Máy bay 'Made in China' đắt hàng; Lao động & AI; Xã hội siêu cạnh tranh ở HQ; Israel 'thề' đánh Rafah; NATO-Ukraine cần nhau?

HÀNG KHÔNG NỘI ĐỊA TRUNG QUỐC “CHUỘNG” MÁY BAY “MADE IN CHINA”

Đã có hơn 1.000 đặt hàng, máy bay "Made in China" vừa có thêm đơn 100 chiếc từ hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China.

Đơn hàng này sẽ tiêu tốn của Air China khoảng 10,8 tỷ USD, sau khi đàm phán với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) để được "giảm giá lớn". Dự kiến hãng sẽ nhận được máy bay trong giai đoạn 2024 - 2031, giúp tăng công suất vận chuyển lên 7,5%.

Air China có trụ sở tại Bắc Kinh, sở hữu mạng bay gồm 196 điểm đến với hơn 60 điểm đến quốc tế. Theo Harry Murphy Cruise, chuyên gia của Moody's Analytics, đặt hàng từ Air China sẽ củng cố hoạt động kinh doanh tổng thể của Comac.

"Những đơn hàng lớn thế này tạo sự chắc chắn cho nhà sản xuất, khuyến khích đầu tư thêm", ông nói. Ngoài ra, việc tăng cường sản xuất có thể thúc đẩy các hãng hàng không khác đặt mua máy bay của Comac.

Comac ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng nội địa cho C919. Cuối tháng 4/2023, Tập đoàn Hàng không HNA đã ký thỏa thuận khung, trong đó Urumqi Air và Suparna Airlines - hai công ty con của HNA, sẽ lần lượt mua 30 máy bay C919.

Suparna Airlines sẽ nhận chiếc máy bay C919 đầu tiên vào quý IV năm nay, trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên trên thế giới bay C919. Những chiếc còn lại sẽ được giao cho Suparna vào cuối năm 2027.

Trước đó, khách hàng đầu tiên là China Eastern Airlines, đặt mua 5 chiếc từ 2021 và đã nhận đủ vào tháng 3 năm nay. Hồi tháng 9/2023, hãng này đặt thêm 100 chiếc C919. Đơn hàng "khủng" này góp phần giúp sản lượng đã ký của Comac vượt mốc 1.000 chiếc từ năm ngoái.

Máy bay "Made in China" đắt hàng ở nội địa trong bối cảnh các hãng sản xuất phương Tây tồn đọng nhiều đơn hàng. Boeing đã cảnh báo về khả năng chậm trễ giao máy bay khi phải tăng cường kiểm tra an toàn. Airbus cũng hoãn một số đơn hàng đến cuối năm 2025 vì các vấn đề về chuỗi cung ứng.

C919 là dòng máy bay thân hẹp, cùng phân khúc với 737 Max. Mẫu máy bay này của Boeing đã đối diện loạt sự cố an toàn trong những tháng gần đây, khiến cơ quan quản lý hàng không của Mỹ yêu cầu dừng mở rộng sản xuất.

Hugh Ritchie, CEO Aviation Analysts International (Australia) cho rằng C919 là một bước tiến lớn, không chỉ với Trung Quốc mà còn cho thị trường quốc tế. "Có một sự chuyển dịch khỏi 737 và Boeing", ông nói.

Việc Air China mua C919 dự kiến thu hút sự chú ý dành cho loại máy bay này trên toàn thế giới, mặc dù nó chưa được cấp phép bay bên ngoài Trung Quốc. Theo Mayur Patel, Phụ trách thị trường châu Á của nền tảng dữ liệu ngành OAG, các hãng hàng không ở những nước khác vẫn đang xem xét độ tin cậy và tất cả chi tiết nhỏ khác của loại máy bay này.

Theo Patel, châu Phi hoặc Đông Nam Á có thể là một trong những quốc gia đầu tiên mua C919 và giao dịch có thể được "đính kèm" vào các hiệp định thương mại của Trung Quốc với các đối tác đó.

Nhưng thách thức của quá trình này là các hãng hàng không vẫn ngần ngại kết hợp việc sử dụng các loại máy bay của nhiều nhà sản xuất khác nhau vì sẽ làm tăng thêm chi phí bảo trì và đào tạo. Cùng với đó, khi C919 vẫn chưa được Mỹ và châu Âu cấp phép bay thì sẽ "làm chậm tiến độ phá vỡ thế độc quyền hiện tại" của Boeing và Airbus.

TƯƠNG LAI NGUỒN LAO ĐỘNG & AI

Dù không thể thay thế con người, nhưng sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo khiến cho lực lượng lao động phải có những thay đổi để theo kịp xu thế.

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang nổi lên như một công cụ thúc đẩy năng suất hiệu quả của nhân loại. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xác định việc nâng cao năng suất là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế tiềm năng, với mối tương quan chặt chẽ giữa việc sử dụng AI tại nơi làm việc và năng suất cao hơn.

Thay đổi sâu sắc với toàn bộ các nhóm lao động

Theo một báo cáo được công bố vào ngày 29.4 bởi Trung tâm nghiên cứu quản trị tiến bộ (CIGI, Canada), sự dịch chuyển công nhân đã bắt đầu ngay trước những sự phát triển mới nhất về AI. Ví dụ, máy tính cá nhân và sau đó là máy tính bảng khiến vị trí lễ tân gần như lỗi thời ở nhiều nơi vì khách hàng có thể tự tương tác.

Theo tổ chức nghiên cứu Oxford Economics, robot có thể thay thế thêm 20 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng công bố một báo cáo ước tính AI có thể tác động đến 300 triệu việc làm trên toàn cầu do tự động hóa. Cũng theo báo cáo này, riêng khu vực Mỹ và châu Âu thì có đến 2/3 số lượng công việc có thể áp dụng AI và 1/4 số lượng công việc có thể được thay thế bằng AI.

Theo CIGI, AI còn tạo ra một hiệu ứng tác động phức tạp đối với lực lượng lao động toàn cầu. Ví dụ, ô tô không người lái sẽ không chỉ loại bỏ nhu cầu về người lái xe mà còn được dự báo giúp giảm tai nạn, điều này dẫn đến việc có thể giảm bớt số lượng cảnh sát, nhân viên y tế và nhân lực về sửa chữa ô tô.

Sự ra đời của AI sáng tạo đã thay đổi cục diện nơi làm việc. Trong khi quá trình tự động hóa trước đây tập trung chủ yếu vào những người lao động chân tay, thì AI sáng tạo đang tác động đến các công việc văn phòng ở cả những lĩnh vực trước đây không có khả năng tiếp cận với tự động hóa, chẳng hạn như kiểm toán và tiếp thị.

Có những hậu quả không lường trước được liên quan việc AI ngày càng thâm nhập sâu vào lực lượng lao động. Ví dụ: có khoảng cách ngày càng tăng về mức lương giữa những người lao động được trả lương cao nhất, có tay nghề cao, "siêu hỗ trợ AI" và những người lao động được trả lương thấp nhất, điều này đang khiến nơi làm việc ngày càng phân cực hơn.

Không phải tận thế

Trong khi đó, tạp chí The Economist có bài bình luận cho rằng đừng quá bi quan về nguy cơ từ AI đối với nguồn lực lao động. Bài viết dí dỏm rằng việc thay đổi "8 tỉ người" thành robot là không tưởng, nên sẽ không có chuyện "ngày tận thế" đối với việc làm của con người. Theo đó, thực tế thì ngay tại Mỹ, số lượng công việc về sản xuất đang thiếu hơn 500.000 nhân lực và con số này lên đến 800.000 trong lĩnh vực F&B (dịch vụ nhà hàng khách sạn).

Bài báo trên dẫn lại quá khứ, công nhân một số nơi từng đập phá nhà máy khi xuất hiện các hệ thống máy móc tự động hóa. Nhưng lịch sử cũng chỉ ra rằng khi nhiều máy móc như robot trong các nhà máy ô tô thì nhân lực sẽ chuyển qua một giai đoạn khác. Theo Cơ quan liên hiệp quốc tế về tự động hóa (IFR), ngay cả các công ty Hàn Quốc, cho đến nay là những quốc gia áp dụng robot nhiều nhất thế giới, cũng tuyển dụng 10 công nhân sản xuất cho mỗi robot công nghiệp. Ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản, con số này là 25 - 40 công nhân/robot. Theo các nhà tư vấn tại Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), năm 2020, thế giới chi ra khoảng 25 tỉ USD cho robot công nghiệp nhưng con số này chiếm chưa đến 1% chi tiêu vốn toàn cầu. Tất nhiên, để không làm những việc mà robot đã thay thế, nhân công phải nâng tầm năng lực để có khả năng vận hành robot.

Liên quan vấn đề này, báo cáo của Goldman Sachs nhấn mạnh rằng: "Sự dịch chuyển của người lao động khỏi tự động hóa trong lịch sử đã được bù đắp bằng việc tạo ra việc làm mới và sự xuất hiện của các ngành nghề mới sau những đổi mới công nghệ chiếm phần lớn trong tăng trưởng việc làm trong dài hạn. Sự kết hợp giữa tiết kiệm chi phí lao động đáng kể, tạo việc làm mới và năng suất cao hơn cho người lao động không bị mất việc làm tăng khả năng bùng nổ năng suất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể". Từ đó, Goldman Sachs nhận định AI có thể lấy đi nhiều công việc nhưng sẽ tạo ra nhiều công việc mới.

Nhưng có sự thay đổi cơ cấu, đòi hỏi nâng tầm

Trong báo cáo mới nhất đánh giá về xu thế cấu trúc lao động toàn cầu, WEF có dẫn lại khảo sát về tương lai việc làm được lấy ý kiến từ đại diện của 803 công ty vốn sử dụng tổng cộng hơn 11,3 triệu công nhân, phân bổ trên 27 cụm ngành và 45 nền kinh tế khắp thế giới.

Kết quả dự báo 42% nhiệm vụ kinh doanh sẽ được tự động hóa vào năm 2027. AI, động lực chính cho sự dịch chuyển lao động tiềm năng, dự kiến sẽ được gần 75% công ty tham gia khảo sát tiến hành áp dụng.

Hầu hết ý kiến đều cho rằng công nghệ nông nghiệp, nền tảng và ứng dụng kỹ thuật số, thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số cũng như AI đều được dự đoán sẽ dẫn đến sự gián đoạn đáng kể trên thị trường lao động. Nhưng các doanh nghiệp cũng dự báo sự dịch chuyển việc làm được bù đắp bằng sự tăng trưởng việc làm ở nơi khác sẽ mang lại kết quả tích cực ròng. Tham gia khảo sát, gần 50% tổ chức kỳ vọng AI sẽ tạo ra tăng trưởng việc làm trong khi chưa đến 25% dự báo sẽ làm giảm số việc làm. Ví dụ, chính sự phát triển của AI thúc đẩy thương mại điện tử có thể tạo ra hàng triệu việc làm về các chuyên gia tư vấn phát triển thương mại điện tự.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi đó, báo cáo của WEF cho rằng cần đào tạo lại cho nhân lực. Cụ thể, các nhà tuyển dụng ước tính rằng 44% kỹ năng của người lao động sẽ bị thay đổi từ năm 2023 - 2028. Khoảng 60% lực lượng công nhân hiện nay cần được đào tạo lại trước năm 2027, nhưng vấn đề là có thể chỉ 50% trong số này thực sự được đào tạo lại đầy đủ. Có đến 42% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát của WEF cũng đánh giá việc đào tạo nhân viên sử dụng AI và dữ liệu lớn là ưu tiên thứ 3 trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

HÀN QUỐC & MẶT TRÁI CỦA XÃ HỘI SIÊU CẠNH TRANH

Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.

Han (30 tuổi) sống ở Seoul từng là một sinh viên đầy triển vọng. Cô nhập học tại đại học danh tiếng Sungkyunkwan ở Seoul bằng học bổng và đảm bảo có một công việc được trả lương cao tại một công ty lớn sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi trải qua sự cạnh tranh liên tục và thời gian làm việc kéo dài, cuối cùng, mặc dù được thăng chức làm trợ lý giám đốc trước đồng nghiệp nhưng Han bắt đầu cảm thấy kiệt sức.

"Vòng cạnh tranh không hề kết thúc khi tôi phải đánh bại đồng nghiệp để được thăng chức. Tôi không thấy vui", Han giải thích.

Kết luận rằng thành công tài chính không phải là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc, hai năm trước Han quyết định rời công ty. Giờ đây, cô dành thời gian cho việc tập yoga, thiền, uống trà, đôi khi làm nhà văn tự do và không có kế hoạch quay trở lại công ty nữa.

Han chỉ là một trong số nhiều người Hàn Quốc nói rằng sự cạnh tranh không ngừng nghỉ ở Hàn Quốc khiến họ không thể chịu nổi. Tuy nhiên, không giống như Han, một số người vẫn chọn ở lại cạnh tranh.

Kang, một luật sư 32 tuổi, vẫn chưa bỏ cuộc. Dù được đánh giá là thành công nhưng cô cho biết vẫn cảm thấy bất an.

Sau khi tốt nghiệp, Kang bắt đầu sự nghiệp tại một công ty luật nhỏ nhưng cô hy vọng sẽ chuyển sang một công ty lớn hơn. Cuộc sống bận rộn của cô bao gồm việc làm thêm giờ và tập trung vào việc duy trì "vẻ ngoài trẻ trung" để tìm được đối tượng kết hôn như ý.

Kang cho biết cô đã nỗ lực rất nhiều để trông trẻ hơn: ăn kiêng, hẹn gặp bác sĩ da liễu vào giờ ăn trưa và tập pilates ít nhất ba ngày một tuần.

"Ở tuổi tôi, điều quan trọng nhất bây giờ là tìm được người đàn ông tốt, có kinh tế vững chắc để kết hôn", cô nói.

Hầu hết bạn bè của Han đều đã kết hôn, điều này khiến cô rất lo lắng.

Sự cạnh tranh ở Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở giới doanh nghiệp. Yoon, một bà mẹ 33 tuổi, đã thấy mình trong một cuộc đua mới, đó là cạnh tranh để mang lại điều tốt nhất cho cậu con trai 3 tuổi của mình.

Trước đây, cha mẹ Yoon từng kỳ vọng cô có thể vào được một trường đại học hàng đầu ở Seoul, nhưng cuối cùng cô chỉ tốt nghiệp một trường cao đẳng ở địa phương. Sau đó, Yoon đi du học nước ngoài, trở về và tìm được việc làm sau khi nộp đơn vào gần 100 công ty. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, cô bỏ cuộc vì cảm thấy rằng những năm tháng học tập và những kỹ năng bản thân có được chẳng là gì cả.

Yoon chia sẻ: "Mặc dù bố mẹ tôi đã đầu tư hàng chục triệu won mỗi năm nhưng cuối cùng tôi lại chỉ tìm được một công việc tồi tệ và kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu một chút".

Giờ đây, khi bản thân đã là một người mẹ, Yoon cảm thấy đã thấu hiểu được những trăn trở của cha mẹ mình. Vì vậy, bà mẹ trẻ này đầu tư vào giáo dục cho con cái và mua sắm cho chúng những món đồ xa xỉ, hy vọng trang bị cho con mình tham gia và đạt được thành tích ở những cuộc thi mà cô từng không thể vượt qua.

"Ở Hàn Quốc, mọi thứ đều là một cuộc đua. Bây giờ tôi cố gắng cho con trai mình mặc những bộ đồ của thương hiệu sang trọng như Moncler và Burberry, cố gắng đưa nó vào những cơ sở giáo dục tốt nhất. Tôi không muốn nó tụt hậu so với những người khác", cô nói.

Không chỉ Han, Kang và Yoon, văn hóa cạnh tranh không ngừng nghỉ của Hàn Quốc đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sinh và sức khỏe tâm thần.

Hàn Quốc phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, với tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, ở mức 25,2 trên 100.000 người vào năm 2022. Số bệnh nhân trầm cảm đã vượt quá 1 triệu người vào năm 2022, phản ánh mức tăng 32,8% trong 5 năm qua .

Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng tỷ lệ sinh vốn đã thấp ở Hàn Quốc sụt giảm là do sự cạnh tranh gay gắt trong các lĩnh vực như giáo dục. Bất chấp khoản đầu tư của chính phủ hơn 320 nghìn tỷ won (245 tỷ USD) trong 17 năm qua, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc vẫn đạt mức thấp kỷ lục 0,7 vào quý 3 năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức thay thế 2,1 cần thiết để duy trì dân số.

Các chuyên gia chỉ ra sự tăng trưởng suy yếu của nền kinh tế Hàn Quốc là một nguyên nhân dẫn đến sự cạnh tranh.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Lý thuyết và Đánh giá Gia đình cho rằng, bản chất siêu cạnh tranh của Hàn Quốc bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế sau năm 1997, tự do hóa thị trường toàn cầu và sự cạnh tranh gia tăng trên thị trường lao động. Việc cạnh tranh này mở rộng sang giáo dục và việc làm, với việc thế hệ trẻ đầu tư thời gian và nguồn lực đáng kể vào các học viện tư nhân để đảm bảo có được suất vào các trường đại học danh tiếng và các công ty hàng đầu.

Theo nghiên cứu, sự bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng có thể làm tăng sự cạnh tranh để vào các trường đại học ưu tú. Vì ở Hàn Quốc, nếu không có bằng cấp cao sẽ khó có thể đảm bảo sẽ tìm được công việc có lương cao.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trường đại học mà một người theo học cũng ảnh hưởng đáng kể đến địa vị xã hội ở Hàn Quốc, bao gồm cả triển vọng kết hôn. Hầu hết phụ huynh đều muốn đầu tư đáng kể vào các chương trình dạy kèm riêng và sau giờ học để mang lại cho con cái họ cơ hội tốt nhất, vượt qua các bạn cùng trang lứa trong kỳ tuyển sinh.

Ngoài ra, quan niệm sống ở các thành phố lớn là biểu tượng của sự thành công, đặc biệt là khu vực trong và xung quanh Seoul, đã làm phức tạp thêm vấn đề. Theo Statista, với mật độ dân số của Seoul đạt 15.561 người trên mỗi km vuông vào năm 2022, việc tìm việc làm và nhà ở giá rẻ đã trở nên đặc biệt khó khăn, làm tăng thêm áp lực của môi trường siêu cạnh tranh.

Các chuyên gia chỉ ra rằng hệ thống giáo dục của Hàn Quốc cần được cải tổ để thúc đẩy một xã hội lành mạnh.

"Phụ huynh không cần phải chi quá nhiều tiền cho giáo dục tư nhân. Trẻ em cần có thời gian vui chơi và tham gia các hoạt động ngoại khóa, còn trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn cũng sẽ có cơ hội được nhận vào các trường đại học danh tiếng và các chương trình cấp bằng chuyên nghiệp bất kể năng lực tài chính của cha mẹ ra sao", Andrew Eungi Kim, giáo sư Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Hàn Quốc viết.

Bên cạnh đó, việc cân bằng sự phát triển của Seoul và các tỉnh khác cũng là một giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề siêu cạnh tranh một cách gay gắt trong xã hội Hàn Quốc hiện nay.

ISRAEL THỀ TẤN CÔNG RAFAH BẰNG MỌI GIÁ

Trong một tuyên bố bất ngờ và khiến dư luận khu vực lo ngại, Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 30/4 khẳng định, quân đội nước này sẽ tấn công vào thành phố Rafah ở cực Nam dải Gaza, bất kể việc có đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với lực lượng Hamas hay không.

Theo các nguồn tin Israel, tuyên bố được Thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa ra trong cuộc gặp tại Jerusalem chiều 30/4 với đại diện gia đình các con tin bị lực lượng Hamas bắt giữ trong cuộc tập kích vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023.

Tại đây, Thủ tướng Israel một lần nữa khẳng định, nước này sẽ không dừng lại cuộc chiến tại dải Gaza, chừng nào chưa đạt mục tiêu đề ra là đánh bại Hamas và giải cứu các con tin.

Theo đó, quân đội Israel sẽ tấn công vào thành phố Rafah, bất kể việc có tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Hamas hay không. Cũng theo ông Netanyahu, việc sơ tán dân thường ra khỏi Rafah đã chính thức bắt đầu trên thực địa.

Tuyên bố trên của Thủ tướng Israel Netanyahu được cho là khác biệt với phát ngôn cách đây ít ngày của Ngoại trưởng Israel Katz khi nói rằng, Israel sẽ trì hoãn kế hoạch tấn công bộ binh vào Rafah trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Hamas.

Rafah là thành phố nằm giáp biên giới Ai Cập và hiện có khoảng 1,7 triệu người Palestine đang trú ngụ, hầu hết là dân tị nạn từ các khu vực khác nhau ở dải Gaza đổ về. Đô thị này được cho là thành trì cuối cùng của lực lượng Hamas ở Gaza, sau khi phần lớn các thành phố khác đã bị quân đội Israel phá hủy nặng nề bằng cả không quân, pháo binh và bộ binh trong chiến dịch tấn công tổng lực kéo dài gần 7 tháng qua.

Giới chức Israel nhiều lần khẳng định, việc tấn công vào Rafah là không thể tránh khỏi, bất chấp việc Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, trong đó có các đồng minh thân cận nhất của Israel, liên tiếp cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm khôn lường của hành động tấn công vào Rafah.

LÝ DO UKRAINE – NATO CẦN CÓ NHAU?

Vũ khí tiên tiến cùng với sự rõ ràng về yêu cầu để đạt được tư cách thành viên là những gì Kiev muốn có câu trả lời dứt khoát từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nếu không có sự hỗ trợ quân sự mới từ Mỹ, lực lượng trên bộ của Ukraine sẽ không thể giữ vững phòng tuyến trước sức mạnh của quân đội Nga. Trong bối cảnh đó, Hạ viện Mỹ phải bỏ phiếu càng sớm càng tốt để thông qua gói chi tiêu khẩn cấp mà Thượng viện đã thông qua với tỷ lệ áp đảo vào tháng 2 vừa qua. Ưu tiên cấp bách nhất là cung cấp kinh phí để tiếp tế đạn pháo, tên lửa phòng không, tên lửa tấn công và các nhu yếu phẩm quân sự quan trọng khác cho Kiev.

Ukraine cần gì ở NATO

Nhưng ngay cả khi Ukraine nhận được những hỗ trợ cần thiết này từ các đồng minh, câu hỏi cơ bản vẫn là: Làm thế nào để giúp Ukraine đảm bảo tương lai cho chính họ? Đó là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo NATO cần phải trả lời khi họ gặp nhau vào tháng 7 tới tại Washington nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Đối với NATO, xung đột giữa Nga với Ukraine không đơn thuần chỉ vì lãnh thổ. Nó còn liên quan đến tương lai chính trị của Ukraine. Đại đa số người dân Ukraine muốn đất nước họ trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Từ năm 2023, EU đã mở các cuộc đàm phán về việc kết nạp với Ukraine. Nhưng quá trình này sẽ mất nhiều năm để hoàn thành. Trong khi đó, Ukraine đang tìm kiếm lời mời gia nhập càng sớm càng tốt từ NATO. Thế nhưng, các nước NATO dường như lại đang bị chia rẽ về việc khi nào Kiev nên tham gia.

Một số thành viên, dẫn đầu là các nước vùng Baltic, Ba Lan và Pháp, muốn liên minh đưa ra lời mời chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh Washington vào tháng 7 năm nay. Họ tin rằng việc các khoảng trống an ninh ở châu Âu tồn tại quá lâu khiến Nga có cơ hội lấp đầy những vùng xám đó như đã làm với Ukraine, Gruzia và Moldova.

Trong khi đó, các thành viên khác, bao gồm cả Mỹ và Đức, lại không sẵn sàng tiến nhanh như vậy trong việc kết nạp Ukraine vào NATO. Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte, người có thể sẽ trở thành Tổng thư ký tiếp theo của NATO, đã tóm gọn quan điểm này tại Hội nghị an ninh Munich hồi tháng 2 vừa qua rằng: “Chừng nào xung đột còn tiếp diễn, Ukraine không thể trở thành thành viên NATO”.

Các cựu quan chức cũng đã đề xuất nhiều ý tưởng khác nhau để thu hẹp khác biệt về quan điểm này. Một là đưa ra lời mời tới Ukraine nhưng không thực hiện cho đến một thời điểm không xác định nào đó. Đây sẽ là hành động tượng trưng cho có, bởi không có điều khoản nào trong Hiệp ước được áp dụng cho đến khi tất cả 32 thành viên phê chuẩn việc Ukraine gia nhập. Một ý tưởng khác là mời Ukraine bắt đầu đàm phán gia nhập, mượn mô hình từ quá trình mở rộng của EU. Tuy nhiên, các ứng cử viên EU muốn đi theo con đường quen thuộc, áp dụng và thực thi bộ luật của EU trong nhiều năm.

Quy trình tương tự tại NATO là Kế hoạch Hành động thành viên (MAP), nhưng tại thượng đỉnh Vilnius vào năm 2023, các thành viên NATO đã nhất trí Kiev đã đáp ứng “quá đủ điều kiện” cho quy trình này. Trừ khi xác định rõ ràng mục tiêu và thời gian diễn ra của các cuộc đàm phán, việc mời Ukraine bắt đầu các cuộc đàm phán sẽ khiến nước này rơi vào “thế chấp chới” mà họ đang mắc kẹt từ năm 2008, khi NATO chấp thuận Ukraine “sẽ trở thành” thành viên của liên minh.

Hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 7 tới có thể sẽ tạo cơ hội thu hẹp khoảng cách này và xây dựng đồng thuận trong liên minh về Ukraine. Bước đầu tiên là làm rõ những cải cách Ukraine cần hoàn thành và những điều kiện nước này cần đạt được trước khi có thể gia nhập liên minh.

Thứ hai, NATO cần đảm nhận việc điều phối hỗ trợ quân sự được cung cấp bởi liên minh hơn 50 quốc gia, giúp Ukraine xây dựng một quân đội hiện đại, có khả năng phối hợp tác chiến. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo NATO cần tăng cường hỗ trợ khả năng phòng thủ của Ukraine bằng cách cung cấp các loại vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như tên lửa tầm xa, loại vũ khí mà một số thành viên NATO không sẵn lòng cung cấp.

Tương lai NATO của Ukraine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius ở Lithuania tháng 7/2023, thay vì nhất trí đưa ra lời mời mà Ukraine mong muốn, các nhà lãnh đạo NATO đã trì hoãn xử lý vấn đề này, hứa hẹn rằng “tương lai của Ukraine là ở NATO”, đồng thời lưu ý rằng họ sẽ chỉ đưa ra lời mời “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”.

Mặc dù Ukraine có thể sẽ không được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh tại Washington, nhưng ý tưởng từ Hội nghị Vilnius lại gợi ý cho hướng đi phía trước: NATO phải làm rõ những điều kiện nào Ukraine phải đáp ứng, sau đó mời Kiev tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp tại Hội đồng NATO-Ukraine về thời điểm và cách thức thực hiện những điều kiện này.

Để đạt được đồng thuận giữa các đồng minh, các nhà lãnh đạo NATO sẽ phải thống nhất 2 điều kiện trước khi chính thức mời Ukraine gia nhập liên minh. Đầu tiên, Ukraine phải hoàn tất cải cách dân chủ, chống tham nhũng và an ninh được nêu trong Chương trình thường niên quốc gia của Ukraine - cấu trúc chính thức chuẩn bị cho Kiev trở thành thành viên NATO.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Washington, các nhà lãnh đạo NATO có thể sẽ cam kết trợ giúp Kiev hoàn tất những cải cách này trong vòng một năm. Thứ hai, cuộc xung đột ở Ukraine phải chấm dứt. Chừng nào xung đột quân sự còn diễn ra ở Ukraine, tư cách thành viên của nước này trong liên minh vẫn có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa NATO với Nga - canh bạc mà hầu hết các thành viên NATO không sẵn sàng đánh cược.

Trước khi điều kiện thứ hai có thể được đáp ứng, NATO phải xác định như thế nào mới được coi là kết thúc thỏa đáng cho cuộc chiến Nga-Ukraine. Cuộc chiến này không thể coi là kết thúc chỉ bởi nó yêu cầu một thỏa thuận hòa bình - điều rất khó để đạt được trong thời gian sớm. Niềm tin phổ biến rằng tất cả cuộc chiến đều kết thúc thông qua đàm phán là sai lầm.

Hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc bằng việc cả 2 bên đều kiệt sức hoặc một bên giành chiến thắng mà hầu như không cuộc chiến nào kết thúc được bằng thương lượng hoà bình. Trong tương lai, kết quả tốt nhất có thể hy vọng là cuộc chiến sẽ rơi vào trạng thái “đóng băng” - sự thù địch dừng lại khi chưa có được giải pháp chính trị mà các bên đều hài lòng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Washington tới đây, các nhà lãnh đạo NATO có thể sẽ đồng thuận mời Ukraine gia nhập một khi cuộc xung đột tại Ukraine đã kết thúc một cách thỏa đáng: Hoặc Ukraine giành chiến thắng, điều rất khó xảy ra, hoặc thông qua một lệnh ngừng bắn hay đình chiến lâu dài. Sau khi Ukraine gia nhập NATO, cam kết phòng thủ tập thể của liên minh theo Điều 5 sẽ chỉ áp dụng cho các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Kiev. Điều kiện này là rất khó chấp nhận đối với Kiev, bởi họ lo sợ đất nước sẽ bị chia cắt lâu dài. Tuy nhiên, viễn cảnh cuộc xung đột đóng băng có thể khiến Kiev quyết định củng cố lãnh thổ mà nước này kiểm soát và đảm bảo tư cách thành viên NATO. Các nhà lãnh đạo liên minh có thể sẽ cần làm rõ rằng nếu giao tranh tái diễn do các hành động quân sự của Ukraine thì Điều 5 sẽ không được áp dụng.

Trong lịch sử, từng có trường hợp mở rộng đảm bảo an ninh cho một quốc gia đối với vùng biên giới tranh chấp. Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung giữa Mỹ và Nhật Bản, được ký năm 1960, cam kết Mỹ chỉ bảo vệ “lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản”, chứ không bao gồm các vùng lãnh thổ phía Bắc bị Liên Xô chiếm giữ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Tương tự, khi Cộng hòa Liên bang Đức gia nhập NATO vào năm 1955, Điều 5 cũng chỉ áp dụng cho Tây Đức, còn Đông Đức, bao gồm cả vùng đất dân chủ ở Tây Berlin, đã bị loại trừ cho đến khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Trước khi được cấp tư cách thành viên, Tây Đức phải đồng ý “không bao giờ sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu thống nhất nước Đức hoặc sửa đổi ranh giới hiện tại của Cộng hòa Liên bang Đức”.

Cũng dễ hiểu khi tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius năm 2023, các quan chức Ukraine lo ngại rằng các điều kiện là “mật mã” cho các mục tiêu không cố định. Chừng nào NATO không xác định các điều kiện, tổ chức này luôn có thể tạo thêm rào cản để Ukraine giải quyết. Ukraine xứng đáng nhận được câu trả lời rõ ràng, và NATO cần xác định thuật ngữ cho sự thống nhất và gắn kết nội bộ của chính tổ chức này. Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, tất cả 32 thành viên sẽ phải thống nhất xung quanh sự hiểu biết chung về con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine.

Điều kiện tiên quyết cho Kiev

Có thể, việc phải chấm dứt xung đột vũ trang là điều kiện tiên quyết để Ukraine gia nhập NATO sẽ là một trong những lý do để Moscow kéo dài cuộc xung đột. Chừng nào chiến dịch đặc biệt của Nga còn tiếp tục, thì NATO sẽ không chấp nhận Ukraine là thành viên mới. Đó là lý do Kiev và đồng minh phải thể hiện sự quyết tâm của họ. Họ phải thuyết phục được Moscow rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến không thể thắng. Và để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo NATO cần nhất trí về 3 biện pháp bổ sung, tất cả đều nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine và giúp nước này xây dựng quân đội hiện đại.

Đầu tiên, NATO phải thay thế Mỹ lãnh đạo Nhóm Liên kết Phòng thủ Ukraine (UDCG) - liên minh gồm khoảng 50 quốc gia hội kiến thường xuyên để thảo luận về nhu cầu quân sự của Ukraine và quyết định quốc gia nào sẽ cung cấp thiết bị cần thiết. Việc mở rộng vai trò của NATO sẽ thể chế hóa hỗ trợ của liên minh dành cho Ukraine, đảm bảo tính liên tục khi cam kết của Mỹ đối với Ukraine đang bị nghi ngờ.

Thứ hai, NATO phải hợp tác với Ukraine để đưa ra tầm nhìn dài hạn cho quân đội nước này. Hiện tại, nhiều liên minh đang tập trung vào các yếu tố khác nhau: Rà phá bom mìn, năng lực của máy bay F-16, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xe thiết giáp và pháo binh, cũng như khả năng tấn công tầm xa. NATO có thể và nên phối hợp với những nỗ lực này để giúp quân đội Ukraine phát triển thành một lực lượng thống nhất và có đầy đủ khả năng phối hợp tác chiến.

Thứ ba, NATO nên thành lập một phái bộ huấn luyện cho Ukraine, đảm nhận việc phối hợp huấn luyện các lực lượng Ukraine từ Mỹ, Vương quốc Anh và các quốc gia khác. Huấn luyện có ý nghĩa quan trọng đối với binh sĩ Ukraine đang ở trên chiến trường cũng như khả năng phối hợp tác chiến của lực lượng Ukraine trong tương lai.

Mục đích của 3 biện pháp trên không phải giảm sự tham gia của từng quốc gia mà là nâng cao hiệu quả của những nỗ lực hỗ trợ Ukraine hiện nay bằng cách đưa chúng vào phạm vi quản lý của NATO. Việc thể chế hóa những chức năng này trong NATO sẽ gửi tín hiệu đến Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ khiến Moscow gặp khó khăn.

NATO có an toàn hơn nếu kết nạp Ukraine?

Tuy nhiên, không có nỗ lực dài hạn nào có ý nghĩa nếu Ukraine thất bại trong cuộc xung đột đang diễn ra. Đó là lý do tại sao NATO phải tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine và xem xét viện trợ cho Kiev những loại vũ khí hiện đang không được cung cấp, chẳng hạn như tên lửa ATACMS của Mỹ và tên lửa tầm xa Taurus của Đức.

Khi xung đột mới nổ ra, các thành viên NATO đã tìm cách cân bằng giữa hỗ trợ dành cho Ukraine với nhu cầu tránh đối đầu trực tiếp với Nga. Các nước NATO đã hạn chế các loại vũ khí mà họ sẽ gửi và hạn chế cách thức mà lực lượng Ukraine được phép sử dụng chúng, chẳng hạn như cam kết không được tấn công vào lãnh thổ của Nga.

Sự do dự ban đầu của phương Tây là điều dễ hiểu. Nhưng một số quốc gia đã quá thận trọng trong thời gian dài. Một số thành viên NATO, như Đức và Mỹ, đã bày tỏ lo ngại khi gửi đi mọi thứ, từ xe tăng đến máy bay chiến đấu F-16. Nhưng tình hình đã thay đổi. Cuối cùng cũng nhận được sự chấp thuận từ Mỹ vào năm 2023, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy sẽ sớm gửi F-16 tới Kiev. Anh và Pháp là những quốc gia đầu tiên gửi tên lửa tầm xa vào năm 2023, giúp Ukraine có thể tấn công các mục tiêu ở Crimea…

Có ranh giới rõ ràng giữa việc đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga và việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tự vệ. Việc sử dụng lực lượng chiến đấu của NATO sẽ là sai lầm. Nhưng việc cung cấp cho Ukraine các khóa đào tạo, tình báo, giám sát, gây nhiễu và thiết bị quân sự lại là đúng đắn. Các thành viên NATO đã phải vật lộn trong việc tìm ra sự cân bằng thích hợp giữa nỗi sợ leo thang và niềm tin vào khả năng răn đe. Mặc dù NATO nên tiếp tục cảnh giác để tránh leo thang, nhưng họ có thể làm nhiều hơn để đảm bảo rằng Nga không giành chiến thắng.

Bên cạnh đó, NATO vẫn tiếp tục mở rộng về phía Đông, vốn cũng là một trong những lý do khiến Moscow tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine để ngăn chặn quá trình này. Nhưng hành động đó của Moscow lại khiến khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO gia tăng thay vì giảm đi. Và khi Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4/2023 với chất xúc tác được cho là do Moscow tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, biên giới đất liền của NATO với Nga đã tăng hơn gấp đôi.

Việc Thụy Điển gia nhập hồi đầu tháng 3/2024 đã biến biển Baltic thành “cái hồ” của riêng NATO. Và nếu Ukraine sớm trở thành thành viên NATO, thì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng có thể được cho là một lý do giúp đẩy nhanh quá trình ra nhập NATO của Kiev với lập luận như vậy thì chính Ukraine cũng như toàn bộ châu Âu sẽ trở nên an toàn hơn.

Nguồn: Vnexpress; Thanh Niên; CafeF; Soha; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang