Bạo lực kinh hoàng ở Vân Nam; TQ chi phối thị trường vàng; Putin & nhiệm kỳ mới; Thảm họa chờ Rafah; Vận tải biển gặp khó

TẤN CÔNG BẰNG DAO KINH HOÀNG TẠI VÂN NAM: 23 NGƯỜI THƯƠNG VONG

Ít nhất 2 người thiệt mạng và 21 người khác bị thương trong vụ tấn công bằng dao tại một bệnh viện ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào sáng hôm nay 7/5.

Vụ đâm dao, được hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc mô tả là một "vụ bạo lực" xảy ra tại một bệnh viện địa phương ở huyện Trấn Hùng, thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tân Hoa Xã cho biết thêm rằng chính quyền đang thu thập thêm thông tin.

Trang tin 163 (Trung Quốc) dẫn lời những người trong cuộc cho biết, vụ việc xảy ra vào sáng ngày 7/5 tại Bệnh viện Thành Nam ở huyện Trấn Hùng. Hai tên côn đồ dùng dao tấn công người trong bệnh viện. Một nhân viên y tế bị đâm sau khi gây án.

Đoạn video quay lại hiện trường cho thấy vụ án xảy ra trong một bệnh viện, một tên côn đồ mỗi tay cầm một con dao rựa đe dọa những người xung quanh. Có một nhân viên y tế mặc áo khoác trắng bị thương đang nằm trên xe đẩy. Anh nhanh chóng được các nhân viên y tế đưa đi cấp cứu.

Một đoạn video khác cho thấy nghi phạm đã bỏ trốn đến một con đường hẻo lánh và bị cảnh sát khống chế. Nhiều cảnh sát đặc nhiệm cầm khiên đưa một nghi phạm rời khỏi hiện trường.

Đến khoảng 15 giờ chiều 7/5, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, vụ tấn công khiến 23 người thương vong, trong đó có 2 người tử vong và 21 người bị thương.

Theo hãng tin CNN, Trung Quốc - đất nước có quy định sở hữu súng là bất hợp pháp - đã ghi nhận một số vụ tấn công bằng dao hàng loạt ở nơi công cộng trong những năm gần đây:

Năm ngoái, 6 người thiệt mạng và một người bị thương trong vụ tấn công bằng dao vào sáng sớm bên ngoài một trường mẫu giáo ở tỉnh Quảng Đông.

Một vụ tấn công bằng dao năm 2020 tại một trường tiểu học khiến 37 trẻ em và 2 người lớn bị thương ở khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây.

Trong khi một vụ đâm dao năm 2022 cũng tại một trường mẫu giáo khiến 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương ở phía đông tỉnh Giang Tây.

Tỉnh Vân Nam cũng từng là nơi xảy ra vụ tấn công bằng dao vào năm 2014 tại một nhà ga xe lửa ở thành phố thủ phủ Côn Minh, nơi nhiều kẻ tấn công đã giết chết 33 người và làm bị thương 133 người. Nhà chức trách cáo buộc những phần tử khủng bố từ vùng tây bắc Tân Cương chịu trách nhiệm cho vụ tấn công đó.

TRUNG QUỐC ĐANG CHI PHỐI THỊ TRƯỜNG VÀNG: DÂN ĐỔ XÔ ĐI MUA BẤT CHẤP GIÁ TĂNG PHI MÃ

Nhu cầu vàng ở Trung Quốc vẫn còn dư địa để tăng.

Ngay sau khi vàng tăng vọt lên mức giá cao nhất từ trước đến nay, Xena Lin đã tham gia “cơn sốt” bằng cách tích góp những “hạt đậu” vàng hàng tháng. Đối với cô, một nhân viên hành chính 25 tuổi ở miền nam Trung Quốc, việc mua chúng với giá khoảng 80 USD/hạt là vừa sức.

Trước đây, Lin từng đầu tư cổ phiếu, song chỉ đến khi mua vàng theo cách thú vị này, cô gái trẻ mới được truyền cảm hứng đầu tư.

“Tôi vẫn đang làm việc chăm chỉ để tiết kiệm nhiều hơn”, cô Lin nói và cho biết bản thân đang thực sự đang đầu tư tiền vào thứ có thể sờ, chạm. “Giá vàng luôn lên xuống. Mức tăng nằm trong phạm vi tôi có thể kiểm soát được nên như vậy là ổn”.

Vốn được coi là khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và kinh tế, vàng tăng phi mã sau căng thẳng Nga-Ukraine. Việc cạm mốc trên 2.400 USD/ounce cũng một phần nhờ động thái của Trung Quốc.

Người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô đến vàng khi niềm tin với bất động sản và chứng khoán lung lay. Ngân hàng trung ương liên tục bổ sung dự trữ vàng, trong khi các nhà đầu cơ Trung Quốc đánh cược rằng vẫn còn dư địa để vàng tăng giá.

“Không lâu trước đây, vàng thường bị coi là trang sức lỗi thời của thế hệ cũ. Nhưng nay chúng lại là ‘tuyên ngôn bản sắc’ của Gen Z nhằm thể hiện phong cách cá nhân và lòng trung thành với văn hóa truyền thống của giới trẻ”, Giáo sư Wang Zhongwu của Học viện Triết học và Phát triển xã hội, Đại học Sơn đông nhận định về xu hướng mua vàng của người trẻ hiện nay.

Trung Quốc tác động đáng kể trên thị trường vàng. Sức ảnh hưởng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong đợt tăng giá mới nhất gần 50% kể từ cuối năm 2022. Tháng trước, giá vàng cũng tăng vọt ngay cả sau khi Cục Dự trữ Liên bang phát đi tín hiệu duy trì lãi suất trong khoảng thời gian dài, còn đồng USD tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ chính.

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng không còn bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế mà bởi ý muốn bất chợt của người mua Trung Quốc. Ross Norman, giám đốc điều hành MetalsDaily.com - một nền tảng thông tin kim loại quý có trụ sở tại London, cho biết: “Trung Quốc chắc chắn đang thúc đẩy giá vàng. Dòng vàng chảy vào Trung Quốc đã chuyển sang trạng thái tuyệt đối”.

“Nhu cầu vàng ở Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp tục tăng khi nhà đầu tư nước này tìm cách đa dạng hóa danh mục”, nhà phân tích Rebecca Sin nhận định.

Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, tiêu thụ vàng trong nước đã tăng 6% trong quý I so với một năm trước đó. Đầu tư vàng trở nên hấp dẫn hơn khi các khoản đầu tư truyền thống khác trở nên mờ nhạt. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, nơi gửi tiền tiết kiệm của hầu hết các gia đình, vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng. Niềm tin vào thị trường chứng khoán trong nước cũng chưa hoàn toàn trở lại.

Các nhà buôn trực tuyến đang ráo riết rao bán “hạt đậu vàng”. Trên taobao của Alibaba, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, mặt hàng này còn được bán livestream. Mua “đậu” cũng giống như đầu tư vậy. 87 USD/hạt.

Kelly Zhong, một giáo viên ở Bắc Kinh, bắt đầu mua vàng vào năm 2020. Bản thân cô đã tích lũy được hơn 2 pound vàng miếng nhưng cũng đầu tư vào kim loại này thông qua các quỹ giao dịch trao đổi. Câu nói “Ngọc lúc thịnh, vàng lúc khó khăn” chính là nguồn cảm hứng của Zhong.

Vào tháng 3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bổ sung dự trữ vàng trong tháng thứ 17 liên tiếp. Năm ngoái, ngân hàng này cũng mua nhiều vàng hơn bất kỳ ngân hàng trung ương nào khác trên thế giới, bổ sung thêm lượng vàng dự trữ nhiều hơn mức họ có trong gần 50 năm.

Bắc Kinh đang mua vàng để đa dạng hóa quỹ dự trữ và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD từ lâu vốn được coi là loại tiền tệ quan trọng nhất. Trung Quốc cũng giảm nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trong hơn một thập kỷ.

Theo Guan Tao, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại BOC International, các biện pháp trừng phạt đã làm lung lay “niềm tin đối với hệ thống tiền tệ quốc tế hiện tại” và buộc các ngân hàng trung ương phải bảo vệ nguồn dự trữ của mình bằng các khoản nắm giữ đa dạng. “Chúng ta có thể thấy làn sóng tăng giá vàng này khác so với trước đây”.

Hoạt động mua bán rầm rộ của người tiêu dùng Trung Quốc và ngân hàng trung ương đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu cơ. Khối lượng giao dịch trung bình của vàng trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 4 so với một năm trước đó. Ông Norman từ MetalsDaily cho biết: “Họ đang bơi theo thủy triều. Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường vàng”.

“Nhu cầu vàng ở Trung Quốc vẫn còn dư địa để tăng”, ông Philip Klapwijk, giám đốc công ty tư vấn Precious Metals Insights Ltd. tại Hồng Kông, nhận định. “Trong bối cảnh không có nhiều lựa chọn để đầu tư, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài còn thị trường chứng khoán biến động mạnh, tất cả đều đang đổ tiền vào những tài sản được xem là an toàn hơn, trong đó có vàng”.

Theo các nhà phân tích, giá cao kỷ lục có thể kìm hãm nhu cầu mua vàng, song thị trường Trung Quốc bền bỉ đến kỳ lạ. Thông thường, họ chỉ gom vàng khi giá giảm nhưng nay sẵn sàng mua vào ngay cả khi giá đang tăng.

“Điều này cho thấy nhu cầu vàng ở Trung Quốc tăng bền vững và người mua vàng trên thế giới nên cảm thấy thoải mái về sự bùng nổ nhu cầu đối với kim loại quý này ở Trung Quốc”, ông Nikos Kavalis, giám đốc công ty tư vấn Metals Focus Ltd., nhận xét.

PUTIN BẮT ĐẦU NHIỆM KỲ MỚI ĐẦY PHI THƯỜNG

Chỉ còn vài tháng nữa là tròn một phần tư thế kỷ trong tư cách là nhà lãnh đạo Nga, ông Vladimir Putin hôm 7/5 sẽ đặt tay lên bản hiến pháp và bắt đầu một nhiệm kỳ sáu năm nữa với tư cách là tổng thống nắm giữ quyền lực phi thường.

Kể từ khi trở thành quyền tổng thống vào ngày cuối cùng của năm 1999, ông Putin đã định hình nước Nga thành một khối vững chắc - đè bẹp phe đối lập chính trị, đuổi các nhà báo có tư tưởng độc lập ra khỏi đất nước và thúc đẩy sự nhiệt tình ngày càng tăng đối với những “giá trị truyền thống”, đẩy nhiều người vào tình trạng bên lề xã hội.

Ảnh hưởng của ông lớn đến mức các quan chức khác chỉ có thể phục tùng bên lề khi ông phát động cuộc chiến ở Ukraine bất chấp những dự kiến rằng cuộc xâm lược sẽ gây ra phẫn nộ quốc tế và các chế tài kinh tế khắc nghiệt, cũng như khiến Nga phải trả giá đắt bằng máu của binh lính nước này.

Với mức độ quyền lực đó, ông Putin sẽ làm gì trong nhiệm kỳ tới là một câu hỏi nhức nhối cả trong và ngoài nước.

Cuộc chiến ở Ukraine, nơi Nga đang giành được những thắng lợi đều đặn trên chiến trường, là mối quan ngại hàng đầu, và ông không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ thay đổi hướng đi.

“Cuộc chiến ở Ukraine là trọng tâm trong dự án chính trị hiện tại của ông ấy và tôi không thấy điều gì cho thấy chuyện này sẽ thay đổi. Và điều đó ảnh hưởng đến mọi thứ khác,” ông Brian Taylor, giáo sư Đại học Syracuse và là tác giả cuốn “Quy tắc của chủ nghĩa Putin,” nói trong một cuộc phỏng vấn với AP.

Trong thông điệp liên bang hồi tháng 2, ông Putin cam kết sẽ hoàn thành các mục tiêu của Moscow ở Ukraine và làm bất cứ điều gì cần thiết để “bảo vệ chủ quyền và an ninh của công dân chúng ta”. Ông khẳng định quân đội Nga đã “có được kinh nghiệm chiến đấu dồi dào” và “vững vàng giữ thế chủ động và tiến hành các cuộc tấn công trong một số lĩnh vực”.

Điều đó sẽ phải trả một cái giá rất lớn, có thể tiêu tốn nguồn tiền dành cho các dự án trong nước sâu rộng và những cải cách về giáo dục, phúc lợi và chống đói nghèo mà ông Putin đã sử dụng phần lớn bài phát biểu kéo dài hai giờ để trình bày chi tiết.

Ông Putin “nghĩ về mình theo những khía cạnh lịch sử vĩ đại của vùng đất Nga, đưa Ukraine trở lại nơi nó thuộc về, những ý tưởng kiểu đó. Và tôi nghĩ những điều đó sẽ vượt trội hơn bất kỳ loại chương trình kinh tế xã hội nào,” ông Taylor nói.

Nếu chiến tranh kết thúc mà mỗi bên không bị đánh bại hoàn toàn, với việc Nga giữ lại một số lãnh thổ đã chiếm được, các nước châu Âu lo ngại rằng Putin có thể được khuyến khích tiến tới chủ nghĩa phiêu lưu quân sự hơn nữa ở vùng Baltic hoặc ở Ba Lan.

Giáo sư quan hệ quốc tế Stephen Walt của Harvard viết trên tạp chí Chính sách Đối ngoại: “Có thể ông Putin có tham vọng to lớn và sẽ cố gắng nối tiếp thành công tốn kém ở Ukraine bằng một cuộc tấn công mới ở một nơi khác”. “Nhưng cũng hoàn toàn có khả năng tham vọng của ông ấy không vượt quá những gì Nga đã giành được – với cái giá phải trả khổng lồ và ông ấy không có nhu cầu hay mong muốn đánh cược nhiều hơn nữa”.

Tuy nhiên, ông Walt nói thêm, “Nga sẽ không có khả năng phát động các cuộc chiến tranh xâm lược mới khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc”.

Ông Maksim Samorukov, thuộc Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, nói rằng “do những ý tưởng bất chợt và ảo tưởng của ông Putin, Moscow có thể sẽ phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn để tự chuốc lấy thất bại”.

Trong một bài bình luận trên tạp chí Ngoại giao, ông Samorukov cho rằng tuổi tác của Putin có thể ảnh hưởng đến nhận định của ông.

“Ở tuổi 71… nhận thức về cái chết của chính mình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định của ông. Cảm giác về quỹ thời gian có giới hạn chắc chắn đã góp phần vào quyết định định mệnh của ông là xâm chiếm Ukraine.”

Nhìn chung, Putin có thể đang bước vào nhiệm kỳ mới với khả năng nắm quyền lực yếu hơn so với vẻ ngoài của mình.

“Những điểm yếu của Nga được ẩn giấu rõ ràng. Hơn bao giờ hết, Điện Kremlin đưa ra các quyết định theo cách cá nhân hóa và tùy tiện, thậm chí còn thiếu các biện pháp kiểm soát cơ bản”, ông Samorukov viết.

Ông Samorukov cho rằng: “Giới tinh hoa chính trị Nga ngày càng trở nên dễ bảo hơn trong việc thực thi mệnh lệnh của ông Putin và phục tùng thế giới quan hoang tưởng của ông ta hơn”. Chế độ này “có nguy cơ sụp đổ vĩnh viễn chỉ sau một đêm, như chế độ tiền nhiệm Liên Xô cách đây ba thập niên”.

Ông Putin chắc chắn sẽ tiếp tục có thái độ thù địch liên tục đối với phương Tây, điều mà ông nói trong bài phát biểu trước quốc dân.

Việc ông Putin phản đối phương Tây không chỉ thể hiện tức giận trước sự hỗ trợ của các nước này dành cho Ukraine mà còn thể hiện ở điều mà ông coi là làm suy yếu nền tảng đạo đức của Nga.

Nga năm ngoái đã cấm “phong trào” LGBTQ+ bằng cách tuyên bố đây là phong trào cực đoan theo những gì các quan chức cho là một cuộc đấu tranh cho các giá trị truyền thống, giống như những giá trị được Giáo hội Chính thống Nga tán thành, trước ảnh hưởng của phương Tây. Tòa án cũng cấm chuyển đổi giới tính.

Mặc dù phe đối lập và các phương tiện truyền thông độc lập gần như đã biến mất dưới các biện pháp đàn áp của ông Putin, nhưng vẫn có khả năng xảy ra những động thái tiếp theo nhằm kiểm soát không gian thông tin của Nga, bao gồm cả việc tiến tới nỗ lực thiết lập một “mạng Internet có chủ quyền”.

Lễ nhậm chức của Putin diễn ra hai ngày trước Ngày Chiến thắng, ngày lễ thế tục quan trọng nhất của Nga, kỷ niệm việc Hồng quân Liên Xô chiếm được Berlin trong Thế chiến Thứ hai và những gian khổ to lớn của cuộc chiến, trong đó Liên Xô đã mất khoảng 20 triệu người.

Sự thất bại của Đức Quốc xã là một phần không thể thiếu đối với bản sắc của nước Nga hiện đại và đối với sự biện minh của ông Putin về cuộc chiến ở Ukraine như một cuộc đấu tranh có thể so sánh được.

GIAO TRANH BẮT ĐẦU, THẢM HỌA CHỰC CHỜ Ở RAFAH

Giao tranh bắt đầu nổ ra sau khi Israel ra lệnh cho 100.000 người Palestine sơ tán khỏi miền đông Rafah trước một cuộc tấn công trên bộ.

Những lo ngại càng gia tăng về khả năng xảy ra thảm họa và thương vong lớn ở Rafah khi Israel bắt đầu tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào thành phố phía nam của Gaza.

Tờ Thời báo Israel ngày 7/5 đưa tin, quân đội Israel cho biết giao tranh đã nổ ra gần cửa khẩu Rafah với Ai Cập. Các thông tin chỉ ra rằng binh sĩ và xe tăng của Israel đang tiến gần phía cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza sau khi giao tranh dọc theo cái gọi là Hành lang Philadelphi ở biên giới Ai Cập - Gaza.

Trong đoạn phim do đài truyền hình al-Qahera của Ai Cập phát sóng, có thể nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ dữ dội cũng như tiếng máy bay phản lực.

Một quan chức Ai Cập cho biết hoạt động này dường như bị giới hạn về phạm vi. Ông này và đài truyền hình Al-Aqsa do Hamas quản lý cho biết các quan chức Israel đã thông báo với phía Ai Cập rằng quân đội Israel sẽ rút lui sau khi hoàn thành một chiến dịch có mục tiêu.

Một quan chức an ninh Palestine và một quan chức Ai Cập xác nhận rằng xe tăng của Israel đã tiến vào Rafah ở phía nam Gaza.

Israel đã ra lệnh cho người Palestine rời khỏi các khu vực phía đông Rafah trước một cuộc tấn công dự kiến trên bộ vào thành phố. Quân đội Israel đang yêu cầu khoảng 100.000 người Palestine tới "khu vực nhân đạo mở rộng" ở Khan Younis và al-Mawasi.

Phát ngôn viên quân đội Israel, Trung tá Nadav Shoshani ngày 6/5 cho biết hoạt động được lên kế hoạch ở Rafah có "phạm vi hạn chế", lưu ý thêm rằng việc sơ tán người dân khỏi phía đông Rafah sẽ được thực hiện "một cách từ từ".

Thảm họa đang rình rập

Hơn một nửa trong số 2,3 triệu dân của Gaza bị kẹt ở Rafah. Hầu hết họ là những người Palestine phải rời bỏ nhà cửa ở những nơi khác trong Dải Gaza để tránh giao tranh.

Hamas đã cảnh báo về hậu quả của lệnh sơ tán. "Đây là một sự leo thang nguy hiểm và sẽ gây ra hậu quả", quan chức Hamas Sami Abu Zuhri nói với hãng tin Reuters.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng nói rằng Mỹ "phải chịu trách nhiệm về những tác động của việc Israel tấn công vào Rafah".

Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo về một thảm họa và nhấn mạnh cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ rất “kinh hoàng”.

James Elder, người phát ngôn của UNICEF, nói rằng vụ tấn công sẽ trở thành “thảm họa tiếp nối thảm họa” vì việc tấn công vào Rafah sẽ không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng của hơn 600.000 trẻ em mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Gaza.

Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 7/5 cho rằng một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah sẽ là “không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi Israel và Hamas “tiến xa hơn nữa” để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

“Đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ, và một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah sẽ không thể chấp nhận được vì những hậu quả nhân đạo tàn khốc của nó cũng như tác động gây bất ổn trong khu vực”, ông Guterres nói với Tổng thống Italy Sergio Mattarella.

Tuyên bố của người đứng đầu Liên hợp quốc được đưa ra khi có thông báo rằng Hamas đã đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng các quan chức Israel cho biết những điều khoản mà Hamas đã chấp nhận không khớp với những điều khoản mà Israel yêu cầu.

Cuối ngày 6/5, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết nội các chiến tranh của nước này đã nhất trí quyết định thúc đẩy chiến dịch quân sự ở Rafah “nhằm gây áp lực quân sự lên Hamas, với mục tiêu đạt được tiến bộ trong việc giải thoát con tin và các mục tiêu chiến tranh khác”.

VẬN TẢI BIỂN GẶP KHÓ KHI CĂNG THẲNG BIỂN ĐỎ GIA TĂNG

Tập đoàn vận tải biển Maersk ngày 6/5 cho biết tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển container trên Biển Đỏ đang gia tăng và được dự đoán có thể làm giảm tới 20% năng lực vận tải biển giữa khu vực Viễn Đông và châu Âu trong quý II/2024.

Kể từ tháng 12/2023, Maersk và các hãng tàu khác đã phải chuyển hướng tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi để tránh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Biển Đỏ. Điều này khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn, đẩy giá cước vận tải lên cao.

Trong một thông báo gửi đến khách hàng ngày 6/5, Maersk cho biết khu vực rủi ro đã mở rộng, buộc các tàu phải kéo dài hành trình hơn, dẫn đến việc mất thêm thời gian và chi phí để đưa hàng hóa đến đích.

Do phải chuyển hướng tránh kênh đào Suez, Maersk ước tính năng lực vận chuyển container giữa khu vực Viễn Đông và Bắc Âu, cũng như Địa Trung Hải sẽ giảm từ 15-20% trong quý II/2024.

Các chuyến đi vòng qua châu Phi đã gây ra một số tác động dây chuyền, như tình trạng tắc nghẽn, thiếu hụt thiết bị và năng lực xử lý,...

Maersk cho biết hãng đang làm mọi cách có thể để nâng cao chất lượng vận tải. Đến nay, Maersk đã thuê thêm hơn 125.000 container.

Một phát ngôn viên của Maersk nhận định tình hình ở Biển Đỏ vẫn diễn biến phức tạp. Tập đoàn vận tải biển Đan Mạch này tuần trước cho biết tình trạng gián đoạn vận chuyển được dự đoán sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm. Trong khi đó, hãng tàu Hapag-Lloyd của Đức có vẻ lạc quan hơn, khi tin rằng tình hình này có thể được khắc phục trước cuối năm 2024.

Nguồn: Kenh14; Soha; VOA; CafeF; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang