EU: Đau đầu vì ứng dụng TikTok Lite; Điểm yếu khó khắc phục trước Nga; Cuộc chiến thương mại lớn với TQ; Trừng phạt Iran

ỨNG DỤNG MỚI CỦA TIKTOK LẠI KHIẾN CHÂU ÂU ĐAU ĐẦU

Ủy ban Châu Âu ngày 17/4 cho TikTok thời hạn trong vòng 24 giờ để đưa ra đánh giá rủi ro sau khi ra mắt ứng dụng mới TikTok Lite ở Pháp và Tây Ban Nha, với lý do lo ngại về tác động của ứng dụng này đối với trẻ em và sức khỏe tâm thần của người dùng.

Phiên bản rút gọn của ứng dụng TikTok về cơ bản trả tiền cho người dùng để xem video và kiếm điểm để đổi lấy các phần thưởng như phiếu mua hàng hoặc thẻ quà tặng. Để tham gia, người dùng phải trên 18 tuổi và xác minh độ tuổi. Họ có thể xem tối đa một giờ mỗi ngày để nhận phần thưởng, tương đương 1,06 đô la một ngày.

Ủy ban cho biết chủ sở hữu TikTok là công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, lẽ ra phải đánh giá rủi ro trước khi ứng dụng này được phát hành.

Ủy ban nói yêu cầu này “quan tâm đến ảnh hưởng tiềm tàng của chương trình ‘Nhiệm vụ và Phần thưởng Lite’ mới ra đối với việc bảo vệ trẻ vị thành niên, cũng như sức khỏe tâm thần của người dùng, đặc biệt là liên quan đến khả năng kích thích hành vi gây nghiện”.

Đòi hỏi này được đưa ra chiếu theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số năm 2022, quy định việc kiểm duyệt nội dung trên 22 nền tảng trực tuyến lớn như TikTok.

Ủy ban cho biết, ngoài thời hạn 24 giờ để đánh giá rủi ro, TikTok phải cung cấp thêm thông tin được yêu cầu trước ngày 26 tháng 4.

Phát ngôn viên của TikTok nói: “Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với Ủy ban liên quan đến sản phẩm này và sẽ đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin”.

CHÂU ÂU LỘ “ĐIỂM YẾU CHÍ TỬ” TRƯỚC MOSCOW

Xung đột Nga - Ukraina gần như ngay lập tức làm nổi bật những điểm yếu của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh năng lượng.

Chuyên gia phân tích năng lượng Petras Katinas viết trên website của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina và cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó gần như ngay lập tức làm nổi bật những điểm yếu về an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU).

Sự phụ thuộc nặng nề của EU vào nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là nhiên liệu nhập khẩu từ một nhà cung cấp duy nhất, cho thấy nhu cầu cấp thiết về đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng.

Xung đột Nga - Ukraina cũng trở thành mấu chốt trong chính sách năng lượng của EU khi các quốc gia thành viên nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào than, dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào EU đã tăng đáng kể. Nguồn thu này không chỉ mang lại cho Nga đòn bẩy chính trị đáng kể đối với các nước thành viên EU mà còn tài trợ cho chiến dịch quân sự của Mátxcơva ở Ukraina.

Theo chuyên gia Katinas, trước những diễn biến này, EU - vốn trước đây đã cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga - cần giữ vững cam kết bằng cách giảm và tiến tới chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga. Điều này sẽ làm giảm nguồn tiền Mátxcơva đổ vào cuộc chiến và làm giảm ảnh hưởng của Nga với EU.

Năm 2021, 46% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga. Tuy nhiên, kể từ chiến sự Ukraina, tỉ lệ này đã giảm đáng kể, xuống còn 24% vào năm 2022 và 16% vào năm 2023, một phần do sự gián đoạn nguồn cung và tình thế bắt buộc khiến EU phải tìm kiếm các giải pháp thay thế khí đốt. Điều trớ trêu là, quá trình đa dạng hóa nguồn cung lại dẫn đến gia tăng nhập khẩu LNG của Nga.

Năm 2022, nhập khẩu khí LNG vào EU tăng 63% so với năm 2021, đạt 126 tỉ mét khối. Nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả trung chuyển, cũng tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 20 tỉ mét khối, chiếm 15% tổng lượng LNG nhập khẩu của EU.

Một phần LNG của Nga nhập khẩu vào EU đã được chuyển tiếp đến các điểm đến khác trên thế giới, giúp Nga tiếp cận thị trường toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phân tích của CREA cho thấy 22% (4,4 tỉ mét khối) nhập khẩu LNG từ Nga của EU được trung chuyển trên toàn cầu, với 8% (1,6 tỉ mét khối) đến các quốc gia thành viên EU vào năm 2023.

Theo CREA, việc tiếp tục phụ thuộc vào các dịch vụ của G7+ để xuất khẩu LNG mang lại cho các đồng minh của Ukraina đòn bẩy đáng kể trong việc điều tiết giá LNG của Nga và đưa ra giá trần. Các nhà xuất khẩu LNG của Nga sẽ buộc phải bán ở mức giá trần hoặc ở mức chiết khấu để tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm do G7+ cung cấp. Theo CREA, đề xuất như vậy sẽ đảm bảo dòng LNG ổn định đến các nước nhập khẩu, ngăn chặn giá khí đốt tăng đột ngột và làm giảm doanh thu của Nga từ mặt hàng này.

CREA cho hay, chính sách giá trần LNG ở mức 17 euro/MWh, cao hơn chi phí sản xuất trung bình ước tính của Nga, cũng sẽ có tác dụng ngăn chặn việc Nga giảm đáng kể xuất khẩu, bởi xuất khẩu ở mức giá này vẫn có lãi.

Theo tính toán của CREA dựa trên giá trị năm 2023, việc áp dụng giá trần LNG trên toàn cầu sẽ làm giảm 60% tổng doanh thu xuất khẩu LNG của Nga, tương đương 10 tỉ euro. Nhưng nếu chỉ thực thi giá trần này trong EU sẽ làm giảm tổng doanh thu xuất khẩu LNG của Nga 29%, tương đương giảm 5 tỉ euro.

CHÂU ÂU ÂM THẦM CHUẨN BỊ CHO CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI TOÀN DIỆN VỚI TRUNG QUỐC

Liên minh châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu thương mại toàn diện với Trung Quốc, hãng tin Bloomberg thông báo điều này.

Theo ấn phẩm Bloomberg, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu - bà Ursula von der Leyen đã khởi xướng việc đưa ra một số hạn chế thương mại đối với Trung Quốc và trong tương lai gần có ý định tiếp tục chính sách này.

Như đã lưu ý, hiện nay "đấu trường thương mại" chính giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc là lĩnh vực được gọi là công nghệ sạch.

Vị trí lãnh đạo không thể tranh cãi ở đây thuộc về Trung Quốc, khi họ xuất khẩu nhiều loại hàng hóa sang EU. Hơn nữa, do giá thành rẻ nên họ đánh bật sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất bản địa.

Bloomberg giải thích, Trung Quốc thống trị tuyệt đối thị trường công nghệ sạch toàn cầu nhờ sự hỗ trợ to lớn của chính phủ dành cho các nhà sản xuất, đồng thời nhấn mạnh rằng tình trạng này không phù hợp với các quan chức EU.

Liên minh châu Âu có ý định thay đổi thực tế trên bằng các phương pháp phi thị trường. Trong tương lai gần, EU sẽ áp dụng các mức thuế bổ sung đối với ô tô điện của Trung Quốc.

Một biện pháp khác có thể được EU đưa ra sẽ là hạn chế sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào những dự án cơ sở hạ tầng ở châu Âu.

"Châu Âu phải bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong khi cân bằng các hành động bảo hộ của Mỹ, trước tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc, có nguy cơ lan sang thị trường châu Âu", Bộ trưởng Tài chính Pháp - ông Bruno Le Maire giải thích về bước đi sắp tới của chính quyền EU.

Tuy vậy EU sẽ phải cân nhắc kỹ những biện pháp được đưa ra, bởi chắc chắn châu Âu phải hứng chịu hành động trả đũa từ phía Trung Quốc.

GIỚI CHỨC EU ỦNG HỘ MỞ RỘNG TRỪNG PHẠT IRAN

Cao uỷ phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu ông Josep Borrel hôm qua (16/4) cho biết đang xem xét mở rộng phạm vi lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi nước này tiến hành cuộc tập kích Israel vào đêm ngày 13/4, trong đó sẽ nhắm vào chương trình tên lửa của Iran cũng như các lực lượng được mà Liên minh châu Âu đánh giá đang được Tehran hậu thuẫn.

Phát biểu sau cuộc họp bất thường của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/4, Cao uỷ phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu ông Josep Borrel cho biết các lệnh trừng phạt mới của EU đối với Iran sẽ đi theo hai hướng.

Thứ nhất, EU sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt áp dụng từ tháng 7/2023 đối với công nghệ máy bay không người lái sang các chương trình tên lửa của Iran. Theo ông Josep Borrel, ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên chủ chốt như Đức, Pháp nhưng vẫn có một số thành viên bỏ phiếu trắng. Trên thực tế, khác với máy bay không người lái, EU đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy tên lửa do Iran sản xuất được sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Thứ hai, các ngoại trưởng EU để ngỏ khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với các lực lượng mà EU đánh giá là đồng minh của Iran hoặc được Iran hậu thuẫn, trong đó nhất là lực lượng Hezbollah ở Liban hay Houthis tại Yemen. Ngoài ra, EU dự kiến cũng xem xét đưa lực lượng Vệ binh cách mạng cộng hoà Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố hay áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân của Iran.

Trong cuộc họp ngày 16/4, các ngoại trưởng EU thống nhất lên án cuộc tập kích bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào Israel, đồng thời nhấn mạnh cần tránh leo thang căng thẳng tại khu vực.

Cao uỷ phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu Josep Borrel thừa nhận Trung Đông đang bên bờ vực chiến tranh và cần phải nỗ lực không để điều này xảy ra. Theo ông Josep Borrel, chỉ một bước tính toán sai lầm trong tình trạng bế tắc hiện nay giữa Israel và Iran đều có thể dẫn đến cuộc chiến mà “không ai mong muốn”.

Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt trong ngày 2 ngày 17-18/4 tới, trong đó tình hình căng thẳng tại Trung Đông sẽ là một trong những chủ đề lớn được thảo luận tại Hội nghị.

Nguồn: VOA; Lao Động; Soha; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang