EU: Thất thu giá tín chỉ carbon; Bảo vệ người tiêu dùng; Biến sông thành cao tốc; Khủng hoảng thiếu thuốc; Giới siêu giàu đổ về Paris

GIÁ TÍN CHỈ CARBON GIẢM, CHÂU ÂU THẤT THU

Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU tổn thất đáng kể. Điều này có thể đe dọa nguồn tài trợ một số dự án phát thải carbon thấp trong khu vực.

Sau khi tăng vọt lên trên 100 euro vào năm ngoái, chi phí cho một tín chỉ phát thải carbon (tương đương 1 tấn khí carbon) ở EU giảm gần một nửa vào tháng 2. Nguyên nhân là do lượng khí thải của các ngành gây ô nhiễm giảm khi nhu cầu điện suy yếu và sản xuất năng lượng tái tạo tăng mạnh.

Theo dữ liệu của Công ty tư vấn Veyt, giá carbon giảm dự kiến làm tổn thất 4,1 tỉ euro (4,36 tỉ đô la Mỹ) doanh thu tiềm năng cho nguồn ngân sách mà EU phân bổ cho các dự án phát thải carbon thấp trong năm nay.

Lượng khí thải nhà kính giảm cho thấy thị trường carbon đang giúp EU đạt được các mục tiêu về khí hậu. Nhưng điều đó cũng có nghĩa hệ thống thương mại khí thải của EU (EU ETS) sẽ có ít nguồn thu hơn để cung cấp cho các quỹ chuyển đổi xanh và chi trả cho các nỗ lực bảo vệ khí hậu của các nước thành viên.

Quỹ Đổi mới EU là nguồn tài trợ chính dành cho các công nghệ xanh mới nổi như hydrogen và thu giữ carbon mà khối này đang dựa vào để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Theo ước tính của EU, quỹ này sẽ huy động được 40 tỉ euro trong thập niên này nếu giá CO2 trung bình đạt 75 euro/tấn trong giai đoạn đó. Giá carbon chuẩn của EU vẫn ở dưới ngưỡng này trong hơn 3 tháng qua và đang giao dịch ở mức khoảng 70 euro/tấn vào hôm 17-4. Kết quả là doanh thu carbon của EU trong năm 2024 tính cho đến nay thấp hơn 30% so với mức giá trung bình trong năm 2023 là 83,6 euro/tấn, theo dữ liệu của Veyt.

“Nếu doanh thu bán carbon suy giảm, điều đó sẽ ảnh hưởng đến số lượng dự án mà Quỹ Đổi mới của EU có thể hỗ trợ”, nhà phân tích Yan Qin của LSEG, nói.

EU ETS cũng cấp vốn cho Quỹ Hiện đại hóa để giúp các nước EU nghèo nhất loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nguồn tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng suy giảm sẽ là đòn giáng mạnh vào các ngành công nghiệp châu Âu đang nỗ lực hướng tới mục tiêu xanh trong khi vẫn tìm cách duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế. Một số công ty ở châu Âu bao gồm các nhà sản xuất tấm pin mặt trời đang chuyển đầu tư sang Mỹ để hưởng lợi từ chương trình trợ cấp công nghệ sạch.

Holcim (Thụy Sĩ) ghi nhận Quỹ Đổi mới cung cấp động lực cho các dự án đầu tư phát thải carbon ở châu Âu. Nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới đã nhận được nguồn tài trợ từ quỹ này cho các dự án thu hồi carbon ở Bỉ, Croatia, Pháp, Đức và Ba Lan.

“Chúng tôi chưa bao giờ đầu tư nhiều như vậy vào châu Âu trong nhiều thập niên qua và điều đó một phần là nhờ Quỹ Đổi mới”, Cedric de Meeus, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ công chúng của Holcim, cho biết.

Các nhà phân tích nhận định, xu hướng carbon giảm giá ở EU có thể chỉ là tạm thời. Họ tin rằng giá carbon sẽ tăng trong thập niên này do thị trường được thiết kế để cắt giảm dần nguồn cung tín chỉ phát thải carbon miễn phí qua mỗi năm, trong khi một quỹ bình ổn thị trường cũng sẽ giúp giải quyết một số nguồn cung tín chỉ phát thải dư thừa.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã hạ dự báo về giá tín chỉ carbon trong khu vực. Cuộc khảo sát của Reuters với các nhà phân tích vào năm 2022 đưa ra dự báo giá trung bình carbon chuẩn ở EU là 94 euro/tấn vào năm 2024. Trong cuộc khảo sát hồi tháng 1, họ giảm mức dự báo xuống còn 74 euro/tấn.

Ingvild Sorhus, nhà phân tích carbon của Veyt, giải thích giá carbon giảm do các yếu tố ngắn hạn bao gồm động thái gần đây của EU nhằm bán thêm hàng triệu tín chỉ phát thải carbon để quyên tiền giúp các nước thoát khỏi khí đốt của Nga.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EU) cho biết EU không thay đổi mức giá carbon 75 euro/tấn được sử dụng để ước tính quy mô của Quỹ Đổi mới. Quỹ này hỗ trợ các công nghệ carbon thấp mà các nhà phát triển cho rằng đang thiếu nguồn tài trợ vì chúng được coi là quá rủi ro đối với các nhà đầu tư và ngân sách đang căng thẳng của nhiều chính phủ ở trong khu vực.

Năm ngoái, công ty khởi nghiệp ICODOS (Đức) đã khởi động một nhà máy thí điểm sản xuất nhiên liệu metanol có hàm lượng carbon thấp. “Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ đổi mới, các dự án của chúng tôi sẽ không có khả năng huy động vốn”, David Strittmatter, CEO của ICODOS, nói và cho biết thêm rằng việc chính phủ Đức siết chặt ngân sách đã thúc đẩy các dự án khí hậu trong nước khác tìm kiếm vốn tài trợ từ Quỹ đổi mới. Tuy nhiên, quỹ này đang căng thẳng vì nhu cầu quá lớn. Năm ngoái, quỹ đã trao 3,6 tỉ euro cho 41 dự án lớn, sau khi có đến 239 dự án nộp đơn xin cấp vốn tài trợ.

Công ty khởi nghiệp Heatrix của Đức đang xem xét xin đăng ký hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới cho nhà máy thương mại đầu tiên để chuyển đổi điện tái tạo thành công nghiệp nhiệt độ cao.

Wei Wu, người đồng sáng lập Heatrix, khẳng định giá carbon giảm sẽ không khiến các công ty từ bỏ kế hoạch khử carbon, nhưng có thể trì hoãn đầu tư vào các dự án giảm khí thải. “Tôi hy vọng đây chỉ là trạng thái tạm thời, và giá carbon sẽ tăng trở lại”, Wei Wu nói.

CHÂU ÂU TĂNG CƯỜNG NÂNG CAO NHẬN THỨC, BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Các bộ trưởng phụ trách bảo vệ người tiêu dùng châu Âu đã nhóm họp ngày 19/4 tại Brussels (Bỉ) để thảo luận các vấn đề quan trọng và thách thức mới trong lĩnh vực này. Hội nghị do Bỉ, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), chủ trì.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, dưới sự chủ trì của Quốc vụ khanh phụ trách ngân sách và bảo vệ người tiêu dùng Bỉ, ông Alexia Bertrand và Tổng vụ trưởng tư pháp và tiêu dùng thuộc Ủy ban châu Âu (EC) Ana Gallego Torres, các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về các vấn đề then chốt và những thách thức mới đối với việc bảo vệ người tiêu dùng trong thị trường chung và quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Một điểm nhấn chính của hội nghị là bảo đảm thị trường chung công bằng và minh bạch cho người tiêu dùng. Các bộ trưởng đã tập trung vào vấn đề mua bán xe đã qua sử dụng, đặc biệt là vấn đề gian lận thông số dặm đường xe đã đi được, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin chính xác khi bán xe. Trao đổi dữ liệu giữa các quốc gia thành viên được xem là giải pháp tiềm năng để giảm thiểu gian lận xuyên biên giới. Hệ thống Thông tin giấy phép lái xe và Phương tiện châu Âu (EUCARIS) cung cấp cả cơ sở hạ tầng và cơ sở pháp lý cho việc trao đổi dữ liệu vận tải giữa các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên.

Hội nghị cũng thảo luận việc tăng cường thực thi quyền của người tiêu dùng ở cấp quốc gia và châu Âu. Các bộ trưởng nhất trí cần nỗ lực để đảm bảo tất cả người tiêu dùng đều có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính hữu ích và giá cả phải chăng, đặc biệt trong kỷ nguyên số hóa. Việc sử dụng tiền mặt bắt buộc và phát hành đồng euro kỹ thuật số là hai đề xuất được xem xét nhằm hỗ trợ tiếp cận tài chính cho các nhóm dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống thanh toán bán lẻ châu Âu.

Thương mại điện tử bền vững và an toàn cũng là chủ đề quan trọng trong hội nghị. Các bộ trưởng kêu gọi nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường trong thương mại điện tử, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng và nhà bán hàng lựa chọn bền vững hơn. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được thảo luận, tâp trung vào việc bảo vệ niềm tin và sự an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt đối với mua sắm trực tuyến. Vì việc sử dụng AI có thể ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của người tiêu dùng nên việc thông báo cho họ về cách các nhà bán lẻ sử dụng AI trong quy trình kinh doanh là hoàn toàn cần thiết.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và việc làm Bỉ, ông Pierre-Yves Dermagne, cần thực thi một cách liên kết hơn về quyền của người tiêu dùng trong EU và cần tạo ra các quyền mới cho người tiêu dùng châu Âu.

Hội nghị về tăng cường bảo vệ người tiêu dùng châu Âu được xem là bước quan trọng để trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên EU và giúp Bỉ đề ra ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng cho EC nhiệm kỳ tiếp theo.

GIẤC MƠ BIẾN SÔNG THÀNH “CAO TỐC” CỦA CHÂU ÂU

Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Quay lại giải pháp từ hàng thế kỷ trước

Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua dòng sông Seine, thuyền trưởng Freddy Badar điều khiển sà lan Le Bosphore di chuyển qua những ngôi làng Normandy đẹp như tranh vẽ và khu rừng phủ đầy tuyết, lên đường tới Paris. Trên sà lan là nhiều tầng container chứa nội thất, đồ điện tử, quần áo vừa được chuyển lên từ tàu chở hàng đang neo đậu tại Le Havre – một cảng biển ở phía Bắc nước Pháp.

Le Bosphore là một trong 110 sà lan do Sogestran, công ty vận tải đường sông lớn nhất của Pháp điều hành. Sà lan này hành trình tới Gennevilliers, cách đó hàng trăm kilomet (gần thủ đô Paris). Đây là trung tâm phân phối hàng hóa cho 12 triệu người tiêu dùng của khu vực thủ đô. Mỗi chuyến đi mất khoảng 30 giờ.

Khi Le Bosphore cập cảng Gennevilliers vào ngày hôm sau, một cần cẩu tại đây làm nhiệm vụ dỡ ba lớp container từ sà lan, đặt lên cầu tàu, sau đó xe nâng tiếp tục xếp container sang một bên. Tuy chở lượng hàng hóa khổng lồ nhưng Le Bosphore chỉ tiêu thụ nhiên liệu tương đương 4 chiếc xe tải. Nếu sử dụng đường bộ, số hàng này cần khoảng 120 xe tải và các ngả đường cao tốc sẽ thường xuyên tắc nghẽn.

Nhưng chỉ cần một chiếc sà lan Le Bosphore với thủy thủ đoàn gồm 4 người, lượng hàng hóa lớn từ tàu biển đã được giải phóng và đặc biệt làm giảm hàng tấn khí thải CO2. "Dòng sông này là một phần của giải pháp quy mô lớn hơn, hướng đến vận tải xanh và bảo vệ môi trường", thuyền trưởng Badar cho biết.

Ông Badar khẳng định, dòng sông Seine có thể giúp châu Âu làm được nhiều hơn nữa trong bối cảnh Liên minh châu Âu tăng cường các giải pháp chống biến đổi khí hậu, "xanh hóa" các phương tiện vận tải. Hiện đây là lĩnh vực tạo ra 1/4 tổng lượng lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Trước thách thức này,một giải pháp đã có từ hàng thế kỷ trước là vận tải sông được lựa chọn. Trước đây, những con sông là cách duy nhất để vận chuyển hàng hóa qua nước Pháp. Nhưng khi xe tải và xe lửa thống trị, đường cao tốc và đường sắt mở rộng khắp lục địa, đường thủy không còn được ưa chuộng.

"Nhưng sau một thời gian dài chịu đựng khí thải quá nặng nề, tốt nhất nên coi dòng sông là một phần của chuỗi giao thông sạch hơn", ông Badar nói.

Tăng gấp đôi lưu lượng sà lan đến năm 2050

Với 213.000 dặm đường thủy dọc Liên minh châu Âu, giới chức ở đây nhận thấy có tiềm năng giúp cắt giảm lượng xe tải khỏi đường bộ là rất lớn.

Trong Thỏa thuận Xanh - bản kế hoạch giảm phát thải của Liên minh châu Âu, lục địa già dự định biến những dòng sông thành "đường cao tốc", tăng lưu lượng sà lan lên gấp đôi tính đến năm 2050.

Theo đánh giá của tờ New York Times, kế hoạch này có rất nhiều dư địa để phát triển. Hiện tại, các dòng sông của châu Âu chỉ là nơi vận tải khoảng 2% hàng hóa của khu vực. Trong khi đó, có khoảng 6,5 triệu xe tải di chuyển trên khắp các con đường của châu Âu, vận tải khoảng 80% vận tải hàng hóa; còn đường sắt chỉ chiếm khoảng 5%.

Dù sông Sein không phải là dòng sông có lưu lượng vận tải bận rộn nhất, nhưng giới chức châu Âu muốn biến nơi đây trở thành một trong những trung tâm thử nghiệm chính cho kế hoạch vận tải thân thiện môi trường.

Những chiếc sà lan lớn như Le Bosphore có kích thước dài hơn một sân bóng đá và có thể giúp giảm 18.000 lượt vận tải ô tô từ Le Havre đến Paris/năm. Sông Seine đủ sức chứa nhiều sà lan như vậy. Chính phủ Pháp hy vọng sẽ tăng lượng vận tải hàng hóa trên sông Seine lên gấp 4 lần so với 20 triệu tấn m3/năm như hiện nay.

Từng bước điện hóa sà lan

Mặc dù vậy, kế hoạch này cũng đối mặt không ít thách thức. Nếu lưu lượng vận tải hàng hóa trên sông tăng cao thì phần lớn hạ tầng đường thủy như cảng, bến tàu vốn đã có tuổi đời hàng thập kỷ sẽ cần phải nâng cấp.

Một vấn đề khác cản trở sự tăng trưởng của vận tải thủy là nhân sự. Nhiều thuyền trưởng tàu sông ở châu Âu sắp đến tuổi nghỉ hưu và nhân sự có trình độ rất khan hiếm.

Để từng bước giải quyết, công ty vận hành cảng Haropa đã và đang mở rộng cảng Le Havre – nằm ngay cửa sông Seine để thu hút tàu từ các cảng lớn như Rotterdam ở Hà Lan hay Antwerp của Bỉ. Hàng hóa được chuyển vào các cảng, sau đó được chuyển vào trong nước Pháp bằng xe tải.

"Chúng tôi đang nỗ lực để các doanh nghiệp chuyển đổi cách thức vận tải", ông Stéphane Raison, Chủ tịch Công ty Vận hành cảng Haropa của Pháp nói và cho biết, công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ euro vào nỗ lực kéo vận tải hàng từ đường bộ sang vận tải thủy trên sông Seine.

Trong tương lai, để giảm phát thải triệt để, châu Âu sẽ chuyển sang sử dụng sà lan điện/hybrid thay cho sà lan dùng diesel.

Hiện tại phần lớn đội sà lan của châu Âu vẫn là phương tiện sử dụng động cơ diesel, nhưng một phần đang chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học và số lượng ngày càng tăng.

Rất nhiều loại tàu thủy điện đang xuất hiện trên thị trường. Nhiều mẫu sà lan chạy bằng hydro cũng đang được phát triển. Điển hình là mẫu sà lan chạy bằng nhiên liệu hydro đầu tiên của châu Âu mang tên Zulu, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay. Sà lan này có thể chở tới 320 tấn.

CHÂU ÂU BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC

Nhiều bệnh nhân ở Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đang đối mặt tình trạng thiếu những loại thuốc quan trọng như thuốc kháng sinh và thuốc điều trị động kinh, theo nghiên cứu do tổ chức Nuffield Trust (Anh) công bố ngày 18.4.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu thuốc đã trở thành "bình thường mới" ở Anh và "cũng có tác động nghiêm trọng đến các nước EU", theo AFP.

Nghiên cứu chỉ ra số lần cảnh báo từ các công ty dược phẩm về tình trạng thiếu thuốc sắp xảy ra ở Anh đã tăng từ 648 vào năm 2020 lên 1.634 vào năm 2023. Ông Paul Rees, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Dược phẩm quốc gia (Anh), cho rằng tình trạng thiếu thuốc "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh khẳng định nước này không đơn độc trong việc đối mặt với các vấn đề về nguồn cung cấp dược phẩm. Bộ này còn khẳng định hầu hết các trường hợp thiếu thuốc đã được "xử lý nhanh chóng với sự gián đoạn tối thiểu đối với bệnh nhân".

GIỚI SIÊU GIÀU CHUẨN BỊ ĐỔ VỀ PARIS DỰ THẾ VẬN HỘI

Theo hãng CNN, mùa hè năm 2024, đám đông du khách dự kiến ​​sẽ đổ về thủ đô Paris (Pháp) để tham dự Thế vận hội. Giá phòng khách sạn có khả năng tăng vọt. Vé cho những sự kiện nhỏ hơn cũng sẽ được săn lùng ráo riết. Và tất cả các hoạt động tham quan thủ đô nước Pháp đều sẽ cực kỳ hấp dẫn đối với du khách.

Du lịch thể thao phát triển nhờ Thế vận hội mùa hè Paris

Các gói du lịch hạng sang cho mùa Olympic 2024 đã được bán, cung cấp cơ hội cho những khách du lịch giàu có tham gia độc quyền vào các hoạt động thể thao, bên cạnh những trải nghiệm du lịch và chỗ ở rất cao cấp. Những người tham gia Olympic 2024 sẵn sàng trả vài trăm nghìn đô la để được xem qua các trận đấu.

Chẳng hạn, một gia đình 5 người ở Bắc Mỹ đi du lịch tới thủ đô Paris để tham dự Thế vận hội thông qua công ty du lịch trải nghiệm The GR8 Experience có thể chi từ 250.000 đến 380.000 USD, tùy thuộc vào khách sạn 5 sao hoặc dịch vụ cho thuê hạng sang mà họ chọn.

Khoản tiền 6 con số này sẽ bao gồm chỗ ở 11 đêm, vị trí ngồi hạng cao cấp tại lễ khai mạc và vé xem các môn thể thao như bơi lội, bóng nước, lặn, bóng chuyền bãi biển, điền kinh và bóng đá. Họ cũng sẽ được tận hưởng các dịch vụ di chuyển VIP quanh Paris và dịch vụ đón tiếp tận tình trong thời gian ở thành phố.

Như mức giá trên cho thấy, ngành du lịch thể thao sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho nước Pháp: vào năm 2022, ngành này trị giá gần 588 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng 17% vào năm 2030. Đáng chú ý, năm nay, không có sự kiện thể thao nào lớn hơn Thế vận hội Paris 2024.

"Khách hàng của chúng tôi muốn tham gia trực tiếp tại các sự kiện thể thao, thể dục dụng cụ, quần vợt và bóng rổ. Công ty đang nhận được số lượng đặt vé kỷ lục từ nhóm khách hàng chủ yếu ở Bắc Mỹ cho sự kiện kéo dài hai tuần," Giám đốc điều hành và đồng sáng lập The GR8 Experience ông Barnabas Carrega nói.

"Dòng sông Seine - biểu tượng của Paris sẽ chiếm vị trí trung tâm trong lễ khai mạc khi ban tổ chức thay đổi khung cảnh sân vận động truyền thống bằng một cuộc diễu hành nổi của các quốc gia. Như thường lệ, đêm đầu tiên Thế vận hội Paris sẽ có nhu cầu cao nhất và du khách mong muốn được trải nghiệm độc quyền nhất có thể," ông Carrega nói.

Hành trình tùy chỉnh

Theo nhà điều hành tour du lịch Kensington Tours, họ sẽ đón hai khách hàng đến Paris trong 7 đêm đầu tiên của Thế vận hội. Những du khách này sẽ theo dõi lễ khai mạc từ vị trí thuận lợi của Cầu Alma, với Tour du lịch Eiffel. Giá cơ bản cho Gói Bridge 360 chính thức này là 10.300 USD, bao gồm rượu sâm panh, nhạc sống và buổi gặp gỡ các vận động viên Olympic trong khung cảnh kiểu quán bia.

Ông Kensington cho biết những tấm vé tốt nhất – "vé vàng hạng nhất" – sẽ có giá từ 500 đến 1.000 USD/ vé để xem các giải quần vợt và bóng rổ. Vào ngày trống không tham dự bất kỳ sự kiện nào, du khách sẽ được mời đi nếm thử rượu whisky riêng do chủ nhà máy chưng cất tổ chức.

Trong khi đó, Angela Adto Teppa đến từ công ty du lịch AZA Luxury Travel nhấn mạnh AZA Luxury Travel cũng thiết kế chương trình trải nghiệm khắp Paris cho một gia đình đến từ Oahu, Hawaii, những du khách đặc biệt đến để xem bóng rổ và đấu vật.

"Paris mang đến vô số cơ hội cho những du khách giàu có tận hưởng Thế vận hội 2024. Tôi đã điều chỉnh một số hành trình khám phá bao gồm thưởng thức món ngon tại các nhà hàng được gắn sao Michelin, các chuyến du ngoạn mua sắm có hướng dẫn viên tại các khu thời trang ở Paris và các chuyến tham quan riêng đến các điểm tham quan mang tính biểu tượng như bảo tàng Louvre", ông Adto Teppa nói.

Tương tự, công ty du lịch Craft Travel cũng đã tổ chức hành trình trải nghiệm bận rộn kéo dài 15 ngày cho gia đình 4 người đến từ New York.

"Các nghệ sĩ biểu diễn sẽ gồm có một vũ công múa ba lê chuyên nghiệp, một nhóm tứ tấu cổ điển và một ca sĩ opera. Bữa tối ngon miệng sẽ đi kèm với buổi biểu diễn. Sau đó, họ sẽ tận hưởng chuyến tham quan hậu trường của nhà hát opera, bao gồm chuyến tham quan xưởng trang phục, nơi tất cả những điều kỳ diệu xảy ra," Giám đốc của Craft Travel, Andrea Galvez nhấn mạnh.

Cung điện và siêu du thuyền

Để đảm bảo khách hàng có thể ở tại các khách sạn danh tiếng nhất Paris, nhiều cố vấn du lịch sang trọng đã thực hiện đặt phòng tại các khách sạn ở thành phố.

"Chúng tôi đã ký hợp đồng thuê phòng ở 8 khách sạn khác nhau trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội. Sau đó, chúng tôi đã cung cấp thời gian lưu trú ngắn hơn trong các khu nhà đó cho khách hàng. Trong số đó có Rosewood Hôtel de Crillon, Le Bristol Paris và Shangri-La Paris", ông Dave Guenter, chuyên gia về du lịch thể thao ở Roadtrips, một công ty của Tập đoàn Du lịch Internova, cho biết.

Những người có thể đặt phòng tại những khách sạn hàng đầu ở Paris đang phải trả rất nhiều tiền để có được đặc quyền này. Tại Le Royal Monceau Raffles Paris, một trong những khách sạn "cung điện" cực kỳ uy tín của Pháp, phòng Royal Monceau Suite rộng 190m2 đã kín lịch trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic tại mức giá 27.000 USD/đêm.

"Một số phòng khách sạn cũng được cá nhân hóa theo sở thích trang trí của khách, thậm chí có khu vực trang điểm cũng như làm tóc", ông Nicolas De Gols, Tổng Giám đốc của Le Royal Monceau nhấn mạnh.

Tại các thành phố khác của Pháp như Marseille và Nice - và thậm chí cả vùng lãnh thổ xa xôi Tahiti của Pháp - cũng là nơi tổ chức các sự kiện Olympic, dịch vụ cho thuê siêu du thuyền cũng đang là xu hướng cho Thế vận hội Mùa hè 2024 sắp tới.

Công ty quản lý siêu du thuyền Fraser Yachts cho biết Askari, du thuyền cổ điển dài 33m có trụ sở tại Polynesia thuộc Pháp, đã nhận được rất nhiều lịch đặt chỗ tham gia các sự kiện lướt sóng ở Teahupo'o, Tahiti./.

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị; Báo Tin Tức; Báo Giao Thông; Thanh Niên; Tổ Quốc

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang