Mỹ: Bi quan về kinh tế; Nỗi bất an về Boeing; Thẩm phán dọa bỏ tù Trump; Chật vật 'thoát' đất hiếm TQ; Kế hoạch lớn với trở ngại lớn

NGƯỜI MỸ BI QUAN VỀ KINH TẾ, VÌ SAO?

Dữ liệu thống kê cho thấy kinh tế Mỹ đang tốt, nhưng các nghiên cứu xã hội học cho rằng người dân Mỹ đang lo ngại nhiều hơn về những vấn đề vĩ mô.

Kinh tế Mỹ đang tốt hay bất ổn? Ngay chính trong nước Mỹ đã xảy ra tranh luận kịch liệt theo hai chiều hướng khác nhau, bất chấp số liệu thống kê đang đứng về phía Tổng thống Joe Biden.

Đương kim Tổng thống Mỹ nói “kinh tế Mỹ đang xuất sắc”; còn phía đối lập, ông D. Trump nói “nó như cái bể chứa”. Còn số liệu thống kê cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,5% vào năm ngoái, vượt xa các nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý 1/2024 của Mỹ lại giảm xuống chỉ còn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody khẳng định: “Nền kinh tế Mỹ đang dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Nó đang thúc đẩy đoàn tàu kinh tế toàn cầu”. Ông nói: “nếu sử dụng phương pháp tính lạm phát tương tự như Liên minh Châu Âu, FED đã đạt mục tiêu, lạm phát đã ở mức dưới 2%”.

Tuy nhiên trên thực tế, lạm phát của Mỹ đang có xu hướng tăng. CPI tháng 3/2024 của Mỹ tăng 0,4% so tháng trước đó, đứng ở mức 3,5%. Cả hai mức này đều cao hơn so dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%.

Trong khi đó, thị trường lao động của Mỹ lại có xu hướng tiêu cực hơn do lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian kéo dài. Trong tháng 4/2024, nền kinh tế Mỹ tạo ra được 175.00 việc làm. Con số này đã được điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ và thấp hơn mức 300.000 việc làm mới tạo ra trong tháng 3 và thấp hơn mức dự báo là 240.000 việc làm. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2024 cũng tăng lên mức 3,9%.

Mặc dù tăng trưởng tiền lương đã vượt xa lạm phát trong vài năm qua nhưng nó vẫn không tương xứng với năng suất. Theo dữ liệu từ EPI, từ năm 1979 đến năm 2020, năng suất ở Mỹ tăng gần 62% nhưng tiền lương chỉ tăng khoảng 23%. Moore giải thích: “Tăng trưởng tiền lương không phù hợp với năng suất trong 40 năm do phong trào lao động suy giảm kể từ những năm 1980”.

Bất bình đẳng thu nhập có nguồn gốc từ chủng tộc, da màu cũng đã được thống kê. Theo dữ liệu từ EPI, từ năm 1979 đến năm 2020, công nhân da trắng có mức tăng lương 30,1%, trong khi công nhân da đen và Tây Ban Nha chỉ kiếm được thêm lần lượt 18,9% và 16,7%.

Thực tế trên đang khiến nhiều chuyên gia quan ngại kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng đình lạm, có nghĩa tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi lạm phát tăng nóng trở lại.

Dù kinh tế Mỹ đã và đang tăng trưởng chậm lại, nhưng gần như đã thoát khỏi suy thoái nhờ một số “chi tiêu thông minh”. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa giải quyết được những vấn đề dai dẳng. Moore nói: “Nền kinh tế hiện tại không bị bệnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không có những bệnh mãn tính cần được điều trị”.

Nhiều người dân Mỹ vẫn “chi trả” cho lạm phát, ví dụ giá rau đông lạnh tăng 6,1% và đường tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sa thải lao động tại nhiều công ty lớn như Google, Alphabet, Amazon, Microsof, Citygroup, eBay…đã không được nhắc đến trong các buổi hùng biện tranh cử của ông Biden.

Microsoft sẽ sa thải 1.900 nhân viên khỏi bộ phận trò chơi của mình và Citigroup sẽ sa thải 20.000 nhân viên trong vòng hai năm tới. Google đã cắt giảm hàng trăm việc làm từ nhóm kỹ thuật trung tâm và phần cứng của mình. eBay tuyên bố sẽ loại bỏ 9% lực lượng lao động trong năm nay.

Tất cả những yếu tố nói trên đã và đang khiến nhiều người dân Mỹ bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ trong tương lai.

HOÀI NGHI LIÊN TIẾP VỚI BOEING SAU CÁI CHẾT CỦA 2 NGƯỜI TỐ CÁO

Nhiều hoài nghi đang được đặt ra sau cái chết liên tiếp gần đây của hai người từng lên tiếng tố giác sai phạm liên quan đến hãng chế tạo máy bay Boeing.

Mạng xã hội Mỹ đang xôn xao sau cái chết bất ngờ của Joshua Dean, người từng công khai tố giác vấn đề kiểm soát chất lượng tại Spirit AeroSystems, nhà thầu phụ quan trọng trong cung cấp linh kiện cho quá trình sản xuất máy bay 737 MAX của Boeing.

Dean, 45 tuổi, từng là nhân viên kiểm soát chất lượng của Spirit AeroSystems và báo cáo nhiều sai sót nghiêm trọng trong quá trình lắp ráp khung thân máy bay Boeing 737 MAX. Ông bị sa thải vào tháng 4/2023, sau khi các lỗi này được công bố và khiến đơn giao hàng của Boeing bị trì hoãn.

Khi các cổ đông của Spirit AeroSystems đệ đơn kiện công ty vào tháng 12/2023, cáo buộc họ không công bố những vấn đề "nghiêm trọng và dai dẳng" về chất lượng sản phẩm với các nhà đầu tư, Dean đã cung cấp lời khai trước tòa, dù không phải là nguyên đơn.

Người đàn ông mê thể thao, có sức khỏe tốt và lối sống lành mạnh này gần đây bị mắc cúm B, nhưng sau đó tình trạng bệnh bất ngờ diễn tiến nặng vào hai tuần trước, khiến ông bị viêm phổi và phải nhập viện.

Dean được chuyển viện bằng trực thăng từ Wichita sang Oklahoma và được can thiệp ECMO (tim - phổi nhân tạo), gây mê sâu và chạy máy lọc thận. Trong những ngày cuối cùng, các bác sĩ còn cân nhắc phương án phẫu thuật cắt cả hai tay và chân của bệnh nhân, song Dean đã không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng hôm 2/5.

Cái chết của Dean gây nhiều chú ý, bởi nó xảy ra chưa đầy hai tháng sau khi John Barnett, người quản lý chất lượng sản xuất máy bay 787 của Boeing, được phát hiện chết trong xe tải.

Barnett cũng từng tố giác Boeing và đang là nhân chứng trong một vụ kiện cáo buộc tập đoàn này mắc nhiều sai phạm về an toàn hàng không. Cảnh sát địa phương nhận định sơ bộ Barnett "chết vì vết thương do tự bắn", song chưa kết luận đó là vụ tự sát và đang tiếp tục điều tra.

Virginia Green, mẹ của Dean, cũng đã yêu cầu sở cảnh sát Charleston, bang Nam Carolina, vào cuộc điều tra, khám nghiệm pháp y để tìm hiểu nguyên nhân con trai mình tử vong.

"Chúng tôi biết nó mắc nhiều loại virus, nhưng không rõ nó ốm thật sự, hay có ai đó đã làm gì với nó", bà Green nói, thêm rằng kết quả khám nghiệm nhiều khả năng sẽ được công bố trong vài tháng tới.

Giới chức Mỹ chưa bình luận, song sau hai cái chết liên tiếp và có nhiều điểm trùng hợp của Barnett và Dean, một số người dùng mạng xã hội Mỹ đã đặt câu hỏi châm biếm về điều gì nguy hiểm hơn: Trở thành người tố cáo Boeing, hay bay trên một chiếc 737 MAX?

Trên thực tế, Dean và Barnett chỉ là hai trong rất nhiều "người thổi còi", những người nêu lên sai phạm của nhà sản xuất máy bay này và phản đối tuyên bố của Boeing rằng họ thực sự đặt sự an toàn lên hàng đầu.

Hiện có khoảng 10 người khác đã đứng ra tố cáo các sai phạm của Boeing. Brian Knowles, luật sư đại diện cho cả Barnett và Dean, bày tỏ hy vọng cái chết của họ sẽ không vô nghĩa. "Tất cả những người như họ đều là người hùng. Họ yêu mến công ty và muốn giúp công ty làm tốt hơn", Knowles nói. "Họ không lên tiếng vì hám danh hay tức giận. Họ tố cáo vì tính mạng của nhiều người sử dụng máy bay đang bị đe dọa".

Luật sư Knowles từ chối suy đoán về các giả thuyết liên quan đến cái chết của hai người, song nhấn mạnh ông quen biết Barnett trong 7 năm và "chưa từng thấy dấu hiệu nào chứng tỏ ông ấy sẽ tự sát".

Hai thập kỷ trước, Taylor Smith, 63 tuổi, là một trong ba nhân viên Boeing đã kiện công ty. Bộ ba này có tài liệu cho thấy một nhà cung cấp chính đang sử dụng các bộ phận bị lỗi để chế tạo máy bay 737 NG, mẫu tiền nhiệm của 737 MAX.

Vụ kiện diễn ra tại cùng một nhà máy ở Wichita, Kansas, nơi Joshua Dean nhiều năm sau đó đã đưa ra những cáo buộc tương tự về các bộ phận không đạt tiêu chuẩn được sử dụng trên 737 MAX.

Smith hôm 1/5 nhận được một tin nhắn từ chồng cũ nói về cái chết của Dean, ám chỉ rằng có điều mờ ám trong sự việc. "Đó có thể đã là em", chồng cũ của Smith cảnh báo.

"Tôi cảm ơn Chúa mỗi ngày vì những chuyện như vậy không xảy ra với mình", bà trả lời, dường như đồng tình với nhận định đó.

William Skepnek, luật sư từng đại diện cho Smith, cùng hai đồng nghiệp Jeannine Prewitt và James Ailes, không ngạc nhiên khi nhiều người liên tưởng về cái chết của Dean và Barnett với việc họ tố giác Boeing.

"Tôi không thể không tin rằng tất cả những người đã làm việc với Boeing hoặc từng công tác tại Boeing nắm được một số bí mật nào đó cùng đi đến kết luận như vậy", ông nói.

Điều gây hoài nghi về cái chết của Dean là người đàn ông khỏe mạnh và tương đối trẻ này phát bệnh một cách bất ngờ. Trong thời gian làm việc tại Boeing, Smith và Prewitt từng phàn nàn về những căn bệnh bí ẩn, trong đó có cả việc họ tiếp xúc với nấm mốc độc hại.

Theo Prewitt, một nhóm từ Boeing đã tiến hành thẩm định công ty cung cấp các bộ phận bị lỗi cho tập đoàn và chủ tịch công ty này từng đe dọa dùng bạo lực đối với nhóm chuyên gia Boeing.

"Đó là một dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng, khi một nhà cung cấp linh kiện có thể tự tin đến mức dám nói thẳng mặt vào nhóm 14 chuyên gia của Boeing rằng họ sắp bị bắn", Prewitt kể với nhà làm phim tài liệu Tim Tate hồi năm 2010.

Nhiều năm sau, những người tố cáo khác cũng đưa ra những thông tin tương tự về vấn đề đe dọa sử dụng bạo lực. Tại phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ hồi giữa tháng 4, Sam Salehpour, người làm việc tại nhà máy Dreamliner của Boeing ở Nam Carolina, cho hay ông đã nêu ra vấn đề an toàn trong một cuộc họp tại nhà máy và nhận được lời đe dọa rằng "tôi sẽ giết bất cứ ai thốt ra những gì ông vừa nói nếu nó đến từ những nhóm khác".

Những tuyên bố kiểu này làm dấy lên cảm giác bất an khi làm việc tại Boeing, điều mà luật sư của Smith cho rằng "có cơ sở".

"Tôi không tin những gì Boeing nói", Skepnek cho biết. "Tôi đã thấy họ nói dối. Họ nói dối về dòng 737 NG và bây giờ rõ ràng là họ đang nói dối về dòng MAX. Tôi nghĩ họ là công ty đã khiến hàng trăm người thiệt mạng trong các sự cố liên quan đến an toàn hàng không".

Khi được hỏi về suy đoán trong công chúng rằng những cái chết của người tố cáo có liên quan đến việc họ chỉ trích Boeing, người phát ngôn Jessica Kowal của tập đoàn từ chối bình luận. Spirit AeroSystems, nơi Dean làm việc, cũng không đưa ra phản hồi.

Nhóm luật sư đại diện cho Dean và Barnett đang kêu gọi điều tra thấu đáo cái chết của hai người.

"Thật là một bi kịch khi người tố giác lại chết trong hoàn cảnh kỳ lạ như vậy", Robert Turkewitz, một luật sư khác đại diện cho Dean và Barnett, nói. "Đây nên là mối quan tâm của tất cả mọi người".

Turkewitz và đồng nghiệp Knowles hôm 3/5 đã họp với các quan chức ở Charleston, Nam Carolina, để tìm kiếm thông tin chi tiết về cái chết của Barnett.

"Chúng tôi yêu cầu họ cung cấp mọi thứ. Video và kết quả xét nghiệm, khám nghiệm tử thi, pháp y. Chúng tôi yêu cầu họ chiếu đoạn video tại khách sạn và video camera gắn trên người cảnh sát", Turkewitz nói. "Chúng tôi muốn đảm bảo họ đã thực hiện một cuộc điều tra trung thực".

Ông lưu ý thêm rằng một điều tra kỹ lưỡng tương tự là cần thiết đối với cái chết của Dean, bởi mọi sự mơ hồ trong thời gian dài đều có thể ngăn những người nắm giữ thông tin quan trọng lên tiếng.

"Điều chúng tôi không muốn là việc những người tố cáo bị đe dọa", Knowles nói. "Họ đóng vai trò quan trọng đối với an toàn của xã hội".

Theo giới chuyên gia, dù cái chết của Dean và Barnett là ngẫu nhiên hay nằm trong một âm mưu, vòng xoáy suy đoán chắc chắn sẽ trở thành chướng ngại vật ngăn những người tố giác tiếp theo lên tiếng.

"Trở thành người tố cáo cũng giống như đi trên kính vỡ vì nếu bạn đi sai một bước, bạn sẽ bị thương", Prewitt nói, đề cập đến hai thập kỷ bà lên tiếng về những mối nguy hiểm trên máy bay 737 NG. "Bạn sẽ bị thủy tinh cắt vào thịt và phải cố tìm ra con đường vượt qua nó để sống sót".

THẨM PHÁN MUỐN ÁP DỤNG ÁN TÙ VỚI TRUMP VÌ VI PHẠM LỆNH KHÓA MIỆNG

Thẩm phán trong phiên tòa hình sự xét xử vụ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chi tiền bịt miệng hôm 6/5 đã phạt ông 1.000 đô la và buộc ông tội khinh miệt tòa án lần thứ 10 vì vi phạm lệnh khóa miệng và cảnh báo nếu tiếp tục tái phạm thì ông sẽ phải ngồi tù.

Thẩm phán Juan Merchan cho biết chín lần phạt tiền, mỗi lần 1.000 đô la, mà ông đã phán quyết trước đó dường như không thể ngăn ông Trump vi phạm lệnh khóa miệng, vốn không cho phép ông phát biểu công khai về các bồi thẩm viên và nhân chứng trong phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu tổng thống Mỹ.

“Tôi không muốn áp dụng án tù và đã làm mọi thứ có thể để tránh điều đó. Nhưng tôi sẽ làm nếu cần thiết,” ông Merchan phát biểu khi bắt đầu ngày xét xử thứ 12 trước khi bồi thẩm đoàn bước vào.

Bỏ tù sẽ là bước đi chưa từng có trong phiên tòa lịch sử này vốn bắt nguồn từ khoản tiền chi trả cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels để đổi lấy sự im lặng của bà trong những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016.

Sau phán quyết của thẩm phán Merchan, bồi thẩm đoàn đã nghe lời khai từ các cựu nhân viên từng làm cho ông Trump. Những lời khai này củng cố cáo trạng của các công tố viên rằng ông Trump đã làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy khoản tiền bịt miệng.

Khi tuyên án phạt, thẩm phán Merchan cho biết ông việc bỏ tù ông Trump ‘thực sự là phương sách cuối cùng’ vì nó sẽ làm gián đoạn phiên tòa, đặt ra những thách thức an ninh và làm phức tạp cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Nhưng ông nói rằng những vi phạm lệnh khóa miệng ‘tiên tục, cố tình’ của ông Trump là ‘hành vi tấn công trực tiếp vào nền pháp trị’.

Ông Merchan hôm 6/5 đã áp đặt án phạt 1.000 đô la thứ 10 cho một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 22/4 mà khi đó cựu tổng thống nói “bồi thẩm đoàn đó được chọn lựa quá nhanh - 95% là thành viên Dân chủ. Khu vực này hầu hết đều là người của đảng Dân chủ”.

Lệnh khóa miệng của tòa nhằm ngăn ông Trump có những phát ngôn về bồi thẩm đoàn, nhân chứng và người thân của thẩm phán cũng như của công tố viên nếu những phát ngôn đó là nhằm để can thiệp vào vụ án.

Vi phạm lệnh khóa miệng có thể bị phạt tiền lên đến 1.000 đô la hoặc bị phạt tù lên đến 30 ngày.

Tuần trước, thẩm phán Merchan đã phạt Trump 9.000 đô la vì 9 bài đăng trên mạng xã hội mà ông cho là đã vi phạm lệnh khóa miệng.

Ông Trump đã thường xuyên phàn nàn rằng lệnh khóa miệng hạn chế việc ông có thể giải thích với cử tri trong nỗ lực giành lại Nhà Trắng.

“Ông ấy đã tước đi quyền tự do ngôn luận của tôi theo hiến pháp,” ông Trump nói với các phóng viên ngoài phòng xử án.

MỸ CHẬT VẬT TÌM CÁCH THOÁT NAM CHÂM ĐẤT HIẾM CỦA TRUNG QUỐC

Sau ba thập kỷ phi công nghiệp hóa hậu Chiến tranh Lạnh, việc xây dựng lại ngành này – chống lại ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc – là một cuộc chiến khó khăn, ngay cả khi có sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ.

Ngành sản xuất vũ khí của Mỹ phụ thuộc vào những miếng kim loại rất nhỏ, một số chỉ bằng đồng xu, đó là nam châm đất hiếm. Nam châm đất hiếm cần thiết cho máy bay chiến đấu F-35, hệ thống dẫn đường cho tên lửa, phương tiện bay không người lái và cả tàu ngầm hạt nhân, theo tờ Wall Street Journal ngày 5/5.

Vấn đề đang đặt ra với Mỹ là: Trung Quốc sản xuất hầu hết nam châm đất hiếm trên thế giới, với 92% thị phần toàn cầu.

Giờ đây, Washington đang chi hàng trăm triệu USD và hỗ trợ thuế để vực dậy ngành sản xuất nam châm đất hiếm ở Mỹ. Một đạo luật của Mỹ năm 2018 đã hạn chế việc sử dụng nam châm sản xuất tại Trung Quốc trong thiết bị quân sự của Mỹ, thu hẹp danh sách các nhà cung cấp tiềm năng xuống còn một số ít ở Nhật Bản và phương Tây. Đến năm 2027, các hạn chế sẽ mở rộng tới nam châm được sản xuất ở bất kỳ đâu có chứa nguyên liệu được khai thác hoặc chế biến tại Trung Quốc, chiếm gần như toàn bộ nguồn cung toàn cầu hiện nay.

Trên thực tế, sau ba thập kỷ phi công nghiệp hóa hậu Chiến tranh Lạnh, việc xây dựng lại ngành này – chống lại ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc – là một cuộc chiến khó khăn, ngay cả khi có sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ. Chỉ có một công ty ở Mỹ sản xuất loại nam châm đất hiếm.

Anthony Di Stasio, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, cho biết: “Chúng tôi sẽ không thể chỉ cần phát động là đạt được điều mình muốn". Văn phòng do ông Stasio đứng đầu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đang đi sâu vào chuỗi cung ứng để đầu tư vào các bộ phận giúp quân đội nước này hoạt động hiệu quả, phần lớn những gì họ đầu tư vào là chế biến khoáng sản và sản xuất nam châm đất hiếm.

Bộ Quốc phòng Mỹ trong vài năm qua đã cam kết đầu tưhơn 450 triệu USD cho đất hiếm và nam châm đất hiếm. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đang đưa ra các biện pháp khuyến khích riêng vì nam châm trên cũng rất quan trọng đối với xe điện.

Khoản tài trợ trên đang giúp một nhà sản xuất nam châm của Đức thành lập nhà máy đầu tiên ở Bắc Mỹ, được khởi công vào tháng 3 năm nay, hai thập kỷ sau khi nhà máy cuối cùng ở Mỹ đóng cửa. Cơ sở ở Sumter, Nam Carolina này sẽ mua đất hiếm tại địa phương. Những nguồn cung đó có thể đến từ các dự án khác đang nhận được tài trợ của Chính phủ Mỹ, chẳng hạn như các nhà máy chế biến sắp xây dựng ở California và Texas, lần lượt thuộc sở hữu của các công ty khai thác Mỹ và Australia.

Nhưng rào cản lớn nhất của họ là giá mặt hàng này từ Trung Quốc thấp. Một cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ vào năm 2022 cho thấy vị thế thống trị của Trung Quốc đã cho phép nước này định giá đủ thấp để khiến hoạt động sản xuất "không bền vững" đối với các đối thủ cạnh tranh.

Ở phương Tây, các mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm phải đối mặt với nhiều quy định hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng còn lại một số ít chuyên gia trong lĩnh vực này, đòi hỏi những giải pháp tốn kém như tuyển dụng nhân sự nước ngoài, đưa người Mỹ ra nước ngoài đào tạo và đầu tư vào tự động hóa.

Moshe Schwartz, thành viên cấp cao về chính sách mua sắm tại Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia Mỹ, cho biết việc thúc đẩy các nhà thầu quốc phòng mua nam châm đắt tiền hơn được sản xuất tại Mỹ sẽ làm tăng chi phí và có tác động dây chuyền, có khả năng ảnh hưởng đến số lượng hệ thống phòng thủ như tàu ngầm và máy bay chiến đấu mà Bộ Quốc phòng Mỹ có thể mua.

Các khoản đầu tư mới

Các nhà khoa học Mỹ đi đầu trong nghiên cứu nam châm đất hiếm vào những năm 1960. Vào cuối những năm 1980, Mỹ là một trong những nước sản xuất đất hiếm hàng đầu, chỉ đứng sau Nhật Bản. Các khoáng chất này được khai thác và chế biến ở California và được sản xuất thành nam châm ở vùng Trung Tây nước Mỹ và bán cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử và quốc phòng.

Kể từ đó, Trung Quốc đã bước vào cuộc cạnh tranh. Sự bùng nổ khai thác đất hiếm của Trung Quốc cùng với chi phí lao động châu Á thấp hơn đã làm xói mòn lợi thế của Mỹ. Gần đây hơn, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng giai đoạn đại dịch COVID-19 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với Mỹ. Nguồn tài trợ trong thời kỳ đại dịch đã cho phép chính phủ Mỹ hỗ trợ Noveon Magnets có trụ sở tại Texas, một công ty khởi nghiệp đã bắt đầu sản xuất nam châm đất hiếm quy mô nhỏ vào năm 2018. Công ty đã nhận được khoảng 29 triệu USD để thúc đẩy sản xuất tại cơ sở ở San Marcos, Texas.

Nam châm đất hiếm chế tạo ở đó được sử dụng trong tên lửa hành trình, hệ thống phòng thủ tên lửa và máy bay trực thăng.

Khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc gia tăng, Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2020 đến năm 2022 đã công bố tài trợ 45 triệu USD cho MP Materials - công ty khai thác đất hiếm của Mỹ - để thiết lập các cơ sở chế biến loại khoáng sản này ở Mỹ. Cơ sở đầu tiên như vậy đã đi vào hoạt động vào năm ngoái. Công ty có kế hoạch bắt đầu sản xuất nam châm đất hiếm ở Texas vào năm tới.

Khoảng 250 triệu USD cũng được chuyển tới Lynas Rare Earths của Australia để xây dựng khu phức hợp xử lý đất hiếm ở Seadrift, Texas. Năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã công bố gần 100 triệu USD cho công ty VAC của Đức để xây dựng cơ sở sản xuất nam châm đất hiếm ở Nam Carolina.

VAC đã tồn tại trong nhiều thập kỷ với tư cách là một trong số ít nhà sản xuất nam châm đất hiếm ở phương Tây và hiện có kế hoạch sản xuất hàng loạt nam châm tại cơ sở ở Mỹ. Họ đã cử công nhân Mỹ sang Đức đào tạo và sẽ tự động hóa để tiết kiệm chi phí. Nhưng các nam châm của hãng sẽ đắt hơn khoảng 50% so với nam châm của Trung Quốc tùy thuộc vào thông số kỹ thuật, các giám đốc điều hành cho biết.

Mặc dù vậy, các công ty đã gặp phải những thách thức bất ngờ. Ví dụ, sau khi một nhà sản xuất người Australia, công bố nhà máy ở Texas, một loạt bài đăng trực tuyến từ các tài khoản tự nhận là người dân địa phương lập luận rằng dự án sẽ tàn phá môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Gần đây hơn, giá đất hiếm giảm, một phần do việc mở rộng sản xuất của Trung Quốc, đã làm dấy lên mối lo ngại về các dự án mới.

TRỞ NGẠI LỚN VỚI KẾ HOẠCH AN NINH VỚI SAUDI ARABIA

Cả Mỹ và Saudi Arabia đều cho biết đã tiến được rất gần tới cái đích là kết thúc thành công quá trình đàm phán về thỏa thuận an ninh mới.

Trên danh nghĩa chính thức, đó là thỏa thuận an ninh song phương giữa Mỹ và Saudi Arabia, nhưng lại bao hàm cả việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Israel cũng như cả giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Vì thế, nếu thỏa thuận này được ký kết giữa Mỹ và Saudi Arabia, rồi được tất cả các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp cùng thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh, cục diện chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh sẽ thay đổi rất cơ bản và sâu rộng.

Nội dung chính của thỏa thuận này là Mỹ hợp tác và trợ giúp trên nhiều phương diện để Saudi Arabia đảm bảo được an ninh, Mỹ cung ứng vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại cho Saudi Arabia và để cho Saudi Arabia tiếp cận cả công nghệ hạt nhân của Mỹ.

Đi cùng với thỏa thuận này là cam kết của Saudi Arabia sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel sau khi Israel chấm dứt cuộc chiến tranh hiện tại với Hamas ở dải Gaza và đồng ý giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine - mà cốt lõi của giải pháp này là thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại hòa bình với nhà nước Israel.

Kế hoạch lớn này nếu được thực hiện thành công sẽ có thể giải quyết đồng thời nhiều vấn đề nan giải dai dẳng lâu nay và ám ảnh tương lai chung của cả khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Thỏa thuận này giúp Mỹ khôi phục vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh hàng đầu ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, thành lập được liên kết ba nước là Mỹ, Saudi Arabia và Israel vốn là cựu thù của Iran cùng đối địch Iran và đẩy lùi ảnh hưởng của Iran trong thế giới Hồi giáo. Saudi Arabia nhờ thỏa thuận này sẽ tiếp cận được vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại và công nghệ hạt nhân của Mỹ, ràng buộc Mỹ vào liên thủ cùng đối phó Iran và cùng kiềm chế Israel.

Thỏa thuận này sẽ giúp Israel đạt được mục tiêu theo đuổi lâu nay là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia. Israel còn được lợi nhiều khi liên thủ được với Mỹ và Saudi Arabia như thế để cùng đối địch Iran.

Hiện tại, kế hoạch này còn bị hạn chế về tính khả thi bởi vấp phải hai trở ngại lớn. Trở ngại thứ nhất là nội bộ chính trường và xã hội ở nước Mỹ hiện không thuận cho Saudi Arabia về phương diện tình trạng dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Saudi Arabia. Trở ngại thứ hai là chính quyền hiện tại ở Israel hoàn toàn không muốn để cho hình thành nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ tồn tại bên cạnh nhà nước Israel. Cho nên kế hoạch lớn này còn cần rất nhiều thời gian để được làm cho trở thành hiện thực.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Vnexpress; VOA; CafeF; Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang