Mỹ: Tương lai xe tải tự lái; Tesla loạng choạng; Sức nặng nhóm cử tri đặc biệt; Bắt đầu thoát uranium Nga; 'Đóng băng' hàng viện trợ Israel

TƯƠNG LAI NÀO CHO XE TẢI TỰ LÁI?

Hãng AP giới thiệu tham vọng triển khai hàng nghìn xe tải tự lái khắp nước Mỹ của nhiều công ty nội địa.

Trên một đoạn đường 3 làn dọc sông Monongahela, một chiếc xe đầu kéo 18 bánh di chuyển vòng qua khúc cua. Ghế lái không hề có người.

Cảm biến của xe phát hiện thùng rác chặn một làn và lốp xe nằm ở một làn khác nên lập tức phát tín hiệu. Chưa đầy một giây xe di chuyển vào làn đường không bị cản trở rồi lao qua chướng ngại vật.

Chiếc xe đầu kéo sở hữu 25 cảm biến laser, radar và camera, do Aurora Innovation đặt trụ sở tại thành phố Pittsburgh sở hữu. Công ty này dự kiến vào cuối năm nay bắt đầu vận chuyển hàng hóa trên xa lộ liên bang 45 giữa Dallas với Houston bằng 20 chiếc xe tự lái.

Trong vòng 3 - 4 năm tới, Aurora Innovation cùng các đối thủ cạnh tranh muốn đưa hàng nghìn xe như vậy chạy trên hệ thống cao tốc của Mỹ. Chúng có thể di chuyển không ngừng nghỉ suốt ngày đêm, tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa, đẩy nhanh thời gian giao hàng và giảm chi phí. Phạm vi hoạt động sẽ không giới hạn ở cao tốc.

Nhiều công ty cho biết xe tải tự lái tiết kiệm nhiên liệu vì không phải dừng lại đồng thời di chuyển với vận tốc ổn định. Ngoài ra trong thử nghiệm của Aurora Innovation, xe nếu gặp vấn đề lúc đang chạy trên cao tốc thì sẽ tự động tấp vào lề rồi gọi hỗ trợ.

Cảnh tượng một chiếc xe tải nặng hàng chục tấn chở đầy đồ, chạy với vận tốc hơn 100 km/giờ trên cao tốc mà chẳng có tài xế chắc chắn khiến mọi người cảm thấy kinh hoàng. Một cuộc thăm dò thực hiện vào tháng 1 của Hiệp hội Ô tô Mỹ cho kết quả 66% tài xế sợ ngồi trong xe tự lái.

Nhưng chưa đầy 9 tháng nữa thử nghiệm của Aurora Innovation sẽ hoàn tất, xe tải tự lái có thể bắt đầu chở hàng cho FedEx, Uber Freight, Werner… Các công ty như Aurora Innovation thường chọn triển khai phương tiện ở bang Texas nơi hiếm có băng tuyết.

Nhiều năm qua sự chú ý đều dành cho dịch vụ gọi xe tự lái ở thành phố lớn. Thế nhưng dự án Cruise của General Motors đang gặp khó khăn sau một vụ tai nạn nghiêm trọng, còn dự án Waymo của Alphabet vấp phải phản đối khi muốn mở rộng phạm vi hoạt động ở California. Kết quả là xe tải tự lái mới là phương tiện điều khiển bằng máy tính đầu tiên được triển khai rộng rãi.

Người thuộc phe phản đối luôn cho rằng xe tự tái không đủ an toàn. Tuy nhiên phía các công ty như Aurora Innovation lập luận rằng cảm biến cùng radar “nhìn xa” hơn mắt người, xe không bao giờ biết mệt, không bị phân tâm hay sử dụng rượu bia, ma túy.

Dù thừa nhận về lý thuyết xe tự lái có thể an toàn hơn vì không mệt hay không bị phân tâm, Giáo sư Phil Koopman (Đại học Carnegie Mellon) vẫn nhắc rằng máy tính điều khiển phương tiện chắc chắn có thể bị lỗi, hơn nữa xe hoạt động ra sao trong tình huống thực tế còn phụ thuộc vào chất lượng kỹ thuật an toàn của chúng.

Trong thử nghiệm, xe đầu kéo Aurora Innovation phát hiện được chướng ngại vật mô phỏng (người đi bộ, lốp bị nổ, thậm chí cả ngựa) ở khoảng cách khoảng 40 mét nên dễ dàng tránh. Hơn nữa xe chỉ chạy với vận tốc 56 km/giờ trên đoạn đường được kiểm soát chẳng có tình huống bất ngờ xảy ra.

Xe đầu kéo Aurora Innovation đã vận chuyển hàng hóa trên cao tốc từ năm 2021, nhưng bên trong xe có người sẵn sàng can thiệp. Từ đó đến nay chỉ xảy ra 3 vụ tai nạn nhỏ không gây ra thương vong. Ở tất cả trường hợp xe đều có thể tấp vào lề an toàn.

Loạt đối thủ cạnh tranh gồm Plus.ai, Gatik, Kodiak Robotics cũng mong muốn sớm cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải tự lái. Giám đốc điều hành Kodiak Robotics Don Burnette cho biết cao tốc ít người đi bộ và ít tình huống bất ngờ nên phù hợp với xe tự lái hơn đô thị đông đúc. Tuy nhiên chạy trên cao tốc cần duy trì tốc độ cao và phanh từ xa.

CHUYỆN GÌ KHIẾN “GÃ KHỔNG LỒ” TESLA LOẠNG CHOẠNG?

Đã từng có lúc dường như không gì cản nổi bước tiến của Tesla.

Chỉ trong hơn một thập niên, Tesla đã từ một gương mặt mới nổi trong làng công nghệ trở thành một công ty sản xuất xe cho thị trường đại chúng, đầu tư hàng tỷ đô la cho ngành năng lượng sạch và giúp giá trị doanh nghiệp tăng phi mã.

Nhưng hiện nay, công ty này đang gặp khó khăn khi doanh số bán xe sụt giảm và sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu Trung Quốc, cũng như những vấn đề liên quan đến dòng xe bán tải Cybertruck được Tesla quảng bá rầm rộ.

Doanh số bán xe sụt giảm đã tác động đến doanh thu, và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tesla. Giá cổ phiếu của công ty đã sụt giảm hơn 25% tính từ đầu năm đến nay.

Tesla đã giảm giá tại một số thị trường lớn, và đang tiến hành sa thải khoảng 14.000 nhân viên - chiếm 10% nhân lực toàn cầu của công ty. Những người bị ảnh hưởng bao gồm các giám đốc điều hành cấp cao và toàn bộ đội ngũ chịu trách nhiệm cho mạng lưới sạc siêu tốc, sản phẩm được ngưỡng mộ của Tesla.

Vậy thì đây chỉ là một cú dằn xóc trên đường, hay bánh xe đã thực sự sắp văng ra rồi?

"Điều này sẽ giúp đánh tan sự nghi hoặc," Elon Musk giải thích với các khách mời đặc biệt đang thăm nhà máy của Tesla ở bang California hồi tháng 6/2012.

"Thế giới đang chìm trong ảo giác rằng xe điện không thể nào sánh được với xe chạy bằng xăng," tỷ phú này nói.

Musk nói trong buổi ra mắt Model S của Tesla, một dòng xe mà ông khẳng định sẽ đập tan những nghi hoặc đó. Đây không phải là một lời hứa sáo rỗng.

Vào thời điểm đó, xe điện vốn từ lâu bị cho là chậm, không tạo được cảm hứng và phi thực tế, cùng với đó là cự ly di chuyển rất hạn chế.

Mặc dù sau đó các mẫu xe mới như Nissan Leaf đang bắt đầu phát triển một thị trường ngách, nhưng xe điện vẫn chưa tạo nhiều dấu ấn trên thị trường rộng lớn hơn.

Mẫu Model S rất uy lực, có hiệu năng của một chiếc xe thể thao và có thể di chuyển lên đến khoảng 426 km cho một lần sạc. Dòng xe này có giá không hề rẻ, với mức giá khởi điểm là 57.000 USD tại Mỹ cho các phiên bản có hiệu suất thấp nhất, nhưng loại xe này chắc chắn đã tạo được dấu ấn.

Kể từ khi đó, Tesla đã cho ra mắt thêm 4 mẫu xe, bao gồm Model X SUV, Model 3 có "giá phải chăng", Model Y và xe bán tải Cybertruck.

Hiện công ty có các nhà máy khổng lồ lắp ráp xe tại Thượng Hải và Berlin, bên cạnh nhà máy ban đầu ở thành phố Fremont, bang California và ở một số địa điểm khác tại Mỹ. Vào năm ngoái, Tesla đã giao 1,8 triệu xe, cho thấy đã tự định vị thương hiệu là một nhà sản xuất xe cho thị trường đại chúng.

Nhưng theo Giáo sư Peter Wells, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ xe ô tô tại Đại học Cardiff, đây chỉ là một phần của vấn đề. "Khi Tesla lần đầu tiên xuất hiện, công ty này có một sản phẩm mới thú vị, một vị giám đốc điều hành lôi cuốn, và công ty đã thể hiện như một nhà tiên phong thật sự," ông bình luận.

Thế nhưng giờ đây, công ty "không còn là một doanh nghiệp mới chào sân và một nhà khởi nghiệp mang tính đột phá nữa mà là một công ty đã hiện diện lâu trong ngành ô tô, với tất cả những thách thức mà nó đối mặt, với hàng loạt đối thủ xuất hiện trong cùng một không gian thị trường".

Các công ty khác, như Nio của Trung Quốc, đang đưa ra các sản phẩm thú vị hơn, Giáo sư Wells nói, trong khi BYD, một công ty khác của Trung Quốc, cung cấp các loại xe có hiệu suất tốt hơn nhưng với giá thấp hơn.

"Căn bản thì thế giới đã bắt kịp Tesla," ông nói.

Rõ ràng là cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn so với quá khứ.

Theo sau vụ bê bối khí thải từ các xe chạy bằng động cơ diesel hồi năm 2015, Volkswagen đã bắt đầu đổ tiền vào xe điện.

Và trong bối cảnh chính phủ các nước trên khắp thế giới bắt đầu xem xét nghiêm túc những lệnh cấm sau rốt sẽ được áp dụng liên quan đến việc bán các mẫu xe chạy bằng xăng hay dầu diesel, thì các nhà sản xuất xe có bề dày kinh nghiệm đã nhanh chóng theo chân. Những khách hàng tìm kiếm các mẫu xe điện với cự ly và hiệu suất tốt hiện đang có nhiều lựa chọn.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, các nhà làm luật trong nhiều năm qua đã xem việc phát triển xe điện là một cơ hội để giành được thị phần đáng kể trong thị trường toàn cầu, và gia tăng tốc độ phát triển. Kết quả là sự phát triển nhanh chóng các thương hiệu như BYD. Công ty này đã vượt mặt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới vào cuối năm ngoái, dù sau đó sự sụt giảm doanh số của BYD đã cho phép Tesla lấy lại ngai vàng trong ba tháng đầu năm nay.

Song song đó, khi thị trường xe điện đã có chỗ đứng, ở nhiều nơi trên thế giới, việc trợ cấp để khách hàng mua xe bắt đầu được siết chặt. Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng nóng của doanh số xe điện trong những năm gần đây đã hạ nhiệt và là điều khiến các nhà sản xuất xe phải hạ giá.

Theo nhà phân tích độc lập trong lĩnh vực xe ô tô Matthias Schmidt, điều này chắc chắn đã gây nên một tác động đối với Tesla.

"Các bộ trưởng tài chính trước đây từng vui vẻ cung cấp các biện pháp hỗ trợ hấp dẫn đối với việc mua xe điện tại một thị trường mà dường như khách hàng không có nhiều lựa chọn, hầu như chỉ có xe Tesla, thì bây giờ lại đang thắt chặt hầu bao," ông phân tích.

Một thị trường dường như đã chịu tác động sâu rộng là Đức. Một chương trình trợ giá hàng ngàn euro cho mỗi chiếc xe điện mới đã đột ngột chấm dứt hồi tháng 12.

Doanh số xe điện tại Đức cũng sụt giảm đáng kể trong ba tháng đầu của năm nay, Tesla gánh chịu mức sụt giảm 36%so với cùng kỳ năm 2023.

Câu hỏi hiện nay là liệu Tesla có thể lấy lại đà đã bị đánh mất. Elon Musk, vị giám đốc điều hành "không giống ai" của Tesla, dường như đang đặt hết hy vọng vào việc công ty sẽ dẫn đầu thị trường ô tô tự lái - một nhà cung cấp xe taxi do robot điều khiển.

Hồi năm ngoái, trên mạng xã hội X do mình sở hữu, Elon Musk viết: "Không còn là chuyện đặt cược nữa, dồn hết sức lực cho lĩnh vực xe tự lái là một bước đi cực kỳ rõ ràng. Còn mọi thứ khác thì như sự lắc lư trên một cỗ xe ngựa vậy."

Thực ra Elon Musk đã tô vẽ viễn cảnh xe tự lái hoàn toàn từ lâu rồi. Ví dụ như hồi năm 2019, ông đã hứa hẹn rằng trong một năm, sẽ có một triệu chiếc Tesla có thể vận hành như taxi do robot điều khiển.

Thực tế cho đến nay vẫn còn rất khác. Gói "Xe tự lái hoàn toàn" của Tesla còn xa mới được như tên gọi - vẫn là một hệ thống "cần người đích thân điều khiển" yêu cầu người tài xế phải chú ý mọi lúc mọi nơi.

Hướng đến lĩnh vực xe tự lái rất phù hợp với định vị thương hiệu của Tesla là một doanh nghiệp công nghệ, thay vì một công ty sản xuất xe truyền thống. Thế nhưng, những người chỉ trích Musk cho rằng đây chỉ đơn giản là màn tung hỏa mù nhằm kéo sự quan tâm khỏi các vấn đề khác.

Trong khi đó thì Tesla cũng đã giảm giá để tăng doanh số bán hàng, cắt giảm chi phí và giảm nhân sự để cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Đây cũng là điều mà bất kỳ hãng xe nào khác cũng có thể thực hiện.

NHÓM CỬ TRI ĐẶC BIỆT SẼ QUYẾT ĐỊNH BẦU CỬ 2024

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, một số trang tin và tạp chí như NPR, PBS, Axios và Political Wire cuối tuần qua đã đăng các bài phân tích về vai trò của một nhóm cử tri đặc biệt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, bao gồm những người "không ưa" cả hai ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, nhóm cử tri này chiếm khoảng 20% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Tuy mang tiếng không ưa cả hai ứng cử viên, số cử tri nói trên lại thể hiện khá rõ sự thiên vị: 47% bỏ phiếu cho ông Donald Trump, trong khi chỉ 30% bầu cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, 23% còn lại bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác. Theo các chuyên gia, nếu phiếu bầu của số cử tri đặc biệt này được phân bổ đồng đều giữa ông Trump và bà Clinton khi đó, không loại trừ khả năng bà Clinton đã giành thắng lợi tại một số bang chiến trường chủ chốt như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, từ đó trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ.

Bước sang kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020, tỷ lệ cử tri đặc biệt này trong tổng số cử tri đi bỏ phiếu đã giảm xuống còn 3%, một phần do khả năng gây phân hoá sâu sắc của cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm cầm quyền của Tổng thống Joe Biden, số cử tri đặc biệt này đã tăng vọt. Kết quả của phần lớn các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trong tháng 4/2024 cho thấy 15 - 20% cử tri Mỹ không ủng hộ cả Tổng thống Joe Biden lẫn cựu Tổng thống Donald Trump.

Quyết định của nhóm cử tri đặc biệt này - hoặc miễn cưỡng bỏ phiếu cho một trong hai ứng viên, hoặc bầu cho ứng cử viên thứ ba, hoặc không đi bỏ phiếu - nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố quyết định kết quả bầu cử tại các bang chiến trường quan trọng vào tháng 11 tới. Theo cuộc thăm dò dư luận ngày 29/4 vừa qua của Đại học Monmouth, luật sư Robert Kennedy Jr. (nếu đủ điều kiện tranh cử) có thể chiếm tới 40% số phiếu bầu của nhóm cử tri này, số phiếu còn lại được phân bổ tương đối đồng đều cho ông Biden và ông Trump.

Hãng tin NBC ngày 4/5 dẫn một số nguồn giấu tên cho biết các nhóm hoạch định chiến lược tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Biden và cựu Tổng thống Trump đều đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi cạnh tranh với nhau trong năm bầu cử 2024, theo đó số bang chiến trường có thể nhỉnh hơn so với các kỳ bầu cử trước.

Đa số chuyên gia phân tích chính trường Mỹ cho rằng kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ được định đoạt bởi kết quả bỏ phiếu tại 6 bang chiến trường: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin. Ngoại trừ bang Nevada, tất cả các bang trên đều có thiên hướng bỏ phiếu cho phe Cộng hòa trong kỳ bầu cử năm 2016, nhưng sau đó lại ngả về phe Dân chủ trong năm bầu cử 2020 (truyền thông Mỹ gọi đó là hiện tượng “đổi màu bang”). Kết quả phần lớn các cuộc thăm dò dư luận trong vài tháng gần đây cho thấy ông Trump chiếm ưu thế tại cả 6 bang, song ông Biden đang từng bước thu hẹp cách biệt, thậm chí đã có lúc vươn lên dẫn trước ông Trump trong giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua.

Theo NBC, đội ngũ tranh cử của ông Trump không “thỏa mãn” với việc giành chiến thắng tại các bang chiến trường chủ chốt và đang hướng sự chú ý đến một số bang vốn được cho là “thành trì vững chắc” của đảng Dân chủ. Trong cuộc họp kín hôm 1/5 của Ủy ban toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC), một số cố vấn cao cấp và chuyên gia phân tích thống kê đã đưa ra những bằng chứng cho thấy phe ông Trump có khả năng làm “đổi màu” hai bang Minnesota và Virginia vào tháng 11 tới. RNC cũng thảo luận chi tiết về thông điệp chính trị, chiến thuật vận động và nguồn lực cần thiết để giành chiến thắng tại các bang này và nhiều khả năng sẽ có các bước triển khai đầu tiên trong những tuần tới.

Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của Tổng thống Biden đã “rò rỉ” kế hoạch thách thức ông Trump và đảng Cộng hòa tại các bang South Carolina và Florida. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, ông Biden đã hai lần đến vận động tranh cử tại South Carolina, với hy vọng tái diễn kỳ tích của liên danh tranh cử Barack Obama - Joe Biden năm 2008. Năm 2020, ông Biden khởi động chiến dịch vận động tranh cử tại bang này từ tháng 9.

Triển vọng của ông Biden tại Florida, “bang nhà” của ông Trump, có phần không sáng sủa bằng, song các cố vấn của ông Biden cho rằng vấn đề quyền phá thai sẽ là “chìa khóa” để ông Biden củng cố vị thế ở bang này trong những tháng tới.

MỸ BẮT ĐẦU CHẶNG ĐƯỜNG THOÁT URANIUM NGA

Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.

Tiến sĩ Patrick White, Giám đốc Nghiên cứu của Liên minh Đổi mới Hạt nhân mới đây đã có bài phân tích trên Tạp chí National Interest liên quan đến chính sách mới của Washington để phát triển nguồn nguyên liệu uranium trong nước thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài.

Khi thế giới vật lộn với những thách thức về an ninh năng lượng và nhu cầu cấp thiết chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, năng lượng hạt nhân tiên tiến nổi bật như một giải pháp đáng tin cậy, sạch và giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, “cốt lõi” của giải pháp năng lượng đầy hứa hẹn này ở Mỹ lại phụ thuộc vào nước ngoài.

Nguồn cung cấp nhiên liệu uranium đáng tin cậy cho các lò phản ứng hạt nhân đều phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu do một số ít thực thể do nhà nước nước ngoài hỗ trợ và kiểm soát chi phối.

Mỹ và các đồng minh hiện đang dựa vào một số ít công ty tham gia vào chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu uranium của họ.

Các công ty chủ chốt cung cấp dịch vụ làm giàu và chuyển đổi uranium thương mại quốc tế bao gồm Orano (phần lớn do chính phủ Pháp kiểm soát), Urenco (phần lớn do chính phủ Anh và Hà Lan kiểm soát), Cameco (một công ty giao dịch công khai của Canada) và TENEX (một công ty nhà nước của Nga).

Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine năm 2022 đã khiến ngày càng có nhiều lo ngại về việc Mỹ và đồng minh phụ thuộc vào TENEX để sản xuất nhiên liệu hạt nhân là một rủi ro về an ninh năng lượng và ngoại giao.

Mỹ hiện dựa vào TENEX để cung cấp uranium đã làm giàu cho khoảng 25% lò phản ứng.

Ngoài ra, TENEX là nhà cung cấp thương mại duy nhất Uranium làm giàu thấp (HALEU), một loại uranium được làm giàu cao hơn, cần thiết để cung cấp nhiên liệu cho nhiều thiết kế lò phản ứng hạt nhân tiên tiến.

Nếu không có sản phẩm HALEU trong nước hoặc liên minh, tương lai của đổi mới hạt nhân và nhiều lò phản ứng tiên tiến ở Mỹ sẽ gặp bất ổn về địa chính trị.

Chặng đường rất dài của Mỹ

Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đang thực hiện các bước nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân của Mỹ vào Nga bằng cách hỗ trợ mở rộng chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân trong nước và tạo ra năng lực sản xuất HALEU mới trong nước. Tuy nhiên, cho đến gần đây, DOE vẫn chưa có đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đó.

Phân tích từ Liên minh Đổi mới Hạt nhân vào tháng 12 năm 2023 cho thấy cần có thêm nguồn tài trợ liên bang lên tới 2,9 tỷ USD để DOE xúc tác thành công đầu tư tư nhân vào sản xuất HALEU thương mại.

Gần đây, Quốc hội và Chính quyền đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này và ban hành luật để cung cấp cho DOE nguồn tài trợ mà họ cần. Vào tháng 3/2024, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật phân bổ ngân sách hợp nhất năm 2024, cùng với các ưu tiên khác, cung cấp 2,72 tỷ USD để tăng công suất chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân nội địa của Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành các lò phản ứng hạt nhân và thiết kế lò phản ứng trong tương lai.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ này đi kèm với một nhược điểm. Quốc hội quy định rằng DOE không thể tiếp cận nguồn tài trợ này cho đến khi Quốc hội hoặc Chính quyền hành động cấm hoặc hạn chế nhập khẩu uranium của Nga.

Và đến tháng 4 năm 2024, Thượng viện đã thông qua Đạo luật cấm nhập khẩu Uranium của Nga với sự nhất trí, đánh dấu việc không chỉ thông qua dự luật này ở cả hai viện của Quốc hội mà còn là đỉnh cao nỗ lực của nhiều bên liên quan để đảm bảo nó được thông qua.

Với luật quan trọng này hiện được áp dụng, DOE có đủ nguồn tài chính cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào uranium của Nga, tạo ra tín hiệu thị trường mạnh mẽ cho đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng uranium trong nước và mở đường cho chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Patrick White nhận định, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước. DOE hiện cần phải làm việc hiệu quả và hiệu quả với ngành thương mại, để khởi động mối quan hệ đối tác công-tư cần thiết nhằm hoàn thành các mục tiêu.

DOE đã ban hành hai yêu cầu đề xuất (RFP) để hỗ trợ năng lực làm giàu và khử chuyển đổi HALEU mới trong nước. Tuy nhiên, hai RFP này chỉ là khởi đầu của một con đường dài và phức tạp dẫn đến thành công và cần phải thực hiện nhiều hành động hơn nữa để về đích.

Nhiều nhà phát triển lò phản ứng tiên tiến đang dựa vào DOE để thực hiện các cam kết của mình. Ngay cả những sự chậm trễ nhỏ cũng có thể gây ra hiệu ứng gợn sóng trong toàn bộ chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân đang phát triển, làm gián đoạn lịch trình triển khai và tạo thêm gánh nặng cho các nhà phát triển khi họ tìm cách giải quyết những trở ngại này.

Ông Patrick White tin rằng, điều quan trọng là DOE phải nhanh chóng hợp tác với ngành công nghiệp và Quốc hội đưa ra sự giám sát cần thiết để đảm bảo DOE đang phát triển theo đúng tốc độ.

Các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có thể giúp thế giới giải quyết các thách thức về an ninh năng lượng và nhu cầu cấp thiết chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, đồng thời cung cấp năng lượng đáng tin cậy và giá cả phải chăng để bổ sung cho các nguồn năng lượng sạch khác.

Tuy nhiên, việc tạo ra con đường dẫn đến tương lai năng lượng sạch này phụ thuộc vào việc có được chuỗi cung ứng nhiên liệu uranium thương mại trong nước mạnh mẽ để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân hiện tại và tương lai.

Vị chuyên gia khẳng định, Mỹ đang có cơ hội chưa từng có để định hình lại bối cảnh năng lượng của mình, làm cho nó an toàn hơn, bền vững hơn và có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng và khí hậu cấp bách. Tuy nhiên, Mỹ cần xác định không chỉ khai thác cơ hội này với mức độ cấp bách mà còn phải tập trung rõ ràng vào từng bước để đạt mục tiêu tương lai năng lượng sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng.

Các phân tích trước đó cho thấy, theo kịch bản lạc quan nhất, Mỹ và Tây Âu sẽ phải mất ít nhất 5 năm mới bắt đầu sản xuất uranium làm giàu thấp ở quy mô thương mại.

Giữa tháng 4, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã sản xuất được 90kg uranium được làm giàu mạnh, đồng thời khẳng định sẽ sản xuất được gần 1 tấn vào cuối năm nay.

Nhưng chính quyền Mỹ đặt ra "Mục tiêu không có phát thải ròng vào năm 2050" lại cần tới 40 tấn nguyên liệu uranium trước cuối thập kỷ này. Với việc ngừng hoàn toàn nhập khẩu nguyên liệu uranium từ Nga, Washington đã tự biến mục tiêu khí hậu của họ trở nên khó khăn.

LẦN ĐẦU TIÊN MỸ ĐÓNG BĂNG HÀNG VIỆN TRỢ ISRAEL

Đây là lần đầu tiên Washington từ chối viện trợ quân sự cho Israel kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bùng nổ tại Gaza từ tháng 10/2023.

Theo trang tin Axios đưa tin ngày 5/5, Mỹ đã đột ngột dừng lô hàng đạn dược do Mỹ sản xuất dự kiến chuyển tới Israel vào tuần trước theo kế hoạch. Nhà Trắng vẫn chưa lên tiếng giải thích cho động thái này. Trong khi đó, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến thông tin trên.

Dẫn lời hai quan chức Israel, trang tin Mỹ cho hay việc giao hàng đã bị dừng lại một cách không rõ nguyên nhân và chính phủ Israel cũng đang cố gắng tìm hiểu lý do tại sao lô hàng bị giữ lại.

Việc vận chuyển vũ khí của Mỹ cho Israel gặp gián đoạn trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ngày càng chỉ trích cuộc chiến tại Dải Gaza. Trước đó, kể từ cuộc tập kích xuyên biên giới của Hamas vào Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người khác bị bắt làm con tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phát động một chiến dịch tấn công trên bộ, tuyên chiến với Hamas. Cuộc trả đũa kéo dài 7 tháng đã đẩy số người chết tại vùng đất này lên tới 35.000 người và khiến những người Palestine rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Tổng thống Biden từng cảnh báo tấn công thành phố Rafah – nơi trú ẩn của hơn 1 triệu người tị nạn Palestine – sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Washington và công khai chỉ trích quân đội của ông Netanyahu ném bom bừa bãi vào Gaza. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã trừng phạt những người Israel định cư ở Bờ Tây, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 3 cho phép thông qua biện pháp yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas.

Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi trong quan điểm, Mỹ vẫn duy trì dòng vũ khí và đạn dược đến Israel. Kể từ ngày 7/10/2023, Mỹ được cho là đã phê duyệt hơn 100 lần chuyển giao vũ khí cho Tel Aviv. Chi tiết của những lần chuyển giao vũ khí này thường không được công khai. Trong hơn 100 chuyến, chỉ có 2 chuyến giá trị vũ khí chuyển giao vượt quá 250 triệu USD. Tháng trước, Washington cũng đã thông qua nhưng gói hàng viện trợ lớn, bao gồm hơn 1.800 quả bom MK84, 500 quả bom MK82 và hơn 1.000 đạn có đường kính nhỏ.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh; BBC; Báo Tin Tức; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang