Quy hoạch tuần qua; Thông cao tốc, nối niềm vui; Vượt vòng vây hạn mặn ở ĐBSCL; Tái định cư 20 năm chưa được cấp sổ đỏ

THÔNG TIN QUY HOẠCH TUẦN QUA: KHỞI CÔNG NÚT GIAO PHỨC TẠP NHẤT VÀNH ĐAI 3 TP.HCM

Sắp thông xe cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; khởi công nút giao phức tạp nhất trên vành đai 3 TP HCM; khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Sắp thông xe cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Vừa qua, đại diện CTCP BOT cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án) cho biết, đến nay công trình đã thi công hoàn thành. Dự án có tổng chiều dài 78,5 km với tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với quy mô 4 làn xe.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, với tốc độ tối đa cho phép là 90km/h. Đến nay các hạng mục cầu, đường trên tuyến đều đã được hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào hoạt động. Theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ được thông xe vào dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.

Khởi công nút giao phức tạp nhất trên vành đai 3 TP HCM

TheoVnExpress, ngày 23/4, nút giao Tân Vạn - công trình phức tạp nhất trong 10 nút giao trên Vành đai 3 TP HCM được khởi công ở TP Dĩ An tại vị trí giao với quốc lộ 1.

Nút giao này thuộc dự án thành phần 5, đi qua phường Bình Thắng, TP Dĩ An dài 2,4 km, tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, thi công trong gần 3 năm. Giai đoạn một, nút giao sẽ được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô gồm: cầu vượt theo hướng Vành đai 3 băng qua nút giao, cùng các nhánh rẽ trái xuống quốc lộ 1; nhánh theo hướng từ Bình Chuẩn đi cầu Đồng Nai.

Đồng Nai sắp xong mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Lãnh đạo UBND TP Biên Hòa vừa qua đã có buổi làm việc với phường Tam Phước nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đây là một trong hai phường của TP Biên Hòa có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua, gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xem là dự án trọng điểm của quốc gia, việc giải phóng mặt bằng phải hoàn thành thành trước ngày 30/6.

TP Hạ Long sắp mở đường hơn 900 tỷ đi qua trung tâm xã Sơn Dương

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng TP Hạ Long đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của tuyến đường nối Tỉnh lộ 342 (TL 342) đến quốc lộ 279 (QL 279) qua trung tâm xã Sơn Dương, TP Hạ Long.

Tuyến đường này có chiều dài gần 11 km, đi qua địa bàn ba xã của TP Hạ Long là Thống Nhất, Sơn Dương, Dân Chủ.

Về tiến độ dự kiến, dự án này được thi công từ nay đến hết quý IV/2024; hoàn thành dự án đưa vào sử dụng từ quý I/2025. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 900 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách tỉnh.

Khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

Sáng 21/4, tại huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Dự án theo hình thức BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn với tổng chiều dài khoảng 60 km, bao gồm tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,4 km và tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài gần 17 km.

Quảng Ninh thành lập TP Đông Triều

Tại kỳ họp thứ 18, khóa XIV diễn ra ngày 19/4, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 14 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập các phường Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức thuộc thị xã Đông Triều và thành lập TP Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Theo dự thảo nghị quyết, TP Đông Triều được thành lập trên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 395,9 km2 và quy mô dân số 248.896 người của thị xã Đông Triều hiện nay.

Long An chốt phương án làm vành đai 4 TP HCM

Lãnh đạo tỉnh vừa qua đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, đề xuất triển khai các dự án giao thông gồm đường tỉnh (ĐT)827E, vành đai 4, QL 62, ĐT 822B, ĐT 830C, đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ đường vành đai 4 đến ĐT 830), cầu Hùng Vương.

Trong đó, đối với đường vành đai 4 TP HCM đoạn qua tỉnh Long An, thống nhất chọn mặt cắt ngang rộng 25,5 m để đồng bộ với các tỉnh, thành còn lại trên tuyến (Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP HCM).

Đồng thời, chọn theo phương án đường cao tốc, tốc độ 100 km/h, 4 làn hoàn chỉnh, nền đường 25,5 m, cầu bố trí hai đơn nguyên, mỗi đơn nguyên 12,25 m. Đoạn sau cầu Cần Giuộc đến ranh giới tỉnh Long An và TP HCM (dài 5,7 km) đi cao để không phá vỡ quy hoạch đô thị, phù hợp với mỹ quan, kiến trúc khu đô thị hiện đại.

Phan Thiết được mở rộng thêm 94 km2

Thông tin từ VnExpress, theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Phan Thiết, đến năm 2025, sau khi sáp nhập một phần huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, TP Phan Thiết sẽ rộng 305 km2, với hơn 334.000 dân.

Cụ thể, trong hai năm tới, địa phương này sẽ tiếp nhận gần 94 km2 diện tích và hơn 74.700 nhân khẩu của hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Sau sắp xếp, Phan Thiết sẽ có 18 đơn vị hành chính (13 phường, 5 xã).

CAO TỐC THÔNG XE, NIỀM VUI NỐI DÀI

"Sài Gòn - Nha Trang 5 tiếng là tới, Hà Nội - Hà Tĩnh cũng chỉ 3 giờ chạy xe. Giờ cưới vợ ở đâu cũng được vì chỗ nào cũng có cao tốc đi rồi!", câu nói đùa của cánh tài xế trong ngày cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe phần nào thể hiện niềm phấn khởi của người dân khắp 3 miền khi 2 đoạn tuyến cuối cùng thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 đã chính thức hoàn thành.

Vào 7 giờ sáng qua (26.4), tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đấu nối vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, chính thức thông xe. Nhưng từ sáng sớm, đơn vị vận hành đã cho phép các phương tiện lưu thông vào đường mới. Do kế hoạch này đã được anh em tài xế "kháo" nhau trên các hội nhóm từ mấy ngày qua nên ngay khi đường mở, đã có nhiều xe tải chở hàng hóa góp mặt vào danh sách những phương tiện đầu tiên thông tuyến cao tốc quan trọng kết nối khu vực Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Trung bộ này.

"Chúng tôi chở hàng đông lạnh thường xuyên về TP.HCM, trước đi mất khoảng 6 - 7 giờ. Có nhiều ngày đông đúc, chiều từ TP.HCM trở về Ninh Thuận có khi mất tới 8 giờ, ám ảnh luôn. Quãng đường có 350 km mà đi như thế là quá lâu. Giờ có cao tốc thì chỉ 4 giờ là tới. Vừa tiết kiệm nhiên liệu, giảm tải hệ thống cấp đông, vừa tăng khả năng quay đầu xe, vận chuyển được nhiều đơn hơn. Quan trọng nhất là đỡ ức chế vì đi quá lâu trên đường quốc lộ. Chưa kể đường mới, đẹp, sáng nay mới mở nên thông thoáng, còn chưa thu phí nữa. Chạy sướng hẳn!", anh Tiến Trung, tài xế hãng xe Bảo Khang chuyên vận chuyển hàng hóa từ Ninh Thuận về TP.HCM, hào hứng nói sau hành trình hơn 4 giờ "chạy full" cao tốc.

Nếu cánh tài xế vận chuyển hàng hóa mừng vì từ nay có đường mới, đi lại dễ dàng hơn, thì rất nhiều gia đình tại TP.HCM coi lễ thông xe Cam Lâm - Vĩnh Hảo như "món quà" cho dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay. Đến cuối tuần vừa rồi khi được hỏi lễ năm nay có đi chơi đâu không, anh Trần Khang (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn lắc đầu đầy tiếc nuối. Từ đầu tháng 3, anh Khang đã tính nghỉ lễ 30.4 - 1.5 sẽ đưa bố mẹ đi Bà Nà Hills chơi cho mát, nhưng sau gần 1 tháng chờ vé máy bay hạ nhiệt, anh đành ngậm ngùi hủy kế hoạch vì gia đình 5 người đi tốn tới 25 triệu tiền vé máy bay ra Đà Nẵng, đắt ngang vé tết. Sau đó, khi Chính phủ quyết định nghỉ lễ tới 5 ngày, anh Khang cũng vội lên xem thử vé đi Phú Quốc, Nha Trang, Hải Phòng, Quảng Ninh… nhưng chỗ nào "sờ vào cũng bỏng tay".

"Tính đi Thái thì các cụ lớn rồi, không muốn đi, mà nghe bảo bên đó giờ còn nóng hơn ở mình nữa. Đang chưa biết đi đâu thì hay tin cao tốc xong rồi, giờ chạy từ đây đến Nha Trang chỉ khoảng 5 giờ thôi nên tôi "vẽ" lịch mới liền. 5 giờ sáng ngày 28, cả nhà sẽ xách ba lô lên đường, tới 5 giờ sáng mùng 1.5 quay về. Đi sớm cho mát, vừa đi vừa nghỉ. Thay vì bỏ hai mươi mấy triệu đi máy bay thì giờ chỉ tốn khoảng triệu mấy tiền xăng thôi, thêm tiền ăn uống dọc đường, phần tiết kiệm coi như được thưởng chơi lễ", anh Trần Khang chia sẻ.

Cú hích cực mạnh cho kinh tế địa phương

Trước đó, khi mảnh ghép cuối cùng của tuyến cao tốc nối thẳng từ TP.HCM - Nha Trang đang ở giai đoạn nước rút cuối cùng, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, đã hào hứng cho biết du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa cao điểm lễ 30.4 - 1.5 và du lịch hè. Sở đã có văn bản gửi các doanh nghiệp du lịch, lưu trú chuẩn bị chu đáo để đón đầu dòng khách, hy vọng mùa cao điểm du lịch hè năm nay, địa phương sẽ bùng nổ cả về thị trường nội địa lẫn quốc tế. Xác định việc giá vé máy bay cao như hiện nay sẽ là trở ngại lớn cho ngành du lịch nội địa vì chi phí du lịch nghỉ dưỡng sẽ đội lên rất nhiều, song lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa vẫn tự tin với mục tiêu đề ra. Bởi bà Thanh đánh giá các tuyến cao tốc đến Nha Trang - Khánh Hòa đã hoàn chỉnh cùng tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thiện đúng dịp 30.4 này sẽ là cú hích lớn cho du lịch hè.

"Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo "gộp làn" với 4 tuyến cao tốc khác, tạo thành một chuỗi 5 cao tốc liền mạch nối TP.HCM với Nha Trang, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 4 - 5 tiếng, bằng một nửa thời gian nếu đi theo QL1 như trước đây. Điều này sẽ giúp gia tăng lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phía nam đến với Nha Trang. Giá vé máy bay cao, người dân sẽ lựa chọn di chuyển bằng ô tô cá nhân, khi đó cao tốc từ TP.HCM ra Nha Trang thông tuyến là lợi thế cực kỳ lớn", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh nhìn nhận.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, cũng nhận định: Cùng với Đà Nẵng, Nha Trang là một trong những điểm đến du lịch đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài nước ở khu vực miền Trung, là điểm đến của rất nhiều tuyến hàng không quốc tế. Nha Trang sở hữu thuận lợi về thương hiệu du lịch, sự đa dạng về hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch (cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao) cùng nhiều điểm đến nổi tiếng như Vinpearl Nha Trang kết hợp trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa (kinh tế biển) với khám phá thiên nhiên, đặc biệt là các hoạt động thể thao, khám phá biển. Nhờ vậy, TP biển đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong và sau đại dịch để phục hồi mạnh mẽ từ chính vẻ đẹp và sự thú vị mang dấu ấn đặc trưng.

Đó là những yếu tố nội tại của điểm đến, còn về hạ tầng giao thông, Nha Trang ngoài kết nối hàng không còn là điểm kết nối giao thông đường bộ bao gồm cả tàu hỏa và ô tô. Việc đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ tạo cơ hội kết nối giữa thị trường du khách từ TP.HCM đến Nha Trang nói riêng và khu vực miền Trung ngày càng nhiều hơn, bao gồm cả Ninh Thuận, Bình Thuận. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu hiện nay của đông đảo du khách khi có xu hướng du lịch tự túc theo nhóm gia đình, du lịch cự ly ngắn hơn và tiết kiệm hơn trong bối cảnh vé hàng không tăng cao khi mùa cao điểm hè 2024 đang đến.

Là địa phương nằm giữa TP.HCM và Nha Trang, Ninh Thuận cũng đã sẵn sàng đón cú hích mới cho du lịch tỉnh nhà. Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định việc thông xe đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khớp nối đoạn cao tốc từ TP.HCM đến Khánh Hòa là sự kiện có dấu mốc có ý nghĩa quan trọng. Trước đây, từ TP.HCM đến Ninh Thuận phải mất từ 7 - 8 giờ. Từ ngày thông xe đoạn cao tốc từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo, lượng du khách đến Ninh Thuận ngày càng tăng cao. Nay, đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thông xe rút ngắn quãng đường chỉ còn khoảng 3 giờ rưỡi - 4 giờ sẽ kéo thêm lượng khách đến các khu du lịch ven biển nổi tiếng ở Ninh Thuận như vịnh Vĩnh Hy, Vườn quốc gia Núi Chúa, các khu du lịch sinh thái… Không chỉ du lịch hưởng lợi mà giao thông thuận lợi cũng là tiền đề để tỉnh Ninh Thuận tự tin kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như dự án cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics...

Vẽ lại bản đồ du lịch

Trong lúc người dân miền Nam tưng bừng đón cao tốc mới nối với vùng biển miền Trung thì ở phía bắc, quãng đường từ thủ đô Hà Nội về "khúc ruột miền Trung" cũng đã sẵn sàng kéo gần thêm khi cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dự kiến thông xe ngày mai (28.4). Trước đó, sau khi cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành, thời gian di chuyển ô tô từ Hà Nội về Vinh (Nghệ An) chỉ còn 3 giờ rưỡi thay vì mất hơn 5 giờ như trước. Giờ đây, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác đến QL46B, ngay sát TP.Vinh thì khoảng thời gian này sẽ còn tiếp tục được rút ngắn hơn nữa.

Nhớ lại kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm ngoái về quê ở Thanh Hóa, anh Vũ Điệp (Hà Nội) kể: "Tôi đi từ Thanh Hóa ra Ninh Bình hơn 70 km chỉ hết 40 phút trên cao tốc Mai Sơn - QL45. Đường rất thoáng và đẹp, điều đặc biệt là được thả hồn với dải lụa vắt ngang trên những ngọn núi trùng điệp rất khoan khoái".

Theo anh Điệp, dịp lễ năm ngoái, cao tốc Mai Sơn - QL45 thông xe, nối dài toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Cầu Giẽ - Ninh Bình - Thanh Hóa, rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội về Thanh Hóa chỉ còn hơn 2 tiếng cho quãng đường 160 km. Đoạn tuyến cao tốc phía đông đi qua những khu vực hoàn toàn mới chưa được khai phá, với bạt ngàn đồi trồng dứa của người dân địa phương, quanh co uốn lượn đẹp mắt. "Năm nay tôi lại về quê, rồi chạy sang Vinh thăm họ hàng. Giờ toàn đường cao tốc hết rồi, chơi đã luôn. Lúc nào lễ, tết đông đúc, vé máy bay đắt đỏ không đi đâu được thì cứ quê thẳng tiến thôi", anh Điệp vui vẻ chia sẻ.

Hai năm trở lại đây, các tuyến cao tốc miền Nam được đẩy mạnh, tăng tốc, kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông, miền Tây và miền Trung. Phía bắc, mạng lưới cao tốc cũng ngày càng hoàn chỉnh, dần nối liền "dải xương sống" từ Bắc vào Nam. Ông Nguyễn Minh Mẫn đánh giá hạ tầng giao thông đang dần định hình, vẽ lại bản đồ sản phẩm du lịch.

Câu chuyện của các tuyến cao tốc đường bộ dành cho phương tiện ô tô là bước khởi đầu trong một tổng thể đa dạng và hiện đại hóa các hình thức giao thông bao gồm hàng không, tàu hỏa cao tốc, cao tốc đường bộ và các tuyến đường thủy. Khi hạ tầng giao thông được phát triển đồng bộ theo 4 hướng nói trên cùng với việc đầu tư phương tiện tương ứng, du lịch VN nói riêng và giao thông nói chung sẽ tạo nên bước ngoặt lớn trong cạnh tranh với ngành du lịch các nước trong khu vực về giá, về sự thú vị trong trải nghiệm của du khách. Tour đường bộ chắc chắn chi phí sẽ thấp hơn so với tour sử dụng phương tiện hàng không, một số đường tour rẻ hơn tới 50%. Hiện nay, không chỉ khách hàng cá nhân mà cả khách hàng doanh nghiệp cũng có nhu cầu lớn du lịch đường bộ tới các tỉnh, thành khu vực Nam Trung bộ như Tuy Hòa, Bình Định, Khánh Hòa… miễn sao chi phí hợp lý, thời gian di chuyển không quá dài. Đặc biệt, hạ tầng giao thông đồng bộ còn mở rộng năng lực sáng tạo, sự đa dạng trong sản phẩm du lịch.

NGƯỜI DÂN ĐBSCL TÌM MỌI CÁCH VƯỢT QUA VÒNG VÂY HẠN MẶN

Sau khi nghe vị khách phương xa nói lý do về Cà Mau và tìm đến huyện Trần Văn Thời, cậu thanh niên nhoẻn miệng: "Chị đừng gọi chỗ em làm miền Tây sông nước nữa. Em dẫn chị đi rồi chị viết một bài miền Tây sông... đất, nhen!".

Cậu là Liêm, 20 tuổi, người xã Trần Hợi. Tôi không giấu Liêm việc mình là nhà báo, lý do đến địa phương là để xem miền Tây sông nước mùa hạn mặn thế nào.

Nhưng, câu nói đùa của Liêm khiến tôi mất vài giây để hình dung.

Kênh , rạch trơ đáy, đường sụt lún

Cà Mau không phải là quê hương, cũng chẳng phải là nơi tôi từng quá gắn bó. Nhưng thật khó để lý giải vì sao vùng đất mũi này lại luôn tạo cho tôi cảm giác gần gũi khó tả. Trong ký ức của vài lần ghé thăm, ngoài cái tình của người Cà Mau, thì những con sông nước tràn bờ là điều làm tôi nhớ về nhiều nhất. Chính vì lẽ này, câu nói của Liêm khiến tôi thật khó có thể hình dung.

Thế nhưng. Quả thật, Liêm chẳng hề nói quá.

Vừa chạy qua cầu, cái nóng bỏng rát được cảm nhận rõ ràng hơn. Đi thêm 500 mét, hình ảnh con sông Rạch Ráng, nơi mà nửa năm trước tôi có dịp ngồi vỏ lãi (xuồng máy) lướt nhanh hơn cả xe máy chạy trên đường, nay chỉ còn những con thuyền mắc cạn. Nước trên các kênh, rạch chỉ còn độ gang tay, hai bên bờ khô khốc.

Thấy tôi bất ngờ, Liêm cười: "Chị thấy chưa? Nhưng mà này vẫn chưa là gì đâu, phải vào chỗ nhà em!". Nói rồi, cậu hướng dẫn tôi gửi xe ở một quán nước ven đường.

"Phải con này mới chạy nổi!", vừa nói, Liêm vừa gõ cộp cộp vào đầu chiếc xe Dream đời cũ.

Càng đi sâu vào trong, thực trạng hạn mặn càng khốc liệt. Liêm giúp tôi nhận biết nước ngọt hay mặn bằng cách đơn giản nhưng đau lòng: Cứ kênh nào còn nước, thì là nước mặn.

Ngã rẽ của một nhánh kênh cạn là lối vào ấp Bình Minh 2, nơi có nhà của Liêm. Tới đây, chiếc Dream bị cậu thanh niên bỏ lại giữa bãi xe kiểu tự phát. Nhìn cảnh tượng trước mắt, tôi tự có lời giải đáp cho thắc mắc của chính mình.

Kênh, rạch trơ đáy, đất dưới đáy khô khốc, nứt nẻ. Đường nhựa hai bên sụt lún, đổ sập hoàn toàn. Nếu không biết trước do ảnh hưởng của hạn mặn, thật sự tôi không thể tưởng tượng nổi một lý do nào khiến hơn 10 km đường nhựa tan tành như trước mắt.

Dòng kênh không còn một giọt nước, đường gập ghềnh đầy hố bẫy, hai loại hình giao thông tại ấp đứt gãy hoàn toàn. Không chỉ Liêm hầu hết người dân trong ấp hiện chỉ có thể di chuyển bằng cách đi bộ.

"Bị từ Tết tới nay, hơn 2 tháng rồi. Kênh cạn nước làm đất bị co ngót, sụt xuống", nói xong Liêm dẫn tôi xuống lòng kênh, đi bộ. Phía xa, bốn đứa trẻ cũng đang chơi đuổi bắt dưới lòng kênh.

Đáy kênh lúc này như một lối đi đang được khai hoang thành đường dành cho người đi bộ. Nhìn từ dưới lòng kênh, thực trạng của hạn mặn mới thật sự rõ ràng: Những chiếc xuồng mắc cạn bị đất đóng thành tảng; những ngôi nhà chỉ cần mở cổng sẽ lập tức rơi tõm xuống vì không còn đường; những mảnh vườn cây chết khô, quả rụng khi chưa kịp lớn...

Ngàn nỗi cực

Một vài người trong ấp dành sự chú ý cho người lạ. Thấy vậy, Liêm nhanh nhảu hô to: "Nhà báo đến lấy thông tin hạn mặn đó mọi người!".

Thật bất ngờ, chỉ một câu nói của Liêm, sau chưa đầy 3 phút đã có gần chục người đến gần tôi. Họ hầu hết là những người lớn tuổi, mang nhiều chất chứa cần được giãi bày.

"Nhìn là biết bà con cực rồi đúng không con, nhưng mà thực tế còn cực gấp ngàn lần. Đủ thứ cực, không phải mỗi việc đi lại khó khăn", chỉ vào đoạn đường đổ nát như vừa trải qua trận động đất trước nhà, ông Nguyễn Minh Phúc thở dài.

Người dân trong ấp hầu hết sống bằng nghề trồng lúa, trồng chuối và một vài hoa màu khác. Khi thu hoạch, lúa được thương lái đến thu mua bằng đường sông. Thế nhưng, vụ thu vừa rồi, đúng thời điểm hạn mặn, sông cạn dần nước, lúa bị thương lái ép giá vì phải vận chuyển bằng đường bộ. Vài ngày sau, hạn mặn đỉnh điểm, đường bộ cũng sập, giá lúa lại bị ép thấp thêm một bậc.

Ông Phúc có một mụn cháu ngoại vừa lên 3, thường ngày bé vẫn được ông đón đưa đến nhà trẻ. Thế nhưng từ hôm đường hư hỏng, hai ông cháu chỉ còn cách ở nhà chơi với nhau.

Trường hợp của vợ chồng anh Trần Văn Lâm và chị Nguyễn Thị Mai éo le hơn. Gia cảnh vốn đã khó khăn, cách đây 3 năm chị Mai lại bị tai biến mạch máu não khiến sức khỏe suy yếu, không thể đi lại được. Từ ngày đổ bệnh, mỗi tuần chị Mai đều được anh Lâm chở đi châm cứu đều đặn ở thị trấn. Có những đợt cơn đau kéo đến liên tục, chị Mai phải đi châm cứu ba ngày một lần.

Bởi vậy, hai tháng hạn mặn vừa qua là nỗi ám ảnh của những cơn đau như cắt thịt khi không kịp đến bác sỹ của chị Mai. Còn anh Lâm, thương vợ nhưng lực bất tòng tâm.

Hầu hết người dân đều cho rằng, những thiệt hại lúc này là do thiên tai, không thể tránh và không thể đổ lỗi cho ai.

"Năm ngoái, Nhà nước đã làm cho con đường này là mừng lắm rồi, chỉ tiếc là sử dụng chưa được bao lâu lại gặp hạn mặn khốc liệt như giờ", ông Tiến buồn bã.

Nỗi lo sinh kế

Rời xã Trần Hợi, tôi di chuyển đến xã Khánh Bình Đông. Ngoài những con kênh cạn trơ đáy, một vài nhánh kênh còn lại tại đây dường như đang cố giữ những gang nước cuối cùng. Dù vậy, chút nước còn sót lại trên những dòng kênh này đều đã chuyển màu cam sẫm, đục ngàu vì nhiễm phèn nặng.

Càng tới gần địa bàn xã, nhà cửa người dân càng thưa dần. Thậm chí có nơi chỉ còn bạt ngàn đất trống, cằn cỗi, nứt nẻ, không lấy nổi một bóng nhà.

Căn nhà ọp ẹp được dựng tạm bợ bằng mái lá, vách tôn là nơi vợ chồng ông Vi Văn Phong sống hàng chục năm nay. Thấy có người tới, ông Phong chu đáo lấy cốc nước từ bình đựng 20 lít mời khách. Cốc nước dành cho bản thân, ông lấy từ chum nước sau nhà.

Dù vậy, tôi vẫn xin phép được thử thứ nước mà ông uống, xem như một trải nghiệm khi đến vùng hạn mặn.

Lờ lợ, tanh, và không thể nuốt. Đó là cảm nhận khi ngụm nước vừa vào tới miệng. Dù rất cố gắng, nhưng tôi buộc phải xin phép quay đi, bỏ ngụm nước.

Sự luống cuống của tôi khiến ông Phong phì cười: "Cô không uống nổi đâu. Nhà này cũng chỉ tôi uống được nước này, vợ và cháu tôi uống nước lọc trong bình".

Hạn mặn gay gắt kéo dài, 17 hộ dân trong xã không còn nước sinh hoạt. Tới thời điểm hiện tại, dù đã nối được nguồn nước từ xã kế bên nhưng dòng nước yếu, mỗi ngày chỉ được vài chục lít. Vấn đề sẽ chẳng trở nên gay gắt nếu như nguồn nước đó vẫn sạch, vẫn trong như thời điểm không bị hạn mặn.

Nguồn nước được nối từ xã kế bên đang bị nhiễm phèn nặng. Giặt đồ không thể sạch, rửa bát để lại mùi tanh, tắm xong người vẫn bết rít.

Ngay sau khi UBND tỉnh Cà Mau công bố huyện Trần Văn Thời thuộc tình trạng hạn hán cấp 2, trong đó xã Khánh Bình Đông khát nước sinh hoạt nghiêm trọng, 17 hộ dân tại đây được "tiếp" nước. Mỗi tuần, tỉnh sẽ sắp xếp xe chở các bồn chứa nước ngọt đến cho người dân.

"Bồn to thì không có để đựng, mà chở được từ chỗ lấy nước về tới nhà cũng xa, nên mỗi lần đi lấy nước tôi chỉ lấy được khoảng 3 bình 20 lít. Nước này để dành uống, nấu ăn, tắm lại cho nhỏ cháu", ông Phong nói.

Ông Phong dẫn tôi qua ngôi nhà không mấy khá hơn kế bên. Nhà không có nổi móng, chỉ được dựng lên tạm bợ từ các cọc cây khô, mỗi bước chân đều khiến cả ngôi nhà rung lắc. Đây là nơi ở của chị Nguyễn Ngọc Bảo cùng chồng và 2 con suốt 5 năm qua.

Như các gia đình khác trong vùng, vợ chồng chị Bảo cũng dùng nhiều can, chậu trữ nước. Cứ nhà nào nhiều trẻ em, nước phải trữ nhiều hơn. Nhà có hai con nhỏ, có những hôm vợ chồng chị Bảo phải nhịn tắm, dành nước cho con.

Vợ ông Phong cùng bé cháu 7 tuổi trở về cùng mớ can nhựa đủ kích cỡ trên tay. Hai bà cháu gọi đây là đồ quý vừa đi xin được, dùng để trữ nước. Bé gái có đôi mắt sáng, miệng luôn líu lo, không ngại người lạ.

"Ba mẹ con đâu rồi, đi làm hết rồi hả?", tôi hỏi và nhận được câu trả lời chát chứa: "Ba mẹ bỏ đi rồi!" .

Tôi sượng người, dù không cố tình nhưng tự thấy bản thân mình có lỗi.

Như biết được tâm trạng của tôi, ông Phong lập tức "giải cứu": "À không có gì đâu. Ba mẹ nó bỏ nhau, bỏ xứ đi đâu từ lâu rồi. Vợ chồng tui nuôi nó mấy năm nay".

Hỏi chuyện mới biết, 7 năm trước, con gái ông kết hôn với một thanh niên trong làng. Gia cảnh vốn đã khó, sống giữa vùng đất thiên tai khắc nghiệt này cuộc sống càng khó hơn.

Vì một vài lý do nào đó, những người dân ở đây hầu hết không có đất canh tác, chỉ biết sống bằng nghề làm mướn. Ai mướn gì làm nấy, vợ chồng con gái ông Phong không ngoại lệ. Mỗi mùa hạn mặn tới, cả vùng lại phải lay lắt để vượt qua.

Cuộc sống khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, những cuộc cãi vã của vợ chồng con gái ông Phong một nhiều hơn. Cho đến một ngày, cả hai quyết định ly hôn. Sau ly hôn, cả hai đi biệt xứ, để lại con gái 3 tuổi cho vợ chồng ông Phong. Đến nay, đã 4 năm vợ chồng ông vừa làm ông bà, vừa làm ba mẹ bé.

Ngồi cạnh, chị Nguyễn Ngọc Bảo thở dài. Nhìn mảnh vườn khô khốc không thể trồng nổi một thứ cây gì cạnh bên, chị lo lắng cho những ngày tháng sắp tới của gia đình, lo cho tương lai tối mù của mấy đứa nhỏ.

"Sắp tới chắc hai vợ chồng cũng tính đường lên thành phố mướn nhà trọ rồi kiếm gì làm. Làm công nhân hay dọn dẹp gì cũng được, miễn là có việc, có tiền cho tụi nhỏ đi học. Chứ như giờ, việc không có, lại gặp hạn mặn thế này thì khó sống quá", người mẹ trẻ lo lắng.

Khát ở vùng đất này hiện không còn đơn thuần là khát nước ngọt, nước sinh hoạt. Rõ ràng, tác động của hạn mặn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn hiển hiện nguy cơ làm mất sinh kế của người dân.

Trong báo cáo kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2022, VCCI và nhóm chuyên gia Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng chỉ ra tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao thứ hai so với các vùng khác trên toàn quốc, chỉ sau khu vực Tây Nguyên. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cao gấp đôi so với khu vực thành thị (3,97% so với 1,87%).

Nguyên nhân chính là do quá trình cơ giới hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế khiến lao động trong khu vực nông nghiệp trở nên dôi dư, trong khi khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm nên không hấp thụ hết. Một nguyên nhân nữa là do diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dưới tác động của xâm nhập mặn, hạn hán,...

TÁI ĐỊNH CƯ VÀI CHỤC NĂM VẪN CHƯA ĐƯỢC CẤP SỔ ĐỎ

Dù đã tái định cư vài chục năm, nhưng 55 hộ dân bản Đồn Đèn, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích được giao. Người dân muốn chuyển nhượng, thừa kế hay làm thủ tục thế chấp vay vốn ngân hàng... đều không thể.

Năm 2005, từ bản Ngạm Khét, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn gia đình anh Hầu Văn Vàng cùng 30 hộ gia đình khác chuyển đến bản tái định cư Đồn Đèn sinh sống. Gia đình anh được cấp một căn nhà, diện tích đất vườn đồi và hơn 1.000m2 ruộng để canh tác. Đến nay, dù đã ngót nghét 20 năm nhưng gia đình anh vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng cho phần đất ở, đất vườn và đất ruộng cấy lúa.

Anh Hầu Văn Vàng cho biết: “Lúc đến dự án cũng chỉ giao người ở nhà này, người ở nhà kia chứ không có giấy tờ gì cả, bây giờ cũng không có. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất ruộng, nhất là qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng họ chỉ bảo là bây giờ chưa được nên chúng tôi cũng không biết làm thế nào”.

Dự án tái định cư Đồn Đèn - Khuổi Luông do Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể thực hiện và bắt đầu bố trí tái định cư cho người dân từ năm 2004. Các hộ đến định cư hầu hết là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ các khu vực vùng lõi, vùng đệm của VQG Ba Bể. Từ 30 hộ dân ban đầu, đến nay Đồn Đèn đã có 55 hộ gia đình người Mông sinh sống với 262 nhân khẩu.

Dù đã sinh sống ổn định, lâu dài nhưng cho đến thời điểm này, ngoại trừ phần đất lâm nghiệp, các hộ đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích đất ở và đất nông nghiệp. Điều này khiến người dân không thể an tâm với nơi ở mới, bởi việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng, thừa kế, cho - tặng... đều cần tới giấy tờ này.

Ông Dương Xuân Giao, Phó Chủ tịch UBND xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Xã cũng đã báo cáo lên cơ quan thẩm quyền các cấp. Nguyên nhân của vấn đề này là do chủ đầu tư là Ban quản lý tái định cư chưa bàn giao hồ sơ cho địa phương nên chưa có cơ sở để địa phương làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp cho người dân Đồn Đèn”.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc BQL Vườn quốc Gia Ba Bể cho biết, trên cơ sở kiến nghị của người dân và chính quyền cũng như chỉ đạo của tỉnh Bắc Kạn, năm 2022, đơn vị đã thành lập tổ công tác, tiến hành rà soát lại các loại hồ sơ, thủ tục của dự án này.

“Với trách nhiệm của chủ đầu tư, VQG phối hợp chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Tuy nhiên đến nay tổ rà soát đã tiến hành rà roát, nhưng do lâu năm nên hồ sơ thất lạc, chưa sưu tầm đầy đủ. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chính quyền địa phương để triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân Đồn Đèn theo quy định”, ông Triệu Thế Khôi nói.

Thôn Đồn Đèn hiện có 55 hộ thì có tới 48 hộ nghèo và 7 hộ diện cận nghèo; nhiều hệ thống công trình thiết yếu như nhà cửa, nước sạch đã xuống cấp. Việc không có “sổ đỏ” càng khiến người dân khó an tâm với cuốc sống tái định cư. Thậm chí một số tranh chấp đất đai tại Đồn Đèn đã xảy ra và gây không ít khó khăn cho chính quyền, người dân do không có đủ hồ sơ về đất theo quy định. Do đó, đòi hỏi cấp thiết lúc này là các cấp ngành cùng chính quyền địa phương cần sớm hoàn thiện thủ tục cần thiết để người dân Đồn Đèn có được quyền lợi chính đáng hợp pháp trên mảnh đất mình đang sinh sống.

Nguồn: Vietnammoi; Thanh Niên; Tuổi Trẻ; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang