EU: Giảm thiểu khách du lịch; Tăng cường đoàn kết; 'Tự làm khó' vì cấm LNG; Anh tạo tên lửa siêu vượt âm; Pháp tăng tốc cho Olympic

CHÂU ÂU ĐAU ĐẦU TÌM CÁCH GIẢM KHÁCH DU LỊCH VÌ QUÁ TẢI

Số lượng du khách tăng vọt, đông đúc tại các thành phố ở châu Âu đã khiến khu vực này phải thúc đẩy các biện pháp kiểm soát du lịch, chẳng hạn như điểm du lịch nổi tiếng Venice thêm phí vào cửa mới.

Venice, Italy là một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới, với 3,2 triệu du khách đã nghỉ qua đêm vào năm 2022. Hiện nay, nơi đây đang cố gắng để thu hẹp số người cư trú xuống còn 50.000 người.

Từ ngày 25/4, Venice bắt đầu tính phí vào cửa cho những du khách ghé thăm trong ngày với mức giá 5 euro (hơn 130 nghìn đồng). Các thanh tra viên tại điểm du lịch sẽ tiến hành giám sát và kiểm tra tại các điểm quan trọng ở địa danh được UNESCO công nhận là di sản thế giới này.

Vào năm 2021, Italy đã cấm các tàu du lịch cỡ lớn đến đầm Venice vì lo ngại về tác động môi trường mà các tàu du lịch gây ra đối với thành phố. Venice cũng đã áp dụng thuế đối với du khách cư trú qua đêm.

Ở Hà Lan, thủ đô Amsterdam từ lâu đã cố gắng làm sạch danh tiếng với những hình ảnh không đẹp như bữa tiệc độc thân ồn ào, ma túy và tình dục; mà một phần nguyên nhân dẫn đến những điều đó là do lượng khách du lịch đổ đến đây khoảng 20 triệu người mỗi năm.

Vào năm 2023, Amsterdam đã phát động một chiến dịch trực tuyến nhằm ngăn cản những nam thanh niên nước ngoài đến thành phố và say xỉn. Đồng thời, quyết định cấm hút cần sa trên đường phố của khu đèn đỏ. Trong tháng 4/2024, Amsterdam cũng ban hành lệnh cấm các khách sạn mới và sẽ giảm một nửa số lượng tàu du lịch đường sông trong thành phố trong vòng 5 năm.

Thành phố Dubrovnik, Croatia, nơi có tường bao quanh từ thời Trung cổ là một trong những thành phố đông đúc nhất châu Âu, với lượng khách du lịch đôi khi khiến việc đi bộ bên trong phố cổ cũng trở nên khó khăn.

Được mệnh danh là "viên ngọc quý của vùng Adriatic", Dubrovnik đã chứng kiến ​​lượng du khách tăng vọt kể từ năm 2011, khi các cảnh trong loạt phim truyền hình đình đám "Game of Thrones" được quay trên thành lũy ở nơi đây.

Năm 2023, khi chính quyền địa phương giới hạn số lượng tàu du lịch đến hai chuyến mỗi ngày, mỗi chuyến không quá 4.000 hành khách, dẫn đến thị trấn 41.000 dân này đón 1,2 triệu khách du lịch, thấp hơn mức kỷ lục 1,4 triệu được thiết lập vào năm 2019. Họ cũng ra mắt một ứng dụng để dự đoán khi nào khu phố cổ sẽ đông đúc nhất.

Nằm bên bờ biển Địa Trung Hải, Barcelona là thủ phủ của vùng Catalonia (Tây Ban Nha). Thành phố này cũng đã hạn chế các nhóm du lịch vào khu chợ La Boqueria lịch sử, đặc biệt là trong thời gian mua sắm cao điểm. Những đoàn du lịch có tổ chức phải giới hạn tối đa 20 người và hướng dẫn viên không được phép sử dụng loa phóng thanh.

Theo hội đồng thành phố, vào năm 2023, số lượng khách du lịch đăng ký tại khách sạn, nhà ở và ký túc xá đã giảm 6,9% so với số liệu năm 2019.

Barcelona là một trong nhiều thành phố ở châu Âu thu thuế du lịch hàng đêm, mức thuế này đã được tăng trong tháng này từ 0,50 euro (hơn 13 nghìn đồng) lên 3,25 euro (hơn 88 nghìn đồng).

Paris, thành phố đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2024, yêu cầu khách nộp 14,95 euro (hơn 400 nghìn đồng) mỗi đêm.

Berlin, Brussels, Lisbon, Praha và Vienna cũng nằm trong số các thành phố châu Âu đặt ra mức thuế du lịch riêng, khoản thuế này thường được cộng vào hóa đơn khi khách trả phòng, nhưng không có thành phố nào cao như ở Amsterdam, nơi yêu cầu 7% chi phí chỗ ở của du khách cộng với mức giá cố định 3 euro (hơn 80 nghìn đồng) mỗi người mỗi đêm.

CHÂU ÂU TĂNG CƯỜNG ĐOÀN KẾT

Cho đến nay, đại liên minh giữa Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) và Đảng Đổi mới châu Âu đã đưa Liên minh châu Âu vượt qua nhiều cú sốc trong 5 năm qua. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang tới gần, vai trò quan trọng của liên minh càng cần được nhìn nhận như một bức tường thành chống lại chủ nghĩa dân túy đang gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, người dân châu Âu cần nhận thức được lợi ích lâu dài và cốt lõi của châu Âu khi cầm trên tay lá phiếu cho cuộc bầu cử vào tháng 6 tới.

Nghị viện châu Âu (EP) là trụ cột của hệ thống lập pháp. Các đạo luật được thông qua tại cơ quan này có giá trị tại tất cả 27 nước thành viên, mỗi nước có quyền siết thêm, nhưng không được nới lỏng hơn những gì đã được quyết tại Nghị viện châu Âu. Những quy định nhất quán tạo dựng sức mạnh chung của Liên minh châu Âu (EU).

Vai trò của liên minh hiện tại

Cùng với các đối tác trong liên minh, EPP đã lèo lái EU vượt qua nhiều cú sốc trong 5 năm qua, bao gồm đại dịch Covid-19, căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó. Những thành công của EU trong giai đoạn này không chỉ nêu bật khả năng phục hồi của EU mà còn nêu bật vai trò quan trọng của tình đoàn kết và sự cần thiết phải duy trì liên minh hiện tại.

Hơn nữa, những thách thức này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “khế ước” giữa các thế hệ và các giá trị làm nền tảng cho EU; điều này đặc biệt quan trọng khi đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những kẻ cực đoan và chủ nghĩa dân túy, những người ủng hộ những giải pháp đơn giản, tầm nhìn ngắn hạn, đánh vào lợi ích giản đơn thay vì giải quyết những thách thức phức tạp, lâu dài và mang lại một tương lai bền vững.

Nhìn về phía trước, chương trình nghị sự của EU có thể sẽ vẫn bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng dai dẳng, đòi hỏi một cách tiếp cận thống nhất và chu đáo. Liên minh do EPP lãnh đạo có thể đóng một vai trò quan trọng, thúc đẩy sự ổn định và phát triển kinh tế đồng thời giải quyết những thách thức mà châu Âu phải đối mặt.

Tuy nhiên, một yếu tố có thể làm lung lay khối thống nhất của ngôi nhà chung châu Âu; đó là ngày càng có nhiều cử tri ủng hộ các đảng theo đường lối biệt lập dân tộc chủ nghĩa. Trong cuộc bầu cử EP cách đây 5 năm, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu vẫn chiếm ưu thế, đảng Xã hội dân chủ trung tả theo sau, nhưng cả hai đã mất nhiều ghế cho đảng Xanh và đảng cực hữu. Những đề tài tranh cử nóng nhất năm nay - nhập cư và môi trường - sẽ còn có lợi cho xu hướng cực hữu.

Trong những năm qua, các đảng cực hữu đã lên nắm quyền tại Hungary và Italy, không nắm quyền nhưng tham gia chính phủ tại Phần lan và Slovakia; ở Hà Lan, đảng cực hữu cũng đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội và đang đàm phán lập chính phủ; tại châu Âu, đảng cực hữu mới chỉ bị đẩy lui trên chính trường Ba Lan.

Mục tiêu khí hậu và tương lai bền vững

Một trong những thách thức chính của EU trong tương lai sẽ là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng nhau hợp tác để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai, đồng thời nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế. Nỗ lực tập thể này đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải trong ngành vận tải và thông qua Kế hoạch Fit for 55 đầy tham vọng - một gói lập pháp toàn diện nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính ròng của EU ít nhất 55% so với mức năm 1990 vào năm 2030. Kế hoạch này bao gồm các mục tiêu ràng buộc nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm lượng khí thải trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Tuy nhiên, những chính sách về môi trường và nông nghiệp xanh đang trở thành “gót chân Achilles” của giới lãnh đạo châu Âu, khi phe cực hữu lợi dụng sự bất mãn của nông dân đối với các chính sách môi trường để gây sức ép đối với Brussels.

Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng địa chính trị ngày nay đã đưa vấn đề an ninh trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của châu Âu, trong đó các quốc gia thành viên EU hướng đến việc giảm thiểu rủi ro cho chuỗi giá trị năng lượng bằng cách tập trung vào năng lượng tái tạo và các biện pháp hiệu quả. Trục chiến lược này phản ánh cam kết rộng hơn về tính bền vững, có tác động vượt ra ngoài biên giới châu Âu, ảnh hưởng đến các chính sách năng lượng trên toàn thế giới.

Nhưng sự thay đổi này không chỉ nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu; bằng cách tập trung vào năng lượng tái tạo và giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng, EU cũng nhằm mục đích bảo vệ người dân và các ngành công nghiệp châu Âu khỏi sự biến động của thị trường năng lượng toàn cầu, vốn thường bị ảnh hưởng bởi những bất ổn địa chính trị. Cam kết của khối đối với năng lượng tái tạo được thể hiện qua chính sách Energiewende (chuyển đổi năng lượng) của Đức, cũng như các khoản đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào năng lượng tái tạo ở Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển; những khoản đầu tư chiến lược này cũng đã nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành năng lượng của các quốc gia châu Âu.

Điều này rất quan trọng vì châu Âu không đơn độc trong việc theo đuổi một tương lai bền vững; sau khi thành lập Hệ thống mua bán phát thải của EU, các quốc gia như Nhật Bản và Brazil đã thiết lập thị trường carbon của riêng mình. Động lực bền vững toàn cầu này, tuy đáng khen ngợi, cũng đồng nghĩa với việc gia tăng cạnh tranh, một lần nữa nêu bật nhu cầu đoàn kết khi các nước châu Âu tìm cách tận dụng các cơ hội do quá trình chuyển đổi xanh tạo ra, đồng thời nỗ lực đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu và giải quyết những thách thức phức tạp đi kèm với việc thực hiện.

Mặc dù sự đoàn kết là tài sản lớn nhất của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng đặc biệt, sự lãnh đạo của EPP phải tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu của EU. Đây không phải là lúc để chùn bước hoặc lung lay. Việc mở rộng thị trường carbon của EU sang các lĩnh vực mới như vận tải hàng hải và vai trò nổi bật của khối trong các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế là những ví dụ điển hình về cách tiếp cận chủ động của EU. Đối mặt với mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo hiện tại của châu Âu phải rút kinh nghiệm, kiến ​​thức và tham vọng của mình để bảo vệ các giá trị cốt lõi của khối trước chủ nghĩa dân túy đang gia tăng và dẫn dắt châu Âu vượt qua thời kỳ thử thách phía trước.

Không còn là một mối đe dọa xa xôi, biến đổi khí hậu đã tàn phá khắp châu Âu và toàn bộ hành tinh; đối với các đảng chính trị có trách nhiệm, bây giờ không phải là lúc biến châu Âu thành nạn nhân của tình trạng tê liệt đảng phái. Vào thời điểm quan trọng này, châu Âu đòi hỏi sự đoàn kết, tầm nhìn và sự lãnh đạo táo bạo hơn bao giờ hết. Tương lai của khối, phúc lợi của người dân và sự thành công của các ngành công nghiệp đều phụ thuộc vào thời điểm mang tính quyết định này.

LỆNH CẤM LNG CỦA NGA SẼ KHIẾN CHÂU ÂU “TỰ BẮN VÀO CHÂN MÌNH”?

Châu Âu dự định sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào việc nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Nga và sẽ gây ra cuộc khủng hoảng cho chính người dân của họ.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov vừa có phản ứng trước lời đe dọa trừng phạt ngành năng lượng khí hóa lỏng Nga từ các nước châu Âu.

Hôm 27/4, ông Peskov nói với giới báo chí rằng, các nhà sản xuất Nga sẽ tìm cách vượt qua các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moscow.

Ông Peskov nhấn mạnh rằng bất kỳ hạn chế nào đối với khí đốt siêu lạnh của Nga cùng với nỗ lực “ép” nước này ra khỏi thị trường năng lượng sẽ chỉ dẫn đến giá khí đốt cao hơn đối với người tiêu dùng EU.

Ông nói: “Việc chuyển sang nguồn cung cấp đắt tiền hơn chủ yếu có lợi cho Mỹ và một số quốc gia khác, đồng thời cho biết thêm rằng khách hàng sử dụng cuối, đặc biệt là ngành công nghiệp EU, sẽ phải trả giá đắt."

Người phát ngôn Điện Kremlin chỉ trích các lệnh trừng phạt là “cạnh tranh không công bằng và bất hợp pháp”, đồng thời cam kết rằng Nga “sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại bất hợp pháp này”.

Đầu tuần này, ý định bổ sung các hạn chế đối với LNG của Nga vào gói trừng phạt tiếp theo của khối đã được Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom lên tiếng.

Truyền thông phương Tây cũng trích dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên cho biết gói trừng phạt thứ 14 của EU liên quan đến Ukraine sẽ đề xuất hạn chế đối với LNG của Nga - vốn cho đến nay vẫn chưa bị bất kỳ lệnh cấm nào nhắm tới. Các biện pháp mới dự kiến sẽ bao gồm lệnh cấm vận chuyển trong khối và ảnh hưởng tới 3 dự án sản xuất LNG của Nga.

Năm ngoái, Brussels đã thông qua các biện pháp cho phép các quốc gia thành viên riêng lẻ chặn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trên cơ sở tự nguyện, mặc dù phần lớn trong nguồn cung cấp khí đốt đang tiếp tục bị ràng buộc bởi các hợp đồng dài hạn.

Các nước thành viên EU vẫn phụ thuộc vào Nga về nguồn cung cấp khí đốt. Nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 40% nhu cầu của EU trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong bài báo mới đây, Reuters nhận thấy sự gia tăng đáng chú ý trong xuất khẩu LNG đã đẩy thị phần khí đốt của Nga trong nguồn cung của EU lên tới gần 15%. Nga được cho là đã gửi hơn 15,6 triệu tấn LNG đến các cảng EU vào năm ngoái, đánh dấu mức tăng nhẹ so với năm 2022 và tăng 37,7% so với năm trước.

Đầu tháng này, Mỹ cũng đã thể hiện động thái triệt tiêu ngành năng lượng khí đốt và khí hóa lỏng của Nga.

Quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ, Geoffrey Pyatt, đã công bố rằng Mỹ đang quyết tâm ngăn chặn việc phát triển trong lĩnh vực năng lượng của Nga, bao gồm cả các dự án về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bắc Cực.

Ông Pyatt đã nêu rõ rằng Mỹ đang chú trọng đặc biệt vào việc ngăn chặn dự án LNG 2 ở Bắc Cực, tại khu vực Yamal, phía bắc của Nga, một dự án do công ty năng lượng tư nhân Novatek điều hành.

"Chúng tôi đang hướng tới việc đảm bảo sự thất bại của dự án LNG 2 ở Bắc Cực.

Chúng tôi cũng đang tập trung vào việc ngăn chặn Nga khỏi việc phát triển các dự án mới nhằm chuyển hướng nguồn cung khí đốt, mà trước đây, Nga đã cung cấp cho châu Âu" - quan chức ngoại giao Mỹ tuyên bố.

ANH LÊN KẾ HOẠCH CHẾ TẠO TÊN LỬA SIÊU VƯỢT ÂM

Anh được cho đã lên kế hoạch chế tạo tên lửa siêu vượt âm nhằm bắt kịp các đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Telegraph dẫn nguồn tin trong chính phủ Anh đưa tin, nước này đã có kế hoạch trang bị cho lực lượng vũ trang tên lửa siêu vượt âm vào cuối thập niên này.

Các chỉ huy quân sự Anh muốn nước này sở hữu một loại vũ khí có khả năng đạt tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh, nhằm bắt kịp Nga, Mỹ, các quốc gia tuyên bố đã sở hữu tên lửa siêu vượt âm.

Theo nguồn tin, Bộ Quốc phòng Anh muốn vũ khí siêu vượt âm sẽ được thiết kế và chế tạo hoàn toàn trong nước. Hạn chót cho kế hoạch đưa tên lửa này vào biên chế là năm 2030.

Dự án dường như đã được Thủ tướng Anh Rishi Sunak xác định là một trọng điểm cho kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng trị giá 75 tỷ bảng Anh trong 6 năm tới.

Một nguồn tin quốc phòng cho biết: "Những dự án tiên tiến như thế này chỉ có thể thực hiện được nhờ khoản đầu tư mới khổng lồ".

Kế hoạch phát triển vẫn đang ở giai đoạn đầu và cho đến nay Anh vẫn chưa chốt việc liệu tên lửa sẽ được phóng từ đất liền, trên biển hay trên không. Dự án đang được Bộ Quốc phòng Anh quản lý trực tiếp.

Kể từ cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 80 công ty để đưa ra các thiết kế khả thi. Thỏa thuận khung phát triển năng lực và công nghệ siêu vượt âm đã được chốt vào tháng 12 và được mô tả là "sứ mệnh quốc gia".

Các nguồn tin tham gia dự án cho biết việc chế tạo tên lửa sẽ đặc biệt khó khăn vì một số vật liệu cần thiết hiện chưa có và phải được phát triển từ đầu để chịu được nhiệt độ cao đi kèm với tốc độ siêu vượt âm.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: "Chúng tôi đang theo đuổi công nghệ siêu vượt âm để phát triển hơn nữa khả năng của Anh. Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào thiết bị của mình để đáp ứng các mối đe dọa hiện tại và tương lai".

Tên lửa siêu vượt âm nhanh hơn đáng kể so với tên lửa hành trình tiêu chuẩn, có khả năng né tránh hệ thống phòng không của đối thủ bằng cách cơ động khi đang bay và tốc độ cao.

Đồng minh thân cận hàng đầu của Anh là Mỹ vẫn đang phát triển tên lửa siêu vượt âm và thừa nhận đã chậm chân hơn các đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, trên thế giới, Triều Tiên và Iran cũng tuyên bố đã thử thành công vũ khí siêu vượt âm.

PHÁP SẴN SÀNG TĂNG TỐC CHO OLYMPIC 2024

Báo chí Pháp tuần qua đã dành nhiều sự quan tâm đối với một sự kiện thể thao quan trọng sắp diễn ra khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa Olympic Paris 2024 bắt đầu khai mạc.

Nhiều bài viết cho rằng đến thời điểm này, nước Pháp vẫn còn nhiều vấn đề phải đối mặt để có thể có một lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 và những ngày thế vận hội hoàn hảo như mong đợi.

Có lẽ sự kiện ồn ào nhất trong tuần qua là hành động rút khỏi vị trí danh dự của người rước đuốc Olympic của vận động viên Baptiste Moirot - người đã bị cáo buộc có hành vi quấy rối tình dục bằng tin nhắn vào năm 2017. Báo chí Pháp lần này đồng lòng với việc không thể để một người có đạo đức như vậy ở vị trí danh dự. Nhiều tờ báo của Pháp đã gọi hành vi này là sự thiếu chính trực khi Moirot đẩy Ủy ban Olympic của Pháp vào tình huống khó xử vì đã chấp nhận vị trí danh dự này.

Thật may là vào ngày 26/4, ngọn lửa Olympic đã được truyền từ Hy Lạp cho các vận động viên của Pháp, bắt đầu cho hành trình rước đuốc về tới thủ đô Paris vào tháng 7 tới và báo chí tạm quên sự kiện ồn ào trên để nói về niềm vui mới này.

Cũng về Thế vận hội Mùa hè 2024, tờ Lefigaro - với giọng điệu hài hước - đã cho rằng người Pháp rồi thì cũng "hòa giải" với Olympic sau nhiều tháng thở than, càu nhàu và lo lắng vì những hệ luỵ có thể xảy ra trong mùa thế vận hội cho nước Pháp. Le Figaro viết dù sao đã là người Pháp và đứng dưới ngọn cờ xanh - trắng - đỏ, không thể không mong cho thế vận hội được diễn ra một cách đẹp đẽ như nó cần phải như vậy.

Tờ Le Monde chọn đưa nhiều tin có tính thực tế đang diễn ra ở Pháp trong giai đoạn này như nước Pháp đang xây dựng một trại quân sự ngay cạnh thủ đô Paris để bảo vệ Olympic và đặc biệt là cuộc tập huấn của gần 500 chuyên gia y tế đến từ 30 quốc gia để sẵn sàng ứng phó với các vấn đề sức khỏe của khoảng 13 triệu đến 16 triệu khán giả, gần 10.500 vận động viên Olympic và 4.400 vận động viên Paralympic có mặt tại Pháp trong mùa hè sắp tới.

Hài hước, chỉ trích, hân hoan hay thuần đưa thông tin, sự kiện Olympic Paris 2024 đang chiếm một lượng thông tin lớn của nước Pháp do sự kiện 100 năm mới lặp lại không thể khiến người Pháp và báo chí Pháp ngừng "mổ xẻ".

Nguồn: Báo Tin Tức; Đại Biểu Nhân Dân; CafeF; Dân Trí; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang