'Nền kinh tế phụ nữ' ở TQ; Vàng giả nở rộ ở TQ; Làn sóng biểu tình phản chiến; Siêu dự án của Campuchia; Nga dọa 'trả thù tàn khốc'

TRUNG QUỐC ĐANG BÙNG NỔ NỀN KINH TẾ PHỤ NỮ

Suốt nhiều năm qua, cô Lucy Nan, cư dân Quảng Châu, đã dành phần lớn thu nhập cá nhân để thoả mãn niềm đam mê lớn nhất của mình – sưu tầm đồ thủ công như đồ cổ gia đình đến tranh vẽ.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, người phụ nữ 49 tuổi chưa lập gia đình thậm chí còn thuê một biệt thự nhỏ trị giá khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.379 USD)/tháng chỉ để trưng bày bộ sưu tập của cô - như gốm sứ châu Âu, đồ sơn mài Nhật Bản.

“Phải nói rằng tôi khá coi trọng bản thân trong cuộc sống hàng ngày và chi tiêu. Tôi sẵn sàng trả 2.000 nhân dân tệ để được thưởng thức đồ ăn tại một nhà hàng sang trọng”, cô Nan, người từng du học Australia nhưng đã trở về nước sau khi tốt nghiệp, chia sẻ.

Mặc dù kiếm sống bằng nghề viết văn tự do và buôn đồ cổ - công việc không có thu nhập ổn định, Nan cho biết cuộc sống của cô khá tốt khi cô hoàn toàn tập trung cho bản thân.

Nan chỉ là một trong số nhiều phụ nữ Trung Quốc, với trình độ học vấn được cải thiện, khả năng tài chính tốt hơn và lối sống đa dạng, đang hào phóng hơn trong việc đầu tư cho hạnh phúc của bản thân, thúc đẩy nền “nền kinh tế phụ nữ” ngày càng phát triển ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần ổn định kỳ vọng về thu nhập để tận dụng tối đa lợi thế của người tiêu dùng nữ. Đây một trong những nhóm người tiêu dùng có ảnh hưởng nhất thế giới, khi nước này tìm cách chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư sang mô hình phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng.

Trong cuộc điều tra dân số năm 2020, một cụm từ đã được đặt ra để mô tả tác động ngày càng tăng của phụ nữ đối với nền kinh tế, được gọi gọi là “she-conomy” - nền kinh tế phụ nữ ở Trung Quốc - được hỗ trợ bởi nữgiới trong độ tuổi lao động, khoảng 433 triệu người.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nhóm này đóng vai trò dẫn đầu trong chi tiêu cá nhân và mua sắm gia đình ở Trung Quốc. Vào năm 2022, mức tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng nữ cao hơn 5,51% so với nam giới trên JD.com, một trong những nền tảng vận chuyển trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc.

Bà Keiyou Wang tại Công ty nghiên cứu thị trường Mintel cho biết: “Ảnh hưởng của người tiêu dùng nữ đối với tổng mức tiêu dùng của Trung Quốc không chỉ nằm ở sức mua lớn, mà còn cả vị thế ngày càng tăng và khả năng kích thích sức mua chi tiêu của họ”.

Bà nói thêm rằng so với nam giới, sở thích của phụ nữ Trung Quốc đối với những thứ “không cần thiết”, bao gồm hàng hóa và dịch vụ mua để kỷ niệm tất cả các ngày đặc biệt, đang tiếp thêm sức sống cho thị trường.

Theo Shen Jiake, tiểu thuyết gia nổi tiếng dành cho phụ nữ và là nhà bình luận độc lập có lượng lớn phụ nữ theo dõi, một phần quan trọng của xu hướng này đến từ nhận thức ngày càng tăng của phụ nữ về việc đối xử tốt với bản thân.

Shen nhận thấy rằng trong những năm gần đây, nhiều độc giả nữ hầu hết đã kết hôn của cô đang chi tiêu cho bản thân nhiều hơn.

“Một bà nội trợ nói với tôi rằng trước đây, 70% chi tiêu gia đình của cô ấy là dành cho con cái, nhưng bây giờ cô ấy chỉ dành 30% cho chúng, phần còn lại dành cho bản thân”, tiểu thuyết gia Shen nói và cho biết xu hướng khá rõ ràng là phụ nữ đang tập trung nhiều hơn vào bản thân và trở nên độc lập hơn trong chi tiêu.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường Wang cũng cho hay bên cạnh sở thích truyền thống về quần áo và trang điểm, phụ nữ Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sự quan tâm đến các lĩnh vực mới mà theo truyền thống nam giới thống trị, bao gồm ô tô và trò chơi.

Trích dẫn báo cáo gần đây của Mintel về thị trường bán lẻ ô tô Trung Quốc, Wang cho biết người tiêu dùng nữ đang quan tâm hơn đến cấu hình thông minh - bao gồm việc tích hợp các thiết bị điện tử, cảm biến và phần mềm phức tạp - và có ngân sách cao hơn nam giới.

Hồi tháng 3, Goldman Sachs cho biết “nền kinh tế phụ nữ” ở Trung Quốc đang gia tăng cùng xu thế tương tự ở các nơi khác trên thế giới, khi ngày càng có nhiều phụ nữ trong những thập kỷ qua đạt được tiến bộ trong việc đảm nhận nhiều vai trò trước đây do nam giới thống trị.

“Năm 2023, chúng ta chứng kiến ‘womenomics’ – tác động và đóng góp ngày càng tăng của phụ nữ vào nền kinh tế toàn cầu – thúc đẩy tỷ trọng tăng trưởng kinh tế lớn hơn bao giờ hết. Giờ đây, chúng tôi tin rằng đã đến lúc thế giới phải đón nhận hoàn toàn kỷ nguyên ‘nền kinh tế phụ nữ’”, Goldman Sachs cho biết và chỉ ra rằng bộ phim Barbie về nữ quyền của Mỹ là bộ phim có doanh thu cao nhất thế giới vào năm ngoái.

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường tiêu dùng nữ của Trung Quốc vẫn chưa được phát huy hết do xu hướng “thắt lưng buộc bụng” nói chung vẫn tồn tại trong bối cảnh niềm tin vào tăng trưởng kinh tế còn thấp do các vấn đề cơ cấu sâu xa, bao gồm cả sự bùng nổ của bong bóng tài sản và dân số già đi nhanh chóng.

Số liệu theo dõi người tiêu dùng hàng tháng của Mintel cho thấy bất kể giới tính, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu hợp lý và thực tế, hiện tượng “chi tiêu trước” và “vượt quá ngân sách” đang giảm dần.

Nhưng phụ nữ vẫn sẵn sàng chi tiêu hơn nam giới. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Mintel về các hoạt động giảm căng thẳng, 64% người được hỏi cho biết “tiết kiệm tiền khiến tôi hạnh phúc hơn chi tiêu”, con số này là 68% ở nam giới.

Ông Xiao Lisheng, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết người tiêu dùng cần tăng thu nhập ổn định và cải thiện thị trường việc làm để cảm thấy thoải mái hơn khi chi tiêu.

“Nền kinh tế đang trong quá trình ổn định, nhưng vẫn có mức độ không chắc chắn nhất định về sự ổn định đó, và điều này cũng đúng với tăng trưởng thu nhập. Vì vậy, tôi nghĩ vẫn cần thời gian để ‘mở khóa’ khả năng chi tiêu nhiều hơn”, ông nói.

Trung Quốc đã báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,2% vào năm ngoái. Bắc Kinh đang đặt mục tiêu duy trì tốc độ khoảng 5% trong năm nay, điều mà nhiều nhà kinh tế tin rằng sẽ là thách thức bất chấp mức tăng trưởng 5,3% trong quý đầu tiên.

Tiêu dùng đã đóng góp 82,5% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023. Giới chuyên gia dự đoán tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay do nhu cầu bị dồn nén vì năm 2023 là năm đầu tiên mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.

GIỮA CƠN SỐT, HÀNG NGHÌN NGƯỜI TRUNG QUỐC MUA PHẢI VÀNG GIẢ

Hàng nghìn người ở Trung Quốc đã bị lừa mua vàng giả sau khi cố mua trực tuyến cái gọi là "vàng 999".

Đà tăng của giá vàng gần đây đã kéo theo cơn sốt vàng ở Trung Quốc, nhưng cùng với đó là sự gia tăng các vụ lừa đảo vàng ở quốc gia tỷ dân này.

Báo cáo về sự gia tăng các vụ lừa đảo vàng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương và các trang web bảo vệ người tiêu dùng như Heimao Tousu.

Theo chính phủ Trung Quốc, hàng nghìn người ở Trung Quốc đã bị lừa mua vàng giả, vàng kém chất lượng hoặc nhân tạo, sau khi cố mua trực tuyến cái gọi là "vàng 999".

Vàng nguyên chất nhất thường được gọi là vàng 999, vì nó có hàm lượng vàng là 99,9%, đôi khi còn được gọi là vàng 24 carat.

Một người mua trực tuyến cho biết, ông phát hiện mua phải vàng giả sau khi tiến hành thử lửa. Vàng giả sẽ sẫm màu hơn hoặc lộ ra màu xanh lục khi đặt dưới ngọn lửa, trong khi vàng nguyên chất sẽ sáng hơn khi tiếp xúc với nhiệt.

Shaun Rein, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, cho biết: "Vàng giả đang trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc khi ngày càng nhiều người muốn bỏ tiền tiết kiệm vào vàng".

Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu tiêu dùng vàng hàng đầu, sau khi nước này vượt qua Ấn Độ vào năm 2023 để trở thành nước mua vàng trang sức lớn nhất thế giới.

Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn trang sức vàng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022.

"Nhu cầu về vàng kết hợp với sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc không thể phân biệt giữa vàng 24 carat và vàng chất lượng thấp hơn đã làm nảy sinh những kẻ lừa đảo", ông Rein nói.

"Điều chính mà người tiêu dùng có thể làm để tự bảo vệ mình là mua hàng từ các nguồn có uy tín, cho dù đó là trực tuyến hay tại cửa hàng", một người trong ngành cho biết.

LÀN SÓNG BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI BẠO LỰC Ở GAZA LAN RỘNG

Làn sóng biểu tình phản đối xung đột ở Gaza đã lan rộng ở các trường đại học tại Mỹ, Australia, Canada, Ấn Độ, Lebanon và nhiều nước châu Âu. Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đã sang tháng thứ 7 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu bất chấp những thiệt hại ngày một lớn về nhân mạng.

Tại Mỹ, hơn 2.000 người đã bị bắt giữ kể từ ngày 18/4 vừa qua liên quan tới các cuộc biểu tình trong các trường đại học nhằm phản đối chiến tranh tại Gaza. Tâm điểm là tại khuôn viên Đại học Columbia chi nhánh Los Angeles khi đụng độ xảy ra giữa nhóm người biểu tình ủng hộ Israel với những người ủng hộ Palestine. Tình trạng hỗn loạn cũng xảy ra tại Đại học Columbia chi nhánh New York, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp.

Làn sóng biểu tình lần này là đợt đấu tranh lớn nhất của sinh viên Mỹ kể từ làn sóng chống phân biệt chủng tộc năm 2020. Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi làn sóng biểu tình mới nhất này nổ ra, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng cho thấy lập trường cân bằng đối với một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc tại Mỹ khi nhấn mạnh tầm quan trọng của cả quyền tự do ngôn luận và việc thượng tôn pháp luật.

“Tất cả chúng ta đều đã thấy hình ảnh về những gì xảy ra tại các khuôn viên trường đại học và điều này đang thách thức 2 nguyên tắc cơ bản của nước Mỹ. Đó là quyền tự do ngôn luận và quyền của mọi người được biểu tình hoà bình. Thứ 2 là việc thượng tôn luật pháp. Trên thực tế, biểu tình ôn hoà là một truyền thống và cách để người Mỹ phản ứng trước các vấn đề mang tính hậu quả. Tuy nhiên, chúng ta cũng không phải là một quốc gia vô pháp luật, trật tự phải được ưu tiên”, Tổng thống Biden nói.

Không chỉ tại Mỹ, các cuộc biểu tình phản chiến cũng diễn ra tại nhiều trường đại học tại Trung Đông, châu Âu và châu Mỹ. Tại Australia, các trại biểu tình đã được dựng lên ở 7 trường đại học trên khắp cả nước từ Melbourne, Sydney ở phía Đông Nam, đến Adelaide ở miền Trung và Perth dọc theo bờ biển phía Tây.

Còn tại Pháp, chính quyền đã phải huy động cảnh sát chống chống bạo động nhằm đảo bảm an ninh trật tự tại các trường Đại học, trong đó có Đại học Sciences Po ở thủ đô Paris và Đại học Sorbonne. Mặc dù khẩu hiệu của các cuộc biểu tình là không giống nhau, nhưng phần lớn đều kêu gọi các trường đại học thoái vốn khỏi bất kỳ công ty nào có liên hệ với Israel hoặc các doanh nghiệp đang thu lợi từ xung đột tại Gaza, minh bạch hơn về tài chính của trường và miễn trừng phạt các sinh viên cũng như giảng viên bị kỷ luật trong các cuộc biểu tình.

Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh các bên liên quan xung đột giữa Hamas và Israel đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza. Mỹ, Ai Cập và Qatar đang thúc đẩy 1 kế hoạch gồm 3 giai đoạn nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức kéo dài 6 tuần tại Gaza, thả các con tin và hướng tới đàm phán về một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Tuy nhiên triển vọng vẫn là chưa chắc chắn khi lập trường giữa các bên vẫn còn những khác biệt. Trong khi Hamas muốn Israel rút quân hoàn toàn và chấm dứt chiến tranh, thì Israel vẫn coi việc tiêu diệt hoàn toàn Hamas là mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự và muốn có quyền kiểm soát an ninh đối với dải Gaza thời hậu chiến.

Yêu cầu về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Một báo cáo công bố hồi tuần này của Liên Hợp Quốc cho thấy, nếu xung đột giữa Israel và Hamas chấm dứt ngay lập tức, thì vẫn phải cần đến 16 năm mới xây dựng lại được tất cả những ngôi nhà đã bị phá huỷ tại Gaza. Báo cáo cũng cảnh báo rằng những thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ cản trở sự phát triển của nhiều thế hệ tại vùng lãnh thổ Palestine nhỏ bé này.

CAMPUCHIA & SIÊU DỰ ÁN 16 TỶ USD

Từ những căn lều nằm bên hồ bơi của một câu lạc bộ bãi biển mới mở có thể nghe thấy tiếng ồn từ những con tàu nạo vét gần đó, phá vỡ sự yên bình ở khu phát triển ven biển lớn nhất của Campuchia từ trước đến nay.

Dự án Vịnh Ánh sáng ( Bay of Light ) đang được triển khai giai đoạn 1, để tạo nên “thành phố sinh thái” rộng 934 ha với mức đầu tư 16 tỷ USD. Thành phố này sẽ rộng gần gấp 3 lần Vịnh Marina của Singapore.

Những con đường mới được xây dựng mang tên Sunset Boulevard và Bay Esplanade dẫn đến vô số hoạt động thể thao dưới nước và đường đua xe go-kart. Sân golf, trung tâm mua sắm, khách sạn sang trọng và trung tâm tài chính quốc tế cũng được quy hoạch ở đây.

Hiện tại, du khách có thể sử dụng dịch vụ nhảy bungee để nhìn đầy đủ quy mô của hoạt động cải tạo mặt bằng chưa hoàn thiện, trải dài đến tận Vịnh Thái Lan.

Cát được đổ với tốc độ nhanh đến mức ngay cả Google Maps cũng chưa thể bắt kịp thực tế khu vực luôn là nước giờ đây đã trở thành đất liền.

Khu vực này đang được phát triển bởi công ty Canopy Sands. Công ty mẹ của nó là Prince Holding Group, một tập đoàn hùng mạnh mà người lãnh đạo là Chen Zhi, một ông trùm kinh doanh đến từ Trung Quốc. Chen Zhi nhập tịch Campuchia năm 2014, một quá trình đòi hỏi sự đầu tư hoặc tài trợ đáng kể.

Vịnh Ánh Sáng được coi là một cách để thay đổi quỹ đạo phát triển của khu vực theo hướng bền vững hơn. Nó được thiết kế để trở nên thông minh, xanh và đáng sống, sử dụng công nghệ và dịch vụ tiên tiến và các nguồn năng lượng tái tạo.

Chính quyền tỉnh mong muốn tích hợp thành phố mới vào tham vọng rộng lớn hơn là biến Sihanoukville thành đặc khu kinh tế đa mục đích.

Canopy Sands hướng tới mục tiêu biến vùng đất trống thành đô thị thịnh vượng. Và quy mô của dự án có thể vượt xa bất cứ điều gì từng thấy ở bờ biển Campuchia trước đây.

Tuy nhiên, những cáo buộc về nguồn gốc tài sản của Tập đoàn Prince Holding và sự tham gia của tập đoàn này vào hoạt động bất hợp pháp ở Campuchia đang bị để ý, theo bài viết của CNA .

Từ khi bắt đầu hoạt động tại Campuchia năm 2015, Prince phát triển nhanh chóng nhiều ngành khác nhau để trở thành đế chế trị giá hàng tỷ đô la. Tập đoàn này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Sihanoukville suốt thập kỷ qua.

Ông Chen Zhi, người gốc Phúc Kiến (Trung Quốc), gần đây được trao tặng danh hiệu "Neak Oknha", tạm dịch là "Ngài" trong tiếng Khmer, một danh hiệu có nhiều ảnh hưởng ở Campuchia.

Tuy nhiên, hình ảnh của người đàn ông này bị nghi ngờ trong những tháng gần đây, sau khi có thông tin nói rằng Prince sử dụng nhiều công ty vỏ bọc và buôn tiền để bán phần mềm chơi game trực tuyến, chuyển tiền bất hợp pháp và liên quan đến các trung tâm lừa đảo hoạt động ở Campuchia. Prince phủ nhận cáo buộc này.

Về dự án Vịnh Ánh sáng, Canopy Sands cho biết đã “tích cực trao đổi với nhiều nhóm nhà đầu tư quốc tế” ngoài Trung Quốc, như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, UAE, Indonesia và Thái Lan. Ông Chen khẳng định điều “thể hiện sức hấp dẫn toàn cầu của dự án và tiềm năng định nghĩa lại cuộc sống đô thị”.

NGA ĐE DỌA ‘TẤN CÔNG TRẢ THÙ TÀN KHỐC’ NẾU UKRAINE TẤN CÔNG CRIMEA

Nga hôm 3/5 đe doạ sẽ “tấn công trả thù tàn khốc” nếu Ukraine, được phương Tây hậu thuẫn, tấn công Crimea hoặc Cầu Crimea nối miền nam nước Nga với bán đảo Biển Đen, từng là mục tiêu của Kyiv hai lần trước.

Moscow cho biết họ tin rằng Ukraine, nước gần đây đã nhận hệ thống tên lửa dẫn đường ATACM tầm xa từ Mỹ, đang âm mưu tấn công cây cầu trước hoặc vào ngày 9 tháng 5, ngày Nga kỷ niệm chiến thắng Thế chiến thứ hai của Liên Xô trước Đức Quốc xã.

Nga đã chiếm và sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Kyiv đã nhiều lần tuyên bố rằng họ coi việc xây dựng cây cầu đường bộ và đường sắt, vốn được dùng để di chuyển quân đội và vũ khí, là bất hợp pháp. Ukraine nói họ muốn chiếm lại Crimea.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, liệt kê các tuyên bố và bài đăng trên mạng xã hội của các quan chức Ukraine và các nước thành viên Liên minh Châu Âu mà bà nói rằng cho thấy cây cầu nằm trong tầm ngắm của Kyiv.

Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya ngày 1/5 đã đăng trên X cái mà ông gọi là "danh sách năm 2024 gồm 6 loại cầu chính" kèm theo một loạt hình ảnh.

Hình ảnh cuối cùng, được đặt tên "Kerch", tên của thị trấn Crimea ở một đầu Cầu Crimea, được để trống, có lẽ gợi ý rằng nó sẽ bị phá hủy.

Một số nhà ngoại giao và quan chức Đông Âu đã đăng tải nội dung tương tự.

“Cầu Crimea một lần nữa lại nằm trong tầm ngắm,” bà Zakharova nói trong một cuộc họp báo.

"Việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào cây cầu, điều khó có thể tin được, hiện đang được tiến hành một cách công khai, với sự phô trương và với sự hỗ trợ trực tiếp và trắng trợn tuyệt đối của tập thể phương Tây.

“Tôi muốn cảnh báo Washington và Brussels rằng bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Crimea sẽ không chỉ thất bại mà còn bị tấn công trả thù tàn khốc,” người phát ngôn của Nga nói.

Bà Zakharova lưu ý rằng Ngoại trưởng Anh David Cameron hôm 2/5 nói rằng Ukraine có quyền sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga, điều mà bà nói là bằng chứng cho thấy phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Moscow.

Crimea là một phần của Đế quốc Nga và sau đó là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga từ năm 1783 đến năm 1954 khi Moscow tặng nó cho Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine lúc cả hai đều thuộc Liên Xô.

Moscow giờ đây nói rằng quyết định đó là một sai lầm.

Hạm đội Biển Đen của Nga, vốn liên tục bị Ukraine tấn công, có trụ sở tại Crimea.

Nguồn: Báo Tin Tức; Dân Trí; VOV; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang