Thị trấn ma iPhone tại TQ; 'Tiền bẩn' từ TQ tìm nơi trú ẩn; Dubai lại ngập lụt; Gazprom lần đầu báo lỗ; Nỗ lực tái thiết Gaza

THIÊN ĐƯỜNG SẢN XUẤT IPHONE TẠI TRUNG QUỐC BIẾN THÀNH THỊ TRẤN MA: Ồ ẠT CHUYỂN THIẾT BỊ, 50.000 CÔNG NHÂN GIỜ KHÔNG CÒN AI

Một đoạn phim mới đây đã ghi lại hình ảnh nhà máy Foxconn Nam Ninh, nơi từng sản xuất lượng lớn sản phẩm Apple, đang bị bỏ hoang.

Foxconn đang đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc do dây chuyền sản xuất iPhone chuyển sang các khu vực khác. Những tác động lên ngành công nghiệp đã được thể hiện rõ trong một video mới.

Apple từ lâu đã vận hành hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nhưng những năm gần đây họ đã chuyển hướng sang các nước khác. Việc sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam đang gia tăng, trong khi ít sản phẩm được lắp đặt tại Trung Quốc hơn.

Video do kênh China Observer đăng tải hôm 29/4 đã quay lại hình ảnh vắng vẻ tiêu điều tại khu công nghiệp Foxconn Nam Ninh. Từng tuyển dụng 50.000 người, giờ đây nhà máy này gần như trở thành nhà hoang. Theo AppleInsider, do hoạt động của Apple chuyển sang các quốc gia khác, năng lực sản xuất ở Trung Quốc bị cắt giảm, dẫn đến việc đóng cửa nhà máy này.

Một người dân cho biết nhà máy này từng cần nguồn lương thực lớn để phục vụ 50.000 công nhân viên, bao gồm 60 tấn gạo, 280 con lợn, 1,2 triệu quả trứng và 80.000 con gà mỗi ngày.

Không chỉ thị trấn hoang nơi chính nhà máy này tọa lạc, các khu vực lân cận cũng chịu sự ảnh hưởng. Nhiều tòa nhà cao tầng gần đó được xây dựng để làm nơi ở cho công nhân viên nhà máy đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người thuê, ngay cả khi đã giảm giá mạnh.

Người dân địa phương không có nhiều hy vọng rằng Foxconn sẽ sớm vận hành lại nhà máy này vì các biển hiệu đã bị gỡ bỏ. Họ cho biết, chỉ có một số tòa nhà vẫn đang được Foxconn sử dụng, còn phần lớn bị bỏ trống hoặc cho thuê.

Nhà máy mục nát và hoang tàn là dấu hiệu cho thấy Foxconn đã thực hiện những thay đổi đối với hoạt động sản xuất của mình. Đặc biệt là khi Apple muốn chuyển đổi dây chuyền sản xuất phân tán ở nhiều quốc gia, thay vì chỉ tập trung ở Trung Quốc.

Một số hoạt động ở các nước khác thậm chí còn được hưởng lợi từ việc đóng cửa. Nguồn tin cho biết, thiết bị từ các nhà máy tại Trung Quốc đã được đưa đến các nhà máy tương tự ở Việt Nam.

Đối với địa phương, việc đóng cửa chứng tỏ hoạt động sản xuất của Apple mang lại cho khu vực này nguồn lợi lớn đến mức nào, đồng thời cũng cho thấy điều đó có thể biến mất nhanh như thế nào. Nếu không có bất kỳ ngành công nghiệp dự phòng nào khác, các biến cố có thể gây tổn hại vô cùng lớn.

"TIỀN BẨN” TỪ TRUNG QUỐC TÌM NƠI TRÚ ẨN MỚI: ĐÔNG NAM Á ĐƯỢC GỌI TÊN

Hàng tỷ đô la tiền bất hợp pháp của Trung Quốc đang rời khỏi Đại lục và đi qua các trung tâm lừa đảo và cờ bạc trực tuyến ở Đông Nam Á, nơi chúng thay thế các sòng bạc ở Macau.

Steve Vickers - Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro chính trị và doanh nghiệp Steve Vickers and Associates có trụ sở tại Hongkong (Trung Quốc) - cho biết: "Trước năm 2022, đã có một làn sóng tiền ra khỏi Trung Quốc đại lục vi phạm các quy định kiểm soát vốn và một số trong đó chuyển qua các hoạt động cờ bạc bất hợp pháp ở Đông Nam Á và Macau".

"Các tổ chức cờ bạc trước đây ở Macau đã bị tiêu diệt", ông Vickers nói và cho biết thêm, thay vào đó, các tập đoàn cờ bạc bất hợp pháp đang chuyển sang hoạt động cờ bạc trực tuyến tại các khu vực được quản lý kém ở các nước Đông Nam Á.

Trong một báo cáo hồi tháng 1/2024, Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp sòng bạc ở Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng theo cấp số nhân, với hơn 340 sòng bạc được cấp phép và không có giấy phép hoạt động vào đầu năm 2022.

Báo cáo giải thích rằng, việc này diễn ra sau một loạt các hành động thực thi pháp luật ở Macau (Trung Quốc), một phần được thúc đẩy bởi những nỗ lực xử lý tham nhũng, rửa tiền và dòng vốn bất hợp pháp chảy ra từ Trung Quốc đại lục.

Từ năm 2019 đến năm 2023, các biện pháp mới đã dẫn đến việc bắt giữ và kết án một số ông chủ sòng bạc Macau, bao gồm Alvin Chau và Levo Chan - những người mà báo cáo của UNODC mô tả là hai trong số những nhà điều hành sòng bạc lớn nhất thế giới.

Alvin Chau bị bắt vào tháng 11/2021 và bị kết án 18 năm tù ở Macau vào tháng 1 năm ngoái. Levo Chan bị kết án 14 năm tù, sau đó giảm xuống còn 13 năm tù vào tháng 4 năm ngoái.

Báo cáo của UNODC cho biết, do sự kiểm soát chặt chẽ, các nhà điều hành sòng bạc đã chuyển từ Macau - trung tâm cờ bạc của châu Á - đến các đặc khu kinh tế của Đông Nam Á - bằng chứng là số lượng sòng bạc được cấp phép đã giảm đáng kể ở Macau, giảm từ mức cao 235 sòng bạc vào năm 2014 xuống chỉ còn 36 vào năm ngoái, và chỉ còn 12 sòng bạc được cho là vẫn còn hoạt động.

Báo cáo của UNODC cho biết: "Nhiều sòng bạc trực tuyến bất hợp pháp ở Đông Nam Á đã đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của họ sang hoạt động lừa đảo qua mạng, với nhiều bằng chứng về sự xâm nhập của tội phạm có tổ chức trong các sòng bạc và đặc khu kinh tế nhằm mục đích che giấu các hoạt động bất hợp pháp khác nhau."

Nhiều đối tượng đã chuyển địa bàn hoạt động sang các khu vực pháp lý được quản lý lỏng lẻo hơn tại Campuchia, Philippines,... cũng như vùng biên giới đang có xung đột ở Myanmar. Từ giữa đại dịch COVID-19, các đối tượng này cũng bắt đầu chuyển sang lừa đảo qua mạng.

'Tâm điểm' Sihanoukville

Ngày 13/4, Bộ Công an Trung Quốc thông báo rằng 130 công dân Trung Quốc đã được dẫn độ từ Campuchia về Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vì tình nghi liên quan đến hoạt động cờ bạc xuyên biên giới và lừa đảo trực tuyến. Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, đây là những đối tượng đầu tiên nằm trong số 670 nghi phạm Trung Quốc được hồi hương từ quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết, cuộc trấn áp - một hoạt động chung giữa cảnh sát Trung Quốc và Campuchia tập trung vào thành phố ven biển Sihanoukville của Campuchia - đã "đạt được kết quả đáng chú ý".

Báo cáo của Liên đoàn Đua ngựa Châu Á (ARF) - tổ chức khu vực bao gồm 28 cơ quan quản lý đua ngựa quốc gia và các tổ chức liên quan đến đua ngựa từ khắp châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và Trung Đông - cho biết, trước khi nhà chức trách bắt đầu hành động vào cuối năm 2022, Campuchia đã trở thành "tâm điểm buôn người" liên quan đến cá cược trực tuyến và lừa đảo qua mạng do tội phạm có tổ chức điều hành, trong đó đặc khu kinh tế Sihanoukville là địa điểm "cực kỳ phổ biến" vì mức thuế thấp và dễ dàng có được giấy phép sòng bạc.

"Điều này đã biến đổi thị trấn ven biển, và đến đầu năm 2019, đã có gần 100 sòng bạc; các dự án xây dựng khổng lồ, thường được quản lý kém; và một lượng lớn người nhập cư, chủ yếu là người Trung Quốc, lúc cao điểm lên tới 500.000 người", báo cáo của ARF viết và cho biết thêm, sòng bạc đang được điều hành bởi những tên tội phạm trước đây bị kết án cá cược bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Theo báo cáo của ARF, cá cược bất hợp pháp và lừa đảo qua mạng là hoạt động kinh doanh lớn của các tập đoàn lừa đảo, thu về ước tính khoảng 40 tỷ USD đến 100 tỷ USD mỗi năm từ các hoạt động của chúng ở Campuchia, Philippines, Myanmar,... với khoảng 250.000 người được cho là đang phải làm việc cưỡng bức trong lĩnh vực này.

Báo cáo của UNODC cho biết, đánh giá của Bắc Kinh thậm chí còn đưa ra con số cao hơn, với ước tính khoảng 5 triệu người được cho là có liên quan đến lĩnh vực này tính đến năm 2020 và chính phủ Trung Quốc ước tính dòng vốn chảy ra khỏi nước này trị giá 157 tỷ USD.

NGẬP LỤT TIẾP TỤC LÀM KHỔ DUBAI

Sân bay Dubai phải hủy và hoãn nhiều chuyến bay vì mưa lớn gây ngập, hai tuần sau trận lụt lịch sử đánh gục hạ tầng thành phố.

Hãng hàng không Emirates của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo hủy 9 chuyến bay xuất phát từ sân bay quốc tế Dubai vào sáng 2/5 do mưa lớn. Hàng chục chuyến bay khác của các hãng hàng không quốc tế tới sân bay này cũng bị điều chỉnh lịch trình.

Giông bão quét qua khắp UAE từ rạng sáng cùng ngày, gây ngập lụt tại nhiều khu vực. Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE (NMC) phát cảnh báo Cam đối với nhiều khu vực, mức cao thứ hai trong thang cảnh báo sau cấp độ Đỏ.

Dubai ghi nhận lượng mưa 20 mm trong vòng 12 tiếng, gấp đôi tổng lượng mưa thường niên của tháng 4 và tháng 5, khiến nhiều đoạn đường ngập nước. Abu Dhabi cũng ghi nhận lượng mưa 34 mm trong vòng 24 tiếng.

Chính phủ UAE khuyến cáo công ty và trường học trong các khu vực bị ảnh hưởng cho nhân viên làm việc từ xa và dạy học trực tuyến vào hai ngày 2/5 và 3/5. Cơ quan Tri thức và Phát triển con người (KHDA) yêu cầu mọi trường tư nhân, nhà trẻ và trường đại học thực hiện chỉ đạo.

Công viên và bãi biển phải tạm ngừng hoạt động, trong khi nhân viên chính phủ được làm việc tại nhà.

Hai tuần trước, UAE hứng chịu trận mưa lịch sử, gây ngập lụt nghiêm trọng, khiến ít nhất 23 người thiệt mạng. Lượng mưa trút xuống Dubai trong 24 tiếng tương đương gần hai năm, khiến thành phố này ngập trong biển nước, cả đô thị hiện đại gần như tê liệt trong nhiều ngày.

Lượng mưa kỷ lục đã bộc lộ hạn chế của hạ tầng thoát nước Dubai trước thời tiết cực đoan và thiếu đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu.

UAE có khí hậu sa mạc khô nóng, nhưng không đồng nghĩa nước này không có nguy cơ bị ngập lụt. Năm 2020, nước này từng hứng chịu đợt mưa lớn nhất 20 năm và thành phố Dubai cũng rơi vào tình trạng tê liệt tương tự.

SAU 23 NĂM, GAZPROM LẦN ĐẦU BÁO LỖ ĐẬM

Cổ đông chính của Gazprom – Chính phủ Nga – phải đối mặt với căng thẳng tài chính trong bối cảnh chi tiêu quân sự tăng cao và các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU.

Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom thuộc sở hữu nhà nước Nga vừa tiết lộ khoản lỗ ròng hàng năm đầu tiên sau 23 năm, báo hiệu sự thay đổi đáng kể về hiệu quả tài chính trong bối cảnh lượng khí đốt vận chuyển đến châu Âu giảm dần và giá khí đốt giảm mạnh do căng thẳng địa chính trị.

Theo kết quả công bố ngày 2/5, Gazprom phải đối mặt với khoản lỗ ròng 629 tỷ Rúp (6,9 tỷ USD) vào năm 2023. Các nhà phân tích dự kiến doanh thu ròng năm ngoái của gã khổng lồ năng lượng Nga là 447 tỷ rúp (4,81 tỷ USD), theo hãng tin Interfax. Điều này trái ngược hoàn toàn với doanh thu ròng 1.230 tỷ Rúp (13,2 tỷ USD) vào năm 2022.

Theo phân tích của Reuters, khoản lỗ năm 2023 là khoản lỗ hàng năm đầu tiên của Gazprom kể từ cuối những năm 1990/đầu những năm 2000, khi CEO Alexei Miller, đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tiếp quản công ty vào năm 2001.

Công ty, hiện có trụ sở tại St. Petersburg, đã thua lỗ nặng nề vào cuối những năm 1990 sau khi gánh nợ bằng ngoại tệ, bị lạm phát tính theo đồng Rúp do cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

Phản ứng của thị trường rất đáng chú ý, với việc giá cổ phiếu Gazprom giảm 3,3% lúc 13h07 giờ GMT (20h07 giờ Việt Nam) ngày 2/5, Reuters cho biết. Điều này phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng cổ tức. Cổ đông chính của Gazprom – Chính phủ Nga – phải đối mặt với căng thẳng tài chính trong bối cảnh chi tiêu quân sự tăng cao và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu, từng là thị trường xuất khẩu chính của nước này, đã sụt giảm kể từ khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong khi đó, Gazprom, công ty độc quyền vận chuyển khí đốt Nga ra nước ngoài, là nạn nhân rõ ràng nhất của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt.

Bất chấp những nỗ lực tăng cường vận chuyển khí đốt sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc, Gazprom vẫn tiếp tục vật lộn với việc mất thị trường truyền thống châu Âu. Mặc dù đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) nối với Trung Quốc đang dần đạt công suất thiết kế, nhưng nó không thể bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm nhu cầu khí đốt ở “lục địa già”.

Theo tính toán của Reuters, nguồn cung khí đốt của Gazprom cho châu Âu đã giảm mạnh 55,6% xuống 28,3 tỷ m3 vào năm 2023. Bản thân Gazprom đã không công bố số liệu thống kê xuất khẩu của mình kể từ đầu năm 2023

NỖ LỰC TÁI THIẾT GAZA HẬU XUNG ĐỘT

Những hậu quả thảm khốc do giao tranh để lại một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của các hành động tập thể nhằm sớm chấm dứt xung đột cũng như ngăn chặm thảm họa nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn tại Gaza.

Xung đột tại dải Gaza sắp bước sang tháng thứ 7. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, mức độ tàn phá tại dải đất này là chưa từng có kể từ Thế chiến II và việc tái thiết hậu xung đột có thể tiêu tốn ít nhất từ 40 tới 50 tỷ USD.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa đưa ra báo cáo đánh giá như một phần trong nỗ lực gây quỹ dành cho kế hoạch tái thiết Gaza. Đánh giá của UNDP nêu rõ, hơn 79.000 ngôi nhà ở Gaza đã bị phá hủy hoàn toàn trong xung đột và 370.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Trường học, cơ sở y tế, đường sá, hệ thống đường ống nước và tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng khác đều chịu thiệt hại nặng nề. UNDP kết luận, ngay cả trong những kịch bản lạc quan về tốc độ tái thiết, quy mô tàn phá ở Gaza kể từ đầu xung đột khiến quá trình tái thiết vùng lãnh thổ này có thể kéo dài đến năm 2040 và thậm chí là hàng thập kỷ.

Ngoài ra, báo cáo đánh giá của Liên Hợp Quốc còn đề cập chỉ số phát triển con người, đánh giá các yếu tố bao gồm số năm đi học, trình độ học vấn, sức khỏe và tuổi thọ người dân.

Ông Abdallah al-Dardari, Giám đốc văn phòng khu vực dành cho các quốc gia Arab tại Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) kêu gọi cấp 100 triệu USD để bắt đầu lên kế hoạch xây dựng lại Gaza bất chấp giao tranh vẫn đang diễn ra: "Tỷ lệ nghèo đói tăng lên đáng kinh ngạc, từ 38% lên 60%, thậm chí hơn 60% chỉ trong sáu tháng đầu của cuộc xung đột và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa nếu chiến sự tiếp tục kéo dài sang tháng thứ 9.

Chỉ số Phát triển Con người của Palestine nói chung, không chỉ ở Gaza, mà đối với toàn bộ các vùng lãnh thổ của Palestine, Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza, đã tụt lùi 20 năm. Riêng với Gaza, nó đã tụt lùi hơn 40 năm. Tất cả các khoản đầu tư vào phát triển con người trong 40 năm qua ở Gaza đã bị xóa sổ. Chúng ta gần như đang quay trở lại những năm 1980”.

Tổng sản phẩm quốc nội của các vùng lãnh thổ Palestine được ước tính sẽ giảm 26,9%, tương đương mức lỗ 7,1 tỷ USD so với mức cơ bản không có xung đột vào năm 2023. Nếu xung đột kéo dài sáng tháng thứ 9, tỷ lệ nghèo ước tính lên tới 60,7%, gấp 2,25 lần mức trước xung đột. Tỷ lệ thất nghiệp trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine có thể lên tới 46,7% sau 7 tháng xung đột.

Không chỉ tàn phá hạ tầng trên quy mô lớn, xung đột còn gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại dải Gaza. Trong bối cảnh hạn chế về số lượng xe tải viện trợ được phép vào Dải Gaza, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các nhóm viện trợ đã kêu gọi Israel mở thêm nhiều tuyến đường bộ tới Gaza để tạo điều kiện tiếp cận viện trợ và cảnh báo về nạn đói. Liên Hợp Quốc hối thúc cộng đồng quốc tế cần hành động nhanh chóng để cung cấp lại nhà ở cho người dân và đưa cuộc sống của người dân ở Gaza trở lại bình thường về mọi mặt kinh tế, xã hội, y tế và giáo dục.

Về nỗ lực khôi phục hệ thống y tế ở Dải Gaza, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác trong khu vực đã bắt đầu công việc dọn dẹp Bệnh viện Nasser, bệnh viện lớn thứ hai ở Dải Gaza nhằm sớm đưa cơ sở y tế này hoạt động trở lại, phục vụ công tác cứu chữa bệnh nhân.

Liên quan tình hình chiến sự, hôm qua (2/5 giờ địa phương), nội các chiến tranh Israel đã thảo luận khả năng Hamas từ chối đề xuất mới nhất về thỏa thuận trao đổi con tin và kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự ở Rafah bất chấp những lo ngại và phản đối từ quốc tế.

Nguồn: Kenh14; Soha; Vnexpress; Người Đưa Tin; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang