Chính sách mới; 'Siết' tình trạng NƠXH rơi vào tay nhà giàu; Hiện trạng công trình 336.000 tỷ; ¾ 'siêu' dự án ở HN chậm tiến độ

NHỮNG CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 5

Quy định mới về quản lý seri tiền mới in; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân mới... là những chính sách sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Quy định mới về quản lý seri tiền mới in

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN ngày 29/3/2024 quy định về quản lý seri tiền mới in.

Thông tư này quy định việc quản lý seri tiền mới in đối với các loại tiền giấy của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện từ khi cấp vần seri, sử dụng vần seri trong quá trình in tiền cho đến khi tiền mới in được phát hành vào lưu thông.

Thông tư nêu rõ nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền: Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi; đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi; mỗi tờ tiền có một seri riêng.

Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền:

Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc nêu trên. Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế.

Nguyên tắc sử dụng vần phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền; cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất.

Thông tư cũng quy định quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền như sau:

Cơ sở in, đúc tiền giao tiền mới in cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ); giao, nhận tiền mới in giữa các Kho tiền Trung ương; giao, nhận tiền mới in giữa Kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; giao, nhận tiền mới in giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau.

Bên giao tiền mới in phải lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định kèm theo biên bản giao nhận tiền hoặc phiếu xuất.

Bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận.

Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định.

Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận.

Bảng kê seri do thủ kho bên giao ký và phải thể hiện chính xác các yếu tố: Bên giao, bên nhận, loại tiền, số lượng, vần seri, năm sản xuất, ký hiệu bao, gói, bó tiền hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định. Bảng kê này được lập thành 02 liên, mỗi bên giao, nhận giữ 01 liên.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 14/5/2024.

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân mới

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024.

Quyết định 05/2024/QĐ-TTg nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.

Hoàn thành Nghị định mới về cải cách tiền lương

Ngày 5/1, Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được ban hành. Trong đó, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5/2024.

Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp (CCN) được quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2024 của Chính phủ.

Nghị định quy định ưu đãi đầu tư đối với: CCN là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Nghị định quy định Ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các CCN đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, CCN phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống...

Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong CCN.

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của CCN.

UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn.

Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/5/2024.

Quy định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính ngày 22/3/2024 ban hành Thông tư số 19/2024/TT-BTC quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.

Theo thông tư này, định mức hao hụt đối với gạo bảo quản kín như sau: thời gian bảo quản dưới 12 tháng là 0,050%; thời gian bảo quản từ 12 đến 18 tháng 0,058%; thời gian bảo quản trên 18 tháng 0,066%.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/5/2024.

Quy định mới về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024

Ngày 4/4/2024, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Thông tư này quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2023 và năm 2024.

Đối tượng áp dụng là các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ ĐỂ NHÀ Ở XÃ HỘI KHÔNG RƠI VÀO TAY NHÀ GIÀU

TP.HCM vừa ban hành quy chế nhằm xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc nhà ở xã hội lọt vào tay nhà giàu.

Theo đó, UBND TP.HCM vừa có quyết định ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành cùng UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức trong việc cung cấp thông tin và chế độ hậu kiểm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm xác định rõ nội dung cần lấy ý kiến, gửi đầy đủ hồ sơ và nêu rõ chính kiến. Các cơ quan khác có trách nhiệm phải trả lời đầy đủ, có chính kiến về các nội dung được yêu cầu.

Sở Xây dựng có trách nhiệm đăng tải thông tin về dự án nhà ở xã hội, danh sách các đối tượng dự kiến đã được giải quyết, dự kiến được giải quyết, đã được hưởng các chính sách trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và gửi thông tin về Bộ Xây dựng, báo cáo ý kiến thống nhất việc tổ chức dữ liệu.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Xây dựng sẽ chuyển công văn, tài liệu liên quan đến các đơn vị để phối hợp xác minh, kiểm tra.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến phối hợp của các sở, ngành, Sở Xây dựng phải phản hồi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội về danh sách người mua nhà ở xã hội được duyệt, cập nhật danh sách này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Việc lấy ý kiến sử dụng hình thức công văn.

Nếu quá 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hành công văn trên hệ thống thư điện tử thành phố, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.

Trường hợp có phản ánh, tố cáo về người mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, Sở Xây dựng phải đề nghị Sở Tư pháp, Cục Thuế TP.HCM và các Cục Thuế ngoài địa bàn TP.HCM xác minh.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc sở hữu nhà, đất của người đăng ký mua nhà ở xã hội trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm xác nhận hoặc chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xác nhận người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Xây dựng trong thời hạn 10 ngày.

Đối với những trường hợp cần thiết, Cục Thuế TP.HCM phải cung cấp thông tin về thuế thu nhập cá nhân và Sở Tư pháp phải cung cấp thông tin mua bán nhà đất liên quan đến người mua nhà ở xã hội. Mỗi đơn vị này có thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ thông tin trên Hệ thống thư điện tử TP.HCM.

Trước đó, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh "Nhà ở xã hội rơi vào tay nhà giàu". Cụ thể, nhà ở xã hội bị trục lợi, rơi vào tay người giàu khiến người nghèo đô thị, cán bộ công chức… là những đối tượng, lẽ ra được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước trong phân khúc này, mất cơ hội an cư.

HIỆN TRẠNG CÔNG TRÌNH LỚN NHẤT VIỆT NAM: THI CÔNG XUYÊN LỄ, NHIỀU HẠNG MỤC VƯỢT TIẾN ĐỘ

Theo Ban Quản lý dự án Cảng HKQT Long Thành, Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành vẫn duy trì thi công ngày đêm xuyên lễ 30/4 - 1/5.

Sân bay quốc tế Long Thành nằm tại huyện Long Thành (Đồng Nai), có tổng diện tích gần 5.000ha và tổng mức đầu tư lên tới 16 tỷ USD (hơn 336.630 tỷ đồng). Với công suất thiết kế phục vụ cho 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước.

Gần 5.000 người thi công ngày đêm xuyên lễ

Ban Quản lý dự án Sân bay Long Thành cho biết, các nhà thầu đã huy động gần 5.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng với hàng nghìn trang thiết bị, máy móc để thi công các gói thầu của dự án xuyên lễ 30/4 - 1/5.

Trên công trường, các công nhân, kỹ sư vẫn duy trì làm việc 3 ca 4 kíp, dàn trải đều ở nhiều hạng mục như nhà ga hành khách, đường giao thông kết nối, đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay…

Trong đó, tại công trường thi công đường giao thông kết nối T1, T2, các kỹ sư, công nhân đang tập trung thi công các trụ cầu, sản xuất dầm super T, cấp phối đá dăm và làm hầm chui dân sinh. Tại hạng mục này, các nhà thầu huy động 630 nhân sự, 196 máy móc làm việc xuyên lễ.

Ở dự án thành phần 2 (các công trình quản lý bay), đại diện Ban quản lý dự án Long Thành cho biết, đã huy động 150 công nhân, kỹ sư làm việc trên công trường, tiến độ dự án đang đảm bảo, một số hạng mục vượt tiến độ so với kế hoạch. Các hạng mục như tháp kiểm soát không lưu, nhà kỹ thuật, trạm radar... đều đã thành hình. Trong đó, một số hạng mục sắp hoàn thiện phần thô.

Tại công trình Đài kiểm soát không lưu, đơn vị thi công đã hoàn thành phần thô bê tông cốt thép đến dầm sàn tầng 10 m. Đến nay, cao độ của tháp kiểm soát không lưu đã đạt cao trình khoảng 70 m. Tiến độ đang vượt 30 ngày để bù vào mùa mưa sắp tới. Dự kiến đến tháng 11, phần bê tông cốt thép tháp không lưu đạt độ cao gần 108 m và đến 30/6/2025 sẽ hoàn thành tháp.

Nhiều công nghệ cao được ứng dụng

ACV cho biết, trên cơ sở tiến độ thi công chi tiết của các gói thầu chính, ACV đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế rà soát tiến độ. Từ đó lập tiến độ thi công của các gói thầu trên đảm bảo phù hợp với tiến độ triển khai của các gói thầu chính đang thi công để tránh tối đa các xung đột, giao cắt, đảm bảo khớp nối tiến độ với các công trình chính, tạo sự đồng bộ giữa các hạng mục về mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.

Đặc biệt, ACV phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công áp dụng công nghệ BIM trong quá trình triển khai thiết kế, thi công và trong quá trình quản lý dự án để có các phương án, lường trước các điểm giao cắt giữa các gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ giữa các hạng mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.

BIM (Building Information Modeling) là mô hình tiên tiến giúp tạo lập và sử dụng thông tin hiệu quả xuyên suốt dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành công trình. Theo đó, các nhà tư vấn thiết kế cũng như các nhà thầu xây dựng sử dụng các phần mềm BIM để tạo nên một mô hình của công trình trên máy vi tính. Mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường, được sử dụng để thể hiện toàn bộ vòng đời của một công trình xây dựng từ khâu thiết kế, thi công, cho đến khâu vận hành.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh, an toàn, lực lượng chức năng đang triển khai ứng dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt để kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào dự án. Cụ thể, hệ thống camera giám sát, ứng dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt và quét mã QR tích hợp để kiểm soát người ra vào khu vực xây dựng sân bay.

Việc trang bị công nghệ AI giúp nâng cao năng lực quản lý an ninh trật tự, điều phối giao thông tại đại dự án lớn nhất Việt Nam. Ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho biết, mã QR này được tích hợp trên thẻ an ninh của Ban Quản lý dự án cấp cho tất cả người và phương tiện ra vào sân bay. Chỉ cần quét mã QR một lần thì những lần sau, khi người và phương tiện ra vào cổng máy sẽ tự động quét đồng thời truyền dữ liệu hình ảnh, số lượt ra vào cũng như thời gian ra, vào cổng của mỗi người và phương tiện.

3/4 SIÊU CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG HÀ NỘI CHẬM TIẾN ĐỘ

Cục Thống kê Hà Nội vừa báo cáo về tiến độ triển khai 4 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn Hà Nội. Trong đó chỉ có 3/4 dự án đang thực hiện chậm, không đạt kế hoạch.

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, dự án đường Vành đai 1 , đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến của dự án giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).

Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 28,9% kế hoạch vốn. Dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2024 nhưng đến nay mới giải ngân chưa được 30% và khó hoàn thành trong năm quý 1/2025.

Với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có mục tiêu cải tạo 21,7km (đoạn nút giao Ba La, quận Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ).

Dự án sẽ nâng cấp đường hiện hữu thành 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều rộng nền đường được mở 50-60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối quốc lộ 21A với đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Tổng vốn đầu tư dự án 8.100 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó trên 5.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2.900 tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 7,1% kế hoạch vốn. Theo kế hoạch đến nay các quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ đã phải bàn giao 100% mặt bằng để thi công dự án, nhưng đến nay mới được 40 đến 70%.

Tại dự án tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có chiều dài 6,7km, điểm đầu kết nối cao tốc Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21 tại xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất), điểm cuối kết nối với đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120-180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.200 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,8% kế hoạch vốn. Theo đánh giá, tỷ lệ này vẫn thấp so với kế hoạch đề ra.

Dự án duy nhất, đạt tiến độ, kế hoạch thành phố đề ra là dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh) kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long, có chiều dài 112,8km, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai, bàn giao mặt bằng để thi công, bảo đảm tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12.600 tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,9%.

Các sở ban ngành của thành phố Hà Nội đang phấn đấu hoàn thành các khu tái định cư trong quý III/2024; hoàn thành di chuyển các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi (điện trung, hạ thế, hệ thống thông tin, cấp nước và các hạng mục khác) trong quý II/2024; cơ bản hoàn thành di chuyển tuyến đường dây điện cao thế từ 110kV đến 500kV trên toàn tuyến trong quý III/2024. Phấn đấu khởi công dự án đường cao tốc trên cao (dự án PPP) vào đầu quý IV-2024; với tuyến đường song hành dự kiến hoàn thành trong năm 2025; cao tốc trong năm 2027.

Nguồn: Người Đưa Tin; Thanh Niên; Soha; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang