EU: Đóng cửa mỏ khí đốt; 'Stress nhiệt' tăng; DN lao đao vì 1 mình chống TQ; Thị thực vàng hết thời; Thu hẹp khả năng răn đe Houthi

CHÂU ÂU ĐÓNG CỬA VĨNH VIỄN MỎ KHÍ ĐỐT LỚN NHẤT

Chính phủ Hà Lan đã ngừng hoạt động vĩnh viễn mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu Groningen.

Reuters đưa tin, kể từ ngày 19.4, Hà Lan đã chính thức đóng cửa mỏ khí đốt Groningen sau khi chính quyền phê duyệt việc dừng vĩnh viễn các hoạt động khoan tại địa điểm này để hạn chế rủi ro địa chấn ở khu vực phía bắc.

Kể từ tháng 10 năm 2023, mỏ khí đốt Groningen chỉ sản xuất được một phần công suất tối đa sau nhiều năm cắt giảm sản lượng nhằm giảm nguy cơ động đất mà quá trình khoan gây ra trong khu vực, khiến hàng nghìn tòa nhà bị hư hại trong những năm qua.

Tuy nhiên, 11 giếng của mỏ vẫn mở để đề phòng trường hợp mùa đông khắc nghiệt và do tình hình quốc tế bất ổn liên quan đến xung đột Nga - Ukraina.

Đầu tuần này, Thượng viện Hà Lan đã thông qua luật đóng cửa vĩnh viễn mỏ khí đốt sau khi chính phủ cam kết rằng hoạt động sản xuất sẽ không bao giờ được nối lại nhằm hạn chế rủi ro địa chấn trong khu vực.

Các thượng nghị sĩ ban đầu dự định thông qua luật này hai tuần trước, nhưng đã hoãn cuộc bỏ phiếu cuối cùng sau khi một số đảng nêu lên lo ngại về nguồn cung khí đốt của đất nước.

Động thái đó đã khiến cả chính quyền và quan chức địa phương ở tỉnh phía bắc tức giận. Bộ trưởng Khai thác mỏ Hans Vijlbrief - người ủng hộ việc đóng cửa - cho biết, ông sẽ từ chức nếu điều đó dẫn đến sự chậm trễ kéo dài và thêm bất ổn về nguy cơ động đất đối với người dân sống trong khu vực. Chính quyền Groningen cáo buộc Quốc hội không thực hiện lời hứa chấm dứt hoạt động khoan khí đốt.

Khai trương vào năm 1963, mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu đã đóng góp lớn cho nền kinh tế Hà Lan và vẫn có trữ lượng khí đốt khổng lồ. Mỏ đã sản xuất hơn 50 tỉ mét khối khí đốt vào thời kỳ đỉnh cao cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, khu vực này đã ghi nhận hơn 1.600 trận động đất kể từ năm 1986 làm hư hại 85.000 tòa nhà. Không rõ liệu việc ngừng sản xuất có đủ để ngăn chặn hoạt động địa chấn trong khu vực hay không vì các hố rỗng vẫn còn dưới lòng đất.

Vào tháng 2.2024, đơn vị điều hành mỏ khí Groningen là liên doanh Shell và Exxon NAM đã yêu cầu tòa án trọng tài phán quyết liệu chính phủ có nên bồi thường cho việc ngừng sản xuất khí đốt tại địa điểm này hay không.

Theo Reuters, lợi nhuận từ khí đốt đã mang lại 363 tỉ euro (385 tỉ USD) cho Hà Lan kể từ khi bắt đầu sản xuất, trong khi lợi nhuận của Shell và Exxon từ Groningen lên tới gần 66 tỉ euro trong cùng kỳ.

Theo cơ quan thống kê của Hà Lan, trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraina, 1/4 lượng khí đốt nhập khẩu của Hà Lan có nguồn gốc từ Nga.

Vào năm 2023, thị phần khí đốt của Nga chỉ chiếm chưa đến 9% lượng nhập khẩu của nước này. Trong khi đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ tăng lên và chiếm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Hà Lan trong năm ngoái.

NGƯỜI CHÂU ÂU NGÀY CÀNG BỊ 'STRESS NHIỆT'

Châu Âu sẽ ngày càng hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu đựng được do biến đổi khí hậu.

Đây là một phần nội dung báo cáo mà Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố.

Theo báo cáo này, châu Âu đang nóng lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu và dự báo trong tương lai, các đợt nắng nóng sẽ kéo dài với cường độ mạnh hơn.

Cùng với tình trạng dân số già hóa và việc người dân di chuyển đến sinh sống ở các thành phố, tình trạng nắng nóng gia tăng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Đợt sóng nhiệt hồi tháng 7 khiến khoảng 41% diện tích khu vực Nam Âu rơi vào tình trạng "stress nhiệt" ở mức mạnh, rất mạnh hoặc cực đoan.

Đây là khu vực lớn nhất của châu Âu hứng chịu tình trạng như vậy trong bất kỳ ngày nào được ghi nhận.

Châu Âu đang chứng kiến xu hướng tình trạng "stress nhiệt" gia tăng và năm 2023 châu lục này ghi nhận kỷ lục số ngày xảy ra "stress nhiệt" ở mức cực đoan.

Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), "stress nhiệt," hay căng thẳng do nhiệt gây ra đối với cơ thể, là nền nhiệt độ cao hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được mà không ảnh hưởng xấu đến sinh lý.

Hiện tượng này thường xảy ra ở nhiệt độ trên 35 độ C và trong môi trường có độ ẩm cao.

Tuy nhiên, stress nhiệt có thể gây ra những rủi ro đối với sức khỏe con người nếu chịu đựng trong một thời gian dài, đặc biệt đối với những người lao động ngoài trời như công nhân, người cao tuổi và những người có bệnh nền như tim mạch và tiểu đường.

Vào tháng 7/2023, nhiều khu vực của Italy ghi nhận số ca tử vong cao hơn 7% so với mức thông thường của cùng kỳ trước đó.

Stress nhiệt đo lường tác động của môi trường đối với cơ thể con người, kết hợp các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm và phản ứng của cơ thể để thiết lập cảm giác nhiệt.

Trong năm 2023, nhiều khu vực của Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Hy Lạp đã chìm trong tình trạng stress nhiệt ở mức độ cực đoan kéo dài tới 10 ngày, với cảm giác nhiệt có lúc lên tới hơn 46 độ C - mức nhiệt cần sự can thiệp ngay lập tức để tránh xảy ra sốc nhiệt hoặc các vấn đề khác về sức khỏe.

Báo cáo chung cho biết, 23 trong số 30 đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất ở châu u xảy ra trong thế kỷ này và châu lục ghi nhận số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tăng khoảng 30% trong vòng 20 năm qua.

TỰ MÌNH CHỐNG LẠI CƠN LŨ TẤM PIN MẶT TRỜI GIÁ RẺ TỪ TRUNG QUỐC, MỘT DOANH NGHIỆP LAO ĐAO, CHÍNH PHỦ MUỐN CỨU CŨNG BẤT LỰC

Trung Quốc đang xâm chiếm ngành công nghiệp pin mặt trời cũng như các lĩnh vực xanh khác của châu Âu.

Công ty sản xuất pin mặt trời Photowatt của Pháp từng được coi là động lực cho tham vọng của Châu Âu trở thành gã khổng lồ sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, số phận của Photowatt ngày nay đang trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi phương Tây muốn đối đầu với cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc.

Cơn lũ hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc hiện đang đe dọa hàng triệu việc làm và làm dấy lên mối quan ngại của các nhà lãnh đạo ở Mỹ và châu Âu với Bắc Kinh. Số phận của Photowatt và ngành công nghiệp pin mặt trời ở châu Âu suy tàn là lời cảnh báo đối với Mỹ khi nền kinh tế số 1 thế giới đang tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp của mình khỏi áp lực mới từ Trung Quốc.

Đơn đặt hàng của Photowatt giảm mạnh khi khách hàng bị thu hút bởi các tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc với mức giá siêu rẻ. Chính phủ Pháp bơm tiền để giữ cho Photowatt tồn tại.

Emilie Brechbuhl, một kỹ sư và đại biểu công đoàn tại Photowatt, cho biết: “Công ty ngày càng ít người. Chúng tôi không phải là đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc”.

Bắc Kinh đang tìm cách kích thích kinh tế bằng cách chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất khổng lổ của mình. Lịch sử “cú sốc Trung Quốc” từ 2 thập kỷ trước có thể lặp lại khi hàng xuất khẩu giá rẻ của nước này tràn ngập thị trường toàn cầu và loại bỏ nhiều đối thủ cạnh tranh phương Tây.

Đặc biệt, khắp phương Tây đang dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ triệt tiêu các ngành công nghiệp xanh của nước này, buộc Mỹ và châu Âu phải dựa vào Trung Quốc để có được hàng hóa cung cấp năng lượng cho nền kinh tế carbon thấp trong tương lai.

Theo các chính phủ phương Tây, các lĩnh vực mà các quan chức Trung Quốc gọi là “bộ ba mới” – tấm năng lượng mặt trời, xe điện và pin – đang gây ra tình trạng dư thừa công suất lớn. Các nhà sản xuất tuabin gió của Trung Quốc cũng đang tìm kiếm khách hàng ở phương Tây, đe dọa ngành công nghiệp mà các công ty châu Âu và Mỹ như Vestas và GE Vernova vẫn đang dẫn đầu.

Trong 2 tháng qua, châu Âu đã mở nhiều cuộc điều tra về các khoản trợ cấp mà Bắc Kinh có thể đã trao cho các công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc ở Romania cũng như các công ty sản xuất tuabin gió ở Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Romania và Bulgaria.

Việc xuất khẩu thiết bị năng lượng xanh của Trung Quốc đặt ra tình thế khó xử cho phương Tây. Các tấm pin mặt trời, xe điện và pin có giá rẻ nhưng hiệu suất cao đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch. Châu Âu đặt mục tiêu đưa các tấm pin mặt trời thành nguồn điện số 1 vào năm 2030, tức là hàng trăm triệu tấm pin cần được lắp đặt vào thời điểm đó. Nhập khẩu tấm pin mặt trời từ Trung Quốc vào lục địa này đã tăng hơn bốn lần trong thập kỷ qua. Trung Quốc hiện thống trị hơn 95% thị trường châu Âu.

Hầu hết các chính phủ EU phản đối thuế nhập khẩu đối với tấm pin Trung Quốc. Thay vào đó, họ cam kết trong tháng này sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất tấm pin châu Âu tham gia đấu thầu các trang trại năng lượng mặt trời với trợ cấp và vốn của chính phủ. Tuy vậy, hỗ trợ đã không đến kịp thời đối với một số nhà sản xuất EU, khiến họ phải đóng cửa trong những tháng gần đây trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Quay trở lại với Photowatt. Công ty tồn tại nhờ quyết tâm của chính phủ Pháp. Năm 2012, Tổng thống khi đó là Nicolas Sarkozy đã đến thăm nhà máy của công ty và thông báo rằng ông đã yêu cầu doanh nghiệp nhà nước EDF mua lại Photowatt. Đơn vị năng lượng tái tạo của EDF sẽ mua tất cả các tấm pin mặt trời do Photowatt sản xuất, Sarkozy nói.

Photowatt hiện sản xuất các tấm quang điện. Các tấm này sau đó được lắp ráp thành pin và tấm pin mặt trời. Photowatt đã đầu tư vào công nghệ tấm silicon được cho là có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Quá trình sản xuất ít tốn năng lượng hơn so với công nghệ Trung Quốc nhưng sản phẩm lại kém hiệu quả hơn.

Khi Photowatt tiếp tục thua lỗ hàng chục triệu euro mỗi năm, EDF đã cắt giảm việc mua sản phẩm từ họ và tìm cách đóng cửa công ty. Nhưng chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã bác bỏ ý định đó.

Ngày nay, EDF cho biết họ không muốn sản xuất các tấm pin mặt trời và đang cố gắng tìm một “đối tác công nghiệp” cho Photowatt. Chính phủ của ông Macron trong tháng này đã công bố các trợ cấp cho sản xuất tấm pin mặt trời ở Pháp. Hai nhà máy lớn đang hoạt động nhưng cả hai đều chưa đột phá. “Chúng tôi đã cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga. Vậy Chúng tôi có muốn chuyển sang phụ thuộc vào các tấm quang điện của Trung Quốc không?” Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết. “Do đó, chúng tôi phải sản xuất các tấm pin mặt trời trên lãnh thổ của mình”.

“THỊ THỰC VÀNG” CỦA CHÂU ÂU ĐÃ HẾT THỜI?

Sau một thập niên, chương trình thị thực vàng giúp các nước châu Âu thu hút hàng tỷ euro đầu tư, nhưng đổi lại, nó cùng gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng ở các quốc gia này.

Khi Jimena Barba, một bác sĩ trẻ, bắt đầu làm việc tại một bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha vào năm 2023, cô đã chuyển đến sống cùng bố mẹ cách thành phố nửa giờ cho đến khi cô tích lũy đủ tiền mua nhà riêng.

Tuy nhiên, khi cô bắt đầu đi tìm nhà, hầu hết các căn đều có giá trên 500.000 euro, cao hơn gần 20 lần so với mức lương trung bình hàng năm ở Tây Ban Nha.

Số tiền trên tương ứng với chi phí của "thị thực vàng", một chương trình của chính phủ Tây Ban Nha cho phép cấp quyền cư trú đối với các nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản ở quốc gia này.

"Tôi không đủ khả năng chi trả. Nếu người nước ngoài thổi phồng giá trị bất động sản với những người sống ở đây như chúng tôi, thì đó là một sự bất công", bác sĩ Barba cho biết.

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, chính phủ Tây Ban Nha mới đây tuyên bố sẽ bỏ chương trình "thị thực vàng", một động thái mà một số chính phủ châu Âu khác đã làm hoặc đang cân nhắc.

Hơn 10 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã triển khai chương trình thị thực vàng ở thời điểm cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lên đỉnh điểm vào năm 2012, nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách.

Thời điểm đó, các quốc gia cần các gói cứu trợ quốc tế, trong đó có Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đặc biệt cần tiền mặt để trả nợ cho các chủ nợ và họ nhìn thấy con đường thu hút các nhà đầu tư đồng thời vực dậy thị trường bất động sản đang suy yếu.

Chương trình thị thực vàng của những nước này đã khá thành công. Chỉ riêng Tây Ban Nha đã cấp 14.576 thị thực cho những người giàu có mua bất động sản trên 500.000 euro.

Tuy nhiên, mức giá mà họ có thể chi trả đang đẩy những người như Barba ra khỏi thị trường nhà đất.

"Việc tiếp cận nhà ở cần phải là một quyền chứ không phải là một hoạt động đầu cơ," Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 4 khi tuyên bố kết thúc chương trình thị thực vàng.

Các chính phủ trong khu vực như Bồ Đào Nha, Hy Lạp cũng bắt đầu từ bỏ hoặc điều chỉnh chương trình này.

CHÂU ÂU NGÀY CÀNG BỊ THU HẸP KHẢ NĂNG RĂN ĐE TRƯỚC HOUTHI

Việc tàu khu trục Hessen của Đức rời đi khiến sứ mệnh hải quân Aspides của EU đè nặng lên vai của các lực lượng Hy Lạp, Pháp và Italy.

Nhóm Houthi của Yemen hôm 21/4 ca ngợi việc một tàu khu trục Đức rời khỏi Biển Đỏ là một “bước đi đúng hướng”.

Trước đó, hôm 20/4, Đài truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) đưa tin rằng tàu khu trục Hessen đã rời Biển Đỏ sau khi hoàn thành nhiệm vụ “bảo vệ các tàu thương mại khỏi phiến quân Houthi”.

Tàu khu trục này là một phần của sứ mệnh phòng thủ hàng hải của Liên minh châu Âu (EU) gọi là Aspides – một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lá chắn”. Hessen được triển khai tới Biển Đỏ từ cuối tháng 2 trong bối cảnh Houthi tăng cường tấn công các tàu thương mại trong khu vực.

“Việc tàu khu trục Đức rời đi là một bước đi đúng hướng”, ông Hussein Al-Ezzi, một quan chức ngoại giao cấp cao trong chính quyền do Houthi lãnh đạo, cho biết trong một tuyên bố.

Sau khi tàu Hessen rời Biển Đỏ, hoạt động của Hải quân Đức trong khu vực chỉ được nối lại vào tháng 8 tới, với một tàu khu trục phòng không khác được điều đến, theo Quân đội Đức (Budeswehr).

Việc tàu Hessen của Đức rời đi khiến sứ mệnh hải quân Aspides của EU đè nặng lên vai của các lực lượng Hy Lạp, Pháp và Italy. Mỗi quốc gia trong số 3 quốc gia này đều đóng góp một tàu khu trục phòng không. Tàu Ivar Huitfeldt của Đan Mạch và tàu Louise-Marie của Bỉ được cho là sẽ tham gia chiến dịch, nhưng hiện tại cả 2 tàu này đều không thể hoạt động vì lỗi hệ thống vũ khí.

Chuẩn đô đốc Hải quân Hy Lạp Vasilios Gryparis, người chỉ huy sứ mệnh Aspides, nói với mạng truyền hình Euronews (Pháp) rằng liên minh cần nhiều tàu hơn để khôi phục dòng chảy thương mại hàng hải.

“Chúng tôi nghĩ rằng vì mỗi chiến hạm chỉ có thể hộ tống một số tàu buôn nhất định, nếu số lượng khu trục hạm lớn hơn, chúng tôi có thể hộ tống nhiều tàu hơn và do đó chúng tôi có thể hy vọng lưu lượng vận tải qua các eo biển này sẽ phục hồi”, ông Gryparis nói hồi đầu tháng này.

Lực lượng Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ, đặc biệt là những tàu đến Israel, kể từ mùa thu năm ngoái. Họ nói rằng các cuộc tấn công nhằm mục đích gây áp lực buộc Israel phải dừng cuộc chiến khốc liệt ở Dải Gaza.

Các cuộc tấn công của Houthi đã khiến Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích trả đũa nhằm vào các địa điểm của nhóm này ở Yemen.

Không giống như Aspides, Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng (OPG) do Mỹ lãnh đạo vẫn có nguồn lực tương đối tốt, với nhiều tàu khu trục Aegis đang trực chiến và một nhóm tàu sân bay tấn công ở Vịnh Ô-man.

Sau nhiều tháng Houthi thường xuyên tấn công và phản công, các hoạt động quân sự đã trở nên trầm lắng hơn trong tuần qua. Cuộc giao chiến phòng không cuối cùng được lực lượng Mỹ báo cáo ở Biển Đỏ là vào ngày 16/4.

Biển Đỏ là một trong những tuyến đường biển được sử dụng thường xuyên nhất trên thế giới để vận chuyển dầu và nhiên liệu

Nguồn: Lao Động; VOH; Soha; Dân Trí; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang