Vì sao đấu thầu vàng thất bại; Bất cập khi phạt nguội xe máy; Nhiều địa phương siết phân lô; TP.HCM hồi sinh loạt dự án 'treo'

3 PHIÊN ĐẤU THẦU VÀNG THÌ 2 PHIÊN BỊ HỦY, 1 PHIÊN Ế ẨM, VÌ SAO?

3 phiên đấu thầu vàng thì có đến 2 phiên bị hủy và 1 phiên ế ẩm... Thị trường vàng miếng thiếu nguồn cung, nhưng các phiên đấu thầu vàng không thành công cho thấy giải pháp này chưa hiệu quả.

Giá gọi thầu cao hơn giá thị trường cả triệu đồng/lượng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo hủy phiên đấu thầu vàng sáng qua (25.4) do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Như vậy, trong 3 phiên đấu thầu vàng công bố, có tới 2 phiên bị hủy. Phiên đấu thầu đầu tiên hủy do không đủ số doanh nghiệp (DN) đăng ký dự thầu. Phiên đấu thầu thứ 2 ế ẩm khi 2 thành viên trúng thầu với khối lượng chỉ 3.400 lượng, đạt 20% khối lượng đấu thầu 16.800 lượng. Còn phiên thứ 3 như nói trên, cũng bị hủy.

Trước đó, NHNN thông báo đấu thầu 16.800 lượng vàng thứ 3 vào sáng 25.4. Tỷ lệ đặt cọc là 10%, khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, tối đa là 2.000 lượng, giá tính đặt cọc 82,3 triệu đồng/lượng. Mức giá đặt cọc lần này cao hơn trước đó 500.000 đồng/lượng.

Được biết, giá phát thầu sáng 25.4 đưa ra là 82,76 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vàng của các đơn vị trên thị trường cùng thời điểm 1,2 triệu đồng/lượng. Giá mua vào của các đơn vị kinh doanh vàng hôm qua chỉ quanh mức 81,7 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng. Sau khi NHNN công bố hủy đấu thầu vàng, giá vàng miếng tăng thêm 300.000 đồng mỗi lượng, lên 82 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 84,3 triệu đồng. Giá vàng thế giới tăng thêm 17 USD/ounce so với buổi sáng, lên 2.327 USD/ounce. Giá vàng miếng SJC hiện đắt hơn thế giới 12,76 triệu đồng/lượng.

Một chuyên gia có hơn 40 năm trên thị trường vàng ngao ngán với thông báo hủy phiên đấu thầu thứ 3. Theo vị này, NHNN công bố 3 phiên đấu thầu thì có 2 phiên hủy, 1 phiên với khối lượng khớp lèo tèo. "Mức giá 82,76 triệu đồng/lượng thì mua vào là rủi ro cao. NHNN không công bố cơ sở đưa ra giá đấu thầu nên cũng không hiểu sao có mức giá này?", vị này đặt câu hỏi và phân tích, tại thời điểm đấu thầu, giá kim loại quý trên thị trường quốc tế ở mức 2.310 USD/ounce, ngang bằng với phiên đấu thầu ngày 23.4 mà 2 đơn vị trúng thầu với giá 81,32 - 81,33 triệu đồng/lượng. Thế nhưng mức giá phát thầu ngày 25.4 lên 82,76 triệu đồng/lượng, cao hơn giá trúng thầu đợt 2 lên đến 1,44 triệu đồng/lượng.

"Nếu giá đưa ra đấu thầu ở mức cao hơn giá mua của các đơn vị kinh doanh trên thị trường, cộng thêm khối lượng tối thiểu ở mức cao, lên 1.400 lượng thì những phiên đấu thầu tới, khả năng hủy thầu cũng rất cao. Do đó, để thật sự tăng nguồn cung vàng cho thị trường, NHNN nên điều chỉnh giá vàng đấu thầu xuống bằng giá mua của các đơn vị kinh doanh hoặc thấp hơn một chút. Giá vàng trong nước đang cao hơn quốc tế khoảng 400 USD/ounce, nên dù giá thế giới có biến động mạnh 100 USD/ounce thì cũng không bị lỗ khi đấu thầu vàng. Mục tiêu cung vàng ra thị trường là để giá vàng trong nước và quốc tế rút ngắn mức đắt đỏ. Do đó giá đấu thầu cần phải hợp lý để thị trường có thể chạy theo một cách hợp lý", vị này nói.

Cần xem lại giá đấu thầu

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đấu thầu vàng miếng được xem là để tăng cung cho thị trường, giúp kéo chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới xuống thấp hơn; nhưng các DN lại thờ ơ, không quan tâm. Vậy liệu có còn ai quan tâm đợt đấu thầu tiếp theo nữa hay không? "Các đơn vị tham gia đấu thầu sẽ tính toán mua vào một khối lượng vàng với giá cụ thể thì mục tiêu của họ là phải bán ra có lời. Nếu khối lượng quá nhiều thì thời gian bán ra càng dài sẽ có nhiều rủi ro khi giá vàng thế giới đang biến động khó lường. Hơn nữa, giá đấu thầu vàng miếng của NHNN công bố cũng không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Chính vì vậy, động lực để các công ty kinh doanh mua vào và bán ra kiếm lợi nhuận là không có, nên họ vẫn chờ đợi và không xuống tiền mua vào", ông Hiếu nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cũng khẳng định, giá đưa ra đấu thầu vàng cao nên thành viên không tham gia. Nếu không có sự thay đổi về giá đấu thầu cũng như điều chỉnh khối lượng thì khó có thể thành công trong mục tiêu tăng nguồn cung vàng ra thị trường. "Quan sát giá vàng trên thị trường trước phiên đấu thầu, giá mua vào giảm xuống dưới 80 triệu đồng/lượng; nhưng từ thời điểm đấu thầu đến nay, giá không ngừng biến động vài triệu đồng mỗi lượng. Thị trường đang quan sát giá đấu thầu bao nhiêu và từ đó có mức điều chỉnh phù hợp. Những người đang nắm giữ vàng hiện nay chưa vội bán, và nếu bán thì cũng mong bán giá cao, bởi giá đấu thầu đưa ra không hề thấp", ông Trọng nói, và cho rằng với những phiên đấu thầu liên tục bị hủy thì khó có thể kéo giá vàng giảm khi nguồn cung vàng trên thị trường chưa được đáp ứng. Nếu có lộ trình kéo giá vàng thì những người đang nắm giữ vàng hiện nay sẽ bán lượng vàng nắm giữ ra.

Thêm vào đó, cho phép một số DN nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Trong trường hợp thị trường dịch chuyển từ vàng miếng sang vàng nữ trang thì cũng giảm áp lực vàng miếng trên thị trường. Về lâu dài, cần sửa hay thay đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng; từ đó xóa bỏ độc quyền, cho phép các đơn vị được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất phải đưa ra giá khởi điểm đấu thầu thấp hơn nữa. Ví dụ trong khi SJC đang mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra xoay quanh 84 triệu đồng/lượng thì giá đấu thầu khởi điểm của NHNN chỉ nên ở mức khoảng 80 triệu đồng/lượng. Khi đó mới có thể thu hút được sự quan tâm của các DN. Với mức giá 80 triệu đồng/lượng thì vàng miếng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới rất nhiều nên không thể nói rằng NHNN chịu lỗ. Đồng thời, NHNN nên xem xét giảm khối lượng tối thiểu để đấu thầu xuống còn khoảng 1.000 lượng.

Về dài hạn, cần thiết phải xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng của nhà nước và cho phép một số DN nhập khẩu vàng. Từ đó nguồn cung cho thị trường VN sẽ nhiều hơn theo nhu cầu của thị trường. Như vậy giá vàng trong nước sẽ rút ngắn mức chênh lệch, tiến gần sát với giá thế giới hơn. Nếu không cho phép nhập khẩu thì thị trường VN vẫn không thể liên thông với thế giới và giá vàng miếng SJC vẫn cứ mãi "một mình một chợ", không thể về sát với giá quốc tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

PHẠT NGUỘI XE MÁY & NHỮNG BẤT CẬP

Trước đề nghị phạt nguội với tài xế xe máy vi phạm luật giao thông, nhiều người tán đồng nhưng cũng có ý kiến băn khoăn về các bất cập khi thực hiện.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xử phạt nguội với ô tô đang làm rất tốt, nhưng vi phạm của xe máy còn rất nhiều, cần có hình thức xử phạt nguội đối với phương tiện này.

Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định, việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, anh Nguyễn Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ ủng hộ việc phạt nguội với người đi xe máy vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông, từng bước thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật của tài xế.

"Thực tế trên đường, nhiều người điều khiển xe máy không tuân thủ phần đường, làn đường hoặc vượt đèn đỏ gây mất an toàn giao thông. Nếu áp dụng phạt nguội, những người đi ẩu sẽ có ý thức hơn", anh Nguyễn Bình nói.

Chị Thu Trang (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, việc xe máy vượt đèn đỏ xảy ra trên nhiều tuyến đường, nhất là khi vắng bóng lực lượng chức năng.

"Nếu phạt nguội thì người điều khiển xe máy sẽ không dám vượt đèn đỏ nữa, biện pháp này cần được áp dụng rộng rãi", chị Thu Trang nhận định.

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ phạt nguội với xe máy, nhiều người lại tỏ ra băn khoăn nếu áp dụng biện pháp này.

Anh Nguyễn Đức (Bắc Ninh) cho rằng, hiện nay xe máy không phải đăng kiểm định kỳ, nhiều người mua bán không sang tên đổi chủ. Vậy khi áp dụng phạt nguội có thể tìm được người điều khiển phương tiện vi phạm không?

"Nếu cứ gửi thông báo phạt nguội mà người đang sử dụng phương tiện không nhận được thì sẽ không đảm bảo việc nộp phạt, dẫn đến việc xử phạt không đủ răn đe", anh Đức băn khoăn.

Anh Tiến Huy (Hải Phòng) lại lo ngại việc phạt nguội xe máy khó phát huy hiệu quả với các hành vi như đi lên vỉa hè, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...

"Khác với ô tô, xe máy chỉ có biển kiểm soát ở phía sau xe. Liệu hệ thống camera phạt nguội có ghi nhận được hết các trường hợp vi phạm?", anh Tiến Huy nêu vấn đề.

Trên thực tế, việc phạt nguội đối với xe máy đã được một số địa phương áp dụng, có những trường hợp vi phạm nhiều lần bị xử phạt.

Cụ thể, cuối tháng 3 vừa qua, sau khi trích xuất camera giám sát, Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã phát hiện, xử lý nhiều tài xế điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông.

Chỉ trong 1 tháng (từ 1- 29/2), bà N.T.T. (41 tuổi, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa) đã vi phạm 26 lần. Trong đó, bà T. vượt đèn đỏ 16 lần và 10 lần không không đội mũ bảo hiểm. Với các lỗi vi phạm trên, người phụ nữ này đã bị xử phạt 15,4 triệu đồng.

Tài xế T.V.T. cũng phải nhận 24 biên bản phạt nguội với 5 lần vượt đèn đỏ và 19 lần không đội mũ bảo hiểm. Tổng số tiền phạt với các lần vi phạm của anh T. là 14 triệu đồng.

Cũng theo Công an huyện Hiệp Hòa, trong tháng 2, hệ thống camera giám sát trên địa bàn huyện ghi nhận 100 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông với tần suất từ 12 lần trở lên. Phổ biến là lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và không đội mũ bảo hiểm.

HÀNG LOẠT ĐỊA PHƯƠNG CHUẨN BỊ SIẾT CHẶT PHÂN LÔ, BÁN NỀN

Luật Kinh doanh Bất động sản mới sẽ không cho phân lô, bán nền tại hàng loạt địa phương và các chuyên gia cho rằng việc này sẽ khiến thị trường đất nền có những thay đổi vô cùng lớn.

Nhiều địa phương bị siết phân lô , bán nền

Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Theo đó, quy định về việc phân lô, bán nền trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ không cho phân lô, bán nền tại 105 thành phố (TP), thị xã; tăng thêm 81 thành phố, thị xã so với quy định hiện hành.

Được biết, theo thống kê của Bộ Xây dựng , đến tháng 12/2023, toàn quốc có 902 đô thị; trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III và 95 đô thị loại IV và 702 đô thị loại V. Như vậy, quy định mới sẽ không cho phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã; tăng thêm 81 thành phố, thị xã so với quy định hiện hành.

Ngoài 2 đô thị loại đặc biệt gồm Hà Nội và TP HCM sẽ bị siết phân lô bán nền còn có 22 đô thị loại I; trong đó, có 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 19 thành phố thuộc tỉnh gồm Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh, Hải Dương, Pleiku, Long Xuyên.

Bên cạnh đó là 36 đô thị loại II bao gồm các thành phố thuộc tỉnh Phan Thiết, Cà Mau, Tuy Hòa, Uông Bí, Thái Bình, Rạch Giá, Bạc Liêu, Ninh Bình, Đồng Hới, Phú Quốc, Vĩnh Yên, Lào Cai, Bà Rịa, Bắc Giang, Phan Rang-Tháp Chàm, Châu Đốc, Cẩm Phả, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Trà Vinh, Sa Đéc, Móng Cái, Phủ Lý, Bến Tre, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Sơn La, Tân An, Vị Thanh, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Kon Tum, Dĩ An, Yên Bái.

Ngoài ra, còn có 45 đô thị loại III bao gồm 29 thành phố: Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Hội An, Hưng Yên, Đông Hà, Bảo Lộc, Hà Giang, Cam Ranh, Cao Bằng, Lai Châu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Tam Điệp, Sông Công, Sầm Sơn, Phúc Yên, Hà Tiên, Đồng Xoài, Chí Linh, Long Khánh, Gia Nghĩa, Ngã Bảy, Thuận An, Hồng Ngự, Từ Sơn, Phổ Yên, Tân Uyên, Bến Cát, Gò Công.

Cùng với đó, 16 thị xã gồm Sơn Tây, Cửa Lò, Phú Thọ, Bỉm Sơn, La Gi, Sông Cầu, Long Mỹ, Tân Châu, Cai Lậy, Quảng Yên, Kỳ Anh, Bình Minh, Đông Triều, Phú Mỹ, An Nhơn, Kiến Tường.

Thị trường đất nền sẽ diễn biến ra sao?

Trước động thái siết phân lô bán nền , nhiều chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền nói riêng sẽ bị tác động khá mạnh mẽ.

Theo đó, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam đánh giá, với những quy định về siết phân lô bán nền của luật mới, có thể sẽ khiến thị trường đất nền chịu ảnh hưởng lớn về cả nguồn cung, tệp khách hàng và giá bán.

Vị chuyên gia này lí giải, hiện nay có tới 90% nguồn cung mua bán đất nền trên thị trường là các sản phẩm cá nhân tự phân lô, tách thửa rồi lập dự án bán hàng. Trong đó, loại hình đất nền tự tách thửa có giá bán, diện tích, nguồn hàng đa dạng, dễ tiếp cận và phù hợp với tài chính của nhiều người mua.

Đồng thời, loại hình đất nền cá nhân tự tách thửa thường phát triển theo hình thức “ăn theo” hạ tầng hay các dự án chính quy, giá bán sẽ rẻ hơn các dự án đất nền quy hoạch hoàn thiện. Do đó, ngay cả người bán và người mua đều chuộng đất nền tự tách thửa hơn là mua các dự án đất nền chính quy.

Vì thế, khi siết chặt việc phân lô, nguồn cung trên thị trường sẽ bị thu hẹp lại, tệp khách hàng có thể tiếp cận loại hình này cũng ít nhiều có giảm sút so với thời gian trước đây. Song song với đó, thị trường sẽ có thể xuất hiện một lượng lớn sản phẩm đất nền diện tích lớn đến từ những nhà đầu tư ôm đất với mục đích phân lô, tách thửa kiếm lời. Khi ấy, các nhà đầu tư sẽ chấp nhận phải bán "cắt lỗ" để thoát hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) bày tỏ rằng, việc siết quy định phân lô bán nền, tách thửa tự do giai đoạn đầu có thể làm giảm hoạt động mua bán đất phân lô, tách thửa, mặc dù vậy nhìn về lâu dài, những quy định mới này sẽ giúp thị trường đất nền ngày càng minh bạch và phát triển bền vững hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, ở nước ta nhu cầu đất nền luôn rất cao trong khi thực tế thị trường lại thiếu nguồn cung từ dự án chính thống. Điều này đã dẫn đến việc nhiều nhà đầu cơ đã tận dụng cơ hội gom đất rồi phân lô bán nền, tách thửa. Cá biệt, nhiều trường hợp còn tự ý đặt tên thương mại giống các dự án chính thống để lôi kéo nhà đầu tư, hợp tác để cùng tạo “sốt ảo”, đẩy giá nhà đất lên cao. Do đó, Chủ tịch VARS cho rằng việc siết quy định về phân lô bán nền là cần thiết...

Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai .

Với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

TP.HCM LÊN KẾ HOẠCH HỒI SINH NHIỀU DỰ ÁN GIAO THÔNG TREO HÀNG THẬP KỶ

Loạt dự án khơi thông các cửa ngõ ở TP.HCM bị treo hàng thập kỷ sẽ sớm triển khai nhờ cơ chế đầu tư theo hình thức BOT, thông qua 'đòn bẩy' Nghị quyết 98.

LỜI TÒA SOẠN:

Chương trình đầu tiên ngay khi Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực (1/8/2023), là triển khai gói vay giảm nghèo bền vững. Gần 2.800 tỷ đồng đã được giải ngân trong đợt 1 với 39 nghìn người được thụ hưởng. Hiện đợt 2 đang được triển khai tiếp với gói vay gần 1.000 tỷ đồng.

Đồng thời, nhiều dự án giao thông ách tắc lâu năm cũng bắt đầu được khơi thông khi nghị quyết cho phép các dự án đầu tư trở lại hình thức BOT.

Cùng với đó là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực cho thành phố, Nghị quyết 98 kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để phát triển TP.HCM, trở lại là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Dịp này, VietNamNet có tuyến bài ghi nhận việc thực thi Nghị quyết 98, với những nội dung đã triển khai đi vào cuộc sống có hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2012, TP.HCM động thổ dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn 2.400 tỷ đồng (về sau lên 6.200 tỷ).

Dự án này hướng tới mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc, khai thông việc đi lại ở cửa ngõ phía Nam TP và còn tạo cơ hội đổi đời cho hàng nghìn hộ dân tại khu vực này.

Thế nhưng, hơn thập kỷ trôi qua, dự án vẫn "án binh bất động" do kẹt vốn và thiếu quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư. Thêm vào đó, năm 2018, khi Trung ương chủ trương ngưng hình thức BT, dự án cầu - đường Bình Tiên cũng “đứng hình”.

Chung tình cảnh, đoạn quốc lộ 13 dài gần 5km, từ cầu Bình Triệu 1 đến ngã tư Bình Phước (TP Thủ Đức) là cửa ngõ chính phía Đông Bắc của TP.HCM kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên; đồng thời là đoạn liên kết nhiều trục đường lớn như Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 1, cũng là tuyến dẫn vào bến xe Miền Đông.

Hiện nay, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có 8 làn xe thì đoạn qua địa bàn TP.HCM chỉ có 6 làn xe nên xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì chưa thể làm dải phân cách ngăn làn ô tô và xe máy.

Từ năm 2001, đoạn Quốc lộ 13 trên là một thành phần của dự án cầu đường Bình Triệu 2, thực hiện theo hình thức BOT. Khi đang tìm nguồn vốn để triển khai thì Nghị quyết 437/2017 Quốc hội ban hành có nội dung dừng dự án BOT trên các đường hiện hữu.

Ở cửa ngõ phía Tây, tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh dài gần 10km cũng "ngạt thở" vì áp lực giao thông. Đoạn đường gần nút giao với đại lộ Võ Văn Kiệt về Long An chưa được mở rộng so với các đoạn còn của quốc lộ 1 từ Bình Tân về TP Thủ Đức khi mặt cắt ngang chỉ 19m, 6 làn xe, chưa có dải phân cách giữa ô tô và xe máy.

Đoạn quốc lộ mang tính huyết mạch của cửa ngõ phía Tây này được đề xuất mở rộng lên 52m với tổng vốn 12.900 tỷ đồng. Theo Sở GTVT TP, nhu cầu mở rộng rất cấp bách trong bối cảnh đoạn tuyến đang quá tải, xe máy phải trộn dòng với ô tô rất nguy hiểm.

Còn ở cửa ngõ Tây Bắc, Quốc lộ 22 (đi qua huyện Hóc Môn) kết nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cũng đã quá chật chội so với nhu cầu giao thông hiện tại. Đoạn từ An Sương về đến ngã tư Hóc Môn thường ngày đều ùn ứ vào những khung giờ cao điểm sáng và chiều gây ám ảnh với tài xế, doanh nghiệp….

Nghị quyết 98 khơi thông nguồn vốn cho hạ tầng thành phố

Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, trước đây, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư cho giao thông. Đây là trở ngại lớn nhất khiến các dự án mở rộng các cửa ngõ ở thành phố nhiều năm qua “giậm chân tại chỗ” vì thiếu vốn.

Tuy nhiên, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua (1/8/2023), cho phép triển khai các dự án theo hình thức BOT, đã mở ra cơ hội lớn để thành phố khơi thông nguồn lực, phát triển hạ tầng.

Dù địa bàn thành phố có tới 107 tuyến đường trục chính được quy hoạch có thể triển khai hình thức BOT theo cơ chế mới, nhưng trước mắt, Sở GTVT chọn 5 dự án thực sự cấp bách đề xuất với UBND TP ưu tiên làm thí điểm trước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 98 đã từng bước giúp thành phố giải quyết được rất nhiều điểm nghẽn về đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, về đô thị, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của TP Thủ Đức.

Tận dụng lợi thế này, thành phố đã ban hành danh mục dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT, gồm 5 dự án để triển khai từ nay đến năm 2028.

Cụ thể, Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương; Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An; Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3; Dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.

Theo ông Mãi, đây là những dự án thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mà Nghị quyết 98 trao cho thành phố.

Cụ thể, 5 công trình triển khai theo hình thức trên ước tính vốn đầu tư gần 45.600 tỷ đồng. Trong đó, ba tuyến quốc lộ 1, 13, 22 ở các cửa ngõ sẽ được mở rộng với tổng kinh phí khoảng 33.900 tỷ.

Ông Mãi cho hay, sau khi hoàn tất thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với nhà đầu tư, thành phố dự kiến khởi công các dự án trên vào cuối năm 2025 hoặc đầu 2026, hoàn thành sau ba năm.

Thành phố cần hơn 8.100 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Sau đó, tổng nhu cầu vốn cho các dự án ước tính 36.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách tham gia hơn 16.700 tỷ đồng, còn lại của nhà đầu tư.

“Nghị quyết 98 cho phép thành phố vận dụng trở lại hình thức BOT, đã giúp khơi thông được điểm nghẽn về vốn. Đây là cơ sở để thành phố triển khai trở lại các dự án bị treo vì thiếu vốn và các dự án mới, giúp phát triển hạ tầng giao thông, xứng với tiềm năng và lợi thế”, ông Mãi nhấn mạnh.

Nguồn: Thanh Niên; Vietnamnet; CafeF; Infonet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang