5 cảnh báo chiến dịch toàn diện nhằm vào Rafah có thể dẫn tới "bể máu" và làm suy yếu hơn nữa hệ thống y tế vốn đổ vỡ tại đây. WHO cũng cho rằng việc Israel tấn công Rafah sẽ làm gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong và dịch bệnh.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đầu tháng này tái khẳng định quan điểm của Washington là không ủng hộ Tel Aviv tấn công Rafah, đồng thời kêu gọi Israel tăng cường nỗ lực khơi thông dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Theo cơ quan y tế ở Gaza, hơn 34.683 người Palestine đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và hơn 77.000 người bị thương từ khi Israel mở chiến dịch đáp trả Hamas.

NGA TẬN DỤNG LỢI THẾ, DỒN ÉP Ở TÂY BẮC AVDIIVKA, MỤC TIÊU CỤ THỂ LÀ GÌ?

Theo ISW, quân Nga đã tận dụng lợi thế chiến thuật ở phía tây bắc Avdiivka khi tiếp tục tấn công nhưng chưa rõ mục tiêu cuối cùng của họ ở mặt trận này là gì.

Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, trong đêm 3-4/5, lực lượng Nga đã có bước tiến chiến thuật đáng chú ý về phía tây bắc Avdiivka thuộc khu vực Arkhangelske.

Các chuyên gia suy đoán rằng, trước sức ép nghẹt thở của đối phương, quân đội Ukraine có thể đã quyết định rút lui để giữ gìn binh lực trong khi chờ đợi viện trợ quy mô lớn của Mỹ tới mặt trận trong những tuần tới, một giải pháp phù hợp do nguồn lực hạn chế và có nguy cơ bị tấn công từ bên sườn.

Tuy nhiên, ISW tiếp tục đánh giá rằng Moscow có thể đang cố gắng tận dụng khoảng thời gian có hạn trước khi hỗ trợ quân sự của phương Tây thực sự đến được mặt trận bằng cách tăng cường các hoạt động tấn công và lực lượng Nga có thể thực hiện các động thái chiến thuật tiếp theo theo hướng này trong tương lai gần.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, mặc dù quân đội Nga dường như đã tận dụng được tình hình chiến thuật có lợi ở phía tây bắc Avdiivka, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng của họ trên khu vực mặt trận này vẫn chưa rõ ràng.

Bộ chỉ huy Moscow quyết định khai thác khu vực mà họ có khả năng đạt được lợi thế chiến thuật trong tương lai gần, dù vậy, không rõ liệu họ sẽ tiếp tục di chuyển về phía bắc tới Toretsk hay quay lại trọng tâm trước đây ở Pokrovsk nằm về phía tây bắc.

Báo cáo cho biết: "Các lực lượng Nga đã triển khai một lực lượng có quy mô cấp sư đoàn (chủ yếu là 4 lữ đoàn từ Quân khu Trung tâm) đến tiền tuyến phía tây bắc Avdiivka và được cho là đang tiếp tục triển khai thêm lực lượng trong khu vực".

Thông tin từ thực địa tại mặt trận Avdiivka tính đến ngày 4/5 ghi nhận những thành công của Nga trong khu định cư Novoaleksandrovka. Binh sĩ Moscow đã tiến vào vùng ngoại ô phía đông và đang phát triển thành công về phía trung tâm làng.

Đồng thời, họ đã thành công khi phát triển từ khu định cư Solovyevo theo hướng Sokol. Lực lượng Nga đã ở ngay vùng ngoại ô phía đông. Các nhóm xung kích tiên phong bắt đầu tiến vào làng. Cuộc tiến công đến Netailovo cũng tiếp tục theo hướng ngoại ô phía tây của ngôi làng.

Ngoài ra, các biện pháp ổn định đang được thực hiện ở Arkhangelsk và xung quanh sau khi Nga giành quyền kiểm soát khu định cư này.

Bên cạnh đó, một thông tin đáng chú ý là các báo cáo về việc Nga đưa vào danh sách truy nã đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine, Trung tướng Alexander Pavlyuk và cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Các nhà phân tích cho rằng động thái của Điện Kremlin là một phần trong chiến dịch thông tin "Maidan 3" của Nga và những nỗ lực rộng lớn hơn nhằm làm mất uy tín của các quan chức Kiev thân phương Tây trong chính phủ hiện tại và trước đây, để cô lập Ukraine về mặt ngoại giao.

Những nhận định đáng chú ý trong báo cáo ngày 4/5 của ISW:

Thứ nhất, quân đội Nga đã thực hiện một cuộc tiến công chiến thuật và giành thắng lợi đáng kể ở phía tây bắc Avdiivka trong khu vực Arkhangelske vào đêm ngày 3-4/5.

Thứ hai, gần đây, quân đội Nga đã tiến gần Avdiivka và Donetsk, cũng như ở khu vực biên giới của vùng Donetsk và Zaporizhia.

Thứ ba, Điện Kremlin tiếp tục chiến dịch tập trung quyền kiểm soát các lực lượng không chính quy của cái gọi là "Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng".

LIỆU CÓ HY VỌNG ĐÀM PHÁN CHO GAZA TỪ CAIRO?

Vòng đàm phán mới nhằm đi đến thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã được khởi động tại thủ đô Cairo của Ai Cập, nhưng cả Hamas và Israel đều phát đi tín hiệu cho thấy không bên nào sẵn sàng nhượng bộ.

Cuộc thương thuyết mới nhất mở màn tại Cairo hôm 4.5 và tiếp tục diễn ra trong ngày 5.5. Các nhà đàm phán của Ai Cập, Qatar, Mỹ đã gặp phái đoàn Hamas, trong khi Israel không cử đại diện đến. Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns được cho là đã tham gia đàm phán.

Bế tắc tiếp diễn

Cả Hamas và Israel đều cáo buộc đối phương là nguyên nhân khiến các nỗ lực đàm phán đến nay chưa đạt kết quả. Cuối ngày 4.5, một quan chức cấp cao giấu tên của Hamas khẳng định họ sẽ "không đồng ý trong bất kỳ trường hợp nào" nếu thỏa thuận ngừng bắn không quy định rõ ràng về việc chấm dứt chiến sự một cách triệt để, bao gồm việc Israel rút quân khỏi Gaza, theo AFP.

Trước đó, một quan chức hàng đầu của Israel chỉ trích Hamas cản trở khả năng đạt được thỏa thuận khi không từ bỏ các yêu cầu liên quan việc chấm dứt xung đột. Quan chức này tiết lộ với AFP rằng Israel vẫn chưa đồng ý đảm bảo chiến sự sẽ kết thúc theo bất cứ cách nào và sẽ chỉ cử phái đoàn tham dự đàm phán nếu có chuyển động tích cực trong khuôn khổ được đề xuất.

Giám đốc CIA từng tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn trước đây và Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng lần này có thể có tiến triển. Người phát ngôn cấp cao của Hamas là Osama Hamdan hôm 4.5 cho hay họ cần có sự đảm bảo từ Washington rằng Israel sẽ không tiến hành tấn công trên bộ ở Rafah trong bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào, theo Al Jazeera. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố quân đội Israel vẫn sẽ tiến vào Rafah dù có đạt được thỏa thuận hay không.

Biểu tình lan rộng

Nỗ lực đàm phán tại Ai Cập diễn ra giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối chiến sự ở Gaza ngày càng lan rộng. Mới nhất, sinh viên tại các trường đại học ở Ireland và Thụy Sĩ đã chiếm cứ khuôn viên để kêu gọi nhà trường chấm dứt hợp tác học thuật với Israel cũng như thoái vốn khỏi các công ty có liên hệ với nước này, theo Reuters. Làn sóng phản chiến lan từ Mỹ, nơi sinh viên của ít nhất 40 trường đại học đã dựng lều tọa kháng trong khuôn viên trường kể từ ngày 17.4. Truyền thông Mỹ cho hay cảnh sát đến nay đã bắt giữ gần 2.000 người biểu tình trên toàn quốc.

Phong trào biểu tình ủng hộ Palestine cũng diễn ra tại các trường đại học ở Canada, Đức, Mexico, Pháp và Úc. Theo AFP, cảnh sát đã cưỡng chế giải tán lều trại của sinh viên biểu tình tại Đại học Sciences Po danh giá ở Paris hôm 3.5, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng chỉ trích phong trào. Tại Đức, cảnh sát đã can thiệp để bắt người biểu tình phải rời khỏi khuôn viên Đại học Humboldt ở trung tâm Berlin.

Nguồn: Soha; CafeF; Vnexpress; Dân Trí; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang